You are on page 1of 4

Một số ý kiến về hình phạt trục xuất trong Bộ luật hình sự năm 1999

Thời gian vừa qua số lượng tổ chức và cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích làm ăn, du
lịch và kinh doanh ngày một nhiều và trong số đó có một số người nước ngoài đã phạm tội trên lãnh thổ Việt
Nam. Do đó, đòi hỏi trong hệ thống hình phạt Bộ luật hình sự (BLHS) nước ta phải có hình phạt đặc thù để
áp dụng đối với đối tượng là người nước ngoài. Chính vì vậy, nhà làm luật nước ta đã quy định hình phạt
mới là trục xuất vào hệ thống hình phạt BLHS năm 1999 với tính chất vừa là hình phạt chính vừa là hình
phạt bổ sung. Qua nghiên cứu hình phạt trục xuất quy định tại Điều 32 BLHS năm 1999 chúng ta có thể rút
ra một số điểm mới và những vấn đề cần trao đổi dưới đây.

1. Về khái niệm hình phạt trục xuất

Lần đầu tiên nhà làm luật nước ta đã ghi nhận quy phạm riêng biệt đề cập định nghĩa pháp lí của khái niệm
hình phạt trục xuất: "Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 32). Như vậy, việc BLHS năm 1999 quy định bổ sung hình phạt trục xuất và
đưa ra khái niệm hình phạt này có ý nghĩa lí luận - thực tiễn rất quan trọng đối với sự phát triển của pháp
luật hình sự Việt Nam nói riêng cũng như thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người phạm tội của tòa án nói
chung, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng và chống người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam
trước tình hình phát triển của xã hội với xu thế hội nhập và mở cửa, giao lưu và hợp tác quốc tế.

2. Về đối tượng bị áp dụng hình phạt trục xuất

Cũng giống như hình phạt tiền, trục xuất vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung trong hệ thống
hình phạt được quy định trong BLHS Việt Nam. Tuy nhiên, có điểm khác biệt giữa hình phạt trục xuất với
các hình phạt còn lại ở chỗ nếu các hình phạt khác có thể áp dụng chung cho tất cả mọi chủ thể thực hiện
hành vi phạm tội thì trục xuất là hình phạt chỉ được áp dụng đối với chủ thể là người nước ngoài phạm tội
trên lãnh thổ Việt Nam và theo quyết định của toà án trong thời hạn nhất định, chậm nhất là mười lăm ngày
kể từ ngày có quyết định thi hành án(1) thì người đó bắt buộc phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam. Trên cơ sở các quy định của Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998 (Điều 2), Pháp lệnh
nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28/4/2000 (Điều 3) và Nghị định số
54/2001/NĐ-CP ngày 23/08/2001 của Chính phủ hướng dẫn về việc thi hành hình phạt trục xuất (Điều 1) thì
khái niệm "người nước ngoài" được hiểu là "người không có quốc tịch Việt Nam". Từ khái niệm này có thể
hiểu người nước ngoài là người mang quốc tịch của nước khác và người không mang quốc tịch của bất kì
nước nào (người không có quốc tịch). Tuy nhiên, ở đây cũng có trường hợp biệt lệ cần lưu ý là trục xuất sẽ
không được áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam. Cụ thể với đối tượng này,
tòa án có thể áp dụng một trong các hình phạt chính khác căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã
hội của hành vi mà họ đã thực hiện.(2) Tuy nhiên, không phải bất cứ cá nhân người nước ngoài nào phạm tội
cũng đều bị xử lí bằng biện pháp hình sự. Khoản 2 Điều 5 BLHS năm 1999 đã quy định: “Đối với người
nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng
các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các
điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán
quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”. Điều này được
khẳng định lại trong khoản 3 Điều 1 Nghị định số 54/2001/NĐ-CP ngày 23/08/2001 của Chính phủ hướng
dẫn thi hành hình phạt trục xuất: “Việc trục xuất người nước ngoài phạm tội thuộc đối tượng được hưởng các
quyền miễn trừ ngoại giao hoặc ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

