You are on page 1of 9

Mở đầu

I. Lí do chọn đề tài
Mác đã khẳng định: “Một khoa học chỉ đạt được sự hoàn chỉnh khi nó
sử dụng toán học”. Toán học xuất hiện và ngày càng đa dạng hoá là do
yêu cầu phát triển của chính bản thân toán học và của các khoa học khác,
chứ không phải chỉ là sản phẩm tư duy thuần tuý của các nhà khoa học
hay do Thượng đế mách bảo như quan điểm của các nhà triết học duy
tâm. Và, giá trị to lớn của toán học là ở chỗ, chúng là công cụ trợ giúp
đắc lực cho khả năng nhận thức của con người về thế giới hiện thực và
góp phần thúc đẩy các khoa học khác phát triển, góp phần phục vụ cho
lợi ích thiết thực của con người.
Mặc dù triết học có vai trò rất quan trọng trong nhận thức và thực tiễn
nhưng triết học không thể thay thế cho các khoa học khác trong việc nhận
thức thế giới. Mối quan hệ biện chứng giữa triết học với các khoa học
khác là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của triết học, đặc biệt là
toán học. Với toán học, chúng ta có thể giải quyết được những nhiệm vụ
gắn liền với thực tiễn. Với các lý do trên tôi quyết định chọn đề tài “Vai
trò của toán học trong nhận thức khoa học”.
II. Mục đích và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn vai trò nhận thức của toán học
trong nhận thức khoa học.
Nghiên cứu lý luận: thông qua các tài liệu về triết học, logic học, toán
học.
Nghiên cứu thực tiễn: thông qua các hoạt động nhận thức hằng ngày

III. Ý nghĩa của đề tài


Giúp việc lĩnh hội tri thức khoa học có hiệu quả hơn thông qua việc nắm
vững các quy tắc suy luận toán học.
Giúp các cuộc tranh luận khoa học đi đúng hướng và sớm đạt kết quả.

IV. Cấu trúc của tiểu luận

Mở đầu
Chương 1: Các quan điểm về vai trò nhận thức của toán học trong lịch
sử triết học
Chương 2: Một số biểu hiện cụ thể về vai trò nhận thức của toán học
Chương 3: Vấn đề chân lý trong toán học
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Chương 1: CÁC QUAN ĐIỂM VỀ VAI TRÒ NHẬN THỨC
CỦA TOÁN HỌC TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
1.1. Sự phát triển của các quan điểm trước Mác

Vai trò của toán học trong nhận thức khoa học không phải mãi đến ngày nay
mới được khẳng định. Đồng thời, không phải chỉ sau khi chủ nghĩa duy vật
Macxít ra đời thì vấn đề trên mới được đề cập đến. Vai trò nhận thức của
toán học đã được nhiều trường phái triết học quan tâm đến tùy theo cách tiếp
cận và mục đích nghiên cứu khác nhau.

Trong tiểu luận này, ta sẽ giới thiệu quan điểm của một số trường phái tiêu
biểu như: triết học cổ đại (Pitago, Đêmôcrit, Platon, Aristôt,…), Chủ nghĩa
duy lý (Đêcacxtơ, Lepnitxơ,…), triết học cổ điển Đức (Kant, Hêghen,…).
Trên cơ sở đó khẳng định sự phát triển của các quan điểm khác nhau về vai
trò nhận thức của toán học.

Platon khẳng định, toán học là môn học hướng dẫn lý trí trong việc nghiên
cứu các đối tượng và những mối liên hệ trừu tượng. Nó cung cấp một bằng
chứng về suy luận diễn dịch, là thứ suy luận đi từ những tiền đề sáng rõ đến
những kết luận tất yếu.

Aristote đồng ý với Plato rằng toán học có giá trị như một tri thức, hoàn toàn
không kể tới những ứng dụng thực tiễn, nhưng ông phản đối mạnh mẽ ý kiến
nói toán học được coi là mẫu mực cho tất cả tri thức triết học. Ông lấy làm
khó chịu thấy những học trò của Plato đồng nhất hóa toán học với triết học,
và các sinh viên khoa triết sẽ không lắng nghe giảng viên nào không trình
bày tư tưởng của mình bằng hình thức toán học. Theo Aristotle, mỗi khoa
học có một phương pháp riêng thích hợp đối với đối tượng chính yếu của nó,
và do đó, phương pháp toán học không nên áp dụng trong các khoa học
khác.

