You are on page 1of 27

Nền chính trị dầu mỏ - Phần I: Quy luật đầu tiên 20:01' 24/06/2006 (GMT+7)

Những thế kỷ trước đây, vàng từng là cơn sốt của nhân loại. Còn bây giờ, cũng một loại vàng
mới đã và đang làm nghiêng ngả cán cân chính trị toàn cầu: dầu mỏ - hay còn gọi là vàng đen.
Nhiều nhà nghiên cứu dự báo, trong vòng 20 năm nữa, dầu vẫn tiếp tục bôi trơn cho trục quay
chính của cỗ xe lịch sử. Các "đại gia" sẽ không ngừng công du và gõ cửa đàm phán cho vấn
đề năng lượng của mình. Chuyên trang Lanhdao.net xin trích dịch bài viết Nền chính trị dầu
mỏ của nhà báo Thomas L. Friedman, bình luận viên của tờ The New York Times. Toàn bộ quan
điểm trong bài viết này là của tác giả.

Những điều tự vấn

Tổng thống Iran bác bỏ sự kiện Holocaust (sự kiện Đức Quốc xã tàn sát khoảng 6 triệu người Do Thái
và những nhóm chủng tộc, tôn giáo, chính trị khác trong Đại chiến II), ngài Hugo Chavez nặng lời với
các nhà lãnh đạo phương Tây, còn ông Putin đang từ chối nhiều cơ hội. Chuyện gì đang xảy ra? Họ
hiểu rõ rằng giá dầu và nền tự do không bao giờ cùng hướng về một phía. Đó là Quy luật đầu tiên
của nền chính trị dầu mỏ, và có lẽ cũng là điều cốt lõi để hiểu ngọn ngành mọi vấn đề trong thời đại
của chúng ta.

Khi tôi nghe thấy Tổng thống Iran, Mamoud Ahmadinejad, tuyên bố: Holocaust là một câu chuyện
hoang đường, tôi không thể không tự hỏi mình: “Liệu ngài Tổng thống Iran có thể xử sự theo cách này
hay không nếu giá dầu là 20 đôla/thùng chứ không phải là 60 đôla/thùng như hiện nay?”.

Khi tôi nghe nói Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, “nặng lời” với Thủ tướng Anh, và nói với những
người ủng hộ mình rằng khu vực tự do thương mại nằm dưới sự bảo trợ của Mỹ ở Châu Mỹ rồi cũng
sẽ “chẳng đi đến đâu”, tôi cũng không thể không tự nói với mình rằng: “Liệu ngài Tổng thống có nói
như vậy hay không nếu giá dầu là 20 đôla/thùng chứ không phải là 60 đôla/thùng như hiện nay? Đất
nước của ngài cũng đã từng phải dựa vào giới doanh nhân, chứ đâu phải trông chờ vào riêng những
giếng dầu”.

Trong thời gian qua, khi theo sát những diễn biến tại vùng Vịnh, tôi thấy Bahrain là nhà nước Arập đầu
tiên tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng, trong đó phụ nữ có thể bầu cử và đứng ra tranh cử.
Đây cũng là nhà nước Arập đầu tiên điều chỉnh toàn bộ luật lao động của mình để người dân dễ kiếm
việc hơn và ít phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Người ta cũng cho rằng Bahrain là quốc gia đầu
tiên sẽ cạn kiệt nguồn dầu mỏ. Và đó cũng là quốc gia đầu tiên ký hiệp định tự do thương mại với Mỹ.
Tôi không thể không tự hỏi mình: “Liệu đó có phải là một sự trùng hợp?”.

Và cuối cùng, khi tôi quan sát thế giới Arập, chứng kiến những nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng ở
Libăng đẩy quân đội Syria ra khỏi nước mình, tôi không thể không tự nói với mình rằng: “Liệu đây có
phải là điều ngẫu nhiên không khi mà nền dân chủ thật sự đầu tiên của thế giới Arập chỉ có được ở
nơi không có một giọt dầu nào?”.

Đi tìm câu trả lời

Càng ngẫm nghĩ những câu hỏi này, dường như tôi càng thấy rõ một điều: chắc chắn có mối liên hệ
nào đó - một mối liên hệ theo nghĩa đen mà người ta có thể đo, vẽ được - giữa giá dầu với mức độ ổn
định, tự do chính trị và các cuộc cải cách kinh tế ở một số quốc gia.

Cách đây vài tháng, tôi đã đến gặp các biên tập viên của tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại)
và đề nghị xem liệu họ có thể biểu hiện được mối liên hệ đó bằng biểu đồ hay không. Trên một trục,
chúng tôi sẽ vẽ giá dầu trung bình của thế giới, trục còn lại chúng tôi sẽ thể hiện mức độ tăng lên hay
giảm xuống của tự do - về cả khía cạnh kinh tế lẫn chính trị - theo một cách chính xác giống như các
tổ chức nghiên cứu có thể làm được. Chúng tôi sẽ đánh giá dựa trên những cuộc bầu cử có màu
sắc tự do dân chủ đã được tổ chức, các tờ báo đang hoạt động hoặc đã đóng cửa, những cuộc bắt
bớ tuỳ tiện, số lượng các nhà cải cách được bầu vào quốc hội, các kế hoạch cải cách kinh tế đang
thực hiện hoặc đã chấm dứt, các công ty được tư nhân hoá hoặc quốc hữu hoá, v.v…
Và tôi là người đầu tiên nhận thấy rằng: đây không phải là một thí nghiệm khoa học, bởi lẽ sự phát
triển và sụp đổ của nền tự do chính trị và kinh tế trong một xã hội hoàn toàn không thể đoán
định trước hay đổi chỗ cho nhau. Bởi lẽ tôi không có ý định tìm kiếm một chức vụ ở đâu đó mà chỉ
đang cố chứng minh một linh cảm và khơi nguồn cho một cuộc thảo luận về mối tương quan thực tế
giữa giá dầu và mức độ tự do. Bởi lẽ, dầu thô tăng giá là yếu tố chủ chốt định hình và dẫn dắt quan
hệ chính trị toàn cầu.

Biểu đồ đuợc thể hiện dưới đây chắc chắn sẽ gợi mở cho các bạn về mối tương quan chặt chẽ giữa
giá dầu và mức độ tự do - chặt chẽ đến độ tôi đã phải nhấn mạnh cuộc thảo luận này bằng cách đưa
ra khái niệm về Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ.

Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ thừa nhận điều sau: ở các quốc gia có nhiều dầu
mỏ, giá dầu và mức độ tự do luôn tỉ lệ nghịch với nhau.

Theo Quy luật này, giá dầu thô trung bình của thế giới càng tăng cao thì sự tự do ngôn luận, tự do
báo chí, các cuộc bầu cử tự do và công bằng, hệ thống quan chức tư pháp độc lập, các nguyên tắc
của luật pháp và các đảng phái chính trị độc lập sẽ càng bị xói mòn. Những khuynh hướng tiêu cực
này còn được gia cố bởi một thực tế là khi giá dầu càng tăng cao, các nhà lãnh đạo của những quốc
gia giầu dầu mỏ ngày càng kém nhạy cảm hơn với những gì mà thế giới nghĩ hay nói về họ.

Ngược lại, theo Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ, khi giá dầu ngày càng thấp thì các quốc
gia dầu mỏ sẽ phải xây dựng một hệ thống chính trị - xã hội nhạy cảm hơn với những quan điểm
chống đối; đồng thời tập trung hơn vào việc xây dựng một cấu trúc luật pháp và một hệ thống giáo
dục phát huy tối đa khả năng của người dân, bao gồm cả nam giới và nữ giới; và để tăng sức cạnh
tranh, các quốc gia này còn phải kích hoạt các công ty mới và thu hút đầu tư từ nước ngoài. Khi giá
dầu càng giảm, lãnh đạo các quốc gia dầu mỏ sẽ càng phải quan tâm và lắng nghe hơn những gì mà
người ngoài nói về họ.

Một vài khái niệm

Theo tôi, nhà nước dầu mỏ là nhà nước vừa phụ thuộc vào sản lượng dầu mỏ khai thác - thứ vốn
chiếm phần lớn lượng hàng hoá xuất khẩu và giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - vừa chịu sự điều
hành của một thể chế nhà nước yếu kém hoặc của một chính phủ độc đoán với bàn tay sắt. Điển hình
các nhà nước dầu mỏ là: Azerbaijan, Angola, Chad, Ai Cập, Equatorial Guinea, Iran, Kazakhstan,
Nigeria, Nga, Arập Xêut, Sudan, Uzbekistan và Venezuela. (Các nước có trữ lượng dầu thô lớn
nhưng tồn tại một nhà nước vững chắc cộng với một thể chế dân chủ vững vàng và đã có một nền
kinh tế đa dạng trước khi trữ lượng dầu được phát hiện - như Anh, Na Uy, Mỹ - không phải là đối
tượng của Quy luật này).

Trong một khoảng thời gian dài, các nhà kinh tế học đã chỉ ra ở mức độ khái quát về những tác động
chính trị và kinh tế tiêu cực mà nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào có thể gây ra cho một đất nước.
Hiện tượng này được gọi là “Hội chứng Hà Lan” hay “Thảm hoạ tài nguyên”.

"Hội chứng Hà Lan" là hiện tượng nhằm ám chỉ một quá trình suy thoái công nghiệp do chịu hậu quả
từ việc đột nhiên tiếp nhận một khối lượng lớn tài nguyên thiên nhiên. Thuật ngữ "Hội chứng Hà
Lan" bắt đầu được nhắc đến vào những năm 1960, sau khi quốc gia này phát hiện ra một khối lượng
lớn khí tự nhiên. Hậu quả ở những nước có "Hội chứng Hà Lan" là sự gia tăng giá trị đồng tiền, do có
một lượng tiền lớn đến từ dầu mỏ, vàng, khí đốt, kim cương và một số tài nguyên thiên nhiên khác.
Điều này khiến cho ngành công nghiệp sản xuất hàng hoá để xuất khẩu mất đi tính cạnh tranh, còn
hàng hoá nhập khẩu lại trở nên rất rẻ. Người dân rủng rỉnh túi tiền bắt đầu mặc sức mua sắm, ngành
công nghiệp nội địa bị xoá sổ, đất nước rơi vào thời kỳ suy thoái công nghiệp.

Còn “Thảm họa tài nguyên” dùng để chỉ một hiện tượng kinh tế tương tự, nói rộng hơn là chỉ sự
phụ thuộc của một đất nước vào tài nguyên thiên nhiên, làm chệch hướng những ưu tiên về chính trị,
đầu tư và giáo dục của đất nước đó đến độ mọi thứ đều xoay quanh người kiểm soát dầu mỏ và
những người được hưởng lợi từ nó.

Ngoài những lý thuyết tổng quan này, một số nhà khoa học chính trị còn chỉ ra rằng trữ lượng dầu mỏ
lớn có thể đảo ngược hoặc làm suy yếu các xu hướng dân chủ hoá. Một trong những bài phân tích
sắc sảo nhất mà tôi có dịp đọc qua là công trình của nhà khoa học chính trị UCLA Michael L.Ross.

Phân tích số liệu thống kê của 113 quốc gia từ năm 1971 đến 1997, Ross kết luận "rằng sự phụ thuộc
của một nhà nước vào xuất khẩu dầu mỏ hay khai thác các nguồn khoáng sản khác sẽ khiến nhà
nước đó trở nên ít dân chủ đi; rằng các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu khác không thể tạo ra loại ảnh
huởng này; rằng hiện tượng này không chỉ giới hạn trong khu vực bán đảo Arập, Trung Đông hay
Châu Phi tiểu vùng Sahara; và rằng đó không chỉ là hiện tượng xảy ra ở những quốc gia nhỏ”.

Đặc biệt, tôi cảm thấy bản danh sách mà Ross phân tích về những cơ chế, thông qua đó cho thấy sự
dồi dào của dầu mỏ có thể tác động đến nền dân chủ, thực sự rất có ích.

Đầu tiên, ông cho rằng có một “hiệu ứng thuế”. Chính phủ các quốc gia nhiều dầu mỏ luôn có
khuynh hướng dùng khoản lợi nhuận kiếm được từ dầu mỏ để xoa dịu những áp lực xã hội đòi hỏi
nhà cầm quyền phải có trách nhiệm hơn hoặc mang tính đại diện hơn. Tôi thích cách đặt vấn đề kiểu
này: trong cuộc cách mạng Mỹ có khẩu hiệu “nếu không có đại diện sẽ không có thuế”, còn khẩu hiệu
của các chính phủ chuyên quyền dầu mỏ lại là “đại diện không, thuế không”. Những chính phủ dầu
mỏ không phải sống bằng tiền thu thuế của người dân vì lẽ đơn giản, họ chỉ cần khai thác dầu lên để
bán nên họ cũng không cần lắng nghe dân chúng nói gì và cũng không cần người đại diện cho quyền
lợi của họ.

Còn cơ chế thứ hai mà dầu mỏ được dùng như một công cụ làm suy yếu quá trình dân chủ hóa là
“hiệu ứng tiêu tiền”. Sự trù phú về dầu mỏ làm gia tăng những khoản tiền hỗ trợ. Những khoản tiền
này làm giảm đi các áp lực lên quá trình dân chủ hoá.

Cơ chế thứ ba mà Ross nói đến là “hiệu ứng của việc hình thành các nhóm chính trị”. Khi lợi tức
từ dầu mỏ mang lại cho nhà nước chuyên quyền một khoản tiền khổng lồ thì chính phủ sẽ sử dụng
nguồn của cải này để ngăn chặn việc thành lập các nhóm xã hội có khuynh hướng độc lập - chính xác
là các nhóm có khuynh hướng đấu tranh đòi quyền chính trị.

Ngoài ra, ông cho rằng, sự thừa thãi tiền bạc có được từ lợi tức dầu mỏ có thể tạo ra “hiệu ứng trấn
áp”, nghĩa là chính phủ có thể chi một khoản khổng lồ cho lực lượng cảnh sát, an ninh nội địa và các
lực lượng tình báo để chặn đứng các phong trào dân chủ.

Cuối cùng, Ross nói đến “hiệu ứng hiện đại hoá”. Một lượng lớn của cải có được từ dầu mỏ có thể
làm giảm bớt những áp lực xã hội trong các vấn đề như chuyên môn hoá nghề nghiệp, đô thị hoá và
bảo đảm trình độ giáo dục cao - những xu hướng này thường đồng hành với sự phát triển kinh tế trên
diện rộng và sẽ làm sản sinh ra một thế hệ công dân có khả năng tổ chức, thương thảo và giao tiếp,
đồng thời tự xây dựng các trung tâm kinh tế của đất nước.

Như vậy, điều tôi muốn nói khi thừa nhận Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ không chỉ là ở
chỗ: sự phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ có thể trở thành một thảm họa, mà sự phụ thuộc quá mức ấy,
thực tế, có thể tạo ra một sợi dây ràng buộc giữa sự lên xuống của giá dầu với sự thăng trầm trong
mức độ tự do của các quốc gia dầu mỏ. Mối liên hệ đã rất rõ ràng. Như biểu đồ trên đã minh hoạ,
mức độ tự do trên thực tế giảm xuống khi giá dầu có dấu hiệu đi lên.
Quy luật đầu tiên của nền chính trị dầu mỏ được xây dựng trên những tranh luận đó, nhưng phải tiến
thêm một bước nào đó mới có thể làm rõ hơn mối tương quan giữa dầu mỏ và chính trị?

Nền chính trị dầu mỏ - Phần II: Trục chính trị mới? 20:00' 27/06/2006 (GMT+7)

Ngày nay, khi giá dầu trên thế giới ngày càng tăng cao thì mối liên hệ giữa giá dầu và mức độ
tự do càng đáng được quan tâm. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn nó sẽ tạo nên những ảnh
hưởng lâu dài đối với nền chính trị ở nhiều quốc gia có tổ chức nhà nước yếu kém hay chuyên
quyền. Tiếp đó, nó có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực mang tính toàn cầu cho một thế
giới hậu Chiến tranh Lạnh. Nói cách khác, hiện tại, giá dầu là chủ đề quan tâm hàng ngày của
cả ngài Ngoại trưởng, chứ không chỉ của riêng ông Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Từ ngày 11/9/2001, giá dầu đã tăng dần từ mức 20-40 đôla lên mức 40-60 đôla/thùng. Nguyên nhân
của sự gia tăng này một phần liên quan đến sự bất ổn và bạo lực liên tiếp xảy ra tại các thị trường
xuất khẩu dầu lớn của thế giới như Iraq, Nigeria, Indonesia và Sudan.

