You are on page 1of 6

Mahathir - người không chịu dừng bước

Những tranh cãi giữa ông Mahathir và Thủ tướng đương nhiệm Abdullah đang phá
hoại uy tín của cả hai người và gây ra sự bất ổn trên chính trường Malaysia
Từng cam kết rút lui lặng lẽ về hậu trường nhưng hiện tại cựu Thủ tướng Malaysia
Mahathir Mohamad đang buộc người kế nhiệm lao vào một cuộc chiến hằn thù để
bảo vệ di sản.

Những ngọn tháp vàng của Putrajaya - thủ phủ hành chính mới của Malaysia, mờ ảo
trong cái nóng của vùng nhiệt đới. Phía dưới chúng, những căn biệt thự trang nhã với
những bãi cỏ được cắt tỉa kĩ lưỡng nằm dọc các đại lộ sạch sẽ là nơi cư ngụ của các
quan chức nhà nước. Rõ ràng là một ngọn cỏ cũng không có chỗ trong bức tranh đô
thị hiện đại vốn được xây dựng trên một khu đồn điền trồng cọ lấy dầu cũ nhờ tầm
nhìn của một người lãnh đạo.

Nhưng có một con đường ở Putrajaya hoàn toàn khác. Mặc dù từ khu dinh thự có
kiến trúc hình củ hành - nơi đặt văn phòng của vị thủ tướng mới có thể nhìn thấy con
đường đó nhưng cỏ và bụi rậm vẫn mọc um tùm một cách kỳ lạ trên con đường rải
nhựa này. Không có những ngôi nhà cao chọc trời, chỉ có một toà nhà đứng đơn độc
ở ngõ cụt của con đường : văn phòng của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad - người
mà hai thập niên miệt mài cống hiến đã biến Malaysia trở thành một con hổ kinh tế
và trong giấc mộng vĩ đại của ông có cả việc tái thiết Putrajaya. Sự trớ trêu đối với vị
cựu lãnh đạo 81 tuổi này ắt hẳn phải lớn hơn rất nhiều : Đó có thực sự là kết cục của
câu chuyện về một trong những lực lượng hiện đại hoá ở Châu Á, nằm ở ngõ cụt của
con đường bỏ hoang trong một thủ phủ vị tương lai mà ông đã tạo ra?

Nuốt lời

Ba năm trước, người kiến trúc sư của Malaysia hiện đại đã kết thúc 22 năm lãnh đạo
bằng cách chuyển giao quyền lực cho Abdullah Ahmad Badawi, một tín đồ đạo Hồi
tận tuỵ, thừa hưởng những tinh hoa chính trị. "Tiến sĩ M" (biệt danh của cựu Thủ
tướng Mahathir) - từ một bác sĩ trở thành người có thế lực ở Malaysia, đã cam kết rút
lui một cách yên ả và đúng mực. Có một giai đoạn, ông đã giữ lời. Khi đó, Mahathir
tập hợp một thư viện cá nhân, trong đó gồm nhiều tập sách khác nhau như Các
nguyên lý của Euclid, tự truyện của Margaret Thatcher và Bài học của một kẻ ngaọi
đạo hoàn toàn để hiểu đạo Hồi, và thậm chí đã mở một hiệu làm bánh trên hòn đảo
nghỉ mát Langkawi.

Tuy nhiên, vào tháng 6 năm nay, "Tiến sĩ M" không thể giữ được miệng lưỡi nổi tiếng
"độc địa" của mình được nữa. Ông buộc tội Thủ tướng đương nhiệm Abdullah đã lầm
lạc khi huỷ bỏ vô số dự án hàng triệu đô la mà người tiền nhiệm đã bật đèn xanh,
bao gồm các kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt trị giá 4 tỉ đô la và một cây
cầu nối với Singapore. Vài tuần sau đó, Mahathir tiếp tục nói bóng gió rằng Abdullah
nên từ chức vì những cáo buộc tham nhũng và gia đình trị trong chính quyền mới -
dù không đưa ra được bằng chứng về bất cứ sai phạm nào.

