You are on page 1of 9

TÌNH HÌNH SỬ DỤNG GIỐNG CÂY LƯƠNG THỰC TẠI YÊN BÁI

SV: Hoàng Mạnh Thắng Lớp: Công nghệ sinh học K40
--------------------o0o---------------------

1. Tổng quan về Yên Bái – Điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương
1.1. Vị trí địa lý
Yên Bái là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, là 1 trong 13 tỉnh vùng núi phía
Bắc, nằm giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía
Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía
Tây giáp tỉnh Sơn La. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và
7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (159 xã và 21 phường, thị trấn);
trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, có 2 huyện vùng cao
Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61
huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước. Yên Bái là đầu mối và trung độ
của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ từ Hải Phòng, Hà
Nội lên cửa khẩu Lào Cai, là một lợi thế trong việc giao lưu với các tỉnh bạn,
với các thị trường lớn trong và ngoài nước.
1.2. Đặc điểm địa hình
Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam
lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc –
Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn – Pú Luông nằm kẹp giữa sông
Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và
sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô.
Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng
thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56% diện tích
toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng
sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao
dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44%
diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
1.3. Đặc điểm khí hậu
Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 22 -
230C; lượng mưa trung bình 1.500 – 2.200 mm/năm; độ ẩm trung bình 83 –
87%, thuận lợi cho việc phát triển nông – lâm nghiệp. Dựa trên yếu tố địa hình
khí hậu, có thể chia Yên Bái thành 5 tiểu vùng khí hậu. Tiểu vùng Mù Cang
Chải với độ cao trung bình 900 m, nhiệt độ trung bình 18 – 200C, có khi xuống
dưới 00C về mùa đông, thích hợp phát triển các loại động, thực vật vùng ôn đới.
Tiểu vùng Văn Chấn – nam Văn Chấn, độ cao trung bình 800 m, nhiệt độ trung
bình 18 – 200C, phía Bắc là tiểu vùng mưa nhiều, phía Nam là vùng mưa ít nhất
tỉnh, thích hợp phát triển các loại động, thực vật á nhiệt đới, ôn đới. Tiểu vùng
Văn Chấn – Tú Lệ, độ cao trung bình 200 – 400 m, nhiệt độ trung bình 21 –
320C, thích hợp phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, chè vùng thấp,
vùng cao, cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Tiểu vùng nam Trấn Yên, Văn Yên,
thành phố Yên Bái, Ba Khe, độ cao trung bình 70 m, nhiệt độ trung bình 23 –
240C, là vùng mưa phùn nhiều nhất tỉnh, có điều kiện phát triển cây lương thực,
thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả. Tiểu vùng Lục Yên – Yên
Bình độ cao trung bình dưới 300 m, nhiệt độ trung bình 20 – 230C, là vùng có
mặt nước nhiều nhất tỉnh, có hồ Thác Bà rộng 19.050 ha, có điều kiện phát triển
cây lương thực, thực phẩm, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, có tiềm năng du
lịch.
1.4. Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 689.949,05 ha. Trong đó, diện tích
nhóm đất nông nghiệp là 549.104,31 ha, chiếm 79,59% diện tích đất tự nhiên;
diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 47.906,46 ha chiếm 6,94%; diện tích đất
chưa sử dụng là 92.938,28 ha chiếm 13,47%. Trong tổng diện tích đất nông
nghiệp thì đất sản xuất nông nghiệp là 77.618,58 ha; đất lâm nghiệp
469.968,24ha; đất nuôi trồng thủy sản 1.420,04ha, còn lại là đất nông nghiệp
khác. Trong tổng diện tích đất phi nông nghiệp thì đất ở 4.482,82 ha; đất
