You are on page 1of 6

SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

GÓP PHẦN NÂNG CAO


NĂNG LỰC CẢM THỤ THƠ
CHO HỌC SINH
(KINH NGHIỆM GIẢNG DẠY)

GIÁO VIÊN : TRẦN HÀ NAM


TỔ BỘ MÔN VĂN

2002

1
GÓP PHẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC CẢM THỤ THƠ CHO
HỌC SINH
TRẦN HÀ NAM

I. TỔNG QUAN :
1. Những năm gần đây, cùng với việc thay đổi, giảm tải chương trình bộ môn Văn ở
cấp THPT, đội ngũ giáo viên không ít người băn khoăn khi phải tiếp cận với một dung lượng
thơ khá lớn ở cả ba khối lớp 10, 11, 12. Khi chương trình đã chú trọng nhiều hơn đến chất
văn, không những học sinh mà giáo viên cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước những tác phẩm
mới, đặc biệt là có khá nhiều tác phẩm thơ cổ điển và lãng mạn. Định hướng đúng nhưng làm
thế nào để hiểu thấu đáo cái hay cái đẹp của một bài thơ, phong cách độc đáo của một nhà thơ
quả là điều không dễ dàng. Hàng năm, giáo viên được tham gia chu kỳ bồi dưỡng thường
xuyên, nhưng để vận dụng được những kiến thức mới, những phương pháp hay cũng không
hề đơn giản.
2. Thực tế việc cảm thụ thơ luôn là một lĩnh vực đòi hỏi phải bỏ nhiều tâm sức của cả
giáo viên và học sinh vì một bài thơ có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, hạn chế thời lượng
trong tiết dạy, hạn chế về dung lượng kiến thức và phương pháp truyền thụ. Bên cạnh đó,
cũng phải nhận thấy tác độngkhông nhỏ của đời sống xã hội trong thời kỳ giao lưu hộinhập
kinh tế thị trường, việc dạy thơ học thơ nhiều khi chưa giúp các em đủ thời gian lĩnh hội cái
tinh tế, lắng đọng, dạt dào, thâm thúy của thi ca. Học sinh còn thờ ơ với môn văn.Giáo viên
phải đảm trách dạy xuyên suốt từ ca dao dân ca đến thơ cổ điển, thơ lãng mạn, thơ cách
mạng… cũng không có điều kiện thật chín muồi để nghiền ngẫm đầu tư tốt cho bài giảng.
Làm thế nào để giúp các em nâng cao năng lực cảm thụ, thẩm định một tác phẩm thơ thật tốt
luôn là điều trăn trở của các giáo viên tâm huyết với nghề.
3. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới hạn trong phạm vi bộ phận văn học viết, gồm
thơ luật, thơ hiện đại, tập trung ở một số tác giả tác phẩm mới được học trong chương trình
cải cách và chỉnh lý hợp nhất. Nội dung trình bày là những điều rút ra từ thực tế giảng dạy của
bản thân tại trường THPT Trưng Vương (1994 – 2000) và trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
( 2000 – 2002).

II. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH HỌC THƠ CỦA HỌC SINH:
Theo chúng tôi, trong quá trình học thơ, học sinh thường gặp phải những khó khăn,
vướng mắc sau đây :
1. Thơ luật – thơ trung đại : Các em được học trong chương trình lớp 10, lớp 11 và
“Nhật ký trong tù” (Hồ Chí Minh) trong chương trình lớp 12. Khó khăn phổ biến của các em
là không nắm vững luật thơ, không hiểu rõ các biện pháp nghệ thuật đặc trưng của thơ cổ
điển, không biết điển tích, điển cố. Vì vậy khi ghi chép và kiềm tra, các em chỉ tái hiện máy
móc lời giảng của giáo viên, hầu như không có rung động cảm xúc thật sự. Những trường hợp
học thơ có nguyên tác chữ Hán, các em thiếu sự đối chiếu giữa nguyên tác với bản dịch thơ,
dịch nghĩa nên đôi khi thoát ly khá xa ý trong văn bản gốc.Phần lớn mới chỉ cảm thụ vào nội
dung, ít khai thác nghệ thuật. Từ đó, một số em nhớ chữ “tác” thành chữ “tộ”, hiểu bài thơ
ngô nghê, trình bày lúng túng thụ động, lẫn lộn chữ Hán chữ Việt. Chẳng hạn, khi được kiểm
tra thuộc lòng bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, nhiều em đọc và viết câu “Tu thính nhân
gian thuyết Vũ hầu” (Thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu) thành “Tu thích nhân gian
2
thuyết Vũ hầu” hay “… thiết Vũ hầu”. Khi cảm thụ nội dung các tác phẩm đụng chạm đến
các vấn đề nhạy cảm như Truyện Kiều của Nguyễn Du các em có những suy diễn không
đúng đắn về bi kịch ở lầu xanh của Thúy Kiều, hay hồn nhiên gọi tình bạn “Cũng có lúc rượu
ngon cùng nhắp/ Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân” của Nguyễn Khuyến với Dương Khuê
là “bạn nhậu” (!) . Tai hại hơn, có em tùy tiện suy diễn lịch sử, cho rằng thời Nguyễn Trãi là
thời “thực dân phong kiến”, thơ Hồ Xuân Hương lên án “những kẻ theo giặc bán lương tâm”,
Nguyễn Khuyến là một người anh hùng của dân tộc (!), hoặc giả gán ghép địa danh cho rằng
Nam Định quê Tú Xương ở Nam Bộ vì thế cho nên hiểu thơ không được. Liên quan đến
những đặc trưng thi pháp, các em đều lúng túng khi diễn giải các khái niệm sùng cổ, ước lệ,
“phi ngã” của thơ xưa. Học sinh lớp 12 cứ thoải mái tán thơ Bác là cổ điển – hiện đại, nhưng
khi yêu cầu chỉ ra cụ thể thì không nắm được. Dù cho các em đã được bổ trợ phần Tiếng Việt
về Biện pháp tu từ ở lớp 10, Thi luật tiếng Việt ở lớp 11 , số em thông thạo thi luật cổ điển
như niêm – vần – luật – đối – bố cục rất ít, hầu như chỉ cảm nhận mơ hồ đại khái. Vì vậy giờ
học thơ cổ điển thành “cực hình” với học sinh.
2. Thơ hiện đại : Nhìn chung, các em cảm thụ phần thơ hiện đại tốt hơn vì ngôn ngữ
thơ dễ hiểu dễ cảm. Tuy nhiên những vướng mắc nhiều nhất là ở phần Thơ Mới lãng mạn
1932 – 1945 và một số bài thơ kháng chiến chống Pháp. Căn bệnh phổ biến trong cảm thụ thơ
của các em là cảm nhận chủ quan tùy tiện, “tán” một cách vô căn cứ. Tình trạng học sinh hiểu
sai chi tiết rồi trên cơ sở hiểu sai lại bình giảng say sưa không phải là ít. Bên cạnh đó, việc sử
dụng sách tham khảo, bài văn mẫu đã tạo cho các em thói quen ỷ lại, chép sách, không chú
trọng tìm hiểu nội dung nghệ thuật tác phẩm đã thành phổ biến. Ở những em có năng lực diễn
đạt, vẫn còn tình trạng hiểu nghĩa bề mặt, không đầu tư tìm hiểu những lớp nghĩa ẩn dụ, tượng
trưng trong tác phẩm. Chẳng hạn, bài Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, phần lớn các em
mới chỉ dừng lại ở mối quan hệ Hoàng Cúc – Hàn Mạc Tử mà không đi sâu khai thác vẻ đẹp
không gian Vỹ Dạ, tâm sự Hàn Mạc Tử gửi gắm trong từng khổ thơ, chưa ý thức về giọng
điệu tác phẩm , phong cách nhà thơ trong tương quan với văn học giai đoạn, khuynh hướng
lãng mạn. Vì vậy, cách hiểu còn hạn chế. Khi phân tích thơ thời kỳ 45 – 75, nhiều em nắm mơ
hồ về hoàn cảnh lịch sử của tác phẩm, hiểu chung chung về nội dung, không biết phân tích
bèn nghĩ ra cách “hô khẩu hiệu”. Cách phân tích khen “tưới hạt sen” mà không chỉ ra được
nét đặc sắc độc đáo là phổ biến trong học sinh. Kết quả là các tác phẩm đều được cảm thụ rập
khuôn như : thơ lãng mạn là phải đẹp và buồn, gắn với cái tôi, thơ cách mạng là phải yêu quê
hương đất nước, căm thù giặc quyết tâm chiến đấu cho lý tưởng. Lâu dần, việc cảm thụ này
biến các em thành những người dễ dãi, học vẹt, làm tác phẩm trở nên xơ cứng vô hồn.

