You are on page 1of 4

Tinh thể Photonic

hay là bán dẫn ánh sáng

Bắt chước tự nhiên, làm ra tinh thể nhân tạo, có cấu trúc tuần hoàn, có khe năng lượng, có thể điều
khiển được phôtôn chuyển vận trong đó tương tự như điều khiển điện tử chuyển vận trong bán dẫn:
suy nghĩ, ước mơ của một số nhà vật lý đến nay đã thành sự thật. Tinh thể photonic hay bán dẫn ánh
sáng đang được đẩy mạnh nghiên cứu, đang được đưa vào sử dụng.

1. Khe năng lượng đối với điện tử ở chất bán dẫn

Những thành tựu của công nghệ bán dẫn vi điện tử hiện nay đều xuất phát từ lý thuyết lượng tử
của vật rắn tinh thể: do các nguyên tử nằm gần nhau và sắp xếp trật tự nên các mức năng lượng
của điện tử trong nguyên tử tách ra thành các dải năng lượng cách nhau bởi khe năng lượng. Gọi
là khe vì đây là vùng cấm, không điện tử nào có thể có năng lượng trong phạm vi khe này.

Ở CHẤT BÁN DẪN, CÁC ÐIỆN TỬ ÐIỀN đầy các dải năng lượng từ dưới lên trên cho đến khe năng
lượng (hình 1). Tác dụng điện thế lên bán dẫn, điện tử không thể chuyển động được, tức là không
có dòng điện vì xét về năng lượng điện tử không có mức nào cho phép để nhảy lên. Nếu bán dẫn
có thêm một số điện tử ở dải trên khe, các điện tử rất dễ chuyển động vì ở dải này còn vô số mức
chưa điền đầy. Ngược lại nếu dải dưới khe còn một số mức còn trống chưa có điện tử điền đầy,
điện tử cũng có thể chuyển động được bằng cách từ mức điền đẩy nhảy lên mức trống, người ta
quen gọi đó là chuyển động của các lỗ trống (mang điện dương).

Nghệ thuật chế tạo các linh kiện bán dẫn là nghệ thuật pha tạp chất cho bán dẫn để chỗ này thì
dẫn điện bằng điện tử, chỗ kia thì dẫn điện bằng lỗ trống và dùng điện trường để điều khiển điện
tử và lỗ trống chuyển động tức là điều khiển dòng điện.

Trong chất bán dẫn, khoảng cách giữa các nguyên tử cỡ một phần tư nanomet, cách sắp xếp các
nguyên tử tạo thành cấu trúc tinh thể là do những quy luật kết tinh tự nhiên.

2. Ý TƯỞNG ÐỘC ÐÁO: TẠO RA TINH THỂ có khe năng lượng cho phôtôn

Năm 1987 có hai nhà khoa học độc lập với nhau công bố công trình cách nhau hai tháng về ý
tưởng tạo ra khe năng lượng cho phôtôn. Ðó là Eli Yablonovitch thuộc hãng nghiên cứu truyền
thông Bell, một hãng nghiên cứu về điện thoại ở New Jersey (Mỹ) và Sajeev John ở Ðại học
Princenton (Mỹ). Hai nhà khoa học có hai mục đích rất khác nhau. E. Yablonovitch đang tìm cách
làm thế nào dùng laze cho viễn thông có hiệu suất hơn. Ðó là vì phần lớn dòng điện tiêu thụ để
tạo ra laze bị tổn hao do phát xạ ánh sáng ngẫu nhiên mà để phát ra laze chỉ cần phát xạ kích
thích. Nếu tạo được khe năng lượng cho ánh sáng thì khe này sẽ cấm không cho ánh sáng ngẫu

1
nhiên phát ra, dòng điện tiêu thụ sẽ ít hơn. S. John lại có mục đích hoàn toàn khác, ông thuần
tuý muốn nghiên cứu làm thế nào tạo ra khe năng lượng ánh sáng để định xứ ánh sáng tương tự
như ở điện tử học người ta có thể dùng bán dẫn vô định hình để định xứ điện tử, không cho chúng
chuyển động tạo ra dòng điện.

Hai nhà khoa học này trước đó chưa gặp nhau bao giờ chỉ biết nhau qua những đề xuất có vẻ lý
thuyết này và thống nhất với nhau tên gọi "khe của dải năng lượng photonic" (photonic band gap)
và "tinh thể photonic" (photonic crystal).

