You are on page 1of 2

Ngày 15 tháng 4 năm 2007

Kính gởi: Cô Phan Thị Tươi, Hiệu Trưởng Trường Đại Học Bách Khoa Tp. HCM

C/c: Thầy Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo

V/v: Phản hồi về quyết định ‘Thôi chức vụ Chủ Nhiệm Bộ Môn KTHK’ của Hiệu Trưởng ký
ngày 12 tháng 4 năm 2007

Thưa Cô,

Trước hết cho em gởi lời chào trân trọng đến Quý Thầy Cô Trường ĐH Bách Khoa TpHCM.

Em là Nguyễn Phụng Tâm, hiện định cư tại tiểu bang California, Hoa Kỳ, đảm nhiệm chức vụ Kỹ Sư
Hàng Không, bảo dưỡng và sửa chữa máy bay tại sân bay quốc tế Los Angeles. Đồng thời cũng là cựu
sinh viên hàng không khóa đầu tiên niên khóa 1994-1999 tại quý trường.

Tuần qua, thông tin về quyết định của Cô Hiệu Trưởng cho thôi chức vụ Chủ Nhiệm Bộ Môn Kỹ Thuật
Hàng Không (BMKTHK) trước thời hạn đối với Thầy PGS Tiến Sĩ Nguyễn Thiện Tống đã nhanh chóng
lan truyền từ trong nước ra đến hải ngoại trong giới kỹ thuật hàng không, đặc biệt là đối với tập thể nhóm
Cựu Sinh Viên KTHK (với thành viên trên 200 người). Thông tin này cũng đã gây xôn xao và để lại một
sự bất bình cho một quyết định không hợp tình, hợp lý và làm hoang mang và mất đi niềm tin vào sự lãnh
đạo của nhà trường đối với các Cựu SV cũng như SV đang theo học tại Bộ Môn.

Chúng em, là một chứng nhân cho sự THÀNH CÔNG trong sự hình thành và phát triển của BM KTHK
– ĐHBK từ khóa đầu tiên ra đời năm 1996 cho đến nay, và trước sự bất công từ quyết định của lãnh đạo
nhà trường, chúng em cần cất tiếng nói.

Là SVHK khóa đầu tiên HK94, chúng em đã trải qua những ngày đầu khó khăn khi BM mới vừa thành
lập, mà người Cha đẻ của ngành này tại trường Bách Khoa là Thầy PGS. Tiến Sĩ Nguyễn Thiện Tống.
Những ngày ấy, sự giúp đỡ của nhà trường vẫn còn khá nhỏ, và còn bị chỉ trích từ các vị ‘Giáo Sư’ hàng
đầu của Trường là ‘ăn không, ngồi rồi, lo chuyện trên trời’. BM Hàng Không thời đó, vẫn còn phải ‘ăn
nhờ, ở đậu’ vào BM Cơ Học Lưu Chất (Khoa Kỹ Thuật Xây Dựng). Giáo trình học tập bằng tiếng Việt
chưa nhiều, kinh phí cho Bộ Môn rất hạn chế, nhân sự hầu như chỉ có Một. Thầy PGS TS Nguyễn Thiện
Tống đã vất vả lo chu tòan mọi việc từ xây dựng chương trình đào tạo (cho phù hợp với hòan cảnh nước
nhà), tìm kiếm sự giúp đỡ hổ trợ về nhân sự, phương tiện giảng dạy, học bổng… cũng như liên kết với
các đối tác trong nước và nước ngòai để nâng cao chất luợng đào tạo.

