You are on page 1of 23

Câu 2: Tìm hiểu Xã hội dân sự là gì? Vai trò về xã hội dân sự.

Xã hội dân sự đề cập tới một mảng các hoạt động tập thể tự nguyện xung
quanh các giá trị, mục tiêu, ý thích chung. Về lý thuyết, các hình thái tổ
chức xã hội dân sự khác biệt hẳn với các hình thái tổ chức nhà nước, gia
đình và thị trường. Nhưng trong thực tế thì, gianh giới giữa nhà nước, xã
hội dân dự, gia đình và thị trường không rõ ràng.
Xã hội dân sự thường bao gồm một sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các
thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ nghi
lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng
các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm
tương trợ, các phòng trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh,
và các đoàn luật sư.
*Xã hội dân sự ở đây được hiểu là một mảng của đời sống xã hội (có tổ
chức, mang tính tự nguyện, tự tái tạo, (hầu như) tự tài trợ, độc lập với nhà
nước (và gắn bó với nhau bằng một trật tự pháp lý hay một số nguyên tắc
chung. Xã hội dân sự là một xã hội mà ở đó người dân biết tự lo lấy cho
mình rất nhiều chuyện, biết tự tổ chức lại để phát huy năng lực sáng tạo,
hiện thực hóa các ý tưởng và để tương tác với nhà nước nhằm đạt tới một
nền quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm. Xã hội dân
sự là “Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con
người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung”
Xã hội dân sự bao gồm một dải rất rộng các tổ chức chính thức và không
chính thức. Chúng gồm tổ chức mang tính: 1) kinh tế (các hiệp hội và
mạng lưới sản xuất và thương mại); 2) văn hoá (tôn giáo, đạo đức, cộng
đồng và các thiết chế và tổ chức khác bảo vệ các quyền, giá trị, niềm tin,
tín ngưỡng, biểu tượng của tập thể); 3) thông tin và giáo dục (cho việc tạo
ra và phát tán-dù là vụ lợi hay phi vụ lợi- những kiến thức, ý tưởng, tin
tức và thông tin công (public); 4) dựa trên lợi ích (thiết kế để thúc đẩy
hay bảo vệ những lợi ích căn bản hay lợi ích vật chất chung của các thành
viên, có thể là công nhân, cựu chiến binh, người hưởng lương hưu,
chuyên gia v.v.); 5) phát triển (các tổ chức kết hợp nguồn lực cá nhân để
cải thiện hạ tầng, thể chế, và chất lượng cuộc sống của cộng đồng); 6)
hướng vấn đề (các phong trào bảo vệ môi trường, quyền phụ nữ, cải cách
ruộng đất, hay bảo vệ người tiêu dùng); 7) công dân (tìm các phương tiện
phi đảng phái để cải thiện hệ thống chính trị và dân chủ hoá nó thông qua
việc theo dõi nhân quyền, giáo dục và vận động cử tri, theo dõi bầu cử,
các nỗ lực chống tham nhũng v.v.) Hơn nữa, xã hội dân sự bao gồm “thị
trường ý thức hệ” và một dòng chảy thông tin và ý tưởng. Nó bao gồm
không chỉ truyền thông độc lập mà còn các tổ chức thuộc về một không
gian rộng hơn, gồm các hoạt động văn hoá và tri thức độc lập-các trường
đại học, viện nghiên cứu, nhà xuất bản, nhà hát, các xưởng phim, và các
mạng lưới của giới nghệ sĩ.
XHDS đã tồn tại ở VN từ rất lâu nằm ngoài các hoạt động của doanh
nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau
trong những hoạt động vì một mục đích chung.Như vậy, thành phần quan
trọng của XHDS là các hội, hiệp hội trong dân chúng, trong làng xóm,
mang tính chất liên kết cộng đồng. Theo quan niệm đó thì ở VN Mặt trận
Tổ quốc là tổ chức XHDS lớn nhất, bao gồm các đoàn thể (công đoàn,
phụ nữ, thanh niên, nông dân...), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính
phủ... Mặt khác có thể coi XHDS là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay
nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. XHDS hỗ trợ người dân thực thi luật
pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước
hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận
thì XHDS vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy
khía cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng.
* Vai trò Xã hội dân sự

Họ lập luận rằng các yếu tố chính trị của nhiều tổ chức tự nguyện tạo điều
kiện cho công dân nhận thức tốt hơn và thêm thông tin, cử tri lựa chọn tốt
hơn, tham gia vào chính trị, và giữ chính quyền có trách nhiệm hơn Các
quy chế của các tổ chức này có. thường được coi là vi hiến pháp vì họ
quen với những người tham gia thủ tục ra quyết định dân chủ.

Ngay cả các tổ chức phi-chính trị trong xã hội dân sự đặc biệt quan trọng
đối với nền dân chủ sẽ xây dựng vốn xã hội, tin tưởng và giá trị chung,
được chuyển sang lĩnh vực chính trị và giúp tổ chức xã hội cùng với
nhau, tạo điều kiện cho sự hiểu biết về sự liên kết của xã hội và lợi ích
trong đó.

Câu 3: Bản chất của xã hội dân sự.


Cần phải nhấn mạnh rằng, bản chất của xã hội dân sự là tính tự lập của xã
hội, tức là xã hội phải giải quyết các vấn đề của nó. Nhà nước là một bộ
phận của xã hội nhằm giải quyết những vấn đề có chất lượng chiến lược
của đời sống chứ không phải là người giải quyết tất cả các vấn đề của đời
sống. Xã hội dân sự là một xã hội tự quản lấy mình và đến một mức độ
mà nó không có khả năng để tự quản nữa thì phần còn lại đó rơi vào nhà
nước chuyên nghiệp. Hay nói cách khác, nhà nước chuyên nghiệp là bộ
phận nối dài của xã hội dân sự để giải quyết những công việc mà bản thân
xã hội không tự giải quyết được
Bàn về xã hội dân sự

