You are on page 1of 3

Kinh tế - Thị trường

Thị trường Trung Quốc, cần bài bản


Cập nhật lúc 23:29, Thứ Năm, 07/01/2010 (GMT+7)

- Cách tiếp cận của các doanh nghiệp Việt với thị trường Trung Quốc trước giờ thường bị
đánh giá là thiếu bài bản, nhỏ lẻ, theo ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế
trung ương.

Hôm 1/1/2010, Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã chính thức được thực
thi đầy đủ trên cả ba lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Với 13 triệu km2, dân số khoảng 2 tỷ người và GDP lên tới gần 6.000 tỷ USD, ACFTA là khu vực thương
mại lớn nhất thế giới, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Theo lộ trình, giai đoạn đầu, Trung Quốc và 6 nước thành viên của ASEAN gồm Indonesia, Philippines,
Thái Lan, Malaysia, Singapore và Brunei sẽ chính thức dỡ bỏ hàng rào thuế quan cho phép tự do buôn bán
đối với hơn 90% các loại hàng hóa và dịch vụ.

Các nước thành viên còn lại là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam sẽ có thêm thời hạn khoảng 5 năm
nữa để thực hiện thỏa thuận này. Dự kiến, đến năm 2015, hiệp định sẽ có giá trị trong toàn khu vực.

Việc thiết lập ACFTA và thực hiện "hai hành lang một vành đai" sẽ giúp
Việt Nam-Trung Quốc phát triển mạnh hợp tác kinh tế và đầu tư, nâng kim
ngạch thương mại hai chiều năm 2010 lên 25 tỷ USD, Thứ trưởng Công
Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Diễn đàn ACFTA sáng 7/1. (Ảnh:
Đ.T)

Quan hệ thương mại Trung Quốc - ASEAN đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại
hai chiều từ 78,2 tỷ USD trong năm 2003 đã tăng tới 231,1 tỷ USD trong năm 2008, với mức tăng trưởng
hàng năm là 24,2%.
Riêng với Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn ACFTA ngày 7/1 tại Nam Ninh (Trung Quốc), ông Nguyễn
Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, "từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương
mại lớn nhất của Việt Nam".

Năm 2008, kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 20,188 tỷ USD, tăng 27,3% so với 2007 và hơn 100 lần
so với năm 2000. Tuy nhiên, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,536 tỷ USD, còn
nhập khẩu lên tới 15,652 tỷ USD.

Trước đó, phát biểu bên lề bàn tròn giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng với lãnh đạo doanh nghiệp
Việt-Trung cũng tại Nam Ninh hôm 20/10/2009, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương,
từng thừa nhận, “trong quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc có hiện tượng mất cân đối cán cân
thương mại, Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, việc tận dụng các cơ hội để xúc tiến thương mại tại Trung Quốc là
một trong những hướng đi đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường này, theo các con đường
chính ngạch, cũng như đẩy mạnh quan hệ buôn bán biên mậu giữa các tỉnh biên giới Việt Nam với Trung
Quốc, nhất là hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam.

Trong năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu
của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm chưa đầy 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Trung Quốc không dễ. Ông Võ Trí Thành,
Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực tìm
hiểu cách thâm nhập thị trường này.

Thực hiện ACFTA mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn, cải thiện thuận lợi hóa thương mại... Tuy
nhiên, từ trước tới nay, các hoạt động tiếp cận thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam thường
rất nhỏ lẻ, thiếu bài bản.

Tổng giá trị thỏa thuận, hợp đồng... các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết
trong khuôn khổ Hội chợ Trung Quốc-ASEAN 2009 đạt khoảng 100 triệu
USD. (Ảnh: Đ.T)

Cùng chung quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, “để tận dụng cơ hội đem lại từ
ACFTA mang lại, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp, trong việc nâng cao sức cạnh tranh của
doanh nghiệp mình, cũng như hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp cho Trung Quốc”.
Theo ông Biên, Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm mà Bộ Công Thương đã giao cho
Cục Xúc tiến thương mại, Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Vụ hợp tác quốc tế, Vụ Xuất nhập khẩu tìm mọi
biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, tìm kiếm hợp đồng, tìm kiếm bạn hàng để làm ăn lâu
dài.

Trong cuộc hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” hôm 20/11/2009, các chuyên gia
kinh tế trong nước đã lưu ý, doanh nghiệp Việt phải xây dựng, quảng bá và đăng ký thương hiệu; có chiến
lược thâm nhập và phát triển thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng quan hệ với bạn hàng Trung Quốc thông qua việc tận dụng các
hội chợ quốc tế, chuyên ngành. Thông qua các hiệp hội ngành hàng của Trung Quốc, xây dựng hệ thống
đại lý bán lẻ, mở cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm, liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, chế
biến, tiêu thụ sản phẩm tại Trung Quốc...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường Trung Quốc khá tiềm năng đối với nhiều mặt hàng nông
sản của Việt Nam như cao su, tiêu, quế, hồi, đồ uống...Thị trường 1,9 tỷ dân này cũng cần nhập gạo chất
lượng cao, hoa tươi, bàn ghế gỗ giả cổ, thủy hải sản, thực phẩm chế biến và cả giày dép bằng cao su.

Dự kiến, kim ngạch mậu dịch giữa hai nước trong 2009 đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng 6,9%, trong năm
2010 sẽ nâng lên mức 25 tỷ USD.

You might also like