You are on page 1of 7

Sông Tiêu Tương với văn hoá Kinh Bắc

Tin đưa ngày 2/7/2007

CN. Phạm Thị Thuỷ Chung(*)

Kinh Bắc là quê hương của Lý Công Uẩn, vị vua đã có công sáng lập nên triều đại nhà Lý, triều đại huy
hoàng mở đầu lịch sử nền quân chủ của quốc gia Đại Việt. Kinh Bắc cũng là quê hương của những làn điệu
dân ca Quan họ đằm thắm - trữ tình. Kinh Bắc còn là cái nôi văn hoá của người Việt, vùng đất của các nhà
khoa bảng, các danh nhân, các nghệ sĩ tài năng về thơ ca, nhạc họa. Bởi vậy, nói đến Kinh Bắc, chúng ta
thường liên tưởng ngay đến một “kinh đô văn hoá” của người Việt suốt từ Cổ, Trung đến Cận đại. Vậy yếu
tố nào đã kiến tạo nên vùng văn hoá Kinh Bắc rực rỡ trong suốt hàng nghìn năm qua? Câu trả lời: Đó là do
“khí thiêng” của một vùng địa linh - nhân kiệt đã hun đúc nên văn hoá Kinh Bắc.
Câu trả lời nghe thật đơn giản, nhưng để đi tìm cái “khí thiêng” của vùng địa linh - nhân kiệt này, đã có
nhiều nhà nghiên cứu với hàng trăm công trình khảo cứu - nghiên cứu đề cập tới. Vậy mà cho đến nay, văn
hoá Kinh Bắc vẫn còn chứa đựng trong nó nhiều điều bí ẩn. Chính những điều bí ẩn này đã tạo nên sức hấp
dẫn của văn hoá Kinh Bắc trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Trong rất nhiều bí ẩn đang ẩn chứa trong
lòng văn hoá Kinh Bắc, có một yếu tố văn hoá đặc biệt của vùng đất này mà cho tới nay vẫn còn là một dấu
hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu, đó là dòng sông có tên gọi Tiêu Tương.

Tiêu Tương là một dòng sông cổ đã “chết” nhưng lại đang “sống” trong tâm thức người dân Kinh Bắc với
những huyền thoại, những câu chuyện kể, những áng văn thơ và những làn điệu dân ca trữ tình. Tiêu Tương
không phải là một con sông lớn nhưng lại được nhắc đến rất nhiều trong các tài liệu và các tác phẩm văn
học suốt hàng nghìn năm qua. Tiêu Tương có lúc được nhắc đến rất cụ thể, có lúc lại rất mơ hồ như chưa
từng tồn tại... Chính những yếu tố này đã khiến cho Tiêu Tương giống một dòng sông huyền thoại hơn là
một chứng cứ lịch sử. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay, các tài liệu thành văn nói về dòng Tiêu Tương rất khác
nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau.

Để có được một cái nhìn cụ thể về dòng sông này, rất khó để chúng ta có thể đọc được một cách đầy đủ
thông tin qua các tài liệu trong chính sử. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng những thông tin đã thu thập được
qua các nguồn tư liệu thành văn, chúng tôi đã sử dụng phương pháp tiếp cận địa - văn hoá để xác định
những thông tin đó qua quá trình điều tra điền dã tại thực địa. Kết quả bước nghiên cứu đầu cho thấy: Tiêu
Tương không chỉ đóng vai trò quan trọng trong văn học và nghệ thuật mà còn là một chứng tích lịch sử
quan trọng của người Việt trong quá trình xây dựng nền độc lập từ giai đoạn trước Công nguyên. Hơn thế,
Tiêu Tương còn là một huyết mạch quan trọng trong việc chuyển tải, giao lưu văn hoá với các khu vực địa
lý khác. Có thể nói, Tiêu Tương chính là một thành tố quan trọng đã góp phần hình thành nên vùng văn hoá
xứ Bắc từ hơn 2000 năm qua. Xác định rõ thành tố nói trên cũng chính là mục đích của chúng tôi khi thực
hiện bài viết này.