Sự bất đồng từ thời thượng cổ Hy Lạp này lại tiếp tục ở thời hiện đại trong
các quan điểm đối lập nhau của Descartes và Kant. Là nhà toán học vĩ đại
đồng thời là một triết gia, Descartes tuyên bố phương pháp toán học là con
đường duy nhất dẫn đến tri thức, kể cả tri thức về vật lý vũ trụ. Đối với ông,
cũng như đối với Newton và các nhà khoa học hiện đại vĩ đại khác, thế giới
tự nhiên hình thành theo cách có thể được hiểu rõ nhất bằng phân tích toán
học. Từ cái nhìn này, vũ trụ vật chất có một cơ cấu có thể diễn tả được bằng
các thuật ngữ toán học. Kant thừa nhận rằng những nguyên lý toán học có
thể áp dụng vào việc nghiên cứu thế giới vật lý, và ông đề cao thiên tài của
Newton

1.2. Quan điểm duy vật biện chứng

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đều nhìn thấy ý nghĩa to lớn của toán
học và sự vận dụng các phương pháp của nó đối với việc nghiên cứu các
hiện tượng tự nhiên và xã hội. Theo Ănghen: "Muốn có một quan niệm vừa
biện chứng vừa duy vật về tự nhiên thì người ta phải biết toán học và khoa
học tự nhiên".

Ănghen cho rằng, vai trò nhận thức của toán học không tách rời những nhu
cầu hoạt động thực tiễn của con người. Ví dụ, khả năng phân biệt sự vật này
với sự vật khác đã được hình thành từ nhu cầu hoạt động đếm các đồ vật của
con người.

Trong "các tập bản thảo toán học", Mác đã phân tích bản chất của vi phân
trong toán học và xem nó như là một phương tiện tham gia vào quá trình tìm
ra những tri thức mới.

Theo nhận xét của Lênin, nhiều phương trình vi phân thuộc về các lĩnh vực
khác nhau của các hiện tượng lại rất giống nhau về mặt hình thức và chính
sự giống nhau đó đã phản ánh tính thống nhất của tự nhiên. Điều đó chứng
tỏ các vi phân toán học đã tham gia vào việc phản ánh các khía cạnh khác
nhau của thế giới hiện thực.

Trong điều kiện hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng
khoa học và công nghệ, toán học vẫn khẳng định được vai trò nhận thức to
lớn của mình. Nhưng trước sự biến đổi của thực tiễn, quan điểm duy vật
biện chứng về nhận thức toán học cũng cần được bổ sung những cách nhìn
mới. Thứ nhất, ngày nay đối tượng khoa học nói chung là đối tượng khoa
học liên ngành, chính vì vậy, toán học muốn phát huy được sức mạnh trong
nhận thức khoa học thì nhất thiết đối tượng của nó phải phát triển vượt qua
phạm vi của đối tượng toán học thuần túy trước đây. Thứ hai, để khắc phục
những khó khăn trong ứng dụng (nhất là trong mô hình hóa), toán học phải
có sự kết hợp chặt chẽ với các phương pháp của các khoa học khác. Chẳng
hạn, nếu kết hợp phương pháp toán học với tin học, chúng ta sẽ giảm nhẹ về
mặt lôgic hình thức trong suy luận toán học. Việc kết hợp đó cho phép chúng
ta thực hiện sự mô phỏng hành vi của các hệ phi tuyến nhờ đồ họa máy tính.
Có nghĩa là, nhờ sự trực cảm và suy luận định tính, toán học góp phần nâng
cao khả năng nhận thức của con người.

Chương 2: MỘT SỐ BIỂU HIỆN CỤ THẾ VỀ VAI TRÒ


NHẬN THỨC CỦA TOÁN HỌC

2.1. Vai trò phát kiến của toán học

Toán học cho phép chúng ta dựa vào các đối tượng trừu tượng và các phép
tính mà đi tới biểu thức toán học của những mối quan hệ không dễ dàng
hoặc không thể tìm được bằng các phương tiện khác.

Chẳng hạn từ phương trình của nhà vật lý Erwin Schrödinger: HΨ=EΨ, nhà
vật lý học người Anh - Dirac đã mở rộng theo thuyết tương đối và nhận thấy
rằng, nghiệm của phương trình này phụ thuộc vào một căn bậc hai, mà căn
bậc hai lại có hai giá trị khác dấu. Điều đó cho phép chúng ta cơ sở dự đoán
rằng, ngoài electron còn tồn tại một hạt có khối lượng, spin và các tính chất
khác giống như điện tử nhưng khác điện tử về dấu của các điện tích. Dự
đoán trên đã trở thành hiện thực, người ta đã tìm ra sự tồn tại của Pôzitrôn.
Từ đó các phản hạt của phần lớn các hạt đã được tìm ra một cách tương tự
như Pôzitrôn.