Khái niệm xã hội dân sự từ lâu đã trở thành một khái niệm quan trọng
và ngày càng trở nên quan trọng khi quá trình toàn cầu hoá đang làm
thế giới xích lại gần nhau hơn. Và khi các giá trị cá nhân ngày càng
được khẳng định thì một xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích
của con người ngày càng trở nên cần thiết.
Thế kỷ Khai Sáng với nhiều tác phẩm bất hủ của các nhà triết học nổi
tiếng như Rousseau hay Montesquier tuy chưa thực sự nhắc đến một xã
hội dân sự nhưng những tư tưởng về chủ quyền nhân dân và sự phủ định
vai trò tuyệt đối của nhà nước đã góp phần tạo nền tảng cho sự hình
thành khái niệm xã hội dân sự. Từ đó đến nay, xã hội dân sự không còn
là một khái niệm mới song cũng chưa đủ cũ để người ta thôi luận bàn về
nó. Nói cách khác, hơn 300 năm sau Thế kỷ Khai Sáng, gần 300 năm sau
khi "Khế ước xã hội" của Rousseau ra đời, loài người đã có một bước
tiến dài về phía xã hội dân sự nhưng vẫn còn sự nhận thức khác nhau
giữa các cộng đồng dân tộc. Xã hội dân sự, ở một số nơi, chưa được thừa
nhận và tôn trọng, do đó, nó không phát huy được vai trò của mình trong
tiến trình phát triển. Vậy xã hội dân sự là gì? Vai trò của nó cũng như
tương quan giữa nó và sự phát triển của con người là gì? Sự thiếu vắng
hay không được thừa nhận xã hội dân sự ở một số quốc gia đang phát
triển có ảnh hưởng thế nào đến quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân
chủ của các quốc gia này? Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu và
thảo luận một cách rất nghiêm túc.

1. Xã hội dân sự và đặc điểm của nó

Xã hội dân sự là xã hội phi nhà nước

Tôi cho rằng, xã hội dân sự, hiểu một cách đơn giản nhất là xã hội
phi nhà nước, ở đó, mối quan hệ giữa con người với nhau dựa trên
sự tự thảo luận và tạo ra sự đồng thuận trên các vấn đề của cuộc
sống mà không cần có sự can thiệp của nhà nước. Xã hội dân sự là xã
hội tự cân bằng. Nó có các tổ chức do xã hội lập ra để thể hiện những
loại hình ý chí khác nhau của cộng đồng. Nói cách khác, tự bản thân xã
hội dân sự sẽ điều chỉnh, hạn chế tất cả những sự cực đoan, những hành
vi không phù hợp với lợi ích cộng đồng bằng các quy tắc bất thành văn
mà không cần sự tham gia của các yếu tố nhà nước. Có thể nói tính tự
lập là bản chất của xã hội dân sự, tức là xã hội tự giải quyết các vấn đề
của nó. Xã hội dân sự là xã hội tự quản lấy mình và đến một mức độ mà
nó không có khả năng để tự quản nữa thì phần còn lại rơi vào nhà nước.
Rất nhiều quốc gia chậm phát triển đã không nhận thức được điều này.
Người ta luôn cho rằng nhà nước phải có mặt trong mọi lĩnh vực của
cuộc sống mà không biết rằng nhà nước là bộ phận nối dài của xã hội
dân sự để giải quyết những công việc mà bản thân xã hội không tự giải
quyết được. Thực ra, nếu chúng ta thừa nhận sự phát triển các hình thái
kinh tế xã hội dẫn đến sự ra đời của nhà nước nhằm dung hoà lợi ích của
các cộng đồng người trong một xã hội hay nếu chúng ta thừa nhận nhà
nước được hình thành từ sự góp vốn tự do của con người thì chúng ta sẽ
thấy rằng, rõ ràng xã hội dân sự có trước nhà nước. Nhà nước là bộ phận
thượng tầng của xã hội, là nơi giải quyết những vấn đề xã hội đòi hỏi,
hay nói cách khác, con người tạo ra nhà nước để giải quyết những vấn đề
mà tự nó không giải quyết được. Còn nếu chúng ta quy lịch sử phát triển
loài người vào lịch sử phát triển các nhà nước, tức là nếu chúng ta cho
rằng, con người chỉ trở thành con người xã hội khi có nhà nước thì chúng
ta sẽ biến nhà nước trở thành kẻ sinh ra xã hội. Và như thế, chúng ta sẽ
không thừa nhận tình trạng không có con người nằm ngoài nhà nước, và
nó dẫn đến một logic là Xã hội = Nhà nước.

Hầu hết các nước chậm phát triển hay đang phát triển đều nhận thức
chưa đúng về vai trò của nhà nước. Sự phong cho nhà nước một quyền
lực quá lớn đã dẫn đến một logic ngược lại, nhà nước không phải là nơi
giải quyết những vấn đề xã hội đòi hỏi mà xã hội là nơi để nhà nước áp
đặt những đòi hỏi của mình. Sự phủ bóng quá lớn của nhà nước xuống xã
hội đã khiến đời sống dân sự của con người bị thu hẹp lại thậm chí trở
thành bất hợp pháp. Pháp luật ở một số quốc gia không thừa nhận tình
trạng không có nhà nước trong một loạt các khu vực khác nhau của đời
sống và làm mất đi những yếu tố của xã hội dân sự. Ví dụ, nhà nước
không thừa nhận vai trò làm chứng của một luật sư cho các cam kết dân
sự của khách hàng mà chỉ thừa nhận sự làm chứng của các cơ quan công
chứng nhà nước. Nhận thức sai lầm về vai trò của nhà nước, con người
cũng nhận thức sai lầm về địa vị xã hội. Một số người luôn quan niệm là
phải làm việc ở cơ quan nhà nước mới có địa vị xã hội và danh dự. Do
đó, con người bằng mọi giá phấn đấu để được vào biên chế, để được bao
cấp, được bảo vệ bởi nhà nước. Con người mất tự tin khi bị tách khỏi nhà
nước và con người bơ vơ về tinh thần khi ra khỏi nhà nước. Trạng thái
này kéo dài ở một số quốc gia, làm hình thành nên một nền văn hóa
không có dấu hiệu dân sự. Nền văn hóa mà người ta lấy tất cả những ưu
thế trong hệ thống nhà nước làm thước đo của giá trị thì không còn đời
sống dân sự, tức là con người không có quyền lợi nào nếu không gắn với
một nhà nước cụ thể. Nhưng trong hàng trăm hành vi của con người
hàng ngày, có bao nhiêu phần trăm là hành vi mang chất lượng nhà nước
và bao nhiêu hành vi mang chất lượng tự nhiên? Và con người lành
mạnh là con người hành động tự giác hay con người hành động trong sự
giục giã, giám sát và điều chỉnh của nhà nước? Nói như thế không có
nghĩa là phủ nhận vai trò điều chỉnh và giám sát của nhà nước vì rõ ràng,
có những vấn đề mà nếu nhà nước không đảm nhiệm, xã hội dân sự
không thể giải quyết nổi.

