You are on page 1of 9

Thư hàng tuần (số 1)

Tất cả đều có bắt đầu


Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2006

ùa xuân, trời không hẳn nóng không hẳn rét. Ở một góc phố yên tĩnh,

M hoa sưa trắng xóa như ngàn cánh bướm. Lá bàng thì đúng như trong
truyện đã tả, như những ngọn nến xanh lục thắp trên cao. Còn tôi, tôi giữ
vai trò quan sát, chứng kiến mọi sự thay đổi của vạn vật xung quanh và
của cuộc sống của chính mình.

Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là hộp thư điện tử. Chỉ trong vòng một tuần, tôi
nhận được hơn 200 email từ khắp mọi nơi. Việc đọc và trả lời mail, tưởng là nhàn nhã,
vậy mà cũng kha khá vất vả. Kiểm lại phần Sent box thấy mình cũng trả lời được phần
nhiều, tôi lấy làm khâm phục bản thân lắm lắm. Bây giờ ngồi ngẫm nghĩ, bỗng mỉm
cười một mình, vì những bức mail tưởng như giống nhau lại đem đến những điều thú
vị riêng.

Đầu tiên là những bất ngờ. Trong số mail gửi đến cho tôi, có hai bức là từ
những người bạn cũ đã lâu tôi mất liên lạc. Một người là bạn cùng lớp hồi tiểu học
đã dạy tôi chơi cờ vua, một người là bạn cùng lớp cấp ba thỉnh thoảng vẫn cho tôi
nhìn bài khi có tiết kiểm tra. Thật ra họ vẫn ở đâu đó gần tôi, nhưng chỉ đến khi thông
tin về tôi xuất hiện trên báo, trên net, tôi và họ mới có thể tìm lại nhau.

Tiếp theo, tôi phải kể đến các thư khó trả lời. Ngoài những mail từ Đức, Pháp...
hỏi chỗ mua sách còn có thư của một bạn độc giả nhỏ tuổi hơn tôi. Bạn này sau khi
xem phần Thư viện hình ảnh thấy bức Hoa đá Sapa liền viết mail cho “khổ chủ” hỏi
thông tin. Tôi đã tra hết các sách vở, từ điển và hỏi cả bạn bè, những người đi Sapa
nhiều lần hơn mình, nhưng không một ai biết thêm điều gì về loài hoa ấy. Đành phải
cáo lỗi với bạn và hẹn một dịp khác tìm hiểu lại.

Một số mail gửi cho tôi với những đề nghị hỗ trợ. Một kỹ sư tin học ngỏ lời
nhận sửa máy tính miễn phí giúp tôi, một số người khác thì gợi ý thiết kế và nâng
cấp www.sachcuatrang.com thành website động... Tôi xin cảm ơn những ý định tốt
đẹp của họ nhưng xin phép được từ chối. Trước tiên vì tôi muốn tự cố gắng bằng
khả năng của mình. Sau nữa là vì tôi nghĩ mình không nên làm phiền mọi người vì
những việc chưa quá nghiêm trọng như vậy.

Bức thư hằng tuần đầu tiên chắc cũng đủ dài rồi... Xin tạm biệt.
Thư hàng tuần (số 2)

Bán rẻ chứ cóc phải cho không


Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2006

ại bắt đầu bằng đôi dòng tả cảnh. Trời đã hửng nắng sau một chuỗi ngày

L mưa dầm. Ngoài đường, những chiếc xe đạp chở nhót chín bán rong nhắc
người ta nhớ rằng bây giờ đã sắp sang hè. Một tuần trôi qua nhanh như
cái hắt hơi. Tôi vẫn loanh quanh với mớ công việc và cảm xúc vụn vặt của
một người được công chúng biết đến ít nhiều.