chuyên dùng 31.604,98 ha, còn lại là đất sử dụng vào mục đích khác. Trong
tổng diện tích đất chưa sử dụng thì đất bằng chưa sử dụng là 949,00 ha; đất đồi
núi chưa sử dụng là 85.936,52 ha, còn lại là núi đá không có rừng cây.
Đất Yên Bái chủ yếu là đất xám (chiếm 82,37%), còn lại là đất mùn alít, đất
phù sa, đất glây, đất đỏ…
Tài nguyên rừng
Tính đến tháng 6 năm 2009, diện tích đất có rừng toàn tỉnh Yên Bái đạt
400.284,6 ha, trong đó: rừng tự nhiên 231.901,6 ha, rừng trồng 168.382,7 ha;
đạt độ che phủ trên 56%.
Yên Bái có nhiều loại rừng khác nhau như: rừng nhiệt đới, á nhiệt đới, và núi
cao. Trong khu vực rừng á nhiệt đới của tỉnh có nhiều loại cây lá kim (như:
pơmu, thông nàng, thông tre lá lớn, sa mộc, sam mộc) xen lẫn cây lá rộng thuộc
họ sồi dẻ, đỗ quyên. Ở độ cao trên 2.000 m, rừng hỗn giao giảm dần, pơmu mọc
thành rừng kín cao tới 40 - 50 m, đường kính thân có cây tới 1,5 m. Cao hơn
nữa là những cánh rừng thông xen kẽ các tầng cây bụi nhỏ rồi đến trúc lùn, cậy
họ cói, cậy họ hoa hồng, cây họ thạch nam, cây họ cúc, cây họ hoàng liên xen
kẽ. Lùi dần về phía đông nam, độ cao hạ dần, khí hậu ấm áp hơn làm cho lớp
phủ thực vật rừng có điều kiện phát triển. Bên cạnh các loại gỗ quý (nghiến,
trúc, lát hoa, chò chỉ, pơmu, cây thuốc quý (đẳng sâm, sơn tra, hà thủ ô, hoài
sơn, sa nhân), động vật hiếm (hổ, báo, cầy hương, lợn rừng, chó sói, sơn dương,
gấu, hươu, vượn, khỉ, trăn, tê tê, đàng đẵng, ếch dát, gà lôi, nộc cốc, phượng
hoàng đất) cùng nhiều khu rừng cho lâm, đặc sản (cọ, măng, song, móc, nấm
hương, mộc nhĩ, trẩu, quế, chè).
Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản Yên Bái khá đa dạng, hiện đã điều tra 257 điểm mỏ
khoáng sản, xếp vào các nhóm khoáng sản năng lượng, khoáng sản vật liệu xây
dựng, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản kim loại và nhóm nước khoáng.
Nhóm khoáng sản năng lượng gồm các loại than nâu, than Antraxit, đá chứa
dầu, than bùn…; loại than nâu và than lửa dài tập trung ở ven sông Hồng, sông
Chảy và các thung lũng bồn địa như Phù Nham (Văn Chấn). Nhóm khoáng sản
vật liệu xây dựng gồm đá vôi, đá ốp lát, sét gạch ngói, cát sỏi…được phân bố
rộng rãi trên khắp địa bàn tỉnh. Nhóm khoáng chất công nghiệp gồm đầy đủ các
nguyên liệu công nghiệp từ nguyên liệu phân bón, nguyên liệu hoá chất, nguyên
liệu kỹ thuật, đặc biệt là đá quý và bán đá quý được phân bố chủ yếu ở Lục Yên
và Yên Bình. Nhóm khoáng sản kim loại có đủ các loại từ kim loại đen (sắt)
đến kim loại nâu (đồng, chì, kẽm) và kim loại quý (vàng), đất hiếm phân bố chủ
yếu ở hữu ngạn sông Hồng. Nhóm nước khoáng được phân bố chủ yếu ở vùng
phía tây của tỉnh (Văn Chấn, Trạm Tấu), bước đầu được sử dụng tắm chữa
bệnh.
1.5. Điều kiện xã hội
Dân số
Theo kết quả tổng hợp sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, tổng dân
số toàn tỉnh là 752.868 người. Mật độ dân số bình quân năm 2008 là 109
người/km2, tập trung ở một số khu đô thị như thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa
Lộ và các thị trấn huyện lỵ.
Theo số liệu điều tra, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có tới 30 dân tộc sinh sống,
trong đó có 7 dân tộc có dân số trên 10.000 người. 2 dân tộc có từ 2.000 - 5.000
người, 3 dân tộc có từ 500 -2.000 người. Trong đó người Kinh chiếm 49,6%,
người Tày chiếm 18,58%, người Dao chiếm 10,31%, người HMông chiếm
8,9% người Thái chiếm 6,7%, người Cao Lan chiếm 1%, còn lại là các dân tộc
khác. Cộng đồng và các dân tộc trong tỉnh với những truyền thống và bản sắc
riêng đã hình thành nên một nền văn hóa rất đa dạng và phong phú, có nhiều nét
độc đáo, sâu sắc nhân văn và những truyền thống tập quán trong lao động sản
xuất có nhiều bản sắc dân tộc.
Về lực lượng lao động: Năm 2008, số lao động trong độ tuổi là 416.024 người,
chiếm 55.45% dân số. Dự báo năm 2010 lao động trong độ tuổi là 527.490
