You are on page 1of 9

Rực rỡ, hoành tráng, tràn đầy hi vọng trong Thánh lễ tấn phong Giám

mục Phát Diệm

Sáng 8/9/2009, tại quảng trường TGM Phát Diệm, Thánh lễ tấn phong
Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã được tổ chức trọng thể với hơn 20.000
người tham dự. Với giáo dân Phát Diệm thì đã từ lâu lắm mới có một dịp
tập trung giáo dân đông đúc và trọng thể như thế.

Phát Diệm - Miền đất với bề dày lịch sử hào hùng

Đã từ lâu, hai tiếng Phát Diệm khắc sâu vào lòng người Công giáo, một
địa danh có chiều dày lịch sử gắn liền với Giáo hội Việt Nam như một
điểm tựa của niềm tin, của sức mạnh và đạo đức.

Nơi đây, có những công trình tôn giáo to lớn, dày đặc và mật độ giáo dân
rất cao trên tỷ lệ dân số. Nơi đây cũng đã sản sinh cho Giáo hội nhiều ơn
gọi, nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội xuất sắc mà dù thời gian có qua đi thì
những tên tuổi đó vẫn lưu danh những tấm gương sáng ngời trong sử sách
của Giáo Hội Việt Nam.

Mỗi lần nhắc đến địa danh này, người ta liên tưởng ngay đến một mảnh
đất đầy hồng ân Thiên Chúa, nhiều ơn gọi và có nhiều cơ sở để người ta
đặt vào đó lòng tin, mến và hi vọng.

Suốt một thời gian dài, nhắc đến Phát Diệm là nhắc đến tinh thần công
giáo, hiệp thông và thánh thiện. Người ta nhắc đến Phát Diệm với một
niềm tự hào như nhắc đến trang sử vinh quang của ngay chính bản thân
mình, xứ sở mình.
Rồi thời thế thay đổi, những địa danh Phát Diệm, Bùi Chu là những được
sự chú ý bậc nhất trong những năm tháng “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh,
tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Cũng những nơi này, nhiều cơ sở
tôn giáo được mượn, được trưng thu, được thuê… để phục vụ cho công
cuộc “cả nước cùng ra trận”.

Không chỉ những cơ sở vật chất bị chiếm dụng, thu hẹp, những vùng Công
giáo toàn tòng, những vùng trung tâm Công giáo còn phải hứng chịu
những hậu quả nặng nề của “cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa”. Ở đó,
đồng bào Công giáo và nhất là các tu sĩ, linh mục, nhà thờ là đối tượng
cho không biết bao nhiêu những tay bồi bút nô lệ, những “nhà văn, nhà
báo” hoạt động như những “cỗ máy chạy bằng cơm” để nảy sinh ra những
thứ văn hóa kỳ thị, xuyên tạc và bôi xấu giáo hội, giáo dân.

Những tác phẩm như “Bão biển”, “Giáp mặt” của Chu Văn, “Ngày Lễ
Thánh” của Bạch Diệp, “Cuộc đời bên ngoài” của Vũ Huy Anh… và
muôn vàn bài báo, phim ảnh khác nhau mà ở đó tu sĩ, linh mục… là những
nhân vật phản diện đã góp công lớn để tạo nên những mâu thuẫn giữa giáo
dân và những thành phần dân chúng khác. Đặc biệt là tạo nên một sự kỳ
thị lớn lao, một cách nhìn thiếu thiện cảm và sai lạc đối với cộng đồng
Công giáo. Chính những sản phẩm đó, tác phẩm đó đã làm tổn hại lớn lao
đến chính sách đại đoàn kết dân tộc mà nhà nước đã chủ trương bằng văn
bản từ lâu.

Những sự kiện gần đây xảy ra tại Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Tam Tòa… hệ
thống báo chí lại lần nữa thể hiện tinh thần “cách mạng văn hóa” với cơ sở
chính là sự xuyên tạc, bóp méo, nhục mạ và kết tội không chỉ giáo dân, tu
sĩ mà ngay cả với các vị lãnh đạo tôn giáo đã hết mình vì đoàn chiên,
những con người có tư chất, khí phách và nhân cách cao quý mà ngay cả
những kẻ không ưa nhất cũng phải kính sợ.