Trong hòm mail của tôi, những bức mail bày tỏ tình cảm xen lẫn những thông
tin liên lạc cho công việc như phát hành sách, mua bản quyền, phỏng vấn viết bài…
Website này đã đón lượt đọc thứ 30.000 và đoạn phim ghi lại cuộc trò chuyện trong
chương trình Cà phê tối của tôi đạt hàng trăm lượt download. Ngay cả phần bình
chọn vui tôi mới đưa ào cách đây 20 tiếng đồng hồ thôi cũng đã có tới 30 lượt bình
chọn (và nếu IP của các máy tính ở Việt Nam không trùng nhau, có lẽ con số đó còn
gấp đôi ba lần). Quả là những thống kê dễ gây choáng ngợp! Và sự bận rộn ồn ào
thì đang chờ sẵn để làm nản chí một người thích viết trong sự thảnh thơi yên tĩnh
tuyệt đối như tôi. Nhưng tất cả những điều kể trên không thấm vào đâu so với cảm
giác tưng tức khó diễn tả của tôi khi đối mặt với những lời đề nghị hơi vô tâm của
mọi người.

Tôi đến trường, bọn bạn ồ à gọi “người nổi tiếng”, vào Yahoo! Messenger thấy
một loạt yêu cầu add nick lạ hoắc lạ huơ với những cửa sổ chat ngập những lời hỏi
han tán dương chúc tụng… chưa kịp hãnh diện hay mừng vui thì nhận được lời đề
nghị tặng sách, xin file.doc, file.pdf (!). Thật không biết nên ứng xử ra sao trước
những cách ứng xử phần nào xu thời và vụ lợi đó. Lờ đi ư? Hơi bất lịch sự. Nói
thẳng rằng: “Tôi viết sách để bán rẻ chứ cóc phải để cho không” ư? E rằng chợ búa
và thẳng thừng quá. Đành để những biểu tượng mặt cười ☺ liên tục liên tục liên tục.
Thế nên, bạn đọc thân mến, đừng bắt tôi phải trả lời những câu hỏi, những lời đề
nghị xin file, tặng sách của bạn nhé. Nếu có ai tôi cảm thấy cần tặng thì tôi đã tặng
rồi… Cũng đừng trách tôi chảnh, tôi keo kiệt. Đôi khi bạn tưởng yêu cầu “có chút xíu”
nhẹ nhàng nhưng thực ra nhiều cái “chút xíu” đó hợp thành một thứ khó đáp ứng vô
cùng. Khi nhận được những yêu cầu như vậy, ngoài hai cách trả lời hơi bất lịch sự
và rất bất lịch sự kể trên, tôi chỉ có thể tặng bạn những biểu tượng mặt cười. ☺
Thư hàng tuần (số 3)

Nổi tiếng không có nghĩa là nhiều tiền


Hà Nội, ngày 4 tháng 4 năm 2006

ức mail từ một trang web Tử vi Tây (horoscope) bảo rằng tuần này tôi sẽ

B gặp chuyện buồn về vật nuôi và may mắn về tiền bạc. Cho đến hôm nay
thì lời phán đó có vẻ khá đúng. Chuyện buồn về vật nuôi đến với tôi từ
Chủ nhật. Đó là tin ba con mèo mướp ở quán trà Vô Thường, nơi tôi chụp
rất nhiều ảnh, trong đó có ảnh bìa Phải lấy người như anh, đã chết vì bả
độc. Nghe ông chủ quán (cũng là ông chủ mèo) kể chuyện từng con lần lượt đau
đớn rồi bỏ đi chỉ trong một đêm, tôi không biết làm gì hơn là im lặng.

Nhưng dù sao tôi cũng đã cảm thấy chuyện buồn này nhẹ dần, một phần vì
không chứng kiến tận mắt và chưa phải vật nuôi của mình (tôi có nuôi một con mèo
béo tròn, lúc nào cũng thấp thỏm lo ngày nó bỏ đi, nhưng cũng may, đến giờ nó vẫn
khỏe mạnh và ít đi chơi) nên thấy mọi chuyện nhẹ nhàng hơn, một phần nữa là vì
biết ai cũng phải quen dần với những mất mát. Chỉ tiếc một điều… Tấm ảnh bên
chụp hồi mùa thu, khi tôi lần đầu đến quán, cứ định khi nào sẽ rửa ra tặng ông chủ
treo chơi, giờ thì chẳng thể tặng hay treo nữa rồi.

