You are on page 1of 5

Vấn đề tình tiết hình sự trong Bộ luật hình sự

1. Khái quát chung

Từ “tình tiết” được sử dụng rộng rãi không chỉ trong ngôn ngữ hàng ngày, trong các lĩnh vực khác nhau của
đời sống xã hội mà còn được sử dụng rộng rãi cả trong lĩnh vực pháp luật. Khái niệm “tình tiết hình sự”
chúng tôi nêu trong bài viết này chỉ bao gồm những tình tiết có ý nghĩa hình sự được quy định trong Bộ luật
hình sự (BLHS). BLHS năm 1999 bao gồm 344 điều luật thì đã có 12 điều luật với 25 lần sử dụng thuật ngữ
này. BLHS năm 1999 (cũng như BLHS năm 1985) còn dành riêng hai điều luật quy định về các tình tiết giảm
nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS).

Như vậy, “tình tiết hình sự” bao gồm những nội dung gì? Trong BLHS, các tình tiết giảm nhẹ TNHS (Điều 46)
và các tình tiết tăng nặng TNHS (Điều 48) với sự quy định chưa đầy đủ đã có tới 66 tình tiết, chưa kể trong
các điều luật về các tội phạm cụ thể còn quy định nhiều tình tiết định khung hình phạt khác nhau.

Hành vi được xác định là tội phạm thì các tình tiết, biểu hiện của nó phải được làm rõ để xác định tính chất,
mức độ nguy hiểm để xử lí một cách thoả đáng. Hơn nữa, khi quyết định hình phạt, toà án “... cân nhắc tính
chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm
nhẹ và tăng nặng TNHS” (Điều 45 BLHS). Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm
thực chất là việc xem xét và đánh giá các tình tiết tạo nên tính nguy hiểm của tội phạm. Những tình tiết đó
có thể là tình tiết thuộc về hành vi phạm tội, thuộc về đối tượng tác động của tội phạm, thuộc về nhận thức,
thái độ của người phạm tội đối với việc phạm tội, thuộc về những đặc điểm riêng biệt, phẩm chất cá nhân
của người phạm tội... Những tình tiết đó có thể được quy định là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS
(khoản 1 Điều 46 và khoản 1 Điều 48 BLHS). Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS thì “... Toà
án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ...”. Như vậy, để hiểu và vận dụng đúng thì cần có một
khái niệm chung thống nhất về các tình tiết trong BLHS.

Nghiên cứu các tình tiết trong BLHS, đặc biệt các tình tiết quy định tại Điều 46 và Điều 48 BLHS, chúng tôi
tạm đưa ra khái niệm “tình tiết hình sự” như sau: “Tình tiết hình sự” là những biểu hiện của tội phạm bao
gồm những biểu hiện của hành vi phạm tội, những điều kiện, đặc điểm của người phạm tội, những hoàn
cảnh, tình huống, đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện tội phạm qua đó phản ánh tính nguy
hiểm của tội phạm, TNHS của người phạm tội phản ánh quan điểm của Nhà nước ta về tội phạm cũng như
chính sách hình sự của Nhà nước.

2. Phân loại “tình tiết hình sự”

Người ta có thể có nhiều cách phân loại các “tình tiết hình sự”:

+ Căn cứ vào các biểu hiện của tội phạm thuộc các yếu tố cấu thành tội phạm (CTTP), có thể phân biệt:

- Tình tiết thuộc mặt khách quan của tội phạm tội;

- Tình tiết thuộc khách thể của tội phạm;

- Tình tiết thuộc mặt chủ quan của tội phạm;

- Tình tiết thuộc chủ thể của tội phạm và nhân thân người phạm tội.

+ Căn cứ vào ý nghĩa, tầm quan trọng của các tình tiết đối với CTTP cụ thể và hậu quả pháp lí khi các tình
tiết thoả mãn dấu hiệu CTTP cũng như các điều luật quy định, có thể phân biệt thành:

- Tình tiết định tội;

- Tình tiết định khung;

- Tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS;

- Tình tiết loại trừ TNHS;


- Tình tiết miễn TNHS;

- ...

+ Căn cứ vào ý nghĩa, tầm quan trọng của các tình tiết đối với mỗi trường hợp phạm tội cụ thể, có thể phân
biệt thành:

- Tình tiết giảm nhẹ TNHS;

- Tình tiết tăng nặng TNHS.

