You are on page 1of 2

THA THỨ, CON ĐƯỜNG TẮT

DẪN ĐẾN BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC


Có một chuyện vui kể rằng “Anh chồng trẻ tuổi lần đầu tiên say rượu, khi tỉnh dậy anh
rất hối hận và xin vợ tha thứ. Người vợ nói rằng cô sẽ quên và tha thứ cho anh. Nhưng sau đó
một tháng, cứ cách vài ngày cô vợ lại nhắc đến chuyện say rượu hôm nào của chồng. Anh ta
không chịu được nữa bèn nói: “Em đã nói là sẽ quên và tha thứ cho anh vậy mà sao em cứ
nhắc đi nhắc lại mãi thế?” Người vợ trả lời: “Vâng, em chỉ muốn nhắc cho anh nhớ là em đã
quên chuyện đó và em đã tha thứ cho anh!” Chỉ là vui cười, nhưng câu chuyện đặt cho chúng
ta một dấu hỏi: tha thứ đích thực nghĩa là gì, có phải nói tha rồi lâu lâu nhắc lại để dằn mặt?
Giáo huấn Đức Giêsu, Thầy chí thánh của chúng ta, luôn nhấn mạnh đến lòng khoan dung
tha thứ như nét chính yếu và độc đáo của Tin Mừng mà Người mang đến khi Người muốn
“ném lửa vào trong thế gian này”. Nếu mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc nếu được diễn tả
bằng một từ ngữ khác, chắc chắn đó sẽ là mầu nhiệm của ơn tha thứ. Vậy Thiên Chúa đòi hỏi
chúng ta phải theo bước của Ngài để thực hiện chương trình của Ngài mà luôn sống trong
tình trạng sẵn sàng tha thứ. Ở một khía cạnh khác, tha thứ là con đưởng dẫn đến bình an và
hạnh phúc, như lời Soeur Hồng Quế, một nữ tu Đaminh, khi chị trao đổi về vấn đề mục vụ.
Trong Tin Mừng, lời cảm động nhất có lẽ là một trong bảy Lời sau cùng của Đức
Giêsu trên Thập Giá: “Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.
Đó là Lời đúc kết tất cả mọi Lời rao giảng của Người và cũng là mục tiêu của công cuộc
Nhập Thể và Cứu Chuộc. Con Người Giêsu là mục tiêu của những ganh tị, thù ghét và chống
đối, và dĩ nhiên chỉ cần dùng một lời, tất cả những kẻ chống lại Người sẽ phải biến thành hư
vô như Thánh Vịnh diễn tả: “Người bắn tên, khiến địch thù tán loạn; phóng chớp ra, làm
chúng phải tan tành” (TV. 18,15). Nhưng Đấng Cứu Độ đã chọn cách hành xử rất bất ngờ:
tha thứ, và Người truyền cho những kẻ theo Người phải thực hành một giới răn mới: phải tha
thứ. “Thầy không bảo con là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22), nghĩa
là phải luôn tha thứ. Dường như có một mối liên hệ sâu xa giữa lời răn dạy này và lời truyền
của Đức Giêsu: "Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy"
(Ga. 14,27). Lý do là khi tha thứ cho anh em, người ta sẽ cảm được sự bình an sâu thẳm
trong đáy lòng mình.
Vậy chúng ta phải tha thứ cho ai và tha thứ như thế nào? Có thể nói rằng ai cũng cần
chúng ta tha thứ, bởi vì hễ sống chung là có xung đột và bất hoà. Nhiều khi chúng ta cũng
phải tha thứ cho một người mà chúng ta chưa hề gặp bao giờ. Có người giận tổng thống Mỹ
về chuyện ông ấy nói hớ, một chuyện chẳng liên quan gì đến mình! Nhưng điều quan trọng
nhất là hãy tập tha thứ cho người thân yêu của mình, người bạn thân thiết, người trong gia
đình, người yêu… Lý do là khi người ta càng yêu thương nhau thì những lỗi dù nhỏ vẫn
mang tính xúc phạm lớn lao. Chúng ta tạm xếp những người cần được tha thứ thành ba
nhóm: những người xúc phạm hay làm hại chúng ta bằng lời nói hay hành vi, những người
đùa giỡn không giới hạn làm chúng ta tức giận hay khó xử, và những người không làm theo ý
chúng ta muốn. Trong đó, những người xúc phạm đến chúng ta bằng lời nói hay hành vi là
“đáng tội” nhất. Thế nhưng, chính những con người ấy lại được Đức Giêsu tha thứ trước hết,
bởi vì Người đến “để tìm và cứu vớt những gì hư mất”.
Tha thứ để được cái gì? Câu trả lời thật đơn giản: để được chính con người mà ta tha
thứ ấy. Chúng ta không chỉ nhận lại họ trong tình nghĩa cũ, mà còn là nhận lại họ thẳm sâu
hơn trong thân mình mầu nhiệm Đức Kytô, vì ở đâu có tình yêu và tha thứ thì ở đấy có Đức
Chúa ngự giữa. Và chính vì thế mà tha thứ là nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc. Xét ở