1. Dòng sông trong văn hoá người Việt thời kỳ mở nước


Theo nghiên cứu của các nhà sử học thì quốc gia Âu Lạc của người Việt thời An Dương Vương vốn là sự
thống nhất của hai bộ tộc Âu Việt ở vùng núi và Lạc Việt ở đồng bằng tạo nên quốc gia đầu tiên của người
Việt. Người Việt Âu Lạc chọn sông - nước làm môi trường sinh sống và những vùng đất ven sông nghiễm
nhiên trở thành các trung tâm văn hoá. Họ dùng nước làm phương thức di chuyển, đường thuỷ là hệ thống
giao thông chủ yếu. Vì vậy, các dòng sông đối với người Việt đóng một vai trò quan trọng như những mạch
máu trong một cơ thể sống. Bên cạnh việc sử dụng sông - nước làm mạch máu giao thông, người Việt còn
sử dụng sông - nước làm hào luỹ thiên nhiên để chống lại kẻ thù. Thành Cổ Loa chính là một ví dụ điển
hình cho loại hào “công sự” này. Sông - nước còn là môi trường để người Việt khai thác sản vật phục vụ
cho đời sống. Và một yếu tố cực kỳ quan trọng đã tạo nên nền văn minh lúa nước của người Việt chính là
môi trường sông - nước mà họ sinh sống. Có thể nói, sông - nước đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối
với người Việt cả trong đời sống sinh hoạt cũng như trong tâm thức của họ. Nói cách khác, tính sông nước
chính là một đặc trưng của văn hoá Việt Nam
Kinh Bắc là một vùng đất cổ của người Việt nằm trong vùng tam giác của châu thổ Bắc Bộ. Vùng đất đai
màu mỡ phì nhiêu này có được là do phù sa từ mạng lưới sông ngòi chằng chịt của vùng tam giác châu thổ
tạo nên. Có thể coi đất Kinh Bắc như một "món quà của các dòng sông"

Tiêu Tương không chỉ là một huyết mạch giao thông quan trọng của vua An Dương Vương mà còn là một
hào luỹ thiên nhiên che chắn, bảo vệ kinh đô Cổ Loa non trẻ của quốc gia Âu Lạc. Hơn thế, dòng chảy của
Tiêu Tương còn chở mạch nguồn văn hoá của người Việt từ kinh đô đến khắp các làng quê. Cũng giống
như Tô Lịch với Thăng Long - Hà Nội, Thu Bồn với Hội An hay Hương Giang với Huế, Tiêu Tương là một
dòng sông mang đầy ắp các yếu tố văn hoá và là nguồn cảm hứng vô tận của những sáng tạo vượt thời gian
và không gian. Tiếc thay, Tiêu Tương đã “chết” và sử sách thì rất ít nhắc tới. Mặc dù vậy, những giá trị văn
hoá dân gian mà dòng sông này chứa đựng vẫn đang sống một cách hết sức mãnh liệt. Đó chính là nguồn tư
liệu vô giá để chúng ta có thể làm “sống” lại dòng sông một thời vang bóng.

Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bước đầu sẽ tiếp cận được một phần trong những mối quan hệ
của sông Tiêu Tương với văn hoá Kinh Bắc để xác định vai trò và vị trí của dòng sông này với văn hoá
Kinh Bắc xưa và nay.

