You are on page 1of 13

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO VÀ Ý NGHĨA

CÁC ĐỊA DANH CÓ NGUỒN GỐC NGÔN NGỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ
Ở HUYỆN A LƯỚI-THỪA THIÊN HUẾ
Trần Văn Sáng
( Trường Đại học Phú Xuân - Huế
Nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học)
1. Dẫn nhập
1.1. Địa danh học là một lĩnh vực nghiên cứu thuộc ngành danh xưng học, chuyên
nghiên cứu ý nghĩa, nguồn gốc và những biến đổi của địa danh; đồng thời nghiên cứu cả
đặc điểm cấu tạo, phương thức đặt địa danh. Vì thế, người nghiên cứu có thể chỉ ra những
phương thức và qui luật tạo địa danh đặc thù của mỗi vùng phương ngữ, gắn với mỗi
vùng miền văn hóa và địa lý khác nhau.
1.2. Ở Việt Nam, vấn đề địa danh từ lâu đã được rất nhiều nhà ngôn ngữ học, dân tộc
học, địa lý học quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu về địa danh từ những góc độ khác
nhau của các tác giả tiêu biểu như Hoàng Thị Châu, Trần Trí Dõi, Đào Xuân Vịnh,
Nguyễn Văn Âu... đã có những đóng góp nhất định trong việc hệ thống tri thức địa danh
học Việt Nam. Đặc biệt, đã có một số luận án tiến sĩ ngôn ngữ học nghiên cứu về địa
danh(1). Đây là những công trình nghiên cứu có những đóng góp đáng trân trọng khi tiếp
cận địa danh học dưới ánh sáng của ngôn ngữ học.

1.3. A Lưới là một huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế hơn 70
km, có độ cao so với mặt biển là 700m. Địa bàn của huyện nằm trong một thung lũng theo
hình lòng chảo, chiều dài 40 km, chiều rộng trung bình 5 km. Phía bắc giáp huyện Hướng
Hóa, tỉnh Quảng Trị, nam giáp huyện Hiên, Quảng Nam, đông giáp các huyện Phong
Điền, Hương Trà, Nam Đông, tây giáp nước bạn Lào. Nhưng nhìn trên bản đồ, huyện A
Lưới có hình một con lạc đà, đầu của nó hướng về phía Bắc (xã Hồng Thủy), đôi chi sau
hướng về phương Nam (xã A Roàng), hai chi trước hướng về phương Tây Nam, còn cái
đuôi hướng về phương Đông.

Cái tên A Lưới(2) (tên gốc là Alơaiq) cũng đã có từ thời xa xưa, được nhắc đến
trong các sách địa chí xưa như "Phủ biên tạp lục" của Lê Quí Đôn vào thế kỷ thứ XVII.
Tuy nhiên, huyện A Lưới chỉ mới được chính thức thành lập 3/1976, sau ngày hoàn toàn
giải phóng miền Nam Việt Nam.

Huyện A Lưới hiện có 20 xã và 01 Thị trấn với 149 thôn, cụm dân cư. A Lưới (tính
đến 01/4/2006) có 39983 dân, chủ yếu là dân tộc Ta Ôi, với các nhóm: người Pa Cô

1
(chiếm 41,73%) và người Ta Ôi (chiếm 25,71%),người Pa Hi (chỉ chiếm 0,40%). Dân tộc
Kinh chiếm 22,16%, dân tộc Cơ Tu chiếm 9,88%,. Dân tộc sinh sống lâu đời nhất trên
miền đất A Lưới là Ta Ôi, cư dân nói ngôn ngữ dòng Môn-Khơ Me, thuộc ngữ hệ Nam Á
(Austroasiatic).

Tiếp cận hệ thống địa danh huyện A Lưới từ góc nhìn ngôn ngữ học, chúng ta có
thể xem xét có hệ thống các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên cả ba
phương diện: 1/ Xem xét các địa danh về mặt ngữ âm (chỉ ra qui luật phiên chuyển các
địa danh tiếng dân tộc ra chữ quốc ngữ); 2/ Xem xét về mặt cấu tạo các đơn vị địa danh
tiếng dân tộc; 3/ Xem xét về mặt ngữ nghĩa các đơn vị địa danh tiếng dân tộc trên địa bàn
khảo sát. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến đặc điểm cấu tạo và đặc điểm ý
nghĩa các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số huyện A Lưới; qua đó bước
đầu chỉ ra một số đặc trưng cơ bản trong lối tư duy và văn hóa của người bản địa qua
phương thức gọi tên các đối tượng địa lí tự nhiên và nhân văn trên địa bàn.

Nghiên cứu địa danh ở huyện A Lưới- Thừa Thiên Huế là một hướng tiếp cận liên
ngành ngôn ngữ-lịch sử-dân tộc-văn hoá học về một vùng địa lý hội tụ nhiều lớp, nhiều
tầng văn hóa có sự giao thoa, tiếp biến giữa các giá trị các dân tộc chung sống trên địa bàn
cư trú. Qua đó, người nghiên cứu có thể lí giải một cách khoa học về nguồn gốc và ý
nghĩa của hệ thống địa danh, góp phần làm sáng tỏ một vài đặc điểm về ngữ âm, từ vựng,
ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Thừa Thiên Huế nói chung, ngôn ngữ dân tộc thiểu số
nói riêng, được phản ánh qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.

2. Địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số ở A Lưới


2.1. Phân loại các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc huyện A Lưới

2.1.1. Phân loại theo ngôn ngữ tạo địa danh

Bước đầu khảo sát hệ thống địa danh trên địa bàn huyện A Lưới, chúng tôi xác
định được 305 địa danh(3), được phân bố về mặt nguồn gốc ngôn ngữ như sau:

- Địa danh tiếng dân tộc thiểu số (bao gồm: tiếng Ta Ôi, Pa Cô và Cơ Tu): 204
địa danh (67 %)

- Địa danh thuần Việt : 14 địa danh (5 %).

- Địa danh Hán Việt: 31 địa danh (10 %).


- Địa danh kết hợp giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số: 56 địa danh (18%).

2
Sự có mặt đầy đủ và phong phú các địa danh với nhiều nguồn gốc ngôn ngữ khác
nhau, cho phép chúng ta nhận xét: đã có nhiều lớp văn hóa với nhiều thành phần dân tộc
khác nhau sinh sống trên địa bàn, tạo nên sự giao thoa, pha trộn văn hóa giữa các tộc
người; trong đó, số địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc chiếm đa số (57%), kế đến là địa
danh tổng hợp giữa tiếng Việt với tiếng dân tộc thiểu số (18%). Cư dân sống trên địa bàn
huyện A Lưới chủ yếu là người Ta Ôi, Pa Cô và Cơ Tu, và đây là lớp cư dân bản địa sống
lâu đời nhất trên vùng đất cao nguyên này.

Trong số 260 địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số (gồm địa danh tiếng
dân tộc thiểu số và địa danh có sự kết hợp giữa tiếng Việt với tiếng dân tộc thiểu số), có
117 địa danh bằng tiếng Ta Ôi, 52 địa danh tiếng Pa Cô, 16 địa danh tiếng Ka Tu và 60
địa danh có sự kết hợp giữa tiếng Việt với tiếng dân tộc thiểu số.

Địa danh tiếng Ta Ôi phân bố chủ yếu ở các xã phía nam, phía đông, phía tây của
huyện: A Roàng, A Đớt, A Ngo, Hồng Thái, Nhâm; địa danh Pa Cô phân bố ở các xã phía
bắc, tây bắc như Hồng Thủy, Đông Sơn, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Bắc,
Hồng Quảng; địa danh Ka Tu phân bố ở một số xã phía tây nam như Hương Lâm, Hương
Nguyên, Hồng Hạ.

2.1.2. Phân loại theo đối tượng phản ánh của các địa danh (dựa vào thành tố
chung, các tiền từ chỉ đối tượng địa lí)

Căn cứ vào đối tượng mà các địa danh gọi tên, các địa danh có nguồn gốc ngôn
ngữ dân tộc thiểu số huyện A Lưới được phần thành hai nhóm:

* Nhóm các địa danh chỉ các đối tượng địa lí nhân văn: 134/260 địa danh. Xếp
vào nhóm địa danh này là các địa danh gọi tên các công trình xây dựng, tên đường phố và
tên các địa bàn cư trú-hành chính. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ thu thập
các địa danh cư trú-hành chính. Đó là tên gọi các xã, thôn, làng, bản các dân tộc thiểu số
cư trú trên địa bàn. Theo số liệu khảo sát của chúng tôi, trong số 170 địa danh cư trú -
hành chính trên địa bàn huyện, hoặc là địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số; hoặc
là địa danh gốc Hán Việt. Điều này tạo nên nét đặc trưng so với lớp địa danh cư trú-hành
chính của người Việt, khi mà đa số địa danh làng xã mang tên Nôm và tên Hán Việt.

* Nhóm các địa danh chỉ đối tượng địa lí tự nhiên: 126/260 địa danh. Xếp vào
nhóm này là các đia danh gọi tên núi, tên sông, tên đồi, đèo, thác, ghềnh, khe, suối, lạch,...
Sự vượt trội về số lượng của các sơn danh đã phần nào phản ánh rõ đặc điểm địa lí huyện
vùng cao A Lưới: địa hình khá hiểm trở, cheo leo, núi non trùng điệp bao phủ, sông ngòi

3
dày đặc uốn quanh. A Lưới có nhiều ngọn núi cao, cao nhất là núi Đông Nai nằm phía
đông bắc huyện lỵ, cao gần 4000m so với mặt biển; dãy núi như Rlauh, Aloq, Kappung,
Talang Ai (ở phía đông), Anong, Takông, Atuk, Abia (phía tây bắc), Tita, Apilat (phía
nam), dãy Trường Sơn (giáp nước Lào), ... Tên các ngọn núi thường được biết đến nhiều
nhất vẫn là núi Ba Lạch (Parleech) ở Hương Lâm, núi A Sa ở Đông Sơn, núi Ra lau ở A
Ngo, núi San Lai ở Hồng Thái, A Túc ở Hồng Bắc, núi Mpao ở A Đớt, núi Cha Bôn, Ba
Ràng ở Hương Nguyên...; các con sông lớn như sông A Sáp, sông Khe Trôn, sông Tam
Lanh, sông Pling, sông Krông... tạo nên một bức tranh thiên nhiên trù phú và đặc sắc.
Mỗi tên núi, tên sông đều mang trong mình những trầm tích văn hóa của cư dân bản địa.