người, năm 2015 là 568.530 người, năm 2020 là 603.430 người. Trình độ lao
động nhìn chung còn thấp, lao động có trình độ đại học ít chiếm khoảng 4,5%.
Phấn đấu hàng năm có 50% công chức sự nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, phương pháp thực hiện công vụ và 20%
cán bộ cơ sở cấp xã được đào tạo.
Kinh tế
Sau giai đoạn xây dựng kinh tế 2006 – 2010 Yên Bái đã có những bước chuyển
mình vượt bậc ở cả 3 khối kinh tế là Nông nghiệp – Công nghiệp và dịch vụ.
Yên Bái hướng tới một nền nông nghiệp nghiệp xanh, bền vững, sử dụng ít
lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, tăng cường sử dụng các biện pháp sinh
học, tổ chức thành lập các khu sản xuất an toàn (Vùng rau an toàn sông
Hồng…) Về công nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập và
bước đầu thu hút đầu tư cao, một số dự án trọng điểm như: nhà máy xi măng
vinaconex Yên Bình đạt tiêu chuẩn châu Âu, các nhà máy tinh chế và sản xuất
kim loại(đồng, sắt, thiếc, mangan…)
2. Tình hình sử dụng 1 số giống lương thực
2.1. Các giống lúa
2.1.1. Nhị ưu 838
Là giống được sử dụng chủ yếu hiện nay, nhị ưu 838 thể hiện nhiều ưu điểm
vượt trội như sau:
Là giống cảm ôn, cấy được ở cả 2 vụ. Thời gian sinh trưởng ở trà vụ Xuân là
135 - 140 ngày, ở trà vụ Mùa là 115 - 125 ngày.
Chiều cao cây: 115 - 120 cm. Thân cứng, đẻ trung bình khá, lá to bản, góc lá
đòng lớn, khoe bông. Bông dài 23 – 27 cm, số hạt chắc trên bông là 130 –
160 hạt. Là giống cho năng suất cao, ổn định.
Hạt bầu hơi dài, màu vàng sáng, mỏ hạt tím.
Trọng lượng: 1.000 hạt: 27 – 28 gram.
Gạo trắng, cơm ngon
Năng suất trung bình: 75 - 80 tạ/ha. Năng suất cao có thể đạt: 90 - 100 tạ/ha.
Khả năng chịu rét tốt. Là giống chống vừa với bệnh Đạo ôn.
2.1.2. Việt lai 20
Là giống lúa do Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan, Trưởng bộ môn Di
truyền chọn giống cây trồng thuộc Trường Đại học Nông nghiệp 1 chọn tạo
thành công, là giống đầu tiên hoàn toàn của Việt Nam, được trồng ở các
huyện Văn Yên, Trấn Yên và khu vực thành phố Yên Bái. Đặc điểm của
giống:
Là giống lúa có thể gieo cấy được ở cả 2 vụ. Thời gian sinh trưởng ở trà vụ
vụ Xuân là 110 - 115 ngày, ở trà vụ Mùa là 85 - 90 ngày. Chiều cao cây: 90 -
95 cm. Bông dài 25 – 27 cm, có từ 150 – 160 hạt chắc/bông. Hạt thuôn dài,
màu vàng sẫm. Chiều dài hạt trung bình: 7,0 – 7,2 mm. Tỷ lệ chiều dài/
chiều rộng hạt là: 2,94. Trọng lượng 1000 hạt: 29 – 30 gram. Gạo trong, ít
bạc bụng. Hàm lượng amylose (%): 20,7. Năng suất trung bình: 70 - 75
tạ/ha. Năng suất cao có thể đạt: 80 - 85 tạ/ha. Khả năng chống đổ khá. Chịu
rét và chịu nóng khá. Chịu chua, mặn và chịu hạn khá.
Là giống kháng vừa với bệnh Đạo ôn và bệnh Bạc lá. Nhiễm nhẹ với bệnh
Khô vằn và Rầy nâu.
2.1.3. LC25
LC25 là giống lúa 3 dòng ngắn ngày được Trung tâm giống cây trồng vật
nuôi tỉnh Lào Cai phối hợp với Công ty Lục Đan (Trung Quốc) lai tạo từ
giống ngoại nhập và giống địa phương. Giống được công ty giống cây trồng
Yên Bái cung ứng cho nhân dân gieo trồng thử nghiệm từ năm 2009
Theo lý thuyết, giống LC 25 có thời gian sinh trưởng vụ xuân từ 120- 125
ngày, vụ mùa từ 105 đến 110 ngày, năng suất bình quân đạt 6,5- 7,5 tạ/ha,
vượt 15% nếu so với dòng lúa Bác Ưu 903, 253 và Nhị Ưu 838.
2.2. Các giống ngô
2.2.1. Bioseed 06 (B06)
Bioseed 06 là giông ngô lai đơn thế hệ mới của Xí nghiệp sản xuất hạt
giống lai Bioseed Việt Nam, có nguồn gốc từ Philippin, cung ứng bởi công
ty giống cây trồng Yên Bái. B06 là giống được trồng nhiều nhất tại địa
phương.
B06 có thời gian sinh trưởng 110-115 ngày. Giống B06 có chiều cao cây
trung bình (180-200mm), chiều cao đóng bắp thấp từ 85 -100 cm, bộ lá
đứng, lá có màu xanh đến lúc thu hoạch. B06 bắp thon dài rất đồng đều, kín
đầu bắp, tỉ lệ 2 bắp cao, tỷ lệ hại trên bắp đạt 80-82%, dạng hạt bán đá, màu
vàng. B06 ít nhiễm sâu bệnh, chống đổ tốt, chịu hạn tốt.
2.2.2. C.P 333

