You are on page 1of 3

Người ta lớn để làm gì?

Nhớ lúc bé, rồi khi còn đi học, lúc nào cũng mong được chóng lớn, lớn để làm những
việc mình thích, để thực hiện những ước mơ của mình, để mọi người tôn trọng ý kiến của
mình, được tự chứng tỏ mình,… và còn hàng tỉ lý do khác cho ước mơ được mau lớn…

(Ảnh minh họa)

19 tuổi, tuổi chưa là người lớn hoàn toàn, nhưng cũng chẳng là trẻ con nữa. Bước những
bước chân đầu tiên vào đời, cái tuổi tự mình làm chủ cuộc sống, cũng có thể gọi một
phần nào đó là “lớn”, đã biết tự sắp xếp, tự chịu trách nhiệm cuộc sống cho mình, mới
thấy “lớn” không như những mong ước ngày bé.

Người ta “lớn”, tự chịu trách nhiệm cuộc sống của mình, rồi những thành công hay thất
bại đều tự mình đón nhận. Có những sự thất bại nặng nề làm con người hụt hẫng, suy sụp
nhưng khi ta đã “lớn”, ta phải tự mình nhận về những nỗi buồn của riêng mình.

“Lớn” là biết cảm nhận cuộc sống, biết buồn, biết đau khổ, biết tính toán cho mỗi ngày
mới. Biết buồn khi gặp thất bại, biết chia sẻ với những nỗi đau, phải giấu đi những suy
nghĩ thật của mình để mong người khác vui lòng.

Khi ta “lớn”, trong mỗi nụ cười dường như vẫn ẩn trong đó những lo toan, những nỗi
buồn, những tính toán cho những ngày tới. Hiếm khi “lớn” mà ta được cười thoải mái, vô
tư như ngày còn bé. Có những chuyện buồn, trắc trở trong cuộc sống, khi “lớn” ta phải
giấu kín trong lòng, không thể chia sẻ với ai, không như ngày bé có thể vô tư chia sẻ với
bố mẹ.

“Lớn” là ta mất đi sự thoải mái trong tâm hồn, để từng ngày trôi qua, người ta có thêm
nhiều điều để suy nghĩ, từ đó trưởng thành hơn mỗi ngày.
Người ta đã “lớn” khi nhìn cuộc sống bằng con mắt thực tế hơn, không còn mơ mộng
những ước mơ cao đẹp như ngày trước. Khi “lớn” ta chỉ biết sống cho ngày hôm nay, cho
những công việc của buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, cho những việc của hôm nay, ngày
mai, tuần này, tuần sau. Đâu còn những giờ phút ngẩn ngơ bên sân trường mơ một tương
lai thật đẹp, một tương lai mà chỉ có những ước mơ về một cuộc sống dễ dàng.

“Lớn” để biết lo lắng nhiều hơn cho người thân, bạn bè.

“Lớn” là phải biết cho nhiều hơn là nhận, cho đi những tình cảm yêu thương của mình
đến người xung quanh, không còn vô tư nhận về những sự quan tâm của bố mẹ, bạn bè
mà không nghĩ đến sự đáp trả.

“Lớn” là khi người ta biết xấu hổ về những thất bại, biết tự hào với những thành công,
biết cuộc sống còn những điều chưa tốt, biết tìm cho mình một cuộc sống thật tốt.

“Lớn” để ta hiểu rằng không có một điều gì có thể dễ dàng như mình mong muốn, cuộc
sống là những khó khăn, thử thách, muốn đạt được những điều mong muốn phải cố gắng
rất nhiều, cuộc sống không là một món quà tặng mà nó là sự cố gắng hết mình để nhận
lấy.

Và khi đã “lớn”, ta mới hiểu rằng khi ta lớn lên hằng ngày là thời gian những người thân
ở lại bên ta càng ngắn lại, nhận biết rằng cuộc đời là những sự ly tan, không có gì là mãi
mãi.

(Ảnh minh họa)

Khi ta “lớn” ta mới hiểu những niềm hạnh phúc của tuổi thơ quí giá biết nhường nào và
biết tiếc nuối những gì đã qua.

“Lớn” để ta cảm nhận rõ ràng nhất tình cảm mọi người dành cho mình, đó không chỉ có
sự yêu thương mà còn có cả những sự ganh ghét, sự khinh thường, sự dối trá. Tất cả như
thử thách mà mỗi người phải vượt qua trên con đường của mình và đôi lúc ta tưởng
chừng không vượt qua được để qua mỗi thử thách lại thấy mình lớn hơn và trưởng thành
hơn.

“Lớn” là xa rời tuổi thơ, tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình, từ đó thấy cuộc sống
này không hề đơn giản mà trái lại còn nhiều những nỗi buồn, những sự thất bại và còn đó
cả những nỗi đau.

19 tuổi, liệu như vậy đã lớn chưa?

Lớn để thấy mình mất đi nhiều điều tốt đẹp, mất đi sự hồn nhiên; lớn để thấy nhiều điều
không đẹp của cuộc sống, thấy mình mệt mỏi trong từng ngày trôi qua, lớn để cảm thấy
mình quá bé nhỏ trong biển lớn cuộc đời mênh mông…

Vậy người ta lớn để làm gì…?

You might also like