Để nỗi buồn lại phía sau, nói sang chuyện may mắn về tiền bạc. Bên Công ty
Sách Alpha, nơi hợp tác xuất bản Phải lấy người như anh, nhắn tôi đến lấy nhuận
bút của 1.000 cuốn in thêm. 2.640.000đ (hai triệu sáu trăm bốn mươi ngàn đồng), tôi
vẫn chưa biết sẽ làm gì với số tiền này. Đi du lịch hay mở tài khoản ngân hàng? Mua
chiếc máy ảnh riêng cho mình hay mua cái máy giặt mới cho gia đình? Nhiều thứ
muốn mua trong khi sự may mắn về tiền bạc lại… có hạn, nếu cứ để tâm trí mình
băn khoăn như vậy thì sẽ chẳng viết thêm được gì cho mà xem, chi bằng cứ quên
nó đi để tập trung vào công việc cày bừa chữ nghĩa thì hơn!

Đầu tiên là việc biên tập lại Cocktail cho tình yêu. Cuốn này tôi viết vội trong có
ba tuần, lại cố bắt chước kiểu viết của những tác giả truyện tình cảm miền Nam nên
giọng điệu kém tự nhiên mà các chi tiết rườm rà thừa ra rõ lắm. Công việc sửa sang
bây giờ vì thế khá vất vả và dễ nản lòng. Có người bạn “xui” tôi hay đừng sửa gì, cứ
gật đầu cho in đại. Kể ra tặc lưỡi làm theo lời bạn thì cũng… được, tôi vừa nhẹ việc
mà độc giả lại thỏa trí tò mò. Nhưng nếu cứ đưa ra thị trường một sản phẩm chưa
đạt chất lượng như thế, tôi sẽ trở thành một người bán văn “ăn xổi”, chẳng chóng thì
chầy sẽ được đọc truyện của mình khi “ăn xôi” (vì sách chỉ đáng mua về làm giấy gói
xôi).

Việc cày bừa chữ nghĩa thứ hai là tập viết một số truyện ngắn. Bạn có tin được
không? Tôi đã viết xong hai tiểu thuyết, vậy mà chưa bao giờ viết được một truyện ngắn
ra hồn. Những gì tôi làm được mới chỉ dừng ở mức hoặc là những truyện bé tí trong
lòng bàn tay bịa nhăng cuội trêu chọc bạn bè, hoặc là những truyện lỏng lẻo ngô nghê
dây cà ra dây muống. Mãi gần đây, sau khi dịch một số truyện ngắn gửi báo, tôi mới học
thêm được chút ít về cách xoay xở trong khoảng không gian trên dưới 1.000 chữ. Giờ
thì những file mang tên truyenngan1, truyenngan2 đã xuất hiện trong thư mục Sáng tác
mới của tôi. Hy vọng một ngày gần đây, phần Những tác phẩm ngắn của
www.sachcuatrang.com sẽ có thêm vài thứ để các bạn đọc chơi.

Công việc có vẻ dễ dàng nhất với tôi hiện nay lại là dịch truyện ngắn. Dù sao
truyện người ta cũng viết cho rồi, tôi chỉ việc đọc bằng ngôn ngữ của người ta và
chép lại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Những truyện tôi chọn dịch không quá khó
đọc, với sự trợ giúp của hai cuốn từ điển và mấy trang web tra cứu trên mạng, việc
chuyển ngữ có vẻ khá suôn sẻ. Nếu chuyện gửi báo, duyệt đăng và lĩnh nhuận bút
cũng suôn sẻ, hòm mail của tôi chắc sẽ có thêm nhiều bức mail từ trang web
horoscope kia báo rằng tôi gặp may mắn về tiền bạc. Khi ấy, những băn khoăn du
lịch hay tài khoản, máy ảnh hay máy giặt sẽ lại quay vòng trong đầu…