2. Đôi nét về dòng sông cổ Tiêu Tương qua thư tịch và truyền thuyết dân gian

Nguồn sử liệu qua các thư tịch cổ cho đến nay chỉ nhắc đến sông Tiêu Tương một cách rất khiêm tốn.
Trong đó, có rất nhiều tài liệu chỉ đề cập đến tên sông mà không nói rõ vị trí của nó nằm ở đâu trong hệ
thống sông ngòi chằng chịt ở phía bắc sông Hồng. Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi không trích dẫn
những nguồn tài liệu đó. Tuy nhiên, trong số các tài liệu thành văn đã sưu tầm, chúng tôi cũng đã tìm ra
được một số ghi chép tương đối cẩn thận. Sách Đại Nam nhất thống chí(1) chép: “sông Tiêu Lương cũ ở địa
giới phủ Từ Sơn, phát nguyên từ cái đầm lớn xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn, chảy từ phía tây sang đông
bắc qua xã Tiêu Sơn huyện Yên Phong, chuyển sang địa phận hai huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông
Thiên Đức". Sách Địa chí Hà Bắc(1) ghi rằng: “Sông Tiêu Lương, còn gọi là sông Tiêu Tương, ở địa giới
huyện Tiên Sơn phát nguyên từ hồ Lãng Bạc chảy từ phía tây sang đông bắc qua xã Tương Giang, Vân
Tương, qua các làng quan họ nổi tiếng như Lim, Bưởi, Ó, Se, Bò... rồi chảy vào sông Cầu”... Ngoài ra, các
công trình nghiên cứu của các học giả, các nhà nghiên cứu quen biết như: Đào Duy Anh (lịch sử), Nguyễn
Văn Huyên (văn hoá), Lê Bá Thảo, Nguyễn Văn Tiệp (địa lý), Trần Quốc Vượng (lịch sử)(2) v.v... cũng có
đề cập đến sông Tiêu Tương, nhưng cũng như những chi tiết chúng tôi đã trích ở trên, đều chưa đi đến
thống nhất. Vì vậy, khi tiến hành khảo sát sông Tiêu Tương theo các tài liệu này chúng tôi gặp rất nhiều
khó khăn. Tuy nhiên, những chi tiết trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh được
chúng tôi chọn làm “xuất phát điểm” cho quá trình điền dã thực địa. Trên cơ sở nguồn tài liệu này, chúng
tôi nghĩ rằng trước khi đổ về đầm Phù Lưu, sông Tiêu Tương là một nhánh của sông Hồng, tách ra từ phía
đông huyện Mê Linh, qua phía Bắc huyện Phong Khê, tiến gần sát phía Nam Cổ Loa... Phải chăng sông
Hoàng Giang mà các tài liệu của các tác giả đi trước đã đề cập tới và Tiêu Tương đã từng chung một dòng?
Hay nói cách khác, những tên sông đó phải chăng chỉ là tên của một dòng sông có tên gọi Tiêu Tương?
Để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, công việc của chúng tôi là tiến hành xác định dòng chảy thực tế của
sông Tiêu Tương. Tuy nhiên, trong số những tài liệu chúng tôi có hiện nay, không có tài liệu nào ghi chép
đầy đủ và cho phép hình dung rõ nét về toàn bộ dòng chảy của con sông Tiêu Tương. Chính hình ảnh "thoắt
ẩn, thoắt hiện" của con sông đã thôi thúc chúng tôi lần theo dòng chảy cổ xưa của nó. Và kết quả bước đầu
cho phép chúng tôi đặt ra một giả thuyết: Sông Tiêu Tương là đoạn cuối của sông Hoàng (Hoàng Giang)
trước khi nhập vào sông Cầu rồi theo Lục Đầu ra biển. Phải chăng chính dòng chảy này đã tạo nên một dải
văn hoá của các làng quê ven đôi bờ sông, mang đậm đặc trưng của xứ Kinh Bắc, vùng đất được mệnh
danh là cái nôi văn hoá của người Việt qua suốt các thời kỳ Cổ, Trung đến Cận đại? Đây sẽ là những nội
dung mà chúng tôi muốn làm rõ trong quá trình nghiên cứu về dòng sông cổ đầy ắp huyền thoại này.
Một điều hết sức thú vị là sông Tiêu Tương tuy “mù mờ” trong chính sử nhưng lại được thể hiện rất “đậm
nét” qua các truyền thuyết, các câu chuyện cổ, các áng thơ văn, âm nhạc... của dân gian hay qua các tên đất,
tên làng - những địa danh văn hoá mà nó đi qua. Đây chính là nguồn dữ liệu sống rất có giá trị trong thực tế
để chúng tôi kiểm chứng những giả thuyết mà mình đã đặt ra. Một trong những câu chuyện được nhiều
người kể và cho tới nay vẫn còn lưu lại khá đậm nét trong tâm thức dân gian, đó là chuyện tình chàng
Trương Chi. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, có một chàng đánh cá nghèo tên là Trương Chi sống trên sông
Tiêu Tương, trong một chiếc thuyền chài nhỏ. Hằng ngày, chàng vừa tung chài, kéo lưới, vừa ca hát say
sưa. Gần khúc sông nơi chàng thường đánh cá có lâu đài của quan Thừa tướng. Nàng Mỵ Nương con gái
quan Thừa tướng hằng ngày nghe tiếng hát của chàng mà đem lòng yêu say đắm. Cho đến một ngày, chàng
Trương Chi chuyển tới đánh cá ở một khúc sông khác. Mỵ Nương vì nhớ mong tiếng hát của chàng mà sinh
ốm tương tư. Thừa tướng cho mời biết bao thầy thuốc tài giỏi trong vùng tới cứu chữa cho con gái yêu, thế
nhưng chẳng thầy thuốc nào chữa khỏi được bệnh cho nàng. Biết được uẩn khúc trong lòng Mỵ Nương,
quan Thừa tướng cho người tìm Trương Chi đưa về dinh của mình. Hằng ngày, Thừa tướng giao cho chàng