Ở đây, phải nói thêm một khía cạnh là trong một quốc gia bao giờ cũng
có nhiều cộng đồng dân sự, có nhiều quy tắc và điều này đã khiến một số
người nhầm lẫn giữa các quy tắc dân sự của cộng đồng với hương ước, lệ
làng. Họ tưởng rằng đó là thể hiện cơ bản của xã hội dân sự. Phải khẳng
định rằng hương ước hay lệ làng thực chất là những quy tắc phản ánh
một xã hội khu trú và chậm tiến bộ. Nó là những thói quen văn hóa rất
chậm thay đổi, lưu truyền từ đời nọ sang đời kia, con người mặc nhiên
chấp nhận nó như một quy ước. Còn những quy tắc trong xã hội dân sự
được hình thành dựa trên cơ sở sự đồng thuận xã hội, tức là con người
trực tiếp tham gia vào quá trình thương thảo về những quy tắc và đấy là
biểu hiện của trình độ phát triển cao, trong đó mỗi người dân đều ý thức
được vai trò, quyền và lợi ích của mình. Những quy tắc này có thể biến
đổi theo thời gian tùy thuộc vào trạng thái phát triển của xã hội.

Sự khác biệt giữa xã hội dân sự và xã hội công dân

Các cuộc tranh luận giữa các học giả còn xoay quanh khái niệm xã hội
công dân hay xã hội dân sự. Ban đầu, ý tưởng về "xã hội dân sự" và "xã
hội công dân" gần như đồng nhất, nhưng dần dần hai khái niệm ấy tách
khỏi nhau vì trong tiến trình phát triển, con người ngày càng thấy rõ mỗi
công dân đồng thời cũng là con người với tất cả những đặc tính phong
phú của mình. Cho nên, không thể quy toàn bộ tính phong phú ấy vào
trong khái niệm công dân. Vậy xã hội công dân là gì? Tôi cho rằng, xã
hội công dân là một xã hội mà các thành viên của nó là công dân theo
đúng nghĩa. Vấn đề đặt ra là công dân là gì? Công dân là các thành
viên của một xã hội hiện đại, ở đó mọi quyền của con người đều
được tôn trọng, tức là mỗi một con người trở thành chủ sở hữu xã
hội và có các quyền hiến định và pháp định rành mạch. Nói cách
khác, nếu xã hội dân sự là xã hội nằm ngoài nhà nước, không cần đến
nhà nước thì xã hội công dân là pháp chế hóa xã hội dân sự. Như vậy, xã
hội dân sự rộng lớn hơn và cũng căn bản hơn nhiều so với xã hội công
dân.

Có thể nói, 80-90% hành vi hàng ngày của mỗi con người là hành vi tự
nhiên, phi nhà nước. Thử tưởng tượng con người sẽ sống, sinh hoạt như
thế nào nếu hàng ngày, hàng giờ, hàng phút anh ta mang trong mình ý
niệm là một công dân? Con người làm sao có đủ cảm hứng sáng tạo khi
luôn phải mang nặng nghĩa vụ này, nghĩa vụ kia. Tuy vậy, một con
người khi sống với cộng đồng dân sự của mình, họ cũng có những thỏa
thuận, có những sự cân bằng tự nhiên của mình. Nói cách khác, xã hội
dân sự đó phải nằm trong một nhà nước cụ thể hay các cộng đồng dân sự
phải nằm trong một thể chế nhà nước cụ thể, và tất cả mọi người đều
bình đẳng với nhau trước pháp luật bởi tư thế công dân của mình. Xã hội
công dân là xã hội cần đến nhà nước và nhà nước phải tuân thủ các quy
luật của xã hội công dân để hành xử. Còn xã hội dân sự là xã hội không
lệ thuộc vào nhà nước. Nói cách khác, nói đến xã hội dân sự là nói đến
nhân quyền còn nói đến xã hội công dân là nói đến dân quyền. Tuy
nhiên, ở các quốc gia chậm phát triển, người ta thường đề cao xã hội
công dân thay vì xã hội dân sự, người ta cho rằng chỉ cần xã hội công
dân là đủ bởi vì họ không muốn thừa nhận nhân quyền, họ muốn khoả
lấp nhân quyền vào trong dân quyền. Xã hội dân sự là xã hội mà ở đó
nhân quyền thống trị còn dân quyền là mảnh đất chung nhau giữa
con người tự nhiên với con người xã hội. Dân quyền là cơ sở của việc
hình thành nhà nước. Sau khi làm nghĩa vụ công dân thì con người mới
có quyền đòi hỏi quyền làm chủ nhà nước tức là quyền tạo ra nhà nước.
Quyền tạo ra, cải tạo và cấu trúc lại nhà nước là quyền công dân, là kết
quả của việc thực thi các nghĩa vụ công dân. Ví dụ, đóng thuế là biểu
hiện cơ bản của dân quyền, còn các quyền tự nhiên thuộc về cá nhân con
người là biểu hiện của nhân quyền. Như vậy, xã hội công dân là xã hội
có liên quan chặt chẽ với nhà nước, với pháp luật còn xã hội dân sự là xã
hội tự nó, không lệ thuộc vào nhà nước. Vậy xã hội dân sự lệ thuộc vào
cái gì? Bởi nếu pháp luật là công cụ điều chỉnh mối quan hệ trong xã hội
công dân thì cái gì điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội dân sự? Tôi
cho rằng, đó là văn hoá. Văn hoá giúp con người xử lý các quan hệ với
nhau, với cộng đồng, xử lý với những khái niệm thiêng liêng trong đời
sống dân sự, đời sống tinh thần. Và những quy tắc bất thành văn mà
con người sử dụng để điều chỉnh, để hạn chế tất cả sự cực đoan,
những hành vi không phù hợp với lợi ích công cộng chính là văn
hoá. Vì thế, trong nhiều nghiên cứu về pháp luật và nhà nước, tôi đã cho
rằng mọi khế ước xã hội nếu không được xây dựng dựa trên những kinh
nghiệm văn hoá hay có khả năng biến thành văn hoá thì những khế ước
xã hội ấy chắc chắn sẽ thất bại. Do vậy, xã hội dân sự rộng hơn và cũng
cơ bản hơn nhiều so với xã hội công dân.