III. CON ĐƯỜNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẢM THỤ THƠ CỦA HỌC SINH:
1. Cơ sở lý luận :
Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Dù thể hiện cuộc sống ở khía cạnh nào chăng
nữa cũng là khoảnh khắc nhà thơ phơi bày tâm trạng của mình trước thế giới. Phần lý luận về
thơ cũng như những kỹ năng phân tích bình giảng thơ trong chương trình trung học phổ thông
luôn nhấn mạnh đến yêu cầu khai thác cảm xúc trữ tình của tác phẩm và làm rõ vai trò của
chủ thể trữ tình. Chính vì vậy, đối với học sinh, trong quá trình tiếp cận tác phẩm thơ, các em
không chỉ hiểu mà còn phải cảm được tác phẩm. Mối quan hệ giữa hiểu và cảm đã được
nhiều sách lý luận, phương pháp bàn đến, xin không được nhắc lại ở đây. Nhưng xin được
nhấn mạnh là nếu các em chỉ hiểu mà không cảm có nghĩa là các em chưa lĩnh hội được cái
hay, cái đẹp của bài thơ. Theo suy nghĩ của chúng tôi, chỉ có giúp học sinh cảm thụ được sau
khi hiểu tác phẩm thì người giáo viên mới có thể gọi là thành công bước đầu trong quá trình
giảng dạy thơ. Những biện pháp chúng tôi đã tiến hành chủ yếu hướng tới việc giúp các em có
thể cảm được tác phẩm, từ cảm nhận, ấn tượng ban đầu đến hiểu biết cơ bản, sau đó mới có
thể cảm thụ sâu sắc về tác phẩm.
2. Xây dựng nền tảng :
Trong quá trình giảng dạy, người giáo viên luôn phải ý thức việc tạo nền tảng căn bản
3
cho học sinh là nhân tố hàng đầu, vì “có bột mới gột nên hồ”. Trước khi cho các em tiếp xúc
với một tác phẩm thơ cụ thể nào cũng cần phải có một sự chuẩn bị thật chu đáo. Theo tôi, có
một số biện pháp hữu hiệu mà trong quá trình dạy thơ người giáo viên có thể giúp học sinh có
hứng thú tiếp nhận thật sự :
a. Trước hết, khâu chuẩn bị bài giảng không đơn thuần chỉ bó hẹp trong phạm vi yêu
cầu chung, giáo án đứng lớp mà người giáo viên cần có sổ ghi chép, tích lũy bổ sung tư liệu
thật phong phú xung quanh một tác giả, tác phẩm. Trong yêu cầu này, không nhất thiết chúng
ta phải ghi chép thật nắn nót, tỉ mỉ để thanh tra về kiểm tra thấy sổ sạch sẽ, hình thức đẹp.
Điều quan trọng là phải làm cho những kiến thức thu lượm được trở nên sống động bổ ích
hơn là để kiến thức nằm chết trên trang giấy. Trong quá trình ghi chép, có thể bổ sung ngay
những nhận xét, phát hiện của riêng bản thân, hoặc người giáo viên có thể viết thành dạng
bình giảng, xử lý ngay những điều vừa thu lượm. Có như vậy, khi đứng lớp, giáo viên mới có
kiến thức vững vàng và tạo được tâm thế tiếp nhận tốt cho học sinh. Công việc này phải tiến
hành trong nhiều năm và phải tiến hành tỉ mỉ công phu. Cách làm việc này cũng có thể hướng
dẫn cho học sinh, với những em có năng khiếu và đam mê thật sự với bộ môn văn.
b. Khi chuẩn bị cho một giờ giảng thơ, giáo viên cũng cần chú trọng đến cả phần tiếng
Việt có liên quan. Đây là khâu chuẩn bị cần được làm tốt để có thể khai thác nghệ thuật của
tác phẩm làm cơ sở tìm hiểu nội dung tư tưởng, cảm hứng của tác giả. Chú trọng đến những
đặc điểm thi luật của tác phẩm. Cần chú trọng đến giờ dạy phân môn Tiếng Việt ở lớp 10 và
lớp 11. Trong thực tế, không ít giáo viên xem nhẹ hoặc giảng giờ Tiếng Việt theo kiểu cho
đúng phân phối chương trình, nặng về lý thuyết xem nhẹ thực hành. Để cảm thụ thơ tốt, học
sinh cần được trang bị kiến thức về các biện pháp tu từ, thi luật thật vững. Vì vậy, khi thực
hành tiếng Việt, giáo viên có thể trích dẫn những ví dụ sinh động từ những tác phẩm thơ hay
trong và ngoài chương trình.
c. Khâu học thuộc lòng và đọc diễn cảm là yêu cầu không thể thiếu đối với học sinh,
cần phải cho các em chuẩn bị trước ở nhà một cách chu đáo. Có như vậy, học sinh mới có
những ấn tượng ban đầu về bài thơ để chuẩn bị tiếp thu bài giảng của giáo viên được tốt.
Thực tế nhiều em rất ngại đọc ở nhà hoặc trả bài thuộc lòng như máy không ngừng nghỉ, ngắt
nhịp lộn xộn, giáo viên cần uốn nắn ngay và cũng cần động viên, biểu dương những em diễn
đạt đúng giọng điệu, cảm xúc trong tác phẩm. Dẫu không yêu cầu cao như một nghệ sĩ biểu
diễn thơ nhưng giáo viên cũng phải rèn luyện đọc thơ, ngâm thơ để có thể đọc mẫu cho học
sinh.
3. Kiến thức bổ sung :
a. Có nhiều con đường để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học sinh nâng cao năng lực
cảm thụ thơ. Một câu thơ hay có thể được học sinh khai thác tốt nếu như các em có một nền
tảng kiến thức văn chương vững và vốn văn hóa – tri thức rộng. Trong tình hình hiện nay, văn
hóa đọc có chiều hướng giảm sút, học sinh quen đọc truyện tranh và giải trí bằng các phương
tiện nghe nhìn.đó cũng là một thuận lợi vì đáp ứng nhu cầu trực quan, cập nhật kiến thức văn
hóa của học sinh nhanh chóng. Vì vậy, phải triệt để khai thác sở thích hứng thú của chính các
em. Chẳng hạn, khi giảng bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, có câu thơ :
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
có thể liên hệ với những sinh hoạt ở nông thôn miền Bắc, hình thức hát quan họ, những nụ
cười nổi tiếng của tranh Mona Lisa, tượng tháp Bayon… mà các em ít nhiều đã được biết đến
trong các chương trình truyền hình; sau đó, mới liên hệ đến ý nghĩa biểu cảm đặc biệt của nụ
cười cô gái Kinh Bắc trong bài thơ. Những kiến thức văn hóa – lịch sử cần thiết luôn phải
được trau dồi cho học sinh vì sẽ tạo được không khí cho giờ giảng, đôi khi làm cho hình
tượng thơ sống động hơn. Đặc biệt gần gũi với thơ là những kiến thức về hội họa, âm nhạc vì
sẽ giúp các em thấu đáo hơn “trong thơ có nhạc, có họa”. Nhưng cũng cần điều tiết thời gian
hợp lý để tránh biến giờ giảng thơ thành buổi “biểu diễn văn nghệ” của giáo viên. Điều tốt