nhiệm vụ sắc thuốc và hát cho Mỵ Nương nghe. Gặp mặt chàng đánh cá xấu xí và nghèo khổ, Mỵ Nương
thất vọng và từ đó khỏi bệnh.
Chàng Trương Chi lại trở về với dòng Tiêu Tương thơ mộng. Từ đó, đến lượt chàng thầm yêu trộm nhớ
nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Ôm mối tình vô vọng, giận cho duyên phận hẩm hiu, chàng nhảy xuống sông tự
vẫn. Hồn chàng sau khi chết nhập vào cây bạch đàn.
Quan Thừa tướng vô tình mua cây bạch đàn về, sai người tiện một bộ ấm chén uống trà rất đẹp. Lạ kỳ thay,
mỗi khi rót nước vào chén, người ta lại thấy thấp thoáng hình bóng chàng đánh cá xấu xí trong lòng chén
nước. Mỵ Nương cầm chiếc chén trên tay, cảm động vì chuyện xưa, giọt nước mắt của nàng nhỏ vào trong
chén. Và, chiếc chén bỗng tan ra thành nước".(1)
Câu chuyện trên đây cũng giống như rất nhiều câu chuyện tình lãng mạn khác, nhưng điều đặc biệt là
những cái tên Trương Chi, Mỵ Nương, Tiêu Tương... trong câu chuyện này đã trở nên rất đỗi quen thuộc
đối với người dân Kinh Bắc; quen thuộc tới mức hầu như bất cứ một người già nào ở nơi này cũng đều
thuộc một giai thoại hay một khúc hát về Mỵ Nương, Trương Chi hay Tiêu Tương. Điều đó cho thấy, sông
Tiêu Tương mặc dù tới nay là con sông “chết” nhưng đã in sâu trong tiềm thức của người dân xứ Bắc. Hay
nói cách khác, sông Tiêu Tương đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình kiến tạo nên bản sắc
văn hoá xứ Bắc và là một trong những yếu tố tiền đề cho sự ra đời của vùng văn hoá Kinh Bắc.
3. Mối quan hệ của sông Tiêu Tương với vùng văn hoá xứ Bắc
Theo các thư tịch cổ (như Đại Nam nhất thống chí, Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử
thông giám cương mục...) Kinh Bắc là nơi dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi (chủ
yếu là đường thuỷ dựa trên hệ thống các sông ngòi ở phía bắc sông Hồng). Nhà Hán mở con đường bộ từ
Hồ Nam qua Ngũ Lĩnh đến Quảng Tây và kéo dài xuống phía nam sang đất Việt ta đến lưu vực sông
Thương. Sau đó con đường này được kéo dài đến Long Biên, rồi đến Tống Bình (Hà Nội bây giờ). Đây
chính là con đường bộ từ phương bắc sang nước ta, chạy qua đất Vũ Ninh, dựa theo bờ sông Tiêu
Tương(1). Thời phong kiến, con đường này là con đường đi sứ giữa nước ta với Trung Quốc, được gọi là
Quan lộ. Đồng thời, đây cũng là con đường quân sự, con đường giao lưu kinh tế, văn hoá quan trọng của
các lộ phía bắc nước ta. Thời Pháp thuộc, Quan lộ được nắn thẳng và mở rộng thành Quốc lộ 1. Cho tới
ngày nay, đây vẫn là một huyết mạch quan trọng hàng đầu trong hệ thống giao thông của nước ta.
Với những đặc điểm nói trên, vùng văn hoá này đã được tiếp cận khá sớm với văn hoá phương bắc. Việc
học hành, thi cử ở đây rất thịnh. Một đặc điểm nổi bật nữa của Vũ Ninh là sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật
giáo. Chùa Pháp Vân ở Thuận Thành, chùa Kiến Sơ ở Phù Đổng là những chùa có rất sớm và nổi tiếng ở
Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang (bút danh của Hoà thượng
Thích Nhất Hạnh - người Việt Nam đầu tiên vinh dự được đề cử nhận giải Nobel hoà bình) thì chùa Dâu ở
Bắc Ninh chính là một trong ba thánh tích Phật giáo sớm nhất ở Trung Hoa và Việt Nam có từ những năm
đầu Công nguyên (hai trung tâm khác là Lạc Dương và Bành Thành ở Trung Hoa). Vào thời Lý, đạo Phật
chiếm vị trí độc tôn trong xã hội nên rất nhiều chùa chiền đã được xây dựng tập trung trên đất của bộ Vũ
Ninh. Chính những nét văn hoá này là yếu tố cấu thành đặc trưng văn hoá của vùng đất Kinh Bắc: Vừa
mang tính hồn nhiên, bình dị của một nền văn hoá dân gian, lại vừa kín đáo và mang tính triết lý sâu xa của
một nền văn hoá bác học.
Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ của sông Tiêu Tương với văn hoá Kinh Bắc thì việc tìm hiểu những địa
danh văn hoá mà con sông này chảy qua đóng vai trò quyết định trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi.
Dọc theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta có rất nhiều địa danh nổi tiếng trong lịch
sử gắn với Hoàng Giang, Tiêu Tương. Và địa danh đầu tiên chúng tôi chọn khảo sát là Cổ Loa. Khi xây
thành Cổ Loa, An Dương Vương đã lợi dụng Hoàng Giang tạo nên các đoạn hào tự nhiên để bảo vệ
thành(1). Cổ Loa đã đi vào sử sách với vị thế là đô thành của An Dương Vương, triều vua khai sáng của
người Việt từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Khi nhà nước Âu Lạc sụp đổ, đất nước lại rơi vào tay nhà
Hán. Trải qua hơn một nghìn năm bị đô hộ, chiến thắng lừng lẫy của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã
đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Với ý chí xây dựng lại cơ đồ của cha ông, Ngô Quyền
tiếp tục định đô tại Cổ Loa(2). Và Cổ Loa lại trở thành kinh đô của người Việt và là đất Kinh Bắc trong giai
đoạn thuộc Hán. Ngày nay, Cổ Loa thuộc địa phận Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam. Vùng đất này đã trở
thành một địa danh lịch sử - văn hoá quan trọng của thủ đô, chứa đựng trong lòng mình một kho tàng văn
hoá vô cùng quý giá có thể minh chứng cho bao sự đổi thay của đất nước trên những chặng đường lịch sử.
Nối liền với Cổ Loa, Dục Tú là một trong những địa danh văn hoá quan trọng tiếp theo nằm ven bờ sông
cổ. Một điều rất lý thú là Dục Tú trong hơn hai nghìn năm qua đã ngẫu nhiên trở thành mảnh đất ngoại
thành của ba trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá quan trọng của người Việt từ thời An Dương Vương đến
nay, đó là Cổ Loa, Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội. Do không đóng vai trò là trung tâm chính trị nên
Dục Tú ít bị tàn phá bởi các thế lực đối kháng như với Cổ Loa và Thăng Long - Hà Nội. Chính điều này đã
khiến cho các di sản văn hoá của người Việt nơi đây tồn tại một cách liền mạch.(1)
Một truyền thuyết trong dân gian còn lưu lại cho biết: Trong thời gian ở Cổ Loa, Ngô Quyền đã lấy vợ là
một cô gái cắt cỏ nghèo mang họ Đỗ, quê ở Dục Tú. Do người vợ này không thể có con nên sau đó đã được
ông ban lộc và cho về quê sinh sống. Bà phi họ Đỗ đã xin với Ngô vương cho mở mang quê nhà. Lúc bấy
giờ, Dục Tú còn ở trên bãi sông. Bà phi thả một quả bưởi xuống dòng Hoàng Giang, xin rằng quả bưởi trôi
đến đâu, sẽ được cắm địa giới làng Dục Tú đến đó. Quả bưởi của bà đã trôi tới sát chân thành Cổ Loa rồi
dừng lại. Hoàng Giang đã trở thành gạch nối gắn kết giữa Cổ Loa và Dục Tú từ đó.
Trong khi điền dã, chúng tôi đã được nghe các cụ già ở Dục Tú kể lại là cách đây vài chục năm, giữa hai
thôn Tiền và Hậu là một dãy ao chạy dọc theo chiều dài của làng. Dân hai thôn chiều chiều ra cầu ao rửa
rau vẫn thường trao đổi những câu chuyện lợn gà, tấm cám... Ấy vậy mà giọng nói của hai thôn lại hoàn
toàn khác biệt. Như vậy, có thể dãy ao đó xưa kia chính là khúc sông Hoàng (Hoàng Giang) chảy qua
DụcTú. Một dấu vết khác của dòng sông đã từng chảy qua Dục Tú là cánh đồng Rộc Sổ. Lúa trồng ở đây
tốt nhanh kỳ lạ. Khi lúa đương thì, cả cánh đồng lúa tốt như một rừng lau, bông lúa cao ngút đầu người. Sở
dĩ lúa ở đây tốt tươi như vậy là bởi vì được nuôi dưỡng bằng nguồn phù sa đọng trong lòng sông cũ. Những
di vết của dòng sông này tiếp tục “dẫn” chúng tôi đến một làng quê Kinh Bắc khác đó là Phù Lưu.
Phù Lưu là nơi nổi tiếng trù phú của đất Kinh Bắc xưa, với đình Phù Lưu, với con đường làng lát đá phiến
màu xanh, với đầm Phù Lưu mang đầy màu sắc huyền thoại của những câu chuyện kể về dòng Tiêu và
chàng Trương. Từ Phù Lưu, sông Tiêu Tương len lỏi qua Dương Lôi, quê hương của bà Phạm Thị, mẹ của
đức Lý Thái Tổ. Sau đó dòng sông này chảy giữa hai xã Tam Sơn và Tương Giang. Đất Tam Sơn xưa kia
tương truyền là nơi có nhiều người đỗ đạt. Vì thế, theo truyền thuyết dân gian, đây là nơi có dinh quan
Thừa tướng, cha của nàng Mỵ Nương. Cũng chính tại nơi đây đã ghi lại câu chuyện cảm động về mối tình
của chàng Trương Chi với nàng Mỵ Nương. Gần như song song với Quốc lộ 1, sông Tiêu Tương tiếp tục
chảy giữa các làng Quan họ, qua Lim, Xuân Ổ, Võ Cường, ... rồi đổ về sông Cầu để từ đó theo dòng Lục
Đầu mà ra biển.
Kết quả khảo cổ thu được tại Phù Lưu cho thấy dấu vết của một công xưởng chế tạo đá (Bãi Tự) có quy mô
khá lớn. Người ta đã tìm thấy ở đây hàng trăm lưỡi cưa và mũi khoan đá, cùng rất nhiều phế vật, phác vật.
Di chỉ này trải rộng và lan cả đến địa phận xã Tương Giang. Tại Xuân Ổ, người ta cũng đã phát hiện ra di
chỉ Vườn Mao. Khi đào thám sát khu vực này đã thu được nhiều bàn mài, chày nghiền, đục đá, mảnh vòng
đá, mũi nhọn đá... Một điều khá thú vị mà các nhà khảo cổ học đã xác định được là niên đại của các di chỉ
vừa liệt kê trên đây đều mang nhiều yếu tố của văn hoá sơ kỳ thời đại đồng thau của nước ta (thuộc giai
đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm)(1). Những hiện vật như vậy cũng đã được tìm thấy tại di chỉ
Bãi Mèn ở Dục Tú. Sự đồng đại của chúng cho phép chúng ta khẳng định dấu tích của người Việt cổ đã tụ
cư lập làng và tiến hành những hoạt động kinh tế - xã hội phong phú ven bờ sông Tiêu Tương từ 2500 đến
3.500 năm.
Tại Phù Lưu, chúng tôi đã khảo sát một chứng cứ quan trọng, chính yếu tố này đã minh chứng cho nguyên
