You are on page 1of 2

ĐÂY ĐOÀN DÂN THIÊN CHÚA

Tám anh chị em giáo oan Thái Hà đã reo vang cùng với đoàn dân Thiên Chúa, không cần
quan tâm đến kết quả xử án. Họ biết chắc một điều là Quan Án chí công là Thiên Chúa của
chúng ta đã ghi công họ vào trong sổ vàng của muôn đời. Tôi nghĩ có một câu hỏi của toà án thế
gian làm họ bất ngờ. Đó là “ai đã xúi giục” họ. Họ trả lời là không có ai xúi giục. Câu trả lời rất
chân thành và rất can đảm. Nhưng tôi lại nghĩ: trả lời như thế đúng nhưng chưa đủ. Họ không bị
xúi giục, vì họ có làm gì sai đâu mà bảo là ai xúi giục, nhưng họ được chỉ đạo và hướng dẫn, chứ
không phải tự chính họ có thể can đảm làm chứng cho Tin Mừng và Công Lý như nghĩa đen của
câu trả lời. Vậy ai đã đứng đàng sau thúc đẩy họ và đi trước dẫn đường cho họ? Câu trả lời rất rõ
ràng. Đó là chính Chúa Thánh Linh, ngọn lửa soi đường cho dân Thiên Chúa qua ngàn muôn thế
hệ.
Một trong những hình ảnh đẹp nhất của nhân loại là hình ảnh đêm đêm Thiên Chúa làm
ánh sáng soi đường cho dân trong sa mạc và ban ngày Ngài làm cột mây rợp bóng trên đoàn dân
lữ hành. Ai đã từng lầm lũi bước đi trong đêm tối hay đã từng rong ruổi trên đường xa một mình
lúc trời giông bão hẳn có kinh nghiệm về sự khát khao được che chở, dẫn dắt và vỗ về. Thiên
Chúa qua muôn thế hệ vẫn là một Thiên Chúa trung tín với lời giao ước, và đoàn dân Thiên Chúa
vẫn ngày ngày bước đi trong sự quan phòng kỳ diệu của Ngài. Và bây giờ đã đến lúc dân Chúa
trưởng thành trong lòng tin và lòng mến, để Giáo Hội là Mẹ hiền có thể tin rằng giáo huấn của
Thánh Công đồng về đời sống và vai trò dân Chúa đang được thực thi ngày càng hữu hiệu.
Trong một bữa tiệc có nhiều luật sư tham dự mới đây ở Sàigòn, có một anh luật sư lớn
tiếng kết án: vụ Thái hà đã gây chia rẽ. Anh ta cho ví dụ là vợ anh ta dạy ở trường PTTH Tân
Bình về nhà kể rằng giáo viên trong trường chia làm hai “phe” rõ rệt từ sau vụ Thái hà, một phe
bênh vực và một phe chê trách. Nghe anh ta nói, tôi biết ngay phe chê trách là nhóm giáo viên
loại nào. Tôi chợt nhớ Lời Chúa Giêsu xưa: “Ta đến để mang gươm giáo và chia rẽ”. Ánh sáng
chiếu dọi vào trần gian lập tức chia rẽ trần gian thành hai phần sáng và tối. Đoàn chiên và dê
đang bơ vơ lang thang trong sa mạc, chợt có vị mục tử bước đến. Lập tức có sự chia rẽ. Những
con chiên hiền lành bước theo chủ chăn, và những con dê thì lại lánh xa, để đi xuống vực thẳm.
Có một gia đình nọ, khi cô gái vừa tốt nghiệp, bỗng bỏ theo một kẻ tàn nhẫn, ác tâm. Gia đình
lập tức chia đôi, một bên nhất quyết bênh vực công lý, một bên vì tiền mà làm theo ý kẻ ác, chia
rẽ gia đình. Đoàn dân Thiên Chúa là những con người hiểu biết, suy tư chín chắn và can đảm
bước theo Thầy Chí Thánh dưới bóng Thánh Giá.
Là dân được đặc tuyển giữa những con người vốn đã hư hỏng vì tội lỗi, dân thánh của
Thiên Chúa được soi rọi để bước đi trong ánh sáng của Công Lý và Sự Thật. Con đường họ bước
đi chính là Đức Giêsu, Chân Lý họ nắm trong tay là Đức Giêsu, và họ đang đi về Sự Sống cũng
chính là Đức Giêsu. Tôi chưa đến Thái hà và chưa được cùng với các Cha DCCT và anh chị em