Nhưng đáng chú ý hơn có lẽ vẫn là kết quả của sự việc mà tôi gọi là “sự bằng phẳng” của thế giới
cùng với sự tấn công ồ ạt vào thị trường 3 tỉ người tiêu dùng của những người đang mong muốn có
nhà cửa, ôtô, lò vi sóng và tủ lạnh tại các nước như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và các quốc gia thuộc
Liên bang Xô Viết trước đây. Họ cần một nguồn năng lượng khổng lồ. Do vậy, nhu cầu này đã và sẽ
trở thành một áp lực mạnh mẽ đối với giá dầu. Nếu phương Tây không có những nỗ lực mạnh mẽ để
bảo tồn năng lượng hoặc tìm ra nguồn năng lượng mới thì trong một tương lai không xa, giá dầu vẫn
sẽ đứng ở mức 40-60 đôla, thậm chí còn cao hơn.

Với thể chế chính trị yếu kém, hay nói cách khác là do còn duy trì chính phủ độc tài, thực tế trên cũng
đồng nghĩa với chuyện toàn bộ nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ có thể sẽ phải trải qua một giai
đoạn mà ở đó quyền tự do ngày càng xói mòn, trong khi nạn tham nhũng và những hành vi chuyên
quyền, chống dân chủ ngày càng gia tăng. Lãnh đạo ở những quốc gia này luôn muốn có trong tay
một khoản tiền lớn để có thể xây dựng lực lượng an ninh, hối lộ những kẻ chống đối, giành được sự
ủng hộ từ các cử tri và không tuân theo những quy chuẩn, quy ước quốc tế. Chỉ cần lượm một tờ báo
phát hành vào bất kỳ ngày nào trong tuần, chúng ta cũng có thể nhận thấy dấu hiệu của xu hướng
này.

Trở lại những câu chuyện

Trên tạp chí Wall Street tháng 2/2005 có đăng một bài báo nói về chuyện các giáo sĩ đạo Hồi ở
Tehran - những người trở nên giàu có nhờ giá dầu liên tục tăng cao - đang quay lưng lại trước những
nhà đầu tư nước ngoài thay vì trải thảm đón chào họ.

Cụ thể là, nhà khai thác điện thoại di động Thổ Nhĩ Kỳ Turkcell đã ký một hợp đồng với Tehran để xây
dựng mạng lưới điện thoại di động do tư nhân làm chủ đầu tiên tại nước này. Nội dung bản hợp đồng
rất hấp dẫn: hãng Turkcell đồng ý trả cho Iran 300 triệu USD để có được giấy phép, đồng thời họ sẽ
đầu tư 2,25 tỷ USD và tạo ra 20.000 cơ hội việc làm cho người dân Iran. Nhưng các giáo sĩ trong
Quốc hội Iran lại đóng băng bản hợp đồng này, với lý do là hợp đồng đó có thể giúp các nhà đầu tư
nước ngoài do thám Iran.

Ali Ansari, một chuyên gia về Iran tại trường Đại học trên phố Andrew của Scotland phát biểu rằng:
cho đến nay, các nhà phân tích Iran đã ủng hộ cải cách kinh tế được 10 năm, nhưng “trên thực tế,
viễn cảnh còn mờ mịt hơn”. “Tất cả số tiền mà họ có được đều nhờ vào giá dầu liên tục ở mức cao,
họ không cần phải làm bất kỳ điều gì để cải thiện nền kinh tế”, Ansari nhận xét.

Một bài báo khác về Iran đăng trong tạp chí The Economist ngày 11/2/2006 cũng nhấn mạnh: “Chủ
nghĩa dân tộc sẽ thuận lợi khi dạ dày căng đầy và ông Ahmadinejad là Tổng thổng may mắn hiếm
thấy khi mong nhận được một ngân khố từ xuất khẩu dầu mỏ trị giá khoảng 36 tỷ USD để giúp ông
mua được sự trung thành. Trong bản dự thảo ngân sách đầu tiên, chính phủ đã cam kết sẽ xây dựng
300.000 căn hộ, 2/3 số này nằm ngoài các thị trấn lớn và chính phủ cũng hứa sẽ duy trì mức trợ giá
năng lượng, hiện chiếm tới 10% GDP".
Một sự kiện khác tại Nigeria. Đến nay, đất nước này vẫn duy trì chế độ tối đa 2 nhiệm kỳ cho các tổng
thống, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm. Năm 1999, Olusegun Obasanjo nhậm chức Tổng thống và sau đó
tái đắc cử trong cuộc bầu cử toàn dân năm 2003.

Khi tiếp quản quyền lực từ các vị tướng năm 1999, Obasanjio tiến hành điều tra nhiều vụ vi phạm
nhân quyền trong quân đội Nigeria, phóng thích tù nhân chính trị, thậm chí còn quyết tâm nhổ tận gốc
nạn tham nhũng. Vào thời điểm đó, giá dầu dao động ở mức 25 USD/thùng. Nhưng giờ đây, khi giá
dầu đã lên đến mức 60 USD, Obasanjo đang cố gắng thuyết phục Quốc hội Nigeria điều chỉnh Hiến
pháp để cho phép ông đảm trách cương vị Tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ ba.

Wunmi Bewaji, lãnh đạo thuộc đảng đối lập trong Hạ viện Nigeria cho hay: có nhiều khoản hối lộ trị giá
1 triệu USD được biếu tặng các nhà lập pháp để họ đồng ý kéo dài thêm nhiệm kỳ cho Tổng thống
Obasanjio. “Thứ người ta đang chào hàng hiện nay là một khoản tiền trị giá 1 triệu USD cho mỗi lá
phiếu ủng hộ Tổng thống Obasanjio mở rộng nhiệm kỳ”, ông Bewaji trả lời hãng VOA ngày 11/3/2006.
“Một quan chức cao cấp trong Hạ viện và một quan chức cao cấp trong Thượng viện đang đứng ra
dàn xếp vụ này”.

Clement Nwankwo, một trong những nhà vận động nhân quyền hàng đầu tại Nigeria đã nói rằng, kể
từ khi giá dầu bắt đầu leo thang thì “quyền tự do của công dân lâm vào tình trạng suy giảm trầm trọng:
người dân bị bắt bớ tuỳ tiện, các phần tử chính trị bị giết hại, nền dân chủ lụn bại.”

Theo ông Nwankwo, dầu chiếm tới 90% hàng xuất khẩu của Nigeria nên có thể hiểu được phần nào
tại sao trong thời gian gần đây, số vụ bắt cóc công nhân dầu mỏ nước ngoài lại gia tăng đột ngột tại
khu vực châu thổ Niger trú phú của nước này. Nhiều người Nigeria đinh ninh rằng những công nhân
này đang đánh cắp dầu mỏ vì lợi nhuận mà họ nhận được từ dầu ngày càng nhỏ giọt.

Dầu mỏ: Nếu có...? Và nếu không...?

Ngày nay, không chỉ mọi hoạt động chính trị đều xoay quanh nhân vật kiểm soát chiếc chìa khoá dầu
mà ngay cả chính công chúng cũng đang ngày càng quan niệm lệch lạc về vấn đề này. Đây là tình
trạng thường thấy ở các nước xuất khẩu dầu mỏ. Nếu dân chúng sống trong cảnh nghèo nàn mà giới
lãnh đạo lại giàu có thì lý do không phải vì đất nước ấy đã thất bại trong việc đẩy mạnh giáo dục, tiến
hành đổi mới, cải tổ luật pháp và thúc đẩy thương mại. Lý do là vì ai đó đã đánh cắp nguồn lợi nhuận
từ dầu mỏ mà công chúng không được hưởng lợi gì. Mọi người bắt đầu cho rằng để có thể giàu có thì
tất cả những gì họ phải làm là ngăn chặn những kẻ đang ăn trộm dầu mỏ của đất nước mình chứ
không phải là xây dựng một xã hội quan tâm đến việc đẩy mạnh giáo dục, cải tổ và thúc đẩy thương
mại.

“Nếu Nigeria không có dầu mỏ thì toàn cảnh chính trị của nước này hẳn sẽ khác”, Nwankwo nhận xét.
“Khi đó, thu nhập không đến từ dầu mỏ, nền kinh tế sẽ trở nên đa dạng hơn, các doanh nghiệp tư
nhân sẽ đóng vai trò quan trọng hơn và con người cũng sẽ phải sáng tạo hơn”.

Thực vậy, ở những quốc gia như thế, mối quan hệ giữa giá dầu và mức độ tự do chặt chẽ tới mức
nếu giá dầu tăng đột biến có thể sẽ khiến cho phương hướng lãnh đạo chệch khỏi đường lối cải cách
kinh tế và chính trị. Như trường hợp của Bahrain, khi nước này nhận ra nguồn dầu của mình đã cạn
kiệt thì ngay lập tức, Bahrain đã phải khích lệ cải cách và trở thành một trường hợp đáng để nghiên
cứu, cho dù nước này vẫn chưa thể cưỡng lại sự cám dỗ khi giá dầu ngày càng leo thang.

“Chúng tôi đang hưởng một giai đoạn tuyệt vời nhờ giá dầu tăng cao. Điều này có thể khiến các quan
chức tự mãn”, Jasim Husain Ali, chủ nhiệm khoa nghiên cứu kinh tế thuộc trường đại học Bahrain
nhận xét. “Xu hướng này thật nguy hiểm, vì dầu không thể đem lại thu nhập ổn định và bền vững. Dầu
mỏ của Bahrain có thể đủ đáp ứng cho vùng Vịnh nhưng không thể đáp ứng được các đòi hỏi quốc
tế. Nên không phải ngẫu nhiên khi một nhà báo trẻ người Iran từng bình luận khi chúng tôi tản bộ ở
Tehran rằng: “Nếu nước tôi không có dầu mỏ, nước tôi đã giống như Nhật Bản rồi”.

Nền chính trị dầu mỏ - Phần III: Địa chất thao túng tư tưởng 18:11' 29/06/2006 (GMT+7)
Trong rất nhiều bài báo của mình, Thomas Friedman luôn đề cập đến mối tương quan giữa giá
dầu và mức độ dân chủ ở những quốc gia nằm ngoài sự ảnh hưởng của Mỹ. Nhiều quan điểm
của ông bị đẩy đến mức cực đoan, đặc biệt khi ông đưa ra những chính sách mới nhằm tăng
thêm quyền lực cho Mỹ. Các khái niệm về Thế giới phẳng*, GEO-Green**... được nhắc đi nhắc
lại khiến cho nhiều người bắt đầu hoài nghi: liệu Friedman có còn giữ được bình tĩnh và khách
quan hay không khi đánh giá cả một "đại dương" chính trị thế giới chỉ từ "một giọt nước" là
dầu mỏ? Chuyên trang Lãnh đạo trong kỷ nguyên mới xin trích dịch phần cuối của góc nhìn
này.

"... Với tất cả sự kính trọng dành cho Ronald Reagan, tôi không tin rằng ông ấy là người đã làm lụi bại
Liên bang Xô Viết. Rõ ràng, trên thực tế còn có nhiều yếu tố khác, nhưng giá dầu toàn cầu sụt giảm
vào khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX là yếu tố then chốt dẫn đến sự sụp đổ
của Liên Xô. (Khi Liên bang Xô Viết chính thức tan rã vào ngày Giáng sinh năm 1991, giá một thùng
dầu dao động ở mức 17 USD).

Ngoài ra, giá dầu thấp chắc chắn đã giúp cho chính quyền hậu cộng sản dưới thời Boris Yeltsin quan
tâm hơn đến luật pháp, cởi mở hơn với thế giới bên ngoài và nhanh nhạy hơn trước những hệ thống
chính sách mà các nhà đầu tư quốc tế đòi hỏi.

Sau đó, Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền. Hãy cân nhắc sự khác biệt ở Putin khi giá dầu còn
ở mức 20-40 USD/thùng với thời điểm hiện tại, khi giá dầu biến động từ khoảng 40-60 USD/thùng.

Khi giá dầu chỉ 20-40 USD/thùng, chúng ta gọi giai đoạn này là “Putin I”. Năm 2001, sau hội nghị đầu
tiên giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga, Bush cho rằng mình đã nhìn vào “tâm hồn” của Putin
và thấy đây là một người đàn ông có thể tin tưởng được.

Nhưng nếu giờ này, Bush nhìn vào “tâm hồn” của Putin - Putin II - khi giá dầu ở mức 60 USD/thùng
thì có lẽ màu sắc ấy đã khác. Bush nhận thấy rằng Putin đã sử dụng vận may bất ngờ mà vàng đen
đem lại để thâu tóm (quốc hữu hoá) công ty dầu mỏ khổng lồ Gazprom, nhiều đài truyền hình và các
hãng báo chí, tất cả các cơ sở kinh doanh và các viện đã từng hoạt động độc lập.

Khi giá dầu thấp nhất ở đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ngay cả các quốc gia nhiều dầu mỏ trong khu
vực Arập như Cô oét, Arập Xêut và Ai Cập ít nhất cũng đã đề cập đến cải cách kinh tế, cho dù nó mới
chỉ chập chững. Nhưng lúc giá dầu bắt đầu leo thang, toàn bộ tiến trình cải cách lâm vào tình trạng trì
trệ, đặc biệt trên phương diện chính trị.

Khi các nước xuất khẩu dầu mỏ ngày càng giàu có nhờ nguồn lợi mà vàng đen đem lại thì có thể dầu
mỏ đã bắt đầu bóp méo trật tự quốc tế, và trở thành đặc điểm chính của thế giới thời kỳ hậu Chiến
tranh Lạnh.

Khi bức tường Berlin sụp đổ, ngày càng có nhiều người tin rằng xu hướng mở cửa thị trường và dân
chủ hoá, vốn được cho là không thể ngăn chặn nổi, sẽ trở thành hiện thực. Các cuộc bầu cử dân chủ
diễn ra ngày càng nhiều trên khắp thế giới. Và rồi, xu hướng ấy lại trở thành làn sóng bất ngờ chống
lại chính quyền các nước xuất khẩu dầu, biến giá dầu có thể lên đến mức 60 USD. Đột nhiên, chế độ
tại các quốc gia như Iran, Nigeria, Nga và Venezuela trượt ra khỏi cái từng được gọi là quá trình dân
chủ hoá mạnh mẽ cùng với sự hiện diện của những nhà lãnh đạo chuyên quyền đang tận dụng dịp
may bất ngờ mà dầu mỏ đem lại để thâu tóm quyền lực, mua chuộc hết những phần tử đối lập và
những người ủng hộ mình, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của nhà nước đối với khu vực tư nhân,
mặc dù trước đó có nhiều người nghĩ rằng chuyện này đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ.

Mặc dù chủ nghĩa chuyên quyền tại các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ không phải là hiện thân cho mối
đe doạ về mặt tư tưởng và chiến lược như chủ nghĩa cộng sản tạo ra đối với phương Tây, nhưng ảnh
hưởng của trào lưu này có thể làm xói mòn sự ổn định của thế giới. Không chỉ một vài chính phủ có
thêm tiền trong một khoảng thời gian dài chưa từng thấy để thực hiện những việc chỉ của riêng mình,
mà ngay cả các nền dân chủ khác như Nhật Bản, Ấn Độ cũng buộc phải khúm núm hay nhắm mắt bỏ
qua trước hành vi của chính phủ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Iran hay Sudan, bởi lẽ các nền
dân chủ này phụ thuộc nặng nề vào nguồn dầu mỏ của các quốc gia trên. Điều này không hề có lợi
cho sự ổn định chính trị toàn cầu.
Hãy cho phép tôi nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, mối tương quan được trình bày qua đồ thị trên
chưa hoàn toàn chính xác, và chắc chắn bạn đọc sẽ là người chỉ ra những điểm hạn chế, nhưng tôi
thực sự tin rằng đồ thị đó minh hoạ cho một xu hướng chung mà chúng ta có thể nhận thấy trong các
chùm tin hàng ngày: giá dầu tăng rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ tự do ở nhiều quốc gia.
Và khi số quốc gia này tăng lên, điều ấy có nghĩa là nền chính trị thế giới bắt đầu bị đầu độc.

Mặc dù chúng ta không thể tác động đến nguồn cung dầu ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng ta vẫn
có thể tác động đến giá dầu thế giới bằng việc thay đổi số lượng và loại năng lượng mà chúng ta
đang tiêu thụ. Khi tôi nói “chúng ta” thì có nghĩa là tôi đang đề cập đến nước Mỹ, quốc gia tiêu thụ tới
25% năng lượng của thế giới, và người dân ở các quốc gia nhập khẩu dầu nói chung.