Vào ngày 22/10, cả hai người đã tham gia gặp gỡ trong 2 giờ đồng hồ, dấy lên
những hy vọng về một sự hoà giải. Nhưng điều may mắn đó không hề xảy ra. Tuần
trước, Mahathir tiếp tục lớn tiếng nạt nộ người kế nhiệm do chính tay ông lựa chọn.
Mahathir buộc tội thủ tướng đương nhiệm có liên can đến chương trình đổi dầu lấy
lương thực đầy bê bối của Liên hợp quốc ở Iraq cũng như tạo ra một "chế độ dùi cui"
(chế độ chuyên chế do cảnh sát kiểm soát - PV) khiến những lời chỉ trích của ông
không được thấu tỏ. Ông cáo buộc Abdullah đang phá hủy di sản của ông và tương
lai của Malaysia.

Tại văn phòng ở Putrajaya, Mahathir phát biểu : "Tôi nghĩ rằng tôi đã làm phần lớn
các công việc sẽ có lợi cho chúng ta trong vòng 100 năm tới. Tất cả những gì còn lại
vì người dân nên được tiếp tục. Không được đi ngược lại những gì đã đạt được,"

Và Thủ tướng đương nhiệm Abdullah phản công lại : "Khi tôi trở thành thủ tướng, tôi
đã khuyến khích sự cởi mở hơn và không muốn cấm đoán những quan điểm đối lập.
Chúng tôi là một nền dân chủ và Mahathir có quyền được phát ngôn. Ông ấy được tự
do nói những gì ông ấy muốn ... Nhưng không may là ông ấy đang đưa ra những lời
buộc tội ngông cuồng."

Chỉ vài ngày trước hội nghị đại hội đồng đảng UMNO cầm quyền vào tháng 11 mà cả
Mahathir và Abdullah đều là thành viên, những người trong đảng bắt đầu lo lắng
rằng mối cừu hận tiếp diễn giữa họ sẽ chia rẽ một liên minh vốn đã nắm quyền kiểm
soát Malaysia suốt 5 thập niên. Chắc chắn, Mahathir có thể cư xử vì mong muốn bảo
vệ cái mà ông cho là di sản của ông và của Malaysia, nhưng những lời lẽ tấn công
chua cay, nặng nề của ông dường như lại cho thấy cái gì đó cá nhân hơn.

"Mahathir muốn lật đổ Abdullah," Mohamed Nazri Abdul Aziz - Bộ trưởng chịu trách
nhiệm về luật pháp và các vấn đề của quốc hội trong chính phủ của ông Abdullah và
cũng từng phục vụ dưới thời Mahathir, nhận định : "Ông ấy muốn buộc thủ tướng
đương nhiệm phải ra đi. Ông ấy cần được nói cho biết rằng ông ấy không còn là một
thủ tướng nữa. Chiến dịch của ông ấy không phải vì lợi ích của đất nước mà là vì
quyền lợi của chính ông ấy."

Đằng sau những tranh cãi

Những căng thẳng đã làm nổi bật các thách thức căn bản mà Malaysia đang phải đối
mặt. Kể từ khi giành được độc lập năm 1957, cựu thuộc địa của Anh đã chuyển đổi
từ một quốc gia tù túng, phụ thuộc vào cao su và thiếc thành một cường quốc công
nghiệp hoá trong khu vực, một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn và đĩa cứng
hàng đầu thế giới. Cái tên của Mahathir cũng đồng nghĩa với thời kỳ quá độ đặc biệt
này.

