You are on page 1of 19

Đề bài: Từng sinh viên chọn một tác phẩm văn chương( thơ, văn, ký)

của tác giả trẻ được giới thiệu gần đây(2009 đến nay) có chất lượng
nghệ thuật, để phân tích hình thức nghệ thuật văn chương, giá trị sáng
tạo ngôn từ.

Bài làm

• Đôi nét về tác phẩm “tiếng sáo phiêu bồng” của tác giả Đào Lê Na

Tác phẩm ra đời trong đời sống với bao bộn bề của cơm áo gạo tiền, của tất
cả những gì người ta gọi là thời buổi kinh tế thị trường, chẳng ai còn nghĩ đến
chuyện sáng tác những tác phẩm cho thật hay, thật lãng mạn hay bay bổng nữa,
ngay cả những tác phẩm văn học cũng chất chứa trong đó tất cả những việc vặt,
tủn ngủn, những lo toan thường nhật. Tác giả trẻ Đào Lê Na đã cho chúng ta thấy
được bên cạnh cuộc sống vội vàng của chốn thành thị thì ở những nơi khác cũng
đang chảy trôi từng ngày. Cái nơi có những con người của chốn “lưng nương” ấy
cũng có những việc rất bình thường nhưng khiến cho chúng ta không thể làm ngơ
được. Sự sợ hãi, sự phân biệt sắc tộc của người dân tộc và người Kinh không thể
là không hóa giải được. Hơn thế nữa những quan niệm về tốt – xấu, đặc biệt là sự
chiến thắng chính bản thân mình còn khó hơn. Kết thúc tác phẩm cũng chính là
con người tự hoàn thiện mình, tự nhận thức mình và đưa mình đến một con đường
đi đúng đắn. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm cho chúng ta khi đánh giá
một con người, không phải số đông bao giờ cũng đúng. Bằng lối viết văn xuôi xen
lẫn những câu thơ tự do khiến cho chúng ta càng cảm nhận được nét độc đáo của
tác phẩm hơn.

• Đôi nét tác giả


Đào Lê Na bút danh là Nhã An, sinh năm 1986 tại Phú Yên. Học chuyên ngành văn
hoc, hệ cử nhân tài năng, khoa Ngữ văn và Báo chí khóa hoạc 2004 – 2008. Công tác tại
khoa Văn học và Ngôn ngữ từ năm 2008. Hiện đang học cao học chuyên ngành Văn học
Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản: Hẹn gặp anh nơi thiên đường (tiểu thuyết), Nxb Hội
Nhà văn, 2008
• Toàn bộ tác phẩm “tiếng sáo phiêu bồng”

Tiếng gió đưa vi vút

Đám cây rừng lao xao

Kể lại câu chuyện cũ

Người thổi sáo năm nào.

Dãy núi cao, xa xa, sương mù phủ

Đến bây giờ chẳng ai nơi đây có thể quên câu chuyện ấy

Vùng quê này nghèo, nghèo lắm. Có thể nói là nghèo bậc nhất trong khu vực này.

Họ là những người dân tộc, ưa cái lạnh của núi đồi, ưa nguồn nước mát và muốn
giành lấy địa vị cao nhất. Vậy mà họ vẫn nghèo, phần vì bệnh, phần vì đất đai quá
ư cằn cối.

Chiều hôm đó, những cơn gió tràn về trên khắp các cành cây, các đồi nương nhỏ.
Các cô gái hối hả đốt vội đống lửa và chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
Mọi người kháo nhau, có một chàng trai trẻ xuất hiện trên bản này. Phải, chàng
vừa đến, ít phút thôi. Hiện đang ở nhà già làng.

Các cô gái cảm thấy lạ lẫm trước tin này. Nơi đây quanh năm chỉ có nắng và gió,
có những tiếng chim và vài con thú nhỏ. Hầu như ở đây, người ta chẳng biết khách
là gì. Họ chỉ biết có họ, thế thôi. Họ là nhất, là chúa tể ở khu vực này. Họ chẳng
muốn đi đâu và chẳng muốn bị quấy rầy. Quanh đi quẩn lại, họ cũng chỉ biết được
những chàng trai trong bản mình. Vậy là đủ.

Chàng đến đây làm gì? Các cô gái xì xầm.

