You are on page 1of 4

1.

Một số khái niệm:


a. THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ là tổng hợp các phương pháp và cách thức thực hiện quyền lực nhà
nước do tình hình chính trị trong nước chi phối. TCCT được quy định trước hết bởi bản chất
giai cấp, hình thức nhà nước, tính chất của pháp luật và quyền lực của các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền, tương quan lực lượng của các giai cấp, mức độ và hình thức đấu tranh giai cấp
cũng như truyền thống lịch sử của đất nước và hoàn cảnh quốc tế là những yếu tố ảnh hưởng
đến TCCT. Điểm cốt yếu nhất quyết định đến TCCT là bản chất, hình thức, tính chất của quyền
lực nhà nước, chính trị hiện hành (vd. chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản và xã hội chủ
nghĩa). Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, TCCT là dân chủ, được thể hiện qua những đặc trưng:
quyền lực thuộc về nhân dân lao động; TCCT bảo vệ quyền lợi và tự do cơ bản của công dân.
TCCT ở nhà nước xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng pháp chế xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân
chủ, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội và sự tham gia tích cực của công dân vào các
công việc của nhà nước và xã hội.

b. HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ là tổng thể những tổ chức thực hiện quyền lực chính trị được xã hội
chính thức thừa nhận. HTCT tư sản hiện đại thể hiện nền dân chủ tư sản, bao gồm: nhà nước
tiêu biểu cho quyền lực công, với các cơ quan lập pháp (nghị viện), cơ quan hành pháp, cơ
quan tư pháp; các chính đảng; các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cùng tham
gia hoạt động chính trị (tranh cử, tham gia chính quyền, biểu tình, vận động quần chúng...).
Đặc trưng của HTCT tư sản theo chế độ đại nghị hay chế độ tổng thống, là chế độ nhiều đảng
do giai cấp tư sản và chính đảng của nó lãnh đạo; là chế độ tam quyền phân lập.
HTCT xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thể hiện bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo
cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lí. Đảng Cộng sản, với tư cách là
đội tiên phong của giai cấp công nhân và đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và của
toàn dân tộc, có sứ mạng lãnh đạo toàn bộ xã hội thông qua nhà nước và các đoàn thể nhân
dân; bộ máy nhà nước ,có chức năng quản lí mọi mặt đời sống xã hội; các đoàn thể nhân dân
có chức năng tập hợp các giai cấp, tầng lớp xã hội tham gia việc quản lí nhà nước, quản lí xã
hội. Ở nhiều nước, có hình thức liên minh chính trị như mặt trận, bao gồm một số chính đảng
và tổ chức xã hội tán thành cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của đảng
cộng sản.

c. CHUYÊN CHÍNH:
phương thức thực hiện quyền lực chính trị trực tiếp dùng bạo lực (đối lập với dân chủ) để áp
đặt ý chí của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị, thường được áp dụng trong những thời
kì đấu tranh giai cấp quyết liệt. Lịch sử đã từng có 2 dạng: CC cách mạng [chế độ Jacôbanh
(Jacobins) ở Pháp thế kỉ 18, CC vô sản sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917] và CC phản
cách mạng (chế độ phát xít ở Đức, Ý, Nhật, Tây Ban Nha...thế kỉ 20). Nguyên tắc dựa vào
bạo lực (hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp nhưng thường trực) của mọi quyền lực chính trị trong
xã hội có giai cấp đối kháng. CC là sự thống trị chính trị của giai cấp này đối với giai cấp
khác. Vì vậy, bản chất của mọi nhà nước đều là sự CC của giai cấp, bất kể nhà nước ấy mang
hình thức là quân chủ hay cộng hoà, độc tài hay dân chủ.

d. CHUYÊN CHÍNH DÂN CHỦ NHÂN DÂN:


sự thống trị về chính trị của nhân dân, bao gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư
sản dân tộc và các cá nhân thân sĩ, lấy công nhân, nông dân và trí thức yêu nước làm nền tảng
do đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo. CCDCND là thành quả thắng lợi của
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ lịch sử của CCDCND là phát huy
tự do dân chủ, tổ chức nhân dân hoàn thành các nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ
chống lại các thế lực phản động, xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, tạo tiền đề tiến
lên chủ nghĩa xã hội. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời năm 1945 là nhà nước
CCDCND thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân, tạo tiền đề đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
e. CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN:
sự thống trị về chính trị của giai cấp công nhân. Chức năng chủ yếu của CCVS là thực
hiện dân chủ đối với nhân dân, tổ chức xây dựng và bảo vệ chế độ mới; chuyên chính với
những phần tử thù địch, chống lại nhân dân.
Lí luận về CCVS là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Chủ
nghĩa Mac đã nêu rõ: giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kì
cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kì ấy là thời kì quá độ
chính trị, và nhà nước của thời kì ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách
mạng của giai cấp vô sản. Nền tảng của CCVS là liên minh công nông, trong đó giai cấp công
nhân - thông qua đảng tiên phong của mình - giữ vai trò lãnh đạo. CCVS là một hình thức tổ
chức nhà nước kiểu mới, là hình thức chuyên chính mang tính giai cấp cuối cùng, có sứ mệnh
xoá bỏ giai cấp, tiến tới xã hội không có giai cấp. CCVS có nhiều hình thức khác nhau, thích
ứng với những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là quyền lực của giai
cấp vô sản, của nhân dân lao động.
Vấn đề có tính nguyên tắc là thực hiện những nội dung và chức năng chứa đựng trong
khái niệm CCVS chứ không phải tên gọi. Vì vậy, Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam xác
định: Nhà nước Việt Nam trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội là "nhà nước xã hội chủ
nghĩa; nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với
giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện
đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỉ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành
động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân" ("Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội").

f. CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHÂN DÂN:


chế độ chính trị - xã hội xuất hiện từ giữa những năm 40 thế kỉ 20 ở những nước đi
theo con đường xã hội chủ nghĩa hoặc có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, kết quả của cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và xoá bỏ ách áp bức bóc lột của thực
dân, địa chủ phong kiến, dựa trên cơ sở liên minh công - nông - trí thức. Đây là hình thức tổ
chức liên minh giai cấp giữa giai cấp công nhân với các tầng lớp xã hội rộng rãi bao gồm
nhiều tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở cương lĩnh chung dưới sự lãnh đạo của đảng của
giai cấp công nhân, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống chế độ phong kiến, thực hiện
dân chủ. CĐDCND bảo đảm cho đông đảo nhân dân tham gia quản lí nhà nước, bảo đảm sự
lãnh đạo của đảng vô sản và thực hiện nguyên tắc tập trung - dân chủ trong quản lí nhà nước.
Tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể, CĐDCND có những hình thức, nhiệm vụ và các
giai đoạn phát triển khác nhau. Thiết lập CĐDCND có nghĩa là lật đổ ách thống trị của tư bản
đế quốc và địa chủ phong kiến, chuyển chính quyền vào tay nhân dân do giai cấp công nhân
lãnh đạo. Cơ sở chính trị của CĐDCND là những cơ quan do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc
phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Sau khi thiết lập, chính quyền dân chủ nhân dân tập
trung nỗ lực vào việc khắc phục những hậu quả của ách thống trị do đế quốc, phong kiến để
lại, bảo đảm dân chủ hoá rộng rãi trong các lĩnh vực xã hội, thực hiện cách mạng về ruộng
đất, cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động tiến dần lên chủ nghĩa xã
hội.

2. Hệ thống chuyên chính vô sản mang đặc điểm Việt Nam, giai đoạn 1975-1985
Hệ thống chính trị của nước ta chuyển sang giai đoạn mới: Từ hệ thống chuyên chính
dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản trong phạm vi nửa nước
(giai đoạn 1954-1975) sang hệ thống chuyên chính vô sản hoạt động trong cả nước.
** Nội dung chủ trương xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản:
- Xác định quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hoá bằng pháp luật và tổ chức.
- Nhà nước thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân đủ
năng lực để xây dựng nền KT mới, văn hoá, con người mới.
- Xác định Đảng CS là người lãnh đạo toàn diện.
- Mặt trận và các đoàn thể quần chúng là tổ chức bảo đảm cho quần chúng kiểm tra công việc
của Nhà nước, đồng thời là trường học về chủ nghĩa xã hội.
- Xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.

