You are on page 1of 2

NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN THỦ ĐÔ TRONG XÃ HỘI HÓA BẢO VỆ MÔI

TRƯỜNG

Nguyễn Đình Khôi


Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Hà Nội đang đối mặt với mặt với các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Trong đó nổi bật nhất là ô nhiếm không khí do giao thông vận tải, xả thải thiếu
kiểm soát và lãng phí nước và năng lượng. Đây là hiện tượng đã từng xảy ra đối với
nhiều thành phố lớn trên thế giới trong giai đoạn phát triển nhanh về công nghiệp
và dân số những thập kỉ trước. Điều đáng lo ngại là Hà Nội dường như chưa vận dụng
được các bài học kinh nghiệm từ các "đồng nghiệp" đi trước; và nếu tiếp tục đi
trên lối mòn không bền vững này, cái giá phải trả sẽ là khổng lồ.

Một trong những nguyên nhân chính hoạt động quản lý môi trường mang tính tập
trung bao trong quá khứ. Cách quản lý này có nhiều khiếm khuyết. Thứ nhất, sự ôm
đồm về trách nhiệm đi kèm với thiếu hụt về nguồn lực khiến cho cơ quan bảo vệ môi
trường bị quá tải và kém hiệu quả. Thứ hai, ý kiến của công chúng - chủ nhân thực
sự của tài nguyên và môi trường thành phố, cũng là đối tượng chịu tác động nặng nề
nhất của tai biến môi trường - không được lắng nghe một cách xứng đáng. Cuối cùng,
ý thức công dân về bảo vệ môi trường không được đề cao, dẫn đến quan niệm môi
trường là "của chung mà không của ai" và có thể sử dụng bừa bãi.

Trong bối cảnh đó, chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường của Nhà
nước là đúng đắn và kịp thời. Xã hội hóa bảo vệ môi trường - về cốt lõi - là biến
quản lý thành tự quản lý, là chia sẻ quyền và trách nhiệm bảo vệ môi trường từ
chính quyền sang công chúng. Sự hiện thực hóa chủ trương này yêu cầu thay đổi lớn
về quan điểm, lối sinh hoạt và sản xuất của công chúng. Đây là thử thách gai góc
cho việc thi hành chính sách môi trường ở các nước. May mắn là Hà Nội nói riêng và
Việt Nam nói chung có một thế mạnh mà nhiều nước phát triển không có: một tỷ lệ
lớn trong dân số là thanh niên. Thanh niên là lớp dân số nhanh nhạy, nhiệt huyết,
dễ thích ứng, thông thường là động lực của các thay đổi lớn trong xã hội. Một cách
logic có thể nhận định rằng xã hội hóa bảo vệ môi trường muốn thành công phải bắt
đầu từ thanh niên; mà muốn thành công với thanh niên thì Đoàn - tổ chức thanh niên
rộng lớn nhất, cánh tay phải của Đảng - phải đóng vai trò tiên phong và nòng cốt.

Trong những năm gần đây, hoạt động bảo vệ môi trường đoàn viên thanh niên thủ
đô ngày càng sôi nổi. Hình thức hoạt động tương đối đa dạng; bao gồm từ các chiến
dịch làm sạch đường phố, bãi biển, diễu hành với băng rôn, khẩu hiệu để nâng cao
nhận thức cho người dân, chợ đồ cũ theo tinh thần Mottainai, đến các cuộc thi kiến
thức môi trường, ý tưởng bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường đã trở thành phong
trào rộng khắp, thu hút sự chú ý của truyền thông đại chúng và sự khen ngợi, động
viên từ lãnh đạo chính quyền. Tuy nhiên phát huy các phong trào này không đảm bảo
sự thành công của xã hội hóa bảo vệ môi trường trong thanh niên, do hai vấn đề
sau:

Một là, các phong trào chỉ mang tính nhất thời. Bảo vệ môi trường cần phải đi
từ phong trào thành văn hóa, từ khẩu hiệu thành ý thức. Cơ chế đơn giản để biến
cái nhất thời thành cái ổn định là thông qua sự lặp đi lặp lại của hành vi mong
muốn, mà dân gian đúc kết là "mưa dầm thấm lâu". Trong khi đó, phần lớn các hoạt
động hiện tại là những sự kiện diễn ra trong thời gian ngắn, khó lặp lại thường
xuyên, nặng về tuyên truyền cho cộng đồng thay vì thay đổi hành vi của bản thân
người tham gia. Trong số các bạn đoàn viên tham gia đạp xe kỉ niệm ngày môi
trường, đi thi kiến thức về bảo vệ môi trường hay tham gia câu lạc bộ Tiếng Anh
môi trường, bao nhiêu phần trăm thực sự chuyển sang dùng túi vải thay túi nilon và
đèn compact thay cho đèn thường? bao nhiêu phần trăm thực hành phân loại rác tại
gia? bao nhiêu phần trăm quan tâm tới tác động môi trường của sản phẩm mình mua?
Cho đến khi có thống kê cụ thể, rất khó để trả lời những câu hỏi này. Điều gần như
chắc chắn là tỷ lệ thay đổi hành vi ở những người được tuyên truyền thấp hơn nhiều
tỷ lệ tương tự ở những người tuyên truyền. Nếu chúng ta không quan sát thấy sự
"xanh hóa" đáng kể trong hành vi của các đoàn viên tham gia tuyên truyền, nên kì
vọng bao nhiêu về tác dụng thực sự của các hoạt động đã nêu?