nhân dẫn đến “cái chết” của dòng Tiêu Tương, đó là đầm Phù Lưu. Theo tài liệu Lịch sử truyền thống làng
Xuân Ổ thì đầm làng Phù Lưu là dấu tích của sông Đuống. Vào thế kỷ XV, do Hồ Quý Ly cho đào lòng
sông để uốn thẳng dòng chảy, sông Đuống đổi dòng, từ đấy sông Tiêu Tương bị mất nguồn nước và bị bồi
lấp dần. Chứng cứ này về thời điểm lịch sử thì đáng tin vì việc nắn dòng sông Đuống là có thật. Tuy nhiên,
về vị trí địa lý có đúng như đã dẫn ở đây hay không thì còn phải tìm hiểu thêm.
Ngày nay, sông Tiêu Tương đã bị lấp gần hết, có chỗ bồi thành ruộng, có đoạn đắp thành đường. Chỉ còn
đây đó một vài khúc sông còn sót lại và được gọi là ao, đầm... Nhưng, dòng sông đẹp gắn với những truyền
thuyết và mạch nguồn văn hoá cổ truyền của vùng đất Kinh Bắc xưa vẫn còn sống động trong lòng văn hoá
dân gian. Điều gì đã khiến cho con sông này trở nên hấp dẫn đến vậy? Đó chính là sức sống mãnh liệt của
các giá trị văn hoá dân gian và sự cuốn hút của một dòng sông đã đi vào huyền thoại.
Như vậy, sông Tiêu Tương không chỉ là một dòng sông mang đầy ắp những yếu tố huyền thoại mà còn là
một dòng sông chứa đựng trong nó rất nhiều những yếu tố lịch sử. Rõ ràng, mối quan hệ giữa sông Tiêu
Tương với văn hoá Kinh Bắc là một mối quan hệ lịch sử văn hoá hết sức chặt chẽ: Sông Tiêu Tương góp
phần kiến tạo nên văn hoá Kinh Bắc và chính văn hoá Kinh Bắc đã lưu giữ lại dòng sông huyền thoại trong
tiềm thức của người dân Kinh Bắc. Có thể nói, sông Tiêu Tương đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng
trong sự hình thành nên các địa danh văn hoá ở Kinh Bắc và chính những địa danh văn hoá này đã cấu
thành vùng văn hoá Kinh Bắc rực rỡ trong suốt hàng nghìn năm qua.
4. Một vài kết luận bước đầu và một số nghi vấn
4.1. Một vài kết luận
a) Sông Tiêu Tương là một dòng sông có thực nhưng đã “chết”. Tạm thời, chúng ta có thể hình dung dòng
chảy của sông Tiêu Tương bắt nguồn từ một nhánh sông Hồng đi qua Cổ Loa, Dục Tú, Phù Lưu, Dương
Lôi, Tam Sơn, Tương Giang, Lim, Xuân Ổ,... tạo nên một dải văn hoá làng ven sông mang đặc trưng của
văn hoá Kinh Bắc.
b) Sông Tiêu Tương, cùng với sông Đuống, sông Cầu... đã hình thành nên một hệ thống giao thông thuỷ có
vai trò đặc biệt quan trọng với Kinh Bắc trong quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt kể từ khi
An Dương Vương xây dựng quốc gia Âu Lạc.
c) Bên cạnh vai trò là huyết mạch giao thông từ thời An Dương Vương, Tiêu Tương là một con đường giao
lưu kinh tế và truyền bá văn hoá từ trung tâm Cổ Loa tới các khu vực dân cư nằm ven bờ dòng sông cổ.
d) Những địa danh văn hoá có tên gọi liên quan đến Tiêu Tương như núi Tiêu, chùa Tiêu, Tương Giang...
chính là di vết văn hoá của dòng sông cổ Tiêu Tương đã “hoá thạch” trong văn hoá dân gian Kinh Bắc.
4.2. Một số nghi vấn
Theo các tài liệu trong chính sử mà chúng tôi đã dẫn ở mục 2 như Đại Nam nhất thống chí, Địa chí Hà
Bắc, thì sông Tiêu Tương khởi nguồn từ hồ Lãng Bạc hoặc đầm Phù Lưu và đổ vào sông Cầu. Như vậy, các
tài liệu này mới chỉ đề cập đến một nửa cuối của con sông. Tất nhiên, hồ Lãng Bạc hay đầm Phù Lưu
không thể “tự tạo” được nguồn nước cho Tiêu Tương. Vậy nguồn nước của sông Tiêu Tương (ngoài giả
thiết do chúng tôi đặt ra là từ Hoàng Giang) do đâu mà có?
Theo Lịch sử truyền thống làng Xuân Ổ thì do việc Hồ Quý Ly nắn dòng sông Đuống khiến Tiêu Tương bị
cạn nước trở thành dòng sông chết có chính xác hay không? Nếu chưa chính xác thì cần phải xác định lại
như thế nào?
Trong quá trình điền dã, điều tra tại thực địa, một số người dân đã nói với chúng tôi rằng: Tiếng hát của
chàng Trương Chi xưa chính là tiếng hát của những làn điệu dân ca Quan họ mà chúng ta được nghe hôm
nay. Đây quả là một thông tin bất ngờ và thú vị nhưng cơ sở nào để xác định đó là sự thực?...
Để kiểm chứng tất cả những thông tin trên, chúng tôi còn phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về dòng sông cổ
đầy ắp huyền thoại này. Trong khuôn khổ của một nghiên cứu chuyên khảo đang trong quá trình phôi thai,
chúng tôi không dám đưa ra nhiều kết luận mà chưa qua kiểm chứng thực tế. Hy vọng trong tương lai,
chúng tôi sẽ có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh về dòng sông cổ Tiêu Tương; để từ đó có thể giúp
cho bạn đọc có thêm một nguồn tài liệu tương đối đầy đủ và chính xác về dòng sông này và vai trò của nó
đối với văn hoá Kinh Bắc cũng như văn hoá của người Việt trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc.
Hà Nội, 18/9/2005
P.T.T.C
(Theo: Thông báo văn hoá dân gian 2005, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006)

