You are on page 1of 2

HOÀ BÌNH KHÔNG CHỈ LÀ

VẮNG BÓNG CHIẾN TRANH


Trong bài giảng Lễ Vọng Giáng Sinh 2008 vừa qua, Đức Thánh Cha Benedicto XVI
đã nói: “Chúng ta hãy cầu xin cho nền hòa bình được xuất hiện nơi đây, hòa bình mà các
thiên sứ đã hát lên trong đêm thánh này”. Như thế, ngài muốn đến nền hoà bình mà thiên thần
Chúa đã loan báo cho nhân loại thời Đức Kytô Thiên Sai, nền hoà bình khi con người được
nhìn nhận đúng phẩm giá, nền hoà bình mà ngài đã khẳng định trong sứ điệp hoà bình năm
2008: “nhân vị là trọng tâm của hoà bình”. Đây là lời tóm tắt đầy đủ nhất học thuyết của
Hội Thánh Công Giáo về một nền hoà bình thật sự mà Thiên Chúa hứa ban cho con người
trần gian. Ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa, ngày Hoà Bình thế giới năm 2009 này là lời nhắc nhở
cho Dân Thiên Chúa và cho toàn nhân loại đang sống trong những bấp bênh, xung đột và bất
ổn, rằng nền hoà bình thật sự trước hết phải là nền hoà bình dựa trên việc tôn trọng phẩm giá
con người, phẩm giá đã được tái tạo và nâng lên cao nhờ hồng ân Cứu độ của Con Thiên
Chúa làm người.
Trong cuộc gặp mặt trước Lễ Giáng Sinh bên bờ sông thơ mộng, có người đã nói một
cách hồn nhiên: Việt nam chúng ta thật bình an, ra đường không gặp khủng bố hay bom đạn
(!) Đây là lý luận phổ biến nhất nhằm biện hộ cho tất cả những bất trắc và lo âu bủa vây ở đất
nước này. Nhưng liệu chúng ta có thể hiểu hoà bình như là sự vắng bóng chiến tranh như thế
hay không? Học thuyết Xã Hội Công Giáo minh định điều này trong mục 489 chương thứ 11:
“Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản
chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn”. Cuộc sống sung mãn có
mặt ở đây chưa, khi mà tai nạn xảy ra mỗi ngày, khi mà con người nghi kỵ và hằn học với
nhau, khi mà công lý chỉ là giấc mơ xa vời, khi mà nhân vị và phẩm giá vẫn còn là những xa
xí phẩm ít ai dám mơ đến? Cuộc sống sung mãn có chưa, khi mà Tin Mừng của Mầu Nhiệm
Giáng Sinh vẫn không được phép vang lên trên những ngôi nhà và những con đường miền
sơn cước? Cuộc sống sung mãn có chưa, khi mà ngay giữa nơi đô thị, việc mừng Mầu Nhiệm
Giáng Sinh cũng được “chỉ đạo” và phải thực hiện theo khuôn phép? Cuộc sống sung mãn có
chưa khi con người chỉ vì mối lợi nhỏ mà sẵn sàng vất bỏ các nguyên tắc và giá trị sống, kể
cả sẵn sàng thực hành mọi phương tiện chỉ để đạt mục đích nhỏ nhoi?
Giáo Hội khao khát hoà bình hơn tất cả mọi cơ cấu và thể chế trần gian, bởi vì sứ vụ
của Giáo Hội là “ra đi và rao giảng cho muôn dân” Tin Mừng bình an mà Chúa Giêsu đã để
lại: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”. Do đó chúng
ta hiểu được tại sao Giáo Hội luôn thao thức và rất nóng lòng trước những vấn đề liên quan
đến hoà bình. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo cũng dành hẳn một chương để nói về hoà bình.
Giáo Hội mạnh mẽ tuyên xưng “Hoà bình trước hết là thuộc tính của Thiên Chúa”. Do đó
“nơi nào có bạo lực, nơi đó không thể có Thiên Chúa” (mục 488). Chúng ta có thể nói cách
khác: ai dùng bạo lực, sẽ không đi cùng Thiên Chúa, và những người bị ngược đãi, chà đạp
sẽ được Thiên Chúa bênh vực, che chở. Các anh chị em giáo dân ở Thái hà, ở Sơn La, các chị
nữ tu Dòng Thánh Paholô, dòng Nữ Tử Bác Ái, đại diện cho đoàn dân Chúa bị bách hại,
đứng vững và hân hoan bởi vì có “Đức Chúa là sự bình an” (Tp.6,24) ở với họ. Ở đây chúng
ta phải mở một cái ngoặc thật đậm để ghi chú thêm rằng nếu Thiên Chúa đang ở với họ, thì
các thành phần dân Chúa, nhất là các vị lãnh đạo Giáo Hội, không có gì phải ngần ngại khi
gióng lên tiếng chuông công lý và hiệp thông với họ. Ngày nào ta còn tin rằng “Đức Chúa là
sự bình an” thì ta không phải lo lắng khi đứng về phía những con người đau khổ. Cha Giám
Tỉnh DCCT Việt nam đã làm chứng cho Tin Mừng bình an khi ngài vẫn nói và viết: “Cách
đây hai ngàn năm, cũng có một “tội nhân” bị xét xử trong tình trạng vô tội, nhưng đã bị kết án
