You are on page 1of 1

Nên bắt đầu hướng nghiệp từ sớm

Trước ngưỡng cửa đại học, nhiều học sinh rất băn khoăn, sợ chọn sai đường vì chưa được hướng
nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường. Có ý kiến cho rằng học sinh thiếu thông tin ngành nghề và
không đánh giá đúng năng lực bản thân khi đặt bút đăng ký ngành nghề dự thi ĐH. Tuy nhiên, tôi
cho rằng nguyên nhân là do các em chưa xác định được định hướng tương lai của mình.

Chưa được khám phá bản thân


Chương trình giảng dạy và học tập các cấp đã tạo nên một lối mòn trên con đường
học vấn: học mẫu giáo rồi lên tiểu học, rồi THCS, THPT, hết phổ thông thì phải lên ĐH.
Điều đó đã tạo nên sự thụ động về định hướng tương lai của học sinh vì chỉ có duy nhất
con đường học và lên lớp.
Chính quá trình học tập thiếu những môn kỹ năng, giao tiếp xã hội, những môn
năng khiếu đã hạn chế cơ hội cho học sinh khám phá được bản thân mình. Suốt 12 năm
học, tương lai của các em đã được sắp đặt trên một đường ray cố định, giờ đây khi phải
tự lựa chọn một ngành nghề cho tương lai, một quyết định quan trọng cả cuộc đời, các
em không khỏi lúng túng vì đó là điều mà các em chưa được trải nghiệm bao giờ.
Đã có những giờ học nào giúp học sinh nhận ra khả năng của mình phù hợp với
ngành nghề nào hay chưa? Thật sự là chưa, ngoài việc nhận ra mình yêu thích môn học
nào. Môn học yêu thích chỉ mới giúp các em lựa chọn khối thi chứ chưa thể hình thành
một ngành nghề yêu thích.
Vì thế, rất nhiều học sinh còn mơ hồ về tương lai của mình, bản thân các em muốn
gì, kế hoạch tương lai của mình là gì? Người lớn đã đặt lên vai các em một gánh nặng,
bắt các em trưởng thành quá mức, bắt các em phải đặt cược cho tương lai mình quá
đắt nếu chỉ thông qua một mẫu đăng ký dự thi và vài lần được tư vấn trước mùa tuyển
sinh.
Lãng phí lớn
Nếu các em không tự định hướng được tương lai của mình, không theo học những
ngành phù hợp sở thích nghề nghiệp mà chỉ quyết định theo ý bố mẹ, theo bạn bè, theo
trào lưu thì sẽ là sự lãng phí rất lớn. Lãng phí vì phải đào tạo nguồn nhân lực thiếu tâm
huyết theo đuổi nghề nghiệp do không đam mê công việc, lãng phí vì phải đào tạo
những sinh viên không chủ động đào sâu nghiên cứu, học tập vì theo học ngành không
phù hợp, lãng phí những tài năng không được phát triển đúng môi trường, lãng phí vì
phải đào tạo đội ngũ lao động làm việc trái chuyên môn...
Do đó, cần bổ sung vào chương trình học những buổi trò chuyện với các chuyên
gia tư vấn về hướng nghiệp, trắc nghiệm tâm lý, tham quan ngoại khóa để các em có
thể tự xác định con đường mình sẽ đi sau khi tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp ĐH.
Cũng cần có bước đệm giữa bậc phổ thông và ĐH, một môi trường mà ở đó các
em có thể tìm hiểu tất cả các ngành học trước khi đưa ra một lựa chọn đúng đắn, có thể
gọi nôm na đây là dự bị ĐH. Đây là thời gian học sinh được cung cấp thông tin, tìm hiểu
ngành nghề, tham quan thực tế công việc cũng như học thử chương trình. Các em có
thể tham dự kỳ thi vào ngành mà các em lựa chọn. Tùy theo yêu cầu năng lực đầu vào
của từng trường và điểm thi của các em mà các em sẽ được nhận vào những trường
khác nhau từ bậc trung cấp, CĐ hoặc ĐH.
Hãy ngừng cách dạy các em phải đi đường nào, chỗ nào quẹo mà hãy dạy cho các
em cách nào có thể đi đến đích. Hãy để học sinh được tự do sáng tạo và hành động
theo tư duy của bản thân.
Nguyễn Thị Thảo Vy
(Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Nông Lâm TPHCM)

You might also like