3. Về đặc điểm cấu tạo

3.1. Các địa danh có cấu tạo đơn

Kiểu cấu tạo đơn trong địa danh là kiểu cấu tạo chỉ có một từ đơn (một hoặc nhiều
âm tiết). Nếu trong địa danh tiếng Việt, loại cấu tạo đơn do một âm tiết có nghĩa, đồng
thời là một từ đơn chiếm ưu thế như : làng Sình, làng Sam, thị trấn Sịa, thôn Đông, núi
Truồi, xóm Thượng, xóm Hạ, cầu Truồi, làng Chuồn, chơ Nọ, chợ Dinh,...(Thừa Thiên
Huế) thì trong địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc thiểu số ở A Lưới, các điạ danh đơn
lại được cấu tạo từ hai nhóm chính:
a) Các địa danh có cấu tạo bằng từ đơn một âm tiết:
Ví dụ: thôn Kire (kire), xã Nhâm (nhâm), thôn Mù (Mu), thôn Giồng (Joong), thôn
Lóa (Loah), Thôn Đụt (Dut), suối Hu (Hu), Suối Ven (Vean), thôn Hu (Hu), thôn Nghĩa
(Ngheaq), thôn Tru (Tru), thôn Chai (Chaih), sông Xanh (Sal), khe Dong (Yong), sông
Dòng (Joóng),...
b) Các địa danh có cấu tạo bằng từ đơn đa âm tiết:
Đối với các địa danh có cấu tạo bằng từ đơn đa tiết, nhóm địa danh bằng từ đơn
song tiết chiếm đa số. Ví dụ: Chi Lanh (từ nguyên là Chiléen), thôn Ka Lô (từ nguyên là
klô), thôn Ka Cú (từ nguyên là kakuq), thôn Mu Nú (từ nguyên là munuq), Pơ Nghi (từ
nguyên là Parnghi), A Roàng (từ nguyên là Aroang), thôn Chi Hóa (từ nguyên là
Chihoar), thôn A Đớt (từ nguyên là Adơơs)...

Điều này lí giải bởi những nguyên nhân :1) Địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc
đều thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, là những ngôn ngữ đơn lập không triệt để nên từ đa tiết
chiếm ưu thế, phản ánh đúng đặc điểm ngôn ngữ loại hình; 2) Địa danh có nguồn gốc
tiếng Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu trên địa bàn A Lưới hầu hết đã được Việt hóa theo phiên âm
quốc ngữ hay điển chế theo tiếng La tinh nên hiện tượng những âm tiết tồn tại độc lập, vô

4
nghĩa trong địa danh trở nên phổ biến, và quả thật rất khó để nói rằng chúng có quan hệ
ngữ pháp hay ngữ nghĩa gì với nhau. Chẳng hạn, A trong thôn A Diên (Ajiêl), thôn A Ngo
(Ango), thôn A Niêng (Aneang), thôn A Đớt (Adơơs), A Roh (Aróh), A Roàng (Aroang),
A Sáp (Asap), A So (Aso), núi A Tùng (Atúng), núi Ta Tách (Taték), sông A Linh (Aling);
Ka trong các địa danh thôn Ka Cú (Kakuq), Ka Vin (Kavin), Ka Rôn (Karông), Ka Nông
(Kanông), suối Ka Lâm (Kallơam), suối Ka Tê (Katê), núi Ka Tanh (Katanh),...

Các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở A Lưới có cấu tạo đơn thuộc về các lớp
từ loại khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là danh từ.
3.2. Các địa danh có cấu tạo phức

3.2.1. Kiểu cấu tạo phức được thể hiện trong các địa danh có nguồn gốc tiếng dân
tộc ở A Lưới là những địa danh tồn tại ở dạng cấu trúc một từ ghép hoặc một cụm từ.
Trong các địa danh có cấu tạo phức, giữa các yếu tố sẽ có hai mối quan hệ chủ yếu: quan
hệ chính phụ, quan hệ đẳng lập. Chúng tôi không tìm thấy quan hệ chủ vị.

a) Về các địa danh có cấu tạo phức theo quan hệ chính phụ:

Về số lượng địa danh: loại địa danh có cấu tạo phức theo quan hệ chính phụ trong
địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở A Lưới, và chủ yếu rơi vào nhóm địa danh có sự
kết hợp giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số như: thôn Aka 1 - thôn Aka 2, thôn Rlook
1 - thôn Rlook 2, thôn Lê Triêng 1(Ltreang 1) - thôn Lê Triêng 2 (Ltreang2), thôn Aso 1
- thôn Aso 2, thôn Kanôn 1 - thôn Kanôn 2, thôn Nhâm 1 - thôn Nhâm 2, thôn Pơ Nghi
1(Parnghi 1) - thôn Pơ Nghi 2 (Parnghi 2),...
Trường hợp các địa danh tiếng dân tộc thiểu số cấu tạo theo quan hệ chính phụ chỉ
bắt gặp trong hai trường hợp: sông Dak Krông, suối Toom Rôn.

Về vị trí các yếu tố: trong các địa danh có cấu tạo theo quan hệ chính phụ, yếu tố
chính và yếu tố phụ dường như có sự ổn định khá bền vững: yếu tố chính thường đứng
trước yếu tố phụ. Chẳng hạn, trong các địa danh: Aso 1, Aso 2, Nhâm 1, Nhâm 2, Dak
Krông, Toom Rôn .. thì các yếu tố A so, Nhâm, Dak, Toom đảm nhận yếu tố chính, còn
1,2, Krông, Rôn đảm nhận yếu tố phụ, có chức năng hạn định yếu tố chính.

Đặc điểm vị trí này có sự tương đồng với các địa danh thuần Việt kiểu: thôn Cây
Si, thôn Đá Bàn, thôn Bến Mưng,...(ở Quảng Trị); nhưng lại có vị trí ngược lại với đa số
các địa danh Hán Việt, kiểu như: làng Mỹ Xá, Đặng Xá, Thủy Điền, Tây Thành,... (ở Thừa
Thiên Huế). Đặc biệt, kiểu cấu tạo địa danh theo quan hệ chính phụ với một số công thức

5
điển hình như "X + Xá", "Kẻ + X", "Vạn + X" thường gặp trong địa danh tiếng Việt, Hán
Việt lại rất hiếm khi bắt gặp ở địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở A Lưới.

b)Về các địa danh có cấu tạo phức theo quan hệ đẳng lập:

Các các địa danh có cấu tạo phức theo quan hệ đẳng lập chiếm một số lượng hạn
chế tronng cấu tạo địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở A Lưới. Theo quan hệ đẳng lập,
các yếu tố có vai trò bình đẳng với nhau về mặt ý nghĩa cũng như việc tham gia vào các vị
trí trong địa danh. Đa số các địa danh có cấu tạo theo quan hệ đẳng lập đều rơi vào nhóm
các địa danh chưa xác định rõ nguồn gốc ngữ ngôn như đồi Căn Rơn (Kăn Rơâng), đồi
Tu Nơ Trong (Tu Ntrong), đồi Đon Pa Ní (Dol Parnis), khe Tu Tôm (Tu Toom), khe Tu
Cấp (Tu Kơp), suối Cơ Rang Gấp (Kroang Krâp). Trường hợp ghép đẳng lập kiểu như
làng Quảng Mai ở xã A Ngo (do hai làng Quảng Thọ và Karmai nhập làm một mà
thành) rất hiếm gặp.
3.2.2. Điểm đáng lưu ý đối với các địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở A Lưới
so với địa danh dân tộc vùng Tây Nguyên hoặc cùng Tày Nùng đó là có sự khác biệt cơ
bản trong cấu tạo địa danh. Trong địa danh vùng Tây Nguyên và vùng Tày Nùng, các
thành tố chung (A) thường có sự chuyển hóa thành tên riêng (B), tạo nên những cấu trúc
địa danh trùng nghĩa nhau trong cách gọi. Chẳng hạn, suối Êa Tam (Êa:suối - Chăm, Ê
Đê, Gia Rai), sông Krông Nô (Krông:sông - Pa Na), làng Bòn Đung, Bòn Tô (Bòn: làng-
Cơ Ho), làng Bù Đốp (Bù: làng - Xtiêng), ... ở địa danh vùng Tây Nguyên(4); hay Bản Bo,
Bản Chang, Bản Nưa... (Bản: làng- Tày, Nùng, Thái), Bó Đảy, Bó Lài, Bó Tháy (Bó:
nguồn nước - Tày, Nùng), Nặm Ngan, Nậm Chầy (Nậm, nặm: nước- Tày, Nùng, Thái),...
trong địa danh Tày - Nùng(5). Trong khi, địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở A Lưới,
theo khảo sát bước đầu của chúng tôi, chỉ có hai trường hợp có cấu tạo theo phương thức
chuyển hóa nói trên. Đó là: sông Dak Krông (Dak:sông- Cơ Tu, Ta Ôi), suối Toom Rôn
(toom: suối- Pa Cô, Ta Ôi). Ở địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở A Lưới, kiểu cấu tạo
chuyển hóa thành tố chung (A) trở thành tên riêng (B) với nghĩa giống nhau như địa danh
vùng Tây Nguyên hay vùng Tày Nùng hầu như bị triệt tiêu. Vì vậy, việc khảo sát địa danh
dân tộc ở A Lưới chỉ tập trung vào yếu tố tên riêng (B), tức các địa danh, còn thành tố
chung (A) đều được gọi theo tiếng Việt hoặc Hán Việt: sông, suối, ao, hồ, khe, làng, xã,
thôn, bản. Chúng không gợi lại gì nhiều về những dấu ấn văn hóa được ký thác qua mỗi
địa danh như trong địa danh tiếng Việt hay địa danh vùng Quảng Trị, địa danh Nghệ An,
địa danh thành phố Hồ Chí Minh.