Nghiên cứu về những giải pháp thay thế cho các dạng năng lượng mà chúng ta đang tiêu thụ nhằm
hạ thấp giá dầu không còn là sở thích riêng của các nhà môi trường tâm huyết hay bất kỳ cá nhân
nào. Giờ đây, nó đã trở thành nhu cầu thiết yếu của nền an ninh quốc gia.

Vậy nên bất kỳ chiến lược thúc đẩy dân chủ nào của Mỹ nếu không tính đến chiến lược tìm kiếm
những giải pháp thay thế năng lượng nhằm kéo lùi giá dầu mỏ thì chiến lược đó sẽ hoàn toàn vô
nghĩa và sớm muộn phải nếm mùi thất bại.

Ngày nay, dù bạn ở giai đoạn nào của chính sách ngoại giao, bạn cũng phải suy nghĩ như một người
theo thuyết GEO-Green. Bạn sẽ không phải là người có óc thực tế trước chính sách ngoại giao hiện
đại, cũng không phải là người có óc thực tế trước trào lưu đẩy mạnh dân chủ nếu như bạn không phải
là một chuyên gia môi trường và quan tâm đến lĩnh vực năng lượng".

Thomas L. Friedman*
Nguồn: Petropolitics
Tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại), Mỹ,
Tháng 5-6/2006.
An Duyên - Phùng Thảo - Hà Anh (dịch và biên tập)
------------------------------------------
* Thomas L. Friedman là người phụ trách chuyên mục Đối ngoại của tờ The New York Times, từng
đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer và là tác giả của một số cuốn sách như: Thế giới phẳng, Chiếc
Lexus và cây ôliu.

Chiếc Lexus và cây ô liu 22:29' 13/04/2006 (GMT+7)

Để đọc cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu, bạn phải chuẩn bị tinh thần sẵn
sàng bị tác giả Thomas Friedman khiêu khích, đôi lúc đến chỗ cực
đoan. Nhưng dù tán thành hay phản bác quan điểm của tác giả, sách
buộc chúng ta phải đọc đến tận trang cuối cùng và mãi băn khoăn về
số phận con người trong cơn lốc toàn cầu hóa.

Là một cây bút bình luận quan hệ quốc tế của tờ New York Times, Thomas
Friedman có điều kiện đi khắp thế giới, tiếp xúc với đủ loại người, chứng
kiến những biến cố lịch sử. Từ những kinh nghiệm ấy, Friedman đã viết
cuốn Chiếc Lexus và cây ôliu, in lần đầu vào năm 1999 và ngay lập tức trở
thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất, được bàn tán nhiều nhất
về toàn cầu hóa. - "Chiếc Lexus và cây ô
liu"
Toàn cầu hóa, theo quan điểm của Friedman, không phải là một trào - Tác giả: Thomas
lưu thời thượng mà là một hệ thống quốc tế thay chỗ cho hệ thống chiến L.Friedman
tranh lạnh, đang trực tiếp hay gián tiếp tác động đến chính trị, môi trường, - Nxb. Khoa học Xã hội
địa chính trị và kinh tế của hầu như mọi quốc gia trên thế giới.

Nói trắng ra đó là sự bành trướng không gì ngăn cản nổi của chủ nghĩa tư bản quốc tế khi các rào cản
chính trị, địa lý, tài chính, thông tin... được tháo gỡ để tạo dòng chảy thoải mái cho đồng vốn, công
nghệ đi khắp thế giới, tác động đến từng cá nhân và lối sống của họ. Thúc đẩy cho cơn lốc toàn cầu
hóa này là các định chế quốc tế như WTO, IMF và các tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực công
nghệ thông tin và viễn thông.

Trong hệ thống này, mọi quốc gia phải tuân thủ luật chơi khắc nghiệt mà Friedman gọi là “chiếc
vòng kim cô” như Tôn Ngộ Không từng phải mang. Còn những nhà tư bản tài chính, xua đồng vốn –
cả trực tiếp lẫn gián tiếp – của mình đến bất kỳ đâu kiếm ra lợi nhuận nhiều nhất được gọi là “bầy thú
điện tử”.

Nếu đáp ứng đúng luật chơi, tức là mở cửa thị trường, thả nổi và tư nhân hóa nền kinh tế, một quốc
gia mới mong cạnh tranh và mời được “bầy thú” vào nhà, cuộc sống của người dân sẽ nhanh chóng
được cải thiện. Còn ngược lại, nếu luật lệ tù mù, xã hội thiếu minh bạch, quyền lực rơi vào một nhóm
người, “bầy thú” sẽ bỏ đi, giẫm nát luôn mọi thứ trên đường tháo chạy.

Dĩ nhiên “bầy thú” sẽ tác động gây áp lực để các quốc gia phải chịu khoác vòng kim cô, ngoan ngoãn
sửa đổi luật lệ cho chúng dễ hoạt động. Chúng làm vậy không phải là để cổ vũ cho một nền dân chủ
mà là để tăng khả năng dịch chuyển và bảo vệ tài sản.

Friedman khẳng định ông “hoàn toàn hiểu rõ những mặt trái của toàn cầu hóa”. Bởi theo ông,
đứng về mặt văn hóa, toàn cầu hóa hiện nay bao gồm một quá trình “Mỹ hóa” - dù tốt hay xấu. Trong
hoàn cảnh đó, con người không còn lựa chọn nào khác mà phải “hội nhập”, trở thành những con
người cô đơn, xã hội giảm tính người, và quốc gia có nguy cơ đánh mất những giá trị văn hóa truyền
thống của mình mà Friedman hình tượng hóa thành những cây ôliu.

Toàn cầu hóa còn có tiềm năng hủy diệt môi trường, phá hủy hệ sinh thái trên quy mô lớn. Ông viết:
“Toàn cầu hóa có thể tiếp sức vô hạn nhưng cũng có thể chèn ép con người vô cùng. Toàn cầu hóa
có thể phân bổ các cơ hội nhưng cũng khiến tràn lan sự hoang mang”.

Những điều nói trên thật ra không có gì mới nhưng lối viết sách của Friedman lôi cuốn người đọc vì
ông dùng rất nhiều mẩu chuyện cụ thể để minh họa lập luận của mình – từ các lần gặp gỡ nguyên thủ
nhiều nước với những tình tiết hấp dẫn đến các câu chuyện đời thường sinh động.

Tuy nhiên đến phần thứ ba của cuốn sách, Friedman hình như không còn giữ được tính khách
quan của một nhà báo. Say sưa trước hình ảnh về một hệ thống quốc tế hoàn hảo, Friedman cho
rằng động lực toàn cầu hóa sẽ xóa nạn tham nhũng, cửa quyền, sẽ lành mạnh hóa bộ máy hành
chính, minh bạch hóa thị trường, sẽ dẫn đến tự do báo chí - nói chung là tạo ra một quá trình dân chủ
hóa mạnh mẽ. Sức mạnh toàn cầu hóa mà mô hình mẫu mực là xã hội Mỹ, theo ông, sẽ chữa lành
các căn bệnh của thế giới!

Ngay sau lần xuất bản thứ nhì của cuốn sách vào năm 2000, liên tiếp xảy ra những sự kiện: sự sụp
đổ của hàng loạt công ty Internet, vụ khủng bố 11-9 và hàng loạt vụ bê bối trong nội tình nhiều đại
công ty trên thế giới như Enron (được Friedman ca tụng trong cuốn sách này), WorldCom, Tyco...
Phải chăng trong bản thân “bầy thú” cũng có những “con thú đầu đàn” quá đam mê lợi nhuận riêng đã
phá vỡ qui luật cuộc chơi, để đến nay người ta vẫn đang còn phải bàn cách quay trở về những qui tắc
căn bản của quản trị doanh nghiệp nhằm quản lý chính “bầy thú”.

Chính Friedman cũng thừa nhận trong hệ thống toàn cầu hóa, quyền lực được chia sẻ giữa các nhà
nước và các thế lực trên thị trường tài chính. Sẽ không có gì bảo đảm một khi nhà nước kết nối được
với “bầy thú” tìm ra phương cách hoạt động có lợi cho cả hai thì quần chúng không còn là một yếu tố
phải tính đến. Tức là một bên cứ tham nhũng, lạm quyền và bên kia cứ ung dung nhai nát đồng cỏ,
không còn chừa chút thức ăn nào cho người dân.

Cái nữa là phương cách Friedman cho rằng các nước có thể dùng để tận dụng lợi thế của “bầy thú”
vừa tránh được khả năng bị chúng giày xéo các đồng cây ôliu đó là bộ lọc văn hóa, phong trào bảo vệ
môi trường, mạng lưới phúc lợi xã hội – nói chung chỉ là những chuyện mang tính hình thức hơn là đi
thẳng vào bản chất vấn đề. Những ví dụ Friedman đưa ra trong phần này như nỗ lực bảo vệ những
khu rừng nhiệt đới vùng Amazon không mang tính điển hình mà nặng phần trình diễn hơn.
Trong phần nói về chống toàn cầu hóa, Friedman nhắc đến những con người không có kỹ năng
hay sức lực để gia nhập thế giới toàn cầu hóa là những con rùa. Vấn đề không chỉ ở chỗ những con
người không thể chạy nhanh chống đối toàn cầu hóa vì cảm thấy bị thua thiệt, bị hất hủi. Họ cũng
không thể đi học lại những kỹ năng mới để đảm nhận những công việc mới khi công việc cũ của họ bị
dịch chuyển đến nơi lao động rẻ hơn.

Đơn giản chỉ vì họ không muốn bị đẩy vào thế không còn tự do chọn lựa cách sống, lối sống phù hợp
với cá nhân họ, không muốn phải từ bỏ giá trị cũ để chấp nhận giá trị mới cho dù nó có hào nhoáng
hơn. Và đấy là bi kịch lớn nhất của toàn cầu hóa mà Friedman quên nhắc đến trong Chiếc Lexus và
cây ôliu.

Nguyễn Vạn Phú


Tuổi trẻ

Nhân đạo hoá quá trình toàn cầu hoá 19:54' 01/06/2006 (GMT+7)

Trong một thế giới đang mất cân bằng do tác động mạnh mẽ của toàn cầu hoá lên từng quốc
gia và từng cá nhân con người, nhân đạo hoá có thể được xem như một hướng đi tích cực để
xoá dần những mảng tối trên bức tranh chung. Chuyên trang Lanhdao.net xin trích dịch bài
phát biểu của Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy về vấn đề này.

..."Chúng ta có cần và phải nhân đạo hoá quá trình toàn cầu hoá hay không? Tại sao chúng ta lại tự
đặt ra cho mình câu hỏi đó?

Theo quan điểm của tôi, ngày càng có nhiều người đòi hỏi chúng ta phải làm cho quá trình toàn cầu
hoá mang tính nhân văn hơn do những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hoá gây ra đối với một số
người. Và chúng ta nên quan tâm đến những tác động của toàn cầu hoá lên từng cá nhân. Theo
nghĩa này, tôi hoàn toàn nhất trí với Tổng thống Chile Ricardo Lagos: “Con người cần phải được đặt ở
vị trí trung tâm của thế giới mà chúng ta đang xây dựng, một thế giới không chỉ cho phép tư duy, sáng
tạo và mơ ước, mà còn có thể đối thoại và hợp tác với nhau”.

Từ định nghĩa toàn cầu hoá

Toàn cầu hoá có thể được hiểu như là một giai đoạn lịch sử mà trong đó có sự mở rộng không ngừng
của chủ nghĩa tư bản thị trường, tương tự như nó đã từng xảy ra ở thế kỷ XIX, gắn liền với cách
mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghệ gần đây đã làm thay đổi xã hội một cách căn bản,
cũng chính nó dẫn đến một sự tái kết hợp các lực lượng kinh tế và xã hội với nhau trên một phạm vi
lãnh thổ mới.

Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng, toàn cầu hoá và xu hướng mở cửa thị trường đã có những tác
động rất tích cực, nhưng cũng gây ra một số hậu quả tiêu cực khác.

Toàn cầu hoá đã giúp cho các cá nhân, các tập đoàn và các quốc gia dân tộc có thể gây ảnh hưởng
tới các hoạt động và các sự kiện trên toàn thế giới một cách nhanh hơn, sâu sắc hơn và thuận tiện
hơn bao giờ hết. Đồng thời, chúng cũng mang lại lợi ích cho chính họ. Toàn cầu hoá không những
dẫn đến sự mở cửa thị trường, xoá bỏ nhiều hàng rào ngăn cản và có tiềm năng mở rộng tự do, dân
chủ, đổi mới, trao đổi văn hoá-xã hội mà còn tạo ra những cơ hội hiếm có để đối thoại và hiểu biết lẫn
nhau.

Nhưng toàn cầu hóa cũng sản sinh ra ngày càng nhiều các vấn đề mang tính toàn cầu đáng e ngại -
như sự khan hiếm các nguồn năng lượng, sự phá huỷ môi trường và các thảm hoạ thiên nhiên (như
cơn bão Katrina và sóng thần ở châu Á mới đây), sự lây lan các đại dịch (AIDS, cúm gia cầm), sự phụ
thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các nền kinh tế và các thị trường tài chính và sau đó là mức độ
phức tạp của việc phân tích, dự đoán và dự báo (các cuộc khủng hoảng tài chính), cuối cùng là phong
trào di cư bắt nguồn từ tình trạng bất an, nghèo đói và bất ổn chính trị.
Có thể cho rằng trong một số trường hợp thì toàn cầu hoá đã thực sự làm cho kẻ mạnh trở nên mạnh
hơn và làm kẻ yếu trở nên yếu đi.

Đây chính là tính chất hai mặt của toàn cầu hoá mà chúng ta cần phải tìm kiếm những giải pháp mới
nếu chúng ta muốn “nhân đạo hoá quá trình toàn cầu hoá”.

Để thực hiện điều đó, chúng ta cần “cải cách quá trình toàn cầu hoá” theo một quan điểm rõ ràng
nhằm thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế và sinh thái học. Điều này
còn phù hợp với những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà chúng ta có thể đạt được thông qua
“cuộc cải tổ toàn cầu hoá từ bên trong và vì mục đích phát triển”.

Không ai tranh cãi rằng khoảng cách giữa những thách thức toàn cầu và các phương thức tìm kiếm
giải pháp truyền thống, các thiết chế truyền thống của chúng ta ngày càng lớn. Một trong những hậu
quả đáng kể nhất của sự cách biệt này - quan niệm về sự bất lực của con người và những hạn chế
chính trị của các chính phủ - gây ra hai tác động. Thứ nhất, nó tác động đến niềm tin và sự tin cậy
trong hệ thống quản lý quốc gia và thứ hai, nó phá vỡ mọi hy vọng về khả năng gây ảnh hưởng tới
tương lai của ai đó. Tương lai trở thành một vấn đề đáng phải lo lắng, bởi lẽ các công dân không có
niềm tin vào một thuyền trưởng có khả năng chèo lái vận mệnh của họ.

Bàn về sự quản lý toàn cầu

Không phải toàn cầu hoá tạo ra cảm giác lo lắng, mà do không có đầy đủ các phương tiện để giải
quyết nó một cách ổn thoả. Nói cách khác, vấn đề e ngại chính là do không có một sự quản lý ở mức
độ toàn cầu. Những vấn đề mới nổi lên từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu và một số diễn biến chính
trị nhất định buộc chúng ta phải nghĩ đến các hình thức quản lý mới.

Để giải quyết các vấn đề, các nguy cơ, nỗi sợ hãi toàn cầu một cách phù hợp, chúng ta cần phải gia
tăng việc quản lý toàn cầu để có thể đối đầu với những thách thức toàn cầu đang nảy sinh.

Đồng thời, toàn cầu hoá cần phải được nhân đạo hóa: nếu như những giải pháp đưa ra cần phải có
tính toàn cầu thì những tác động tiêu cực đối với các cá nhân và xã hội cũng cần được giải quyết. Để
đạt được điều này, chúng ta cần phải tìm kiếm những giải pháp toàn cầu để đối phó với các tác động
tiêu cực của toàn cầu hoá ở mọi cấp độ - từ cấp độ cá nhân đến cộng đồng và toàn cầu.

Có hai điểm tôi muốn trao đổi:

1. Cải cách quá trình toàn cầu hoá cần phải củng cố công tác “quản lý toàn cầu”;

2. Thông qua thương mại quốc tế, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những cơ hội và cả những khó khăn của
việc quản lý này.

Quản lý toàn cầu là gì? Sự tương thuộc của thế giới này có thể được quản lý tốt hơn đến mức
nào?