Chàng không phải người vùng này. Chính thế. Chàng là người Kinh, đôi mắt đen,
làn da ngăm ngăm rám nắng với thân hình vạm vỡ.

Người Kinh là người thế nào? Các cô gái không ngừng thắc mắc. Già làng nói:
Người Kinh ở dưới chân núi, cuối nguồn nước chúng ta. Ồ, vậy hẳn cái bụng của
chàng không tốt rồi. Các cô nghĩ.

Tối hôm đó, mọi người tụ tập ở nhà già làng. Cuối cùng thì họ cũng hiểu một chút
về chàng trai mới đến và cảm thấy yên tâm phần nào. Một chàng trai không phải
100% người Kinh. Chàng cũng có một chút ít dòng máu của họ trong đó, một con
người có sự yêu ghét rõ ràng. Đúng là rất rõ ràng: yêu cái tốt, ghét cái xấu.

Chàng trai đem những điều học đựợc đến vùng đất này để dạy cho người dân cách
trồng trọt, cách canh tác và xóa bỏ du canh, du cư. Họ ngạc nhiên. Tại sao một
người ở cuối nguồn nước lại thông minh đến vậy?

Mùa xuân, mùa lễ hội. Từng khóm hoa nở trắng dưới trời xanh.
Già làng bảo: Mày hãy đi đến cuối bản, có một cô giáo người Kinh muốn gặp
mày.

Cô giáo người Kinh??? Đã hơn một năm mà giờ chàng trai mới biết nơi đây cũng
có người Kinh, cũng có người cùng dòng máu với chàng.

Chàng vội vàng ra đi không chờ già làng nhắc đến lần thứ hai.

Gió reo trong lời hát

Vang tiếng khắp đồi cao

Đưa bước chân người đến

Lương duyên tự khi nào

Ngôi nhà ấy nhỏ, nhỏ thật. Nhỏ để đủ biết nó chỉ dành cho một người. Không thể
nào khác được. Cổng ngôi nhà được bao phủ bởi hoa. Cả cánh cửa ngôi nhà cũng
thế. Nó giống một ngôi nhà cổ tích. Chàng trai gọi cửa.

- Mời vào!

Không khí yên ắng đến lạ. Một mùi thơm thoang thoảng bao trùm căn nhà.
Người phụ nữ chừng ba bốn, ba lăm tuổi đang ngồi bên một chiếc bàn con nho
nhỏ xinh xinh.

- Cô là người Kinh? Nghe người ta nói cô là cô giáo?

Người phụ nữ ngước nhìn chàng trai rồi lên tiếng:

- Mời ngồi.

Chàng trai hết sức ngạc nhiên. Người dân nơi đây vốn không ưa người lạ, vậy mà
người phụ nữ này đã sống bình thản ở đây đã mấy mươi năm rồi.

- Ta gọi anh đến đây vì muốn trao đổi với anh một việc.

- Dạ, cô cứ tự nhiên.

- Ta biết anh là người tốt, đã đến nơi đây để giúp người dân thoát nghèo.

- Không như cô tưởng đâu. Chàng trai đáp một cách khiêm tốn.

- Nhưng người dân ở đây có một thứ còn nghèo hơn. Ta nghĩ anh có khả năng
giúp họ.
- Là gì, thưa cô?

Cô giáo lặng lẽ đến góc nhà cầm đến một cây sáo trúc và thổi. Tiếng sáo lúc du
dương, lúc trầm lắng làm xao động lòng người.

- Anh hãy thử thổi xem. Cô giáo vừa nói vừa đưa cây sáo trúc cho chàng trai.

Chàng trai thổi một cách khó khăn. Cây sáo phát ra từng tiếng, từng tiếng đứt
quãng.

- Hàng ngày, anh hãy đến đây. Ta sẽ giúp anh.

Hai tuần trôi qua, chàng trai đã trở thành nghệ sĩ thổi sáo thực sự.

Lễ hội xuân sôi nổi

Mọi người về vui chơi

Và chàng trai cũng đến

Cùng tiếng sáo gọi mời


Tiếng sáo đã làm cho mọi người bàng hoàng. Mọi người không ngừng đặt câu hỏi:
Âm thanh kia phát ra từ đâu? Tại sao chúng ta chưa bao giờ nghe thấy? Lúc vi vu,
lúc réo rắt, lúc trầm, lúc bổng.