Vì vậy, giáo dân được xếp vào hàng ngũ của “những công dân hạng hai”
mà không cần phải bàn cãi và những địa danh công giáo được “chiếu cố”
là điều hiển nhiên. Điều này không chỉ có trong lý thuyết, mà trong thực tế
đời sống xã hội, người công giáo dường như bị “cấm” tham gia một số
ngành nghề, lĩnh vực mà lẽ ra với 1/10 dân số họ có quyền được hưởng.

Sự chiếu cố đó không phải là không có “kết quả” (hay hậu quả) cho giáo
hội. Ngoài việc nhiều nơi, nhà thờ biến thành hội trường, nhà kho, xưởng
sản xuất… thì cũng có nhiều linh mục, tu sĩ biến thành cán bộ tự nguyện,
linh mục quốc doanh, giáo dân biến dạng thành các giáo gian chính hiệu…
Đó là vấn nạn của Giáo hội một thời và ngay cả hiện tại vẫn còn nhức
nhối.

Để những hậu quả của sự tuyên truyền lừa bịp, kỳ thị không còn ảnh
hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là giáo dân trong xã hội hiện tại và
tương lai thì việc xây dựng, củng cố ngôi nhà Giáo hội nói chung, từng
giáo phận nói riêng là điều không tối cần thiết.
Bằng những hành động cụ thể và những việc làm tốt đẹp trong thực tế đời
sống Giáo hội từ các giám mục, linh mục, các tu sĩ và giáo dân sẽ là những
thực tế không thể phủ nhận bác bỏ mọi sự chỉ trích, mọi luận điệu tuyên
truyền, xuyên tạc của những kẻ luôn âm mưu chống phá Giáo hội bằng
mọi phương cách có thể.

Đó cũng là những nhiệm vụ nặng nề của những chủ chăn phải gánh vác
trong những năm tháng tới đây.

Chủ chăn mới và những hi vọng mới

Đã hơn nửa thế kỷ, dù vật đổi sao dời, tấm lòng giáo dân Phát Diệm với
tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt vẫn nồng cháy qua những năm tháng thăng
trầm. Tòa Giám mục Phát Diệm vẫn là nơi càng nhiều người tìm đến
không chỉ là một địa danh với những công trình văn hóa Công giáo đặc
sắc đậm nét Á đông, mà còn hơn tất cả là tìm về một nơi trung tâm Công
giáo mạnh mẽ với niềm hi vọng lớn lao.

Để có một giáo phận mạnh mẽ xứng tầm với lịch sử hình thành và niềm
tin yêu của toàn thể Giáo hội, Giáo phận Phát Diệm mong ước một chủ
chăn thánh thiện, một chủ chăn thật sự là “thợ gặt lành nghề, là đấng
chăn chiên lành của Chúa”. Đó là những chủ chăn biết dấn thân cho sứ
mệnh của mình trên con đường phục vụ tha nhân, phục vụ mọi người mà
trước hết là dấn thân cho Sự thật, cho Công lý và Hòa Bình theo con
đường Thiên Chúa đã vạch ra “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8-32).

Bởi chắc chắn không có một tổ chức, giáo hội hay xã hội nào có thể tồn tại
nếu thiếu đi sự thật và công lý. Đặc biệt với Giáo hội Công giáo thì sự
thật, công lý chính là một trong những đòi buộc cần thiết khi muốn hoàn
thành sứ mệnh của một Kitô hữu, sứ mệnh Ngôn sứ.

Vì vậy, Thánh lễ truyền chức Tân Giám mục Phát Diệm được cử hành
sáng 8/9/2009 là một sự kiện trọng đại, là sự kết thúc của những hồi hộp
đón chờ, chuẩn bị nhưng lại là sự mở đầu cho những hi vọng của của mọi
thành phần dân Chúa không chỉ trong Giáo phận Phát Diệm mà là toàn thể
Giáo hội Công giáo.