3. Phân biệt hình phạt trục xuất và biện pháp trục xuất với tính chất là chế tài hành chính

Về hình thức hình phạt trục xuất trong luật hình sự và biện pháp trục xuất trong hành chính giống nhau là
đều buộc người nước ngoài phạm tội phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên, về
bản chất pháp lí, hình phạt trục xuất trong luật hình sự hoàn toàn khác biệt so với biện pháp trục xuất theo
quyết định của bộ trưởng Bộ công an với tính chất là chế tài hành chính. Cụ thể, nếu hình phạt trục xuất
được ghi nhận trong hệ thống hình phạt được quy định trong BLHS năm 1999 là biện pháp của trách nhiệm
hình sự dành cho cá nhân người nước ngoài phạm một trong các tội được quy định trong BLHS nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước
áp dụng đối với cá nhân người phạm tội. Về nguyên tắc, người chịu hình phạt này phải mang án tích trong
thời hạn nhất định. Bên cạnh đó, trục xuất hành chính là biện pháp (chế tài) áp dụng đối với người nước
ngoài có các hành vi vi phạm các quy định pháp luật hành chính. Đây là biện pháp của trách nhiệm hành
chính và không phải mang án tích. Ngoài ra, người nước ngoài phạm tội buộc phải chịu hình phạt trục xuất
theo luật hình sự Việt Nam chỉ khi có quyết định thi hành án của toà án cấp có thẩm quyền. Còn trường hợp
người nước ngoài vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú hoặc vi phạm một số quy định hành
chính khác phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quyết định của bộ trưởng Bộ công an căn cứ vào Pháp lệnh
xử lí vi phạm hành chính.

4. Về nghĩa vụ và quyền của người bị trục xuất

Cụ thể hóa Điều 32 BLHS năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2001/NĐ-CP ngày 23/08/2001
hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất. Theo đó, Nghị định này đã quy định cụ thể các nghĩa vụ và quyền
mà người bị áp dụng hình phạt trục xuất được hưởng.

a. Nghĩa vụ của người bị trục xuất

Bên cạnh nghĩa vụ phải thực hiện các hình phạt khác hoặc các nghĩa vụ khác theo pháp luật của Việt Nam
(nếu có), người bị trục xuất còn có các nghĩa vụ như sau:

- Thứ nhất, phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đúng thời hạn được ghi trong quyết định thi hành án của toà án
nếu không thuộc một trong các trường hợp được kéo dài thời hạn rời khỏi lãnh thổ Việt Nam như Điều 4 của
Nghị định này.

- Thứ hai, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lí, giám sát của cơ quan quản lí xuất
nhập cảnh; không được tự ý rời khỏi nơi quản lí, giám sát do cơ quan quản lí xuất nhập cảnh chỉ định bằng
văn bản.

- Thứ ba, nộp các giấy tờ cần thiết để thi hành án theo yêu cầu của cơ quan quản lí xuất nhập cảnh.

- Thứ tư, phải nhanh chóng hoàn thành xong các nghĩa vụ khác (nếu có) và hoàn thành các thủ tục cần thiết
để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đúng thời hạn.

- Thứ năm, phải tự chịu chi phí về phương tiện xuất cảnh. Tuy nhiên, để tránh trường hợp người bị trục xuất
lấy lí do chưa đủ khả năng tài chính nhằm dây dưa, kéo dài, gây khó khăn trong thi hành án đồng thời thể
hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, nếu trong trường hợp người bị trục xuất chưa có khả năng tự
chịu chi phí về phương tiện xuất cảnh thì cơ quan quản lí xuất cảnh có thể yêu cầu cơ quan đại diện ngoại
giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân giải quyết kinh phí đưa người bị trục xuất trở về
nước. Trong trường hợp vẫn chưa giải quyết được kinh phí hoặc vì lí do cấp bách bảo vệ an ninh quốc gia
thì cơ quan quản lí xuất nhập cảnh được sử dụng ngân sách nhà nước để trả chi phí về phương tiện xuất
cảnh với mức thấp nhất để buộc người bị trục xuất nhanh chóng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