và bị giết đi chỉ vì “tội nhân” đó cương quyết bảo vệ sự thật”. Giáo Hội tuyên bố: “Nỗ lực xây
dựng hoà bình là một việc không bao giờ được tách rời khỏi việc loan báo Tin Mừng” (mục
492). Do đó, không chọn lựa đứng về phía những người bảo vệ hoà bình là không loan báo Tin
Mừng.
Hai khía cạnh khác của hoà bình là công lý và bác ái. Tình yêu quan trọng hơn công lý,
nhưng không có công lý thì con người gặp nhiều trở ngại, không thực thi tình yêu được. Giáo
Hội hiểu và dạy rằng “Công lý chỉ là loại bỏ những trở ngại đặt ra cho hoà bình”, còn “hoà bình
tự chính bản thân là một hành động và là những thành quả chỉ xuất phát từ tình yêu” (mục
494). Như vậy, hoà bình là tình trạng trong đó con người yêu thương và chia sẻ theo gương
Đấng đã chết cho tình yêu. Để có tình yêu thật sự, công lý phải làm sứ vụ tiền hô đi mở đường.
Muốn có công lý, không thể chấp nhận sự gian trá, sự lừa lọc và những hành vi u u minh minh.
Khi con người thực hiện một hành động mà làm cho người khác phải khó chịu, phải bực bội,
gây chia rẽ bất hoà thì chắc chắn không có công lý ở đó. Khi con người lên án anh em một cách
bất công, khi ham hố lợi lộc mà im hơi lặng tiếng thì không có công lý ở đó. Khi làm đàn két
để lặp lại những lời nói tiếng cười vô duyên và hiểm độc thì không có công lý ở đó. Mà đã
không có công lý thì làm sao rao giảng tình yêu?
Khi hàng ngàn ngọn nến thắp lên giữa bóng chiều buông xuống và hàng ngàn tiếng hát
hoà chung “Mẹ ơi đoái thương”, thì dù tâm hồn con người cứng cỏi đến mấy cũng phải dịu lại
và thấy con tim mình rung lên. Tình yêu là ở đó. Ánh nến kia tượng trưng cho công lý. Không
có ánh nến, người ta vẫn yêu thương. Nhưng bóng tối làm người ta phải mò mẫm, lạng quạng.
Khi ánh nến thắp lên rồi, họ dấn bước mà chẳng sợ bước nhầm. Điều tuyệt vời là khi muôn
người thắp lên ngọn nến, thì người ta sẽ nhờ ánh sáng từ ngọn nến của người khác, chứ không
phải chỉ ánh nến của mình, mà bước đi. Công lý chính là sự rọi sáng cho nhau. Bạn đã thổn
thức và bồi hồi, để lòng rung lên trong một Thánh Lễ thắp nến cầu nguyện cho công lý hoà
bình chưa, tuyệt vời lắm, bình an lắm, con người gần gũi với nhau và với Chúa của bình an
lắm. Và ngọn nến công lý chính là ngọn lửa thắp lên tình yêu.
Và điều quan trọng hơn cả mà Giáo Hội dạy là một điều thật tuyệt vời: công lý và tình
yêu chỉ hiện diện thật sự khi con người hiểu được rằng “hình ảnh Thiên Chúa nơi con người
chính là yếu tố định tính và phân biệt con người” (mục 108). Nhờ mầu nhiệm Cứu Chuộc, hình
ảnh Thiên Chúa nơi con người được tái tạo, được phục hồi và được làm sáng rõ thêm. Ơn Cứu
độ không chỉ đem con người đến sự sống muôn đời mai sau, mà còn là khôi phục hình ảnh
Thiên Chúa nơi con người ngay chính ở trần gian này, và đem lại cho con người phẩm giá, tự
do và linh thiêng thật sự. Nói cách khác, Chúa ban cho con người một nhân vị, và nhân vị ấy
nói lên sự cao quý và siêu việt của con người, nhờ thông phần vào các mầu nhiệm của Thiên
Chúa. Muốn có công lý và tình yêu thì nhân vị này phải được tôn trọng tuyệt đối.
Mừng ngày Hoà Bình chính là mừng nhân vị con người được đề cao. Chỉ khi nhân vị
ấy được tôn trọng, con người khám phá ra các chiều kích đặc biệt nơi phẩm giá của mình và do
đó, công lý và tình yêu mới phát sinh. Ngày Hoà Bình là ngày Giáo Hội tôn kính Đức Mẹ là
Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, nhân vị được hoàn thiện và nơi Mẹ, công lý và tình yêu được thể hiện
rõ nét nhất. Mẹ dạy cho con cái Mẹ hiểu rằng hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, mà
hoà bình chính là mang lấy Chúa Giêsu trong con người và cuộc đời mình. Chỉ khi có Chúa
Giêsu, công lý và tình yêu mới hiện diện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống con người.

Gioan Lê Quang Vinh,


Tp. Sàigòn cuối một năm nhiều biến động.

You might also like