4
nhất là phải hình thành cho các em thói quen biết liên hệ những vấn đề trong tác phẩm với đời
sống thực tiễn.
b. Phần khó nhất đối với cả giáo viên và học sinh là cảm thụ thi ca cổ điển vì không
gian văn hóa hiện nay đã có nhiều khác biệt so với thời xưa. Đối với các tác phẩm cổ điển có
nhiều điển tích điển cố, giáo viên cần dẫn ra một cách sinh động qua những câu chuyện nhỏ.
Chẳng hạn, khi giảng Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ, câu thơ “Đạc ngựa bò
vàng đeo ngất ngưởng” có thể kể giai thoại Nguyễn Công Trứ buộc mo cau sau đuôi bò để
“che miệng thế gian”; câu thơ “Được mất dương dương người tái thượng” có thể kể chuyện
“Tái ông thất mã” dựa vào chú thích của sách giáo khoa, vì khi biến thành lời kể của giáo
viên, các em mới lưu ý kỹ hơn đến điển cố được chú thích, từ đó mới hứng thú hơn trước tư
thế “ngất ngưởng” của nhà thơ.
c. Ngoài ra, người giáo viên hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức thực tế cho học sinh
trong quá trình giảng thơ, trên cơ sở của địa phương. Khi giảng về bài thơ Đêm đại dương
của V. Hugo, liên hệ bài viết của Phạm Hổ, đề nghị các em cảm nhận trực quan khi ra trước
biển; khi giảng về Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, giáo viên hướng dẫn hoặc tổ chức cho các em
thăm khu lưu niệm Xuân Diệu ở Gò Bồi, đi thăm nhà lưu niệm Hàn Mạc Tử ở Gành Ráng –
Qui Hòa; khi giảng Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận, liên hệ với Bảo tàng
Tây Sơn cho các em được xem phiên bản 18 tượng La Hán… Những dịp dã ngoại, ngoại khóa
nếu tiến hành tốt bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu sắc và cảm hứng mãnh liệt cho học
sinh khi tiếp xúc với các tác phẩm. Tùy theo điều kiện của nhà trường, giáo viên có thể tổ
chức các hình thức câu lạc bộ thơ, thi viết bình thơ, thi đọc diễn cảm… cũng là những hình
thức bổ trợ tốt năng lực cảm thụ văn thơ cho học sinh.
4. Kiểm tra – chấm bài :
Khi ra bài kiểm tra phần thơ, giáo viên cần chú trọng nhiều hơn đến yêu cầu khai thác
nghệ thuật để làm rõ nội dung tác phẩm, tránh ra đề kiểu “Phân tích bài thơ A” Hay “Bình
giảng tác phẩm B” dễ tạo cho các em cách làm bài chung chung đại khái. Cần uốn nắn những
biểu hiện lệch lạc trong học sinh như chép bài văn mẫu, rập khuôn bài giảng của thầy. Biểu
dương những bài làm tốt, suy nghĩ sáng tạo, có cảm xúc, dấu ấn riêng của học sinh, kể cả
những cách hiểu chưa đúng nhưng chứng tỏ học sinh có suy nghĩ cảm xúc thật sự vẫn phải
trân trọng thành quả của các em. Bảo đảm việc phân hóa trình độ học sinh và nâng cao chất
lượng, có thể cho bài làm về nhà, sau đó giới thiệu một số cách phân tích, cảm thụ độc đáo
tiêu biểu để các em tham khảo, yêu cầu học sinh đọc và tự làm bài. Khi chấm bài, cần lọc ra
những bài rập khuôn, chép mẫu, yêu cầu làm lại. Có như vậy mới tránh cho các em thói quen
ỷ lại vào tài liệu có sẵn, các lần kiểm tra sau sẽ biết thực chất học sinh hơn. Giờ trả bài cần
chú trọng rèn luyện năng lực diễn đạt, sửa mẫu một số đoạn phân tích bình giảng tiêu biểu
cũng giúp các em ý thức hơn về phương pháp làm bài phân tích bình giảng thơ.