Theo tôi, việc quản lý toàn cầu cần phải có một hệ thống có khả năng giúp cho xã hội đạt được những
mục tiêu chung theo một cách thức bền vững, tức là nó phải đi đôi với sự bình đẳng và công bằng.
Sự tương thuộc này đòi hỏi luật pháp, các quy tắc xã hội, các giá trị và các cơ chế khác tạo nên hành
vi của con người - như gia đình, giáo dục, văn hoá, tôn giáo... - cần được xem xét, tìm hiểu và phối
kết hợp với nhau càng chặt chẽ càng tốt để bảo đảm cho sự phát triển chung bền vững và hiệu quả.

Theo quan điểm của tôi, muốn tạo cơ sở cho việc củng cố và thúc đẩy sự tương thuộc của thế giới,
chúng ta cần ít nhất 3 yếu tố sau:

Trước hết, chúng ta cần có những giá trị chung: những giá trị cho phép cảm giác của chúng ta hướng
về một cộng đồng thế giới, cho dù nó còn rất sơ khai, để có thể cùng nhau tồn tại với những khác biệt
về mặt dân tộc. Toàn cầu hoá tạo cơ hội giao tiếp cho những con người và những xã hội mà trong
quá trình lịch sử đã có những lựa chọn đôi khi giống nhau, nhưng đôi khi cũng rất khác nhau. Chính vì
vậy cần phải có một cuộc tranh luận về các giá trị tập thể, sau đó là các giá trị khu vực và toàn cầu.
Cuộc tranh luận về các giá trị chung này có thể cho phép chúng ta xác định được những giá trị và lợi
ích chung mà chúng ta cùng phát triển và duy trì trên quy mô toàn cầu. Bản chất có tính hệ thống của
các giá trị tốt đẹp này đòi hỏi sự luận giải rất khác biệt từ những mục tiêu khác của hợp tác quốc tế.
Những lợi ích chung này sẽ tạo cơ sở cho việc quản lý toàn cầu.

Chúng ta cần ủng hộ cho quá trình tiến đến bản Hiến chương toàn cầu về các giá trị, một bước tiến
so với Hiến chương Liên Hợp Quốc về các quyền đã ra đời 60 năm trước đây. Về điều này, tôi chia sẻ
quan điểm với Ricardo Lagos khi ông nói: “Chúng ta cần kiên trì nỗ lực để bảo đảm tự do và dân chủ
tiếp tục lan toả và bám rễ trên toàn thế giới, bởi nó mới là cách xây dựng một thế giới không chỉ công
bằng, mà còn an toàn hơn cho tất cả mọi người”.

Thứ hai, chúng ta cần những chủ thể có đủ tính hợp pháp để thu hút công luận quan tâm đến cuộc
tranh luận này - những người có thể chịu trách nhiệm về những hậu quả của nó và có thể giải trình về
nó. Chúng ta cũng phải đảm bảo rằng những lợi ích chung của mọi người được xem xét trong quá
trình quản lý các mối quan hệ quốc tế và trong cách thức chúng ta vận hành các hệ thống giá trị,
quyền và nghĩa vụ có tính chất khu vực và toàn cầu. Sự tương thuộc mà thống nhất chúng ta lại với
nhau có thể nhìn thấy ở nhiều cấp độ hoạt động của con người. Những tồn tại và khó khăn mà chúng
ta phải đối mặt, có thể ở cấp địa phương, khu vực hoặc toàn cầu, đều là những lợi ích cần được bảo
vệ. Kết quả là, tiếng nói đại diện cho các lợi ích chung cần phản ảnh đầy đủ và phù hợp với khát vọng
của những cộng đồng chịu ảnh hưởng đặc biệt từ quá trình toàn cầu hoá cũng như các kênh truyền
tải của nó. Các tổ chức quốc tế có tư cách pháp lý riêng và do đó có khả năng tiềm tàng trong việc
đưa ra những quyết định nhằm thúc đẩy lợi ích của thiết chế và các thành viên của nó. Nhưng các tổ
chức này lại không có những phương tiện, công cụ và trách nhiệm chính trị cho phép họ có thể đóng
một vai trò có tính quyết định hơn.

Thứ ba, chung ta cần thừa nhận rằng, chủ nghĩa đa phương là thiết yếu; chúng ta cần những cơ chế
quản lý thực sự hữu hiệu và có thể kết nối các giá trị và lợi ích lại với nhau một cách hợp pháp. Đó có
thể được xem như những cơ chế bảo đảm sự tôn trọng đối với các quy tắc, hay các chuẩn mực của
luật pháp quốc tế.

Nhưng chúng ta không phải xuất phát từ vạch đích! Đã có một số nền tảng của việc quản lý trong các
mối quan hệ quốc tế và chúng ta có thể học hỏi được cách thức để củng cố việc quản lý toàn cầu.

Thông qua thương mại tự do, chúng ta có thể hiểu rõ hơn các cơ hội và thách thức của sự
quản lý này

Mặc dù thương mại quốc tế không phải là khía cạnh duy nhất, nhưng đó là khía cạnh rất dễ nhận thấy
của toàn cầu hoá. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - người quản lý các quy tắc thương mại -
đang ở chính trung tâm của việc quản lý toàn cầu.

Về cơ bản, tôi thừa nhận rằng, hệ thống thương mại quốc tế và những lợi ích của nó thuộc về tất cả
chúng ta - đó là một ích lợi chung của cộng đồng quốc tế. Và điều này mang nhiều hàm ý. Mọi người
phải được thụ hưởng giá trị phát sinh từ khả năng sinh lợi cao nhất của tài sản - kết quả của việc xoá
bỏ những biến dạng toàn cầu về giá cả và là động lực thúc đẩy các quốc gia sản xuất theo lợi thế
cạnh tranh của mình. Theo Ernesto Zedillo, WTO là công cụ duy nhất có thể được sử dụng để chuyển
tải lợi ích chung toàn cầu của thương mại đa phương không mang tính chất phân biệt đối xử. Tôi nhất
trí với ông ấy, bởi lẽ về cơ bản, những lợi ích của WTO cần phải thuộc về tất cả mọi người.

WTO là một hệ thống quản lý nhỏ mà ở đó chúng ta đã có một vài yếu tố đang vận hành: chúng ta có
một hệ thống đa phương ghi nhận những giá trị khác nhau, bao gồm sự đồng thuận về những lợi ích
có được từ việc mở cửa thị trường và cả những giá trị khác như việc tôn trọng tôn giáo và quyền bảo
vệ môi trường. Và ngày nay, mọi người đều thừa nhận rằng các giá trị phi thương mại thậm chí còn
quan trọng hơn những toan tính thương mại trong một số trường hợp. Chúng ta có một hệ thống dựa
trên cơ sở nhà nước và chính phủ, nhưng nó cũng có khả năng thích ứng để xem xét những vấn đề
mới trên chính trường quốc tế và chúng ta còn có một hệ thống với cơ chế giải quyết các tranh chấp
rất vững vàng.

Nhưng hệ thống thương mại quốc tế và WTO còn lâu mới được hoàn thiện và còn phải làm rất nhiều
điều nữa mới có thể cải thiện được. Để cho quá trình mở cửa thị trường có thể sản sinh ra những lợi
ích thực sự trong đời sống thường nhật ở các nước có liên quan, chúng ta cần có những nguyên tắc
điều chỉnh bảo đảm năng lực xây dựng và nó có thể thúc đẩy các nước thành viên cải thiện việc quản
lý nội bộ của mình.

Nhưng khi quá trình mở cửa thị trường được thúc đẩy bởi WTO có khả năng sản sinh ra những lợi ích
cho nhiều người, thì nó cũng đòi hỏi những cái giá vượt quá tầm kiểm soát của WTO.

Chúng ta không thể bỏ qua những chi phí cho việc điều chỉnh, đặc biệt là đối với các nước đang phát
triển và những vấn đề có thể nảy sinh do quá trình mở cửa thị trường. Những điều chỉnh này không
thể xếp vào đấy cho tương lai: chúng phải là một phần không thể thiếu của chương trình mở cửa thị
trường. Chúng ta phải tạo ra một “sự đồng thuận Geneva” mới: một cơ sở mới cho việc mở cửa
thương mại liên quan đến chi phí của sự điều chỉnh. Mở cửa thương mại là cần thiết, nhưng vẫn chưa
đủ. Nó cần có sự hỗ trợ để: giúp cho những nước kém phát triển nhất có thể xây dựng các nguồn vốn
và nhờ đó xây dựng năng lực sản xuất và hậu cần thích hợp; gia tăng năng lực đàm phán và thực thi
các cam kết được tiến hành trong hệ thống thương mại quốc tế; và giải quyết sự mất cân bằng giữa
những người thắng và kẻ thua do quá trình mở cửa thương mại- điều đang ngày càng trở nên nguy
hiểm hơn đối với các nền kinh tế, các cộng đồng và các nước yếu kém hơn. Việc xây dựng năng lực
cần thiết để thu được lợi ích từ các thị trường mở hoặc giúp đỡ các nước đang phát triển tự điều
chỉnh mình hiện là một phần trong chương trình nghị sự chung toàn cầu của chúng ta.

Một phần của thách thức này nằm dưới sự kiểm soát của WTO, nhưng vai trò then chốt của WTO là
mở cửa thương mại; chúng ta thiếu năng lực thể chế để có thể hình thành và lãnh đạo các chiến lược
phát triển. Thách thức đối với việc nhân đạo hoá quá trình toàn cầu hoá đòi hỏi sự tham gia của các
tổ chức khác trên trường quốc tế: đó là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) và hệ
thống Liên Hợp Quốc.

Thay cho lời kết

Tôi vẫn thừa nhận rằng, nhiệm vụ mở của thị trường của WTO thể hiện sự đóng góp to lớn đối với
quá trình phát triển của nhiều người trên hành tinh chúng ta. Ủng hộ các chiến lược phát triển bền
vững, trong đó lưu tâm đến các lợi ích cá nhân và tập thể của tất cả mọi người, sẽ góp phần đáng kể
vào việc nhân đạo hoá quá trình toàn cầu hoá.

Toàn cầu hoá gắn liền với hợp tác quốc tế. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng nếu như chúng ta muốn
chung sống cùng nhau và sẵn sàng cùng hợp tác; chúng ta phải đầu tư cho hợp tác quốc tế. Sự hợp
tác này đòi hỏi quyết tâm và nghị lực chính trị, đồng thời thừa nhận cuộc tranh luận về những lợi ích
và chi phí cho quá trình hợp tác.

Khi xem xét ảnh hưởng tiềm tàng của nó đối với các cá nhân, chúng ta cần chính trị hoá quá trình
toàn cầu hoá. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn làm giảm nhẹ những tác động của toàn cầu hoá,
chúng ta cần bổ sung thêm vào logic tính hiệu quả của chủ nghĩa tư bản thị trường của WTO cùng
mối quan tâm mới đối với những điều kiện có lợi cho sự phát triển. Để làm được điều đó, chúng ta
cần nhớ rằng, thương mại chỉ là một công cụ nâng cao điều kiện sống của con người; và trong quá
trình xem xét bất cứ vấn đề nào thì sự ảnh hưởng của các quy tắc lên con người phải luôn được đặt
ở vị trí trung tâm. Chúng ta phải làm việc trước hết vì con người và vì hạnh phúc của toàn nhân loại.

Tôi muốn tin rằng, “sự đồng thuận Geneva” mới sẽ thành công khi góp phần vào tiến trình nhân đạo
hoá quá trình toàn cầu hoá và thiết lập nên sự công bằng và bình đẳng hơn nữa".

Pascal Lamy
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Nguồn: Humanising globalization
WTO News, Bài phát biểu tại Santiago, Chile, ngày 30/1/2006.
(Xuân Tùng - Hà Anh dịch)

Thuyết phụ thuộc hay chuyện chống toàn cầu hóa thực sự đến từ đâu? 18:21' 10/05/2006 (GMT+7)
Những lợi ích và khó khăn của toàn cầu hóa đang làm nảy sinh nhiều câu hỏi về sự ràng buộc
lẫn nhau. Trước vấn đề này, Giáo sư tài chính quốc tế và phát triển của Đại học Harvard - ông
Andrés Velasco - đưa ra quan điểm liên quan đến thuyết phụ thuộc với ví dụ về các nước
Mỹ Latinh. Với họ, ranh giới Bắc - Nam, bá quyền hay phụ thuộc, đóng cửa hay hội nhập... chốt
cho cùng vẫn là: Phải luôn thực dụng!

Từ những năm 1980...

Cảnh tượng đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Đó là vào đầu những năm 1980, khi những tên
bù nhìn của chính quyền Reagan ở Trung Mỹ và Grenada vẫn đang khốn khổ với phong trào cánh tả
ở đây. Đám đông chen chúc ngồi chật kín đợi chờ trong hội trường của Đại học Yale, lướt qua những
bản sao quăn mép của cuốn sách “Phụ thuộc và phát triển ở Mỹ Latinh”, một kiệt tác của thuyết phụ
thuộc.

Một trong những tác giả của cuốn sách này, nhà xã hội học người Brazil Fernando Henrique Cardoso
(sau này trở thành Tổng thống Brazil), đã đến dự. Trang phục của ông đã gây ra cú sốc đầu tiên.
Cardoso, lúc đó là thượng nghị sỹ bang São Paulo, xuất hiện trong bộ đồ màu xanh hoàn hảo, chứ
không phải là bộ đồ lao động như nửa số người tham dự ở đó mong chờ.

Sau khi ông nói một chút về chiến thuật chính trị của Brazil, chứ không phải về hạn chế của chủ nghĩa
đế quốc, một người phụ nữ mặc áo choàng đưa ra câu hỏi đầu tiên: Liệu dân chủ có ý nghĩa gì ở
Brazil không khi mà không có chủ nghĩa xã hội? Ông Cardoso trả lời: Có. Và xây dựng xã hội chủ
nghĩa không còn là vấn đề nữa, mà vấn đề giờ là hoàn thiện chủ nghĩa tư bản.

Các sinh viên ngồi phía dưới nhìn chằm chằm vào ông với sự hoài nghi và sớm bắt đầu tản đi.

... nó là cái gì?

Thuyết phụ thuộc là học thuyết về sự kém phát triển: các nước nghèo bị dồn ra vùng ngoại vi của nền
kinh tế thế giới sẽ không thể phát triển được khi mà họ vẫn còn làm nô lệ cho các nước giàu ở trung
tâm.

Thuyết phụ thuộc cũng là một tôn giáo, nó tạo nên thuyết vũ trụ cho một thế hệ những người cánh tả
châu Mỹ Latinh vào những năm 1960, 1970 và một thế hệ các nhà lãnh đạo từ Tổng thống Chilê
Salvador Allende tới các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa Nicaragoa. Các trường đại học Mỹ đã đón
chào thuyết phụ thuộc với niềm say mê đầy hứng khởi, cũng như đối với các học thuyết nước ngoài
khác.

Hoà cùng với luận điệu thời đại Việt Nam, thuyết phụ thuộc đã trở thành công cụ rất hữu hiệu - nó đổ
tất cả trách nhiệm liên quan đến các vấn đề của thế giới thứ ba lên trung tâm bá quyền, đặc biệt là
Mỹ. Chính Cardoso cũng đã lo lắng về xu hướng này. Trong bài “Sự tiếp thu thuyết phụ thuộc ở Mỹ”
đăng trên Tạp chí nghiên cứu châu Mỹ Latinh năm 1977, ông đã công kích cả sự đơn giản hóa cũng
như quan điểm cho rằng tất cả các vấn đề của châu Mỹ Latinh đều do nước ngoài gây ra.

Hai xu hướng trong thuyết phụ thuộc

Xu hướng cấp tiến, do nhà kinh tế André Gunder Frank và Amir Samin khởi xướng, cho rằng sự phát
triển của khu vực trung tâm phải đánh đổi bằng những mất mát của khu vực ngoại vi.

Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là phải xoá bỏ sự liên kết với nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, thuyết phụ thuộc cấp tiến đã gặp phải một số vấn đề. Một số học viên cao
học đã cố gắng tìm ra một mối liên hệ tích cực giữa sự mở rộng ở phương Bắc và sự suy thoái ở
phương Nam nhưng không thành. (Lúc đó, cũng như bây giờ, đối với các nước đang phát triển, sự
bùng nổ ở Mỹ và châu Âu thường đi cùng với sự phát triển ở các nước đang phát triển). Họ chỉ có thể
chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa sự thịnh vượng của phương Bắc và sự nghèo đói của
phương Nam. Chỉ có Albani và CHDCND Triều Tiên là thử áp dụng nền kinh tế thực dụng tiền thế giới
cùng các hậu quả lường trước được.
Chính Gunder Frank, giờ là thành viên cao cấp của Trung tâm lịch sử thế giới ở Đại học Đông Bắc,
gần đây đã công nhận rằng xoá bỏ sự liên kết trong nền kinh tế thế giới “chưa bao giờ là một chính
sách có thể tồn tại và mang lại kết quả.”