E. Yablonovitch là một nhà thực nghiệm có tài. Ông nung nấu ý nghĩ là trong vài tháng có thể làm
ra được tinh thể photonic và đó sẽ là tinh thể photonic đầu tiên. Ông nghĩ rằng có thể lấy các tấm
điện môi mỏng, khoan các hàng lỗ trên đó bằng máy khoan và xếp chồng lại, thế là có được cấu
trúc tuần hoàn ba chiều của các lỗ tương tự như các nguyên tử sắp xếp tuần hoàn trong tinh thể.
Vấn đề là kích thước như thế nào và sắp xếp các lỗ theo cấu trúc nào. Liên hệ với bán dẫn ông
thấy điện tử có tính chất sóng, điện tử tán xạ bởi các dãy nguyên tử hoặc các mặt nguyên tử. Nếu
bước sóng của điện tử vào cỡ khoảng cách giữa các mặt nguyên tử (tức là vào khoảng 0,2 - 0,3
nanomet) thì các sóng phản xạ có thể cộng lại nhau một cách kết hợp. Lúc đó sóng điện tử phản
xạ hoàn toàn tương tự như ánh sáng gặp phải tấm gương, nói cách khác là sóng điện tử bị cấm
không truyền đi được. Việc cấm hay là sự phản xạ này xảy ra đối với mọi hướng. Còn bề rộng của
khe năng lượng có nghĩa là phạm vi năng lượng của các sóng luôn bị phản xạ, không truyền đi
được.

Ðể có khe năng lượng của ánh sáng tức là của sóng điện từ, ban đầu ông nghĩ là khó bắt chước
một cách đơn giản cấu trúc của tinh thể silic. Ðối với ánh sáng, có tán xạ là do có thay đổi về
chiết suất, thí dụ ánh sáng đi từ không khí đến thủy tinh bị tán xạ vì thủy tinh có chiết suất gấp
rưỡi chiết suất không khí. Muốn cho có tán xạ tương tự như điện tử tán xạ bởi nguyên tử có lẽ là
phải chọn lọc vật liệu có chiết suất thích hợp. Nhưng điều phức tạp là chuyển động của điện tử
được mô tả bằng phương trình Schrửdinger ở cơ lượng tử còn chuyển động của ánh sáng được mô
tả bởi phương trình Maxwell của thuyết điện từ. Trong tán xạ, ánh sáng bị ảnh hưởng lớn do yếu
tố phân cực, còn ở tán xạ điện tử trên nguyên tử ít thấy yếu tố phân cực ảnh hưởng.

Với quá nhiều suy nghĩ, cân nhắc về sự giống nhau và khác nhau giữa tán xạ điện tử và tán xạ
ánh sáng E. Yablonovitch không đặt ra được bài toán để thực hiện tính toán lý thuyết trước, ông
đành làm theo kiểu mò mẫm.

Trong khoảng 4 năm với chiếc máy khoan tinh vi hiện đại, điều khiển theo chương trình và một
thợ cơ khí tài giỏi ông đã tổ chức cho khoan gần 500.000 lỗ trên các tấm điện môi mỏng sắp xếp
các tấm lại theo nhiều cách để các lỗ nằm thành hàng thành cột trật tự theo cả ba chiều trong
không gian, theo nhiều kiểu cấu trúc. Nhưng thực nghiệm không cho kết quả mong đợi. Chiếu
ánh sáng vào, đôi lần tưởng như là có được khe năng lượng nhưng thực sự là nhầm lẫn.

Hình 2. Tạo ra các lỗ, rãnh, ống trong điện môi để có tinh thể photonicvới khe năng lượng của
phôtôn.

2
Cuối cùng thì phải nhờ các nhà lý thuyết vào cuộc. Các nhóm lý thuyết ở Ðại học Quốc gia ở bang
Iowa (Mỹ) tính toán cho biết nếu sắp xếp các lỗ khoan theo cấu trúc lập phương tâm mặt thì khe
cấm có bề rộng bằng không nghĩa là chỉ có một sóng bị phản xạ không truyền qua được. Còn nếu
sắp xếp các lỗ theo cấu trúc kim cương tức là cấu trúc tương tự như silic thì sẽ có được khe năng
lượng khác không. Nhưng để có được khe năng lượng rộng nhất thì nên khoan sao cho các chất
điện môi có nhiều ống rỗng nằm theo các mối liên kết kiểu tứ diện ở kim cương tức là dọc theo
các mối liên kết cacbon - cacbon (hình 2, số 1).