C.P.333 là giống ngô lai kép có nguồn gốc từ Thái Lan được chọn tạo từ tổ
hợp AT080/AT003//AC014/AC007. Giống đã đưa vào sản xuất đại trà ở
một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia. Giống
C.P.333 có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm chín sớm, từ 90-100 ngày. Với
thời gian sinh trưởng ngắn giống C.P.333 có thể tránh hạn tốt giai đoạn cuối
vụ ở những vùng trồng ngô nhờ nước trời, vì hạn cuối vụ xảy ra giống
C.P.333 đã hoàn thành quá trình thụ phấn và vào chín; trong khi giống có
thời gian sinh trưởng dài hơn thường gặp khó khăn giai đoạn này. C.P.333
có chiều cao cây trung bình, dao động từ 195-210 cm, Dạng hạt của C.P.333
thuộc dạng đá và bán đá, C.P.333 là giống có tính chống đổ tốt hơn các
giống C.P.888, LVN4 và C919. Chịu hạn, chịu rét khá, tương đương với
giống C919 và C.P.888, tốt hơn LVN4. năng suất bình quân tại của giống
C.P.333 đạt 71,0 tạ/ha.

2.3. Các giống sắn

Hiện nay nông dân Yên Bái chủ yếu trồng các giống sắn địa phương (sắn
tre) do có năng suất ổn định, thích nghi rất tốt với điều kiện tự nhiên, một số
vùng quanh nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên có trồng sắn nguyên
liệu, sử dụng một số giống sau:
2.3.1. Giống sắn KM94