6
4. Về đặc điểm ý nghĩa

4.1. Địa danh là một bộ phận trong từ vựng. Nó được xuất phát từ vốn từ chung và
mang theo chức năng định danh. Chức năng định danh của địa danh là một dạng của chức
năng biểu vật mà mỗi từ mang trong nó. Về bản chất, địa danh là những từ ngữ lấy trong
vốn từ vựng của ngôn ngữ, nó hoạt động và chịu tác động của qui luật ngữ âm, từ vựng và
ngữ pháp của ngôn ngữ đó. Nghiên cứu của các yếu tố cấu tạo địa danh cũng là nghiên
cứu mặt nghĩa của đơn vị từ. vì thế, "khi tìm hiểu những đặc điểm về ý nghĩa của các yếu
tố cấu tạo nên địa danh phải bám chắc vào nghĩa của từng yếu tố, từng từ ngữ này và phải
đặt chúng ngữ cảnh, hoàn cảnh mà địa danh xuất hiện"[Từ Thu Mai, 2004, tr.98]. Đối với
các địa danh nói chung, nghĩa của địa danh chính là nghĩa của từng yếu tố cấu tạo địa
danh đó. Mỗi tên riêng "tạo nên trong trí óc ta sự liên hệ đến một thực thể. Đó là chức
năng ý nghĩa của tên riêng"[Nguyễn Kiên Trường, 1996, tr.90].

Như vậy, nghiên cứu đặc điểm ý nghĩa các địa danh chính là chỉ ra các phương
thức định danh và giá trị phản ánh hiện thực của các địa danh. Bởi lẽ, phương thức định
danh là cách thức đặt tên cho đối tượng địa lí; còn đặc điểm phản ánh hiện thực chính là
nói tới ý nghĩa của các thành tố, của từng địa danh và hệ thống các địa danh.

4.2. Nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc ở A Lưới:

a) Địa danh được đặt theo tên các loại thực vật có trên địa bàn:

Loại địa danh gọi theo tên thực vật có thể phân thành 3 nhóm nhỏ theo đặc điểm
của từng loại thực vật:

+ Các thực vật thông thường, phổ biến: thôn Abung (abung có nghĩa là cây lồ ô),
thôn Aróh (aróh là lá tơi), thôn Aho (aho là cây trúc), thôn Kire (kire là cây mây), thôn
Talo (talo là lá cọ), thôn Langa (langa là cây tre vàng), thôn Ango (ango là cây thông
dùng đun củi, thắp lửa), thôn Asam (asam là một thứ rau như rau dền),...

+ Các loại cây mang tính tâm linh, thường là nơi ngự trị của các vị thần linh.
Chẳng hạn, thôn Piring (piring là một thứ quả ổi rừng), thôn Adâng (adâng là một thứ rau
cải rừng), thôn Iri (iri là cây đa), thôn Taraq (taraq cũng thuộc họ cây đa),...

+ Các địa danh gọi tên theo các sản vật địa phương A Lưới, phần lớn là những loại
sản vật được trồng trên đồi núi như: thôn Ka Rôn (karôn là một loại sắn ngon), thôn Paris
(paris là củ riềng thường dùng trong chế biến các món thức ăn hàng ngày), thôn Poi Ring
(poiring là thứ trái cây ngon dùng đãi khách quý). Ngoài ra còn có những sản vật được

7
thiên nhiên ban tặng cho người dân bản điạ như: thôn Chi Hóa (chihoar là tiêu rừng được
xem là loại gia vị đặc biệt của người Taôi), thôn Priêng (tên một loại quả rừng),...

b) Địa danh được đặt theo tên các vật dụng trong gia đình: Một số địa danh chỉ vật
dụng gia đình được thể hiện trên bản đồ hành chính và qua khảo sát thực tế là thôn
Karmai (karmai là cái vá bằng lồ ô dùng để xới cơm), động Ha Te (hatéeh là cái gùi),
đầm Dol Parnis (dol parnis là cái cán chổi dùng quét nhà), khe Ta Rá (taraq là thứ quả
dùng để gội đầu),...