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Đại Nam nhất thống chí, Nxb Khoa học xã hội, H, 1971
2. Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần, thế kỷ XIV, Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Nxb
Văn - Sử - Địa, H, 1960
3. Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1997
4. Địa chí Hà Bắc, Thư viện Hà Bắc xb, 1980
5. Thiên nhiên Việt Nam, Lê Bá Thảo, Nxb Khoa học kỹ thuật, H, 1977
6. Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử, Trần Quốc Vượng, Sở Văn hoá- Thông tin Hà Nội xb, 1970
7. Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Trần Quốc Vượng, Nxb Văn hoá dân tộc - Tạp chí Văn hoá nghệ
thuật, H, 2000
8. Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền, Tô Ngọc Thanh - Hồng Thao, Nxb Văn hoá, H, 1986
9. Quan họ, nguồn gốc và quá trình phát triển, Đặng Văn Lung - Trần Linh Quý - Hồng Thao, Nxb Khoa
học xã hội, H, 1978
10. Chuyện âm nhạc, Hồng Thao sưu tầm, Nxb Thanh Niên, H, 1978
11. Tài liệu Lịch sử truyền thống làng Xuân Ổ, Nguyễn Kỳ Chúc chủ biên
12. Văn bia Văn miếu Bắc Ninh, Nguyễn Quang Khải dịch và chú giải, Nxb Văn hoá dân tộc, H, 2000