Tuy nhiên, những tỉ lệ tăng trưởng rực rỡ ấy và các toà nhà chọc trời ấn tượng phải
trả bằng một cái giá. Để duy trì việc nắm giữ quyền lực và xây dựng những tượng đài
của Malaysia được công nhận trên toàn cầu (thủ phủ tài chính Putrajaya, tháp đôi
Petronas - một thời được coi là cao nhất thế giới; Siêu hành lang truyền thông đa
phương tiện - một sự mô phỏng Thung lũng Silicon ở Châu Á; và trường đua xe công
thức một đầu tiên của Đông Nam Á), Mahathir đã làm suy yếu các cơ quan ít hào
nhoáng hơn nhưng không kém phần quan trọng là quốc hội, ngành dân chính, bộ
máy tư pháp và giới truyền thông.

Mặt ám muội hơn này của di sản Mahathir hiện đang lộ diện. Các vấn đề nhức nhối
như tham nhũng, ưu đãi và gia đình trị đã góp phần dẫn tới việc suy giảm đầu tư
nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Malaysia, chỉ trong năm 2005 giảm 14%. Với các lựa
chọn thay thế hấp dẫn như Trung Quốc, Việt Nam thì nền kinh tế bền vững của một
nước nói tiếng Anh như Malaysia không thể trông mong vào ưu thế cạnh tranh được
nữa.
Cùng quan trọng ngang nhau nhưng bất chấp những nỗ lực lâu dài nhằm thắt chặt
sự nối kết dân tộc giữa cộng đồng người Mã Lai chiếm đa số với tộc người Trung
Quốc và Ấn Độ thiểu số, ba nhóm người này dường như ngày càng tách rời nhau.
Abdullah có thể lên nắm quyền với danh tiếng là một nhà cải cách và một người xây
dựng sự đồng lòng nhất trí nhưng cho đến tận hiện tại 3 năm nổi danh của ông
chẳng đưa ra được mấy giải pháp cho những vấn đề cấp thiết trên.

Song, chính cái cách ông giải quyết những vết rạn nứt trên trong nền kinh tế và xã
hội Malaysia cũng như mối cừu hận gây suy yếu với người tiền nhiệm sẽ quyết định
vị trí của Malaysia trong khu vực Châu Á mới.

Tian Chua - trưởng ban thông tin của đảng Công bằng quốc gia đối lập cho biết :
"Chúng tôi từng nghĩ chúng tôi là hình mẫu của phần còn lại của Châu Á, bởi vì các
quốc gia khác hoặc không ổn định hoặc không dân chủ hay do quân đội quản lý.
Nhưng phần còn lại của Châu Á đã bắt kịp và trong một vài trường hợp, thậm chí đã
vượt chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải bắt đầu xem xét lại tất cả những gì chúng tôi
đã bị cuốn đi dưới một cuộc tranh cãi lâu đến vậy."

Đối với một người thiên về những tham vọng cực điểm hơn, việc kiểm tra lại những
điều dại dột phạm phải trong cuộc tranh cãi chắc chắn không thể là là ưu tiên hàng
đầu trong tâm trí của Mahathir.

Ghi dấu ấn

Sinh năm 1925 tại một ngôi làng ở bang Kedah và là con út trong 9 anh chị em,
Mahathir đã giành được suất học bổng không toàn phần để đi học y khoa ở
Singapore. Vào năm 1959, ông sở hữu một trong những chiếc xe hơi "độc" nhất ở thị
trấn của mình, một chiếc Pontiac Catalina và có một tài xế riêng người Trung Quốc.
(Phần lớn các lái xe thời đó là người Mã Lai). Sự nuôi dưỡng những biểu trưng quyền
lực như vậy đã trở thành dấu hiệu đặc trưng cho phong cách lãnh đạo Mahathir.

