You are on page 1of 26

Ðôi mắt - (tên đầu: Tiên sư anh Tào Tháo)

Nam Cao
Anh thanh niên làng chỉ một cái cổng gạch nhỏ, quay lại bảo ti :
- Ngõ này đây, ông Hoàng ở đây.
- Cám ơn anh nhé. Lát nữa tôi sẽ sang nhà anh chơi.
Tôi vỗ vai anh bảo vậy. Tôi toan vào. Anh vội ngăn tôi lại :
- Khoan đã. Anh để em gọi cho anh trong nhà xích con chó lại. Con chó to và dữ lắm.
Tôi mở to đôi mắt, khẽ reo lên một tiếng thú vị. Tôi nhớ đến những lần đến chơi nhà anh Hoàng ở Hà Nội.
Bấm chuông xong, bao giờ tôi cũng phải chờ anh Hoàng thân hành ra nắm chặt cái vòng da ở cổ một con
chó tây to bằng con bê, dúi đầu nó vào gầm cái cầu thang, rồi mới có đủ can đảm bước vội qua đằng sau
cái đuôi nó để vào phòng khách.
Tôi rất sợ con chó giống Ðức hung hăng ấy. Sợ đến nỗi một lần đến chơi, không thấy anh Hoàng ra đứng
tấn để giữ nó lại buồn rầu báo cho tôi biết nó chết rồi, thì mặc dầu có làm ra mặt tiếc với anh, thật tình
thấy nhẹ cả người. Con chó chết vào giữa cái hồi đói khủng khiếp mà có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng
ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình. Không phải vì chủ nó không tìm nổi mỗi ngày vài lạng thịt
bò để nó ăn. Anh Hoàng là một nhà văn, nhưng đồng thời cũng là một tay chợ đen rất tài tình. Khi chúng
tôi đến nơi chỉ còn một dúm xương và rất nhiều bản thảo chẳng biết bán cho ai, anh Hoàng vẫn phong lưu,
con chó của anh chưa phải nhịn bữa nào. Nhưng xác người chết đói ngập phố phường. Nó chết có lẽ vì
chén phải thịt người ươn hay vì hút phải nhiều xú khí. Thảm hại thay cho nó.
Thế mà bây giờ đến thăm anh Hoàng ở chỗ gia đình anh tản cư về, cách Hà Nội hàng trăm cây số, tôi lại
được nghe đến một con chó dữ. Thật là thú vị !... Tôi cười nho nhỏ. Chẳng biết tôi cười gì, anh thanh niên
cũng nhe răng ra cười. Ðáp lại tiếng anh gọi, tiếng những chiếc guốc mỏng mảnh quét trên sân gạch nổi
lên, lẹc khẹc và mau mắn. Một thằng bé mũ nồi đen, áo len xám, chạy ra. Một đôi mắt đen lay láy nhìn
tôi...
- Bác Ðộ, ba ơi ! Bác Ðộ !...
Thằng Ngữ, con anh Hoàng. Nó chẳng kịp chào tôi, ngoắt chạy trở vào, reo rối rít.
- Cái gì ? Cái gì ? Hừm !
Tiếng trầm trầm nhưng lại có vẻ nạt nộ của anh Hoàng hỏi nó. (Bao giờ nói với con, anh Hoàng cũng có
cái giọng dậm doạ buồn cười ấy). Thằng bé líu ríu những gì tôi nghe không rõ. Rồi thấy tiếng thanh thanh
của chị Hoàng giục con :
- Ngữ xích con chó lại. Xích con chó lại cái cột tít đằng kia.
Anh Hoàng đi ra. Anh vẫn bước khệnh khạng, thong thả, bởi vì người khí béo quá, vừa bước vừa bơi hai
cánh tay kềnh khệnh ra hai bên, những khối thịt ở bên dưới nách kềnh ra và trông tủn ngủn như ngắn quá.
Cái dáng điệu nặng nề ấy, hồi còn ở Hà Nội anh mặc quần áo tây cả bộ, trông chỉ thấy là chững chạc và
hơi bệ vệ. Bây giờ nó lộ ra khá rõ ràng trong bộ áo ngũ màu xanh nhạt, phủ một cái áo len trắng nó nịt
người anh đến nỗi không còn thở được.
Anh đứng lại bên trong cổng, một bàn tay múp míp hơi chìa về phía tôi, đầu hơi ngửa về đằng sau, miệng
hé mở, bộ điệu một người ngạc nhiên hay mừng rỡ quá. Tôi có thì giờ nhận rõ một sự thay đổi trên bộ mặt
đầy đặn của anh : trên mép một cái vành móng ngựa ria, như một cái bàn chải nhỏ.
Sửng người ra một lúc, rồi anh mới lâm li kêu lên những tiếng ở trong cổ họng :
- ối giời ơi ! Anh ! Quý hoá quá !
Anh quay lại :
- Mình ơi ! Anh Ðộ thật. Xa thế mà anh ấy cũng chịu khó đến thăm chúng mình.
Chị Hoàng lúc bấy giờ đã chạy ra, tay còn đang cài nốt khuy chiếc áo dài màu gạch vừa mới mặc vội vào
để ra đón khách. Người đàn bà vồn vã :
- Mong bác mãi. Lúc thằng cháu mới chạy vào, nhà tôi cứ tưởng nó trông nhầm. Cứ tưởng bác ở cách
hàng mười lăm hai mươi cây số...
Bắt tay tôi xong, anh Hoàng dịu dàng đẩy tôi đi trước. Chị vợ đã nhanh nhẹn chạy trước vào nhà, dọn bàn
dọn ghế. Sao lại có sự săn đón cảm động như thế được ? Tôi đâm ngờ những ý nghĩ không tốt của tôi về
anh, từ hồi Tổng khởi nghĩa trở đi. Sau Tổng khởi nghĩa, anh Hoàng đối với tôi đột nhiên nhạt hẳn đi.
Mấy lần tôi đến chơi với anh, định để xem anh thay đổi thế nào trong cuộc thay đổi lớn của dân tộc chúng
ta, nhưng đều không gặp anh. Cửa nhà anh đóng luôn luôn. Thằng nhỏ nhà anh đứng bên trong cái cửa
nhìn qua một lỗ con, bao giờ cũng hỏi cặn kẽ tên tôi, để một lúc sau ra bảo tôi rằng ông nó không có nhà.
Mấy lần đều như vậy cả nên tôi đã sinh nghi. Lần cuối cùng, trước khi bấm chuông, tôi còn nghe thấy
tiếng vợ chồng anh. Nhưng thằng nhỏ vẫn quả quyết rằng ông bà nó về trại những từ tối hôm trước kia rồi.
Ðã đích xác là anh không muốn tiếp tôi. Chẳng hiểu vì sao. Nhưng từ đấy tôi không đến nữa. Mỗi lần gặp
nhau ở ngoài đường, chúng tôi chỉ bắt tay nhau một cách rất lạnh lùng, hỏi thăm nhau một câu chiếu lệ, rồi
ai đi đường nấy. Tôi đã biết Hoàng vẫn có tính tự nhiên "đá" bạn một cách đột ngột, vì những cớ mà chỉ
mình anh biết. Có khi chỉ là vì một tác phẩm của người bạn ấy được cảm tình của một nhà phê bình đã chê
một vài tác phẩm của anh. Có khi cũng chẳng cần đến thế. Anh có thể là một người bạn rất thân của anh
Hoàng khi anh chỉ là một nhà văn ở tỉnh xa chỉ góp mặt với Hà Nội bằng những bài gửi về đăng báo,
nhưng nếu anh lại về sống hẳn ở thủ đô, giao thiệp với ít nhiều nhà văn khác, anh sẽ không phải là bạn anh
Hoàng nữa. Có lẽ anh Hoàng biết cái giới văn nghệ sĩ Hà Nội chửi anh nhiều quá.
Riêng tôi, trước đây, tôi vẫn không hiểu sao người ta có thể khinh ghét anh nhiều thế. Tận đến lúc bị anh
đá tôi mới hiểu. Tôn còn được hiểu rõ ràng hơn. Vào cái hồi quân đội Ðồng minh vào giải giáp quân Nhật
ở nước ta, một số gái kiếm tiền trút bộ đầm ra để mặc bộ áo Tầu. Còn anh bạn của tôi, chẳng biết bám
được ông má chín nào, ra một tờ báo hằng ngày để chửi vung lên. Chửi hết cả mọi người rồi anh mới lôi
đến một số bạn cũ của anh ra. Toàn là những người hiền lành, xưa nay chưa hề chạm đến một sợi tóc của
anh. Nhưng tên họ trên những tờ báo của phong trào giải phóng quốc gia được hoan nghênh làm ngứa mắt
anh. Anh hằn học gi mỉa họ là những nhà văn vô sản và cho họ là một bọn khố rách áo ôm đã đến ngày mả
phát, ăn mặc và tẩm bổ hết cả phần thiên hạ. Tôi cười nhạt. Không phải tôi khó chịu vì những lời vu cáo
của anh. Tôi khó chịu chính vì thấy đến tận lúc ấy mà vẫn còn một số nhà văn Việt Nam dùng ngòi bút
mình để làm những việc đê tiện thế. Anh Hoàng vẫn là con người cũ. Anh không chịu đổi. Tôi đã tưởng
anh với tôi chẳng bao giờ còn thân mật với nhau trở lại... Nhưng sao gặp tôi lần này anh lại hân hoan đến
thế ? Anh đã đủ thì giờ để lột xác rồi chăng ? Hay cuộc kháng chiến mãnh liệt của dân ta đã quét sạch khỏi
đầu anh những cái gì cũ còn sót lại ? Thật tình, tôi rất cảm động khi nghe thấy anh kể lể :
- Chẳng ngày nào chúng tôi không nhắc đến anh. Nguyên một hôm xem tờ báo của ông hàng xóm thấy có
bài của anh, tôi đoán anh làm tuyên truyền ở tỉnh này. Tiện gặp một cán bộ về làng, tôi nhờ gửi cho anh
một bức thư. Cũng là gửi cầu may. Thật không dám chắc thư đến tay anh. Mà có đến, có lẽ anh nhiều việc,
cũng khó lòng về chơi với chúng tôi. Thế mà lại được gặp anh. Trông anh không lấy gì làm khoẻ mà sao
anh đi bộ tài thế ? Mà sao anh lại tìm vào được đúng làng này ? Hồi mới đến đây, tôi ra khỏi nhà độ mươi
bước là đã lạc. Nhiều ngõ quá mà ngõ nào cũng giống ngõ nào. Có khi ra đồng về cũng nhầm ngõ...
Cái nhà Hoàng ở nhờ có thể gọi là rộng rãi. Ba gian nhà gạch sạch sẽ. Hàng hiên rộng ở ngoài. Sân gạch,
tường hoa. Một mảnh vườn trồng rau tươi rười rượi. Xinh xắn lắm. Thích nhất là gia đình anh được ở cả
nhà. Chủ nhân cũng là người buôn bán trên Hà Nội. Ông thường nhờ vốn liếng và mối hàng của vợ chồng
anh. Còn gì hơn là lúc này trả nghĩa lại nhau. Ông đã dọn sang nhà ông bố ở liền bên, nhường lại nhà cho
anh hoàn toàn sử dụng. Anh cho tôi biết thế và bảo tiếp :
- Giá chúng tôi chưa tìm được nhà ông thì chưa biết ra sao. Tôi thấy nhiều người tản cư khổ lắm. Anh tính
có đời nào anh ruột tản cư về nhà em mà đến lú vợ đẻ, em bắt ra một cái lều ngoài vườn để đẻ !
Tôi cho anh biết người nhà quê mình có tục kiêng...
- Thì đã đành là vậy... Anh nói giọng tức tối và bất bình - Thì đã đành là vậy, nhưng lúc này còn kiêng kỵ
gì ? Mà có những thế thôi đâu ! Thấy anh bây giờ khổ sở, em đã chẳng thương, lại còn xỉa xói, nhắc đến
những lúc hoang phí trước để mà xỉ vả. Nào "lúc có tiền thì chẳng biết ăn biết nhịn để dè, chỉ biết nay gà
mai chó !", nào "lúc buôn bán phát tài, bảo gửi tiền về quê tậu ruộng vườn thì bảo không cần vườn ruộng,
để tậu nhà ở tỉnh kia, bây giờ không bám lấy nhà ở tỉnh đi ?..." Tệ lắm ! Anh tính mấy đời mới có một
phen loạn lạc thế này ? Có tiền, thằng nào chẳng ăn chơi ? Có mấy người cứ còm cọm làm như trâu, ăn
chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, ở thì chui rúc thế nào cho xong thôi, để tiền mà tậu vườn, tậu ruộng
như họ ?
Chị Hoàng tiếp lời chồng :
- Họ làm chính chúng tôi cũng đâm lo. Có thể nói rằng trong một trăm người thì chín mươi người cho rằng
Tây không đời nào dám đánh mình. Mãi đến lúc có lệnh tản cư tôi vẫn cho là mình tản cư để doạ nó thôi.
Thế rồi đùng một cái, đánh nhau. Chúng tôi chạy được người chứ của thì chạy làm sao kịp ? May mà còn
vớt vát được ít tiền, một ít hàng để ở cái trại của chúng tôi, ở ngoại thành. Khéo lắm thì ăn được độ một
năm. Ðến lúc hết tất nhiên là phải khổ rồi. Chỉ sợ đến lúc ấy, họ lại mỉa lại. Thành thử bây giờ, lý ra thì có
muốn ăn một con gà chưa đến nỗi không mua nổi mà ăn, nhưng ăn lại sợ người ta biết, sau này người ta
nói cho thì nhục.
Họ tàn nhẫn lắm cơ, bác ạ !
Anh Hoàng cười :
- Mà sao họ đã bận rộn nhiều đến thế mà vẫn còn thì giờ chú ý đến những người chung quanh nhiều đến
thế ? Anh chỉ giết một con gà ngày mai cả làng này đã biết. Này, anh mới đến chơi thế mà lúc nãy tôi đã
thấy có người nấp nom rồi. Ngày mai thế nào chuyện anh đến chơi tôi cũng đã chạy khắp làng. Họ sẽ kể
rất rạch ròi tên anh, tuổi anh, anh béo gầy thế nào, có bao nhiêu nốt ruồi ở mặt, có mấy lỗ rách ở ống quần
bên trái.
Tôi mỉm cười, cắt nghĩa cho anh hiểu : lúc này họ cần để ý đến những người lạ mặt tới làng. Tôi chắc mấy
người nấp nom tôi là mấy người có trách nhiệm trong uỷ ban mấy anh tự vệ.
- Lại còn các ông uỷ ban với các bố tự vệ nữa mới chết người ta chứ ! Họ vừa ngố vừa nhặng sị. Ðàn bà
chửa mà đến nỗi cho là có lựu đạn giắt trong quần ! Họ đánh vần xong một cái giấy ít nhất phải mất mười
lăm phút, thế mà động thấy ai đi qua là hỏi giấy. Anh đi, hỏi. Anh về, hỏi, hỏi nữa. Anh vừa ra khỏi làng,
sực nhớ quên cái mũ, trở lại lấy, cũng hỏi rồi mới cho vào. Lát nữa anh ra, lại hỏi. Hình như họ cho cái
việc hỏi giấy là thú lắm.
Anh cười gằn một tiếng, nhìn bao trùm cả người tôi, hỏi :
- Anh sống ở nhà quê nhiều, anh có hiểu tâm lý của họ không ?
Anh thử cắt nghĩa hộ tôi tại làm sao họ lại nhiêu khê đến thế ?
Từ trước đến nay, tôi chỉ hoàn toàn ở Hà Nội, thành thử chỉ mới biết những người nhà quê qua những
truyện ngắn của anh. Bây giờ gần họ, tôi quả là thấy không nhịn được. Không chịu được !
Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi
xác thối. Vợ chồng anh thi nhau kể tội người nhà quê đủ thứ. Toàn là những người đần độn, lỗ mãng, ích
kỷ, tham lam, bần tiện cả. Cha con, anh em ruột cũng chẳng tốt với nhau. Các ông thanh niên, các bà phụ
nữ mới bây giờ lại càng lố lăng. Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả
lên. Mở miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân phát xít, phản động, xã hội chủ
nghĩa, dân chủ với cả dân tân chủ nữa mới khổ thiên hạ chứ ! Họ mà tóm được ai thì có mà chạy lên trời !
Thế nào họ cũng tuyên truyền cho hàng giờ. Có lẽ họ cho những người ở Hà Nội về như vợ chồng anh đều
lạc hậu, chưa giác ngộ nên họ không bỏ lỡ một dịp nào để tuyên truyền vợ chồng anh. Mà tuyên truyền
như thế nào !...
Anh trợn mắt bảo tôi :
- Tôi kể cho anh nghe chuyện này thế nào anh cũng cho là bịa. Nhưng tôi có bịa một tí nào, tôi chết. Một
hôm, tôi đi chợ huyện chơi. ở nhà đã hỏi đường cẩn thận rồi, nhưng đến một ngã ba, lại quên béng mất,
không biết phải rẽ lối nào. Ðành đứng lại, chờ có người đi qua thì hỏi. Chờ mãi mới thấy một ông thanh
niên nghễu nghện vác một bó tre đi tới. Tôi chào rồi hỏi : "Ði chợ huyện lối nào, ông làm ơn chỉ giúp
tôi !" Anh ta trố mặt nhìn tôi chẳng rằng chẳng nói, như nhìn một giống người lạ mới từ Hoả tinh rơi
xuống. Tôi biết hiệu, rút giấy đưa cho anh xem rồi lại hỏi. Bây giờ anh ta mới bảo : "Ông cứ đi lối này,