Một phiên bản ôn hòa hơn của thuyết phụ thuộc do Cardoso và Enzo Faletto đồng tác giả cùng một
số người khác như học giả người Chi-lê Osvaldo, học giả người Mêhicô Pedro Paz thì có vẻ hữu ích
hơn.

Thuyết này cho rằng dưới chủ nghĩa tư bản, cả người giàu và người nghèo đều có thể phát triển
nhưng không được hưởng lợi như nhau. Thuyết này khi đi vào thực tiễn đã không mang lại nhiều thay
đổi. Giống như quan điểm của Uỷ ban kinh tế châu Mỹ Latinh của LHQ (ECLAC) thì đó là sự kết hợp
giữa chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa Keynes vốn được biết đến với cái tên là quá trình công nghiệp
hoá thay thế nhập khẩu.

Sau bức tường thuế quan, cùng với trợ cấp rất rộng rãi của Nhà nước và một chính sách tài chính
năng động cùng việc giảm kế hoạch hoá tập trung ở một số ngành nghề, các nước nghèo có thể hy
vọng giảm sự phụ thuộc của mình vào khu vực trung tâm và phát triển một cách tự chủ.

Tại sao nền kinh tế toàn cầu lại bị cho là một nguy cơ? Bởi vì, theo nhà kinh tế Áchentina Raul
Prebisch, giá của hàng hoá sơ cấp thường có xu hướng giảm tương đối so với giá của các hàng hoá
sản xuất hàng loạt. Nếu một nước bị dính vào sản xuất đồng hay bông, thì sức mua của hàng xuất
khẩu của họ sẽ giảm (hay ít ra là giữ nguyên). Khả năng nhập khẩu, đầu tư và phát triển của họ cũng
sẽ như vậy. Những người sản xuất hàng hoá sơ cấp sẽ trở nên nghèo hơn một cách tương đối theo
thời gian.

Không mấy hiệu quả?

Quan điểm này đã hình thành tư duy phát triển trong ít nhất là nửa thế kỷ. Cuối cùng nó cũng chứng
tỏ là không đúng.

Nhà lịch sử kinh tế ở Đại học Harvard Jeff Williamson gần đây đã lập luận rằng giữa năm 1870 và
Chiến tranh thế giới thứ nhất (giai đoạn Prebisch đã nghiên cứu), các tỷ lệ thương mại (tức là tỷ lệ
giữa giá xuất khẩu và nhập khẩu) đã không giảm đi đối với các nhà sản xuất hàng hoá. Nhiều nghiên
cứu khác đã xem xét hiện tượng đó đối với thế kỷ 20 và cũng kết luận rằng, nhìn một cách hệ thống
thì các sản phẩm sơ cấp không hề trở nên rẻ hơn tương đối so với hàng hoá sản xuất hàng loạt.

Nếu thuyết phụ thuộc có những thất bại của nó, thì các chính sách mà nó sinh ra cũng vậy.

Quay lưng lại với nền kinh tế thế giới đã là một ý tưởng hay trong cuộc Đại suy thoái (1929-1933 ở
Mỹ), lúc đó thế giới thực sự thù hằn lẫn nhau. Như nhà kinh tế nổi tiếng người Cuba Carlos Díaz-
Alejandro chỉ ra trước đây rất lâu, các nước châu Mỹ Latinh đã từ bỏ bản vị vàng, phá giá đồng tiền
của mình và cho các ngành công nghiệp địa phương được bảo hộ nhiều hơn thì họ có được sự phát
triển tốt hơn.

Nhưng bảo hộ có ít ý nghĩa hơn khi thương mại thế giới mở rộng sau Chiến tranh thế giới II. Nó cũng
dẫn tới sự không hiệu quả và bóp nghẹt những tiến bộ về công nghệ. Cũng có giai đoạn một số nước
như Mêhicô và Brazil có được tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng theo thời gian, ngay cả những người
ủng hộ nhiệt thành nhất cho quá trình công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu cũng phải nhận ra rằng
chính sách đó không phải là liều thuốc tiên như họ thường nói.

Phần còn lại của câu chuyện đã được rất nhiều người biết đến. Châu Mỹ Latinh đã bắt đầu một giai
đoạn tự do hoá thương mại mạnh mẽ và tự mở cửa ra thế giới. Một số ngành nghề (như các dây
chuyền sản xuất của Mêhicô và hoa quả, rượu của Chilê) đã bung ra, còn các ngành khác tụt hậu.
Trong bất cứ sự phát triển thần kỳ nào, ví dụ như ở Chilê (và gần đây hơn là của Cộng hoà
Đôminica), thì đều có hai thảm hoạ phát triển. Hội nhập cũng không phải là liều thuốc tiên – không có
chính sách nào như thế cả.

Thực dụng trên hết


Tuy nhiên chính phủ các nước Mỹ Latinh vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hội nhập, họ giảm thuế
quan và ký kết các hiệp định khu vực mặc dù nền kinh tế thế giới đang suy thoái. Những chính sách
này không chỉ đơn giản được sinh ra từ niềm tin rằng nền kinh tế mở tốt hơn rất nhiều so với nền kinh
tế đóng. Sự tự do hoá thương mại và đầu tư ở đây cũng vẫn là một nhu cầu của số đông: Không
chính trị gia Mỹ Latinh nào muốn để cho những cử tri của mình không có được các hàng hoá nhập
khẩu mà họ đã quen dùng và dịch vụ điện thoại tốt hơn rất nhiều do các công ty viễn thông tư nhân
(và thường là sở hữu nước ngoài) cung cấp.

Vì thế, những Tổng thống Mỹ Latinh đắc cử với số phiếu cao khi tham dự các cuộc họp của Tổ chức
thương mại thế giới đều đã kêu gọi toàn cầu hơn nữa chứ không đối đầu với quá trình này. Họ xếp
hàng để ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ trong khi tránh những hòn đá từ giới sinh viên Mỹ và
châu Âu - những người lên tiếng vì người nghèo trên toàn thế giới.

Những chính trị gia Mỹ Latinh đó không hề ngây thơ. Họ hiểu rằng toàn cầu hoá cần các biện pháp
bảo vệ và các quy định nếu nó làm lợi cho người nghèo. Quan điểm của họ rất thực dụng.

Niềm say mê hứng khởi, lần này là chống lại toàn cầu hoá, một lần nữa lại đến từ phương Bắc. Rất ít
thay đổi kể từ đầu những năm 1980.

Andrés Velasco
Giáo sư tài chính quốc tế và phát triển, Đại học Harvard
Nguồn: Dependency Theory
Tạp chí Chính sách đối ngoại (Mỹ)
(Anh Ngọc dịch)
"Giá trị Châu Á" ở đâu trong sự trỗi dậy của Đông Á? 22:29' 19/05/2006 (GMT+7)

Khoảng một thập kỉ trước, Đông Á và những “giá trị Châu Á” luôn là chủ đề nóng hổi. Nhiều
người tin rằng văn hoá đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế một cách phi thường
ở Đông Á - điều mà Ngân hàng Thế giới gọi là “sự thần kỳ”. Nhiều quốc gia thuộc thế giới
thứ ba cố tìm đường thoát nghèo, nhưng dường như chỉ có các nước Đông Á là thành công
toàn diện? Bài viết của Tiến sĩ Khoa học chính trị Fareed Zakaria, Tổng biên tập tạp chí
Newsweek International.

Có phải nhờ văn hoá?

Với thuyết "giá trị Châu Á", Lý Quang Diệu - nhà lãnh đạo lớn của Singapore, nay là một học giả uyên
thâm hàng đầu thế giới - đã lí giải quá trình làm cho nền văn hoá độc đáo của đạo Khổng lan tràn
khắp các quốc gia Châu Á.

Rất nhiều học giả tán thành quan điểm này, nhưng có lẽ không ai ủng hộ nó mạnh mẽ như Joel Hot
Kin. Là tác giả của cuốn sách được ưa chuộng "Các bộ lạc" (xuất bản năm 1993), ông cho rằng: nếu
ai muốn thành công trên lĩnh vực kinh tế trong thế giới hiện đại này thì người đó phải là người Do
Thái, người Ấn Độ, nhưng tốt nhất phải là người Trung Quốc.

Phải thú nhận rằng, ban đầu, tôi thấy quan điểm này rất hấp dẫn bởi lẽ tôi là người gốc Ấn Độ. Nhưng
rồi tôi băn khoăn, nếu như trở thành người Ấn Độ là chìa khoá dẫn tới thành công về kinh tế, thì điều
gì sẽ lý giải cho nền kinh tế ảm đạm của Ấn Độ suốt bốn thập niên sau khi giành độc lập năm 1947,
cũng như tình cảnh bi đát vốn đã diễn ra ở nước này từ hàng trăm năm trước?

Người ta cũng có thể đặt ra câu hỏi tương tự đối với trường hợp của Trung Quốc, một đất nước cũng
đã phải trải qua hàng thế kỷ khốn khổ về kinh tế trước khi cuộc cải cách bắt đầu hơn hai thập kỷ qua.
Nếu như người ta coi nguồn nhân lực Trung Quốc là yếu tố đem đến thành công, thì nhiều thế kỷ qua,
đất nước này cũng đã có tới hàng trăm triệu người rồi.

Đối với người Do thái, họ có thể thành công ở rất nhiều nơi, nhưng ở chính nơi mà phần lớn là người
Do thái (Israel) đang sống thì lại phải trải qua một nền kinh tế hỗn độn từ khi lập quốc trước khi có sự
khởi sắc trong thời gian gần đây.
Mô hình phát triển mới là quan trọng

Cả ba nền kinh tế này đều có những bước phát triển rõ rệt trong ba thập niên. Nhưng bước ngoặt
này diễn ra không phải vì họ đã tự làm mới nền văn hoá của mình. Đúng hơn là chính phủ những
nước này đã thay đổi những chính sách cụ thể và xây dựng những hệ thống dựa nhiều hơn vào thị
trường.

Ngày nay, Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn Ấn Độ, nhưng điều đó bắt nguồn từ tốc độ cải cách
kinh tế của Trung Quốc chứ không phải là bắt nguồn từ sự vượt trội của đạo đức Nho giáo so với tín
ngưỡng Hin-đu.

Có một điều lạ là Lý Quang Diệu lại là người ủng hộ vai trò của văn hoá một cách mạnh mẽ nhất. Xét
về mặt văn hoá, Singapore không khác ngưòi hàng xóm Malaysia là bao. Singapore có nhiều nét đặc
trưng Trung Quốc hơn là đặc trưng Mã Lai, nhưng nếu so sánh với phần còn lại của thế giới thì cả hai
xã hội này đều khá giống nhau.

Nhưng hơn hẳn những người hàng xóm, Singapore có một chính phủ làm việc hiệu quả cùng những
chính sách kinh tế khôn ngoan. Không phải Nho giáo, mà chính Lý Quang Diệu mới là nguyên nhân
thành công của Singapore. Một bằng chứng hết sức đơn giản là khi người Malaysia sao chép mô hình
Singapore thì nước này cũng đã gặt hái rất nhiều thành công về kinh tế.

Sự tranh luận về giá trị Châu Á không chỉ mang tính học thuật. Đã có rất nhiều quan chức Châu Á lập
luận về những đặc thù riêng biệt của mỗi nền văn hoá để ngăn chặn những sức ép đòi dân chủ hoá
của phương Tây. Sự bác bỏ này chứng tỏ người Châu Á thích một xã hội có trật tự chứ không phải là
một nền dân chủ đầy những rối ren và hỗn loạn.

Nhưng lịch sử Đông Á trong những năm gần đây đã tạo nên một minh chứng hùng hồn cho mô hình
dân chủ trên toàn thế giới nếu như nó được áp dụng vào thực tế một cách đúng đắn. Khác với các
nước thuộc thế giới thứ ba khác, rất nhiều nước trong khu vực đã tiến hành tự do hoá nền kinh tế
trước tiên, sau đó mới đến dân chủ hoá chính trị, đúng như quá trình đã diễn ra ở Châu Âu vào thế kỉ
XIX. Kết quả là họ đã tạo ra hệ thống dân chủ tương đối ổn định ở Đài Loan và Hàn Quốc cũng như
những hệ thống tuy còn pha tạp nhưng vẫn thu được những thành quả ấn tượng ở Thái Lan và
Malaysia.

Văn hoá – môi trường cho sự phát triển

Điều đó không có nghĩa rằng văn hoá là không quan trọng. Trái lại, nó có vai trò to lớn. Văn hoá thể
hiện kinh nghiệm lịch sử của một dân tộc, nó gắn liền với phong tục tập quán, và văn hoá cũng góp
phần định hình thái độ và thế giới quan của mỗi con người.

Nhưng văn hoá có thể thay đổi. Văn hoá Đức năm 1959 khác xa năm 1939 dù chỉ có 20 năm trôi qua.
Châu Âu trước đây vốn là trung tâm của chủ nghĩa dân tộc mức độ cao, nhưng bây giờ lại mang tính
chất hậu dân tộc chủ nghĩa: các quốc sẵn sàng nhượng lại quyền lực cho các cơ chế siêu quốc gia
theo những xu hướng mà người Mỹ khó có thể hình dung.

Hoa Kỳ trước đây là một nước cộng hoà theo chủ nghĩa biệt lập với sự nghi ngờ sâu nặng về những
đội quân thường trực của các quốc gia khác. Ngày nay, Mỹ là bá quyền thế giới cùng những căn cứ
quân sự ở khắp nơi.

Người Trung Quốc trước đây là những nông dân lạc hậu. Nhưng giờ đây họ là những thương nhân
thông minh và sáng dạ. Khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, lãnh đạo chính trị – tất cả đã làm văn hoá
biến đổi.

Một thế kỷ trước, khi mà cái nghèo tưởng chừng như không thể thay đổi được ở Đông Á, nhiều học
giả (trong đó nổi tiếng nhất là nhà xã hội học người Đức Max Weber) đã lập luận rằng văn hoá Khổng
giáo đã cản trở những yếu tố cần thiết để đi tới thành công đối với chủ nghĩa tư bản.
Một thập kỷ trước, khi mà Đông Á đang trong giai đoạn bùng nổ, các học giả đã thay đổi lời giải thích
cho vấn đề này khi cho rằng, trên thực tế, Đạo Khổng nhấn mạnh những đặc tính thiết yếu của sự
năng động về kinh tế. Nhưng mọi thứ lại đảo lộn khi nhiều người thấy được trong những giá trị Châu
Á lại có tất cả những thành tố của chủ nghĩa tư bản dựa trên quan hệ thân quen.

Lý Quang Diệu đã buộc phải chấp nhận rằng nền văn hoá Khổng giáo cũng có những mặt hạn chế
của nó, trong số đó có khuynh hướng đi tới thói dung túng và sự thiên vị. Nhưng chắc chắn là những
tiết lộ mới đây về vài tập đoàn lớn nhất nước Mỹ đã chỉ ra rằng chính nền văn hoá Mỹ cũng mang nét
đặc trưng riêng của chủ nghĩa tư bản dựa trên quan hệ thân quen.

Weber cho rằng trong thành công của các nước Bắc Âu có phần đóng góp của Đạo Tin lành và phán
đoán rằng miền Nam Âu - chủ yếu theo đạo Thiên chúa - sẽ vẫn còn chìm trong nghèo khó. Thực
tế, Ý và Pháp đã phát triển nhanh hơn phần Châu Âu theo Tin lành trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.

Người ta có thể viện đến những điển hình nghèo khó ở Mỹ La tinh để giải thích cho sự phát triển đầy
khó khăn của các nước ở bán cầu Nam, nhưng nếu thế thì giải thích trường hợp Chile như thế nào
đây? Nền kinh tế nước này đang phát triển mạnh mẽ chẳng kém gì những con hổ Châu Á. Sự thành
công của Chile được nhiều người cho là nhờ có một hệ giá trị khác của La tinh – gia đình có vai trò
lớn, các giá trị tôn giáo và lòng quyết tâm.