Như vậy, vai trò phát kiến của toán học được thể hiện rõ nét ở chỗ, căn cứ
vào tính chất của đối tượng toán học và các phép suy luận, chúng ta có thể
dự đoán được những cấu trúc phức tạp của thế giới vật chất, qua đó khẳng
định được vai trò của toán học trong quá trình nhận thức.

2.2. Toán học với những đại lượng biến thiên

Vai trò nhận thức của toán học được thể hiện rất rõ khi toán học chuyển sang
nghiên cứu các đại lượng biến thiên. Theo nhận định của Ănghen, sự xuất
hiện của đại lượng biến thiên đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát
triển của toán học. Với đại lượng đó vận động và biện chứng đã đi vào toán
học.

Trong phần này, các ta sẽ đề cập đến đại lượng vô cùng bé - đại lượng biến
thiên trong toán học, nó đã được hợp thức hóa bởi lý thuyết tập hợp của
Cantor vào cuối thế kỷ XIX. Sự xuất hiện của vô cùng bé đã cho ta một
phương tiện phản ánh tính biện chứng trong toán học.

Tính biện chứng trong toán học được thể hiện trong quá trình vận động của
nhận thức toán học và trong mối quan hệ giữa toán học với việc nhận thức
thế giới xung quanh. Sự vận động của nhận thức toán học là một quá trình
chứa đầy mâu thuẫn và tuân thủ các qui luật của phép biện chứng. Những
mâu thuẫn biện chứng xuất hiện trong mối quan hệ giữa trình độ phát triển
của toán học và nhu cầu giải quyết các nhiệm vụ của khoa học và thực tiễn.
Việc giải quyết các mâu thuẫn đó làm cho nhận thức toán học có sự biến đổi
về chất.

2.3. Toán học đặc biệt là xác suất thống kê với những hiện tượng ngẫu
nhiên

Việc nghiên cứu các hiện tượng ngẫu nhiên trong toán học có ý nghĩa rất
quan trọng trong quá trình nhận thức thế giới khách quan. Để giải quyết nội
dung này, các tác giả của đề tài nêu lên những quan niệm về đại lượng ngẫu
nhiên, từ đó rút ra nhận xét rằng hiện tượng ngẫu nhiên chắc chắn là có
nguyên nhân, nhưng đó là sự tác động của một tổng thể nguyên nhân, trong
đó có những nguyên nhân biến đổi. Chính vì vậy, nếu chỉ xét một hiện tượng
riêng biệt thì chúng ta không bao giờ có những dự đoán chính xác được. Do
vậy, để nghiên cứu hiện tượng ngẫu nhiên chúng ta phải nghiên cứu hệ thống
các hiện tượng và rút ra qui luật về số lớn của các hiện tượng đó.

Trong toán học, lý thuyết xác xuất thống kê là công cụ chủ yếu để nghiên
cứu các hiện tượng ngẫu nhiên. Xét về hình thức thì tất yếu và ngẫu nhiên
mâu thuẫn với nhau, cho nên thực chất cái phi mâu thuẫn ở đây là ở chỗ
ngẫu nhiên đối với từng sự kiện đơn giản, còn tất yếu là luật số lớn, luật bao
quát. Từ đó, ta có thể kết luận rằng, đối với hiện tượng ngẫu nhiên ta không
thể hiểu được từng thành phần, từng yếu tố đơn giản tham gia vào tập hợp
các sự kiện đó, nhưng ta có thể hiểu được qui luật vận động chung của các
tập hợp đó. Chẳng hạn, trong cơ học lượng tử, ta không thể nghiên cứu được
sự vận động của từng hạt ánh sáng, nhưng qui luật của vật lý thống kê cho
phép ta nghiên cứu sự vận động chung của cả tập hợp các hạt cơ bản. Hiện
tượng vân nhiễu xạ là một ví dụ điển hình về tính qui luật của các hiện tượng
ngẫu nhiên.

Như vậy, với sự ra đời của lý thuyết xác suất và thống kê, các hiện tượng
ngẫu nhiên trong tự nhiên và trong khoa học - kỹ thuật đã được nghiên cứu
một cách có hệ thống, giúp cho con người nhận thức thế giới hiện thực ngày
càng sâu sắc hơn.