Tên gốc KU50 (hoặc Kasetsart 50) được nhập nội từ CIAT/Thái Lan trong
bộ giống khảo nghiệm Liên Á năm 1990. Giống do Viện Khoa học Kỹ thuật
Nông nghiệp miền Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trường
Đại học Nông Lâm Thái Nguyên nhập nội, tuyển chọn và giới thiệu (Trần
Ngọc Quyền, Hoàng Kim, Võ Văn Tuấn, Kazuo Kawano 1995, Trịnh
Phương Loan, Trần Ngọc Ngoạn và ctv. 1995). Giống đã được Bộ Nông
nghiệp và PTNT công nhận giống quốc gia năm 1995 trên toàn quốc.
Đặc điểm giống:
+ Thân xanh, hơi cong, ngọn tím, không phân nhánh.
+ Năng suất củ tươi: 33,0 tấn/ha.
+ Tỷ lệ chất khô: 35,1- 39.0%.
+ Hàm lượng tinh bột: 28,7%.
+ Năng suất tinh bột: 7,6-9,5 tấn/ ha
+ Chỉ số thu hoạch: 58 %.
+ Thời gian thu hoạch: 9-11 tháng.
+ Nhiễm nhẹ bệnh cháy lá.

2.3.2. Giống sắn KM98-7

Giống sắn KM98-7 có nguồn gốc từ tổ hợp lai CIAT/Colombia, được nhập
nội bằng hạt lai vào Việt Nam từ năm 1995. Giống do trường Đại học Nông
lâm Thái Nguyên và Trung tâm NC & PT Cây có củ, Viện CLT&CTP phối
hợp chọn lọc. TGST của giống từ 7 - 10 tháng, có khả năng thích ứng rộng,
rất phù hợp với các huyện địa hình đồi núi, đặc biệt trên các vùng đất xấu,
nhiều sỏi, khô hạn. Thời vụ trồng thích hợp từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3,
mật độ trồng 10.000 - 12.500 cây/ha.

Giống KM98-7 không phân cành hoặc phân cành 1 cấp, thân màu nâu đỏ, vỏ
củ màu nâu, củ đồng đều, ruột củ màu trắng, được nông dân ưa chuộng,
thích hợp cho chế biến và ăn tươi, hàm lượng tinh bột khá: 28 - 30%. Năng
suất củ tươi đạt 25 - 40 tấn/ha.

3. Quá trình triển khai và hiệu quả một số giống lương thực mới.
Trong thời gian gần đây, Yên Bái đã triển khai thí điểm một số giống cây lương
thực mới và cho kết quả khả quan:
3.1. Giống lúa DS -1 (Japonica)
Viện di truyền nông nghiệp phối hợp với tỉnh Yên Bái thử nghiệm giống DS – 1
nguồn gốc từ Nhật Bản, địa điểm thử nghiệm tại huyện Văn Chấn và huyện
Trạm Tấu từ 2010. Qua vụ đầu cho thấy, lúa chống chịu sâu bệnh tốt, góc lá
hẹp, cây cứng, chống đổ tốt, chịu rét tốt, chịu thâm canh. ĐS - 1 có bộ lá xanh
đậm, khoẻ, ít nhiễm khô vằn, nhiễm bạc lá rất nhẹ, không nhiễm đạo ôn, chưa
bị nhiễm rầy, hạt bầu ít rụng, nảy mầm chậm và là giống chịu lạnh, tỷ lệ phân
bón và thuốc trừ sâu chỉ bằng 2/3 giống lúa khác; trong khi năng suất và chất
lượng gạo lại cao hơn các giống lúa khác.
Một số đặc điểm chính của DS – 1
Lúa Japonica là loại hình thấp cây đến trung bình, chống đổ tốt, chịu thâm canh,
chịu lạnh khoẻ, có khả năng chống chịu nhiều loại sâu bệnh và có thời gian sinh
trưởng từ ngắn đến trung bình. Ưu điểm của lúa Japonica là khả năng chịu lạnh,
sinh trưởng ở nhiệt độ thấp xung quanh 15 độ C, tuy nhiên nhiệt độ xuống tới
110C ở giai đoạn trổ bông sẽ gây hại nặng. Lúa Japonica thường thích hợp với
vùng trồng có khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới và vùng cao nhiệt đới.
3.2. Giống lúa Thiên Hương HTY100
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai (Viện Cây lương thực, thực phẩm
thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp) đã chọn, tạo được giống lúa mới cho năng
suất cao là HTY100, hiện đang được trồng thử nghiệm tại các xã trong tỉnh Yên
Bái.
HTY100 là lúa lai 3 dòng có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 125–130 ngày
vụ xuân muộn; 105–110 ngày với vụ mùa sớm. Chiều cao của cây là 95–
100cm, đẻ nhánh khoẻ, bộ lá xanh vừa, góc lá đứng, khả năng chống đổ, chịu
rét và chống sâu bệnh khá tốt, năng suất cao: vụ xuân 75–90 tạ/ha; vụ mùa 65–
70 tạ/ha.
HTY100, cho gạo ngon, cơm mềm, có mùi thơm nhẹ.
3.3. Giống lúa BT13