c) Địa danh được đặt theo tên các dòng họ tiêu biểu: Các dòng họ người dân tộc
thiểu số ở A Lưới lên đến 200. Trong 15 địa danh được gọi tên bằng tên dòng họ (chủ yếu
là người sáng lập), có 7 dòng họ thuộc tộc người Ta Ôi như Taroi, A Diên ở xã A Ngo;
Cô Lênh, Takêu ở xã Nhâm; Kê, Tu Vây, Y Reo ở xã Hồng Thái. 7 dòng họ Pa Cô như A
Niêng, Đut, Lê Triêng ở xã Hồng Trung, Tân Hối; A Sóc ở xã Hồng Bắc, R Môm ở Đông
Sơn, Pi Re ở Hồng Thủy, và 1 dòng họ Cơ Tu là A So ở xã Hương Lâm.

d) Địa danh được đặt theo tên người: các thôn Giông (Jông), Nghĩa (Ngeaq) ở xã
Hương Nguyên; thôn Chai ở Đông Sơn, núi Quỳnh Trên; dốc Parsee ở xã A Đớt; đầm
Pik Nơâi ở xã Nhâm và 5 tên gọi thuộc giới nữ, bao gồm thôn Kăn Tôm, Kăn Te, Kăn
Sâm ở xã Hồng Thượng và Hồng Hạ; đồi Kăn Rơâng, suối A Nhir ở xã A Đớt.

e) Địa danh được đặt dựa trên tính chất, đặc điểm của sự vật: Số địa danh chỉ đặc
điểm, tính chất của sự vật, chủ yếu được dùng để gọi tên làng, xã như xã Nhâm (nhâm
chỉ sự vất vả), xã A Roàng (aroang chỉ sự phi phàm), thôn A Bã (abăq chỉ sự mặn mòi,
đằm thắm), thôn A Năm (anăm là ấp ủ tình cảm), thôn Ka Lô (klô có nghĩa là xấu hổ đến
nỗi phải bật khóc), thôn Ka Cú (kakuq là gù lưng), thôn A Min (amin chỉ sự nhỏ nhắn,
tươi tắn), thôn Mu Nú (munuq chỉ sự ẩn nấp),...

j) Có sự chuyển hóa giữa các loại hình địa danh trong phương thức định danh của
địa danh có nguồn gốc tiếng dân tộc A Lưới. Đặc điểm này phản ánh nét phổ biến trong
cách định danh của các địa danh và dễ thấy ở các địa danh của những vùng miền khác
nhau. Chẳng hạn, sông Ka Rôn (Karung) > thôn Ka Rôn; sông Pa Đu (Patduh) > thôn
Pa Đu; sông A Sáp > thôn A Sáp; sông Lê Ninh (Lning) > thôn Lê Ninh,... Phương thức
chuyển hóa thường gặp là từ địa danh chỉ đối tượng địa lí tự nhiên chuyển hóa thành địa
danh cư trú-hành chính.

g) Một số địa danh cho đến nay chưa có nguồn gốc rõ ràng, chưa xác định được
nguồn gốc ngôn ngữ cấu tạo nên chúng. Chẳng hạn, núi A Pi Lát, núi Vixinna, núi A Rum

8
Cà Lưng, núi Bò Ky Hạ... Sự truy nguyên gốc ý nghĩa các địa danh này sẽ gợi cho chúng
ta nhiều thông tin thú vị về sự giao thoa các lớp, tầng văn hóa khác nhau trên địa bàn.

5. Kết luận

5.1. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy: ngôn ngữ cấu tạo địa danh có nguồn gốc
ngôn ngữ dân tộc thiểu số huyện A Lưới có những điểm khác biệt, đặc trưng so với địa
danh thuần Việt, địa danh Hán Việt nói chung và địa danh ngôn ngữ dân tộc thiểu số vùng
Tây Nguyên hay địa danh Tày Nùng ở phía Bắc. Các địa danh có nguồn gốc tiếng Ta Ôi,
tiếng Cơ Tu, tiếng Pa Cô ở A Lưới hầu như không dùng phương thức chuyển hóa thành tố
chung, danh từ chung(A) thành tên riêng(B), tức địa danh, như thường xảy ra trong các
địa danh dân tộc thiểu số khác. Mỗi tên núi, tên sông, tên làng,... là những cách định danh
không lặp lại ở các yếu tố, ở các loại hình địa danh khác nhau.

5.2. Có thể nói, các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở A Lưới
phần lớn có thể giải thích được nguồn gốc và ý nghĩa nếu chúng ta căn cứ nguồn gốc ngữ
nguyên của các địa danh. Tuy nhiên, vấn đề các địa danh mang nghĩa gì phải được lí giải
trong mối liện hệ với chức năng phản ánh hiện thực của mỗi địa danh. Bởi lẽ, địa danh
không chỉ là những "khối ngôn ngữ kí sinh" mà còn là những "tấm bia về lịch sử, văn hóa
dân tộc". Thông qua địa danh, chúng ta có thể biết được lịch sử, văn hóa, đặc điểm tộc
người, hình thái kinh tế xã hội, tâm lí của một hay nhiều cộng đồng dân cư đã và đang
sống ở tại vùng đất có chứa địa danh. Bước đầu khảo sát địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ
dân tộc thiểu số ở A Lưới, chúng ta có thể biết thêm nhiều điều thú vị về nguồn gốc và ý
nghĩa của các địa danh, cũng như đặc điểm tư duy văn hóa của các dân tộc sống trên địa
bàn cư trú.