đến chỗ có một cây đa to thì rẽ về tay phải, đi một quãng lại rẽ về tay trái, qua một cách đồng, vào đường
gạch làng Ngò, vòng qua đằng sau đình, rẽ về tay phải, đi một quãng nữa là đến chợ". Ðại khái thế, chứ
không hoàn toàn đúng thế. Chỉ biết là nó lôi thôi rắc rối, nhiều bên phải bên trái quá, đến nỗi tôi không tài
nhận nhận được. Anh ta bày cho tôi một cách : đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng đi chợ thì theo. Tôi cho là
phải. Anh ta cười bảo : "Thôi thế chào ông. Cháu vô phép ông đi trước. Cháu vội lắm. Cháu phải vác ngay
bó tre này lên Thượng để làm công tác phá hoại, cản cơ giới hoá tối tân của địch. Cuộc trường kỳ kháng
chiến của ta phải chia làm ba giai đoạn : giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai đoạn tổng phản
công. Giai đoạn phòng ngự nghĩa là..." Anh ta cứ thế, đọc thuộc lòng cho tôi nghe cả một bài dài đến năm
trang giấy.
Chị Hoàng cười rú lên. Tôi cũng cười, nhưng có lẽ cái cười chẳng được tươi cho lắm. Anh thấy cần phải
thề lần nữa :
- Tôi có bịa thì tôi chết. Mà tôi lại thề với anh rằng lúc ấy tôi ngạc nhiên quá, không còn cười được, vả lại
cũng không dám cười. Cười, nhỡ anh ta đánh cho thì tai hại. Nhưng từ hôm ấy ngày nào tôi cũng bắt nhà
tôi đóng cổng suốt ngày không dám đi đâu nữa.
Tôi cười gượng. Ðiều muốn nói với anh, tôi đành giấu kín trong lòng không nói nữa. Tôi biết chẳng đời
nào anh nhận làm một anh tuyên truyền nhãi nhép như tôi. Vả lại dầu có rủ được anh làm như tôi, khoác
cái ba lô lên vai, đi hết làng nọ đến làng kia để nhận xét nông thôn một cách kỹ càng hơn cũng chẳng ích
gì. Anh đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi. Anh trông thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài
"ba giai đoạn" nhưng anh không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Mà ngay
trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy
cái ngố bề ngoài của nó mà không nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để
nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.
Tôi biết lắm. Trước mặt người đàn anh trong văn giới ấy, tôi chỉ là một kẻ non dại, mới tập tọng học nghề.
Bởi vậy tôi không dám nói hết những ý nghĩa của tôi ra. Tôi chỉ rụt rè và đưa ra vài điểm nhận xét :
- Có nhiều cái kỳ lạ lắm. Người nhà quê dẫu sao thì cũng còn là một cái bí mật đối với chúng ta. Tôi gần
gũi họ rất nhiều. Tôi dã gần như thất vọng vì thấy họ phần đông dốt nát, theo nhếch, nhát sợ, nhịn nhục
một cách đáng thương. Nghe các ông nói đến "sức mạnh quần chúng", tôi rất nghi ngờ. Tôi vẫn cho rằng
đa số nước mình là nông dân, mà nông dân nước mình thì vạn kiếp nữa cũng chưa làm cách mạng. Cái
thời Lê Lợi, Quang Trung, có lẽ đã chết hẳn rồi, chẳng bao giờ còn trở lại. Nhưng đến hồi Tổng khởi
nghĩa thì tôi đã ngả ngửa người. Té ra người nông dân nước mình vẫn có thể làm cách mạng, mà làm cách
mạng hăng hái lắm. Tôi đã theo họ đi đánh phủ. Tôi đã gặp họ trong mặt trận Nam Trung Bộ. Vô số anh
răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là "nựu đạn", hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh, mà lúc ra trận
thì xung phong can đảm lắm. Mà không hề bận tâm đến vợ con, nhà cửa, như họ vẫn thường thế nữa. Gặp
họ, anh không thể tưởng tượng được rằng chính những người ấy, chỉ trước đây dăm tháng, giá có bị anh
lính lệ ghẹo vợ ngay trước mặt cũng chỉ đành im thin thít mà đi, đi một quãng thật xa rồi mới dám lẩm
bẩm chửi thầm vài tiếng, còn bao nhiêu ghen tức đành là đem về nhà trút vào má vợ.
Hoàng nhếch một khoé môi lên, gay gắt :
- Nhưng anh vẫn không thể chối được rằng họ có nhiều cái ngố không chịu được. Tôi thấy có nhiều ông tự
vệ hay cả vệ quốc quân nữa táy máy nghịch súng hay lựu đạn làm chết người như bỡn. Nhiều ông cầm đến
một khẩu súng kiểu lạ, không biết bắn thế nào. Nước mình như vậy, suốt đời không được mó đến khẩu
súng thì làm gì biết bắn, họ đánh mãi rồi cũng biết. Thì cứ để cho họ đánh Tây đi ! Nhưng tai hại là người
ta lại cứ muốn cho họ làm uỷ ban nọ, uỷ ban kia nữa, thế mới chết người ta chứ ! Nói thí dụ ngay như cái
thằng chủ tịch uỷ ban khu phố tôi ở Hà Nội lúc chưa đánh nhau, nó là một anh hàng cháo lòng. Bán cháo
lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm uỷ ban thế nào mà bắt nó làm uỷ ban ? Ông chủ tịch làng này,
xem giấy của nhà tôi, thấy đề Nguyễn Thục Hiền, cứ nhất định bảo là giấy mượn của đàn ông. Theo ông
ấy, thì đàn bà ai cũng phải là thị này, thị nọ. Chị Hoàng cười nhiều quá, phát ho, chảy cả nước mắt ra. Rút
khăn tay lau nước mắt xong, chị chép miệng lắc đầu, bảo tôi :
- Giá bác ở đây thì nhiều lúc bác cũng cười đến chết. Thế mà ông chủ tịch ấy cứ nằn nì mãi hai ba lượt,
yêu cầu nhà tôi dạy bình dân học vụ hay làm tuyên truyền giúp.
Anh chồng tiếp :
- Tôi chẳng có việc gì làm, lắm lúc cũng buồn. Nhưng công tác với những người như vậy thì anh bảo công
tác làm sao được ? Ðành để các ông ấy gọi là phản động.
Muống lảng chuyện, tôi hỏi :
- Lúc này nhiều thì giờ thế, chắc anh viết được. Anh đã viết được cái gì thú chưa ?
- Chưa, bởi vì ngay đến một cái bàn viết ra hồn cũng không còn nữa. Nhưng thế nào chúng mình cũng
phải viết một cái gì để ghi lại cái thời này. Nếu khéo làm còn có thể hay bằng mấy cái "Số đỏ" của Vũ
Trọng Phụng. Phụng nó còn sống đến lúc này phải biết !
Cơm chiều xong vào lúc bốn giờ, Hoàng mời tôi cùng đi với vợ chồng anh đến chơi nhà mấy người ở phố
cũng tản cư về. Có đâu một ông tuần phu về hưu, một ông đốc học bị thải hồi vì một vụ hiếp học trò, một
cụ phán già trước đây chuyên môn sống về nghề lo kiện, hay chạy cửu phẩm cho thiên hạ. Anh chẳng ưa
gì họ bởi vì họ chẳng biết gì đến văn chương nghệ thuật, chỉ tổ tôm là giỏi.
Nói chuyện với họ chán phè. Nhưng nếu chẳng giao thiệp với họ thì cũng chẳng biết đến chơi nhà ai được
nữa... Anh vừa đi vừa tâm sự nhỏ với tôi như vậy, và thì hầm kề sát tai tôi những cái thối nát, ngu ngốc,
gàn dở, rởm đời của từng người một, trong khi chúng tôi bước chầm chậm để đợi chị Hoàng ra sau chúng
tôi một chút.
Chị Hoàng rảo bước để theo kịp chúng tôi. Hai má đỏ ứng vì lửa bếp. Chị cắt nghĩa sự chậm trễ của chị :
- Tôi xem lại nồi khoai lang vui, để lát nữa về ăn. ở đây cao lương mỹ vị chẳng có gì, nhưng được cái thức
ăn vặt thì sẵn. Bác ở chơi đây, mai tôi xem nhà ai có mía to mua mấy cây về ướp hoa bưởi ăn thơm lắm.
Ðến một cái cổng gạch lớn có dây leo, anh Hoàng giật dây chuông.
Một thằng bé chạy ra, lễ phép chào :
- Lạy ông !
- Không dám. Cụ Phạm có nhà không cậu ?
- Bẩm ông, cụ sang bên ông đốc.
- Sao thấy nói ông đốc ở đây từ sáng ?
- Bẩm không ạ ! Sáng nay không thấy ông đốc sang chơi bên này.
Chúng tôi quay trở lại. Qua mấy cái ngõ ngoằn ngoèo khác, đến một cái cổng gạch có dây leo khác. Một
chị vú ẵm em đứng cổng :
- Lạy ông ! Lạy bà !
- Không dám. Ông đốc có nhà hay đi chơi vắng ?
- Bẩm ông, ông đốc con sang cụ tuần.
- Sao bên cụ tuần bảo sang đây ?
- Bẩm ông, không ạ !
Anh Hoàng quay ra. Ði được mấy bước, anh quay lại khẽ bảo vợ :
- Các bố lại tổ tôm. Mụ Yên Kỷ cũng không có nhà, phải không ?
Con mụ ấy cũng là đệ tử tổ tôm hạng nặng. Chắc họ tụ tập ở đây hay ở bên nhà cụ Phạm, sai người gác
cổng.
Chị Hoàng không có ý kiến gì. Anh Hoàng vỗ vai bảo tôi :
- Anh nghĩ có buồn không ? Tri thức thì thế đấy. Còn dân thì... như anh đã biết.
Tôi thầm rủa sự tình cờ sao lại xô đẩy anh về đây cùng với bằng ấy thứ cặn bã của giới thượng lưu trí
thức. Sao anh không đi theo bộ đội, đi diễn kịch tuyên truyền nhập bọn với các đoàn văn hoá kháng chiến
để được thấy những sinh viên, công chức sung vào vệ quốc quân, những bác sĩ sốt sắng làm việc trong các
viện khảo cứu hay các viện quân y, những bạn văn nghệ sĩ của anh đang mê mải đi sâu vào quần chúng để
học họ và dạy họ, đồng thời tìm những cảm hứng mới cho văn nghệ ?
Tôi cười nhạt :
- Nghe anh nói, tôi nản quá. Như vậy cuộc kháng chiến của ta có lẽ đến hỏng à ?
Anh chộp lấy câu của tôi, nhanh như một con mèo vồ con chuột :
- ấy đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kỹ thì rất nản. Nhưng tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào ông Cụ. Tôi cho
rằng cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ. Hồ
Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước
mình kể cũng khổ cho ông Cụ lắm. Anh tính tượng trưng cho phong trào giải phóng cả một cái đệ tứ
cường quốc là Ðại Pháp, mà chỉ có đến thằng Ðờ-Gôn.
Tôi nhắc đến tên mấy nhân vật kháng chiến khác của Pháp, còn đáng tiêu biểu bằng mấy Ðờ-Gôn. Anh lắc
đầu :
- Bằng thế nào được Hồ Chí Minh !
Và anh tiếp :
- Ông Cụ làm những việc nó cừ quá, đến nỗi tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa, ông Cụ xoay
quanh rồi cũng cứ độc lập như thường. Những cú như cú Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 thì đến chính
thằng Mỹ cũng phải lắc đầu: nó cho rằng không thể nào bịp ông già nổi. Thằng Pháp thì nghĩa là gì ? Bệt
lắm rồi. Không có thằng Mỹ xúi thì làm gì Pháp dám trở mặt phản Hiệp định mồng 6 tháng 3 ? Mình cho
nó như vậy đã là phúc đời nhà nó lắm rồi. Ðáng lẽ nó phải bám chằng chằng lấy chứ ?
Buổi tối ăn khoai vùi xong, uống mấy tuần trà rồi đi nằm sớm. Anh sợ tôi đã đi hàng mười cây số, lại ngồi
nói chuyện suốt từ lúc đến, chắc không thể ngồi được nữa. Vả lại tuy chưa buồn ngủ nhưng nằm đắp chăn
cho ấm và buông màn cho khỏi muỗi thì vẫn tốt. Hai cái giường nhỏ kề song song, cách nhau có một lối đi
nhỏ. Màn tuyn trắng toát. Chỉ trông cũng đã thấy thơm tho và thoải mái.
Hoàng với tôi đi nằm trước. Một gói thuốc lá thơm và một bao diêm đặt ở bên cạnh cái đĩa gạt tàn thuốc lá
ở đầu giường. Tôi để nguyên cả quần áo tây và chỉ ngay ngáy lo đêm nay một vài chú rận có thể rời sơ-mi
tôi để du lịch ra cái chăn bông thoang thoảng nước hoa. Mọi hôm tôi vẫn đắp chăn chung với anh em thợ
nhà in, cái giống ký sinh trùng hay phản chủ ấy, ở người tôi, không dám cam đoan là tuyệt nhiên không
có.
Chị Hoàng thu dọn đồ đạc, đóng cửa, rồi đem một cây đèn to lại chỗ cây giường chúng tôi, lấy ra một cái
chai. Anh Hoàng trông thấy, hỏi :
- Mình thắp đèn to đấy à ?
- Vâng, tôi đổ thêm dầu đã.
Anh Hoàng hỏi tôi :
- Anh có thích đọc Tam Quốc không ?
Tôi thú thật là chưa bao giờ được xem trọn bộ.
- Thế thì thật là đáng tiếc. Trong tất cả các tiểu thuyết Ðông Tây, có hai quyển tôi mê nhất là Tam Quốc
và Ðông Chu Liệt Quốc. Về cái môn tiểu thuyết thì thằng Tàu nhất. Nhưng cũng chỉ có hai bộ ấy thôi.
Thuỷ Hử cũng hay, chẳng kém Tam Quốc và Ðông Chu Liệt Quốc. Những tiểu thuyết khác hay đến đâu,
anh cũng chỉ đọc một câu. Ðọc đến lần thứ hai là giảm thú rồi. Nhưng Tam Quốc với Ðông Chu thì đọc đi
đọc lại mãi vẫn thấy thú như mới đọc.
- Anh có hai bộ ấy ở đây không ?
- Bộ Ðông Chu mất ở Hà Nội, không đem đi được. Thế mới sầu đời chứ ! Hận quá, may mà bộ Tam Quốc
lại để ở ngoại thành, đem đi được. Nếu không thì buồn đến chết.
Anh gạt tàn thuốc lá rồi bảo tiếp :
- Sở dĩ lúc này tôi hỏi anh là có thích đọc Tam Quốc không là vì mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi có cái
thú đọc một vài hồi Tam Quốc rồi mới ngủ. Nhưng hôm nay anh không biết có nên bỏ cái lệ ấy đi không ?
Nếu anh thích nói chuyện thì nghỉ một tối để chúng mình nói chuyện cũng chẳng sao.
Cố nhiên là tôi mời vợ chồng anh cứ giữ lệ thường. Anh có vẻ mừng rỡ lắm :
- Vâng, nếu anh cho phép thì ta cứ đọc. Chúng mình cùng nghe rồi lúc nào buồn ngủ thì ta ngủ. Tôi trông
anh hơi mệt có lẽ cần ngủ sớm. Không biết đèn sáng lại đọc thế có phiền anh không ?
Tôi cho anh biết là tôi vẫn ngủ ngay trong nhà in, đèn sáng và máy chạy ầm ầm, ở đây chăn ấm thế này thì
dẫu súng có nổ ngay ở liền bên tôi vẫn ngủ ngon lành lắm... Anh cười cùng cục trong cổ như một con gà
trống :
- Vâng, thế thì ta cứ đọc. Mình lấy ra đi.
Chị Hoàng chạy lại bíp lấy một quyển sách bìa dày, gáy da, đem lại.
- Mình đọc hay tôi đọc ?
- Mình đọc đi.
Chị để cây đèn lên trên cái đôn thấp ở đầu giường, cởi áo dài lên giường nằm cạnh thằng con đã chui vào
chăn trước.
- Hôm qua đọc đến đâu rồi nhỉ. Hình như...
- Không cần, mình đọc lại cái đoạn thằng Tào Tháo nó tán Quan Công ấy. Thế nào ? Theo ý anh thì Tào
Tháo có giỏi không ?
Tôi trả lời qua loa cho xong chuyện :
- Tôi thấy nói là nó giỏi.
- Giỏi lắm anh ạ ! Giỏi nhất Tam Quốc. Sao nó tài đến thế.
Chị Hoàng đã tìm thấy, bắt đầu cất tiếng thanh thanh đọc. Anh Hoàng vừa hút thuốc lá vừa nghe. Mỗi khi
đọc đến đoạn hay anh lại vỗ đùi kêu :
- Tài thật ! Tài thật ! Tài đến thế là cùng ! Tiên sư anh Tào Tháo.
1948