2.4. Vai trò của các ký hiệu toán học trong nhận thức khoa học

Các kí hiệu toán học không những chỉ là những phương tiện thuận lợi cho
việc nghiên cứu khoa học nói chung và toán học nói riêng, mà chúng ta có
một giá trị nhận thức luận to lớn. Chúng được sử dụng trước hết là để ghi lại
các khái niệm và mệnh đề toán học.

Trong toán học, vai trò của các ký hiệu rất giống với vai trò của tiếng nói
thông thường trong xã hội. Điều này được thể hiện ở chỗ, tiếng nói của các
kí hiệu toán học cho phép các nhà toán học trao đổi với nhau và trao đổi với
những người khác về chân lý toán học, về việc tổ chức nghiên cứu khoa học.

Các kí hiệu toán học cho phép ta nói ngắn gọn nhiều điều mà nếu diễn tả
bằng ngôn ngữ thông thường thì sẽ rất dài dòng, phức tạp.

Ví dụ, việc viết các công thức toán học:

(a + b) 2 = a2 + 2ab + b2,

Vấn đề cốt yếu phải lưu ý ở chỗ, các kí hiệu toán học chỉ có tính ưu việt khi
chúng đảm bảo vai trò hàng đầu của mình trong nhận thức khoa học. Các kí
hiệu toán học khi đạt đến một mức độ độc lập nhất định như là các đối tượng
vật chất, mà ta có thể hiểu được chúng nhờ quan sát trực tiếp, thì khi đó các
kí hiệu sẽ trở thành công cụ không thể thiếu được cho sự nghiên cứu sáng
tạo.

Các kí hiệu toán học không phải chỉ là cách ghi lại một tư tưởng, hay là một
công cụ diễn tả và củng cố tư tưởng đó, mà chúng còn tác động lên chính
bản thân tư duy và trong một mức độ nào đó, chúng hướng dẫn tư duy và chỉ
cần điều động chúng qua lại trên mặt giấy theo những qui tắc đơn giản đã
biết là có thể đạt đến những chân lý mới mà không phạm sai lầm.

Các kí hiệu toán học được xem như là một ngôn ngữ trong quá trình nhận
thức, ở đây những kí hiệu được đưa vào ngôn ngữ toán học nhân tạo thường
có tính chất quốc tế. Nhờ có các kí hiệu toán học, trong các hội nghị toán
học quốc tế, người ta không cần phiên dịch các thông báo khoa học do các
nhà khoa học của nhiều nước trình bày.
Ngôn ngữ toán học là sự cải tiến ngôn ngữ chung, là sự trang bị cho ngôn
ngữ chung công cụ thuận tiện để phản ánh những mối liên hệ phụ thuộc mà
nếu diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường sẽ không chính xác hoặc phức tạp.
Về thực chất, các kí hiệu toán học là sự thể hiện của ngôn ngữ toán học. Như
vậy, các kí hiệu toán học chính là công cụ trợ giúp đắc lực cho khả năng
nhận thức của con người đối với thế giới hiện thực và góp phần thúc đẩy sự
tiến bộ của khoa học.

Chương 3: VẤN ĐỀ CHÂN LÝ TRONG TOÁN HỌC


3.1. Đặc trưng của chân lý trong toán học

Đặc trưng của chân lý trong toán học, trước hết được thể hiện rất rõ ở tiêu
chuẩn logic của chân lý toán học. Trong việc xác lập tính chân lý của một
mệnh đề, một phán đoán hay một lý thuyết toán học thì tính phi mâu thuẫn
giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong toán học lý thuyết, việc xác lập tính chân lý dựa vào tính chân lý phân
tích của các tiên đề và tính đúng đắn của các kết luận lôgic. Song độ tin cậy
về tính chân lý của các tiên đề toán học phải được xác nhận trong thực tiễn
qua nhiều thế kỷ của nhân loại.

Trong quá trình áp dụng toán học vào nghiên cứu thế giới hiện thực, các lý
thuyết thuần túy của nó được biến thành các lý thuyết ứng dụng. Tương ứng
với điều đó, các phán đoán chân lý phân tích được biến thành các phán đoán
chân lý thực nghiệm. Điều đó có nghĩa là giữa tính chân lý phân tích và tính
chân lý thực nghiệm tồn tại mối liên hệ chặt chẽ, dù rằng đó là mối liên hệ
không trực tiếp.