Huế, 03/2009

T.V.S

CHÚ THÍCH:
(1). Các luận án tiến sĩ đã bảo vệ: “Những đặc điểm chính của địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh”(1990)
của Lê Trung Hoa; “Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng (sơ bộ so sánh với một số vùng khác)”(1996)
của Nguyễn Kiên Trường; “Nghiên cứu địa danh Quảng Trị”(2003) của Từ Thu Mai; “Những đặc điểm chính của
địa danh Đak Lăk”(2005) của Trần Văn Dũng; “Khảo sát các địa danh ở Nghệ An”(2006) của Phan Xuân Đạm.

(2). A Lưới (từ nguyên là Alơơaiq) có nghĩa là “Chịu phạt bằng việc đền con trâu để giữ mối giao hòa giữa
các bộ tộc với nhau”, gắn với sự kiện chiến tranh đẫm máu giữa bộ tộc Pasiêng (người Pakô) và Asap (người Katu)
chỉ vì hiểu lầm ngôn ngữ. Người Pasiêng, trong một chuyến thả lưới chài cá gặp người Asap cũng làm công việc đó.

9
Do nhầm tưởng đối phương chế nhạo, khinh miệt mình nên đã bắn chết bằng mũi tên độc. Dòng tộc người Asap
phẫn nộ đã kéo quân đến giao tranh với người Pasiêng. Sau khi cảnh tàn sát khốc liệt xảy ra và tướng lĩnh hai bên đã
mệt, họ mới dùng lời lẽ đối chất nhau. Lúc ấy mới biết thực hư. Tộc người Pasiêng biết lỗi nên đã giết trâu để tạ tội
với tộc người Asap. Trên tinh thần không biết thì không có tội nên người Asap sẵn lòng tha thứ và nhận lời tạ tội của
người Pasiêng. Cũng từ đấy, hai bộ tộc này đã kết nghĩa thâm giao.

(3). Số liệu địa danh trong bài do TS. Nguyễn Thị Sửu cung cấp. Nhân đây chúng tôi xin cảm ơn tác giả.

(4). Về địa danh Tây Nguyên, xem thêm: Nguyễn Tố Uyên, Hoàng Thị Châu, Khảo sát địa danh tiếng dân tộc
thiểu số trên bản đồ vùng Tây Nguyên, trong "Tiến tới chuẩn hóa cách viết tên riêng tiếng dân tộc thiểu số trong văn
bản tiếng Việt", đề tài của Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam, 2001; Trần Văn Dũng, Đặc điểm về cấu
tạo của địa danh ở Dak Lăk, Tạp chí Ngôn ngữ số 03, 2005, tr. 71-79; Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, Nxb
KHXH, TP. Hồ Chí Minh, 2006.

(5). Về địa danh vùng Tày Nùng, xem thêm: Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, Nxb KHXH, TP. Hồ Chí
Minh, 2006; Hoàng Văn Ma, Về địa danh vùng Tày Nùng, trong "Những vấn đề ngôn ngữ học", Hà Nội, Viện Ngôn
ngữ học, 2002, tr. 202-213.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc hiệu
đính và dịch chú), Nxb Thuận Hoá, Huế.
2. Đào Duy Anh (1994), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hoá, Huế.
3. Đinh Văn Nhật (1984), “Phương pháp vận dụng địa danh học trong nghiên cứu địa
lý học, lịch sử cổ đại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5, tr. 72-80.
4. Đào Xuân Vịnh(1996), Sổ tay địa danh Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.
5. Đỗ Văn Ninh (2001), “Không gian phân bố địa danh cổ có từ tố “chiềng” từ Việt
Nam đến Thái Lan”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số3, tr.66-70.
6. Hoàng Thị Châu (1966), “Mối liên hệ về nguồn gốc cổ đại ở Đông Nam Á qua một
vài tên sông”, Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 2, Nxb Giáo
dục.
7. Hoàng Thị Châu (1989), Tiếng Việt trên mọi miền đất nước, Nxb Đại học và Trung
học chuyên nghiệp, Hà Nội.