b. Quyền của người bị trục xuất

Căn cứ Điều 234a Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 1988 (đã được sửa đổi, bổ sung ngày 09/06/2000)
quy định về thi hành hình phạt trục xuất và Nghị định số 54/NĐ-CP thì người bị trục xuất có các quyền sau.

- Thứ nhất, người bị trục xuất có thể được kéo dài thời hạn rời khỏi lãnh thổ Việt Nam song phải thuộc một
trong các trường hợp sau: a) Người đó đang ốm nặng, đang phải cấp cứu hoặc vì lí do sức khoẻ khác mà
không thể đi lại được và được cơ quan y tế hoặc bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên chứng nhận; b) Phải chấp
hành các hình phạt khác hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam; c) Có lí do
chính đáng khác cản trở việc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam được thủ trưởng cơ quan quản lí xuất nhập cảnh
xác nhận. Nếu thuộc một trong các trường hợp trên, người bị trục xuất chỉ được kéo dài thời hạn rời khỏi
lãnh thổ Việt Nam khi có quyết định của toà án đã ra quyết định thi hành án.

- Thứ hai, trong trường hợp người bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam thì khi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam họ
được mang theo tài sản hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật (Điều 5). Đây là quy định thể hiện
sự tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá” đã
được Hiến pháp Việt Nam năm 1992 ghi nhận (Điều 23).

- Thứ ba, khoản 3 Điều 1 Nghị định này cũng có quy định ưu đãi đối với các đối tượng đặc biệt. Cụ thể, nếu
trục xuất người nước ngoài phạm tội thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc ưu
đãi và miễn trừ về lãnh sự được giải quyết bằng con đường ngoại giao giữa hai nước.

5. Một số vấn đề xung quanh hình phạt trục xuất


Qua nghiên cứu hình phạt trục xuất quy định tại Điều 32 BLHS Việt Nam năm 1999, chúng tôi thấy có một
số vấn đề cần trao đổi dưới đây.

- Thứ nhất, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của việc xử lí các trường hợp người nước ngoài phạm tội
trên lãnh thổ Việt Nam nên Nhà nước ta chủ yếu xử lí các trường hợp này thông qua con đường ngoại giao
theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết, tham gia hoặc theo thông lệ quốc tế. Hình phạt trục xuất
được quy định trong luật hình sự vừa phải đảm bảo tính linh hoạt nhưng cũng vừa phải đảm bảo tính
nghiêm minh của pháp luật đối với người nước ngoài nếu họ xâm phạm đến lợi ích, chủ quyền quốc gia của
Nhà nước Việt Nam. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà luật quy định trục xuất có thể được toà án áp dụng là
hình phạt chính (hình phạt bắt buộc phải áp dụng đối với người phạm tội và được toà án tuyên độc lập phù
hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm) hoặc là hình phạt bổ sung (loại hình phạt áp dụng kèm
theo hình phạt chính và không được toà án tuyên một cách độc lập) trong từng trường hợp (vụ án) cụ thể.
Tuy nhiên, Điều 32 BLHS lại không quy định những điều kiện cụ thể để áp dụng hình phạt trục xuất đồng
thời cũng không quy định hình phạt này trong khung hình phạt (chế tài) nào tại các điều luật cụ thể của Phần
các tội phạm. Điều đó có nghĩa đối với người nước ngoài phạm bất cứ tội danh nào được quy định trong
BLHS đều có thể áp dụng loại hình phạt này. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở sự cân nhắc nhiều
yếu tố khác nhau, toà án sẽ vận dụng điều luật để đưa ra quyết định việc áp dụng hình phạt trục xuất đối với
người phạm tội. Song Điều 32 BLHS quy định: "Trục xuất được tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình
phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể" là chưa phù hợp vì để bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong luật
hình sự thì người phạm tội chỉ phải chịu hình phạt đồng thời toà án cũng chỉ được tuyên hình phạt được quy
định trong Điều luật tương ứng về tội mà họ đã phạm.