IV. ĐÔI ĐIỀU RÚT TỈA :


1. Trên đây là những nhận xét và biện pháp tôi đã tiến hành để nâng cao chất lượng
giờ giảng thơ và bồi dưỡng năng lực cảm thụ thơ nói riêng, cảm thụ văn chương
nói chung cho học sinh. Từ thực tế giảng dạy có những thành công và thất bại, tôi
đã rút ra những điều tâm đắc để trao đổi cùng đồng nghiệp. Với biện pháp đã tiến
hành, những học trò trong lớp dạy của tôi những năm qua đã quan tâm hơn đến giờ
Văn và có hứng thú trong quá trình học thơ, cảm thơ. Trên cơ sở đó, từ những lớp
bình thường có thể lọc ra những em có năng khiếu và say mê thực sự với môn Văn
để bồi dưỡng nâng cao. Có em là học sinh trung bình môn Văn ở cấp THCS đã trở
thành học sinh giỏi Văn cấp tỉnh dự thi toàn quốc (năm học 97 - 98). Nhiều em vào
đội tuyển dự thi cấp tỉnh và đạt giải (ở trường Trưng Vương).
2. Từ khi dạy học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, tôi có điều kiện áp dụng tốt hơn
những biện pháp đã nêu đối với học sinh các lớp chuyên và không chuyên. Kết quả

5
là phần lớn các em đều có hứng thú học tập hơn và đạt tỷ lệ điểm khá giỏi cao,
ngay cả những học sinh chuyên các môn tự nhiên cũng có nhiều em cảm thụ rất
tốt.
3. Tất nhiên, những suy nghĩ của cá nhân tôi không khỏi có những khiếm khuyết và
có những biện pháp khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Nhưng với mong
muốn góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Văn, xin được trao đổi rộng rãi
với đồng nghiệp và rất mong được các thầy cô lâu năm trong nghề, các đồng
nghiệp tận tình chỉ bảo góp ý.

Quy Nhơn, ngày 27 tháng 2 năm 2002


Người viết
Trần Hà Nam
(Bài đăng trong Kỷ yếu Hội nghị bồi dưỡng học sinh giỏi 2003 - Bộ Giáo dục Đào tạo)

You might also like