Nói như vậy không phải để giảm giá trị của phong trào hiện tại, nhưng chỉ
trông cậy vào các phong trào này là không đủ. Tổ chức Đoàn các cấp cần thúc đẩy sự
hình thành thói quen bảo vệ môi trường của các đoàn viên, bắt đầu từ học đường.
Nếu đoàn trường đã bỏ công sức tổ chức cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu, thì
cũng nên dành thời gian vận động nhà trường sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện và
không để nhiệt độ trong phòng điều hòa quá thấp. Nếu liên chi đoàn muốn sinh viên
bảo vệ cây xanh, nên bắt đầu từ việc lên tiếng ủng hộ khóa luận in hai mặt giấy và
bài tập nộp dưới dạng file. Nếu chi đoàn quan tâm đến 3R, tránh sử dụng túi nilon
trong các cuộc liên hoan lớp có lẽ thiết thực hơn là mua áo phông in logo 3R phát
cho đoàn viên. Các hoạt động này trên thực tế không dễ dàng bởi chúng phải được
duy trì liên tục, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của Đoàn với nhiều cơ quan và tổ
chức khác, không thu hút được sự chú ý của báo đài hay dư luận, và để có thành tựu
rõ ràng phải mất một thời gian dài. Song để xã hội hóa bảo vệ môi trường đi vào
chiều sâu, đây là bước đi thiết yếu.

Hai là, xã hội hóa không chỉ là chia sẻ trách nhiệm mà còn là chia sẻ quyền
lực. Hiện nay thanh niên thủ đô nói chung mới chỉ hăng hái "làm" bảo vệ môi trường
mà thiếu quan tâm đến "biết", "bàn", và "kiểm tra". Là một trong tổ chức chính trị
xã hội lớn nhất nước, Đoàn có trách nhiệm đại diện các Đoàn viên đấu tranh vì một
văn hóa quản lý và hệ thống chính sách môi trường minh bạch hơn, bảo vệ tích cực
quyền của thanh niên được tiếp cận thông tin môi trường, tham gia vào quá trình ra
quyết định liên quan đến môi trường của chính quyền địa phương và giám sát sự thực
thi các quyết định đó. Trách nhiệm này không được thực hiện đúng mức là lổ hổng
lớn trong hoạt động bảo vệ môi trường của Đoàn.

Để bù đắp lỗ hổng đó phải bắt đầu từ sự thay đổi quan niệm truyền thống của
ban chấp hành Đoàn các cấp về nhiệm vụ của mình. Chẳng hạn với một quy hoạch đô
thị hay kế hoạch bảo vệ môi trường mới được duyệt, Đoàn không những có nhiệm vụ
phổ biến mà còn nên khuyến khích đoàn viên tìm hiểu, phân tích và phê bình quy
hoạch/kế hoạch đó. Quyết định mới ra tác động đến môi trường như thế nào? Ai là
người hưởng lợi haybị thiệt hại chính do các tác động đó? Quyết định của thành phố
có những ưu, khuyết điểm gì và có giải pháp nào để cải thiện nó không? Nếu kiến
thức chuyên môn của Đoàn viên không đủ để cho ý kiến thì tìm kiếm sự hỗ trợ của
chuyên gia, nếu tài chính hạn hẹp thì cần tìm các nguồn tài trợ từ bên ngoài. Ý
kiến các đoàn viên nhất thiết phải được phổ biến rộng rãi và trình lên chính
quyền. Nói cách khác, đối với xã hội hóa bảo vệ môi trường, Đoàn vừa là cánh tay
thực hiện, vừa là con mắt giám sát, vừa là tiếng nói đóng góp ý kiến. Các nhiệm vụ
trên nằm trong tầm tay của Đoàn, bởi vì chúng nằm trong tầm tay của các tổ chức
phi chính phủ kém hơn Đoàn về số lượng thành viên và không thể sánh với Đoàn về
tầm ảnh hưởng.

Xã hội hóa bảo vệ môi trường là bước đi chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ môi
trường thủ đô (cũng như của các địa phương khác). Để chủ trương này thành công,
Thành Đoàn cần đưa thanh niên vào trung tâm của các hoạt động bảo vệ môi trường,
phát triển hoạt động bảo vệ môi trường của thanh niên theo cả chiều rộng và chiều
sâu, biến bảo vệ môi trường thành ý thức của thế hệ mới. Thử thách đặt ra dù lớn
nhưng có thể vượt qua nếu có sự tập trung nguồn lực một cách sáng suốt, sự hỗ trợ
của chính quyền thành phố và quan trọng hơn cả là một cam kết mạnh mẽ từ tổ chức
Đoàn mọi cấp, mọi nơi.

You might also like