Những năm đầu nhiệm kỳ thủ tướng, Mahathir tước bỏ quyền phủ quyết hoàng gia
của nền quân chủ Malaysia, tăng quyền lực cho cơ quan hành pháp. Khi Toà án tối
cao đe doạ tính hợp pháp của đảng UMNO, ông đã tìm cách dàn xếp sa thải hơn một
nửa số nhân viên của cơ quan này. Ông cũng viện đến Đạo luật an ninh nội địa - một
luật bắt giữ, ngăn ngừa một cách hà khắc, để tống giam không cần buộc tội một vài
trong số những đối thủ lớn tiếng nhất. Nhưng đồng thời, ông cũng sử dụng "bàn tay
sắt" để gây dựng những nguời ủng hộ, tự tay lựa chọn những nhà tài phiệt như Eric
Chia làm quản lý xí nghiệp thép quốc doanh Perwaja. Và bằng những lệnh ép buộc
như vậy, ông đã tạo dựng nên một loạt các khu nhà chọc trời, đập nước, sân bay và
sân vận động. "Tôi nghĩ không phải 10 năm, 20 năm mà là 100 năm nữa ... tất cả
những thứ tôi thúc đẩy xây dựng thực sự cần thiết cho đất nước này." Mahathir nói.

Xu hướng "làm trước, giải thích sau" bắt đầu đem lại kết quả trái ngược vào năm
1998 khi Mahathir sắp đặt sự sụp đổ của Anwar Ibrahim - cựu Phó thủ tướng của
ông, người đã luôn kêu gọi việc quét sạch tham nhũng trong đảng UMNO. Anwar sau
đó bị kết án 15 năm tù vì tội thông dâm và lạm dụng quyền lực. Bản án này đã bị
các nhóm nhân quyền lên tiếng chỉ trích.

Ngay sau khi Anwar bị tống giam, đảng Hồi giáo của Malaysia (PAS) đối lập chính đã
khiến đảng cầm quyền UMNO sửng sốt khi giành quyền kiểm soát 2 bang, một phần
vì cương lĩnh chống tham nhũng của đảng. Vào cuối "triều đại Mahathir", thậm chí
tầng lớp trung lưu thành thị do chính ông tạo ra từ các chính sách thiên về xuất khẩu
cũng không còn ủng hộ ông vô điều kiện nữa.

"Những chính sách nguồn nhân lực tốt mà Mahathir đã áp dụng là những gì tạo ra
một xã hội dân quyền có thể nghĩ và nói. Nhưng Mahathir không thể kiểm soát được
cái mà ông đã tạo ra. Ông ấy hiểu các công trình xây dựng chứ không phải con
người." Shahrir Abdul Samad - một thành viên của Hội đồng tối cao UMNO nhận
định.

Cuộc chiến với người kế nhiệm

Người mà Mahathir cuối cùng chọn kế nhiệm ông cũng không thể khác biệt hơn.
Abdullah, 66 tuổi, tạo lập tên tuổi ở UMNO như một "hậu bối" hoà nhã, cầu hoà hợp.
Khi Mahathir trở nên lỗ mãng và không khoan nhượng, Abdullah tỏ ra mềm mỏng và
nhã nhặn.

Shaari Daud - một công chức về hưu và là một người bạn lâu năm của Mahathir cho
rằng : "Abdullah không nhanh nhạy như Mahathir. Nhưng không giống như Mahathir,
ông ấy tham khảo ý kiến từ nội các."

Năm tháng sau khi lên cầm quyền vào tháng 10/2003, Abdullah đã gây sửng sốt,
ngay cả với những người ủng hộ mình, khi giành được sự uỷ thác lớn chưa từng có
trong lịch sử bầu cử ở Malaysia. Chiến dịch bầu cử của ông nguyện sẽ "phân phối sự
giàu có một cách công bằng" đồng thời "diệt tận gốc nạn tham nhũng". Để thể hiện
sự độc lập, không lệ thuộc vào người thầy dày dạn kinh nghiệm của mình (Mahathir),
Abdullah đã hủy bỏ một số dự án tiêu tốn hàng tỉ đô la mà Mahathir hậu thuẫn. Trùm
tư bản thép Chia bị buộc tội vi phạm sự tin tưởng trong khi án tù chống lại Anwar
được đảo lộn.

"Mahathir cáo buộc tôi không làm bất cứ thứ gì trong hai năm qua. Ồ, tôi đã phải bắt
đầu bằng việc cắt giảm thâm hụt ngân sách, xét lại ưu tiên chi tiêu và củng cố sự ổn
định chính trị." Abdullah tuyên bố.

