You are on page 1of 3

TTO - Con người ta trước khi biết đứng, biết đi, biết chạy đều phải trải qua

giai
đoạn “biết lẫy, biết bò” rồi mới “lò dò biết đi”. Chẳng ai sinh ra là đã biết chạy
ngay. Điều đó cũng đúng với doanh nghiệp, nó cũng phải trải qua giai đoạn dò
dẫm chập chững ban đầu trước khi đứng vững và phát triển.

Điều quan trọng là bạn phải có quyết tâm và lòng kiên trì, không bỏ cuộc dễ
dàng trước khó khăn; nếu không, bạn cứ phải luôn luôn quay trở lại vạch xuất
phát và như vậy cơ hội thành công sẽ ít đi, hoặc chỉ đến một cách muộn màng.

Từ tay không tôi đã xây dựng nên một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm đóng
hộp hàng đầu Thái Lan chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm. Nhưng điều đó không
có nghĩa là con đường kinh doanh của tôi chỉ trải bằng hoa hồng mà không có
chông gai.

Ngược lại, tôi luôn gặp phải khó khăn trở ngại với nhiều hình thức khác nhau cứ
như muốn thử thách bản lĩnh và ý chí của tôi. Song, tôi không bao giờ chùn
bước trước khó khăn mà chỉ tập trung suy nghĩ tìm cách để vượt qua. Có những
vấn đề giải quyết nhanh, nhưng cũng có những vấn đề tôi phải mất rất nhiều thời
gian và nát óc suy nghĩ mới tìm được lối ra….

Dám đương đầu với khó khăn giúp tôi có một vốn sống khá phong phú cùng với
những trải nghiệm đầy hương vị và màu sắc trong nhiều lĩnh vực và các mối
quan hệ như gia đình, học tập, bạn bè, công việc, xã hội… Nhiều lúc tôi có cảm
tưởng như mình đang đi trên một con đường quanh co khúc khuỷu, nhiều ổ gà
và hố sâu, thậm chí vực thẳm chắn ngang trước mặt...

Những lúc như thế tôi cũng thấy nản lòng, không muốn nghĩ hay bước tiếp dù
chỉ một bước. Nhưng nhờ cái tính bướng bỉnh không bỏ cuộc giữa chừng và một
ý thức trách nhiệm cao đối với gia đình, tôi mới vượt qua khó khăn và có được
thành công như ngày hôm nay.

Trong thời gian 7-8 năm đầu công việc kinh doanh xuất nhập khẩu tiến triển rất
tốt, tôi làm việc hăng hái suốt ngày đêm không biết mệt mỏi, nhìn vào đâu cũng
chỉ thấy toàn màu hồng. Tôi ngây ngất với bức tranh thắng lợi tưởng tượng ra từ
bối cảnh xung quanh và những cải thiện về vật chất mới có được trong đời.

Khi đó tôi bắt đầu nghĩ đến việc tiếp tục học để lấy bằng thạc sĩ tại Canada nhằm
nâng cao học vấn để bảo đảm một tương lai vững chắc hơn. Nếu có thể kết hợp
vừa học vừa làm tiếp thị tại Canada thì càng tốt, và sau khi học xong tôi càng có
điều kiện củng cố phát triển công ty ngày càng lớn mạnh.

Tôi dự định sẽ học tiếp ngành cơ khí chế tạo và kết hợp làm tiếp thị sản phẩm cá
hộp. Lúc đó tôi đã có Thiếu tướng Chavalit cùng hợp tác nên có thể rảnh tay
trong công việc quản lý công ty. Tuy vậy, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm thêm
đồng minh để củng cố sức mạnh của công ty, vì hiểu rõ tương lai bấp bênh của
công việc làm trung gian thương mại.

Đây là ngành kinh doanh có nhiều rủi ro, vì nhà sản xuất và người mua hàng sẵn
sàng gạt bỏ người môi giới bất cứ lúc nào khi họ có thể buôn bán trực tiếp với
nhau, như trường hợp Van Kemp Seafood đã từng làm với tôi, vì ai cũng muốn
hạ giá thành xuống mức thấp nhất và tăng lợi nhuận đến mức cao nhất.

Tôi luôn nhắc nhở mình nhìn đời với con mắt thực tế. “Phi thương bất phú”, lợi
nhuận vẫn luôn luôn là nhân tố quan trọng chi phối mọi việc. Dù cố gắng làm tốt
bao nhiêu, nhưng nếu không giúp nhà sản xuất và người mua hàng kiếm được
lợi nhuận, chắc chắn họ sẽ gạt vai trò trung gian của tôi tức khắc. Do đó, dù làm
bất cứ công việc gì thì “lợi ích” cũng phải là yếu tố then chốt. .

Có lần tôi đặt mua bột sắn của ông Fu Choi, chủ nhà máy bột sắn tại tỉnh
Kanchanaburi, là cơ sở sản xuất đã có quan hệ buôn bán với tôi nhiều lần trong
việc xuất hàng sang Đài Loan, với khối lượng 300 tấn. Giá trung bình lúc đó vào
khoảng 400 bạt/hạp (một hạp = 60kg). Hai bên làm hợp đồng mua bán theo
đúng quy định. Sau đó không lâu thì bột sắn lên giá 500 bạt/hạp. Ông Fu Choi
không giao hàng cho tôi như đã thỏa thuận.

Tôi gọi điện thoại nhiều lần nhưng ông ta không trả lời, cũng không chịu gặp mặt
nói chuyện. Tôi đến tìm Fu Choi tại nhà và nhà máy đều được trả lời là ông ta đi
vắng. Dù nản lòng, nhưng tôi vẫn phải cố tìm cách để thực hiện đơn đặt hàng đã
nhận. Do đó tôi đã liên hệ với ông Suthep, chủ nhà máy bột sắn Asia, nằm cách
nhà máy của ông Fu Choi 4-5 km, để mua hàng dù phải trả với giá 600 bạt/hạp.

Tôi đã từng mua hàng của ông Suthep hai ba lần nên nghĩ rằng có thể tin nhau
được, nhưng đến khi nhân viên của tôi đến kiểm tra trọng lượng hàng trước khi
chất lên tàu mới phát hiện các bao tải đáng lẽ phải có trọng lượng 50,3 kg thì
thực tế chỉ cân nặng có 44-45 kg một bao. Lúc đó hàng đã được chất lên tàu đủ
trọng tải nên không thể bổ sung thêm trọng lượng bị thiếu. Tôi rất sửng sốt trước
sự gian lận của người bạn hàng và choáng váng trước tình cảnh họa vô đơn chí
này.

Thực ra ông Suthep cũng là người cùng quê Kanchanaburi, tôi không ngờ ông ta
lại cho tôi một vố đau như vậy. Chẳng khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, tôi
vừa bị lỗ vốn do nhà cung cấp thất hứa vừa phải đi tìm nhà cung cấp mới với giá
mua cao hơn để giao hàng đúng hạn, nhưng lại gặp phải kẻ buôn gian bán lận.

Sau vụ này tôi không làm ăn với hai nhà máy đó nữa. Về sau, nhà máy tại
Kanchanaburi bị thua lỗ phải đóng cửa, còn nhà máy Asia thì dẫm chân tại chỗ
không phát triển lên được, có thể đó là hậu quả của lối làm ăn chụp giật, thiếu
chữ tín nên không thể tiến xa. Sau này tôi nghe tin nhà máy đó được bán cho
chủ khác.

You might also like