Hoành tráng, trọng thể - nỗi lòng giáo dân


Từ chiều ngày 7/9/2009, từng đoàn giáo dân khắp nơi đã nô nức tiến về
Phát Diệm bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đến tối 7/8/2009 cả Thị
trấn Kim Sơn đã đông nghịt người. Khu vực Tòa Giám mục Phát Diệm
được trang hoàng lộng lẫy như đón mời mọi người đến chờ đợi và chia sẻ
niềm vui chung của toàn Giáo phận.

Buổi diễn nguyện tối 7/9/2009 đón chào sự kiện trọng đại này nói lên
được phần nào những háo hức mong chờ và tấm lòng của giáo dân, các
linh mục, tu sĩ toàn Giáo phận với những tiết mục biểu diễn xuất sắc…

Nhưng ý nghĩa hơn cả là cả quảng trường chật ních người xem trong cái oi
ả của khí hậu nóng bức bởi ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới. Những
lớp người chen nhau giữa quảng trường vốn rộng lớn nhưng không còn
một chỗ trống.

Trên loa phóng thanh trong Tòa Giám mục, Ban Tổ chức luôn phát lời xin
lỗi các linh mục, tu sĩ đang đứng chờ phía ngoài để được xếp phòng nghỉ
vì tình trạng “quá tải”. Đơn giản chỉ vì tấm lòng náo nức, vui mừng trước
sự kiện trọng đại này của Giáo phận Phát Diệm đã thôi thúc lòng người.

Buổi sáng 8/9/2009 là một buổi sáng đáng ghi vào lịch sử Giáo phận Phát
Diệm, từng đoàn người các nơi tiếp tục đổ về khu vực Tòa Giám mục làm
cho không khí vốn đã nóng càng nóng hơn. Hàng vạn con người hướng
mắt về lễ đài, nơi chuẩn bị cho một biến cố trọng thể của Giáo phận sắp
xảy ra: Phong chức cho vị Giám mục Việt Nam thứ 100 – Giám mục
Giuse Nguyễn Năng.

Khắp khu vực Tòa Giám mục, khu vực Nhà thờ lớn Phát Diệm và con
đường xung quanh hồ nước phía trước hầu như không còn chỗ trống.

Cả khu vực quảng trường trước lễ đài, hàng loạt khẩu hiệu lớn đỏ rực với
nội dung chào đón Đức tân Giám mục và tỏ lòng yêu mến đặc biệt với
Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội
cũng như Giám mục Giáo phận Vinh Phaolo Cao Đình Thuyên được căng
lên thật rực rỡ và hoành tráng là một sự lạ lùng và mới mẻ.

Những khẩu hiệu, băng rôn màu trắng, vàng được dựng bên các lối đi, làm
thành các cổng chào nói lên nỗi lòng của giáo dân trong toàn thể Giáo hội
Việt Nam không chỉ riêng Phát Diệm với nội dung “Chúc mừng Đức tân
Giám mục Phát Diệm, Giáo dân tổng giáo phận Hà Nội yêu mến Đức
Tổng Giuse, chúc con luôn vâng phục và đồng hành với Đức Tổng”, “
Chúng con yêu mến Đức Tổng Giuse”, “ Đức cha Cao Đình Thuyên, giám
mục cao niên can trường”, “Đức Giám mục Cao Đình Thuyên - Người
sống mầu nhiệm hiệp thông”, “ Đức Tổng Giám mục Hà Nội - chứng
nhân của công lý và sự thật”, “Hiệp thông với Đức Tổng Giám mục
Giuse”…

Những dòng chữ trên các khẩu hiệu lớn rực rỡ như tấm lòng, trái tim và
suy nghĩ của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hội Việt Nam với
những con người đã in sâu đậm vào tâm khảm họ bằng tất cả sự tin yêu,
mến phục qua hành động và việc làm của các vị giám mục đáng kính sau
những biến cố gần đây tại Tổng Giáo phận Hà Nội như Tòa Khâm sứ,
Thái Hà, Tam Tòa…
Đúng 9 giờ, nắng bắt đầu đổ xuống, đoàn đồng tế tiến ra lễ đài trong sự
hân hoan nô nức của cả hàng vạn trái tim và hai đội kèn, trống vang lên
những bài ca mở đầu Thánh lễ truyền chức.