Ông già, bà già thẩn thờ nhớ về thời tuổi trẻ.

Người trung niên nhìn về chặng đường còn lại của cuộc đời.

Các chàng trai, cô gái mơ màng đến tình yêu.

Các em bé không ngừng hò reo, thích thú.

Mọi người nắm tay nhau ngồi xuống. Nghe. Và nghe không chán. Âm thanh cuộc
sống, âm thanh yêu thương. Tiếng hát tinh thần.

Từ đó trở đi, người dân ở bản trở nên thân thiện hơn bao giờ hết. Họ đón tiếp
những vị khách từ phương xa tới rất nhiệt tình. Họ cũng biết đi đến những bản
khác, vùng khác để học hỏi, giao lưu vì họ đã biết nghe thổi sáo và bắt đầu biết
thổi sáo.

Chiều cuối thu đầu đông.

Có một người khách lạ

Hình dáng như thiên thần


Dừng chân nơi bản nọ

Gặp người thổi sáo hiền.

Lại là một người phụ nữ người Kinh. Hình như thế. Nhưng người này có vẻ lạ.
Chắc là từ chân núi mới lên. Mọi người thương người phụ nữ trẻ đi đường xa vất
vả nên đưa đến nghỉ ở nhà già làng.

- Ta muốn gặp chàng trai thổi sáo nổi tiếng.

- Vâng, thưa cô, nhà già làng.

Mọi người lại bắt đầu xì xầm.

Chàng trai cũng ngỡ ngàng.

- Ta nghe tiếng chàng đã lâu. Người phụ nữ nói.

- Thưa cô, cô gặp tôi có việc gì?

- Ta muốn dạy ngươi thổi sáo


Chàng trai không hiểu. Tiếng sáo của chàng từ lâu đã rất nổi tiếng, đã đạt được sự
kỳ diệu của âm nhạc tại sao còn có người muốn dạy chàng thổi sáo nữa?

- Thưa cô, tôi đã biết thổi sáo.

- Ta biết. Ta biết chàng thổi rất giỏi nhưng đó vẫn chưa phải là tiếng sáo hoàn
hảo. Ta muốn dạy chàng tiếng sáo hoàn hảo nhất.

- Là sao, thưa cô, tôi không hiểu.

- Tiếng sáo của chàng có thể giúp người ta say mê, yêu thương nhưng chưa
thể cứu mạng sống của họ. Chàng biết không, mạng sống rất quan trọng.

- Vâng, tôi biết nhưng làm sao có thể có được điều ấy.

- Ta sẽ giúp chàng. Tuy nhiên, chàng nên nhớ rằng chàng nếu chàng sử dụng
tiếng sáo ấy để cứu người mà chàng cảm thấy xấu hoặc ân hận vì một người xấu
nào đấy thì chàng sẽ mất mạng. Chàng có đồng ý không?

- Thưa cô, tôi đồng ý.

Lần này chàng trai đã học được cách truyền đạt linh hồn cho tiếng sáo. Cô gái đã
dạy cho chàng bằng sự nhiệt tình, bằng tình yêu thương. Người dân trong bản đặc
biệt yêu mến cô và chàng trai trẻ.
Một buổi sớm heo may. Cô giáo từ biệt mọi người ra đi. Mọi người buồn rầu đưa
tiễn. Một cô giáo tốt bụng.

Đã ba tháng.

Chàng trai dùng tiếng sáo để chữa bệnh. Tiếng sáo thôi miên họ, đưa họ thoát khỏi
đau đớn, bệnh tật.

Rồi ngày xuân lại đến

Trong ánh nắng ca vang

Con đường mênh mông cũ

Tiếng sáo lại về làng

Trước ngày diễn ra lễ hội vài ngày, chàng trai được nghe câu chuyện về cô giáo cũ
của mình. Người dạy cho chàng biết thổi sáo.

- Đó là một con người đầy kiêu ngạo. Một ông già ngậm ngùi kể. Cô ta cho rằng ai
cũng phải nể trọng vì tài năng của mình.

- Không những thế, ngôi nhà của cô ta đang ở là ngôi nhà đã chiếm đoạt của em
gái mình. Một bà già lên tiếng.
- Cô ta chẳng bao giờ biết bố thí, ăn xin đến cô ta đuổi đi không thương tiếc. Thêm
một lời cáo buộc nữa dành cho người phụ nữ.