2. Những hệ quả của việc xã hội dân sự không được thừa nhận

Một xã hội lành mạnh là Xã hội = Nhà nước + Xã hội dân sự. Nhưng ở
những quốc gia mà nhà nước được trao cho quyền lực quá lớn thì xã hội
dân sự sẽ biến dạng và trở thành đối tượng bất hợp pháp. Phải khẳng
định rằng xã hội dân sự là một không gian sống tất yếu của con người. Vì
thế, việc không thừa nhận xã hội dân sự ở một số quốc gia chậm phát
triển đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Các giá trị cá nhân của con người không được tôn trọng

Một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất của con người là vào thế kỷ
XV, XVI, XVII, con người bỗng nhận ra mình là một cá nhân. Chính vì
nhận thức được nguyên lý ấy mà phương Tây đã phát triển mạnh mẽ chỉ
sau vài trăm năm. Rất đáng tiếc rằng cho đến bây giờ rất nhiều dân tộc ở
phương Đông vẫn chưa thức tỉnh, chưa thức tỉnh một thực tế, một chân
lý, một sự thật vô cùng quan trọng đối với tiến trình phát triển của nhân
loại là: mỗi con người là một cá nhân. Các xã hội phương Đông nói
chung vẫn không tôn trọng các giá trị cá nhân, giá trị con người, không
xem giá trị con người là một trong những chiến lược phát triển. Họ vẫn
xem các giá trị chính trị, giá trị lãnh đạo, giá trị thủ lĩnh quan trọng hơn
các giá trị con người mà không biết rằng cơ sở khoa học của mọi chính
sách chính là để phục vụ con người với tư cách là một cá nhân chứ
không phải với tư cách là một khái niệm.

Phải nói rằng, khi không thừa nhận các các giá trị cá nhân và đồng nhất
nó với cá nhân chủ nghĩa là con người đã sai. Cá nhân chủ nghĩa cũng là
một thuật ngữ sai hoàn toàn về mặt triết học. Không có cá nhân chủ
nghĩa mà chỉ có trạng thái cực đoan của mỗi cá nhân. Trạng thái cực
đoan của mỗi cá nhân là trạng thái hàng ngày của đời sống, do vậy mới
cần nhà nước để điều chỉnh. Con người ai cũng có khuyết điểm, nếu
không có khuyết điểm thì nhà nước sẽ không tồn tại, khuyết điểm của
mỗi cá nhân là tiền đề khách quan để nhà nước tồn tại, bởi nhà nước điều
chỉnh các sai lầm của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại mà
quá trình tương tác và cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng quyết
liệt, bản thân con người hàng ngày cũng phải tham gia vào cuộc cạnh
tranh ấy thì mỗi con người buộc phải mài sắc nhất khả năng của mình để
có thể giành chiến thắng. Và khả năng mài sắc năng lực của mỗi con
người được quyết định bởi các giá trị cá nhân của họ. Nói cách khác, giá
trị cá nhân là sức cạnh tranh và sức cạnh tranh chính là nhân tố quan
trọng nhất của một quốc gia. Do vậy, các quốc gia phải tìm mọi cách huy
động hay giải phóng nhân tố này một cách tối đa. Điều đó có nghĩa là
chúng ta cần phải củng cố địa vị nhân quyền, tôn trọng nhân quyền, xây
dựng không gian pháp luật và chính trị để bảo vệ các quyền con người.
Không có các quyền cá nhân làm tiền đề thì con người không thể có cuộc
sống dân sự lành mạnh được. Con người hành động, sáng tạo theo lẽ phải
của tâm hồn. Khi con người luôn luôn có những yếu tố nhắc nhở rằng họ
là công dân thì con người không còn cuộc sống dân sự nữa. Vì thế, một
hệ thống chính trị hợp lý là con người tự giác nghĩ đến công dân, đến
quyền, đến trách nhiệm công dân của mình chừng nào cuộc sống đòi hỏi.
Do đó, xã hội phải tồn tại xã hội dân sự với tất cả tính chất tự quản của
nó để hạn chế đến mức tối đa sự cần thiết phải huy động sự can thiệp của
nhà nước vào các vấn đề của đời sống của người dân. Cần nhận thức
rằng, tỷ lệ lệ thuộc hành vi hàng ngày của xã hội vào nhà nước càng ít
bao nhiêu thì xã hội càng lành mạnh bấy nhiêu vì xã hội bao gồm những
con người biết tự quản, tự lo và biết tự giác. Một xã hội mà con người
biết tự quản, tự lo và tự giác là một xã hội đòi hỏi chi phí ít tốn kém nhất
cho các quản lý hành chính. Hơn nữa, khi "tiết kiệm" nhân lực cho việc
quản lý hành chính nhà nước là chúng ta làm cho xã hội có thêm lực
lượng lao động, xã hội có thêm lực lượng lao động nghĩa là có thêm lực
lượng dân sự và làm mạnh hơn khu vực sản xuất, khu vực kinh doanh...

Con người không có không gian tái xác lập trạng thái cân bằng

Người ta thường nói nhiều đến vai trò chính trị của xã hội dân sự như là
vai trò tiên quyết nhưng tôi cho rằng, vai trò quan trọng nhất của xã hội
dân sự chính là nó tạo ra một không gian sống của con người, nơi con
người tái xác lập lại sự cân bằng sau những quá trình tìm kiếm và chinh
phục. Bởi dường như vẫn tồn tại một nghịch lý là sự phát triển của con
người đồng nghĩa với việc phá vỡ tỷ lệ cân bằng tự nhiên. Làm thế nào
để duy trì được tỷ lệ hợp lý mà con người vẫn phát triển là một vấn đề
cực kỳ khó bởi theo tôi, con người vẫn phải trả giá. Tuy vậy, con người
phải kiên nhẫn tìm kiếm ra tỷ lệ hợp lý. Không có cách nào khác cả,
không thể xây dựng lý thuyết để đưa ra một đáp số có tính chất định
lượng và chỉ ra sự hợp lý. Con người thận trọng là con người không lao
đầu vào sự mất cân bằng, con người xác lập được, tìm thấy được sự cân
bằng trong sự bừng tỉnh của mình trong quá trình phát triển. Còn khi con
người lấn lướt tự nhiên, con người ào ào chiến thắng, con người đi lên
một cách bất kể thì con người không tìm thấy, không nhận ra các giới
hạn hợp lý. Nhưng không phải tất cả mọi người đều đi tìm tỷ lệ hợp lý,
tỷ lệ hợp lý bao giờ cũng do bộ phận tinh khôn nhất, tinh túy nhất, có
tầm nhìn nhất của cộng đồng con người phát hiện. Cần phải có một đội
ngũ chuyên nghiệp như vậy và đó chính là đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí
thức là đội ngũ sinh ra để xác lập tỷ lệ hợp lý giữa tự nhiên và phát triển.
Nếu như chính trị lấn át đời sống trí tuệ, chính trị trở thành yếu tố chỉ
huy vô điều kiện đời sống trí tuệ thì thực chất con người đã phá vỡ khả
năng kiểm soát tốc độ để tìm kiếm các giới hạn của sự cân bằng. Cho
nên, khi con người đi tìm một tỷ lệ hợp lý giữa phát triển và tự nhiên thì
đấy chính là đi tìm tỷ trọng của nhà nước chính trị, nhà nước ở quy mô
nào thì còn giữ được đời sống dân sự. Đời sống dân sự là cách thể hiện
tập trung nhất của cái gọi là thái độ đi tìm sự cân bằng của con
người. Xã hội dân sự là công cụ duy nhất, là cấu trúc duy nhất mà con
người duy trì trạng thái bình tĩnh, trạng thái cân bằng trong quá trình
phát triển. Do vậy, nếu trả lại cho đời sống con người trạng thái phát
triển tự nhiên và nó tự cân bằng thì bản thân sự tự cân bằng đó đã là sự
phát triển vì nó hạn chế sự sai của quá trình phát triển. Còn ở một quốc
gia mà xã hội dân sự không được thừa nhận thì Xã hội = Nhà nước. Khi
Xã hội = Nhà nước thì tất cả mọi người đều phụ thuộc vào nhà nước, đều
trông chờ vào nhà nước và khi chính phủ có vấn đề thì xã hội không hoạt
động được nữa, thậm chí rối loạn và dẫn đến tan rã.