Ấn tượng nhất là khi Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt xuất
hiện đến đâu, cả khu vực rào lên những hồi vỗ tay không ngớt cùng với
những lời hô vang “Hoan hô Đức Tổng” “Đức Tổng muôn năm”… những
chiếc khẩu hiệu mang nội dung yêu mến, cảm phục và biết ơn Đức Tổng
Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Đức Cha Phaolo Cao Đình Thuyên
được căng ra thành các cổng chào đón đoàn đồng tế gồm Hồng Y, Chủ tịch
Hội Đồng Giám mục Việt Nam và các Đức Giám mục, Ngài đại diện Tòa
Đại sứ Hoa Kỳ, các cán bộ các cấp chính quyền, tôn giáo bạn… cũng như
toàn thể cộng đồng dân Chúa hôm nay.

Cả khu vực quảng trường không khí chộn rộn hẳn lên, ai cũng cố gắng
nhìn gần hơn, chen nhau được tường mặt hoặc vẫy những lá cờ vàng trắng
chào đón Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt.

Đức Tiến chức bước ra lễ đài trong sự hồi hộp, xúc động của muôn trái
tim tín hữu. Với dáng dấp nhỏ nhắn, gương mặt thanh tú trẻ trung, Ngài đã
nhanh chóng chiếm được cảm tình của toàn thể giáo dân đang nô nức hồi
hộp theo dõi Thánh lễ.

Từ dưới sân cỏ trước quảng trường, một giáo dân nói to: “Chúng tôi hi
vọng Tân Giám mục của Giáo phận chúng tôi sẽ là người được sự ủng hộ
mạnh mẽ và sự tin yêu của đàn chiên như tấm gương Đức Tổng Giuse và
Giám mục Cao Đình Thuyên” mọi người xung quanh đồng thời quay đầu
nhìn lại và ánh mắt hân hoan đồng cảm với tiếng nói đó.

Trước Thánh lễ, Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã thông báo về Giám
mục Phaolô Lê Đắc Trọng mới được Chúa gọi về, xin chia buồn với Đức
Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, đề nghị tất cả dừng một phút mặc
niệm cố Giám mục Phaolô.

Thánh lễ được tổ chức long trọng theo nghi thức và đầy xúc động, nhất là
khi Tiến chức nằm phủ phục trước bàn thờ, nhận phép xức dầu Thánh và
đội lên đầu cuốn Phúc âm, nhận mũ, gậy, nhẫn...

Từ đây, một Tiến chức được đưa vào hàng ngũ Giám mục La Mã thề hứa
trung thành đến cùng với Giáo hội Công giáo, tình nguyện vác trên vai
mình một Thánh giá nặng nề trong công cuộc hiến thân phục vụ tha nhân.
Cả Giáo hội cầu nguyện cho Ngài, các Thánh được kêu cầu bầu cử cho
Ngài được vững bước trên con đường Ngài tự nguyện dấn thân và đã được
Thiên Chúa chọn lấy.

Vị Giám mục Việt Nam thứ 100

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo, đã có một giám mục mang tên Nguyễn
Năng, Giám mục Giáo phận Vinh. Tên tuổi của Ngài được gắn liền với
thời kỳ khó khăn nhất của Giáo phận như di cư, sơ tán, hồi cư, bom đạn
tan hoang vật chất và tinh thần.

Ký ức về đời chủ chăn Giáo phận của Ngài là ấn tượng về một người Cha
dịu hiền, yêu thương con cái, khiêm tốn tột bậc đối với mọi người nhưng
kiên quyết trong việc bảo vệ tín hữu, bảo vệ Giáo phận. Khẩu hiệu Giám
mục của Ngài nói rõ thái độ phục vụ trong chức vụ chủ chăn Giáo phận:
“Vâng lời Thầy, con thả lưới”.