- Một người xấu trăm phần trăm. Mọi người xôn xao.

Bây giờ thì chàng trai đã hiểu vì sao cô giáo của chàng lại sống lập dị như vậy. Cô
chẳng có bạn bè. Cô quá tàn nhẫn.

Vốn thuộc tuýp người mang hai dòng máu, chàng trai nhanh chóng ác cảm với cô
của mình. Một người xấu không đáng để thương yêu. Chàng nghĩ. Và suốt mùa
xuân ấy, chàng nghe rất nhiều lời bàn tán về cô giáo đầu tiên của chàng.

Thời gian qua đi, chàng ít lui tới nhà cô giáo hẳn. Chàng thấy khó khăn khi mở lời
với cô, thấy khó khăn khi đối diện với người mà chàng cảm thấy xấu xa. Tuy
nhiên, cô giáo luôn có thái độ ngược lại. Cô thương chàng, thương người học trò
hiền lành của mình. Thỉnh thoáng, cô lại nói với mọi người trong bản: Học trò tôi
là người giỏi nhất. Thế nhưng những tình cảm đó không xóa nổi những lời đàm
tiếu của thiên hạ. Không có lửa làm sao có khói. Chàng trai đã nghĩ vậy.

Hai năm sau.

- Nghe nói cô giáo đầu tiên của chàng ốm rất nặng. Một căn bệnh kỳ lạ.
Người yêu chàng trai lên tiếng.

- Vậy à? Chàng hỏi trong sự hững hờ.

- Chàng có đến thăm không. Cô người xấu ấy.


Ở đây người ta gọi cô giáo chàng là cô người xấu.

- Không, ở đời này bệnh tật đau ốm thiếu gì.

Chàng trả lời dứt khoát và cùng người yêu dạo chơi bên dòng suối mát lạnh.

Buổi tối, chàng trai ra ngoài nương một mình. Trăng đêm sáng một cách kỳ lạ. Nó
làm cho người ngồi ngắm tưởng chừng ông trời vừa xối xuống dòng nước bạc.
Chàng cầm cây sáo lên và thổi.

Những cơn gió dập dìu

Uống ánh trăng thơm ngát

Trong dòng tự tình ấy

Lòng thoáng những thương yêu.

Tiếng sáo dẫn dắt chàng trai trở về những ngày đầu tiên học thổi sáo. Những cái
bấm nốt vụng về, những tiếng sáo hụt hơi. Những lời động viên và ca ngợi của cô
giáo. Hình như cô giáo chưa bao giờ la mắng chàng bởi chàng là một cậu học trò
rất hiền, ngoan và chịu khó.

Đúng là cô rất kiêu ngạo với mọi người.


Chàng có chứng kiến điều đó.

Đúng là cô muốn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Chàng biết điều đó.

Nhưng dù thế nào cô cũng là cô của chàng, là người đầu tiên dạy chàng thổi sáo, là
người phát hiện ra tài năng của chàng. Nếu không có cô thì chắc gì chàng đã có
được tiếng sáo hoàn hảo như ngày nay. Chàng chợt tỉnh ngộ. Tại sao chàng lại
nghe lời đàm tiếu bên ngoài mà từ chối tình cảm của trái tim chàng? Tại sao chàng
lại yêu người tốt, ghét người xấu mà lại không biết rằng tốt hay xấu là do quan
niệm của mỗi người? Nghĩ đến đây, chàng khóc. Ghét cô giáo, vong ơn bội nghĩa
như chàng liệu có phải là người tốt không?

Cây sáo rơi xuống đất. Chàng chạy vội đến nhà cô giáo.

Căn nhà tối om. Chỉ nghe tiếng ho và tiếng thở mạnh.

Chàng thắp vội cây nến và nhìn thấy đôi mắt nhắm nghiền của cô giáo trên giường
bệnh.

- Cô ơi, con tới thăm cô đây, cô mở mắt ra đi. Chàng trai nắm và lay mạnh tay cô.

Đôi tay lạnh ngắt.


Chàng trai khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên sàn nhà và ướt đẫm tay cô
giáo. Chàng đến bên góc nhà, lấy cây sáo ra. Bên tai chàng vang lên tiếng của cô
giáo trẻ: nếu chàng sử dụng tiếng sáo ấy để cứu người mà chàng cảm thấy xấu
hoặc ân hận vì một người xấu nào đấy thì chàng sẽ mất mạng. Chàng do dự.