Nhưng cách phân loại phổ biến và có ý nghĩa nhất (hơn nữa theo cách quy định tại khoản 3 Điều 46 và
khoản 2 Điều 48 BLHS) thì các “tình tiết hình sự” được phân thành ba loại sau:

2.1. Tình tiết định tội

Tình tiết định tội là những tình tiết, biểu hiện của tội phạm phù hợp với các dấu hiệu định tội (dấu hiệu CTTP
cơ bản) của tội cụ thể trong BLHS.

Hiện nay, trong khoa học luật hình sự, khái niệm về định tội (định tội danh) còn chưa thống nhất.(1) Theo
chúng tôi, định tội (hay định tội danh) là hoạt động nhận thức, là quá trình xem xét, xác định hành vi nguy
hiểm cho xã hội đã thực hiện có là tội phạm hay không (nếu có là tội gì) trên cơ sở đối chiếu các tình tiết
thực tế của hành vi với các dấu hiệu của CTTP, tìm ra sự phù hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã
thực hiện với CTTP cụ thể trong BLHS. Nếu các dấu hiệu trong CTTP cụ thể được thoả mãn thì hành vi
nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện là hành vi phạm tội và hành vi đó mang tội danh mà CTTP đó phản ánh.

Tình tiết định tội là tình tiết thực tế của vụ án cụ thể được sử dụng để xác định người phạm tội trong vụ án
đó đã phạm tội gì. Đó là những tình tiết thoả mãn dấu hiệu định tội đã được quy định trong luật.(2)

Các “tình tiết hình sự” luôn gắn với sự kiện phạm tội, phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội
của hành vi phạm tội và những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội. Khi các tình tiết phù hợp và thoả
mãn dấu hiệu CTTP cơ bản của tội phạm cụ thể trong BLHS sẽ cho phép xác định được người phạm tội đã
phạm tội gì, theo điều nào trong BLHS. Ví dụ, xem xét trường hợp người đã có hành vi dùng vũ lực đối với
người khác. Dùng vũ lực đối với người khác là dùng sức mạnh vật chất tấn công người khác; mặc dù hành
vi dùng vũ lực là hành vi có tính nguy hiểm đáng kể; mặc dù bản chất của sự tấn công là bất hợp pháp. Cho
dù tình tiết “dùng vũ lực”, “tấn công” phù hợp với dấu hiệu “dùng vũ lực”, “tấn công” trong CTTP của tội hiếp
dâm (Điều 111), tội cướp tài sản (Điều 133)... nhưng cái đó vẫn chưa nói lên điều gì. Khi xem xét, làm rõ
những tình tiết khác như: Việc dùng vũ lực được thực hiện bởi người là nam giới; việc dùng vũ lực nhằm “đè
bẹp”, “làm tê liệt” sự kháng cự của người là nữ giới để “giao cấu” với người đó - “giao cấu với người phụ nữ
trái với ý muốn của họ”. Những tình tiết này cho thấy hành vi dùng vũ lực (nói trên) phù hợp và thoả mãn
các dấu hiệu CTTP của tội hiếp dâm. Điều đó cho phép khẳng định người có hành vi nói trên đã phạm tội
hiếp dâm (Điều 111). Trường hợp trên được tiếp tục xem xét và xác định nạn nhân của tội phạm là em gái
15 tuổi - nạn nhân của tội phạm là trẻ em thì hành vi phạm tội hiếp dâm trong trường hợp này phù hợp và
thoả mãn các dấu hiệu CTTP của tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112).

Như vậy, ý nghĩa định tội của các tình tiết thể hiện ở chỗ các tình tiết của tội phạm phù hợp và thoả mãn dấu
hiệu CTTP của tội cụ thể trong BLHS. Các tình tiết đó cho phép xác định được người phạm tội đã phạm tội
gì, theo điều nào trong BLHS.

2.2. Tình tiết định khung hình phạt

Tình tiết định khung hình phạt là những tình tiết của tội phạm phù hợp và thoả mãn dấu hiệu định khung
hình phạt (CTTP giảm nhẹ hoặc tăng nặng) của những tội cụ thể trong BLHS.