-----------------------------------------------------

Nguyễn Khải

Mùa lạc

Sáng, mây bốc mù chân núi vây quanh lấy cánh đồng Điện Biên, nhưng trên đỉnh chóp lại hết sức trong trẻo đến nỗi

trông thấy rõ những thân cây đứng trơ trụi, và thấp thoáng một vật trắng của mái nhà người Mèo.

Bãi trồng lạc ở cánh đồng phía Tây Hồng Cúm trải ra từ chân khu nhà ở của đội sản xuất số 2 mênh mông cho mãi

tới giáp rừng. Giữa cái màu xanh lặng lẽ của lá lạc, lá cỏ nghệ, và rút đồng, nổi lên một miếng vàng sẫm của mấy

mảng cỏ gianh và lá cót đan lẫn lên nhau. Đấy là điểm sinh động nhất của toàn bãi: tiếng chân đạp lên bàn gỗ rình

rịch, tiếng vòng trục quay ù ù của ba cái máy tuốt lạc, tiếng bào cào rê lạo xạo trên mình vỏ lạc thu gọn lại ở khoanh

giữa; mùi hăng của thân lạc tươi mới nhổ xếp lớp lớp trên các cáng và mùi ẩm ướt nồng nồng của những cây lạc đã

tuốt đánh đống phơi mưa suốt đêm qua. Bụi bốc mờ mờ từ cả mấy phía, và những chấm cánh nâu của con sâu ban

miêu bay sè sè vụt qua vụt lại. Mồ hôi đã thấm hết lần áo ngoài những người đạp máy, khuôn lấy hình người hằn rõ

những mảng thịt ở ngực, ở bả vai và vế đùi. Chiếc máy giữa và chiếc máy phía tay trái do sáu người đạp, còn chiếc

máy bên phải chỉ có Huân tổ viên tổ 1 và Đào tổ viên tổ 4 đứng. Đào thuộc loại người gặp một lần có thể nhớ mãi,

rất dễ phân biệt với những chị em khác. Hai con mắt hẹp và dài đưa đi đưa lại rất nhanh, gò má cao đầy tàn hương,

và hàm răng trên đen nhờ nhờ hơi nhô ra ngoài môi. Chị bịt đầu bằng chiếc khăn vải kẻ ô vuông một vệt dài phía

sau khiến những nét thiếu hoà hợp trên mặt càng trở nên thô, càng đỏng đảnh. Đứng cạnh người đàn bà ít duyên

dáng ấy là Huân, một đoàn viên thanh niên chưa tròn hăm nhăm tuổi, rất khoẻ và đẹp trai. Anh đưa cặp mắt màu

nâu nhạt ẩn dưới đôi lông mày đen và mịn như nét vẽ sang phía Đào. Mồ hôi đã thấm ướt vành khăn, chảy từng giọt

dài xuống kẽ mắt, sống mũi. Cái thân người sồ sề của chị như nở to ra, hổn hển, cặp chân ngắn khoẻ đạp xuống bàn

gỗ đã bắt đầu uể oải, nhưng hai bàn tay có những ngón rất to vẫn thoăn thoắt quờ ra phía sau lượm những bó lạc, và

bằng một cử chỉ rất nhanh chị uốn hai cổ tay xiết những rễ cây đầy củ lạc già lên vòng trục. Huân vứt những thân

cây đã tuốt hết củ sang một bên, nói khẽ:

- Xem ra mệt lắm rồi nhỉ?

Đôi mắt dài lóng lánh của Đào liếc sang Huân, phần dưới mắt hếch hẳn lên:

- Hỏi mình ấy. ý chừng muốn nghỉ chứ gì!


Huân cười rất to, hai hàm răng đều trắng loá.

- Trông đây này!

Anh dún mạnh chân trái xuống lập tức nhịp đạp nhanh hẳn lên, vòng trục xiết vào rễ cây xin xít, củ lạc bắn rào rào

xuống đống lạc ở khoảnh giữa. Cả người Đào cùng nẩy bật lên theo, thớ thịt trên bả vai khẽ rung rung, hai bàn tay

xoay đi xoay lại càng vội vã. Chị đã quá mệt nhưng đôi gò má đầy tàn hương vẫn nhọn hoắt bướng bỉnh và hai con

mắt nhỏ tí vẫn ánh lên thách thức. Vừa lúc đến giờ nghỉ mười lăm phút, Huân đã bước ra. Đào vẫn còn dún thêm

mấy đạp, rồi hai tay chống vào cạnh sườn chị nhìn mọi người lơ láo:

- Nghỉ hử, tại sao hôm nay lại rức đầu đến thế, chân tay cứ bủn nhủn ra!

Chị quay sang nhìn mái tóc xanh mỡ của Huân cười mỉm:

- Chịu thua thanh niên thôi!

Lâm tổ trưởng tổ một nháy con mắt, nói ướm:

- Chị... à quên, cô cũng còn đang lứa tuổi thanh niên chứ đã già gì... Tương lai chán!

Đấy là câu nói đùa cửa miệng của nhiều người đối với Đào, nhưng lần nào nghe thấy câu ấy chị cũng buồn tủi như

được biết lần đầu về mình, người mất hết đà, quay cuồng, và chỉ trong chốc lát nét mặt chị thay đổi khác hẳn. Chị

nhìn Lâm hờn dỗi, rồi ngồi tựa lưng vào đống thân lạc, giọng cay chua:

- Trâu qua xá, mạ qua thì, hồng nhan bỏ bị còn gì là xuân nữa, hử các anh?

Lâm liếc nhìn Huân cười tinh quái:

- Thế mà vẫn cón nhiều người yêu say đắm đấy!

Huân vuốt tóc ra phía sau, cặp mắt hơi nâu rất đẹp của anh lim dim nhìn Đào trìu mến. Đôi gò má cao của chị ửng

đỏ, đôi môi định mím lại nhưng không chặt, vừa vui sướng vừa như cưỡng lại sự vui sướng ấy. Chị thở rất mạnh,

với lấy một cây lạc bứt từng củ một:

- Các anh đã biết đời em rồi đấy. Mỗi năm một tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi. Nồi nào vung ấy, em đã có nhà cháu

dưới xuôi rồi, nay mai nhà cháu cũng lên đây xây dựng xã hội chủ nghĩa cùng với em đấy.

Rồi như chợt nhận ra cái trò chơi độc ác của mọi người bằng cách đem ghép chị là người xấu nhất của đội sản xuất

với Huân, người đẹp trai nhất, chị thấy tiếc sự thành thật của mình, việc gì phải tủi, phải nhún mình, người nào mà

chả có cái phần tốt đẹp. Chị nhổm dậy, đi vài bước tới trước mặt Huân, ngâm nga:

- Huê thơm bán một đồng mười

Huê vàng úa giữa giá đôi lạng vàng.

Giá đôi lạng vàng chứ chưa vị tất đã bán đâu anh Huân ạ...

Chị còn định nói thêm vài câu nữa, nhưng khi Huân ngẩng lên, nhe hàm răng trắng bóng ra cười thì chị lại muốn
quên hết, lại ao ước mình được trẻ lại, như không bao giờ có cuộc đời đã qua, mà chỉ có lúc này, một nữ công nhân

trên nông trường Điện Biên Phủ, một người có quyền được hưởng hạnh phúc như mọi người con gái may mắn

khác.

Đào lên nông trường Điện Biên vào dịp đầu năm, ngoài tết chừng nửa tháng, với tâm lý con chim bay mãi cũng mỏi

cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa những nơi quen thuộc để quên

đi cuộc đời đã qua, còn những ngày sắp tới ra sao chị cũng không cần rõ, đại khái là cũng chẳng hơn gì trước mấy,

có thể còn gặp nhiều đau buồn hơn. Quân tử gian nan, hồng nhan vất vả, số kiếp đã định thế, trước sau vẫn chỉ một

con đường ấy, không thể nào tránh được. Chị quê ở Hưng Yên, nhà không có ruộng, vẫn làm nghề đậu phụ, thời

địch tạm chiếm lại xoay sang úp men, nấu rượu. Lấy chồng từ năm mười bảy tuổi, nhưng chồng cờ bạc, nợ nần

nhiều bỏ đi Nam, đến đầu năm 1950 mới trở về quê. ăn ở lại với nhau được đứa con trai lên hai thì chồng chết. Cách

mấy tháng sau đứa con lên sài bỏ đi để chị ở một mình. Từ ngày ấy chị không có gia đình nữa, đòn gánh trên vai, tối

đâu là nhà, ngã đâu là giường, mùa hè vài cái áo cánh nâu vá vai, mùa đông một chiếc áo bông ngắn đã bạc, ngày

mưa, ngày nắng, bàn chân đã từng đi khắp mọi nơi không dừng lại một buổi nào. Cũng có ngày đau ốm, nằm nhờ

người nhà quen, bưng bát cơm nóng, nhìn ngọn đèn dầu lại sực nhớ trước đây mình cũng có một gia đình, có một

đứa con, sớm lo việc sớm, tối lo việc tối. Còn bây giờ bốn bể là nhà, chỉ lo cho thân mình sao được cơm ngày hai

bữa, chân cứng đá mềm. Mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng đã khô lại, đỏ đi, như chết, hàm răng phai

không buồn nhuộm, soi gương thấy gò má càng cao, tàn hương nổi càng nhiều - Muốn về sống lại ở quê, nhưng quê

hương nào còn có ai. Thôi đành cứ đi mãi, ngày khoẻ đã vậy, ngày ốm chưa biết ra sao, muốn chết nhưng đời còn

dài nên phải sống. Chị sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người, và hờn giận cho thân mình. Chị về đội sản

xuất số 3 chưa đầy một tháng đã quen khắp mặt, duy chỉ thân có mỗi Huân, vì tuy anh chưa từng trải bằng chị,

nhưng lại tỏ ra rất thông cảm với cuộc đời của chị. Lần đầu tiên hai người quen nhau vào một buổi sáng chị đi qua

nhà ban chỉ huy đội, thấy Huân đang hý hoáy pha màu vẽ cho tờ báo tường. Chị đứng khuỳnh tay, ngắm nghía

khen: "Anh vẽ khéo tay nhỉ!". Huân nhìn chị cười: "Chị có bài thơ nào đưa lên báo không?". Câu hỏi ấy vừa nói cho

vui, vừa hơi châm biếm. Chị gật đầu nhận lời ngay: "Được thôi, thế bao giờ đưa nộp". Huân thầm nghĩ: "Cô này

biết đùa đây", nhưng cứ dặn thêm: "Phải là thơ hay đấy!". Chị trả lời ngang ngược: "à, chắc không đến nỗi dở". Chị

vốn được học chữ từ ngày nhỏ, lại thuộc lòng nhiều truyện thơ cổ, các câu ca, hát ví xưa, khi nói chuyện chị cũng

hay vận thành vần, ví von, nên chỉ có một buổi trưa chị đã làm xong bài thơ "Đường lên nông trường Điện Biên".