Con người không có nơi trở về sau một chu trình chính trị

Con người, dù là người lao động bình thường hay một nhà lãnh đạo cấp
cao thậm chí cả tầng lớp hoạt động chính trị chuyên nghiệp, sau công
việc, bao giờ cũng là sự trở về với cuộc sống dân sự bình thường của
mình. Đời sống dân sự là nơi năng lực và phẩm hạnh của con người
được tái tạo lại hàng ngày sau một chu trình làm việc, tuy nhiên,
không phải ai cũng nhận ra điều ấy, và chính vì gán vào cho nhà nước
quá nhiều công việc nên con người đã vô tình co xã hội dân sự của mình.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến một đối tượng "nhạy cảm" là nhà chính
trị và những nhà quản lý hoạt động nhà nước. Bởi nhà nước cũng bao
gồm những con người, cũng có những lúc họ rời khỏi địa vị của người
cầm quyền. Cùng với lý thuyết về nhiệm kỳ thì mọi người đều trở thành
dân, cho nên, phải có một xã hội dân sự để nhà chính trị quay trở về làm
người bình thường. Nếu không có một xã hội dân sự đủ hợp pháp, không
có một cơ sở tạo ra nguồn sống hợp pháp cho họ thì họ quay về đâu?
Trong tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình", tôi nhớ đoạn người ta tả về
công tước Nikolai Bolkonski, bố của Andrei Bolkonski, khi về ông ta có
một trang trại, ông ta có một xưởng cơ khí, ông ta làm thợ tiện, ông ta
dạy con gái làm toán giải tích.... Hiện nay, ở rất nhiều quốc gia chưa đạt
đến trạng thái ấy. Có rất nhiều nhà lãnh đạo không hiểu, thậm chí không
ủng hộ khái niệm xã hội dân sự, cho nên con người không có chỗ hạ
cánh, không có chỗ quay về khi rời khỏi nhà nước.

Cùng với xã hội dân sự, phẩm hạnh và năng lực của con người được tái
tạo lại hàng ngày đồng nghĩa với việc con người có thể trở thành nguyên
liệu tốt của các chu trình chính trị khác. Nói cách khác, khi phẩm hạnh
và năng lực của con người được tái tạo lại hàng ngày, con người có thể
trở thành đầu vào cho một chu trình làm việc, chu trình chính trị khác.
Nhưng quan trọng hơn cả, chỉ với xã hội dân sự, sau mọi chu trình
chính trị, con người vẫn còn là chính nó.

Không có nguồn các giải pháp cho tương lai

Tại sao ở rất nhiều quốc gia lạc hậu, các chính sách chính phủ đưa ra
thường không đạt hiệu quả như mong muốn thậm chí còn mang tính rủi
ro cao? Đó là vì chúng thường được hoạch định một cách chủ quan bởi
bộ máy cầm quyền chứ không phải bằng sự thảo luận giữa nhà nước và
nhân dân, tức là nhân dân không có cơ hội thể hiện sự phản biện nhằm
làm hợp lý hóa các chính sách. Và sự không có cơ hội để thực hiện phản
biện xã hội lại bắt nguồn từ việc xã hội dân sự không được thừa nhận.

Một trong những vai trò chính trị quan trọng nhất của xã hội dân sự là nó
là đối tác bình đẳng của nhà nước, là không gian mà ở đấy mỗi người
dân được thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện và quan trọng
hơn là phản biện lại các chương trình hành động của Nhà nước. Càng
ngày người ta càng thấy rõ hơn những ý nghĩa tích cực của phản biện xã
hội bởi nó tạo ra sự tương tác, sự hợp tác của các lực lượng xã hội và từ
đó, nảy sinh ra các nguồn của các giải pháp, nguồn của các ý kiến, nguồn
của các sáng kiến để tăng cường chất lượng của sự sáng suốt của những
người lãnh đạo đất nước. Phản biện xã hội còn là sự tự cân bằng về
các ý kiến giữa các lực lượng xã hội khác nhau và làm cho các hành
vi của các lực lượng xã hội trở nên cân bằng hơn, hợp lý hơn. Do
vậy, nếu không có xã hội dân sự hay ở những quốc gia chậm phát triển,
xã hội dân sự chưa được thừa nhận thì xã hội đã thiếu đi một nguồn, một
kênh các giải pháp để có thể điều chỉnh hoặc làm hợp lý các chương
trình hành động xã hội.