10
8. Lê Quí Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp,
Hà Nội.
9. Lê Trung Hoa (2002), Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học,
Nxb KHXH, Hà Nội.
10. Lê Trung Hoa(2006), Địa danh học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
11. Nguyễn Kiên Trường (1996), Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng (sơ
bộ so sánh với địa danh một số vùng khác), luận án PTS Ngữ văn, Đại học Quốc
gia Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Âu (2002), Một số vấn đề về địa danh Việt Nam, in lần thứ hai, Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội.
13. Trần Trí Dõi(1999), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Đại
học Quốc gia Hà Nội.
14. Trần Trí Dõi(2001), Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội, Nxb Văn hoá thông
tin, Hà Nội.
15. Trần Văn Dũng(2001), “Vài đặc điểm về cấu trúc địa danh ở Buôn Mê Thuột”, in
trong “Ngữ học Trẻ”, tr. 313-215.
16. Trần Văn Dũng (2005), Những đặc điểm chính của địa danh Đắc Lăk, luận án Tiến
sĩ Ngữ văn, Địa học Vinh.
17. Phan Xuân Đạm (2006), Khảo sát các địa danh Nghệ An, luận án Tiến sĩ Ngôn
ngữ học, Đại học Vinh.
18. Nguyễn Văn Hiệu (2007), “Vấn đề quốc ngữ hoá hệ thống phụ âm đầu trong các
địa danh gốc Hán quan thoại Tây Nam ở Việt Nam”, Tạp chí Hán Nôm, số 2, tr.17-
22.
19. Từ Thu Mai (2004), Nghiên cứu địa danh Quảng Trị, luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ
học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
20. Nguyễn Văn Hiệu (2005), “Những địa danh gốc Hán ở một số vùng dân tộc Mông-
Dao ở Việt Nam (trên cứ liệu địa danh hành chính tỉnh Lào Cai)”, Tạp chí Ngôn
ngữ, số 11.

11
B. Tiếng Anh
1. Asher R. E Editor-in-Chief, 1994, The Encyclopedia of language and Linguistics,
Pergamon Press.
2. Alan Cruse.D, 2000, Meaning in language: An Introduction to Semantics and
Pragmtics, Oxford University Press.
3. Bright W. Editor-in Chief, 1992, International Encyclopedia of Linguistics,
Oxford University Press.
4. Fromkin, Victoria & Rober Rodman, 2000, An introduction to language, Nxb Trẻ,
TP. Hồ Chí Minh.
5. Gleason, H.A, 1961, An Introduction to Descriptive Linguisrics, N.Y.Holt,
Rinehart and Winsston, Inc.
6. Lehmann.W.P, 1975, Descriptive Linguisctics: An Introduction, Random House,
New York.
7. Trask.R.L, 1999, Key concepts in language and linguistics, Routledge, London
and New York.
8. Mark J. Alves, 2006, A grammar of Pacoh:a Mon-Khmer language of the central
highlands of Vietnam, Pacific Linguistics, Research School of Pacific and
Asian Studies, The Australian National University.
9. Paul Sidwell, 2006, A Mon- Khmer comparative dictionary, Pacific Linguistics,
Research School of Pacific and Asian Studies, The Australian National
University.

12
TÓM TẮT
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO VÀ Ý NGHĨA
CÁC ĐỊA DANH CÓ NGUỒN GỐC NGÔN NGỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ
Ở HUYỆN A LƯỚI-THỪA THIÊN HUẾ
Trần Văn Sáng
( Trường Đại học Phú Xuân - Huế
Nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học)

Huyện A Lưới hiện có 20 xã và 01 Thị trấn với 149 thôn, cụm dân cư. A Lưới (tính
đến 01/4/2006) có 39983 dân, chủ yếu là dân tộc Ta Ôi, với các nhóm: người Pa Cô
(chiếm 41,73%) và người Ta Ôi (chiếm 25,71%),người Pa Hi (chỉ chiếm 0,40%). Dân tộc
Kinh chiếm 22,16%, dân tộc Cơ Tu chiếm 9,88%,. Dân tộc sinh sống lâu đời nhất trên
miền đất A Lưới là Ta Ôi, cư dân nói ngôn ngữ dòng Môn-Khơ Me, thuộc ngữ hệ Nam Á
(Austroasiatic).

Tiếp cận bước đầu trên 200 địa danh dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới có nguồn
gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên cả ba phương diện: 1/ Xem xét các địa danh về mặt
ngữ âm (chỉ ra qui luật phiên chuyển các địa danh tiếng dân tộc ra chữ quốc ngữ); 2/ Xem
xét về mặt cấu tạo các đơn vị địa danh tiếng dân tộc; 3/ Xem xét về mặt ngữ nghĩa các
đơn vị địa danh tiếng dân tộc trên địa bàn khảo sát. Trong báo cáo khoa học này, chúng
tôi chỉ đề cập đến đặc điểm cấu tạo và đặc điểm ý nghĩa các địa danh có nguồn gốc ngôn
ngữ dân tộc thiểu số huyện A Lưới; qua đó bước đầu chỉ ra một số đặc trưng cơ bản trong
lối tư duy và văn hóa của người bản địa qua phương thức gọi tên các đối tượng địa lí tự
nhiên và nhân văn trên địa bàn.

Thông tin về tác giả

Trần Văn Sáng, Thạc sĩ, Giảng viên Trường Đại học Phú Xuân Huế

Nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học khóa 2008.

Hòm thư điện tử: transangdhpx@yahoo.com.vn

Điện thoại: 054.3824013 Mobil: 0914 051576

13

You might also like