Ai ngờ bài thơ lại hay, đưa lên báo có vài buổi đã nhiều người ngâm nga đọc thuộc. Anh em thấy một đôi bạn trái

ngược nhau cả về hình thức lẫn tính nết liền đem họ ra gán ghép. Song chẳng qua là câu chuyện đặt cho vui để trêu

chọc chị thôi. Vì kể về tuổi thì năm nay chị đã hai mươi tám, còn nhìn ngoài mà so sánh thì tưởng chị phải hơn
Huân ít ra gần chục tuổi. Hơn nữa Huân đã có người yêu và cặp ấy rất xứng đôi, còn chị là gái goá chồng không hy

vọng gì được yêu một người con trai chưa từng có vợ. Những mỗi buổi đi làm cùng nhổ lạc ở một khoảnh, cùng

đứng tuốt ở một máy ngắm nhìn hai cánh tay cuồn cuộn những thớ thịt cháy nắng của Huân chị lại bừng bừng thèm

muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, lại hy vọng cuộc đời của mình chưa phải đã tắt hẳn, một cái gì chưa rõ nét lắm

nhưng đầm ấm hơn, tươi sáng hơn những ngày đã qua cứ lấp lánh ở phía trước. Có thể đấy là cuộc đời còn lại của

chị chăng?

Mặt trời đã lặn từ lâu. Trời trong xanh như ngọc thạch, những vệt mây màu khói, màu hồng nhạt, màu tím nhạt cứ

ưng ửng lên ở bốn phía, đan vào nhau, tô điểm cho nhau rồi lại nhạt dần đi, trong mãi, thành một màu xanh mờ mờ

cao tít. Những ngọn đèn nhỏ dờn dợt vàng kéo thành một dãy dọc các khung cửa của khu nhà bộ đội thấp thoáng

như một dãy phố nhỏ nào đó ở vùng quê. Khu nhà nữ công nhân rộn rịp người ra vào, nhộn nhạo những tiếng cười,

tiếng mời chào, cả tiếng la hét. Đào không đi chơi đâu. Một lá thư mới nhận làm chị bàng hoàng. Ông trung đội

trưởng già phụ trách lò gạch của nông trường mới gặp chị có vài bận mà đã dám ngỏ lời táo bạo. Mới đọc được

mươi dòng chị giận dữ tưởng như có thể xé vụn từng mảnh được, người ta coi thường chị đến thế kia ư. Nhưng khi

gập lá thư lại thì một cảm giác êm đềm cứ lan nhanh ra, như mạch nước ngọt rỉ thấm vào những thớ đất khô cằn vì

nắng hạn, một nỗi vui sướng kỳ lạ rào rạt không thể nén lại nổi, khiến chị ngây ngất, muốn cười to một tiếng nhưng

trong mí mắt lại như đã mọng đầy nước mắt chỉ định trào ra. Từ ngày goá bụa đến nay chưa ai nói được với chị một

câu nào yêu thương, một lần gắn bó, chưa ai khao khát đến chị, coi chị là nguồn hạnh phúc của họ, là niềm an ủi

cho họ. Những dòng, những chữ trong bức thư xa lạ ngân vang mãi trong lòng chị, vang dội đến tận những kẽ ngách

sâu kín nhất, thức tỉnh nỗi khao khát yêu đương, khao khát hạnh phúc mà chị cố hắt hủi, vùi nén một cách bất lực từ

ngót chục năm nay. Cho đến lúc này chị vẫn chưa có ý định gì rõ ràng với ông trung đội trưởng mới quen biết,

nhưng trong cái dòng nghĩ miên man thế nào chị lại hình dung ra cách đối đãi với đứa con riêng của người rồi đây

sẽ gọi là chồng. Nó sẽ yêu quý chị hay thù ghét chị? Chị sẽ để nó ở dưới xuôi hay đem lên trên này? Và khi những

hình ảnh ấy rõ nét quá chị vội nhỏm dậy, thầm chê trách mình: "Rõ hay chưa, đã ra thế nào mà cứ nghĩ vớ vẩn".

Giường nằm của Đào kê sát giường của Duệ, cách nhau có một cái bàn đóng bằng tre. Duệ, một cô gái ở ngoại

thành Hà Nội cũng mới lên nông trường Điện Biên vào dịp ngoài tết, đang ghé mặt vào sát giường vuốt ve một bên

mái tóc, rồi quay lại nhìn Đào cười ngượng nghịu:

- Chị không đi chơi à?

Đào nhìn đôi mắt tròn to của Duệ có những sợi lông mi rất thưa và hai cái bím tóc thưa nhỏ có buộc chỉ đỏ ở đầu,

khẽ nói:

- Anh ấy sắp xuống chơi đấy.


Duệ đưa mắt nhìn xuống hai bàn tay nhỏ nhắn nhưng các ngón đá vàng sẹm lặng im một lát:

- Mặc người ta chị ạ, em không thích nói chuyện ấy đâu.

Hai bên mép Duệ khẽ nhếch lên, đầu lắc lư rồi Duệ quay đi nhìn phía khác. Từ cánh cửa bên Huân đã bước vào, tay

cầm ống tiêu dài, chào mọi người rồi ngồi xuống giường của Đào, nhìn Duệ hỏi gượng gạo:

- Duệ tập nốt bài "Tình ca Tây Bắc" hôm này còn hát chứ!

Hai cái đuôi bím buộc chỉ đỏ vẫn đưa đi đưa lại trên ngực. Huân nhắc lại:

- Thế nào?

Duệ đáp lí nhí:

- Em không tập đâu.

- Chịu khó một chút.

- Em không biết hát.

- Thì cứ hát như hôm nọ là được, chỉ cần luyện thêm một chút nữa thôi.

Duệ thở dài:

- Nhưng em không thích hát nữa.

Huân đưa tay lên vuốt mái tóc óng mượt, anh định cười thật tự nhiên, nhưng môi đã đờ ra và hàm răng lạnh buốt.

- Cô giận tôi đấy ư?

- Anh có gì mà em giận.

Huân thở dài rất nhỏ, nhìn Đào, đùa gượng một câu:

- Chị không đi chơi đâu một lúc cho đỡ buồn.

Đôi mắt hẹp của Đào loang loáng nhìn sang Duệ, cặp môi như muốn mím chặt lại, gò má càng dồ lên đanh đá:

- à, khi buồn non nước cũng buồn. Khi vui gánh đá lên nguồn vẫn vui.

Lúc chị nhìn Huân định hỏi một thì anh đã chạy ra đến ngoài rồi.

Huân không về thẳng nhà, anh rẽ sang nhà kho, trèo lên cái bệ cao giát nứa, hai chân buông thõng xuống, chống tiêu

lên đùi, nhìn ra cánh đồng lạc mờ mờ xanh nhạt ánh sao ở phía trước. Tình yêu giữa anh và Duệ mới nhóm lên đã

nguội tắt rồi sao? Ngay buổi nói chuyện đầu với cô gái mảnh khảnh, rụt rè, Huân đã có cảm giác rằng cô ta sống

không thể thiếu anh được. Cách sống ào ạt, sôi nổi của anh sẽ bù đắp cho cách sống rút rát lo âu và cô độc của Duệ.

Cái khoẻ mạnh về tinh thần và về thể chất của anh sẽ là chỗ dựa tin cậy cho cái vóc mảnh dẻ của một người mới

bước vào đời. Anh muốn đem lại nhiều hạnh phúc cho người yêu mà không hề đòi hỏi được trả lại. Nhưng chính cái

trách nhiệm với người mình yêu đã đem lại cho anh sự say sưa làm việc chưa từng có, sự sung sướng được đưa tay

ra nâng một người khác lên ngang tầm với mình, và lòng tự hào về cái tình yêu rất trong sáng đó.
Trăng đã bồng bềnh nổi lên qua dãy núi Pú Hồng. ánh trăng lọc qua lớp sương mỏng uyển chuyển như khói khiến

khung cảnh cứ mờ nhạt một cách huyền ảo. Huân lại thổi bài tiêu ưa thích nhất của mình "Tình ca Tây Bắc". Anh

không thích hát, vì những bài mà anh thuộc đều nhạt nhẽo, vô vị, nhưng khi những chấm nhạc không có linh hồn

được âm thanh của tiếng tiêu điêu luyện chắp cánh cho bay lên thì cả một thế giới tâm hồn hiển hiện, những kỷ

niệm xa xưa tưởng đã quên lãng từ lâu phút chốc lung linh kéo đến, những khao khát, những ước mơ đốt cháy trái

tim, hình ảnh này chưa kịp mờ đi, hình ảnh khác đã hiện lên rõ nét, hình ảnh nào cũng kích thích, khêu gợi khiến

người anh như tan đi, bay theo tiếng tiêu nhập vào những ngày đã qua đầy luyến tiếc và tới những ngày sắp tới rạo

rực say mê... Qua dãy núi này, qua mấy cánh rừng nữa là sang đất Thượng Lào rồi. Đất Lào những ngày kháng

chiến, hành quân trong rừng hàng trăm cây số, đêm ngủ lại trên những sườn đồi chon von, phải đào huyệt để giữ

người khỏi lăn xuống vực thẳm. Những ngày rét buốt xương, há mồm không nói được, vê điếu thuốc cũng không

chặt, cầm que diêm rơi mà không biết, có người đặt lưng nằm xuống là cứ nằm như thế mãi... Cũng chẳng ai ngờ

khu pháo binh tây Hồng Cúm của giặc năm xưa lại là bãi trồng lạc của đội sản xuất số 2. Mới mùa xuân năm ngoái

đất này còn ngợp lên một rừng cây chó đẻ, dây thép gai, mìn, vỏ đạn đại bác, nhừ nát vì những hố bom, những giao

thông hào. Rải rác còn có những đoạn xương người, những mảnh vải nhựa, vài lưỡi xẻng hoen rỉ, một gói tiền bọc

vải đã mục nát, những khẩu súng ngắn và tiểu liên, dấu vết còn lại của những người anh hùng Điện Biên ngày trước.

Mấy tháng trời liền lưỡi xẻng đi trước, vết chân người theo sau san rừng, đào cây, gỡ mìn. Có người đã hy sinh, có

người mang thương tật, dây thép gai chọc nát bàn tay, mồ hôi thấm rách từng loạt quần áo, da thịt héo quắt vì nắng,

vì gió Lào, mồm lở, chân phù vì thiếu rau xanh, mùa xuân còn đầy thương tích chiến tranh, cuối hạ, đầu thu nước lũ

tràn ngập, mùa đông buốt giá. Một năm đã đi qua. Mùa xuân thứ hai đã đến. Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của

lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở, man rợ khác của đất

hoang... Một mảnh vải trắng làm rèm che cửa, một giàn liễu leo có những chấm hoa đỏ thắm như nhung ở mé hiên

phía trước, bóng lá loáng mướt của dặng chuối, màu vàng ửng của khóm đu đủ, mấy con ngỗng bì bạch ở mé nhà,

tiếng guốc đi lẹp kẹp, bóng dáng nặng nề của những chị có mang ở khu gia đình, những ngọn đèn le lói, mảng thuốc

bay qua ánh đèn trông rõ từng sợi xanh. Tiếng cười the thé, tiếng thủ thỉ, tiếng la hét, tiếng trẻ con khóc. Người ta

làm việc, người ta thân thiết nhau, yêu nhau, và làm cho nhau đau khổ. Những nỗi niềm, những tâm sự, những

mong ước. Cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi. Nhìn công việc làm mỗi ngày tưởng như con người bất lực, nhìn lại cả

một năm không ngờ sức vóc mình lại có thể thay đổi cuộc sống nhiều đến thế. Mỗi chiều đi làm về ngâm mình

xuống dòng sông Nậm Rốm, ngắm bộ ngực dồ cao, những thớ thịt tròn trĩnh, nhẵn nhụi, đỏ rực đầy tia máu, Huân

không thể ngờ thân hình mình vẫn giữ mãi được vẻ đẹp ngày trước. Những mũi gai thép đâm, những vệt nứa cứa,

những chấm đen ở lỗ chân lông của bệnh sốt rét rừng, màu xanh của thiếu ăn và bệnh tật đều đã được những tế bào
mới, những dòng máu mới xoá mờ đi, thay thế, soi mặt mình trong gương anh không thấy đổi khác mấy, có lẽ chỉ

thêm vài vết nhăn ở mi dưới mắt, ở cạnh sống mũi, còn thì vẫn mái tóc dày mượt ấy, đôi mắt hơi nâu ấy, và hàm

răng đều trắng. Nhưng ngồi nói chuyện với Duệ thì anh cảm thấy ngay rằng anh đã thay đổi nhiều, chiến tranh, gian

khổ năm tháng đã luyện cho tâm hồn anh một cái gì rất trong sáng đến nỗi anh soi vào mình mà thấy được cả tâm tư

của người khác. Một nghị lực mà chỉ những lúc gặp khó khăn mới thấy được hết sức mạnh của nó, và sự hy sinh

hồn nhiên, giản dị cho lý tưởng của mình, cho những người khác cùng đi với mình trên một con đường...

Chợt có tiếng chân giẫm sào sạc lên đống vỏ lạc ở phía sau, Huân giật mình ngừng thổi quay lại. Từ mé trái của đầu

nhà kho nhô ra một bóng người thấp lùn, cái áo cánh trắng hớt vạt ra phía trước. Ai nhỉ? Bóng người tiền lại phía

anh: Đào. Anh định nhảy xuống, nhưng rồi bối rối tự hỏi: "Chị này ra đây làm gì nhỉ? Định gặp mình hay sao?".

Đào đã đứng trước mặt anh, hỏi nhỏ:

- Anh thổi tiêu đấy ư, em thích nghe lắm đấy nhé!

- Chắc vì tiếng tiêu chị mới biết ra đến đây, hỏi gì ỡm ờ thế, lại xưng em, cô này bắt đầu thiếu đứng đắn rồi. Đào

đứng tựa người vào cột bương, cả thân người trên bị mái gianh che tối, tiếng nói dịu đi như một hơi thở:

- Anh Huân ạ, em muốn tâm sự với anh một câu chuyện.

Huân hầu như không nghe thấy gì, anh luống cuống vì nỗi lo: "Có người ta bắt gặp thì chết, tình ngay lý gian. Liệu

mà về thôi". Nhưng anh vẫn ngồi im. Giọng của Đào thật mềm, thật nhỏ:

- Anh biết anh Dịu chứ?

- Ông thiếu uý lò gạch ấy à? Có biết! Sao?

- Anh ấy viết thư cho em, định xây dựng gia đình với em, em khó nghĩ quá... Anh thấy anh Dịu là người thế nào?

à, ra là một chuyện khác. Anh là người đầu tiên được Đào thổ lộ cái tin vui ấy. Anh phải có trách nhiệm với sự tin

cẩn của người bạn gái mà anh vốn mến. Nhưng biết trả lời thế nào?

Đào đứng nhích thêm về phía Huân, chị vắt một tay lên sạp nứa, hơi thở dồn dập dưới cái áo cánh trắng còn thoảng

mùi khét của xà phòng.

- Em xem ra anh ấy cũng là người thành thật còn thằng con của anh ấy mình quý nó tất nó phải quý mình... Chẳng

ai ở vậy được suốt một đời, chẳng ai muốn đi vất vưởng mãi, ai cũng muốn có một quê hương. Em nghĩ mãi rồi anh

ạ, em định không về dưới xuôi nữa, em ở mãi đây với các anh. Anh nghĩ xem có được không?

Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm. Hạnh phúc đã

mất đi, ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi chiến tranh đã xảy ra ác liệt. ở đây trong các buổi lễ cưới người ta tặng

nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống

thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này, và những cái võng nhỏ của
trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng. Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh,

gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước

qua những ranh giới ấy...

Đầu thu với những hơi gió mát dịu bay lướt lên những khóm lá xanh thẫm của cây cỏ nghệ, những cụm ké đồng

tiền, những nụ hoa trắng của cây rau tàu bay, và những bông hoa rền tía đỏ thắm hình tháp bút. Mùa thu hoạch lạc

đã vào chặng cuối. Những vệt đường mờ ngổn ngang những bụi cỏ bị nhổ đã héo rễ kéo về khu máy tuốt. Đào và

Huân phụ trách một cáng. Cái đầu bịt chiếc khăn kẻ ô vuông nhọn hoắt của chị thấp thoáng sau những đống lạc chất

cao. Hai bàn tay to và đen choàng lấy từng ôm chuyển lên cáng. Mồ hôi chảy từng giọt dài lên gò má nham nhở vết

đất, những thớ thịt như căng ra xé rách mảng áo nâu mỏng mặc ngoài. Lúc nào chị cũng có cái dáng vừa thoăn thoắt

vừa lững thững. Huân chạy ra trước cáng, anh quàng đoạn dây máy bằng vải bạt qua vai, cúi rạp xuống, chiếc quần

ướt đẫm mồ hôi căng theo thớ thịt, khuôn lấy cặp đùi rất tròn của anh, hai bàn tay đỏ tía bám chắc lấy đầu cáng và

anh nhấc bổng người lên, chiếc cáng nhẹ bẫng lao về phía trước, Đào chạy lắc lư ở phía sau, chị kêu to lên:

- Ông mãnh ơi, đi ngắn bước chứ!

Gió vẫn thổi rào rạt khắp cánh bãi. Huân vừa bước những bước dài, vừa nói to:

- Gió mát quá nhỉ. Thế là năm nay ở đất Điện Biên không có gió Lào!

Cái đầu nhọn hoắt của Đào vẫn đưa sang phải, sang trái, chị đắng hắng rồi hát véo von ở phía sau:

... Tháng giêng phay phảy gió may

Tháng hai gió bấc, tháng ba gió nồm

Tháng tư là gió dâng lên

Gió đóng cửa đền, gió động năm cung

Tháng năm cát gió đùng đùng

Bước sang tháng sáu gió rồng phun mưa

Tháng bảy thì gió vừa vừa

Bước sang tháng tám gió đưa đòng đòng...

Giờ nghỉ sáng nay có thêm một rá lạc luộc. Cả mấy tổ cùng kéo lại ăn chung, trò chuyện cho vui. Lâm ngồi dạng

chân, tay tách lạc, mắt nhìn Đào nhấm nháy!

- Thế nào cô em, bao giờ cô em về dưới xuôi đấy.

Đào vênh hẳn một bên mặt, môi chúm lại, mắt đưa đẩy:

- Về là về cửa về nhà. Một trăm năm nữa mới đà về quê.

Lâm nói đầy ngụ ý:


- Thay đổi thái độ rồi phải không, cũng mau nhỉ! Huân ơi làm một tiết mục văn nghệ mừng bà chị, mày...

Huân bước ra, lật cái mũ bịt đầu khâu bằng vải trắng như của thầy thuốc, cúi xuống rất thấp chào mọi người.

Đào liếc nhìn Huân tủm tỉm:

- Lại sắp, lại sắp...

Nét mặt Huân nghiêm trang hẳn lên, anh bước lên một bước, một tay chống nạnh, hệt như lối đứng của Đào, một

tay uốn éo đưa ra phía trước, một đoạn kịch vui sắp bắt đầu. Duệ cùng với hai cô nữa cắp giành đi mót lạc cũng vừa

đến. Chị đặt chiếc giành trắng xoá những mầm lạc tươi vào một góc, khẽ lách người đứng cạnh chiếc máy tuốt. Hai

con mắt có những sợi lông mi thưa cứ chớp lia lịa. Lúc bình thường Huân hay có tính thẹn, nhất là trước mặt người

mình yêu, nhưng khi đã bước ra một khoảng trống, hàng trăm con mắt dồn vào, anh trở nên bạo dạn, hoạt bát. Tất

cả những người đứng trước mặt chỉ là những khán giả ham chuộng tài nghệ của anh. Thấy Duệ nhìn mình Huân khẽ

nhún đầu gối xuống, một mảng tóc đen nhánh xoà xuống trước trán. Tất cả vỗ tay coi đó là tiết mục mở màn.

... Tôi lạy ông Cầu, bà Quán

Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi

Nó ăn nó chơi

Nó tươi nó cười

Như con ngựa ngáp

Làm ăn chậm chạp

Có tính nỏ mồm

Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa

Vớt bèo thì ngứa

Xay thóc rức đầu...

Duệ yêu Huân cũng bắt đầu từ những cuộc biểu diễn văn nghệ trong giờ nghỉ. Cô mê say anh bởi cặp mắt dịu dàng,

quyến rũ, cái miệng rất có duyên, một thân hình khoẻ mạnh, cân đối. Đôi khi cô cũng thích âm sự với anh vì anh rất

hiểu tâm tình của người khác, biết an ủi và khuyến khích đúng lúc. Nhưng ngoài những nét đáng yêu của Huân mà

bất cứ ai mới gặp anh lần đầu đều nhận thấy ngay, Duệ còn nhìn thấy những gì khác? Cô chẳng hiểu thêm được

chút nào nữa, vì một người mới bước vào đời như cô chưa thể hiểu được, và cũng chưa thể đánh giá được cái phần

cao quý trong tâm hồn một chiến sĩ cách mạng. Tình yêu của Duệ đối với Huân bồng bột và bề ngoài, dễ thay đổi.

Có lúc cô thấy yêu Huân tha thiết, có lúc lại lưỡng lự vì câu hỏi: anh ấy có thể đảm bảo cho đời mình được sung

sướng không? Mình còn có thể gặp được một người nào hơn thế nữa? Duệ thèm khát hạnh phúc vì từ bé đến lớn

sống với chú dượng cô chỉ thấy tủi nhục, vất vả, lo âu, cô sợ cho tương lai, nhưng lại muốn phó thác tương lai của
mình cho người khác. Cùng trung đội Huân, Duệ còn có cảm tình với Hào, trẻ hơn Huân vài tuổi, là giáo viên văn

hoá của đội, lại sắp được về Hà Nội thi vào đại học Nông lâm.

Hiện nay anh ấy chỉ là một chiến sĩ bình thường nhưng ba năm nữa anh ấy đã trở thành một cán bộ kỹ thuật, một kỹ

sư biết đâu. Hai người cùng đi nhổ lạc với nhau nhiều buổi, đã trò chuyện với nhau mấy tối ở mé nhà kho. Nhưng

Duệ vẫn lo lắng vì Hào tỏ ra quá khôn ngoan trong tình yêu, anh ta dè dặt trong cả câu nói ngay những lúc tình cảm

sôi nổi nhất. Anh khuyên Duệ đừng vội đưa vấn đề này ra công khai, chỉ nên coi anh như người bạn trai thôi, sau

này anh tốt nghiệp rồi, có công tác rõ ràng lúc ấy hai người sẽ bàn đến chuyện xây dựng cùng nhau cũng vẫn vừa.

Nhưng đến cái ngày xa xôi và mỏng manh ấy liệu anh có còn nhớ đến lời hứa năm trước không? Ba năm nữa anh ấy

sẽ quen thêm bao nhiêu cô bạn mới, xinh đẹp hơn Duệ nhiều, học cao hơn Duệ nhiều.

Huân vừa đi quanh theo một đường tròn vừa nói lối hai tay uốn éo, nhưng nét mặt vẫn nghiêm nghị, thật là một tay

hề đại tài. Các cô cứ ôm lấy nhau cười rũ ra, nước mắt giàn giụa, còn các người khác thì vỗ tay làm nhịp cho câu

nói:

... Nay lần mai lữa

Cô giống tính ai...

Lâm hất đầu về phía Đào gào to: "Giống tính cô Đào". Phải như mọi khi Đào đã bật dậy, tìm một câu thật cay chua

để đón lại, nhưng hôm nay chị sẵn sàng tha thứ cho mọi câu đùa tinh nghịch khác. Tất cả đều là những người đáng

yêu, tất cả đều vun xới cho hạnh phúc của chị, đấy là anh em, là người làng, là họ nhà gái cả. Vui vẻ nữa đi rồi lại

bắt tay vào công việc. Cái mảnh đất này, cái khoảng trời này đối với chị quen thuộc và thân yêu biết bao. Hai người

sẽ có con, những đứa con ấy sẽ lớn lên ở nông trường. Chúng có thể đi học ở Hà Nội, ở những nơi xa xôi khác,

nhưng những ngày nghỉ chúng lại trở về đây với bố mẹ già, với quê hương, với các chú các thím, và biết bao nhiêu

anh chị em cùng tuổi với nó mà hiện nay chưa có mặt. Chúng nó sẽ làm việc ở đây, dựng vợ gả chồng ở đây, sinh

con đẻ cái, cứ thế mà tiếp nối mãi đời này qua đời khác. Duệ ngồi ghé lên trên nắp máy tuốt, hai chân đu đưa, cái

đuôi bím buộc chỉ đỏ vẫn ngọ nguậy trước ngực. Chị chẳng chú ý gì đến lời hát, cứ mỗi lần Huân bước chéo sang

phía khác, chị lại đưa mắt nhìn anh, nhưng khi Huân quay mặt về phía chị thì chị lại cúi xuống lúng túng và có cảm

giác hai tai mình đỏ chín. Cái giọng cố làm ra ẽo ợt của Huân cứ loang loáng bên tai.

... Nhà thì có giỗ

Luộc gà hai mề

Thổi cơm thì khê

Rang vừng thì cháy

Con mắt nhấp nháy...


Tối thứ bảy. Gian nhà của vợ chồng Lâm ở khu gia đình chật ních người. Một ngọn đèn dầu khêu to ngọn hắt sáng

lên mấy đĩa kẹo lạc, kẹo vừng, bánh khảo. Nước chè mạn nóng. Người ngồi vây quanh cái bàn nhỏ và trên chiếc

giường tre. Huân ngồi ở một góc trịnh trọng uống từng hớp rượu nhỏ. Mỗi một hớp môi anh lại mím lại, đôi lông

mày mịn và đen nhánh khẽ nhướn lên. Ngồi cạnh anh là Lộ, tay lái máy cày của nông trường, vừa đến đội sản xuất

số 2 sáng nay để cày bãi lạc, chuẩn bị cho vụ gieo trồng. Nét mặt mọi người mờ đi sau màn khói thuốc lá. Có người

đề nghị chị chủ nhà hát tặng anh em một khẩu chèo, vì chị ấy trước đã ở trong đội chèo của xã. Vợ Lâm ngồi ở mé

sau giường, tóc vấn trần, với rất nhiều cặp tóc lớn nhỏ sáng nhoáng vội vàng kéo cánh màn che lấy mặt mình. Cô

em chồng lôi tay chị dâu năn nỉ:

- Kìa, chị Lựu hát đi một bài cho chúng em nghe nào!

Hai con mắt Lựu sáng rực lên lóng lánh, chị co rúm người lại, cười ngặt nghẽo:

- Các anh ơi, em không biết hát đâu!

Cái giọng miền trong ỏn ẻn, lên bổng xuống trầm, mới nói thường đã rất dễ nghe. Lộ nói không cười:

- Cứ hát như câu vừa rồi là được, cũng còn hay hơn giọng chúng tôi nhiều.

Lựu đằng hắng, mím chặt môi để khỏi cười, nhưng các bắp thịt trên mặt chị vẫn động đậy.

- Vậy thì em xin hát hiến dâng các anh một bài.

Chị vừa hát được hai câu cải lương cô em chồng đã chạy vào một góc nhà bưng miệng cười rúc rích. Lựu không hát

nữa, gục đầu vào vai người ngồi cạnh, rồi nằm lăn ra giường, hai tay bưng lấy mặt rên rỉ. Cô em chạy lại phát vào

mông chị:

- Chị Lựu, chị làm trò hề đấy ư!

Lựu vẫn nức nở trong cơn cười bị nén lại.

- ối giời ôi, em ơi, sao em lại nỡ bảo chị thế!

Vừa lúc ấy Đào và Duệ đứng lấp ló ở ngoài nhìn vào. Lâm đang pha nước vội đặt ấm xuống chạy ra, mồm mời liến

thoắng, hai tay kéo hai người. Lựu ngồi phắt dậy, vấn lại tóc.

- Chị Đào ơi, chị vào nhà em chơi, nay mai vợ chồng em lại đến nhà chị.

Đào mặc chiếc áo cán bộ màu xanh nhạt, tóc búi trễ. Duệ mặc chiếc áo màu hồng nhạt, cổ bẻ vạt, hai bím tóc vừa

mỏng, vừa ngắn ve vẩy ở phía sau. Đào ghé ngồi xuống cái ghế kê sát vách, mắt nhìn thấy Huân liền bước vội vào

ngồi một mé giường quay lại phía bàn nói chuyện với Lựu. Nhưng hai người nói với nhau những gì Duệ chỉ còn

nhớ mấy câu đầu. Mọi giác quan của cô hầu như bị tê liệt ở mặt trước, nhưng lại rất thính nhạy ở mặt sau. Cô cảm

thấy rất rõ một ánh mắt đang ve vuốt hai cái bím tóc của mình, mơn trớn những sợi tóc tơ ở gáy và chạy lướt trên

những thớ thịt ở lưng. Bên tai Duệ chỉ còn lại một tiếng thì thào rất quen thuộc: "Em ơi, em phải tin vào em, em
phải tin vào anh, hạnh phúc ở trong tay chúng ta kia mà. Em hãy vui lên đi". Và trong lòng Duệ cũng muốn thủ thỉ:

"Em không thể xa anh được, anh đừng để em sống một mình. Đời em bị đầy ải nhiều rồi. Em sợ phải khổ lắm anh

ơi!...". Lựu nhìn nét mặt Duệ biến đổi rất lạ lùng, chị mỉm cười tinh quái:

- Cô Duệ người khó chịu phải không?

Tự nhiên nước mắt Duệ chảy giàn giụa cô gục đầu vào cánh tay mình:

- Em về đây, người em làm sao thế này.

Lâm dúi vào tay Duệ mấy cái kẹo:

- Cô lại sợ chúng tôi bắt cô hát chứ gì?

Huân cũng ngước đôi mắt ánh nâu nhìn Duệ, nói dịu dàng:

- Hãy còn sớm Duệ ạ, ngồi chơi một lát đã.

Chỉ một cái nhìn trìu mến ấy, một lời nói thương yêu ấy Duệ đã thấy chân tay mình rời rã. Huân vẫn yêu cô, và cô

càng thấy đời mình từ nay gắn bó với anh, cô muốn kêu lên: "Em đến chơi với anh từ lúc nãy sao anh không nói với

em một câu nào? Anh giận em hay sao?". Nhưng cô không thể làm theo được ý mình, chỉ đưa mắt nhìn xuống rồi

trả lời lúng túng:

- Xin phép các anh, em phải về.