Do tính đa dạng của tội phạm, bên cạnh CTTP cơ bản (của một loại tội) nhà làm luật còn quy định thêm các
dấu hiệu phản ánh tội phạm có tính nguy hiểm cho xã hội cao hoặc thấp với những khung hình phạt nặng
hoặc nhẹ khác nhau so với khung hình phạt của CTTP cơ bản. Những dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu
(yếu tố) định khung hình phạt. Khi các tình tiết của tội phạm không những thoả mãn dấu hiệu định tội (CTTP
cơ bản) mà còn thoả mãn dấu hiệu có thêm trong CTTP giảm nhẹ hoặc tăng nặng sẽ cho phép chuyển
khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội từ khung hình phạt của CTTP cơ bản sang khung hình phạt
của CTTP giảm nhẹ hoặc CTTP tăng nặng. Ví dụ, các tình tiết trong hành vi phạm tội giết người của A không
những thoả mãn dấu hiệu mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể, chủ thể của tội giết người (khoản 2
Điều 93) mà còn thoả mãn dấu hiệu (có thêm phản ánh tính nguy hiểm của tội phạm cao hơn) quy định tại
điểm a, b... khoản 1 Điều 93. Trường hợp này sẽ cho phép chuyển khung hình phạt áp dụng đối với A từ
khoản 2 sang khoản 1 Điều 93 BLHS. Các tình tiết đó được gọi là tình tiết định khung hình phạt. Nói cách
khác, đó chính là các tình tiết có ý nghĩa định khung hình phạt đối với tội phạm.

2.3. Tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng TNHS

Ngoài ý nghĩa định tội, định khung hình phạt, các tình tiết của tội phạm còn phản ánh mức độ nguy hiểm
khác nhau của các trường hợp phạm tội cụ thể (trong khung hình phạt); phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục
của người phạm tội và qua đó phản ánh mức độ TNHS của người phạm tội. Do vậy, các tình tiết này được
BLHS quy định làm căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Các tình tiết có ý nghĩa quyết định hình phạt là các tình tiết được quy định tại Điều 46 và Điều 48 BLHS.
Hành vi phạm tội cụ thể với những tình tiết thực tế của nó thoả mãn dấu hiệu giảm nhẹ hoặc tăng nặng
TNHS đã được quy định tại hai điều luật này thì mức độ TNHS mà người phạm tội phải gánh chịu theo đó
cũng giảm xuống hoặc tăng lên đáng kể so với các trường hợp khác trong phạm vi khung hình phạt áp dụng
với người phạm tội. Ngoài ra, một số tình tiết còn được quy định thành nguyên tắc xử lí đối với tội phạm, bắt
buộc toà án phải xem xét khi quyết định biện pháp xử lí đối với người phạm tội. Đó là các tình tiết được quy
định tại Điều 3, Điều 69 BLHS hoặc các tình tiết như phạm nhiều tội, phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị, phạm tội
ở giai đoạn chưa đạt..., việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội có tình tiết này bắt buộc toà án phải
căn cứ vào những quy định tại Điều 50, Điều 52 BLHS... Các “tình tiết hình sự” trong trường hợp này chính
là những căn cứ để toà án dựa vào đó lựa chọn hình phạt phù hợp để hình phạt đạt được mục đích khi áp
dụng đối với người phạm tội.

3. Vai trò và mối quan hệ của các “tình tiết hình sự”

Các “tình tiết hình sự” bao gồm nhiều loại, có nội dung phản ánh những biểu hiện khác nhau của tội phạm.
Nó phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm; phản ánh điều kiện khách quan, chủ quan ảnh
hưởng đến hành vi phạm tội; phản ánh không gian, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh tội phạm xảy ra. Mặt
khác, các tình tiết của tội phạm còn phản ánh những đặc điểm nhất định, những phẩm chất cá nhân cũng
như hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội...

Các “tình tiết hình sự” có vai trò quan trọng trong việc xác định và xử lí tội phạm. Các tình tiết được nhà làm
luật sử dụng để phản ánh tội phạm, xây dựng những CTTP với những khung hình phạt khác nhau; xây dựng
các quy định về các tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng TNHS, phản ánh mức độ TNHS khác nhau của các
trường hợp phạm tội cụ thể (trong khung hình phạt). Đồng thời các tình tiết của tội phạm còn được nhà làm
luật sử dụng để xây dựng các chế định liên quan đến tội phạm và hình phạt cũng như những nguyên tắc,
đường lối xử lí tội phạm.

Các “tình tiết hình sự” được nhà giải thích luật sử dụng để phân biệt các tội phạm khác nhau; đánh giá tính
chất, mức độ nguy hiểm của các trường hợp phạm tội trong cùng loại tội; làm rõ mức độ nguy hiểm cũng
như mức độ TNHS của các trường hợp phạm tội cụ thể.