Tuy nhiên, người ta cũng thấy rõ Abdullah là người "chúa ghét" những hành động táo
tợn. Rất nhiều trong số những cải cách chống tham nhũng của ông đã bị ngưng trệ
và các chính sách kinh tế đã không thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, ước tính khoảng
5% trong năm tới - đáng kể những không xuất sắc. Việc Abdullah tập trung vào phát
triển ngành nông nghiệp của Malaysia trong khi mục tiêu là giảm đói nghèo, đã làm
chuyển hướng nguồn quỹ từ các ngành công nghiệp công nghệ cao vốn đưa đất nước
gia nhập guồng quay toàn cầu.

"Ông ấy nói toàn những điều đúng nhưng sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, ông ấy cần áp
dụng những cải cách vào thực tế. Đâu là những kết quả cụ thể?" Zaid Ibrahim - một
nghị sĩ hùng biện hàng đầu của UMNO nói.

Chính sách trên cũng không giúp gì cho chiến dịch chống gia đình trị của Abdullah
khi Kamaluddin - con trai ông cùng con rể Khairy Jamaluddin được cho là quá gần
gũi với các cơ quan quyền lực.

Khairy - hiện là Phó chủ tịch cánh chính trị gia trẻ, hùng mạnh của UMNO, đã được
chính Mahathir gây dựng thành một nhân vật thế lực một cách không thuyết phục,
đặc biệt khi chính trị gia này mới chỉ 30 tuổi. Khairy thú nhận : "Tôi chỉ là kẻ giơ đầu
chịu báng khá dễ tính. Nhưng những quyết định mà Tiến sĩ Mahathir không hài lòng
lại hoàn toàn do Thủ tướng và nội các đưa ra."

Tổn thất

Nếu Abdullah vẫn còn đứng ở đỉnh điểm của sự yêu mến của dân chúng như năm
2004, sự công kích của Mahathir có thể dễ dàng bị phớt lờ hơn. Dẫu vậy, khi công
chúng bắt đầu coi Abdullah là một nhà cải cách bất lực, những lời tố cáo của
Mahathir về nạn tham nhũng ở địa phương và sự thiếu động lực tài chính đã "chạm
nọc" - ngay cả khi một trong số những vấn đề này đã tồn tại dưới thời của cựu thủ
tướng. Quan trọng hơn, cuộc khẩu chiến giữa Mahathir và Abdullah có thể đang làm
xa rời sự chú ý của công chúng khỏi những vấn đề to lớn hơn, vốn khẩn thiết đòi hỏi
các cuộc tranh luận tầm cỡ quốc gia.

"Mối cừu hận này đang khiến chúng tôi rối trí rất nhiều. Khi nó ảnh hưởng tới sự tập
trung của bạn, bạn không thể dẹp bỏ nó để làm việc khác". Khairy thú nhận.

Điểm trọng yếu trong những vấn đề cấp thiết trên là số phận của Chính sách kinh tế
mới (NEP) - một nỗ lực hành động quyết liệt mà UMNO khởi xướng 35 năm trước
nhằm đem lại cho đại đa số người Mã Lai quyền lực kinh tế xứng đáng. Được phác
thảo nhằm ngăn chặn sự lặp lại những cuộc đua tranh giữa các dân tộc làm chấn
động Malaysia năm 1969, NEP đã giúp tạo ra một tầng lớp người Mã Lai hoàn toàn
trung lưu - những người có thể cạnh tranh với những người Trung Quốc và Ấn Độ
cùng địa vị.

Tháng trước, một nhóm chuyên gia cố vấn đề xuất rằng số cổ phần doanh nghiệp mà
người Mã Lai nắm giữ cao hơn nhiều so với con số 19% ước tính của chính quyền.
Mọi quan chức trong chính phủ, từ Thủ tướng Abdullah cho đến những người cấp
dưới, đã lên án báo cáo này là vô căn cứ và buộc tội nó đã khuấy động những vấn đề
dân tộc nhạy cảm. Cơ quan này đã rút lại những công bố mới, khiến tác giả của bản
báo cáo phải từ chức để phản đối.