Thực sự là khó có thể giải thích một cách đơn giản tại sao có những quốc gia lại thành công ở một
giai đoạn nhất định. Khi nhìn nhận lại quá trình lịch sử của một xã hội đã phát triển thịnh vượng, có
thể thấy rằng ngay từ khi còn ở chặng đường đầu, người ta đã thấy được thành công tất yếu sẽ đến
với đất nước đó.

Văn hoá rất phức tạp, phức tạp đến mức người ta có thể tìm thấy trong đó bất kỳ những gì họ muốn.
Nếu ai đó muốn tìm những nét văn hoá của đức tính lao động cần cù và tằn tiện ở Đông Á thì chắc
chắn họ sẽ tìm được những minh chứng hùng hồn. Nếu ai đó muốn tìm sự vâng lời một cách mù
quáng và sự dung túng, những điều đó cũng có ở Đông Á. Chỉ cần để ý kỹ ta sẽ thấy hầu hết các nền
văn hoá đều có những đặc tính này. Bởi vậy, mấu chốt chính là phải nghiên cứu những xã hội thành
công và tìm kiếm trong những nền văn hoá của họ những hạt giống của thành công.

Fareed Zakaria
Tổng biên tập tạp chí Newsweek International
Nguồn: Asian values;
Tạp chí Chính sách đối ngoại
(Phương Linh dịch)

Thuyết phụ thuộc hay chuyện chống toàn cầu hóa thực sự đến từ đâu? 18:21' 10/05/2006 (GMT+7)

Những lợi ích và khó khăn của toàn cầu hóa đang làm nảy sinh nhiều câu hỏi về sự ràng buộc
lẫn nhau. Trước vấn đề này, Giáo sư tài chính quốc tế và phát triển của Đại học Harvard - ông
Andrés Velasco - đưa ra quan điểm liên quan đến thuyết phụ thuộc với ví dụ về các nước
Mỹ Latinh. Với họ, ranh giới Bắc - Nam, bá quyền hay phụ thuộc, đóng cửa hay hội nhập... chốt
cho cùng vẫn là: Phải luôn thực dụng!

Từ những năm 1980...

Cảnh tượng đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Đó là vào đầu những năm 1980, khi những tên
bù nhìn của chính quyền Reagan ở Trung Mỹ và Grenada vẫn đang khốn khổ với phong trào cánh tả
ở đây. Đám đông chen chúc ngồi chật kín đợi chờ trong hội trường của Đại học Yale, lướt qua những
bản sao quăn mép của cuốn sách “Phụ thuộc và phát triển ở Mỹ Latinh”, một kiệt tác của thuyết phụ
thuộc.

Một trong những tác giả của cuốn sách này, nhà xã hội học người Brazil Fernando Henrique Cardoso
(sau này trở thành Tổng thống Brazil), đã đến dự. Trang phục của ông đã gây ra cú sốc đầu tiên.
Cardoso, lúc đó là thượng nghị sỹ bang São Paulo, xuất hiện trong bộ đồ màu xanh hoàn hảo, chứ
không phải là bộ đồ lao động như nửa số người tham dự ở đó mong chờ.

Sau khi ông nói một chút về chiến thuật chính trị của Brazil, chứ không phải về hạn chế của chủ nghĩa
đế quốc, một người phụ nữ mặc áo choàng đưa ra câu hỏi đầu tiên: Liệu dân chủ có ý nghĩa gì ở
Brazil không khi mà không có chủ nghĩa xã hội? Ông Cardoso trả lời: Có. Và xây dựng xã hội chủ
nghĩa không còn là vấn đề nữa, mà vấn đề giờ là hoàn thiện chủ nghĩa tư bản.

Các sinh viên ngồi phía dưới nhìn chằm chằm vào ông với sự hoài nghi và sớm bắt đầu tản đi.

... nó là cái gì?

Thuyết phụ thuộc là học thuyết về sự kém phát triển: các nước nghèo bị dồn ra vùng ngoại vi của nền
kinh tế thế giới sẽ không thể phát triển được khi mà họ vẫn còn làm nô lệ cho các nước giàu ở trung
tâm.

Thuyết phụ thuộc cũng là một tôn giáo, nó tạo nên thuyết vũ trụ cho một thế hệ những người cánh tả
châu Mỹ Latinh vào những năm 1960, 1970 và một thế hệ các nhà lãnh đạo từ Tổng thống Chilê
Salvador Allende tới các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa Nicaragoa. Các trường đại học Mỹ đã đón
chào thuyết phụ thuộc với niềm say mê đầy hứng khởi, cũng như đối với các học thuyết nước ngoài
khác.

Hoà cùng với luận điệu thời đại Việt Nam, thuyết phụ thuộc đã trở thành công cụ rất hữu hiệu - nó đổ
tất cả trách nhiệm liên quan đến các vấn đề của thế giới thứ ba lên trung tâm bá quyền, đặc biệt là
Mỹ. Chính Cardoso cũng đã lo lắng về xu hướng này. Trong bài “Sự tiếp thu thuyết phụ thuộc ở Mỹ”
đăng trên Tạp chí nghiên cứu châu Mỹ Latinh năm 1977, ông đã công kích cả sự đơn giản hóa cũng
như quan điểm cho rằng tất cả các vấn đề của châu Mỹ Latinh đều do nước ngoài gây ra.

Hai xu hướng trong thuyết phụ thuộc

Xu hướng cấp tiến, do nhà kinh tế André Gunder Frank và Amir Samin khởi xướng, cho rằng sự phát
triển của khu vực trung tâm phải đánh đổi bằng những mất mát của khu vực ngoại vi.

Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là phải xoá bỏ sự liên kết với nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, thuyết phụ thuộc cấp tiến đã gặp phải một số vấn đề. Một số học viên cao
học đã cố gắng tìm ra một mối liên hệ tích cực giữa sự mở rộng ở phương Bắc và sự suy thoái ở
phương Nam nhưng không thành. (Lúc đó, cũng như bây giờ, đối với các nước đang phát triển, sự
bùng nổ ở Mỹ và châu Âu thường đi cùng với sự phát triển ở các nước đang phát triển). Họ chỉ có thể
chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa sự thịnh vượng của phương Bắc và sự nghèo đói của
phương Nam. Chỉ có Albani và CHDCND Triều Tiên là thử áp dụng nền kinh tế thực dụng tiền thế giới
cùng các hậu quả lường trước được.

Chính Gunder Frank, giờ là thành viên cao cấp của Trung tâm lịch sử thế giới ở Đại học Đông Bắc,
gần đây đã công nhận rằng xoá bỏ sự liên kết trong nền kinh tế thế giới “chưa bao giờ là một chính
sách có thể tồn tại và mang lại kết quả.”

Một phiên bản ôn hòa hơn của thuyết phụ thuộc do Cardoso và Enzo Faletto đồng tác giả cùng một
số người khác như học giả người Chi-lê Osvaldo, học giả người Mêhicô Pedro Paz thì có vẻ hữu ích
hơn.

Thuyết này cho rằng dưới chủ nghĩa tư bản, cả người giàu và người nghèo đều có thể phát triển
nhưng không được hưởng lợi như nhau. Thuyết này khi đi vào thực tiễn đã không mang lại nhiều thay
đổi. Giống như quan điểm của Uỷ ban kinh tế châu Mỹ Latinh của LHQ (ECLAC) thì đó là sự kết hợp
giữa chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa Keynes vốn được biết đến với cái tên là quá trình công nghiệp
hoá thay thế nhập khẩu.
Sau bức tường thuế quan, cùng với trợ cấp rất rộng rãi của Nhà nước và một chính sách tài chính
năng động cùng việc giảm kế hoạch hoá tập trung ở một số ngành nghề, các nước nghèo có thể hy
vọng giảm sự phụ thuộc của mình vào khu vực trung tâm và phát triển một cách tự chủ.

Tại sao nền kinh tế toàn cầu lại bị cho là một nguy cơ? Bởi vì, theo nhà kinh tế Áchentina Raul
Prebisch, giá của hàng hoá sơ cấp thường có xu hướng giảm tương đối so với giá của các hàng hoá
sản xuất hàng loạt. Nếu một nước bị dính vào sản xuất đồng hay bông, thì sức mua của hàng xuất
khẩu của họ sẽ giảm (hay ít ra là giữ nguyên). Khả năng nhập khẩu, đầu tư và phát triển của họ cũng
sẽ như vậy. Những người sản xuất hàng hoá sơ cấp sẽ trở nên nghèo hơn một cách tương đối theo
thời gian.

Không mấy hiệu quả?

Quan điểm này đã hình thành tư duy phát triển trong ít nhất là nửa thế kỷ. Cuối cùng nó cũng chứng
tỏ là không đúng.

Nhà lịch sử kinh tế ở Đại học Harvard Jeff Williamson gần đây đã lập luận rằng giữa năm 1870 và
Chiến tranh thế giới thứ nhất (giai đoạn Prebisch đã nghiên cứu), các tỷ lệ thương mại (tức là tỷ lệ
giữa giá xuất khẩu và nhập khẩu) đã không giảm đi đối với các nhà sản xuất hàng hoá. Nhiều nghiên
cứu khác đã xem xét hiện tượng đó đối với thế kỷ 20 và cũng kết luận rằng, nhìn một cách hệ thống
thì các sản phẩm sơ cấp không hề trở nên rẻ hơn tương đối so với hàng hoá sản xuất hàng loạt.

Nếu thuyết phụ thuộc có những thất bại của nó, thì các chính sách mà nó sinh ra cũng vậy.

Quay lưng lại với nền kinh tế thế giới đã là một ý tưởng hay trong cuộc Đại suy thoái (1929-1933 ở
Mỹ), lúc đó thế giới thực sự thù hằn lẫn nhau. Như nhà kinh tế nổi tiếng người Cuba Carlos Díaz-
Alejandro chỉ ra trước đây rất lâu, các nước châu Mỹ Latinh đã từ bỏ bản vị vàng, phá giá đồng tiền
của mình và cho các ngành công nghiệp địa phương được bảo hộ nhiều hơn thì họ có được sự phát
triển tốt hơn.

Nhưng bảo hộ có ít ý nghĩa hơn khi thương mại thế giới mở rộng sau Chiến tranh thế giới II. Nó cũng
dẫn tới sự không hiệu quả và bóp nghẹt những tiến bộ về công nghệ. Cũng có giai đoạn một số nước
như Mêhicô và Brazil có được tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng theo thời gian, ngay cả những người
ủng hộ nhiệt thành nhất cho quá trình công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu cũng phải nhận ra rằng
chính sách đó không phải là liều thuốc tiên như họ thường nói.

Phần còn lại của câu chuyện đã được rất nhiều người biết đến. Châu Mỹ Latinh đã bắt đầu một giai
đoạn tự do hoá thương mại mạnh mẽ và tự mở cửa ra thế giới. Một số ngành nghề (như các dây
chuyền sản xuất của Mêhicô và hoa quả, rượu của Chilê) đã bung ra, còn các ngành khác tụt hậu.
Trong bất cứ sự phát triển thần kỳ nào, ví dụ như ở Chilê (và gần đây hơn là của Cộng hoà
Đôminica), thì đều có hai thảm hoạ phát triển. Hội nhập cũng không phải là liều thuốc tiên – không có
chính sách nào như thế cả.

Thực dụng trên hết

Tuy nhiên chính phủ các nước Mỹ Latinh vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hội nhập, họ giảm thuế
quan và ký kết các hiệp định khu vực mặc dù nền kinh tế thế giới đang suy thoái. Những chính sách
này không chỉ đơn giản được sinh ra từ niềm tin rằng nền kinh tế mở tốt hơn rất nhiều so với nền kinh
tế đóng. Sự tự do hoá thương mại và đầu tư ở đây cũng vẫn là một nhu cầu của số đông: Không
chính trị gia Mỹ Latinh nào muốn để cho những cử tri của mình không có được các hàng hoá nhập
khẩu mà họ đã quen dùng và dịch vụ điện thoại tốt hơn rất nhiều do các công ty viễn thông tư nhân
(và thường là sở hữu nước ngoài) cung cấp.

Vì thế, những Tổng thống Mỹ Latinh đắc cử với số phiếu cao khi tham dự các cuộc họp của Tổ chức
thương mại thế giới đều đã kêu gọi toàn cầu hơn nữa chứ không đối đầu với quá trình này. Họ xếp
hàng để ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ trong khi tránh những hòn đá từ giới sinh viên Mỹ và
châu Âu - những người lên tiếng vì người nghèo trên toàn thế giới.
Những chính trị gia Mỹ Latinh đó không hề ngây thơ. Họ hiểu rằng toàn cầu hoá cần các biện pháp
bảo vệ và các quy định nếu nó làm lợi cho người nghèo. Quan điểm của họ rất thực dụng.

Niềm say mê hứng khởi, lần này là chống lại toàn cầu hoá, một lần nữa lại đến từ phương Bắc. Rất ít
thay đổi kể từ đầu những năm 1980.

Andrés Velasco
Giáo sư tài chính quốc tế và phát triển, Đại học Harvard
Nguồn: Dependency Theory
Tạp chí Chính sách đối ngoại (Mỹ)
(Anh Ngọc dịch)
Mỹ hoá toàn cầu hoá: Góc nhìn của một trí thức châu Á 18:20' 08/05/2006 (GMT+7)

Trong bài "Thế giới chao nghiêng", Lanhdao.net đã giới thiệu quan điểm về toàn cầu hoá từ
góc nhìn của một học giả Mỹ. Lần này chúng tôi xin đăng tải một cách tiếp cận khác của học
giả người Pakistan. Theo ông, những gì nước Mỹ đang làm chỉ làm cho thế giới thêm nhiều
hận thù và khiến dân thường gánh thêm nhiều đau khổ. Cần phải có những giải pháp khác.
Thế giới cần cùng nhau hành động để mang lại những thay đổi...

Chừng nào Hoa Kỳ còn tiếp tục đặt lợi nhuận lên
trên lợi ích của con người, bòn rút tài nguyên quý
giá và chà đạp lên các quyền và chủ quyền của các
quốc gia khác thì chừng đó thế giới sẽ còn phải
chứng kiến nhiều hơn những nỗi oán giận, những
cơn cuồng nộ, bạo lực và cả hội chứng hoang
tưởng.

Abid Hassan Minto - giáo sư luật hiến pháp, một trí


thức nổi tiếng của Pakistan cho rằng, giải pháp đề
ra trước tình hình trên là một phong trào đoàn kết
lớn mạnh giữa các dân tộc, giúp đưa các quốc gia
thoát khỏi cảnh cùng khổ để họ có thể tự lực về kinh
tế, sống trong hoà bình, trong tinh thần hợp tác và
phát triển.

Theo Minto, người từng cộng tác với cựu Tổng


thống Nam Phi Nelson Mandela khi họ được bầu
làm Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hiệp hội Luật sư quốc
tế (1990-1995), thế giới đang rơi vào một vòng luẩn
quẩn: nước Mỹ bá quyền đang gây ra phong trào
phản kháng vũ trang và đẩy thế giới Hồi giáo vào
cuộc xung đột với phương Tây. Hàng tỉ USD đã
được chi tiêu cho mục đích quân sự, mà lẽ ra nó phải được dành cho nhân dân để xây dựng trường
học, bệnh viện, đường xá và cầu cống.

Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho bản báo, Minto đã chỉ ra những mối nguy hiểm đang lây
lan nhanh chóng và đề xuất một giải pháp thay thế cho sự phản kháng toàn cầu do Mỹ gây nên.

Với chính nước Mỹ

Ông đề nghị nhân dân Mỹ chất vấn các chính sách của chính phủ Mỹ - thứ vốn là nguồn gốc của cuộc
khủng hoảng toàn cầu.

“Hoa Kỳ đang thúc đẩy lợi ích của các tập đoàn nước mình trên phạm vi toàn thế giới. Kế hoạch chiến
lược của Hoa Kỳ là duy trì địa vị siêu cường duy nhất và không thể thách thức trên thế giới. Trong
hơn hai thập niên trước đây, Hoa Kỳ đã tới châu Mỹ Latinh, tới Venezuela, tiến hành lật đổ chính phủ
và thiết lập chính quyền tay sai của mình tại đây. Họ muốn gì? Đó là tài nguyên thiên nhiên! Hiện giờ
họ tuyên bố đang theo đuổi các phần tử Hồi giáo cực đoan. Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein
không phải là một phần tử cực đoan. Tuy vậy, họ đã đem quân xâm lược một quốc gia có chủ quyền
và cả thế giới đều biết nước Mỹ chỉ quan tâm đến dầu mỏ mà thôi!”