- Thứ hai, mặc dù Điều 32 BLHS năm 1999 định nghĩa như thế nào là hình phạt trục xuất, Nghị định số
54/2001/NĐ-CP ngày 23/08/2001 của Chính phủ đã hướng dẫn về việc thi hành hình phạt trục xuất đối với
đối tượng bị áp dụng là “người nước ngoài” nhưng việc áp dụng vẫn còn gặp vướng mắc. Nếu như đồng ý
với cách hiểu người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Pháp lệnh về nhập
cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28/4/2000 song thực tế xảy ra hai trường
hợp. Trường hợp thứ nhất, người nước ngoài là người có quốc tịch của nước khác không phải Việt Nam và
trường hợp thứ hai người nước ngoài không mang quốc tịch của bất cứ nước nào (người không có quốc
tịch). Như vậy, điều đó dẫn đến vấn đề khi thi hành hình phạt trục xuất, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ
thi hành án (cơ quan quản lí xuất nhập cảnh của Bộ công an) sẽ có hai loại đối tượng khác nhau khi thi hành
hình phạt này. Đó là người không có quốc tịch và người có quốc tịch của nước khác mà không phải là quốc
tịch Việt Nam. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 54/2001/NĐ-CP nếu “Người bị trục xuất chưa có khả
năng tự chịu chi phí về phương tiện xuất cảnh thì cơ quan quản lí xuất nhập cảnh có thể yêu cầu cơ quan
đại diện ngoại giao của nước mà người đó là công dân giải quyết kinh phí đưa người bị trục xuất về nước.
Trong trường hợp vẫn chưa giải quyết được kinh phí hoặc vì lí do cấp bách bảo vệ an ninh quốc gia thì cơ
quan quản lí xuất nhập cảnh được sử dụng ngân sách nhà nước để trả chi phí về phương tiện xuất cảnh với
mức thấp nhất để buộc người bị trục xuất nhanh chóng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam”. Vậy trong các trường
hợp người nước ngoài phạm tội bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam là người không có quốc tịch thì cơ quan
nào sẽ đại diện cho họ thanh toán các chi phí xuất cảnh mà họ không có khả năng chi trả. Theo hướng dẫn
tại Điều 9 Nghị định số 54/2001/NĐ-CP có nghĩa là “chưa giải quyết được kinh phí” và “vì lí do cấp bách bảo
vệ an ninh quốc gia” cơ quan quản lí xuất nhập cảnh phải sử dụng ngân sách quốc gia để trả chi phí nói
trên, bởi hầu hết các trường hợp bị trục xuất theo quyết định của toà án đều nguy hiểm cho an ninh quốc gia
nên ở đây rõ ràng là chúng ta chưa dự liệu được khả năng này xảy ra.

- Thứ ba, về việc người bị áp dụng hình phạt trục xuất có bị mang án tích hay không là vấn đề cũng cần phải
có sự hướng dẫn và quy định thống nhất. Bởi lẽ, đặc trưng quan trọng để phân biệt hình phạt và các biện
pháp của dạng trách nhiệm pháp lí khác ở chỗ hình phạt để lại án tích cho người phạm tội. Theo Điều 28
BLHS năm 1999 quy định về các hình phạt thì trục xuất nằm trong hệ thống các hình phạt của luật hình sự
Việt Nam và nó không nằm ngoài tính chất chung của hình phạt, có nghĩa sẽ để lại án tích cho người bị áp
dụng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trục xuất là hình phạt không để lại án tích cho người phạm tội bị áp
dụng. Bởi lẽ, tại Điều 64 và Điều 65 BLHS năm 1999 quy định về đương nhiên được xoá án tích và xoá án
tích theo quyết định của toà án đều không có bất cứ trường hợp nào người chấp hành hình phạt trục xuất
được xoá án tích. Mặt khác, đối tượng bị áp dụng ở đây là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt
Nam, khi họ bị áp dụng hình phạt trục xuất về nước thì vấn đề án tích có lẽ không đặt ra nên hình phạt này
mang tính chất hình phạt chính không mang án tích.