Tất cả những điều nói trên phản ánh nét đặc trưng của chân lý trong toán
học.

3.2. Tiêu chuẩn thực tiễn của chân lý toán học

Trong việc phân tích khái lược lịch sử của toán học, chúng ta nhận thấy
rằng, thực tiễn không chỉ là nguồn gốc và động lực của sự phát triển toán
học, mà còn là tiêu chuẩn hàng đầu của các chân lý toán học. Song trong
toán học, việc xem xét thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý được thể hiện dưới
hình thức rất đặc biệt.
Trong thực tiễn, việc xác lập tính chân lý của các lý thuyết toán học đã gặp
không ít khó khăn. Đó là điều dễ hiểu, bởi vì tính chân lý của chúng phụ
thuộc trực tiếp vào tính chân lý của các tiên đề. Bởi vậy, để xác lập tính chân
lý của một lý thuyết toán học, ta chỉ cần thử nghiệm các tiên đề của lý thuyết
đó. Nhưng trong thực tế, nhiều tiên đề toán học không cho phép bất cứ một
sự thử nghiệm nào. Trong trường hợp đó, chúng ta chỉ có thể thử nghiệm
một số hệ quả lôgic của các tiên đề, tức là thử nghiệm các định lý. Như vậy,
trong rất nhiều trường hợp, việc xác lập tính chân lý của các lý thuyết toán
học thường mang tính gián tiếp. Đó là nét đặc thù về tiêu chuẩn thực tiễn
của chân lý toán học.

Như vậy, tiêu chuẩn thực tiễn của chân lý toán học gắn liền với mối liên hệ
giữa toán học và các khoa học cụ thể. Thông qua mối liên hệ đó tính đúng
đắn của lý thuyết toán học được thực tiễn xác nhận.

KẾT LUẬN
Ngôn ngữ toán học cho phép ta nói ngắn gọn nhiều điều mà nếu diễn
tả bằng ngôn ngữ thông thường sẽ rất dài đòng, phức tạp. Trên bình diện
nghiên cứu khoa học, những đặc điểm của ngôn ngữ tự nhiên đôi khi đã tạo
nên những yếu tố chủ quan trong quá trình nhận thức. Việc ứng dụng toán
học vào các khoa học khác đã nâng cao giá trị khách quan của các nguyên lý
khoa học, vì khi đó, người ta có thể loại trừ được những mối liên hệ đa dạng
với chủ thể, cái mà luôn tồn tại trong ngôn ngữ tự nhiên. Có thể nói rằng,
ngôn ngữ toán học là sự cải tiến ngôn ngữ chung, là sự trang bị cho ngôn
ngữ chung những công cụ thuận tiện để phản ánh những mối liên hệ phụ
thuộc mà nếu diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường, sẽ không chính xác
hoặc phức tạp.

Do đó, cần thấy rõ vai trò, ý nghĩa đặc biệt và cấp bách của toán học
đối với nhận thức khoa học, nhất là đối với các khoa học xã hội và các
ngành mô tả của tự nhiên học. Chẳng hạn, trong các khoa học xã hội, nếu chỉ
mô tả bằng lời những hệ thống phức tạp, đa dạng và những mối quan hệ
tương hỗ của chúng thì nhất định sẽ dẫn tới những kết luận khái quát khó
phân tích, so sánh và vận dụng.

Tóm lại, giá trị to lớn của toán học là ở chỗ, chúng là công cụ trợ giúp
đắc lực cho khả năng nhận thức của con người về thế giới hiện thực và góp
phần thúc đẩy các khoa học khác phát triển, góp phần phục vụ cho lợi ích
thiết thực của con người hay như Mác đã khẳng định: "Một khoa học chỉ đạt
được sự hoàn chỉnh khi nó sử dụng toán học".

Tài liệu tham khảo

[1] George Polya, Toán học và những suy luận có lý, Nhà xuất bản giáo dục,
1995.
[2] Nguyễn Bá Đô (chủ biên), Các câu chuyện toán học, Nhà xuất bản giáo
dục, 2003.
[3] Nguyễn Gia Thơ, Logic quy nạp và vai trò của nó trong nhận thức khoa
học, Nhà xuất bản khoa học xã hội, 2005.
[4] Đoàn Quang Thọ (chủ biên), Giáo trình triết học, Nhà xuất bản lý luận
chính trị, 2007.

You might also like