Tuy không ai nói nhưng mọi người đều rõ câu chuyện của hai người. Trông đẹp đôi thế ai ngờ cũng có những trắc

trở. Gian nhà đang ồn ào bỗng lắng hẳn đi. Lộ nhìn Đào cất tiếng hỏi trước:

- Chị Đào vẫn giữ lời thề ngày trước đấy chứ?

Đào nghiêm mặt nhìn phía người hỏi, mắt chị lóng lánh:

- Thề gì nào?

Tất cả cười phá lên, Lộ vẫn nói thủng thỉnh:

- Thề ở vậy suốt đời ấy mà?

Lựu hễ có dịp trêu chọc ai lại trở nên hoạt bát hẳn:

- Anh Lộ mà hỏi lần nữa thì chị ấy đã có cháu rồi.

Đào cũng múm mím cười, gò má đỏ ửng. Lộ uống một hớp nước nói tiếp:

- Chuyện ấy bọn tôi đã rõ cả rồi. Thế mới phải. Anh ấy bàn với tôi là định sau mùa lạc đấy. Chị nghĩ thế nào?

Kể ra ở cái cảnh hàn nối cũng chẳng ai muốn kéo dài thời kỳ thư đi mối lại làm gì. Nhưng sau mùa lạc thì vội vã

quá. Dạo đi trảy đỗ chị mới gặp đồng chí thiếu uý lò gạch lần đầu hai bên nói chuyện với nhau cũng dửng dưng.

Hôm nay bắt tay vào vụ gieo ngô, số phận hai người đã gắn bó làm một. Đoạn đời từ hôm qua trở về trước đã lùi về

quá khứ, cái tia hy vọng mỏng manh như không thể có thực sẽ là những ngày sống hiện nay. Chị nhìn mọi người
với ánh mắt biết ơn, vì mặc dù họ đùa bỡn họ chế giễu nhưng tất cả đều hoan hỉ vun đắp hạnh phúc cho hai người.

Chị nhìn Huân đang ngồi hút thúc lá ở một góc, thầm nghĩ: "Anh Huân ơi, Duệ nó có hạnh phúc hơn tôi nhiều vì nó

có được một người chồng như anh. Tôi hiểu lòng anh hơn nó, nhưng tôi không ghen với nó đâu. Nó có quyền được

hưởng cái hạnh phúc tốt đẹp ấy. Nó yêu anh lắm, anh hãy bạo dạn lên đi..."./.

Bức tranh
Nguyễn Minh Châu

Tôi là một họa sĩ. Tôi không phải là một người viết văn. Tôi phải tự giới thiệu như vậy ngay từ đầu, không
hề có ý muốn mong chờ hay cầu khẩn nơi các bạn đọc một thái độ rộng lượng. Ngay từ đầu, tôi phải nói vậy
để tự dặn mình, tự ra lệnh cho mình, tôi viết chuyện này ra đây là viết cho tôi, cho một bức tranh tôi vừa vẽ
xong. Thứ nữa, tôi viết cho một người thứ hai. Viết cho tôi hoặc cho một người thứ hai, một người thợ cắt
tóc, thì những điều tôi sắp viết ra đây cũng chỉ là những lời tự thú.
Không biết đã bao nhiêu tháng nay, từ cái hôm vô tình tôi đến cắt tóc ở cái hiệu đó và phát hiện ra anh thợ
cắt tóc đó, tháng nào tôi cũng tự bắt buộc mình đạp xe hai ba cây số đến cắt tóc ở đó. Cũng đã không biết
bao nhiêu tháng nay, tôi cặm cụi để hết tâm sức vẽ một bức tranh sơn dầu. Sơn dầu vốn là một chất liệu
không phải thuộc sở trường của tôi, nhưng với cái nội dung đó, tôi không muốn dùng thuốc nước hay sơn
mài. Thuốc nước, cái nghệ thuật chấm phá của thần bút cũng như không khí lấp lánh hư ảo của sơn mài
không thỏa mãn tôi, - tâm trạng một họa sĩ muốn dùng ngọn bút vẽ để tự tìm hiểu mình, tự phán xét mình.
Sáng nay tôi đã vẽ xong, và lúc này, tôi đang ngồi trước bức tranh tự họa của mình, tự đối diện với mình.
Các bạn hãy thử tưởng tượng khuôn mặt của một người khách đang ngồi như bị đóng đinh vào chiếc ghế
mộc của một cửa hiệu cắt tóc, với một tấm khăn choàng trắng buộc trùm kín ngực. Một cái mặt người rất
lớn chiếm gần trọn bức tranh. Những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng
xuống một nửa cái đầu tóc tốt rợp như khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt thoạt trông như một
phần bộ óc mầu xám vừa bị mổ phanh ra. Khuôn mặt của người khách: một cặp mắt mở to nhìn trừng trừng
vào luồng ánh sáng, một cái nhìn khắc khoải, bồn chồn, kinh ngạc và đầy nghiêm khắc. Phần bên dưới của
khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: cái cằm hai bên mép bị phủ kín bởi bọt xà
phòng. Không thấy rõ cái miệng, chỉ trông thấy một vệt lờ mờ mầu đen nổi bồng bềnh trên đám bọt xà
phòng phồng to.