Giống BT13 chọn tạo từ giống lúa Khẩu Sửu của Điện Biên bằng phương pháp
chọn lọc cá thể. Từ vụ xuân 2006 được Bộ môn Cây lương thực và Cây thực
phẩm, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tiếp tục chọn tạo và làm
thuần. Được trồng thử nghiệm tại Yên Bái từ năm 2007.

Giống lúa BT13 có thời gian sinh trưởng: vụ xuân 115 – 120 ngày; vụ mùa 100
– 105 ngày, ngắn hơn giống đối chứng KD18 10 ngày, độ thoát cổ bông trung
bình, lá đòng to dài, đứng góc, kiểu cây gọn, kiểu hạt thon dài, gạo trong, tỷ lệ
dài/rộng = 3,4. Theo dõi mức độ nhiễm sâu bệnh của giống BT13 cho thấy đây
là giống có mức độ nhiễm thấp.

Kết quả theo dõi sâu bệnh hại trên đồng ruộng tại một số điểm khảo nghiệm
trong vụ xuân 2008 tại xã Tú Lệ-Văn Chấn thu được kết quả sau: So với đối
chứng là giống KD18 tại hầu hết các điểm BT13 đều có mức độ nhiễm thấp
hơn. BT13 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống đối chứng 7 – 12 ngày,
đồng thời năng suất thực thu đạt trung bình 7,0-7,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng
KD18 tới 0,8-9,5 tạ/ha. Kết quả khảo nghiệm giống BT13 tại vụ xuân 2007 thấy
năng suất BT13 đạt 51 tạ/ha cao hơn đối chứng 16,5 tạ/ha, tăng 46,7%.

Từ các kết quả khảo nghiệm trong năm 2007 và 2008 cho thấy BT13 là giống
cho năng suất khá ổn định trong các điều kiện canh tác và thời vụ khác nhau
của từng tiểu vùng sinh thái. Như đã nói BT13 là giống lúa thuần ngắn ngày.
Thích ứng rộng, tiềm năng năng suất cao, ít sâu bệnh, thích hợp cho canh tác vụ
mùa vùng trung du và vụ xuân vùng cao.
3.4. Giống ngô C919
Được trồng trình diễn tại Yên Bái năm 2009, đến nay diện tích trồng C919 đã
được nhân rộng nhanh chóng, chiếm 80% diện tích tại huyện Văn Yên.

Đây là giống ngô lai đơn do Công ty đa quốc gia Monsanto của Mỹ sản xuất
theo tiêu chuẩn quốc tế. Giống ngô lai đơn C919 có tỉ lệ cây 2 bắp cao, lá bi
phủ kín đầu trái. Hạt to, màu vàng đẹp, cùi nhỏ. Cây chống chịu hạn, úng tốt,
chống đổ ngã, kháng được nhiều bệnh: rỉ sắt, đốm nâu, đốm lá, cháy lá nhỏ,
cháy lá lớn... giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, bảo vệ
được môi trường và đất đai.

C919 có thời gian sinh trưởng ngắn 90-100 ngày, trồng được 3 vụ/năm, thích
nghi rộng, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau, năng suất ổn định từ 8-12
tấn/ha, chi phí thấp, lợi nhuận cao.