** Đánh giá sự thực hiện đường lối


a. Kết quả và ý nghĩa:
Hệ thống chính trị giai đoạn 1975 – 1986 được xây dựng theo đường lối của các Đại
hội IV và V đã mang lại những thành tựu nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Trong giai
đoạn này, Đảng đã coi làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của hệ thống chính trị, đã
xây dựng mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế
chung trong hoạt động của hệ thống chính trị ở tất cả các cấp, các địa phương
Đã khắc phục được khá nhiều cách hiểu, cách làm chuyên chính cực tả, cực đoan đã
từng diễn ra trong những năm trước đây.

b. Hạn chế:
- Mối quan hệ Đảng-Nhà nước-Nhân dân chưa được xác định rõ.
- Bộ máy Nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả.
- Ý kiến của dân nhiều nơi không được tôn trọng.
- Sự lãnh đạo của Đảng chưa ngang tầm giai đoạn mới…

C. Nguyên nhân của những hạn chế


- Duy trì quá lâu cơ chế quản lý KT tập trung, quan liêu bao cấp.
- Hệ thống CCVS có biểu hiện bảo thủ, trì trệ, chậm đổi mới so với những đột phá trong
cơ chế kinh tế. Do đó đã cản trở quá trình đổi mới kinh tế.
- Bệnh chủ quan, duy ý chí trong vai trò lãnh đạo của Đảng.
Những hạn chế sai lầm trên đây cùng với những yêu cầu của công cuộc đổi mới đã thúc đẩy
ta phải đổi mới hệ thống chính trị.

3. Hệ thống chính trị nước ta theo từng giai đoạn của Hiến Pháp

Giai đoạn 1945 – 1959 (theo Hiến pháp 1946)


 Chính thể: Dân chủ cộng hoà
 Hệ thống đảng: đa đảng, một đảng lãnh đạo
 Các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận dân tộc thống nhất.
 Nghị viện: Cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
 Chủ tịch nước: Đứng đầu hành pháp, thay mặt cho nước, tổng chỉ huy quân đội toàn
quốc.
 Chính phủ: Cơ quan hành chính cao nhất
 Cơ quan tư pháp: Toà án tối cao, toà án phúc thẩm, toà đệ nhị cấp và sư cấp
 Hệ thống chính quyền địa phương 4 cấp: Bộ, tỉnh, huyện, xã.
 Ở huyện và bộ không có HĐND, UBND các cấp này do HĐND cấp dưới bầu lên.

Giai đoạn 1959 – 1980 (theo Hiến pháp 1959)


 Chính thể: Dân chủ nhân dân (HP 59, điều 2)
 Hệ thống đảng: đa đảng, một đảng lãnh đạo.
 Các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận dân tộc thống nhất.
 Quốc hội: Cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
 Chủ tịch nước: Thay mặt cho nước về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng
vũ trang.
 Chính phủ: Hội chính phủ - Cơ quan chấp hành cảu Quốc hội, cơ quan hành chính cao
nhất
 Cơ quan tư pháp: Hệ thống toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.
 Hệ thống chính quyền địa phương 3 cấp: tỉnh (khu tự trị), huyện, xã.
 Ở tất cả các cấp đều có HĐND, UBND.

Giai đoạn 1980 – 1992 (theo Hiến pháp 1980)


 Chính thể: Chuyên chính vô sản (HP 80, điều 2)
 Hệ thống đảng: đa đảng, đảng cộng sản lãnh đạo.
 Các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận dân tộc thống nhất.
 Quốc hội: Cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước
Cộng hoà XHCN Việt Nam.
 Chủ tịch nước: Chủ tịch tập thể, Hội đồng nhà nước thay mặt cho nước về đối nội và
đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang.
 Chính phủ: Hội đồng bộ trưởng, Cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan chấp hành của
Quốc hội.
 Cơ quan tư pháp: Toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.
 Hệ thống chính quyền địa phương 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã, đều có HDND và UBND.

Giai đoạn 1992 – nay (theo Hiến pháp 1992 sửa đổi)
 Chính thể: Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân (HP 92, điều 2)
 Hệ thống đảng: một đảng duy nhất lãnh đạo.
 Các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận dân tộc thống nhất.
 Quốc hội: Cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước
Cộng hoà XHCN Việt Nam.
 Chủ tịch nước: Đứng đầu nhà nước, thay mặt cho nước về đối nội và đối ngoại, thống
lĩnh các lực lượng vũ trang.
 Chính phủ: Cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất.
 Cơ quan tư pháp: Toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân.
 Hệ thống chính quyền địa phương 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã, đều có HDND và UBND.

Người thực hiện: Trần Văn Tân 

You might also like