- Thứ tư, đối với trường hợp tòa án áp dụng hình phạt chính nào đó và trục xuất được áp dụng là hình phạt
hình phạt bổ sung thì nảy sinh một số vấn đề như: Trường hợp nào tòa án áp dụng trục xuất là hình phạt bổ
sung? Việc thi hành hình phạt bổ sung này như thế nào? Theo chúng tôi, về mặt lí thuyết, nếu người phạm
tội bị áp dụng hình phạt chính là một trong các loại hình phạt: Cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù
chung thân thì việc áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất sẽ không còn ý nghĩa nữa, bởi lẽ các hình phạt
chính kể trên đã có mục đích nhằm giáo dục, cải tạo người bị kết án trở thành người có ích cho xã hội rồi và
vì vậy, nếu trục xuất người bị kết án ra khỏi Việt Nam thì mục đích của hình phạt chính sẽ không đạt được.
Theo suy luận logic đó thì tòa án chỉ có thể áp dụng trục xuất với tính chất là hình phạt bổ sung khi hình phạt
chính áp dụng đối với người phạm tội là hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tuy nhiên, trường hợp người
phạm tội bị áp dụng hình phạt cảnh cáo và bị áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất thì không có vấn đề gì
nhưng đối với trường hợp người phạm tội bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền và hình phạt bổ sung là
trục xuất thì hình phạt bổ sung chỉ có thể được thực hiện khi người phạm tội đã nộp đủ số tiền phạt. Việc
buộc người phạm tội phải nộp đủ tiền phạt sau đó mới trục xuất trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng đến
tính thời sự của việc trục xuất, bởi vì khi tòa án xét thấy cần áp dụng hình phạt trục xuất là phải tính đến khả
năng không thể để người bị kết án ở lại Việt Nam lâu hơn nữa.(3)

- Thứ năm, theo chúng tôi về hình phạt trục xuất cũng còn nhiều vấn đề cần được quy định hoặc cần có
hướng dẫn cụ thể. Đó là các vấn đề như: Người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam bị áp dụng
hình phạt trục xuất thì họ có được quay trở lại Việt Nam hay không và nếu có thì thời gian là bao nhiêu lâu?
Trình tự, thủ tục, cấp tòa án nào có thẩm quyền áp dụng, những điều kiện cụ thể để áp dụng hình phạt này
ra sao, cơ quan công an cấp nào có trách nhiệm thi hành, mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan công an,
ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao nước người bị trục xuất mang quốc tịch trong quá trình thi hành bản
án(4)...

Tóm lại, việc quy định trong hệ thống hình phạt của BLHS Việt Nam năm 1999 loại hình phạt mới - trục xuất
thể hiện chính sách hình sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nó không chỉ là
công cụ hữu hiệu trong việc giải quyết một cách nhanh chóng, đúng pháp luật quốc tế các trường hợp người
nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam mà còn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích, chủ
quyền quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất
trong áp dụng và thi hành hình phạt này trên thực tế, theo chúng tôi cần có những quy định cụ thể hơn nữa
về đối tượng bị áp dụng, cách thức, điều kiện và phạm vi áp dụng loại hình phạt này để trên cơ sở đó hoàn
thiện pháp luật hình sự nói chung, chế định hình phạt nói riêng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

You might also like