Hmm, đọc đi đọc lại, thấy bức thư tuần này của mình sao mà giống một
cuốn sổ tính toán chi tiêu ghi chép việc nhà của một bà nội trợ. Có lẽ tôi nên
ngừng lại và hẹn các bạn tuần sau với những đề tài thơ mộng hơn.
Thư hằng tuần (số 4)

Viết là một nghề nguy hiểm


Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2006

hưa bao giờ tôi lại ngại viết đến như vậy. Mùa hè đã ập xuống với cái

C nóng hầm hập ghê người. Việc ngồi bên một cái máy tính có tiếng kêu
lạch xạch rào rào, trong góc của một căn phòng hướng chính Tây, vào lúc
nắng xiên khoai qua làn cửa gỗ mỏng… quả là xứng đáng với hai chữ
“cực hình”. Ấy thế mà tôi đã hoàn thành gần hai cuốn tiểu thuyết của mình trong điều
kiện như vậy đấy, xét ra nó cũng chẳng có gì quá kinh khủng tới độ làm nản sự háo
hức được viết của tôi. Điều khiến tôi cảm thấy ngại ngần khi đặt tay lên bàn phím là
một sự kiện khác, cũng khá nóng bức nhưng không ở gần tôi lắm. Nó diễn ra cách
nơi tôi ở khoảng một ngàn năm trăm cây số về phía Nam, Cà Mau. Ở nơi đó, người
ta đang “phê phán nghiêm khắc” một nhà văn, chị Nguyễn Ngọc Tư.

Tôi đã theo dõi khá đầy đủ diễn biến của câu chuyện kiểm điểm bất tận này và
thấy hơi khó hiểu cho những suy nghĩ của một số người. Những người cho rằng
Nguyễn Ngọc Tư “phản động” (chỉ vì đã dùng văn chương nói khái quát về những
cái xấu còn tồn tại ở vùng đất quê hương chị) đã khó hiểu. Những người vì nhận
được những nhận xét phiến diện kia mà đề nghị tổ chức kiểm điểm chị, rồi sau đó
nói và viết những lời “vùi dập”(∗) về chị cũng như tác phẩm của chị trên báo lại càng
khó hiểu hơn. Không biết trước khi đưa ra quyết định cho cuộc họp kiểm điểm, trước
khi trả lời phỏng vấn nói một cách gần như miệt thị về trình độ lớp 11 của Nguyễn
Ngọc Tư, trước khi gọi tác phẩm mà chị đã kiệt sức vì viết nó là “vũng lầy”(∗), những
người đó có nghĩ đến những tổn thương mà người-phụ-nữ-viết-văn-chân-chất đáng
tuổi con, tuổi cháu họ sẽ cảm nhận hay không?

Tôi đã đọc riêng file Cánh đồng bất tận cách đây vài tháng, sau khi click vào
đường link nào đó bạn bè gửi. Tập truyện cùng tên cũng có mặt trên giá sách của tôi
từ hơn hai tháng nay. Tôi đã đọc và xúc động với hầu hết các truyện trong tập. Tôi
không nghĩ mình thích Cánh đồng bất tận hơn những truyện khác, chẳng hạn như
Cuối mùa nhan sắc. Nhưng khi đọc những tin tức đầy những từ ngữ như “phản
động”, “phóng uế”, những dòng “kết án” rằng Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất

(∗)
Tất cả những từ trong ngoặc kép tôi đều trích dẫn lại từ những bài viết trên báo Tuổi Trẻ.
tận đã “bắt đầu lưu vong”… tôi cảm thấy lo lắng thực sự. Một tác phẩm được viết hết
sức nghiêm túc như vậy, một người viết có tâm như vậy mà còn bị như vậy, không
biết bao giờ đến lượt mình? Và thế là tôi ngại viết! Nhưng cuối cùng thì vẫn ra được
một bức thư cho tuần này. Tuần sau, nếu những tác phẩm nhạt nhẽo của tác giả nhí
nhố là tôi vẫn bình yên, sẽ có thêm một bức thư, tôi hứa sẽ viết thật nên thơ!
Thư hằng tuần (số 5)