Các “tình tiết hình sự” được người áp dụng luật sử dụng làm căn cứ để định tội, định khung cũng như quyết
định hình phạt đối với người phạm tội. Nếu thiếu những tình tiết cụ thể, những căn cứ xác đáng có thể dẫn
đến việc định tội danh, định khung hình phạt hay quyết định hình phạt không đúng, không phù hợp, làm cho
hình phạt không đạt được mục đích khi áp dụng đối với người phạm tội.

Trong BLHS, các “tình tiết hình sự” có sự biểu hiện hết sức đa dạng. Mỗi tình tiết có ý nghĩa cũng như mức
độ phản ánh khác nhau. Mỗi tội phạm cụ thể bao giờ cũng là sự tổng hợp của nhiều tình tiết khác nhau. Đối
với vụ án cụ thể cần phải xác định rõ vị trí, ý nghĩa pháp lí của mỗi “tình tiết hình sự” là tình tiết định tội, định
khung hình phạt hay giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS để sử dụng chúng hợp lí. Vận dụng không đúng các
tình tiết này có thể dẫn đến việc định tội hoặc định khung hình phạt sai. Vận dụng không đúng các “tình tiết
hình sự” khi quyết định hình phạt có thể dẫn đến hậu quả là hình phạt đã tuyên quá nặng hoặc quá nhẹ đối
với người phạm tội. Sự phân biệt rõ các “tình tiết hình sự” là tình tiết định tội, định khung hay giảm nhẹ hoặc
tăng nặng TNHS chỉ đối với tội cụ thể. Một tình tiết có thể là tình tiết định tội của tội này nhưng lại là tình tiết
định khung hình phạt của tội khác và đối với tội khác nữa nó lại chỉ là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng
TNHS. Ví dụ: Tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” là tình tiết định tội của tội trộm cắp, tội công nhiên chiếm
đoạt tài sản hay nhiều tội phạm khác. Nhưng đối với tội cướp hay tội cướp giật tài sản, nó chỉ là tình tiết định
khung tăng nặng (khoản 2 Điều 133, Điều 135 BLHS). Còn đối với tội cố ý gây thương tích hoặc nhiều tội
khác nữa thì tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” lại chỉ là tình tiết tăng nặng TNHS.

Trong vụ án thường có nhiều tình tiết, thậm chí các tình tiết có ý nghĩa trái ngược nhau. Ví dụ: Trường hợp
vừa có tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” lại vừa có tình tiết “tự nguyện sửa chữa”, “bồi thường thiệt hại”
hoặc “khắc phục hậu quả”; hoặc trường hợp vừa có nhiều tình tiết tăng nặng nhưng đồng thời lại vừa có
nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS. Do vậy, phải xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và ảnh hưởng của các tình
tiết đối với tội phạm. Mỗi tình tiết cần được đánh giá riêng lẻ đồng thời còn phải được đánh giá tổng hợp
trong mối liên hệ của toàn bộ vụ án. Bởi lẽ, tội phạm là thể thống nhất không thể chia cắt, tất cả các tình tiết
- biểu hiện của tội phạm đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết thì tất cả
các tình tiết đó điều phải được xem xét, đánh giá tổng hợp; các tình tiết có ý nghĩa trái ngược nhau thì phải
xem xét xem tình tiết nào có ý nghĩa nhiều hơn.

Mỗi “tình tiết hình sự” không có ý nghĩa như nhau đối với mọi tội phạm và mọi trường hợp phạm tội. Ví dụ,
tình tiết “phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra”. “Hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn” nói đến trong tình tiết này thường là khó khăn về kinh tế. Do vậy, người có khó khăn đặc biệt về
kinh tế mà phạm tội xâm phạm sở hữu, có tính chiếm đoạt như tội trộm cắp, tội cướp giật... thì tình tiết “vì
hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...” có thể được xem xét giảm nhẹ TNHS. Còn nếu vì hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn về kinh tế nhưng người phạm tội lại phạm tội huỷ hoại tài sản hay tội giết người, tội cố ý gây thương
tích thì tình tiết “vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...” trong trường hợp này không có ý nghĩa giảm nhẹ TNHS
cho người phạm tội.

Sự khác nhau giữa các tình tiết định tội, định khung và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS là ở chỗ: Các
tình tiết định tội, định khung chỉ riêng biệt cho từng tội phạm; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS có thể
áp dụng cho tất cả các tội hoặc cho nhiều tội khác nhau. Tình tiết định tội được phản ánh trong CTTP cơ
bản của mỗi loại tội. Tình tiết định khung hình phạt được phản ánh trong CTTP giảm nhẹ hay tăng nặng của
mỗi loại tội. Còn các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS được quy định chung tại Điều 46 và Điều 48
BLHS.