Sự bế tắc của các chính sách phát triển có thể dẫn đến sự sụp đổ của một
số nhà nước nhưng không phải lúc nào sự bế tắc của nhà nước đồng
nghĩa với sự bế tắc của xã hội bởi xã hội luôn tiềm ẩn những nhân tố
mới, những giải pháp bất ngờ và vô cùng duyên dáng. Và chính xã hội
dân sự là vườn ươm những yếu tố mới để phục vụ cho sự phát triển
trong tương lai. Nguồn của việc phát triển các lực lượng phục vụ nhà
nước là từ xã hội dân sự, nếu không lấy được từ xã hội dân sự những
nguồn để thay thế các lực lượng phục vụ nhà nước thì nhà nước sẽ thoái
hoá. Đầu tiên là thoái hóa về chính trị, sau đó là thoái hóa về trí tuệ và
cuối cùng là thoái hóa về đạo đức.
Khái niệm “xã hội dân sự”
Căn cứ vào một trong những định nghĩa mới nhất, thì xã hội dân sự là
một khái niệm dùng để chỉ lĩnh vực của những hành động tập thể mang
tính tự nguyện xoay quanh những lợi ích, mục tiêu và giá trị được chia
sẻ. [1]
Trong mối quan hệ giữa một bên là cá nhân, gia đình và bên kia là nhà
nước, xã hội dân sự đóng vai trò trung gian. Mặc dù một số lý thuyết gia
thuộc trường phái tự do kinh tế (economic liberalism) muốn xếp thị
trường vào lĩnh vực của xã hội dân sự, nhưng xu hướng chung của phần
lớn các nhà khoa học xã hội là phân biệt giữa xã hội dân sự và thị trường.
Như vậy, xã hội dân sự, nhà nước và thị trường là ba lĩnh vực khác nhau,
mặc dù có quan hệ đan xen với nhau. Trong thực tế, xã hội dân sự thường
bao gồm nhiều hình thức tổ chức đa dạng : từ các hội từ thiện có đăng ký,
các tổ chức tôn giáo, các hội nghề nghiệp (professional associations), các
công đoàn, các nhóm tự giúp (self-help groups)[2] cho đến các phong trào
xã hội, các hiệp hội của các nhà kinh doanh (business associations), các
nhóm bênh vực (advocacy groups) [3], v.v…
Theo tài liệu của Trường Kinh tế Luân Đôn (LSE) [4] thì thuật ngữ “xã
hội dân sự” mặc dù rất thịnh hành trong các thế kỷ 18 và 19, đã bị bỏ
quên trong một thời gian khá dài, hay nói đúng hơn, chỉ còn là đối tượng
quan tâm của các nhà sử học. Trong vòng nửa thế kỷ, các ngành khoa học
xã hội ở phương Tây chỉ lưu tâm đến hai lĩnh vực : thị trường và nhà
nước, tựa hồ như con người sống trong một thế giới chỉ có hai khu vực.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Trung và Đông Âu nằm ngoài khả
năng dự báo của các nhà khoa học xã hội, và đó là một lý do hết sức quan
trọng khiến cho xã hội dân sự trở thành chủ đề trung tâm của các ngành
khoa học xã hội ở phương Tây trong vài chục năm gần đây. Cũng từ đây,
người ta bắt đầu chú ý đến một khu vực thứ ba nằm giữa thị trường và
nhà nước, bao gồm những thiết chế xã hội không phù hợp với cách nhìn
lưỡng cực “nhà nước-thị trường”, ví như : các hội tự nguyện, các tổ chức
từ thiện, các quỹ tài trợ và các tổ chức phi-chính phủ, v.v…
Mặt khác, việc trở lại với chủ đề xã hội dân sự cũng giúp cho các nhà
khoa học xã hội ở phương Tây từ bỏ định kiến về những khái niệm “thị
trường” và “nhà nước” hoàn toàn độc lập, không có liên quan gì đến các
xã hội và các nền văn hóa bản địa. Điều này giúp họ thấy được những
mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và văn hóa, làm thay đổi cách nhìn
đối với các nước thuộc thế giới thứ ba. Riêng trong phạm vi của các nước
tiên tiến, người ta cũng chú ý nhiều hơn đến vai trò của xã hội dân sự
trong việc hoạch định đường lối chính sách, mà tiêu biểu là cuộc Đối
thoại Dân sự (Civil Dialogue) do Liên hiệp châu Âu (EU) tổ chức vào
thập niên 1990.
Thực tế lịch sử cho thấy trong việc xây dựng một thể chế dân chủ nhằm
bảo đảm đầy đủ các quyền tự do căn bản cho mọi người trong xã hội,
người ta có thể xây dựng được một hệ thống chính trị tương đối hợp lý,
tương đối ưu việt, nhưng vẫn không thể đạt đến một nhà nước tuyệt đối
hoàn hảo. Một nhà nước hoàn thiện, toàn bích vẫn là một hình mẫu “lý
tưởng“ không bao giờ có thể đạt tới, quyền lực chính trị không bao giờ có
thể hoàn toàn trong sạch; do đó sự tồn tại của một xã hội dân sự độc lập
với nhà nước vẫn là một giải pháp tốt nhất để bảo đảm cho vai trò làm
chủ của người dân. Một nhà nước thật sự dân chủ không thể là một nhà
nước toàn năng, bao biện, can thiệp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
mà phải biết tự hạn chế phạm vi quyền hạn của mình và giành cho xã hội
dân sự một địa vị xứng đáng. Bằng cách đó, quan hệ giữa nhà nước và xã
hội dân sự mới có thể là quan hệ hài hòa, hợp tác với mục tiêu chung là
phục vụ cho công ích nhưng cũng đồng thời bảo đảm các quyền tự do căn
bản của người dân và của con người nói chung.
Khái niệm “xã hội dân sự” áp dụng vào Việt Nam
Chế độ chính trị đang tồn tại ở Việt Nam là một chế độ toàn trị
(totalitarianism, totalitarisme) thoát thai từ chuyên chính vô sản. Cho đến
nay, mặc dù về kinh tế Việt Nam đã tiến những bước dứt khoát sang
hướng kinh tế thị trường, nhưng về chính trị hầu như chưa có những thay
đổi căn bản. Đảng cộng sản sau hơn hai thập niên “đổi mới” vẫn là một
Đảng độc quyền, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.
Một trong những đặc điểm của hệ thống chính trị “chuyên chính vô sản”
là Đảng cộng sản đóng vai trò trung tâm, chi phối toàn bộ các sinh hoạt
xã hội. Đảng là quyền lực tối cao, điều khiển hai nhánh khác là nhà nước
và các đoàn thể quần chúng. Như vậy Đảng không những nắm Quốc hội,
Chính phủ, bộ máy tư pháp, công an, quân đội mà còn nắm tất cả các tổ
chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,
Hội Nông dân, Công đoàn,v.v… Nói cách khác, Đảng vừa nắm nhà nước,
