You are on page 1of 2

Năm chủ trương để cải cách tư pháp thành công

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa


Tạp chí Tia Sáng
09:29' AM - Thứ năm, 25/06/2009

Mục đích, các tiêu chí cải cách hệ thống tòa án theo Nghị quyết 49 đã khá rõ ràng,
theo thiển ý của riêng tôi, vấn đề hiện nay chủ yếu là ý chí chính trị của những
người giữ quyền điều hành đất nước.

Ở địa phương, chánh án các tòa án thường có một vị trí xã hội khá khiêm tốn so
với giám đốc các sở, ban ngành cùng cấp. Ở trung ương, tòa án chưa thực sự có
điều kiện để trở thành một cơ quan quyền lực, góp phần xác lập chính sách một
cách đáng kể ở nước ta.
Nếu tòa án tiếp tục thiếu tin cậy thì người dân sẽ tìm đến các phương pháp giải
quyết tranh chấp ngoài tòa, công lý không được xác lập thì nguy cơ bất ổn tăng
nhanh-hàng nghìn vụ đình công bất hợp pháp từ Nam ra Bắc, đòi nợ thuế, xiết nợ
kiểu xã hội đen là một minh chứng cho nhận định này. Thêm nữa, khi người nước
ngoài làm ăn tại Việt Nam, tranh chấp sẽ được đưa ra ngoài lãnh thổ nước ta để
giải quyết, các trọng tài Singapore hay Hồng Kông sẽ thay thế tòa án Việt Nam
trong việc xác lập trật tự kinh doanh ngay ở chính nước ta. Ngoài ra, tư pháp non
yếu thì hành pháp lạm quyền, quan chức có nhiều cơ hội lạm dụng quyền lực công mà
không bị truy hỏi về trách nhiệm chính trị cũng như pháp lý trước người dân.

Lựa chọn thành công theo gương những người hàng xóm Đông Á, chúng ta cần một nhà
nước thượng tôn pháp luật. Nhà nước ấy cần cương tỏa quyền lực của hành chính,
đặt Chính phủ, công an, quân đội, ngân hàng quốc doanh và tất cả mọi thiết chế
quyền lực khác dưới sự giám sát của pháp luật, của tòa án. Khái niệm ấy người ta
gọi là giám sát tư pháp đối với cơ quan công quyền.

Từ chối cải cách theo chiều sâu, lãng mạn phát triển theo “đặc thù riêng của đất
nước chúng ta”- cái đặc thù ấy là những nhóm lợi ích ngày càng lớn mạnh đã chia
sẻ ngày càng công khai các nguồn tài nguyên quốc gia-từ ruộng đất của nông dân tới
các nguồn khoáng sản, bờ biển, rừng núi và sóng truyền thông. Người có tiền
thường có năng lực chi phối chính sách kinh tế rất mạnh, chúng ta mau chóng sẽ có
những chính thể sốt sắng vì quyền lợi của người giàu và có thế lực. Những người
đang nắm chính quyền ở nước ta không tôn thờ một chủ nghĩa tư bản mang tính cướp
bóc ấy.

Vậy thì, dù gọi là tôn dân-nhà nước của dân, hay tôn chủ nghĩa xã hội, tăng quyền
cho các tòa án giám sát chính quyền sẽ là một hướng đi trúng. Muốn cho tòa án
mạnh, mạnh trong tương quan với các cơ quan của Đảng, của chính quyền, của các
tập đoàn kinh tế đầy sức mạnh, thì phải làm cho các cơ quan tư pháp độc lập,
không khuất phục trước các thế mạnh cản trở công lý.

Năm chủ trương cụ thể

Muốn cho tòa án mạnh, mạnh trong tương quan với các cơ quan của Đảng, của chính
quyền, của các tập đoàn kinh tế đầy sức mạnh, thì phải làm cho các cơ quan tư
pháp độc lập, không khuất phục trước các thế mạnh cản trở công lý.

Muốn cho tòa án mạnh, thì các thẩm phán phải độc lập. Vậy nên, cải cách tư pháp,
nếu muốn thực sự thành công và giúp dân chúng kiểm soát Chính phủ, phải hướng tới
các chủ trương cụ thể như sau:

- Thứ nhất, các thẩm phán phải được bổ nhiệm suốt đời, hoặc chí ít theo những
nhiệm kỳ dài, ví dụ 12 năm, vênh với nhiệm kỳ của cơ quan hành pháp. Sau khi được
bổ nhiệm, thẩm phán không bị thay đổi nơi trị nhiệm. Làm như vậy, các thẩm phán sẽ
bớt sợ hãi hơn trước các cuộc tái bầu cử hay bổ nhiệm (cứ 5 năm một lần như hiện
nay).