Khi những công việc của thời kỳ khó khăn của Giáo phận Vinh đã dần dần
qua đi, Ngài trở về nhà Chúa ngày 6/7/1978 chỉ hưởng thọ 68 tuổi nhưng
hình ảnh, tấm lòng đạo đức của Ngài đã không thể mờ phai trong mỗi con
tim giáo dân Giáo phận Vinh đến hôm nay.

Cũng nhờ vậy mà hôm nay Cộng đồng dân Chúa Giáo phận Vinh là một
cộng đồng mạnh mẽ, kiên trung và vững vàng, đoàn kết một lòng “tạo
nên sức mạnh của những người tin Chúa” như lời Giám mục Phaolo Cao
Đình Thuyên đã nói.

Và hôm nay, lại có một Giám mục Nguyễn Năng, vị giám mục người Việt
Nam thứ 100 của Giáo hội Công giáo. Cuộc đời Ngài cũng đã từng trải
qua những thăng trầm, biến cố của thời đại và thậm chí cũng là nạn nhân
của các sự kiện đó trong cuộc đời tu hành, người ta tin rằng, những năm
tháng đó đã và sẽ đúc rèn nên tính cách, nhân cách cần có của một Chủ
chăn vì đàn chiên của mình.

Hiệp thông và Phục vụ

Đức tân Giám mục chọn khẩu hiệu là “Hiệp thông và Phục vụ” làm
đường hướng cho cuộc đời Giám mục của Ngài. Điều này có ý nghĩa hết
sức quan trọng trong đời sống Giáo hội VN hiện nay.

Hiệp thông là một mầu nhiệm trong Giáo hội Công giáo. Đó là sự hiệp
thông giữa Giáo hội nơi trần thế với Đức Kitô như lời nguyện: “Lạy Cha,
xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong con và như
con ở trong Cha. Xin Cha cho mọi người nên một trong chúng ta, hầu cho
thế gian tin rằng Cha đã sai con”.

Đó cũng là sự hiệp thông giữa mọi thành phần con cái trong Giáo hội của
Chúa, hiệp thông giữa các mục tử, giữa mục tử và đoàn chiên để thể hiện
tinh thần theo Đức Kitô: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương các con”

Hiệp thông tạo nên sức mạnh để vượt qua tất cả những trở ngại trên bước
đường phát triển vững mạnh. Hiệp thông là điều hết sức quan trọng và cần
thiết trong giai đoạn hiện nay, khi mà khắp nơi trong Giáo hội luôn có
những biến động và sự kiện được hệ thống thông tin toàn cầu cập nhật
nhanh chóng đến mọi người, khi mà các thế lực đen tối, ma quỷ đang tìm
mọi cách chia rẽ làm mất đi sức mạnh của Giáo hội. Hiệp thông tạo nên sự
thống nhất ý chí và hành động trong mọi thành phần dân Chúa, hướng cả
cộng đồng dân Chúa đến những mục đích cao đẹp, lành thánh.

Muốn thực sự cho Phục vụ có ý nghĩa, điều không thể thiếu là sự Hiệp
thông.
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI trong phần kết luận tông thư Đức Ái
Trong Sự Thật, đã viết:

“… con người không thể tự mình tạo ra tiến bộ cho mình được, vì tự sức
họ, con người không thể thiết lập được một nền nhân bản chân chính. Chỉ
khi nào ý thức được ơn gọi của mình, trong tư cách cá nhân cũng như
trong tư cách cộng đồng, để trở nên thành phần trong gia đình Thiên
Chúa, như con cái của Người, ta mới có khả năng sản sinh được một cái
nhìn mới mẻ và tập trung được một năng lực mới để phục vụ một nền
nhân bản thực sự toàn diện. Như thế, phục vụ lớn nhất dành cho phát
triển chính là một nền nhân bản Kitô Giáo biết khơi động đức ái và nhận
chân lý làm đuốc soi đường, chấp nhận cả hai thứ ấy như hồng ân lâu dài
của Chúa. Mở lòng ra với Thiên Chúa sẽ giúp ta mở lòng ra với anh chị
em mình và hướng tới việc hiểu sự sống như một trách vụ hân hoan cần
phải hoàn tất trong tinh thần liên đới. Mặt khác, việc khước từ Thiên
Chúa có tính ý thức hệ và chủ nghĩa duy vật đầy dửng dưng, quên khuấy
cả Đấng Tạo Hóa và liều mình cũng quên khuấy cả các giá trị nhân bản,
sẽ tạo nên nhiều trở ngại lớn cho việc phát triển ngày nay. Chủ nghĩa
nhân bản nào loại bỏ Thiên Chúa đều là chủ nghĩa nhân bản phi nhân”…

Cũng có một thực tế không thể không đề cập đến nơi đây, như lời của cố
Giám mục Phaolo Lê Đắc Trọng, người vừa từ biệt Giáo hội 1 ngày ngay
trước Thánh lễ này về hiện tình Giáo hội: “Giám Mục đoàn yếu, nhiều vị
tuổi già, bệnh tật, lại ở những vị trí quan trọng. Thiếu đoàn kết, chia rẽ
theo miền, theo địa phương, tuy chưa đến độ trầm trọng. Vị thì chỉ lo cho
quyền lợi Giáo phận mình, không quan tâm mấy đến quyền lợi chung: vị
khác lo bảo vệ vinh quang (học vị), hầu hết nhút nhát sợ sệt, nhất là các vị
miền Nam, vì luôn bị mặc cảm chiến bại”. (Trích Hồi ký của cố Giám mục
Phaolo Lê Đắc Trọng).

“Con chim trước khi chết cất tiếng kêu thương, con người trước khi chết
nói lời nói phải” câu nói này đã được tổng kết qua nhiều thời kỳ, đây cũng
là một điều cần suy nghĩ dù khi nói ra thật nhiều đau đớn.

Cộng đồng dân Chúa, nhất là những ai có nhiều suy tư về Giáo hội đã hết
sức vui mừng trước sự chọn lựa đúng đắn, kịp thời và rõ ràng của Đức Tân
Giám mục Phát Diệm: Hiệp thông và Phục vụ. Bởi với con đường đó,
một Giám mục mới là chủ chăn thật sự của đoàn chiên Chúa, một thủ lãnh
được tin cậy, mến yêu trong cộng đoàn dân Chúa hôm nay.
Hiệp thông cùng toàn thể cộng đoàn Phát Diệm cũng như toàn thể cộng
đồng dân Chúa Việt Nam, chúng ta cầu nguyện cho Đức Tân Giám mục có
được tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa quan phòng, xứng đáng với lòng mong
mỏi, đợi chờ của không chỉ Phát Diệm mà còn là toàn thể Giáo hội Việt
Nam.

Trước hết, chúng ta cầu chúc cho đường hướng “Hiệp thông và phục vụ’
của Ngài được thực hiện cách trọn hảo như ý Thánh Linh đã hướng dẫn
ngài trước bước đường lựa chọn ban đầu, dẫu biết đó là con đường nhiều
chông gai.

Chúng ta tin rằng: các linh mục, tu sĩ và giáo dân Phát Diệm cũng như
toàn thể Giáo hội Việt Nam sẽ luôn đồng hành với Ngài trên những bước
đường đó.
Chúng ta cũng “Chào mừng Tân Giám mục Phát Diệm, người con ưu tú
của miền đất tử đạo Phúc Nhạc” như một câu khẩu hiệu được đưa lên
trong buổi lễ tấn phong Giám mục của Ngài và hi vọng Ngài sẽ được
Thiên Chúa quan phòng, dẫn dắt bước đi với tinh thần đó.

Hà Nội, Ngày 10/9/2009


J.B Nguyễn Hữu Vinh
dcctvn

You might also like