(*) Văn phòng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
(1)
(2)
đã hào phóng tặng cho người Việt trong giai đoạn đầu xây dựng quốc gia của họ. Đối với người dân Kinh
Bắc, dòng sông không chỉ là một thực thể của tự nhiên mà còn là một “người bạn” gần gũi, thân thiết với
con người. Dường như mỗi con người nơi đây đều gắn bó với một dòng sông đi qua quê hương của mình
và “chảy” qua tâm hồn mình. Tiêu Tương chính là một dòng sông như vậy.
(1) Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Trần Quốc Vượng, Nxb Văn hoá dân tộc, H, 2000, tr. 42.

(2) Thiên nhiên Việt Nam, Lê Bá Thảo, Nxb Khoa học kỹ thuật, H, 1977, tr. 112.

(1) Trang 79.


(1) Trang 60
(5) Xem thêm các tác giả này trong danh mục tài liệu tham khảo.
(1) Theo Chuyện âm nhạc, Hồng Thao sưu tầm, Nxb Thanh Niên, H, 1993
(1) Tài liệu Lịch sử truyền thống làng Xuân Ổ do Nguyễn Kỳ Chúc chủ biên
(1) Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử, Trần Quốc Vượng, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, 1970, tr. 56, 57.
(2) Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch và chú giải, Nxb Văn - Sử - Địa, 1960, tr. 41.
(1) Hồng Hải - Thuỷ Chung, "Quần thể di tích lịch sử văn hoá Dục Tú", Tạp chí Kiến trúc, số 1/2005.
(1) Sách Địa chí Hà Bắc, Thư viện Hà Bắc xuất bản, 1980, tr. 395, 396.
http://www.ncvanhoa.org.vn/InfoDetail.asp?Action=View&ID=70&CatID=24&MaxID=
24

You might also like