- Thứ hai, quỹ lương, ngân sách hoạt động của các tòa phải không lệ thuộc vào
ngân sách địa phương. Ngạch tư pháp phải hạch toán, phân bổ ngân sách riêng từ
trung ương, lãnh đạo các địa phương tuyệt nhiên không nên có ảnh hưởng gì tới
chi tiêu của các tòa án. Thêm nữa, lương của thẩm phán cũng phải đủ nuôi họ và
gia đình một cách tương đối đàng hoàng (theo thời giá hiện nay lương cho thẩm
phán tòa phúc thẩm khoảng 10 triệu đồng/tháng là mức khiêm tốn cần trông đợi).

- Thứ ba, đã đến lúc phải từng bước thay mô hình “các con búp-bê ma-trutsch-ka”
hiện nay, theo đó mỗi địa phương là một nhà nước nho nhỏ với đủ các cơ quan cảnh
sát, quân đội, tòa án. Thành lập các tòa sơ thẩm theo khu vực, không tuân theo địa
giới hành chính; thành lập các tòa phúc thẩm khu vực; những điều này kết hợp với
sự tự do về ngân sách, sẽ làm cho tòa án ngày càng độc lập với chính quyền các
tỉnh.

Đây là một đường lối đã được thông qua tại Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp
của Bộ Chính trị, song sức cản chủ yếu nằm ở quan chức địa phương. Những quan tòa
soi mói và không dễ khuất phục chưa chắc đã là điều mà lãnh đạo các tỉnh mong muốn
hiện nay.

- Thứ tư, thẩm phán không nên chỉ là công nhân xử án, chỉ quen các thao tác tuân
theo những hướng dẫn đã có sẵn. Bảo đảm cho họ mọi sự độc lập và tự do khi tuyên
xử, và phải có những sự chuẩn bị cho cả xã hội về một vị thế mới của người thẩm
phán. Họ nên là những nhân cách được dân chúng tin tưởng và kính mến trước hết
về mặt đạo đức, về cảm nhận công lý, về bảo vệ niềm tin. Muốn vậy, nên nghiên cứu
rất kỹ cách người Nhật, người Hàn đang cải cách nền tư pháp hiện nay. Theo thiển
ý của tôi, không nên thu nạp thẩm phán từ các nhân viên thư ký tòa như hiện nay,
mà nên bổ nhiệm họ trong số những luật sư đã hành nghề có uy tín nhiều năm.

- Thứ năm, nền tư pháp chỉ có thể được cải cách, nếu bắt đầu từ nền đào tạo luật
học. Cũng như y khoa chữa bệnh cho người, người học luật nên có kinh nghiệm sống,
chí ít là nên đã có một bằng cử nhân. Không có kinh nghiệm sống đa dạng thì làm
sao phán xử được về sự đời. Các luật sư phải là người đã có một bằng đại học,
học thêm 3-4 năm nữa để hành nghề luật. Vì thế luật học không nên đào tạo ở bậc
đại học, mà chỉ nên đào tạo ở bậc sau đại học- hiểu theo nghĩa đã có một bằng đại
học trước đó. Thêm nữa, dạy luật không chỉ là lý thuyết, mà nên dạy nghề. Người
học phải trải qua các tín chỉ được thực hiện ở các văn phòng luật sư, các cơ quan
nhà nước hay tòa án. Đây là một vấn đề rất mấu chốt, vì tòa án sẽ tốt lên đáng kể
nếu các luật sư được tranh tụng công khai ngày càng giỏi và dám thách thức quan
tòa.

Việc từng bước giảm bớt hội đồng nhân dân cấp huyện, tách các tòa án huyện ra
khỏi cơ cấu hành chính để thành lập các tòa sơ cấp theo khu vực là điều có thể
làm được trong vòng vài năm tới. Nếu làm được như vậy, chúng ta đang khám phá ra
quá khứ, bởi một hệ thống tòa án từ sơ cấp- tòa phúc thẩm khu vực, tòa phá án
tách rời với địa giới các tỉnh đã từng tồn tại ở Miền Bắc Việt Nam cho tới những
năm 1953… chúng chỉ bị thay thế bởi các tòa án nhân dân sau Chiến dịch biên giới
Việt Trung. Đọc Hiến pháp năm 1946 người ta vẫn còn thấy nguyên hình hài của
chúng.

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

You might also like