Đối với mỗi tội phạm cụ thể, tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không còn được coi
là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS. Bởi vì, tình tiết khi đã được sử dụng (và sử dụng một cách triệt
để) trong việc xử lí tội phạm thì nó không còn cơ sở để sử dụng cho lần tiếp theo. Nếu mỗi tình tiết của tội
phạm lại được sử dụng hai lần hoặc nhiều hơn hai lần thì lần thứ hai và những lần tiếp sau đều là việc sử
dụng không có cơ sở. Điều đó dẫn đến hậu quả là giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS đối với người phạm tội
một cách không có căn cứ. Và như vậy cũng chính là vi phạm nguyên tắc pháp chế và các nguyên tắc khác
của luật hình sự.

Đối với mỗi tội phạm cụ thể, các tình tiết có ý nghĩa độc lập trong việc phản ánh tội phạm. Tuy nhiên, trong
nhiều trường hợp, một số tình tiết cụ thể chỉ có ý nghĩa hay thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó khi kết hợp với
các tình tiết khác. Ví dụ: Tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Đây là trường hợp
có hai tình tiết cụ thể kết hợp với nhau tạo thành một tình tiết có ý nghĩa về mặt hình sự. Tình tiết “phạm tội
lần đầu” chỉ có ý nghĩa giảm nhẹ TNHS đối với người phạm tội nếu việc “lần đầu” phạm tội đó “thuộc trường
hợp ít nghiêm trọng”. Cũng tương tự như vậy, tại Điều 95 BLHS, tình tiết “phạm tội trong trạng thái tinh thần
bị kích động mạnh” chỉ có ý nghĩa định tội khi kết hợp với tình tiết “do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của
nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó”...

Mỗi tội phạm đều là thể thống nhất của các tình tiết. Các tình tiết của tội phạm luôn có quan hệ chặt chẽ,
ảnh hưởng lẫn nhau. Các tình tiết phải được xem xét, đánh giá một cách độc lập, riêng rẽ nhưng đồng thời
cũng phải cân nhắc, đánh giá chúng trong mối liên hệ biện chứng của toàn bộ vụ án. Có như vậy mới xác
định được rõ vị trí, ý nghĩa cũng như ảnh hưởng của chúng đối với tội phạm để từ đó có biện pháp xử lí thoả
đáng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

4. Phân biệt “tình tiết hình sự” và dấu hiệu pháp lí của tội phạm

“Tình tiết hình sự” là những tình tiết thực tế của tội phạm. Nó là những biểu hiện cụ thể của tội phạm hoặc
những biểu hiện có liên quan trực tiếp đến hành vi nguy hiểm cho xã hội có ý nghĩa về mặt hình sự khi giải
quyết TNHS đối với người thực hiện. Còn dấu hiệu của tội phạm là những tình tiết cụ thể của tội phạm được
quy định trong BLHS, là dấu hiệu pháp lí bắt buộc của tội phạm.

Hành vi phạm tội có thể bao gồm rất nhiều tình tiết thực tế khác nhau (có ý nghĩa về mặt hình sự) nhưng
không phải tất cả những tình tiết ấy đều là dấu hiệu pháp lí (bắt buộc) của tội phạm. Tuy nhiên, có những
tình tiết thực tế của hành vi phạm tội giống nhau hay phù hợp với dấu hiệu CTTP, dấu hiệu định khung hình
phạt của loại tội phạm đó hoặc dấu hiệu giảm nhẹ, tăng nặng TNHS đã được quy định trong BLHS. Trường
hợp này, tình tiết hình sự và các dấu hiệu của tội phạm là trùng nhau. Đó chính là trường hợp có sự đồng
nhất giữa các tình tiết thực tế của hiện tượng khách quan với các dấu hiệu của khái niệm pháp lí trong luật
hình sự. Nhà làm luật khi quy định tội phạm đã lựa chọn những tình tiết thực tế điển hình của hiện tượng xã
hội điển hình phản ánh vào trong luật hình sự. Thông qua nhà làm luật, một số tình tiết đặc trưng, điển hình
của tội phạm trở thành những dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung hình phạt hay dấu hiệu giảm nhẹ hoặc
tăng nặng TNHS.

You might also like