Trong hơn 10 năm trời ở cương vị Chủ Nhiệm BM KTHK, Thầy Nguyễn Thiện Tống như Người lái đò
chèo chống con tàu hàng không vượt bao khó khăn, trở ngại (buồn thay đó là sự ganh tị, cũng như bất
hợp tác của một bộ phận trong nhà trường). Nhưng với tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề, vì ngành hàng
không, vì trò hàng không, vì tương lai tươi sáng của Việt Nam, người lái đò ấy vẫn đủ sức đưa thuyền ra
biển lớn. Từng lớp Sinh Viên Hàng Không tốt nghiệp ra trường, cũng như các ngành nghề khác đào tạo ở
trường, SV tốt nghiệp được làm việc đúng ngành không còn là chuyện dễ như ngày xưa. Nhưng thực tế,
đã có hơn 40% SVHK tốt nghiệp được nhận vào làm việc tại các cơ sở hàng không trong nước (Vietnam
Airlines, Pacific Airlines, A 41, A 75, hay các công ty xuất nhập linh kiện phụ tùng máy bay) và tại các
hãng hàng không nước ngòai (Cathay Pacific, Air France, Japan Airlines, DHL, United Airlines,
Philipines Airlines, etc…). Vào khoảng 10% SV ra trường quyết định ở lại trường để học cao hơn phục
vụ công tác giảng dạy của ngành hàng không. 30% SV tốt nghiệp đủ năng lực để lựa chọn con đường xin
và nhận học bổng học tiếp cao học, hay tiến sĩ tại Úc, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia. Và khỏang
20% còn lại lựa chọn con đường khác với mức thu nhập phải cao hơn hẳn ngành hàng không trong nước.
Điển hình như em, tốt nghiệp khóa đầu tiên năm 1999, đuợc nhận vào làm tại hãng hàng không Cathay
Pacific tháng 9/1999, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chức vụ kỹ sư bảo dưỡng máy bay trên các lọai máy
bay Airbus 330/340, Boeing 777/747. Để đảm nhận được trong trách và chức vụ như vậy, ban giám đốc
kỹ thuật của hãng (tại Hongkong) đã đánh giá cao chất lượng đào tạo của Bộ môn. Đó là một thành công
không thể phủ nhận đuợc. Và liên tục sau đó, hãng Cathay Pacific đã tuyển dụng thêm nhiều SV tốt
nghiệp của trường từ khóa 95 đến khóa 2001. Định cư tại Hoa Kỳ năm 2005, bằng kiến thức hàng không
đuợc học tại Việt Nam, em nhanh chóng được thâu nhận vào làm kỹ sư hàng không, bảo dưỡng và sữa
chữa máy bay tại sân bay Quốc Tế Los Angeles, California. Một lần nữa, em đã để lại một sự ngạc nhiên
(đối với người Mỹ chính gốc ở đây) rằng em đủ năng lực và chuyên môn vốn được đào tạo tại quê nhà để
đảm nhận công việc mà không cần phải qua đào tạo lại. Và đó cũng chỉ là một ví dụ nhỏ của riêng em
trong số hơn 250 SV hàng không tốt nghiệp từ Bộ Môn.

Quyết định cho thôi chức vụ Chủ Nhiệm BM KTHK đối với Thầy Tống trong một thời điểm mà Thầy chỉ
còn vài tháng nữa là đến tuổi hưu 60 và một lý do không hợp tình hợp lý đã thật sự gây bất bình trong tập
thể Cựu Sinh Viên hàng không. Chúng em hòai nghi, và sẽ tin rằng có một sự bãi nhiệm mang tính trù
dập, như một trò chơi giữa nhưng người có học vị nhằm chà đạp và xóa bỏ công lao của một người Thầy
đã tận tụy 30 năm với Giáo Dục Việt Nam và cống hiến 10 năm cho ngành hàng không.

Với cương vị là một Việt Kiều trẻ tại hải ngọai, em đón tiếp quyết định này như là một bằng chứng đi
ngược lại với chỉ thị 36 của Thủ Tướng Chính Phủ VN nhằm kêu gọi Việt Kiều trí thức trẻ vun tay cùng
xây dưng đất nước. Liệu em có thể tin vào chính sách của nhà nước hay không khi chính Thầy của mình,
là một công dân Việt, đã đóng góp nhiều công sức cho Giáo Dục Việt Nam, khi đến tuổi về chiều, được
kết thúc bằng một quyết định phủ nhận những thành quả cũng như tuổi xanh mà Thầy đã cống hiến. Liệu
giới trí thức tại hải ngọai nghĩ gì khi tin này được tải truyền trên Nhật báo Người Việt, Calitoday và liên
đài phát thanh Radio hải ngọai minh chứng cho sự ngược đãi giới trí thức tại Việt Nam, điều mà các Việt
Kiều luôn trăn trở suy xét và vẫn còn hồ nghi.

Quyết định mà hơn 250 thành viên của Cựu SVHK và SVHK đang theo học tại trường thật sự trong đợi,
đó là một sự VINH DANH cho Người đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp Giáo Dục Việt Nam cũng như
sự phát triển ngành kỹ thuật hàng không trong nước. Và Thưa Thầy, chúng em có được cơ hội tiếp cận
với kỹ thuật cao của nước ngòai, nhận được những đồng luơng cao cũng như cơ hội học tập nhiều hơn
nữa. Đó là nhờ sự táo bạo dám mở ngành hàng không của Thầy, là điều mà cách đây 11 năm, chẳng ai
dám nghĩ, dám làm.

Dù rằng quyết định được đưa ra, nhưng hình ảnh người Thầy tận tụy với trò, với nghề vẫn không bao giờ
phai mờ trong lòng SV, Cựu SV Kỹ Thuật Hàng Không, và không ai có thể thay đổi được điều đó.

Kính chào

Nguyễn Phụng Tâm – CSV HK94


Licensed Aircraft Maintenance Engineer,
Engineering Department
Los Angeles International Airport
Los Angeles, California, CA 90045. USA
Tel: 1-408 332 0119

You might also like