bình diện con người, tha thứ đem lại cho con người niềm vui thư giãn. Khi nghiên cứu về sự
căng thẳng và các vần đề tim mạch, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hope, Michigan, Hoa
Kỳ, đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ tìm cách trả thù. Nhưng
khi nghĩ đến tha thứ, họ lại giảm hẳn sự căng thẳng. Một nghiên cứu khác tại Đại học
Stanford cũng cho thấy kết quả tương tự. Có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu được những phân
tích ấy, bởi vì chúng ta đã từng là những “chuyên gia nổi giận và tìm cách trả đũa”. Khi ấy
chúng ta bực bội, nóng nảy và rối trí. Nói cách khác, khi nổi giận, chúng ta bước vào con
đường đi xa sự bình an và thanh thản, đi xa niềm vui và hạnh phúc. Và kinh nghiệm cũng dạy
chúng ta rằng khi bắt tay làm hoà hay khi nói lời tha thứ, lòng ta vui hẳn, như có một làn gió
mát thổi vào. Thánh Thần Thiên Chúa chính là làn gió mát ấy, bởi Ngài là Tình Yêu và Ngài
không cư ngụ ở nơi oán thù. Một gia đình mà sự tha thứ luôn đồng hành với cách ứng xử với
nhau, thì gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.
Nhưng tha thứ là gì? Tha thứ là quên đi lỗi lầm của anh em và chấp nhận chính con
người của họ. Muốn tha thứ, trước hết phải đặt mình vào hoàn cảnh người ấy, xem nếu ta ở
vào giờ khắc ấy, chỗ ấy và với tâm trạng ấy, liệu ta có hành xử tốt hơn người ấy chăng. Sự
đồng cảm và thấu hiểu là bước đầu của sự tha thứ. Có một người mắng chửi ta như tát
nuớc… cống vào mặt. Rửa mặt xong, ta còn thấy như đang đi trong lòng ống cống. Nhưng
nếu ta bị đối xử như người ấy và bị kích động như người ấy thì sao? Biết đâu nhờ mắng mỏ
như thế, người ấy bớt giận và tránh được những hành vi tồi tệ hơn. Vậy hãy mỉm cười tha thứ
và… cám ơn người ấy! Tha thứ còn là chấp nhận người anh em ấy của mình với tất cả những
thiếu sót và yếu đuối của kiếp người. Chúng ta cũng lỗi lầm, chúng ta cũng thiếu sót, thì
không có lẽ gì chúng ta bắt anh em mình phải thành toàn tuyệt đối, dù đó là lý tưởng mà Đức
Giêsu mời gọi chúng ta hướng tới: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên Trời là
Đấng trọn lành”. Tha thứ là dịp nhắc cho chính mình và cho anh em mình sửa đổi lối sống
cho phù hợp với Tin Mừng.
Có một điều cũng rất thiết yếu trong tiến trình tha thứ lỗi lầm. Đức Giêsu luôn nhắc
nhở những con người mà Người chữa bệnh tật và tha thứ: “Con hãy về và đừng phạm tội
nữa”. Yếu tố quan trọng để nhận được lời thứ tha là lời hứa “không tái phạm”. Không thể cứ
xúc phạm đến người ta liên tục, không chút hối lỗi. Con người dễ sa ngã tái phạm, nhưng ít
ra cũng phải biết hối lỗi, được diễn đạt bằng lời xin lỗi chân tình. Không thể bám vào một lối
sống sai lạc và bắt anh chị em mình tha thứ. Một cô gái bỏ cha mẹ anh em để chạy theo một
kẻ vô lại làm gia đình tan nát làm sao đòi được tha thứ nếu cô ta nhất định không quay về.
Một người sống theo lối “mục đích biện minh cho phương tiện”, chà đạp anh em mình để
mình tiến lên, lại yêu cầu được tha thứ mà chính kẻ ấy không thay đổi, làm xã hội bị hại lây
thì quả là phi lý. Những kẻ liên tục làm cho anh em mình gặp gian khổ, cản trở họ tìm đến
với Đấng Yêu Thương, đánh cho họ tan nát, ngồi rung đùi mà đòi tha thứ ư? Tất cả những
con người ấy vẫn cần và có thể được tha thứ, với một điều kiện: “Hãy về và đừng phạm tội
nữa”.
Mùa chay thánh là mùa quay về. Chúng ta quay về với Thiên Chúa để đón nhận Ngài
từng giậy phút đời mình. Chúng ta quay về với anh chị em để sẵn sàng thứ tha. Chúng ta
quay về để không ở lì trong sự ác và quyền lực tối tăm. Và như vậy, quay về chính là tìm gặp
bình an và hạnh phúc thật sự trong đời mình.
Lạy Mẹ là Đấng lắng nghe trọn vẹn bảy Lời sau cùng của Con Mẹ trong nước mắt
đau thương, xin Mẹ dạy chúng con biết bắt chước Người mà tha thứ cho nhau để được xứng
đáng nghe Lời Người nói “Đây là Mẹ của con”.

Gioan Lê Quang Vinh

You might also like