Theo hướng dẫn lý thuyết này năm 1991 nhóm của E. Yablonovitch đã làm được tinh thể photonic
có khe năng lượng với cấu trúc các đường khoan theo kiểu kim cương, ngày nay người ta gọi là
cấu trúc yablonovite. Ðó là tinh thể photonic đầu tiên chế tạo được, đúng như mong ước của
Yablonovitch. Chú ý là cũng với cấu trúc này nhưng khi chiết suất của chất điện môi bằng 1,87 thì
mới có khe năng lượng rõ rệt, thông thường các vật liệu điện môi có chiết suất đến 3,6 do đó phải
chọn cả vật liệu điện môi.

Chú ý rằng bước sóng của ánh sáng vào cỡ micromet, chu kỳ của các tinh thể photonic cũng vào
cỡ đó tức là hai nghìn lần lớn hơn chu kỳ mạng tinh thể thực, nhưng 100 lần nhỏ hơn đường kính
sợi tóc. Việc chế tạo các tinh thể photonic này thực sự là thuộc vệ công nghệ nanô.

Yablonovitch là người đi tiên phong chế tạo được tinh thể photonic. Về sau nhiều nhà nghiên cứu
khác cũng đã chế tạo tinh thể photonic theo nhiều cách khác, thí dụ theo cấu trúc kiểu "xếp
chồng thanh gỗ" (hình 2, số 2), kiểu "giàn giáo xây dựng" (hình 2, số 4).

Một cách rất có nhiều hứa hẹn hiện nay là cách tạo ra các hạt nhỏ cỡ micromet rồi cho chúng tự
lắp ghép lại ngay hàng thẳng lối, có được tinh thể photonic rất tinh vi nhưng giá thành lại rất thấp
(xem cuối bài).

3. Tinh thể photonic và công nghệ mới

Tìm hiểu kỹ lại thì thấy trong tự nhiên đá opan lóng lánh, cánh bướm nhiều màu sắc (ảnh 3, 4 bìa
1), lông của một số loại chuột biển cũng có tính chất là tinh thể photonic. Ở ÐẤY CÓ KHE NĂNG
LƯỢNG PHOTONIC nhưng không phải là khe đầy đủ nghĩa là không cấm cho mọi bước sóng, mọi
hướng mà một số bước sóng ánh sáng vẫn truyền đi được theo một vài hướng. Có lẽ tự nhiên
hiếm có môi trường chiết suất cao thích hợp nên khó tạo ra tinh thể photonic với khe năng lượng
đầy đủ cho mọi bước sóng.

Nhưng khe năng lượng không đầy đủ nhiều khi lại rất có lợi. Thí dụ các hạt oxyt titan kích thước
nhỏ hơn micromet có thể làm cho chúng tự sắp xếp lại theo kiểu cấu trúc opan. Oxyt titan chính
là bột để làm sơn màu trắng cũng như trộn vào bột giấy cho giấy trắng. Nếu các hạt này lại sắp
xếp theo một trật tự nào đấy, chúng có thể tạo ra tán xạ kết hợp của ánh sáng thì có thể lượng
oxyt titan dùng sẽ ít hơn mà lại trắng hơn. Có thể một ngày nào đó tinh thể photonic với các hạt
oxyt titan sẽ phổ biến quanh ta, từ trên bức tường sơn hoặc là trên chồng giấy trắng toát.

Một loại tinh thể photonic có khe năng lượng không toàn phần là tinh thể photonic hai chiều (ảnh
2, bìa 1). Nó chỉ ngăn cản ánh sáng truyền đi theo hai chiều, còn một chiều thì ánh sáng vẫn
truyền đi bình thường. Nếu chế tạo tinh thể photonic như vậy nhưng kéo dài tinh thể theo chiều
cho phép ánh sáng truyền đi thì ta có được một kiểu sợi quang mới. Ta biết rằng sợi quang thông
thường là một loại sợi thủy tinh trong suốt, lõi trong có chiết suất lớn hơn vỏ ngoài, ánh sáng
truyền đi dọc theo lõi trong hao tổn rất ít vì có hiện tượng phản xạ toàn phần. Năm 1999 Philip
St. Russel ở Ðại học Bath (Anh) đã giới thiệu sợi quang có khe năng lượng photonic: sợi rỗng ở
giữa chung quanh là vật liệu có KHE NĂNG LƯỢNG PHOTONIC HAI CHIỀU. ÁNH sáng chỉ đi dọc
theo lỗ rỗng ở giữa, hoàn toàn bị cấm đi ra hai bên, như vậy là truyền đi rất ít bị mất mát. Khác
với ở sợi quang thông thường ánh sáng phải đi trong thủy tinh, ở đây ánh sáng đi trong ống rỗng
do đó chuyển tải được nhiều công suất hơn, có thể mang được thông tin nhiều gấp 100 lần thông
tin mà sợi quang thông thường chuyển tải. Sợi quang kiểu photonic này đã là một sản phẩm
thương mại. Các hãng ở Ðan Mạch và ở Anh đã bắt đầu phân phối thương phẩm sợi quang tinh
thể photonic.