vừa nắm xã hội dân sự. Trong hoàn cảnh đó, cần phải tìm một định nghĩa
thật chính xác, khoa học để xác định thế nào là một tổ chức phi-chính phủ
(non-governmental organization, N.G.O.) nếu không muốn rơi vào tình
trạng mơ hồ, lẫn lộn.
Không kể đến những trường hợp đảng viên tham gia vào các tổ chức phi-
chính phủ với tư cách cá nhân, điều cần làm rõ hơn cả là “sự lãnh đạo của
Đảng” đối với các tổ chức này. Chính vì Đảng luôn luôn muốn vươn cánh
tay rất dài của mình để can thiệp vào xã hội dân sự cho nên người ta
thường chứng kiến những hiện tượng hết sức kỳ quái, những hoàn cảnh
dở khóc dở cười. Như trường hợp một số vị lãnh đạo Đảng ở cấp tỉnh hay
cấp huyện sau khi về hưu vẫn tiếp tục “cống hiến” bằng cách đảm nhiệm
các chức vụ trong các tổ chức của xã hội dân sự như: hội trưởng hội làm
vườn hay chủ nhiệm câu lạc bộ trồng hoa, hội trưởng hội võ thuật hoặc
trưởng ban bảo trợ đội bóng đá, v.v… Thậm chí cả chuyện tang ma, nhiều
khi Đảng cũng không chịu để yên cho người dân mà vẫn “tận tình” can
thiệp. Và trong hầu hết mọi trường hợp, những đảng viên tiến hành những
sự can thiệp “mất lòng dân” đó hoàn toàn không phải do ý muốn cá nhân
mà là do sự phân công của “tổ chức”.
Ở Việt Nam, quyền lực của Đảng là quyền lực tuyệt đối, không bị thách
thức bởi bất cứ quyền lực nào khác – kể cả nhà nước. Để thực hiện quyền
lãnh đạo của mình, Đảng đã tùy tiện đặt ra những quy định hết sức kỳ
quái như: hiệu trưởng một trường đại học tư, chủ nhiệm một hiệp hội
nghiên cứu khoa học, thậm chí lãnh đạo của một tổ chức từ thiện, v.v…
phải là đảng viên. Trong trường hợp cần phải dành vị trí ấy cho những
nhân vật “không – đảng” nhưng lại có uy tín, thì Đảng giả vờ nhượng bộ
để được tiếng là tôn trọng hiền tài, “cởi mở” đối với trí thức. Nhưng mặt
khác, Đảng lại tìm cách cài cho bằng được một vài đảng viên vào cơ quan
lãnh đạo hay ban chấp hành của tổ chức đó để bảo đảm “sự lãnh đạo toàn
diện và tuyệt đối của Đảng”. Do đó, sự xuất hiện của một đảng viên, một
tổ đảng hay một chi bộ trong một tổ chức của xã hội dân sự không thể coi
là chuyện bình thường, bởi vì đó có thể là bước đầu tiên trong quá trình
làm “biến chất“ tổ chức đó thành một thứ tổ chức nhà nước hoặc nửa-nhà
nước nhằm bảo đảm “sự lãnh đạo của Đảng”.
Chúng ta có thể nêu ra hai trường hợp để hiểu rõ thêm về các tổ chức
được mệnh danh là phi – chính phủ. Trường hợp thứ nhất là Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc (thường gọi tắt là Mặt trận). Bất cứ ai đã từng tham gia hoặc
trực tiếp điều hành Mặt trận đều biết rõ đây là một tổ chức của Đảng, ăn
lương của Đảng và phục vụ cho Đảng. Mặt trận không do ai bầu ra bằng
phiếu kín mà hình thành bằng con đường “hiệp thương”, một cách thức
sắp xếp mà quyền chủ động thuộc về Đảng. Số lượng ủy viên Mặt trận thì
rất đông và thuộc nhiều thành phần, nhưng phần lớn đều là những người
tham gia đi họp “xuân thu nhị kỳ”, vô thưởng vô phạt, quyền rơm vạ đá.
Riêng bộ phận thường trực điều hành Mặt trận lại bao gồm những người
được lựa chọn rất cẩn thận và được chỉ đạo trực tiếp bởi một ban của
Đảng có tên là Ban Dân vận (hoặc Ban Dân vận – Mặt trận). Mặt trận
thường đóng vai trò mang tính hình thức, không có quyền lực thực chất,
đến nỗi nhiều cán bộ Mặt trận gọi đùa đó là cơ quan “đưa Mặt ra chịu
Trận”. Nhưng khi cần thiết, Mặt trận lại được trao trách nhiệm rất lớn,
thực hành những công tác rất quan trọng như : tổ chức các cuộc bầu cử
đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, trong đó có việc chọn lựa các
ứng cử viên, sắp xếp ứng cử viên vào các đơn vị bầu cử, tổ chức bỏ phiếu
và kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử, v.v… Tất nhiên, quyền và trách
nhiệm đó không phải của bản thân Mặt trận mà chỉ là quyền lực của Đảng
được thực hiện thông qua Mặt trận.
Trong thực tế, đã từng có không ít “ứng cử viên” bị người dân địa
phương phản đối về tư cách đạo đức hoặc chê bai về trình độ nhưng vẫn
được ứng cử và trúng cử dễ dàng vì được Mặt trận “di dời” nhẹ nhàng
sang một đơn vị bầu cử khác – nơi mà cử tri không biết ất giáp gì về nhân
thân và thành tích công tác của đương sự. Ngược lại, mỗi khi Đảng muốn
gạt bỏ một ứng cử viên vì một lý do nào đó thì Mặt trận cũng dễ dàng loại
trừ người đó bằng cách lặng lẽ “vận động” cử tri gạch tên trên lá phiếu
bầu hoặc gọn ghẽ hơn nữa, “vận động” quần chúng trong tổ dân phố hay
trong cơ quan bác bỏ tư cách ứng cử viên của đương sự ngay từ vòng
ngoài. Phương thức “Đảng cử, dân bầu” đó làm người dân chán ngấy,
nhưng do không thể thay đổi được tình hình nên mỗi khi bị bắt buộc đi bỏ
phiếu thì họ thường làm qua loa chiếu lệ để tránh rắc rối với chính quyền.
Với những thủ thuật quen thuộc đó, các cuộc bầu cử đáng lẽ phải nghiêm
túc, trung thực lại biến thành trò chơi trong tay Đảng, mà tổ chức đứng ra
chịu trách nhiệm chính là cơ quan “đưa Mặt ra chịu Trận”.
Vào giữa năm 2006, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Giáo sư Tiến sĩ
Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng “Viện Những vấn đề phát triển” ( VIDS)
nhận định : “Theo quan niệm đó thì ở Việt Nam Mặt trận Tổ quốc là tổ
chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các đoàn thể (công đoàn, phụ nữ,
thanh niên, nông dân…), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính
phủ…”[5]
Mệnh đề “Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất” là một
mệnh đề phi khoa học, không căn cứ vào thực tế. Mệnh đề này che giấu
một sự thật : Mặt trận không phải là một tổ chức do chính người dân lập