mình ở Ha nội cầm cành thiên tuế bước đi trong hân hoan. Nhưng tôi đoan chắc bất cứ ai nhìn
hình ảnh đoàn người đông đảo tay phất cành thiên tuế ấy, cũng đều nghĩ đến ngày Đức Giêsu
khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem và nghĩ đến hào quang tử đạo. Có nhiều người cho rằng
Đạo Công giáo gây quá nhiều phiền toái nên đi đến đâu cũng bị bách hại và bị loại trừ. Mới nghe
lời kết án ấy, người Công giáo muốn tranh cãi ngay. Nhưng quả đúng như vậy. Đức Giêsu đã gây
phiền toái cho thế gian này khi Người bóc trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của nó và khi Người
bắt thế gian phải thay hình đổi dạng như một cuộc tái sinh. Đoàn dân Thiên Chúa cũng gây phiền
hà cho xã hội khi họ chiếu vào đó luồng ánh sáng của Công Lý và Sự Thật, để tất cả những giả
trá và hèn hạ bị bóc trần và phơi ra giữa cuộc nhân sinh. Vậy thì có lạ gì khi những Caipha và
những Hêrôđê của thế gian lôi kéo đám quần chúng để họ la to: “Đóng đinh nó vào thập giá”. Có
một điều thế gian không biết: thập giá là huy hiệu của người môn đệ Chúa Kytô, và họ hãnh diện
vì thập giá.
Trong bữa tiệc tôi vừa nói ở trên, cũng chính anh luật sư ấy bảo ai bênh vực Thái hà là
cực đoan! Tôi cười và nói với anh ta rằng bóng tối hay bảo ánh sáng là cực đoan (vì làm chói
mắt nó), sự giả dối cho sự trung thực là cực đoan (vì sự thật không thể lửng lơ như con cá vàng),
và kẻ trộm thì bảo người bảo vệ là cực đoan (vì không cho hắn ta lối thoát). Thế gian cũng hay
cho dân thánh Thiên Chúa là cực đoan. Thực ra điều này sai rồi. Phải nói rằng dân Thiên Chúa
được mời gọi sống hết mình cho Công lý và không chấp nhận sự thoả hiệp nào. Đức Tổng Giám
Mục Giuse đã từng bị kết án chỉ vì Ngài dám nói một sự thật mà dù có nghĩ cũng ít ai dám nói.
Một kỹ sư tin học làm việc cho một công ty nhà nước được mời vô đảng và được yêu cầu ghi
“không tôn giáo”, anh ấy không chịu, thế là bị bảo là cực đoan. Một bác sĩ có tiếng được mời
làm phó giám đốc một bệnh viện lớn, cũng được yêu cầu ghi “không tôn giáo”. Anh phản đối vì
anh giữ đạo đàng hoàng, thế là bị bảo là “hơi quá”. Thế gian muốn mọi thứ cứ lửng lơ và mờ mờ
ảo ảo. Nhưng khi “luồng sáng chiếu giãi vào thế gian” thì lập tức mọi chuyện đều rõ ràng, đâu ra
đó. Thế là thế gian bảo thế thì thôi, không cần ánh sáng. Và ánh sáng trở thành năng lượng dư
thừa. Nhưng mà “đã đến lúc Con Người được tôn vinh”, nghĩa là đã đến lúc ơn cứu độ phủ bóng
lên đoàn dân ưu tuyển, và quyền lực tối tăm bị đưa vào nơi ở ngàn đời mờ ảo của nó.
Đây đoàn dân Thiên Chúa, đoàn dân luôn reo ca với nhành thiên tuế của Công Lý và Sự
Thật. Đây đoàn dân Thiên Chúa, đoàn người lữ hành giữa sa mạc cuộc đời mà như đi trẩy hội
mùa xuân, bởi vì họ biết rõ họ đang đi đâu. Những ghi chép rời rạc này không thể mô tả hết các
đặc tính của đoàn dân ưu tuyển, nhưng cũng xin phác hoạ những nét chính yếu để thế gian hiều
rằng không thể dùng bóng tối mà xua trừ ánh sáng. Xin Đức Kytô là người lãnh đạo duy nhất và
tuyệt đối của dân Thiên Chúa ban cho chúng con được trung tín, dám ngẩng cao đầu và không vì
bất cứ nguồn lợi nào khác mà phủ nhận sứ vụ làm chứng nhân của mình.

Gioan Lê Quang Vinh

You might also like