Với đồng minh của Mỹ

Trong chuyến đi tới vịnh San Francisco, Minto đã nói: “Nhân dân ở khắp mọi nơi cần phải đứng lên
chống lại quá trình toàn cầu hoá của các tập đoàn - một quá trình cho phép sự phát triển diễn ra tại
một phần thế giới bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên của những nơi còn lại trên thế giới. Phương
Tây đã không thể giải quyết triệt để các vấn đề chính trị, chẳng hạn các cuộc xung đột kéo dài suốt 50
năm qua ở Palestine và Kashmir cũng như những vấn đề phát triển khác, ví dụ sự thiếu vắng quá
trình chuyển giao công nghệ giữa những nước giàu và những nước nghèo. Kết quả là tâm trạng vỡ
mộng và nỗi oán giận nổ ra”.

Đồng thời, ông cũng chỉ rõ: “Hiện giờ, những người theo trào lưu tôn giáo chính thống trên khắp thế
giới đang theo sau bá quyền Mỹ. Đó là vấn đề chính yếu của họ. Chắc chắn là họ lấy làm tiếc về
những phương pháp của mình. Nhưng họ lại đưa ra một lập luận có vẻ hợp lý: đất nước, dân tộc và
nhân dân của họ đang gánh chịu điều mà họ coi là bá quyền Mỹ trên toàn thế giới. Bằng chứng là hầu
hết các nước từng sát cánh với Hoa Kỳ là Tây Ban Nhà và Anh quốc đều là nạn nhân của chủ nghĩa
khủng bố, chứ không phải những nước khác. Điều tương tự cũng xảy ra với Ai Cập và Arập Xêút.
Quá trình không ngừng bành trướng quân sự và mở rộng thị trường cho các tập đoàn kinh doanh của
Hoa Kỳ đã dẫn đến phản kháng bằng bạo lực. Và điều đó xảy ra vào đúng thời điểm khi các chiến
binh là những tín đồ Hồi giáo”.

Vậy đâu là giải pháp? Minto tin rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhân dân Mỹ, cần phải đấu tranh
ủng hộ luật pháp quốc tế và bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác
khu vực vì sự phát triển kinh tế và giải quyết xung đột. Ông chủ yếu viện dẫn đến nhu cầu ngày càng
tăng rằng phải có một hệ thống các quy tắc và thủ tục, thường được gọi là “quyền tài phán toàn cầu”
của Toà án Hình sự quốc tế (ICC) - cơ quan có thẩm quyền xét xử bấy kỳ hành động phiêu lưu quân
sự của bất kỳ nhà nước nào.

Với châu Á

Minto hoan nghênh sự tái lập quan hệ bang giao giữa Ấn Độ và Pakistan và cho đó là dấu hiệu cho
thấy sự thay đổi đang diễn ra từ những người dân bình thường nhất. Ông cũng cho rằng đường ống
dẫn khí từ Iran qua Pakistan tới Ấn Độ mới được công bố gần đây - bất chấp những phản đối
của Hoa Kỳ - “nên được kéo dài tới Trung Quốc".

“Tại sao không đi hết cả chặng đường? Chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển trong khu vực, đồng
thời giúp tránh được tranh cãi về các nguồn tài nguyên giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều đó sẽ dẫn đến
hoà bình và ổn định tại tiểu lục địa châu Á này”.

Minto lưu ý: “Đã có thời kỳ toàn thể dân tộc Pakistan cùng chung quan điểm về Ấn Độ: Ấn Độ là kẻ
thù. Ấn Độ rộng gấp 5 lần Pakistan, họ có vũ khí và chúng ta phải tự vệ. An ninh phải được thiết lập
và cách duy nhất để thiết lập an ninh là phải củng cố các lực lượng vũ trang. Chúng ta là nạn nhân
của điều này. Các lực lượng vũ trang đã được xây dựng với cái giá phải trả là Pakistan đã không thể
lập nên các thiết chế dân chủ... Đó là những bài học của chúng ta về cách thức nhà nước tạo ra
hội chứng hoang tưởng cho chính người dân trong nước.

May mắn thay, nhân dân Pakistan đã bắt đầu thay đổi thái độ, thể hiện qua khát vọng làm bạn với Ấn
Độ ở tất cả các cấp độ. Đó là một tín hiệu tốt. Chúng ta đã hy vọng vào vào một sự phát triển mới.
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự phát triển của tình hình. Đó chính là nhận thức chính trị. Hàng
triệu người trên thế giới đã xuống đường phản đối cuộc xâm lược của Mỹ tại Iraq năm 2003”.

Khi nói về Trung Đông, Minto khẳng định rằng, “sự thành lập nhà nước Palestine và việc rút 150.000
quân Mỹ khỏi Iraq có thể làm giảm bớt cơn cuồng nộ của thế giới Hồi giáo và cho phép nhân dân khu
vực Trung Đông tự mình giải quyết các công việc nội bộ trong hoà bình”.

Ông cho rằng, chủ nghĩa khủng bố sẽ kết thúc khi việc sử dụng bạo lực được thay thế bởi các quy
tắc, thủ tục, thương lượng, thoả hiệp lẫn nhau và cùng chia sẻ các nguồn lực.
Ông coi phong trào đang phát triển hiện nay là một phần của Diễn đàn xã hội quốc tế, khiến người ta
nhớ lại những năm 1960, khi Phong trào Không liên kết được sự ủng hộ của Ấn Độ, Ai Cập và Indo-
nesia đã dựng nên bức tường thành vững chắc chống lại sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa thực dân
mới.

Minto nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tìm ra một cách thức thay thế cho nó. Chúng ta phải đấu tranh
chống lại nghèo đói... Có nhiều nguồn lực khổng lồ sẵn có dành cho các nước phát triển, nhờ những
bước phát triển về công nghệ, họ đang chi phối các nền kinh tế trên thế giới. Bây giờ, chúng ta phải
cùng nhau quyết định cách thức sử dụng các nguồn lực đó một cách dân chủ vì lợi ích của toàn nhân
loại, chứ không phải vì lợi ích của các tập đoàn xuyên quốc gia. Không thực hiện được điều này đồng
nghĩa với chủ nghĩa thực dân mới”.

Suy ngẫm về chuyến thăm Hoa Kỳ lần thứ ba, Minto chỉ trích nước Mỹ vì họ đã phản bội những lý
tưởng của mình về nền dân chủ. Ông đặt câu hỏi: “Làm thế nào các chính phủ trên thế giới có thể
thực thi các cuộc cải cách dân chủ khi mà những khái niệm cơ bản về tự do ngôn luận và những quá
trình thích hợp lại bị phủ nhận tại nước Mỹ - nước luôn tự coi là hình mẫu dân chủ?”. “Thế giới này
không tiếp nhận hình ảnh dân chủ của nước Mỹ, hoàn toàn không! Ngày càng có sự vỡ mộng về
nước Mỹ”.

Minto khẳng định: “Tại Pakistan và các nước khác ở Đông Á và thế giới thứ ba, chúng tôi ngưỡng mộ
nền văn minh độc đáo đã khắc sâu tinh thần dân chủ, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy mất hết can
đảm với “Đạo luật yêu nước” (Patriot Act), với trò tra tấn tù nhân ở nhà tù Guantanamo và Abu-
Ghraib, cũng như việc coi nhẹ các dân tộc thiểu số và các cộng đồng tôn giáo”.

Minto nói: “Nhân dân đã nhận thức được rằng xã hội dân chủ trong lòng nước Mỹ cũng đang ngày
càng không đáp ứng được lợi ích của những người thiết lập nên xã hội ấy, trong đó có các tập đoàn”.
Ông thừa nhận: “Những tiếng nói phản đối xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng những
tiếng nói ấy phải được cất lên mạnh mẽ theo một cách thức có tính tổ chức hơn, không chỉ từ phía
những người dân nhập cư hoặc các tín đồ Hồi giáo, mà còn từ trào lưu chính của thế giới ngày nay.
Không gian dân sự bị thu hẹp tại nước Mỹ đang phá huỷ hình ảnh dân chủ trong con mắt thế giới và
gây ra tâm trạng vỡ mộng trong chính nhân dân Mỹ”.

Lisette Poole
- Phóng viên tự do tại khu vực Vịnh San Francisco,
Giảng viên Đại học tổng hợp EastBay bang California -
Nguồn: The Americanization of Globalization:
Reflections of a Third World Intellectual
Tạp chí Washington Report on Middle East affairs
(Xuân Tùng dịch)
Thế giới chao nghiêng 11:34' 05/05/2006 (GMT+7)

Người ta thường nghĩ rằng nước Mỹ nhanh nhạy hơn và tinh vi hơn một bước so với các đối
thủ. Nhưng suy nghĩ như vậy thật là một sự tưởng tượng nguy hiểm, thậm chí còn đe doạ đến
nền kinh tế toàn cầu.

Trò chơi toàn cầu hoá

Trong suốt gần 50 năm qua, toàn cầu hoá đã trở thành một đề xuất có lợi cho tất cả cho những bên
tham gia: vừa làm cho nước Mỹ giàu có hơn vừa giúp hàng triệu người dân ở các nước đang phát
triển thoát khỏi cảnh đói nghèo và tuyệt vọng.

Tuy nhiên, gần đây toàn cầu hoá đã vận động theo một chiều hướng khác, làm xói mòn sự giàu có
của nước Mỹ, đồng thời tạo ra sự mất cân bằng và có nguy cơ kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng
kinh tế toàn cầu.

Với phương thức mới này, toàn cầu hoá đang làm thế giới chao đảo giống như một trò chơi trượt ván
nghiêng khổng lồ. Trên ván trượt đó, việc san phẳng các rào cản cũ đang làm tăng tốc độ chuyển dịch
vai trò nhà cung cấp của nền kinh tế Mỹ sang phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Á.
Hãy lấy Boeing làm ví dụ. Là nhà xuất khẩu hàng đầu của Mỹ, Boeing biểu trưng cho sự đi đầu về
công nghệ cao. Tương lai của kinh tế Mỹ được nhiều người cho là sẽ phụ thuộc vào điều đó.

Sau khi đánh mất thị phần vào hãng Airbus của châu Âu trong những năm gần đây, Boeing đã đáp lại
bằng cách phát triển loại máy bay Dreamliner 787 thế hệ mới và đang đạt kỉ lục về đơn đặt hàng. Tuy
nhiên việc bán hàng này có thể không giúp kinh tế Mỹ tăng thêm là bao vì phần lớn công việc – bao
gồm cả khâu then chốt là sản xuất cánh bay bằng chất liệu sợi carbon mà Boeing luôn khẳng định sẽ
tiến hành ở trong nước – cũng sẽ được chế tạo ở Nhật Bản.

Một ví dụ khác còn đáng chú ý hơn là trường hợp của ông hoàng chất bán dẫn Intel. Khi các nhà kinh
tế và chính trị gia nói rằng công nghiệp Mỹ nên tập trung vào sản xuất những sản phẩm công nghệ
đặc biệt cao với những lợi thế so sánh rõ rệt thì có lẽ họ đang nghĩ tới những con chip của Intel. Tuy
nhiên, các giám đốc điều hành của công ty này gần đây đã nói với ban cố vấn của Tổng thống (Mỹ)
rằng trong hoàn cảnh hiện tại, họ sẽ cần phải xem xét đến việc xây dựng thêm nhà máy ở nước
ngoài.

Theo họ, trong 10 năm tới, giá của việc vận hành một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ sẽ đắt
hơn 1 tỷ USD so với ở nước ngoài.

Thực trạng

Tuy nhiên, điều bất thường này vẫn chưa được nhận thức rộng rãi. Trên thực tế, hầu hết các nhà kinh
doanh, các học giả, giới truyền thông và các chính trị gia tiếp tục khẳng định rằng toàn cầu hoá đang
tiến triển một cách thuận lợi, làm cho thế giới giàu có hơn, dân chủ hơn và hoà bình hơn.

Tổng thống Bill Clinton gọi toàn cầu hoá là chiến lược của Mỹ, và Tổng thống George W. Bush mô tả
kinh tế Mỹ là “sự ghen tị của cả thế giới”. Những quan điểm trên không phải là hoàn toàn không có lý.
Tăng trưởng GDP và năng suất của Mỹ cao nhất trong số những nền kinh tế phát triển, trong khi lạm
phát, thất nghiệp và lãi suất luôn ở mức thấp nhất.

Tuy vậy, nếu xem xét kỹ hơn chúng ta sẽ thấy những nét không thuận. Thâm hụt thương mại của Mỹ
hiện tại ở mức trên 800 tỉ USD, tương đương 7% GDP, và đang gia tăng không thể kiềm chế được vì
người Mỹ tiếp tục tiêu dùng nhiều hơn sản xuất. Mất cân đối cán cân thương mại đang ở quy mô
chưa từng thấy. Thường thì các nhà kinh tế mong muốn Mỹ nhập khẩu vật dụng và hàng hoá sản xuất
giá rẻ, đồng thời xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ tinh vi và hàng hoá nông nghiệp vì đất
đai và khí hậu ở Mỹ rất phù hợp.

Trên thực tế, thặng dư thương mại công nghệ cao của Mỹ từ 30 tỷ USD năm 1998 đã sụt giảm đến
mức thâm hụt khoảng 40 triệu. Buôn bán nông nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử bị thâm hụt, và mức
thặng dư trong ngành dịch vụ vốn đã rất khiêm tốn thì nay cũng suy giảm bởi việc phổ biến Internet
tốc độ cao toàn cầu đã làm cho dịch vụ có thể dịch chuyển sang nước ngoài cũng dễ dàng như sản
xuất. Tóm lại, xuất khẩu của Mỹ đang sụt giảm, đối nghịch lại với nhập khẩu trong tất cả các ngành
hàng, trong khi tăng trưởng của Mỹ lại phụ thuộc vào những nhà cho vay nước ngoài (chủ yếu là Nhật
Bản và Trung Quốc) để trang trải cho những tiêu dùng quá mức.

Có hai nhân tố giải thích cho những xu hướng không mong đợi này. Nhân tố thứ nhất đã tồn tại từ lâu.
Đó là việc từng bước xây dựng nền kinh tế toàn cầu theo một thể thức phi đối xứng.

Một thể thức phi đối xứng...


Với nước Mỹ, toàn cầu hoá đồng nghĩa với việc biến nền kinh tế thành một cỗ máy tiêu thụ
khổng lồ. Tín dụng tiêu dùng với các điều kiện thông thoáng, các khoản cho vay thế chấp bằng nhà
với phần lãi suất phải trả được khấu trừ thuế, thị trường rộng mở đối với nhập khẩu, những chính
sách chú trọng tăng trưởng thông qua việc quản lý cầu và chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ, cùng
với vô số những khuyến khích khác đã làm cho người Mỹ không tiết kiệm gì trong khi vay nợ của hộ
gia đình và chính phủ đều ở mức kỷ lục. Điều này thường bị chỉ trích một cách xác đáng là chi tiêu
quá mức. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng sức mua của nước Mỹ đang dẫn dắt sự tăng
trưởng của thế giới bởi vì Mỹ gần như là quốc gia tiêu dùng ròng duy nhất trên thế giới.

Với nhiều nước khác, toàn cầu hoá đồng nghĩa với tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Đặc biệt ở châu
Á, chính sách phát triển “bắt kịp” đã tập trung vào sản xuất và xuất khẩu máy móc. Có rất nhiều yếu tố
khác nhưng đặc trưng của hầu hết các nền kinh tế châu Á là tiêu dùng tương đối thấp, tỉ lệ tiết kiệm từ
30% đến 50% GDP, chính phủ can thiệp vào các thị trường, tỉ giá hối đoái có kiểm soát, khuyến khích
đầu tư trong những ngành công nghiệp chiến lược, khuyến khích xuất khẩu và tích luỹ thặng dư
thương mại thường xuyên cùng với dự trữ USD lớn.

Trên thực tế, đồng đôla là chìa khoá cho cấu trúc toàn cầu lệch lạc này. Dĩ nhiên đồng đôla
không chỉ là đồng tiền của nước Mỹ mà còn là đồng tiền dự trữ chủ yếu của thế giới.

Chừng nào các quốc gia khác còn chấp nhận việc chi trả bằng USD thì nước Mỹ vẫn có thể mua và
vay mà không cần quan tâm đến việc tiết kiệm, đầu tư hay sản xuất. Do đó, thâm hụt - bất kể trong
thương mại hay ngân sách - không thật sự trở thành vấn đề và nước Mỹ có thể tiếp tục với sự vô
trách nhiệm về tài chính.