Cái khuôn mặt đó thoạt nhìn thật xấu xí và lạ lùng, nhưng càng nhìn lâu càng giống tôi. Đó là khuôn mặt
của mình, khuôn mặt bên trong của chính mình, tôi tự nhủ thầm. Đó là khuôn mặt của tôi lúc ngồi trên chiếc
ghế mộc, đầu kê trên thành chiếc ghế được lót bằng một khúc gỗ lõm có lót da và đang ngước nhìn lên, đối
mặt với người thợ cắt tóc.
Để các bạn dễ theo dõi, tôi phải kể ngay rằng cách đây khoảng tám năm, tôi đang công tác ở một chiến
trường cực kỳ xa xôi giáp biên giới miền Tây Nam Bộ.
Khi nhận được lệnh trở ra miền bắc để cùng các họa sĩ ngoài Hà Nội chuẩn bị một cái triển lãm ở nước
ngoài, thì tất cả tranh và ký họa của tôi vẽ trong mấy năm đã chất lên đầy một cái sạp lán giữa rừng căn cứ.
Tôi lọc lấy chỉ độ một phần ba, vậy mà trên đường tôi đi ra, các đồng chí phụ trách các trạm giao liên trên
từng chặng từng chặng một, phải thay phiên nhau cử một chiến sĩ của trạm đi theo "thồ" tranh cho tôi.
Hôm đó, đoàn chúng tôi đi qua một vùng trên đất bạn nổi tiếng nhiều biệt kích, lại rất đói, cũng là cái "rốn"
của bệnh sốt rét. Chúng tôi được nghỉ lại một ngày để dưỡng sức, lán của nhóm khách đi đường chúng tôi
dựng ngay trên đầu một cái lán khác của anh em chiến sĩ trong trạm. Buổi trưa, tôi đang ngồi vẩn vơ ghi
mấy cái dáng hòn đá, thân cây trước lán nghỉ của mình, thì trông thấy một người chiến sĩ nước da xam xám
và cặp môi thâm sì đang leo mấy bậc dốc từ lán dưới đi lên. Người chiến sĩ đi thẳng đến trước mặt tôi ngồi
xuống xem tôi vẽ. Rồi sau mấy câu chuyện làm quen, người chiến sĩ tha thiết thỉnh cầu tôi vẽ cho anh một
bức chân dung.
Tôi bỗng thấy tự ái. Tôi là một họa sĩ, chứ đâu phải một anh thợ vẽ truyền thần (!) Tôi từ chối khéo bằng cái
mặt lạnh lùng. Người chiến sĩ tỏ vẻ phật ý, anh nhìn vào cái mặt lạnh lùng của tôi một thoáng rồi lẳng lặng
quay lưng lại tôi, chậm rãi đi xuống dưới những cái bậc dốc.
Sáng hôm sau, chúng tôi lại lên đường. Thật một điều không ngờ, chẳng biết ai xui khiến thế nào mà chính
người chiến sĩ trưa hôm qua lại "thồ" tranh cho tôi, chính lại là anh chứ không phải một người nào khác.
Thật là phiền cho tôi quá!
Vừa ra khỏi trạm, người dẫn đường đã báo cho khách biết trên dọc đường phải vượt thật nhanh khi leo một
con dốc, sau đó là một con suối rất trống trải, đã có một vài đoàn bị bọn biệt kích bắn lén hoặc máy bay
thám thính phát hiện. Cái nghề đi đường rừng nó là như vậy, nói một chữ chung chung là đèo, dốc, suối...
nhưng ở thực địa mặt mũi chúng chẳng chỗ nào giống chỗ nào cả. Đi đến quá trưa, chúng tôi gập lưng lại,
lội qua một quả núi đất không dốc lắm, mọc đầy cỏ tranh đang trổ bông rất đẹp và lác đác có những hòn đá
tai mèo. Những vỉa đá tai mèo mọc lởm chởm giữa cỏ tranh mỗi lúc một dày, và khi quả núi đổ sang sườn
dốc bên kia thì chỉ có rặt đá tai mèo đen kịt, chúng tôi vừa thở dốc ra cả bằng mũi, bằng tai, năm ngón tay
bịt chặt lấy chỏm đầu từng hòn đá một mà lần xuống.
ác thay cái bãi đá tai mèo nằm giữa khúc suối dưới chân núi. Có lẽ nó rộng đến năm trăm thước. Con suối
chảy đến đấy thì phình rộng ra chảy lênh láng và réo lên ầm ầm trên một cái nền đá lởm chởm. Tuy đã được
nghỉ một ngày nhưng sau khi leo qua được quả núi thì tôi đã thấm mệt. Tôi dò dẫm đi giữa khúc suối một
cách vất vả quá, cứ dần dần bị tụt lại sau. Rồi chân tôi tự nhiên bị sỉa xuống một hẻm đá ngầm dưới nước.
Tôi giơ hai tay lên trời chới với...
Người chiến sĩ "thồ" tranh cho tôi đang đi phía trước, cách một quãng khá xa, vội vã quay lộn lại. Nếu anh
không đến kịp có lẽ là tôi bị dòng suối cuốn đi. Anh cởi chiếc ba lô sau lưng cho tôi, khoác vào trước ngực
mình. Anh đỡ lấy tôi, giúp tôi rút cái chân lên. Rồi dìu tôi đi. Tôi thở dốc. Mồ hôi vã ra như tắm. Hai mắt đổ
đom đóm. "Đồng chí cố gắng lên - Người chiến sĩ vừa đi vừa động viên tôi - Tôi dìu đồng chí đi nhanh qua
bên kia suối sẽ nghỉ. Nếu thằng L.19 đến, chúng mình cứ ngồi xuống. Nó chẳng thấy gì cả đâu!".
Tôi không đủ sức theo kịp đoàn được nữa. Qua bên kia suối, người chiến sĩ lấy dầu con hổ bóp chân cho tôi,
lúc ngồi nghỉ. Rồi bắt đầu từ đó, chỉ có hai người, anh và tôi, đi trong rừng. Tôi chỉ có thể đi người không.
Người chiến sĩ vừa phải "thồ" đống tranh của tôi sau lưng (to và nặng gấp đôi một cái ba lô bình thường của
khách đi đường) lại vừa phải mang thêm chiếc ba lô riêng của tôi trước ngực. Có lẽ tất cả đến sáu bảy chục
cân. Mà người chiến sĩ có khỏe mạnh gì cho cam!
Tôi không nói thì chắc các bạn cũng biết, ngay từ lúc người chiến sĩ đến gặp tôi để nhận mang cái bó tranh,
tôi đã khó xử đến thế nào? Thế mà bây giờ, trên dọc đường, không những riêng cái đống tài sản của tôi mà
cả chính tôi cũng đã trở thành một gánh nặng cho anh. Xưa nay tôi vẫn cho mình là một kẻ cũng biết tự
trọng, và cũng biết suy nghĩ. Giá người chiến sĩ tỏ thái độ lạnh nhạt hoặc mặc xác tôi nằm lại một mình, tập
tễnh đi một mình giữa rừng, thì tôi cũng thấy là cái lẽ phải. Xưa nay tôi vẫn quan niệm rằng: sống ở đời, cho
thế nào thì nhận thế ấy. Cái cách cư xử của người chiến sĩ đối với tôi chỉ có thể giải thích bằng lòng độ
lượng. Độ lượng? Thế nhưng tôi nhiều tuổi hơn? Tôi lại là một họa sĩ có tên tuổi? Xưa nay tôi chỉ mới thấy
lòng độ lượng của kẻ trên đối với người dưới. Bây giờ đây thì chính tôi, một kẻ bề trên, đang được một
người dưới tỏ ra độ lượng với mình.
Tối ngày hôm đó, hai chúng tôi phải ngủ lại nửa đêm giữa rừng. Người chiến sĩ mắc võng cho tôi nằm rồi
ôm súng ngồi gác bên cạnh. Nhưng làm sao mà ngủ được? Tôi đến ngồi bên anh, trên một phiến đá. Rừng
đêm tối mò và đầy hăm dọa. "Tôi xin lỗi đồng chí về cái việc hôm qua... - tôi nói khẽ bên tai anh - Đến mai,
thế nào tôi cũng phải vẽ đồng chí. Một bức, thật đẹp!".
"Giá có một chỗ nào có thể chụp ảnh thì tôi không dám phiền đồng chí nhiều vậy đâu! - Anh nói chậm rãi -
ác một cái, ở trong rừng, chẳng có hiệu ảnh".
Ngừng một hồi rất lâu, anh lại mới tiếp:
"Vừa rồi tôi gặp cậu tân binh ở ngoài mới bổ sung vào. Mới biết, không hiểu sao gia đình tôi ngoài bắc lại
nghe tin tôi hy sinh. Thư từ ở đây gửi về ngoài ấy mất một năm. Mấy năm nay tôi định gửi về nhà một cái
ảnh theo cái điều ao ước của mẹ tôi từ lâu, mà không chụp ở đâu được!".
Tôi ngắt lời anh:
"Vậy thì tôi sẽ vẽ đồng chí một bức thật giống. Tôi sẽ trực tiếp mang theo ra. Đồng chí hãy viết một lá thư
nữa và ghi địa chỉ gia đình cho tôi. Tôi sẽ trực tiếp mang thư và "ảnh" đồng chí tới tận nhà...".
Tôi sốt sắng bàn với anh kiếm củi nhen lửa để tôi vẽ ngay, nhưng anh ngăn lại.
"Đừng đốt lửa!" - Anh nói.
Sáng sớm hôm sau, anh đưa tôi đến trạm mới.
Tôi hoàn thành bức chân dung người chiến sĩ "thồ" tranh chỉ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Tôi không thể
có hoàn cảnh vẽ chậm chạp, rềnh ràng được. Bởi vì, ngay sau đó tôi lại phải theo đoàn lên đường đi chặng
tiếp theo, và người chiến sĩ cũng đang có nhiệm vụ mang đồ đạc cho một đồng chí cán bộ cao cấp trong một
đoàn khách đi vào trạm của anh. Cả hai chúng tôi đều vội, đến nỗi anh cũng chẳng kịp viết thư mà chỉ kịp
ghi cho tôi cái địa chỉ. Rồi hai chúng tôi chia tay nhau.
Thành công của nghệ thuật có đôi lúc là một cái gì rất cầu ơ, điều này có lẽ chỉ có anh em chúng tôi trong
nghề với nhau mới thấu hiểu hết được. Chắc các bạn sẽ lấy làm lạ - cũng có thể chẳng lấy làm lạ - nếu được
biết rằng cái "bức ảnh truyền thần" người chiến sĩ mà tôi đã vẽ vội vẽ vàng trong cái buổi mờ sáng ở trong
rừng đó, về sau, hoàn toàn ngoài cả dự định của tôi, đã nghiễm nhiên trở thành một tác phẩm hội họa nổi
tiếng của tôi, không những ở trong nước, mà cả ở nước ngoài nữa. Thật thế, chính bản thân tôi cũng không
thể nào lường hết được quy luật đào thải của thời gian. Một điều thật đáng buồn là tất cả số tranh và ký họa
mà tôi đã tốn biết bao công phu mang từ trong chiến trường ra chuyến đó, chẳng có một bức nào còn lại
được, mặc dầu một số lớn đã được bày triển lãm, đã được in rải rác trên báo. Trong khi đó, "bức ảnh truyền
thần của người thợ vẽ" thì lại còn lại mãi mãi, như một cái "đinh" của sự nghiệp sáng tác của tôi, trong
những năm chiến tranh.
Đáng lý ra tôi không bao giờ đến cắt tóc ở cái hiệu ấy. Nhà tôi cũng như cơ quan tôi làm việc đều ở phía
cuối thành phố. Vậy mà cái hiệu cắt tóc chẳng có gì đáng phải chú ý đó ở tận đầu phía tây bắc thành phố, lại
nằm trên một phố nhỏ khuất nẻo có lẽ là lần đầu tiên tôi đặt chân đến. Sáng hôm đó, một buổi sáng mùa hè,
tôi có công việc đến một cơ quan, nhưng người tôi định tìm gặp chẳng may lại đi vắng. Tôi dắt xe ra, lượn
vòng vèo quanh mấy khu phố cổ phía bắc để ngắm nhìn những mái ngói, những mảng tường. Tôi lang thang
với con mắt nghề nghiệp khoảng vài tiếng đồng hồ. Buổi sáng đó, nếu trong túi tôi có một mẩu bút chì và
cuốn sổ ký họa thì sau đó không bao giờ tôi nảy ra cái ý định đi cắt tóc. Tôi bước vào một cửa hiệu có hai
ghế nhưng cả hai đều đã có khách. Tôi liền quay ra, dắt xe men theo một bức tường rất dài. Cuối bức tường,
có một cái quán bán nước mở ngay bên một cái ngõ, một đám đông thanh niên đang ngồi nhẩn nha uống
nước chè chén và hút thuốc. Bên cạnh quán nước lại thấy một cái hiệu cắt tóc khác. Chẳng có gì đáng có thể
được gọi là "cửa hiệu" cả: kề sát bên mái là quán nước, một mảnh vải ni-lông tăng bộ đội che lấy một
khoảng đất bằng bốn chiếc chiếu nằm hơi thụt sâu xuống vương vãi đầy những lọn tóc. Một chiếc ghế mộc
cũ kỹ, có lẽ do người thợ cắt tóc tự đóng lấy, trên thành ghế vắt một chiếc khăn choàng trắng khá sạch sẽ.
Quán cắt tóc vắng thợ. Chỉ thấy một bà cụ già đang cầm chổi quét những lọn tóc vun vào một góc. Tôi dựng
xe đạp vào bức tường phía ngoài vỉa hè, bước vào. Cái quán cắt tóc thoạt trông vẻ ngoài chẳng có gì hấp dẫn
nhưng điều khiến tôi có cảm tình ngay là trên bức tường, phía trên tấm gương soi, có dán bức tranh nổi tiếng
của tôi. Đó chính là bức ký họa chân dung người chiến sĩ đã "thồ" tranh cho tôi tám năm về trước.
Lúc bà cụ già ngẩng lên, tôi mới biết đó là một người lòa. Nghe tiếng chân của tôi bước vào, bà cụ cầm
chiếc chổi ngẩng lên, từ từ hướng cặp mắt trắng đục về phía tôi. Tôi nhận thấy một nét rạng rỡ, hoan hỉ đang
từ từ lan ra trên khuôn mặt bà:
"Mời ông ngồi chơi một lát. Cháu nó uống chén nước xong là bắt tay làm cho ông ngay! Thưa, ông chỉ đợi
cho mấy phút thôi ạ!".
Tôi đáp "vâng" và đến ngồi vào chiếc ghế. Bà cụ lại tiếp tục quét, nhưng có lẽ vẫn còn áy náy sợ khách bỏ
đi mất nên lại ngẩng lên: "Có báo mới cháu nó để trên bàn. Ông coi đi!". Tôi giơ tay cầm tờ báo trên hàng
chai lọ và giở ngay trang tư có đăng nhiều tin tức thế giới.
Tờ báo hàng ngày có một số tin mới. Tôi không phải loại người say mê môn bóng đá đến mức quá khích
như một số người khác, nhưng cái bài tường thuật trận đấu bóng trên sân cỏ ở một thủ đô bên châu Mỹ La-
tinh khéo quá, đã hấp dẫn tôi đến mức người thợ cắt tóc trở về lúc nào tôi không biết, tôi cứ để mặc cho
người thợ cắt tóc quấn vào ngực chiếc khăn choàng, rồi dùng lược chải qua mái tóc, rồi bấm thử tông-đơ
tanh tách bên tai, rồi hình như anh ta kêu tôi để tóc tốt quá lâu không chịu cắt. Cho đến lúc anh ta dùng hai
bàn tay xoay cái mặt tôi cho thẳng và hất cái mặt tôi ngẩng cao lên hơn một chút, thì tôi mới chịu buông tờ
báo.
- Bác cắt như cũ chứ?
- Vâng.
Trước mặt tôi, kề ngay sát, lúc bấy giờ là một anh thanh niên trạc ngoài ba mươi. Anh ta có một khuôn mặt
mà hình như tôi đã từng gặp, nước da mai mái của người đã từng ở rừng. Một chiếc sơ mi bằng vải phin
trắng ngả mầu cháo lòng và chiếc quần bộ đội cũ vá một vài miếng đang bốc lên một thứ mùi sin sỉn, mùi
quần áo của những người thợ cắt tóc.
Tôi có thói quen không sửa được, thích trò chuyện:
- Anh làm ở tận trong cái ngõ này chắc ít khách?
- Cũng đủ lắm. Phần nhiều khách quen. Nhưng hồi này cái nghề chúng tôi làm ăn cũng khó khăn.
Tôi cãi:
- Khó khăn là những thứ nghề khác, những công việc khác, ví như những người mua gian bán lận, chứ như
cái nghề của anh, thời nào mà sợi tóc chẳng mọc dài ra, người ta bao giờ mà chẳng phải cắt tóc?
- Nhưng bác tính, khi người ta làm ăn dư dả, có đồng tiền, thì mới năng trang điểm, tô vẽ cái răng, cái tóc
chứ?
- Vậy thì tôi chịu anh. Anh làm nghề này lâu chưa?
- Đã gần mười lăm năm. Từ lúc tôi còn đi học và chưa đi bộ đội kia.
Tôi có tính hay lãng quên những việc không đáng quên một chút nào, nhưng ông trời vốn dĩ phú bẩm cho
tôi một trí nhớ đôi lúc chớp lóe lên, có thể nhìn thấy rõ một ngày trong đời của tôi hồi sáu bảy buổi, như
nhìn vào một bức ảnh cũ. Thế là tôi đã nhận ra được người thanh niên làm nghề cắt tóc đó. Đúng, chính là
người chiến sĩ đã "thồ" tranh cho tôi, tám năm về trước. Ôi chao, lúc ấy, tôi chỉ muốn có một cái mặt nạ,
hoặc bé xíu lại như một hạt đậu, trên cái ghế cắt tóc. Tôi biết nói thế nào để các bạn có thể cảm thụ được cái
cảm giác phạm tội của tôi lúc ấy nhỉ? Có bao giờ bạn dọn nhà không? Khi người ta phải thay đổi chỗ ở, có
những thứ đồ đạc tưởng mất biến từ lâu, lục lọi, tìm kiếm khắp vẫn không thấy, thì tự nhiên lòi mặt ra tận
trong góc tủ, dưới gầm giường. Có những thứ đồ vật vô nghĩa. Có những thứ nhắc tới một chút kỷ niệm đẹp
đẽ. Có những thứ gợi lên một câu chuyện chẳng hay ho gì, tưởng đã quên hẳn cái chuyện đó thì bây giờ cái
đồ vật lại từ xó xỉnh, bụi bặm, từ trong xó tối từ từ bò ra, cái vật vô tri lại thủ thỉ nói chuyện với anh, khiển
trách anh, lên án anh.
Tại sao ngày ấy tôi đã không đưa "tấm ảnh" đến cho gia đình anh? Tại sao tôi không giữ lời hứa? Mà tôi vẫn
còn nhớ, tôi đã hứa với anh và cả với tôi nữa, đinh ninh và hùng hồn lắm, và cũng thực tâm lắm chứ? Trong
cái đêm ấy, khi tôi ngồi bên anh trên phiến đá giữa khu rừng bên nước bạn, giá có phải chạy qua làn đạn của
địch, hay băng qua ngọn lửa, thì tôi cũng quyết định sẽ vượt qua, để đưa tấm hình về trao tận tay những
người trong gia đình anh, để đền đáp chút ít tấm lòng độ lượng quá lớn lao nhưng lặng lẽ mà anh đã đối xử
với tôi. Lúc ấy, mắt tôi đã rưng rưng khi nghe kể chuyện ở ngoài này, bà mẹ anh đang nhầm tưởng anh đã
hy sinh. Và buổi sáng hôm sau, lúc chia tay nhau, tôi lại còn hứa đi hứa lại, để cho anh trở về thật yên tâm
và tôi lại còn nhớ, tôi đã nắm tay nhiều lần không nỡ rời, tôi ôm anh, rồi thật là giả dối chưa, tôi lại còn hôn