Một cách ứng dụng khác của tinh thể photonic có khe năng lượng hai chiều là làm tinh thể dưới
dạng màng mỏng và dùng kỹ thuật khắc hình ở công nghệ vi điện tử để khắc hình màng mỏng

3
tinh thể photonic có khe năng lượng hai chiều này và tiến hành "pha tạp" tương tự như pha tạp ở
tinh thể bán dẫn. Thí dụ pha tạp lỗ vào màng mỏng tinh thể photonic hai chiều, ta sẽ có một cái
hốc cực nhỏ có thể tạo thành một laze cực nhỏ vì lỗ ở màng mỏng giam giữ ánh sáng lại, từ đó có
thể điều chỉnh để phát ra laze. Ðiều đặc biệt là laze này có kích thước cực nhỏ, cỡ 0,03 micromet
khối. Ðây là laze có kích thước nhỏ nhất hiện nay.

Quan trọng nhất của ứng dụng màng mỏng tinh thể photonic hai chiều là có thể kết hợp với chế
tạo các linh kiện điện tử với các linh kiện quang tử, điều mơ ước của các nhà công nghệ vi điện tử
lâu nay. Các linh kiện điện tử hiện nay có thể làm cực kỳ nhỏ, mật độ linh kiện điện rất cao theo
công nghệ vi điện tử. Nhưng trên một phiến silic dùng để làm các linh kiện điện tử không dễ dàng
làm được các linh kiện quang tử. Phải làm riêng các linh kiện quang tử thường bằng vật liệu GaAs.
Nay với cách chế tạo tinh thể photonic, có khả năng làm linh kiện quang tử đồng thời với linh kiện
điện tử trên cùng một phiến silic, về nguyên tắc đó là linh kiện optoelectronic. Nó tích hợp cao
hơn nhiều, gọn nhẹ, có thể làm việc nhanh hơn.

Trên cơ sở chế tạo được tinh thể photonic tức là tạo được các khe năng lượng đối với sóng điện từ
bước sóng cỡ micromet người ta nghĩ là có thể vận dụng chế tạo "tinh thể" đặc biệt như vậy đối
với sóng rađiô, tức là sóng điện từ bước sóng cỡ 35cm (bước sóng của điện THOẠI DI ÐỘNG). Ở
ÐÂY KHÔNG PHẢI là làm các thanh, các lỗ hoặc các rãnh sắp xếp tuần hoàn với chu kỳ cỡ 35cm,
một cấu trúc như vậy quá to lớn cồng kềnh. Người ta bố trí các mạch LC, có thể chỉ là những dãy.
"Tinh thể một chiều" này có được những tính chất như phản xạ cực tốt sóng điện từ bước sóng
rađiô. Thực tế đã thu được những kết quả ban đầu rất khả quan mà ứng dụng nổi bật là dùng để
thu sóng rađiô ở cộng hưởng từ hạt nhân, ở ăng ten cho máy định vị toàn cầu GPS v.v...

Có thể nói khái niệm dải năng lượng khe năng lượng lâu nay vẫn hiểu là của tinh thể vật rắn với
chu kỳ điển hình cỡ 0,3; 0,4 nanomet nay đã nới rộng ra đối với ánh sáng tức là sóng điện từ với
các chu kỳ cỡ micromet thậm chí đến hàng chục centimet. Ý TƯỞNG VẬT LÝ CHỦ ÐẠO Ở ÐÂY LÀ
sóng tán xạ kết hợp khi gặp cấu trúc tuần hoàn.

You might also like