Đi bằng xe hay bằng mắt


cũng đều thú vị cả!
Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2006

hời gian dần trôi, những hiếu kỳ ban đầu lắng lại, những bức thư gửi cho

T tôi ngày một nhiều tình cảm hơn. Một cô giáo cũ mà tôi định gửi tặng sách
song chưa biết địa chỉ bỗng chủ động liên lạc (cô ơi, nếu cô đọc cái này
thì đừng giận em vì đã kể chuyện lung tung nhé). Một bạn đọc ở
Southampton viết cho tôi rất dài và tình cảm, lá thư của anh không chỉ là
“khoảng thời gian thư giãn” mà còn là lời khích lệ dành cho tôi. Một bạn đọc nhỏ tuổi
có nickname là Gà con gửi mail chỉ để thắc mắc: “Thật ra thì anh Thanh có fải là
người vô tâm ko?” Tôi trả lời câu hỏi mà em tự cho là “ngốc xít”, với một niềm sung
sướng khó tả, ai ngờ có người quan tâm đến nhân vật của mình đến mức đấy bao
giờ!

Đã qua bốn bức thư hằng tuần, tôi vẫn mở đầu bằng địa danh quen thuộc đến
phát nhàm: Hà Nội. Đôi khi tôi đọc một bài về điểm du lịch nào đó trên báo, trên
mạng rồi lẩn thẩn nghĩ rằng, nếu mình được viết thư hằng tuần cho các bạn từ nơi
đó, được bắt đầu lá thư của mình bằng cái tên địa danh xa xôi đó, hẳn bức thư sẽ
trở nên thú vị hơn nhiều, và các bạn cũng vì thế mà hào hứng thêm lên biết mấy.

Chưa khi nào cái mong ước được đi, được trải nghiệm những điều mới mẻ
của tôi lại cồn cào như lúc này. Ngồi trước máy tính search thông tin du lịch một lát,
thấy bao nhiêu nơi, bao nhiêu thứ lý thú muốn chạy vù tới xem ngay. Phú Thọ có
chọi trâu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Quảng Bình dịp rằm tháng Tư có đua thuyền và
rước cá Ông. Nha Trang có lễ hội Tháp Bà Po Nagar sắp diễn ra ngay cuối tháng Ba
âm lịch này thôi. Rồi còn ý muốn quay lại Sapa, Hội An với cuốn sách và những
nhân vật đáng yêu của chính mình… Đất nước thì nhỏ, dung lượng ví, đầu và tim thì
có hạn, mà sao có nhiều nơi để đi, để nhớ đến vậy.

Và những điểm đến bên ngoài hình chữ “S” nữa chứ! Tôi có một “tật”, hễ đọc
sách thấy tả về địa danh gì, là muốn tới tận nơi ngắm nghía xem nó có đầy mến
thương, hoặc không mến thương lắm, đúng như trong sách tả hay không. Tuần vừa
rồi tôi đọc cuốn Cô đơn trên mạng của một nhà văn Ba Lan. Trong câu chuyện rất
buồn về mối quan hệ mong manh giữa người với người trong xã hội hiện đại, tác giả
có nhắc tới vườn Chopin ở Zelazowa Wola (cái tên này đến là khó nhớ!), nơi nhân
vật đến ngồi nghe nhạc và khóc. Tự dưng tôi cũng muốn đến khóc thử ở vườn
Chopin xem sao.

Nhưng thôi, ta hãy trở lại với thực tế rằng trong vài ba bức thư tới, địa danh
mào đầu mà tôi viết vẫn chỉ là Hà Nội nhé. Vì tôi, dù chỉ loanh quanh nước Việt mình
thôi, cũng khó chen chân tranh giành được vé tàu và phòng khách sạn giá rẻ trong dịp
nghỉ đầu hè “nhà nhà đi người người đi” 30/4 - 1/5 sắp tới đây. Chi bằng cứ ở nhà,
kiếm một góc mát mẻ nhất, ngồi nhấm nháp cái gì đó và đọc sách. Biết đâu qua
những trang sách, tôi được thăm không chỉ châu Phi, châu Mỹ mà còn tới cả những
hành tinh xa xôi.

You might also like