anh nữa, trước khi lên đường đi chặng tiếp. Từ bữa đó, tôi đi bộ ròng rã gần ba tháng thì ra đến Hà Nội.
Ngày đó, khi đặt chân về đến Hà Nội, tôi vẫn còn mang ý định đến thăm nhà anh ngay, và mang theo bức vẽ
đến. Nhưng chỉ sau một tuần lễ, tôi đã thiết lập được với cái xã hội hậu phương chung quanh những mối
quan hệ mới, cái không khí chiến trường tự nhiên nhạt nhòa đi, cái mối nhiệt tâm của lúc còn ở trong đó vơi
bớt đi - không, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh! Tôi phải nhận rằng, chỉ sau một tuần lễ, được bè bạn sành sỏi
nhất trong nghề đánh giá bức ký họa thật cao, tôi liền lờ quên cái người mẹ đang ôm ấp mối đau khổ vì ngộ
nhận con trai đã hy sinh đang ở ngay trong thành phố, tôi liền đóng gói bức ký họa chung với những bức
tranh đem đi dự triển lãm Việt Nam ở nước ngoài. ỷ vào ngày giờ đi quá cấp bách, tôi cũng không kịp nghĩ
đến việc tới thăm bà mẹ anh nữa!
Có những lúc con người ta không còn chỗ trú nấp. Đó là cái lúc ngồi ngửa mặt lên chiếc ghế, tôi nhận ra anh
một cách chắc chắn, biết không thể nào nhầm được nữa! Tôi chỉ còn mong anh không nhận ra tôi. Không,
nhất định anh phải nhận ra chứ, khuôn mặt tôi gần mười năm nay chụp ảnh thấy ít thay đổi lắm. Mà cái mặt
mình chỉ cách mặt anh có mấy tấc. Cặp mắt anh lại đang nhìn xói vào cái mặt tôi đang được bàn tay anh dằn
ngửa ra. Da mặt tôi cứ dày lên. Tôi nhắm mắt, rồi mở mắt. Mỗi lúc mở mắt, tôi không thể nhìn đi đâu khác
cặp mắt anh. Trời ơi, có lẽ tôi ngồi trên ghế cắt tóc ở cái quán này đã một nửa thế kỷ? Chốc nữa, sắp tới, anh
sẽ làm gì tôi đây?
- Đồ dối trá, mày hãy nhìn coi, bà mẹ tao khóc đã lòa cả hai mắt kia! Bây giờ thì tấm hình tao đã được trưng
trên các tạp chí hội họa của khắp các nước. Người ta đã trân trọng ghi tên mày bên dưới, bên cạnh mấy chữ:
"Chân dung chiến sĩ giải phóng". Thật là danh tiếng quá!
- Tôi là một nghệ sĩ chứ có phải đâu là một anh thợ vẽ truyền thần, công việc nghệ sĩ là phục vụ cả một số
đông người, chứ không phải chỉ phục vụ một người! Anh chỉ là một cá nhân, với một cái chuyện riêng của
anh, anh hãy chịu để cho tôi quên đi, để phục vụ cho cái đích lớn lao hơn. Anh đã thấy đấy, bức "chân dung
chiến sĩ giải phóng" đã đóng góp đôi chút vào công việc làm cho thế giới hiểu cuộc kháng chiến của chúng
ta thêm!
"A ha! Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả... Có quyền lừa dối hả?
Thôi, anh bước khỏi mắt tôi đi. Anh cút đi!"
Giá lúc đó, sau khi cắt tóc xong, anh bảo tôi hãy ngồi lại để hỏi cái món nợ tám năm về trước, thì có thể sau
đó tôi không trở lại cái quán cắt tóc ấy nữa, cũng nên. Thế nhưng anh vẫn làm như không hề bao giờ quen
biết tôi. Khi tôi ra về, anh chào tôi một cách thân mật, nhã nhặn sau khi nhận tiền cắt tóc.
Đã gần một tháng rưỡi, tóc tôi dài quá, mà vẫn chưa cắt. ít hôm tôi lại đạp xe trở lại ngôi quán đó, nhưng
vừa chớm đến nơi thì tôi đã cắm cổ đạp thật nhanh, cố giấu mặt đi. Mỗi lần đạp vụt qua khỏi cái quán cắt
tóc ấy, tôi phóng hẳn sang một đoạn phố khác, cứ sợ đôi mắt người thợ cắt tóc nhìn theo, nhưng trong bụng
lại cảm thấy thất vọng. Tôi lại mon men đạp trở lại, y như một kẻ đã trở nên lẩn thẩn, tôi đến ngồi ở một cái
quán nước trước cổng một cái bệnh viện bên kia đường, cách cái quán cắt tóc một quãng. ở đấy, khách uống
nước bao giờ cũng đông. Tôi ngồi lẫn vào. Tôi gọi một chén nước, vừa uống vừa nhìn sang. Lần nào tôi
cũng trông thấy anh, nhưng có lần thấy bà mẹ anh, có lần không.
Một bận, đến hai ngày liền tôi không thấy anh thợ của tôi làm việc. Cái quán cắt tóc bỏ vắng hai ngày liền.
Sáng ngày thứ ba vẫn thế. Và lại thấy một người đàn bà ra dọn dẹp, chứ không phải bà cụ già lòa như mọi
ngày. Tôi chạy sang. Chiếc ghế cắt tóc không còn nữa. Chỉ còn chiếc gương và mấy cái chai lọ. Người đàn
bà hỏi tôi:
- Bác đến cắt tóc?
- Vâng.
- Nhà em mấy hôm nay đang dọn cái chỗ làm mới ở phố ngoài kia. Ngày mai xong. Xin mời bác đến.
Vợ anh có vẻ trạc tuổi gần ba mươi. Một khuôn mặt đàn bà hiền lành. Chị vừa nói vừa bóc tấm tranh của tôi
ra. Tôi gợi chuyện.
- Bức tranh đẹp đấy chứ, chị nhỉ?
Người đàn bà hơi đỏ mặt, cuốn tấm tranh lại một cách cẩn thận. Lâu sau mới đáp:
- Anh nhà tôi bảo: Anh bộ đội trong tờ tranh này chính là người ta vẽ anh ấy. Hồi anh ấy còn ở bộ đội trong
B. Cho nên mới mua về treo.
- Anh ấy nói với chị thế?
- Vâng.
- Hôm trước tôi đến cắt tóc ở đây có thấy một bà cụ...
- Là mẹ anh nhà tôi. Thế ra bác là khách quen?
- Vâng. Bà cụ bị tật lâu chưa?
- Thưa đã lâu. Đã chín năm nay.
- Vì sao?
- Bà cụ lòa đi cũng vì anh nhà tôi. Ngày đó bỗng nhiên có tin ra nhà tôi hy sinh. Bà cụ đâm ốm. Anh ấy là
con một. Bà cụ nhớ anh ấy, nửa đêm cũng trở dậy đi lang thang. Cứ khóc hoài...
- Bà cụ lòa từ năm nào, chị biết không?
- Từ 69.
- Từ tháng mấy?
- Tôi cũng không nhớ thật rõ, có lẽ khoảng giữa năm.
Tôi ra đến Hà Nội vào đầu tháng ba năm ấy. Nếu tôi là một người tử tế ra thì không khéo bà cụ không bị
lòa, không những thế mà tôi còn có thể làm cho bà cụ khỏe ra! Chính tôi đã làm cho bà mẹ anh trở thành mù
lòa?
Mấy lần tôi đã bước vào một cửa hiệu cắt tóc sang trọng ngay trong phố nhà tôi mà trước đây tôi vẫn thường
cắt, nhưng lại lấy cớ này cớ nọ, quay trở ra. Mấy lần tôi đã định "tẩu thoát". Nhưng chính tôi lại bắt giữ tôi
lại. Tôi lại kiên nhẫn tự thuyết phục mình một cách xử trí êm nhất: đừng bao giờ đặt chân đến trước mặt
người thợ cắt tóc và bà mẹ anh ta nữa. Người ta đã dời cái quán đến một phố khác. Lần trước, anh ta đã
nhận ra cái mặt của anh rồi. Thì lúc này là cơ hội "tẩu thoát" êm nhất. Cái người săn đuổi mình đã rẽ sang
lối khác thì mình lại cũng rẽ vào đấy làm gì? Nhưng anh có đuổi theo tôi đâu? Đấy là tôi muốn tự nguyện
đến nạp mình, cho lương tâm.
Tôi lại tiếp tục dụ dỗ: sau hàng chục năm ở bộ đội, anh ấy lại trở về làm nghề cũ. Chắc hoàn cảnh kinh tế
của gia đình cũng khó khăn. Tôi nghĩ đến việc hay là vay mượn gom góp một số tiền lớn, cái số tiền mà tôi
đã thu được nhờ bức ký họa chân dung kia, bí mật gửi cho anh. Vẫn không được! Tôi vẫn không cho phép
mình lấy đồng tiền để thay cái mặt mình.
Tôi lại đạp xe đến gần cái nơi anh mới dời đến. Chỗ đó là đầu một cái ngõ ăn ra một đường phố nhỉnh hơn
phố cũ. Chỗ làm mới cũng xoàng xĩnh như chỗ cũ, chỉ hơn trước có một bức mành che. Thỉnh thoảng tôi lại
đạp xe qua, đá cái mặt về phía bức mành, nghe tiếng tông đơ rỉa tanh tách, và liếc nhìn cái dáng người thanh
niên đang đứng cắt tóc phía sau. Rồi lại phóng xe vút qua đi.
- Cái anh thợ cắt tóc ở đây dời chỗ làm rồi, phải không bà? - Tôi vờ hỏi bà chủ quán nước ở cái ngõ cũ trong
khi ngồi chen giữa một đám đông khách uống nước, hút thuốc và kháo chuyện vặt.
- Anh ấy dời phố ra ngoài. Cách mấy ngõ thôi. Chắc ông là khách quen?
- Thưa vâng.
- Cái thằng T. Cắt tóc, số nó nhờ được con vợ! - Một người khách bình phẩm.
- Thì còn phải nói! - bà chủ quán cũng nói xen vào - ngày xưa khi anh ấy còn ở bộ đội trong B, tuy chỉ là
chỗ láng giềng thôi, nhưng cô ấy chăm sóc bà cụ lúc ốm đau chẳng khác con cái trong nhà. Về sau anh ấy
trở về cũng vì cảm tấm lòng mà lấy.
- Ông trời sinh ra con người cũng lạ. Có người tốt vậy, có đứa đểu cáng lật lọng hết chỗ nói.
Cái đầu tóc tôi đã tốt quá, ngứa không chịu được! Mà tại sao cứ muốn giở chứng, cứ tự đem mình ra mà
hành vậy? Tại sao lại cứ muốn tự dẫn xác đến cái quán ấy cơ chứ? Ngay buổi sáng đó, tôi đạp xe trở về dưới
phố nhà tôi, lập tức đến cắt tóc ở cái hiệu quen đã mấy năm nay. Thật là thoải mái, dễ chịu. Trời lại nắng
nhạt, cũng thật dễ chịu. Cái hiệu quen sạch sẽ, thơm phức. Bác thợ kêu ầm lên chắc hồi này nhà họa sĩ bận
lắm, bận lắm, mấy lần đến rồi lại không có thì giờ cắt, để cho cái đầu trở thành một khóm rừng! Bác thợ
quen lại còn khuyên tôi nên làm việc có điều độ. Tôi lại vui vẻ (đấu hót) với bác như mọi lần trước kia. Thật
là vui. Phải nói đây là người thợ cắt tóc giỏi nhất thành phố, làm rất cẩn thận, lại rất quý tôi. Được cắt tóc
cho một nhà ông họa sĩ! Bác cẩn thận, cân nhắc từng nhát dao, nhát kéo. Bác nâng niu cái đầu, cái mặt tôi.
Những ngón tay sờ đụng vào cái đầu, cái mặt tôi như đang sờ đụng vào một vật rất quý.
Thế nhưng tôi cũng trở lại cắt ở đấy chỉ có một lần đó. Tôi quyết định phải trở lại cái quán kia. Tôi quyết
định phải chường cái mặt mình ra, chứ không được lẩn tránh. Tôi không cho phép tôi chạy trốn. Tôi quyết
định phải trở lại đấy vào buổi sáng, và đến thật sớm, lúc chỉ có tôi và anh. Để cho anh có hoàn cảnh thuận
tiện chỉ vào cái mặt tôi mà hỏi: "Bác là cái nhà ông họa sĩ ngày xưa đấy ư? Bác đã làm cho bà mẹ tôi khóc
hết nước mắt để trở thành mù lòa như thế kia? Được rồi, vậy thì xin mời ngồi vào đây!"
Bên trong bức mành vẫn chỉ thấy bày chừng ấy thứ đồ đạc: chiếc ghế mộc, chiếc khăn choàng sạch sẽ vắt
trên thành ghế, chiếc bàn con để bánh xà phòng thơm và mấy thứ chai lọ, tấm gương soi mặt khách, phía
trên tấm gương vẫn dán bức chân dung người thợ cắt tóc tám năm trước. Anh thợ của tôi ngồi quay lưng ra,
một chân vắt lên thành ghế, đang ăn một vắt xôi gói trong cái lá bàng. Bà mẹ anh cũng có mặt, ngồi xổm
cầm chiếc vồ đập những hòn gạch vỡ nèn chặt xuống nền đất. Bà cụ lại ngước mắt lên nhìn tôi như lần trước
khuôn mặt đờ đẫn và hoan hỉ:
- Thưa ông đến cắt tóc?
- Vâng ạ!
Tôi có cảm giác hồi hộp của một anh bộ đội giữa trận đánh đồn vừa vượt qua lớp lớp hàng rào để bám được
vào cái đột phá khẩu. Lúc ban nãy, khi đạp xe vừa chớm đến quãng đường phố ngang với bức mành, chỉ
chút xíu nữa là tôi đã nhấn mạnh chân vào bàn đạp cho bánh xe lăn thật nhanh như mọi lần, "Thưa ông đến
cắt tóc?", "Vâng ạ!" một lần nữa, nếu tôi gieo thêm một chút xíu yếu đuối trên cái mặt cân tiểu ly vô hình,
tôi sẽ không đáp "Vâng ạ!" mà có thể trả lời: "Không ạ" rồi phóng xe đi thẳng như mọi lần.
Anh thợ cắt tóc nghe mẹ lên tiếng mới quay người lại. Tôi vừa kịp nhận ra được từ nơi cặp mắt vẫn còn trẻ
của anh chiếu thẳng về phía tôi một cái nhìn ban đầu soi mói, ngạc nhiên, rồi hơi nghiêm mặt lại. Nhưng
những diễn biến phản ứng trên cái mặt người thợ chỉ diễn ra nhanh như một cái chớp mắt. Ngay sau đó anh
lại trở lại cái vẻ mặt và cử chỉ từ tốn, điềm đạm, ân cần của một người thợ cắt tóc đứng đắn và yêu nghề.
Da mặt tôi tự nhiên dày cộm lên.
- Mời bác ngồi!
Tôi cố trấn tĩnh để khỏi run lập cập, bước tới ngồi vào cái ghế gỗ như một cái ghế tra điện.
- Bác vẫn cắt như cũ?
- Vâng.
Bàn tay người thợ ấn cái gáy tôi xuống. Tôi trông thấy hai ống quần quân phục đã cũ kỹ và đôi bàn chân xỏ
trong dép cao su. Bà mẹ anh vẫn ngồi bên cạnh cái ghế cắt tóc, bàn tay dăn deo vừa sờ soạng trên mặt đất,
vừa cầm chiếc vồ nện lên những viên gạch chan chát, nhát trúng nhát trật.
Từng mảng tóc trên đầu tôi rớt xuống. Tôi có cảm giác tôi đang ngồi cho người thợ giải phẫu não, mà không
đánh thuốc mê.
Rồi người thợ cắt tóc, một tay nâng ngửa cái mặt tôi lên, một tay cầm lấy con dao nhỏ sáng loáng. Tôi khẽ
liếc mắt thấy lưỡi dao sắc lẹm, vậy mà anh vẫn đem mài đi mài lại trên một tấm da. Tôi khắc khoải nằm
ngửa mặt chờ. Tôi khẽ thử động đậy cái gáy, nó như đã bị chốt vào miếng gỗ lõm có lót da. Ngay trước mặt
tôi vẫn là cái bộ mặt thật của tôi vừa được lột khỏi ra cái mặt nạ hàng ngày, đang phản chiếu trong tấm
gương.
"Hàng ngày anh vẫn nói đùa một cách độc đáo với bạn rằng: tạo hóa nặn ra muôn loài, mỗi loài bằng một
thứ bột nhão riêng khác nhau. Xong rồi mỗi thứ thừa một tý, đem gộp chung tất cả lại, để nặn ra anh?"
"Có lẽ thật thế, trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần
và ác quỷ?"
"Bây giờ trước mặt tôi, anh nghĩ thế nào về cái luật công bằng ở đời của anh: cho thế nào thì nhận thế nấy?"
"Tôi xin nhận đã gây nên đau khổ cho bà mẹ anh. Tôi đã lừa dối anh. Tôi đã thu thêm được tiền của và tiếng
tăm trên sự đau đớn của anh. Bây giờ anh cứ trừng phạt tôi. Anh xử tôi thế nào cũng được!"
"Không bao giờ! Nếu tôi xử phạt anh, nếu tôi thực hiện cái quan niệm về luật công bằng ở đời của anh, thì
cái hôm đó, tám năm trước đây, khi quay lại đón anh giữa suối, tôi đã xốc ngược anh lên rồi vứt tõm vào
khúc suối giữa bãi đá tai mèo rồi!"
"Lần này anh lại đối xử với tôi như lần trước đây?"
"Phải".
"Anh cũng không trách mắng, chỉ trán chỉ mặt tôi?"
"Không! Anh cứ yên tâm. Trước sau tôi vẫn coi anh là một nghệ sĩ tài năng đã có nhiều cống hiến cho xã
hội".
"Tôi vẫn thường gặp mặt anh ở ngoài đường luôn luôn đấy chứ! Một lần tôi đứng xem anh ký họa khu phố
cổ. Một lần tôi đến xem phòng trưng bày tranh của anh. Một lần khác, tôi đi theo mấy người bạn làm xưởng
vô tuyến truyền hình đến quay chỗ xưởng làm việc và gian phòng riêng của anh. Anh không nhận ra được
tôi đấy mà thôi!
"Bây giờ anh nói với tôi một điều gì đi, khuyên tôi một nhời đi!"
"Không".
"Tôi có phải cút khỏi đây không?"
"Không. Anh cứ đến đây. Tôi cắt cho anh kỹ lắm, anh biết đấy!"
Phải, giá thử lần thứ nhất tôi đến, hoặc lần thứ hai trở lại, và các lần sau nữa, mà người thợ ấy nổi giận đuổi
tôi ra khỏi ngôi quán, thì chắc chắn tôi không đủ thì giờ nhìn kỹ cái mặt mình đến như thế. Gần nửa năm, tôi
đã để vào bức tranh sơn mài tất cả công sức và sự suy nghĩ, và trong suốt thời gian ấy, một đôi lần tôi cũng
gợi lại chuyện cũ nhưng người thợ vẫn một mực cố tỏ ra chưa hề bao giờ quen biết tôi. Trở về làm một anh
thợ cắt tóc cũng như lúc ở bộ đội, anh vẫn lẳng lặng sống như vậy để cho người chung quanh tự phán xét lấy
những công việc đã làm. Lời đề nghị rụt rè của anh: Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống
bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình.
Bây giờ thì cái tác phẩm mới của tôi đã hoàn thành. Tôi đang đối mặt với chính mình, để viết những dòng
này, như những lời chú giải cho một tác phẩm hội họa thể hiện một cái mặt người rất lớn: những luồng ánh
sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu
rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc mầu xám vừa bị mổ phanh ra.
Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: dưới cằm và hai bên mép phủ
kín bọt xà phòng. Không trông rõ miệng, chỉ thấy một vệt mầu đen lờ mờ nổi bồng bềnh trên những đám bọt
xà phòng. Và nổi bật trên cái khuôn mặt là đôi mắt mở to, khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc, đang
nhìn vào nội tâm.

You might also like