Thực tế khi trồng khảo nghiệm cho thấy: Rễ cây phát triển mạnh và bám sâu
vào đất nên cây ngô chịu hạn tốt, chống đổ cao, chịu thâm canh và đặc biệt cây
ngô giống lai này có bộ lá gọn, góc lá hẹp nên tiện cho vun gốc. Khi cây ngô
đến thời kỳ trổ cờ, phun râu đều tập trung gọn trong 2 đến 3 ngày nên cho kết
quả ngô chín đồng đều, cùng thời điểm, rất thuận tiện cho thu hoạch. Đặc biệt
trong suốt qua trình trồng đến thu hoạch, giống ngô lai trên hầu như không thấy
xuất hiện các loại sâu bệnh tại đốm lá, khảm lá, sâu đục thân như các giống ngô
địa phương vẫn trồng từ trước.

3.5. Giống ngô SSC557

Giống ngô SSC 557 do Cty CP Giống cây trồng miền Nam chọn tạo. Đây là
giống ngô lai đơn được phép thương mại hoá từ đầu năm 2009. Được trồng thử
nghiệm ở Mường Lò và Suối Giàng (huyện Văn Chấn) từ năm 2008. Vụ xuân
2008 trồng tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái, năng suất bình quân
đạt 7,5 tấn/ha.

Giống SSC 557 có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung bình sớm khoảng
105 – 110 ngày, cây xanh khỏe đồng đều, lá gọn, xanh đậm bền, ít nhiễm sâu
bệnh. Đặc biệt SSC 557 có bắp to, rất dài (26 – 29cm), trung bình mỗi bắp có
14 – 16 hàng hạt, 42 – 45 hạt/hàng, nhiều hơn từ 6 - 10 hạt/hàng so với các
giống đang trồng phổ biến hiện nay. Do có số hạt/bắp nhiều nên năng suất hạt
của giống này đạt khá cao, trung bình từ 7 – 8 tấn/ha, thâm canh có thể đạt 10 –
12 tấn hạt khô/ha. SSC 557 có hạt dạng đá, màu cam rất đẹp hợp thị hiếu nên
bán được giá.
4. Thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển giao giống mới.
4.1. Thuận lợi
Yên Bái hiện nay còn thiếu rất nhiều giống mới, phù hợp thổ nhưỡng và cho
năng suất cao. Đây là thị trường tiềm năng cho canh tác giống mới. Hằng năm,
các cơ quan chức năng trong tỉnh thường xuyên đầu tư và quan tâm đến công
tác thay thế nguồn giống địa phương yếu kém. Xét về điều kiện tự nhiên, Yên
Bái có đầy đủ các yêu cầu cần và đủ để trở thành bất cứ vựa lương thực nào của
đất nước, đó là cánh đồng Mường Lò bát ngát, vùng nguyên liệu Văn Yên màu
mỡ… chưa được khai thác hết tiềm năng.`
4.2. Khó khăn
Do trình độ dân trí còn thấp, việc ngay lập tức thay đổi tập quán canh tác của
nhân dân, trong đó có thay đổi các loại giống là không đơn giản, cần có thời
gian và sự kiên trì. Cần cho dân thấy kết quả thực sự của giống mới. Nhiều khu
vực có địa hình núi cao, khó tiếp cận nên rất khó để chuyển giao kỹ thuật cho
nhân dân.
Đồng thời, do tỉnh còn nghèo, các doanh nghiệp làm ăn còn manh mún, các loại
lương thực sản xuất ra chủ yếu là bán thô nên thu nhập không cao, đời sống bấp
bênh dẫn đến việc người dân không tin tưởng vào việc làm nông nghiệp để làm
giàu.
5. Hướng đi nào cho giống mới tại Yên Bái?
Để có thể thay đổi được nền nông nghiệp Yên Bái, các cơ quan chức năng cần thực
hiện một số việc sau đây:
 Đưa cán bộ kỹ thuật, giống mới về tận tay người dân, cùng ăn, cùng ở, cùng
làm, cho người dân thấy hiệu quả của giống mới
 Bắt tay với các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho Nông sản của người dân, tạo
niềm tin và nguồn thu nhập cho nhân dân.
 Kiến nghị chính phủ tăng cường quan tâm và đầu tư đến những vùng có thế
mạnh trong tỉnh, phát huy hết mọi nguồn lực, xây dựng nền Nông nghiệp
mũi nhọn, vững chắc, an toàn.

You might also like