Điều kỳ lạ là phần còn lại của thế giới có thể cũng thiếu trách nhiệm như vậy. Bằng việc kiểm soát tỷ
giá hối đoái để giữ đồng đôla ở mức giá quá cao và giá xuất khẩu thấp, các quốc gia khác có thể sẽ
tiết kiệm quá mức và đầu tư quá nhiều bởi vì các sản phẩm sản xuất thêm có thể được xuất khẩu
sang thị trường Mỹ.

Cấu trúc một bên sản xuất, một bên tiêu thụ kiểu này thực sự đã phát triển từ lâu bởi nó mang lại
lợi ích lớn cho cả hai bên.

Nước Mỹ tiếp tục vung tay quá trán, nhập khẩu rẻ và vốn nước ngoài làm cho lạm phát và lãi suất
thấp trong khi giá trị nội địa tăng. Phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Á, tiếp tục phải leo các
nấc thang công nghệ nhanh hơn, trừ phi Mỹ làm điều ngược lại. Bằng việc tích trữ đôla, châu Á cũng
giành được đòn bẩy chiến lược đối với siêu cường duy nhất – quốc gia đã nhượng quyền kiểm soát
lãi suất dài hạn của chính mình trong một mức độ nhất định do việc nhượng quyền quản lý đồng đôla
cho các quốc gia khác.

Tuy vậy cũng tồn tại mặt hạn chế. Bằng việc thường xuyên giữ giá đồng đôla cao và trợ cấp đầu tư để
thu hút các ngành công nghiệp chiến lược ra khỏi nước Mỹ, con đường tăng trưởng nhờ xuất khẩu
của châu Á từ lâu đã có xu hướng làm lung lay khả năng sản xuất của Mỹ. Đôi khi điều này chủ yếu
đúng trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá, và tầm quan trọng của xu hướng này bị xem nhẹ với lý do căn
bản là kinh tế Mỹ đang dịch chuyển đến “một tầm cao hơn” với các dịch vụ công nghệ cao và phức
tạp.

Lập luận này không bao giờ là hoàn toàn thoả đáng bởi việc kiểm soát tỷ giá hối đoái và trợ cấp đầu
tư được những quốc gia tăng trưởng nhờ xuất khẩu áp dụng để thu hút sản xuất công nghệ cao. Ví
dụ, Boeing đang chuyển hầu hết phần việc chế tạo loại máy bay Boeing 787 sang Nhật Bản một phần
vì một đồng đôla quá mạnh sẽ làm giảm giá trị tính bằng Yên, và một phần nữa là vì chính phủ Nhật
Bản sẽ cung cấp trợ cấp sản xuất mà ở Mỹ không có để “khuyến khích” các hãng hàng không Nhật
Bản mua máy bay được chế tạo trong các nhà máy ở Nhật Bản. Về phía Boeing, điều này mang tầm
quan trọng thiết yếu với tư cách là một biện pháp để bù đắp việc trợ cấp của Liên minh Châu Âu (EU)
cho đối thủ của mình là hãng Airbus.

... Và nhân tố mới

Nhưng nếu lập luận trên luôn khiếm khuyết (nhưng vẫn được công nhận nhờ lôgic của nó), thì bây
giờ nó đã không thể đứng vững bởi sự có mặt của nhân tố thứ 2: sự tham gia vào nền kinh tế toàn
cầu của Trung Quốc và Ấn Độ.

Các nước này không chỉ đưa ra giá cả thấp (và còn giảm thấp hơn nữa bởi đồng đôla mạnh) mà một
tỉ lệ đáng kể dân số của các nước này còn có kĩ năng cao, ngược lại với những nhận định chung về
các nước đang phát triển. Do đó họ có thể cạnh tranh trong tất cả các lĩnh vực chế tạo hàng hoá và
dịch vụ. Thời gian và không gian bị Internet xoá nhoà, cùng với đó, dịch vụ vận chuyển hàng không
làm cho điều này càng trở nên đúng hơn.

Hơn thế nữa, quy mô tiềm năng của những thị trường này thu hút các nhà đầu tư bởi những dự báo
tăng trưởng trong tương lai, ngay cả khi chi phí sản xuất ban đầu không hoàn toàn cạnh tranh. Điều
này đặc biệt đúng với Trung Quốc, nơi mà niềm kiêu hãnh dân tộc và chính quyền với quyền lực tập
trung sẵn sàng đưa ra chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ đã tạo lập nên một môi trường trong
đó các công ty nước ngoài được khuyến khích tạo “niềm tin” bằng chuyển giao nhà máy và công nghệ
cho Trung Quốc, bất chấp thực tế là ưu thế về giá cạnh tranh lại nằm tại một nơi nào khác.

Nhân tố này cùng với với cấu trúc kinh tế toàn cầu không đối xứng là nguyên nhân tại sao cán cân
thương mại của Mỹ đang mất cân bằng ngay cả trong các ngành kinh doanh sản phẩm công nghệ
tiên tiến và dịch vụ. Đến lượt mình, mất cân đối cán cân thương mại gia tăng lại làm cho phương thức
hiện tại của toàn cầu hoá không thể bền vững. Để trang trải cho thâm hụt, nước Mỹ đã thu hút khoảng
80% tiết kiệm tối đa của thế giới. Giá trị nhập khẩu của Mỹ hiện tại lớn gấp đôi xuất khẩu. Nếu chỉ để
ổn định thâm hụt của Mỹ tại mức như hiện tại cũng đòi hỏi xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn 2 lần so
với nhập khẩu.

Cần phải thay đổi

Nhưng điều này không thể xảy ra nếu vai trò cung cấp tiếp tục chuyển dịch sang các quốc gia bên
ngoài Mỹ. Nếu nó không diễn ra và thâm hụt tiếp tục tăng, tiết kiệm của thế giới cuối cùng sẽ không
đủ và khủng hoảng tài chính là không tránh khỏi. Dĩ nhiên tiêu dùng và nhập khẩu của Mỹ có thể cắt
giảm, nhưng nếu sự cắt giảm đó diễn ra mà không có một sự gia tăng tương ứng trong tiêu dùng ở
đâu đó thì nền kinh tế toàn thế giới sẽ lâm vào suy thoái, nếu không muốn nói là tụt lùi.

Một vài nhà kinh tế đã dũng cảm tuyên bố về việc “hạ cánh an toàn”. Theo giả định này, nước Mỹ
giảm thâm hụt ngân sách và tiêu dùng quá mức, trong khi sự giảm giá dần của đồng đôla sẽ đưa tới
kết quả là tăng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nơi mà các chính phủ đang khuyến khích tiêu
dùng. Mặc dù rất mong muốn nhưng điều này sẽ không thể tự động diễn ra. Các nhóm lợi ích ở các
quốc gia chủ chốt sẽ bảo vệ nguyên trạng.

Do đó, vì lợi ích của không chỉ nước Mỹ mà của tất cả các quốc gia tham gia toàn cầu hoá, một yêu
cầu cấp bách đặt ra là các nhà lãnh đạo phải thay đổi phương thức hiện tại. Trò chơi không thể tiếp
tục với một người tham gia đóng vai khách hàng, trong khi tất cả những người còn lại là nhà
sản xuất. Vì thành công lâu dài cho tất cả, mọi người cần phải chấp nhận chơi một trò chơi toàn cầu
hoá giống nhau.

Clyde Prestowitz
- Chủ tịch Viện Chiến lược Kinh tế (Mỹ)
Nguồn: The World Is Tilted - Newsweek
(Hồng Nga dịch)

Tri thức là tất cả? 10:58' 30/04/2006 (GMT+7)

Cuộc cách mạng khoa học bắt đầu 300 trăm trước đây vẫn đang bùng nổ với cấp số nhân. Nó
tiến nhanh tới mức mà việc nắm bắt tri thức giờ đây sẽ quyết định thời đại của chúng ta. Quốc
gia nào nắm bắt nhanh hơn sẽ phát triển thịnh vượng. Nhưng để phát triển lâu dài cần có thêm
một nhân tố. Đó là sự sáng suốt.

Cách mạng công nghiệp

Giả sử có một biểu đồ, xuất phát điểm là khi con người xuất hiện trên trái đất. Đường biểu đồ biểu thị
sự phát triển kinh tế của xã hội loài người từ đó trở về sau. Cho tới thế kỷ 16, 17, đó vẫn là một
đường dài bằng phẳng trước khi có những bước đi lên.

Trong thời kỳ đó, thành quả của lao động sản xuất chủ yếu rơi vào tay các vương công quý tộc, các
thương lái và cố đạo. Như nhà triết học Anh Thomas Hobbes đã từng miêu tả vào năm 1651, phần
lớn thời gian trong lịch sử, cuộc sống của loài người là “cô độc, nghèo nàn, xấu xa, tàn bạo và ngắn
ngủi”. Nhưng khi Hobbes viết những dòng này, thế giới xung quanh ông đã bắt đầu biến đổi. Nói một
cách đơn giản, con người đang trở nên sáng dạ hơn.

Tất nhiên là con người luôn luôn tìm tòi tri thức, nhưng thời đó, ở Tây Âu, những con người như
Galileo, Newton và Descartes đã vận dụng những phương thức có hệ thống để tìm cách thấu hiểu và
khống chế môi trường xung quanh. Tiếp sau thời kỳ Ánh sáng, cuộc cách mạng khoa học đã đánh
dấu một bước chuyển cơ bản.
Con người không còn chỉ tìm cách thích nghi với những trật tự của tự nhiên hay trật tự của siêu nhiên.
Giờ đây họ tìm cách để thay đổi chúng. Một khi con người tìm được cách để sản xuất năng lượng
bằng việc sử dụng động cơ hơi nước, họ có thể làm nên những cỗ máy có thể tạo ra năng lượng gấp
nhiều lần sức người hay sức ngựa. Và con người có thể làm việc mà không cảm thấy mệt mỏi.

Sự xuất hiện và phổ biến của những cỗ máy đó đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp và kiến tạo
nên cả một hệ thống mới trong cuộc sống loài người. Ngày nay, việc tìm tòi tri thức tiếp tục tạo nên
cuộc cách mạng về sức khoẻ và của cải cho con người.

Phổ biến tri thức

Nếu như sự xuất hiện của khoa học đánh dấu xu thế vĩ đại đầu tiên thì xu thế thứ hai lại là sự phổ
biến của khoa học. Điều diễn ra ở nước Anh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp không phải là một
hiện tượng cá biệt.

Các du khách lũ lượt kéo tới Anh sẽ mang về đất nước họ thông tin về những sáng chế phát minh về
công nghệ và thương mại ở đây. Một vài quốc gia đã có thể tiếp thu rất nhanh chóng, ví dụ như Mỹ.
Các nước khác, ví dụ như Đức, dù xuất phát muộn hơn, nhưng vẫn có những bước đột phá để thu
ngắn chặng đường kéo dài mà nước Anh phải trải qua.

Sự phổ biến này đã tăng đột biến trong những thập niên gần đây. Trong vòng 30 năm qua chúng ta đã
chứng kiến những quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và bây giờ là Trung Quốc
phát triển với tốc độ nhanh gấp ba lần Anh và Mỹ ở thời kỳ đỉnh cao của cách mạng công nghiệp.

Tất nhiên là phải có nghị lực và bền bỉ mới có thể làm được như vậy, nhưng cũng còn bởi những ý
tưởng về phát triển đã phát huy tác dụng ở phương Tây đã được các nước này áp dụng một cách
sáng tạo và có lẽ là đầy may mắn. Trong đó có những vấn đề như thị trường tự do, thương mại mở,
tập trung cho khoa học và công nghệ.

Việc phổ biến tri thức – xu thế chủ đạo trong thời đại hiện nay – đã vượt ra khỏi khuôn khổ khoa học
thuần tuý. Ví dụ trường họp Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. 20 năm trước, nếu bạn hỏi một nhà kinh tế về hai
quốc gia này, ông ta sẽ giải thích rằng họ là những nước thế giới thứ ba, rất điển hình với nền kinh tế
hết sức khó khăn, lạm phát ba chữ số, nợ quốc gia chồng chất, khu vực tư nhân yếu ớt và tăng
trưởng ì ạch.

Ngày nay hai quốc gia này đều được quản lý rất tốt với chỉ số lạm phát một chữ số và tốc độ tăng
trưởng trên 5%. Chuyển biến này cũng đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Từ Thái Lan, Nam Phi,
Slovakia tới Mexico, nền kinh tế các nước đều được quản lý tốt hơn trước rất nhiều. Thậm chí trong
các nước mà những sự hạn chế về chính trị đã ít nhiều cản trở việc thúc đẩy những cải cách sâu
rộng, như trường hợp Brazil, Mexico hay Ấn Độ, các chính phủ vẫn xử lý công việc một cách hợp lý.

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn miễn cưỡng tin tưởng vào những tiến bộ. Nhưng những bằng chứng rõ
ràng là chính xác. Các nền kinh tế chủ yếu trên thế giới trong vài năm qua đã được quản lý tốt hơn
nhiều. Chính sách tiền tệ cẩn trọng đã giảm nhẹ chu kỳ kinh tế “bùng nổ - tan vỡ” của thế giới các
nước công nghiệp hoá, làm cho các đợt suy thoái nhẹ nhàng hơn và bớt gây sốc hơn.

Hàng ngày người ta có thể đọc được những nghiên cứu mới so sánh các quốc gia trên tất cả các
phương diện, từ việc phổ biến Internet cho tới vấn đề lạm phát. Tất cả những nghiên cứu và so sánh
này thể hiện một quá trình học hỏi đang đẩy nhanh và khẳng định những bài học về thành công và
thất bại. Có thể gọi đó là một thế giới thực hành tốt nhất.

Tôi nhận ra rằng thế giới tôi đang nói đến đây là một thế giới của những người chiến thắng. Hàng tỷ
người vẫn bị ngăn cách với những thị trường toàn cầu. Cuộc sống của số người này vẫn hoàn toàn
sát hợp với những gì Hobbes miêu tả. Nhưng kể cả thế chăng nữa thì cũng đã có những thay đổi.

Người ta càng ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về những sự bất bình đẳng trên toàn cầu và nhận
thức này đang biến thành hành động. Số tiền dành cho tiêm chủng và chữa trị cho những căn bệnh ở
Châu Á và Châu Phi ngày nay đạt tới mức cao nhất từ trước đến giờ. Các chương trình viện trợ nước
ngoài được giám sát và phân tích thường xuyên. Chúng ta cũng biết rằng khi công việc không có kết
quả thì hoặc các chương trình viện trợ hoặc các chính phủ tiếp nhận phải có trách nhiệm cải thiện tình
hình.

Vẫn cần phải sáng suốt

Điều này có vẻ như quá lạc quan. Luôn có những người thua cuộc trong mọi cuộc chơi, nhưng đừng
để cho những băn khoăn về việc ai thắng và ai thua trong cuộc đua tri thức này ngăn trở một động lực
cơ bản mạnh mẽ hơn nhiều: tri thức là tự do. Nó tạo ra cơ hội để thay đổi và phát triển ở mọi nơi. Nó
có thể tạo ra những phương tiện và kỹ thuật kỳ thú, cứu sống nhiều mạng người, cải thiện chất lượng
cuộc sống và phổ biến thông tin. Có người làm tốt ở cái này, người khác thì làm tốt ở cái kia. Nhưng
nhìn tổng thể, một thế giới dựa trên tri thức sẽ là một thế giới lành mạnh và giàu có hơn.

Điều tôi muốn nói ở đây không phải là sự thiếu hụt các kỹ sư hay máy tính của nước nào đó. Những
vấn đề này có thể giải quyết được. Nhưng tri thức không hẳn là sáng suốt. Tri thức có thể tạo ra
những cách huỷ diệt sự sống, có chủ định và không chủ định. Nó có thể tạo nên hận thù và huỷ hoại.
Tri thức tự nó không thể đưa ra lời giải cho câu hỏi thời Hy Lạp cổ đại: “Thế nào là một cuộc sống tốt
đẹp?”. Nó không mang lại những tình cảm tốt, lòng dũng cảm, sự độ lượng và đức khoan dung. Và
quan trọng nhất là nó không mang lại tầm nhìn xa trông rộng, điều có thể giúp chúng ta chung sống và
cùng đi lên trên thế giới này mà không gây nên chiến tranh, rối loạn và thảm hoạ.

Vì lẽ đó, chúng ta cần sự sáng suốt.

Fareed Zakaria
- TS. Khoa học Chính trị, Tổng biên tập
Nguồn: "The Earth's Learning Curve" - Newsweek
Tạp chí Newsweek International (Mỹ)
(Hưng Việt dịch)

You might also like