Trong khi đó, một số nhà phân tích đã quy kết những hạn ngạch chủng tộc phức tạp
của NEP với sự suy giảm FDI ở Malaysia. Không nghi ngờ gì về việc Malaysia đang
chia rẽ vì các dòng giống dân tộc : Chỉ có 6% các bậc phụ huynh người Trung Quốc
hiện cho con theo học các trường tiểu học do chính phủ mà người Mã Lai chiếm đa số
quản lý, so với con số hơn 50% vào 3 thập niên trước. "Khi tôi lớn lên ở Malaysia,
học tại các trường quốc lập, tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng đất
nước sẽ trở nên phân cực như vậy." Lim Guan Eng - Tổng thư kí đảng Hành động vì
dân chủ tập trung đông người Trung Quốc nói.

Trung tâm trong cuộc tranh luận về dân tộc hiện giờ là cách tôn giáo phù hợp với
một quốc gia bao lâu nay vẫn tự hào là sự thể hiện chừng mực của đạo Hồi. Năm
2001, sau chiến thắng gây kinh ngạc của PAS, Mahathir đã từ bỏ thuật hùng biện thế
tục thường dùng và xác định rõ Malaysia là một quốc gia Hồi giáo. Abdullah, người có
bằng cấp về nghiên cứu Hồi giáo, đã biến "Islam Hadhari" - một phương châm quản
lý dựa trên những giáo lý ôn hoà của đạo Hồi, trở thành tư tưởng chủ đạo trong
chính quyền của ông. Ngoài bộ phận người Hồi giáo Mã Lai ngày càng trở nên bảo
thủ - việc phụ nữ mang khăn trùm đầu đã đột ngột phổ biến hơn, người ta vẫn chưa
rõ liệu những quy chuẩn như vậy sẽ ngừng tăng lên hay không.
Dù duy trì tài xế riêng người Trung Quốc và cách diễn thuyết "người Mã Lai là số 1",
Mahathir bằng một cách nào đó vẫn có thể giữ hào khi giữa các tộc người ở Malaysia.
Abdullah, người gần đây bổ nhiệm một công dân gốc Trung Quốc vào vị trí quan chức
chống tội phạm hàng đầu của đất nước, dường như cũng chia sẻ toàn bộ quan điểm
chung về xã hội Malaysia. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng ông đã làm quá ít để
ngăn chặn khuynh hướng cực đoan hơn của đạo Hồi vốn đang len lỏi vào xã hội. Ví
dụ Abdullah ủng hộ sự thể hiện nghiêm khắc đạo Hồi của người Sunni và tán thành
một "chính sách không khoan nhượng" chống lại bất cứ điều gì xa rời nó.

Mahathir cáo buộc rằng : "Hiện người ta biết chính phủ yếu kém. Do đó, (các tín đồ
Hồi giáo bảo thủ) có thể thách thức chính phủ." Tất nhiên, chính sự hăm doạ của cựu
thủ tướng, đã góp phần làm rõ nghĩa "yếu kém" trong chính quyền của ông Abdullah.
Nhưng, Mahathir không hề có ý định lắng dịu.

Nhà phân tích chính trị kỳ cựu Chandra Muzaffar nói : "Có một điều về giới lãnh đạo
ở đất nước này là : sống sót mà không cần lý tưởng giữ vai trò tối quan trọng." Quan
điểm này không chỉ áp dụng đối với người lãnh đạo đang chiến đấu để hướng đất
nước về phía trước mà còn đúng với cả vị cựu thủ tướng đang từ chối rút lui khỏi hệ
thống quyền lực ở Malaysia.

Thanh Bình@VNNET (Theo Time)

You might also like