Đôi tay của cô giáo vẫn lạnh ngắt. Nước mắt chàng lại chảy dài: Mình cũng đâu
phải là người tốt.

Và rồi chàng đưa cây sáo lên môi.

Khẽ chạm.

Đôi môi run run.

Và rồi tiếng sáo ngân lên. Tiếng sáo làm cho cảnh vật trở nên hiền hòa. Ánh sáng
của cây nến rực rỡ hơn hay ánh trăng đã len lỏi vào nhà để nghe tiếng sáo? Tiếng
sáo trong trẻo như tiếng của con nước ở bản.

Đôi mắt cô giáo từ từ hé mở.

- Con trai, đừng thổi nữa, nếu không con sẽ chết.

- Cô ơi, cuối cùng cô đã tỉnh. Chàng trai thốt lên nghẹn ngào. Con xin lỗi.

- Tại sao con lại làm điều ngu ngốc như vậy?
- Bởi vì con muốn cứu vớt trái tim của chính mình.

Chàng trai quỳ xuống, cúi lạy cô giáo và từ từ đi vào cõi chết.

Người ta nói rằng, ở thiên đàng chàng có gặp lại cả hai người cô của mình. Hình
như họ là chị em thì phải.

(google.com)

• Giới thiệu tác phẩm “tiếng sáo phiêu bồng”

Đến với tác giả Đào Lê Na thực sự tôi rất ngỡ ngàng về sự sắc sảo của chị trong cách chị
thể hiện ở tác phẩm của mình. Tuy chị không phải là nhân vật có nhiều kinh nghiệm
trong thực tiễn sáng tác nhưng với tôi tác phẩm của chị không phải là không có nhiều giá
trị. Sáng tác văn học không chỉ là sự am hiểu, lòng đam mê mà còn vốn sống và kinh
nghiệm rất quan trọng. Tác phẩm “tiếng sáo phiêu bồng” không chỉ kích thích trí tò mò
của tôi qua cách chị thể hiện bằng những ngôn từ rất nhẹ nhàng mà còn ở nội dung của
tác phẩm rất thú vị, và có thể nói là lạ với bản thân của tôi.

“Tiếng sáo phiêu bồng” dẫn dắt chúng ta đến với miền núi xa xa, cái nơi mà chỉ có:

“ Tiếng gió đưa vi vút

Đám cây rừng lao xao

Kể lại câu chuyện cũ

Người thổi sáo năm nào.

Dãy núi cao, xa xa, sương mù phủ”

Đúng vậy, nơi ấy chỉ có những con người sống cách xa chốn thị thành, quanh năm quây
quần bên bếp lửa, cùng nghe lời già làng và sống một cuộc sống chân chất, trong sáng và
rất tin người. Họ là những người dân tộc họ ít được tiếp xúc với người Kinh, chính vì lẽ
đó mà họ cho rằng người Kinh là người có “cái bụng không tốt”, bởi vì “người Kinh ở
dưới chân núi, cuối nguồn nước chúng ta”. Nếu như chỉ đơn thuần là nói về những người
sinh sống ở nơi xa trung tâm thì chẳng có gì để nói, nhưng bằng hệ thống ngôn từ của nhà
văn khiến chúng ta có cảm giác như mình đang được chứng kiến và sống trong một môi
trường như vậy. Một nơi mà không khí trong lành và con người thì có một cái nhìn lệch
lạc về người Kinh. Với họ chỉ có những người cùng nguồn gốc với họ là đáng để tin, để
coi trọng, còn với những người nơi chân núi thì đều là người xấu. Nhưng cũng thật là lạ
thay khi mà chàng trai nói cho họ rõ hơn về bản thân anh ta thì hình như cái nhìn ban đầu
đã bị thay thế bằng cái nhìn khác có vẻ khả quan hơn. Khi được chàng trai giúp đỡ thì
dường như họ hiểu thêm, khâm phục chàng trai người Kinh thông minh. Và rồi chàng trai
ấy đã gặp được cô giáo người Kinh – người giúp anh thổi sáo cho hay để hiểu được cuộc
sống của người dân tộc hơn trong mùa lễ hội sắp tới. Chỉ cần học trong hai tuần anh đã
trở thành “nghệ sĩ thổi sáo thực sự”. Có thể do sự tận tụy của người cô này cộng thêm sự
thông minh nhanh nhẹn của anh ta. Chính vì thế mà:

“Lễ hội xuân sôi nổi

Mọi người về vui chơi

Và chàng trai cũng đến

Cùng tiếng sáo gọi mời”

Chàng trai ấy có thể đem tiếng sáo của mình hòa vào lễ hội với biết bao nhiêu sự ngưỡng
mộ, anh đã hòa nhập được với cuộc sống của người dân tộc không những thế anh còn cho
họ thấy được những cái người dân tộc làm được thì người Kinh cũng có thể làm được,
không những vậy mà còn làm rất tốt nữa. Chính vì lẽ đó mà anh trở thành người được
nhiều người biết đến nhờ tiếng sáo của mình: “tiếng sáo đã làm cho mọi người bàng
hoàng. Mọi người không ngừng đặt câu hỏi: Âm thanh kia phát ra từ đâu? Tại sao chúng
ta chưa bao giờ nghe thấy? Lúc vi vu, lúc réo rắt, lúc trầm, lúc bổng”. Chỉ cần có lòng
ham học hỏi thôi là anh chàng đã có thể được nhiều người yêu mến rồi, chẳng thế mà anh
còn nổi tiếng ở cái xứ sở này nữa. Nhưng điều này chẳng có ý nghĩa gì nếu anh không
gặp được người cô đã tận tụy giúp đỡ anh. Nhưng rồi có nhiều người bàn tán về nhân
phẩm của người cô ấy, người ta gọi cô là người cô xấu, tàn nhẫn và chính xác là người
không tốt. Chàng trai đã nghe và tin lời đàm tiếu ấy, bẵng đi hai năm sau thì anh được tin
người cô dạy anh thổi sáo ban đầu đang bị bệnh nặng, với tâm lý thuận theo số đông anh
cũng tin người cô đó chẳng có gì tốt, bởi nếu tốt chẳng phải sống lập dị như thế, và rồi
anh vờ như không quan tâm. Nhưng trong lòng anh day dứt khôn nguôi, những lo lắng
được ẩn núp dưới vẻ hờ hững “Vậy à? Chàng hỏi trong sự hững hờ”, và khi cô gái hỏi
anh có đến thăm cô giáo của mình không thì anh chàng thản nhiên trả lời “Không, ở đời
này bệnh tật đau ốm thiếu gì”, theo chàng thì đây là thái độ dứt khoát của mình. Có thể
như điều ấy không thể nào thay đổi được. Thế mà :
“Buổi tối, chàng trai ra ngoài nương một mình. Trăng đêm sáng một cách kỳ lạ.
Nó làm cho người ngồi ngắm tưởng chừng ông trời vừa xối xuống dòng nước bạc.
Chàng cầm cây sáo lên và thổi.

Những cơn gió dập dìu

Uống ánh trăng thơm ngát

Trong dòng tự tình ấy

Lòng thoáng những thương yêu.

Tiếng sáo dẫn dắt chàng trai trở về những ngày đầu tiên học thổi sáo. Những cái
bấm nốt vụng về, những tiếng sáo hụt hơi. Những lời động viên và ca ngợi của cô
giáo. Hình như cô giáo chưa bao giờ la mắng chàng bởi chàng là một cậu học trò
rất hiền, ngoan và chịu khó.

Đúng là cô rất kiêu ngạo với mọi người.

Chàng có chứng kiến điều đó.

Đúng là cô muốn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Chàng biết điều đó”

Bằng cách miêu tả ánh trăng vào đêm khiến cho chúng ta có cảm giác như đang đứng
trước một không gian nhuộm bạc, ánh sáng của ánh trăng đã không chỉ làm bừng dậy cả
không gian mà còn soi sáng cả lòng chàng trai trẻ đang băn khoăn, đang suy tư, đang day
dứt. Ánh trăng đã đưa chàng quay trở về với những yêu thương của ngày xưa, khiến anh
không thể không nhớ tới người cô của mình đang hấp hối bên giường bệnh. Chàng thừa
nhận người cô của mình “rất kiêu ngạo với mọi người” và “cô muốn tách biệt với thế giới
bên ngoài”, những điều ấy không thể chối cãi được. Nhưng mà:

“Nhưng dù thế nào cô cũng là cô của chàng, là người đầu tiên dạy chàng thổi
sáo, là người phát hiện ra tài năng của chàng. Nếu không có cô thì chắc gì chàng
đã có được tiếng sáo hoàn hảo như ngày nay. Chàng chợt tỉnh ngộ. Tại sao chàng
lại nghe lời đàm tiếu bên ngoài mà từ chối tình cảm của trái tim chàng? Tại sao
chàng lại yêu người tốt, ghét người xấu mà lại không biết rằng tốt hay xấu là do
quan niệm của mỗi người? Nghĩ đến đây, chàng khóc. Ghét cô giáo, vong ơn bội
nghĩa như chàng liệu có phải là người tốt không?”

Tình cảm xáo trộn ấy đã được anh xác nhận lại một cái đúng đắn hơn, anh nhớ công ơn
của người cô của mình, đúng như người xưa có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cho dù
người đời có nói thế nào thì cô cũng là người đầu tiên đưa chàng đến với cuộc sống có
tiếng sáo, tiếng sáo hay chính là tiếng lòng thổn thức, chính là đạo lý, là cách sống, là
những gì còn sót lại mà người cô muốn truyền đạt cho anh, vậy tại sao anh lại phủ nhận
cô của mình, hay anh đang phủ nhận chính bản thân anh. Nhưng rồi cuối cùng anh cũng
nhận ra chân lý của mình : “tốt hay xấu là do quan niệm của mỗi người”, và chàng cũng
nhận thức được “ghét cô giáo, vong ơn bội nghĩa như chàng liệu có phải là người tốt
không”. Điều này không có nghĩa là nhận thức của một con người mà chính là lời mà tác
giả Đào Lê Na muốn gửi tới cho chúng ta phải biết nhớ ơn những người đã dạy dỗ chúng
ta, cho dù nhiều người nói gì nhưng quan trọng vẫn là trong lòng ta nghĩ gì, ta phải làm
những gì do chính ta quyết định chứ không phải chạy theo số đông. Có thể họ chỉ là
những cái nhìn phiến diện của họ mà thôi. Hành động của chàng trai muốn đem tiếng sáo
của mình để cứu vớt người cô của mình hay chàng cứu lấy chính bản thân chàng. Tiếng
sáo của chàng đã đạt đến độ trăng hay ánh sáng của cây nến như muốn len lỏi vào nhà chỉ
để vào nghe tiếng sáo của chàng “Và rồi tiếng sáo ngân lên. Tiếng sáo làm cho cảnh vật
trở nên hiền hòa. Ánh sáng của cây nến rực rỡ hơn hay ánh trăng đã len lỏi vào nhà để
nghe tiếng sáo? Tiếng sáo trong trẻo như tiếng của con nước ở bản”. Kết thúc tác phẩm
chàng trai đã nhận thức được những hành động của anh là để “cứu vớt trái tim của chính
mình”. Chúng ta cũng thấy được một người chỉ vì muốn cứu vớt lấy chính bản thân mình
mà phải trả giá bằng cái chết. Để hoàn thiện được nhân cách của một con người thì phải
tu dưỡng suốt cả một đời, cho dù có những lúc đi sai đường nhưng cái đích cuối cùng
cũng là chân lý của chính bản thân mình.

Bằng cách sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng mà sâu sắc kết hợp giữa văn xuôi và thơ
khiến cho chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về lối sống văn hóa của người dân tộc, cách đối
nhân xử thế của người dân tộc, đồng thời trong quá trình tiếp xúc cho ta thấy được tấm
lòng chân thành của họ. Không những thế mà điều quan trọng hơn nữa chính là tình cảm
chân thành của chàng trai đối với người cô của mình, quan niệm tốt – xấu mà chính bản
thân anh ta cũng tự mình rút ra để có cái nhìn và tình cảm đúng đắn hơn đối với người cô
dạy sáo đầu tiên của mình, và để sửa chữa sai lầm cho dù có mất đi mạng sống của mình
anh cũng không hối tiếc. Và tiếng sáo chính là tiếng lòng, là chân lý, là ánh sáng đưa
chàng trai đi đến cái đích cuối cùng của lòng biết ơn, sự kính trọng đối với người cô của
mình.

You might also like