ra, cũng không sống bằng cách tự gây quỹ hay do dân đóng góp, mà là
một cơ quan do Đảng lập ra, sống bằng ngân sách của nhà nước và được
điều hành bởi những cán bộ do Đảng bổ nhiệm. Nói cách khác, Mặt trận
chính là một cơ quan nhà nước hoặc nửa – nhà nước nấp dưới hình thức
của xã hội dân sự và có tham vọng bao trùm toàn bộ xã hội dân sự.
Trường hợp thứ hai là công đoàn. Công đoàn trên thế giới là tổ chức do
công nhân lập ra để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Cán bộ công đoàn
sống nhờ vào quỹ do công nhân đóng góp hoặc tạo ra. Các công đoàn cơ
sở kết hợp lại thành tổ chức công đoàn cấp trên, thậm chí có quy mô toàn
quốc và có quan hệ quốc tế, nhưng công đoàn không phải là tổ chức của
nhà nước. Ở một số nước (như Hoa Kỳ), công đoàn hoạt động hoàn toàn
phi-chính trị. Ở một số nước khác (như ở Anh và các nước Bắc Âu), các
tổ chức công đoàn lớn thường là chỗ dựa của các đảng dân chủ -xã hội
trong cuộc cạnh tranh để giành các ghế đại biểu trong Quốc hội hay trong
các hội đồng dân cử ở địa phương. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào,
công đoàn vẫn giữ quy chế độc lập với nhà nước, và trong một mức độ
nào đó, độc lập cả với đảng chính trị mà nó ủng hộ (mặc dù đây là những
đảng chính trị trong một môi trường chính trị tự do cạnh tranh chứ không
phải là một Đảng độc quyền về mặt chính trị). Nói cách khác, công đoàn
thuộc phạm vi của xã hội dân sự.
Riêng ở Việt Nam, công đoàn có nguồn gốc từ các công hội đỏ, thực ra
không sinh ra từ nhu cầu tự nhiên của công nhân (nhu cầu bảo vệ quyền
lợi của công nhân) mà sinh ra từ nhu cầu chính trị (giúp Đảng cộng sản
giành chính quyền). Do đó sau khi thành lập chuyên chính vô sản, các
công đoàn chỉ làm nhiệm vụ giúp cho Đảng và chính quyền quản lý, kiểm
soát công nhân chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Các
cán bộ công đoàn không trưởng thành từ phong trào đấu tranh của công
nhân mà do Đảng bổ nhiệm; họ thường xuất thân từ “cán bộ phong trào”
(tức cán bộ hoạt động trong các đoàn thể do Đảng lập ra như Đoàn Thanh
niên, Hội phụ nữ,…) hoặc là cán bộ điều động từ các cơ quan chính
quyền, cơ quan Đảng, thậm chí từ quân đội và công an. Cần nói thêm là ở
Việt Nam, tư cách đảng viên là một thứ chìa khóa vạn năng (passe-
partout). Một khi đã là đảng viên thì có thể làm được bất cứ nghề gì, giữ
được bất cứ chức vụ nào!
Mang danh công đoàn nhưng thực chất là một tổ chức chính trị của Đảng,
và vì Đảng độc quyền nắm quyền lực chính trị cho nên công đoàn trở
thành một thứ tổ chức nhà nước hoặc nửa – nhà nước (người dân thường
gọi nôm na là công đoàn “quốc doanh”). Đó là lý do giải thích tại sao từ
khi chuyển sang kinh tế thị trường, hàng loạt các cuộc đình công xảy ra
đều là đình công bất hợp pháp. Lý do rất đơn giản : công nhân bất tín
nhiệm công đoàn và cán bộ công đoàn “chính thức”, trong khi họ lại
không được quyền thành lập công đoàn và bầu ra những người đại diện
cho mình. Do đó, phong trào công đoàn thiếu hẳn những người hay tổ
chức có đủ thẩm quyền và uy tín để đại diện cho công nhân trong việc
điều đình với giới chủ.
Như vậy, ở Việt Nam, khái niệm “tổ chức phi-chính phủ”
(nongovernmental organization, N.G.O.) là một khái niệm mơ hồ, không
rõ nghĩa. Một tổ chức phi-chính phủ nhưng đặt dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản thì cũng chỉ là một tổ chức chính quyền trá hình hoặc là
một tổ chức nửa – chính quyền trá hình. Cần phải thay thế bằng một định
nghĩa khác : một tổ chức phi-chính phủ thật sự phải là một tổ chức vừa
phi-chính phủ, vừa phi-đảng.
Đã đến lúc cần phải điều chỉnh lại câu khẩu hiệu: “Đảng lãnh đạo, Nhà
nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Bởi vì nếu cái gì cũng do Đảng lãnh
đạo thì nhân dân còn cái gì để làm chủ? Để nhân dân có thể làm chủ,
Đảng phải tự hạn chế sự lãnh đạo của mình và cho phép xã hội dân sự
được phục hoạt dưới sự quản lý của Nhà nước. Nhưng Nhà nước phải
quản lý xã hội dân sự bằng pháp luật công khai, rõ ràng, đặt dưới sự giám
sát của người dân chứ không phải bằng một thứ pháp luật tùy tiện, được
“vận dụng” một cách co giãn bởi một thiểu số nắm quyền lực.
Cho phép phục hồi xã hội dân sự chính là tiêu chí đánh giá “thiện chí”
của Đảng cộng sản trong thực tâm dân chủ hóa đất nước. Bằng không thì
từ ngữ “của dân, do dân và vì dân” chỉ là sự dối trá, một sự dối trá có
dụng ý nhằm che đậy dã tâm tước đoạt các quyền tự do căn bản của người
dân và bảo vệ cho một bộ máy nhà nước tham nhũng – một bộ máy nhân
danh nhân dân để đè đầu cưỡi cổ nhân dân.
Để chuyển hóa một chế độ toàn trị trong đó xã hội dân sự đã bị ”chính trị
hóa” đến mức tối đa thành một chế độ thật sự dân chủ, chúng ta phải tiến
hành một quá trình “phi-chính trị hóa” xã hội dân sự. Quá trình đó là sự
khởi đầu thật sự cần thiết nhằm nâng cao dân trí, tập dượt cho người dân
cách thức làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Dân trí chỉ có thể được nâng
cao trong quá trình thực hiện dân quyền (tức là quyền công dân và quyền
con người, ngày nay chúng ta thường gọi là nhân quyền). Và thực hiện
dân quyền chính là bước tập dượt để chuyển đổi một thể chế mà Đảng
làm chủ trở thành một thể chế trong đó dân làm chủ. Đó chính là cốt lõi
của “tư tưởng Phan Châu Trinh” được vận dụng vào điều kiện mới, hoàn
cảnh mới.
Con đường nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền đó chính là con đường
phục hoạt xã hội dân sự dựa trên nguyên tắc : cái gì là của dân, phải trả
lại cho người dân!

You might also like