You are on page 1of 12

TRƯỜNG: ĐẠI HỌC AN GIANG

LỚP: DH5PN
HỌ VÀ TÊN: QUÁCH ĐAN THANH
MSSV: DPN042380

DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ Ở VIỆT NAM TRONG THỜI KÌ


HỘI NHẬP
1. GIỚI THIỆU
Trong những năm gần đây, hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những mục tiêu hàng
đầu trong định hướng nhằm phát triển nền kinh tế cho quốc gia, đặc biệt là ở các nước
đang phát triển. Theo xu hướng toàn cầu hóa, vào 07/11/2006 Việt Nam đã chính thức
trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc Tế WTO đã mở ra nhiều cơ hội
kinh doanh và phát triển cho các doanh nghiệp, đặc biệt thị trường thế giới sẽ rộng mở
cho các sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê, kể từ khi Luật doanh
nghiệp của nước ta được ban hành và đưa vào thực hiện, từ năm 2000 đến cuối năm
2003 đã có hơn 72.000 doanh nghiệp được thành lập, và chỉ tính riêng năm 2005, số
lượng doanh nghiệp đăng ký mới (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) đã là 45.162
doanh nghiệp, bằng tổng số doanh nghiệp trước giai đoạn 2000. Với sự đa dạng về thành
phần sở hữu, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong nền
kinh tế quốc dân. Cũng theo thống kê trên, đội ngũ này chiếm tới gần 96 % tổng số
doanh nghiệp trong cả nước, đóng góp 25% GDP, góp phần đáng kể vào thành công
trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động đến nay các doanh nghiệp vừa
và nhỏ ở nước ta đã bộc lộ một số những hạn chế, mặc dù tăng nhanh về số lượng nhưng
quy mô về vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những năm gần đây lại rất thấp,
chỉ ở mức trung bình trên 2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Theo Phùng Xuân Nhạ (2006) trong
tổng số 88.222 doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2004 ở Việt Nam có 2.211.895 lao động,
tương đương với tỷ lệ bình quân mỗi doanh nghiệp có 25 lao động, còn quá nhỏ so với
quy mô doanh nghiệp thông thường của các nước phát triển và có nền kinh tế mới nổi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn yếu kém về năng lực, trình độ công nghệ lạc hậu,
chất lượng sản phẩm, dịch vụ không ổn định, khả năng quản lí về kỹ thuật và kinh doanh
kém, tập trung quá lớn vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Các hạn chế này càng gây
nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc
tế, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
2. VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TRONG NỀN KINH TẾ
Theo Nghị định của Chính phủ về “Giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ” số
90/2001/NĐ-CP ban hành, thực hiện thống nhất ngày 23/11/2001, định nghĩa doanh
nghiệp vừa và nhỏ là “cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng kí kinh doanh theo
pháp luật hiện hành, có số vốn đăng kí không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung
bình hàng năm không quá 300 người... Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của
ngành, địa phương, hai tiêu chí trên có thể linh hoạt áp dụng đồng thời hoặc một trong
hai chỉ tiêu trên ”(Điều 3. Định nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ). Từ khái niệm đó,
chúng ta có thể thấy rằng: Việt Nam với xuất phát điểm là một nền kinh tế còn kém phát
triển cùng với những hậu quả chiến tranh để lại thì hầu như các doanh nghiệp kinh
doanh tại Việt Nam đều tập trung vào 2 điều kiện của doanh nghiệp vừa và nhỏ.Theo
Nguyễn Ngọc Phúc (2005) doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chiếm khoảng 97%
trong tổng số khoảng 200.000 doanh nghiệp đã thành lập trên toàn quốc. Các doanh
nghiệp này đang đóng góp khoảng 26% GDP, 31% giá trị tổng sản lượng công nghiệp,
tạo ra khoảng 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, và 26% lực lượng lao động
trong cả nước.
Tại nhiều quốc gia, kể cả những nước phát triển, những nước đang phát triển, những
nước có nền kinh tế trong thời kì quá độ, và những nước kém phát triển, tỷ trọng doanh
nghiệp vừa và nhỏ thường là một con số đáng kể. Với một nước có nền kinh tế phát
triển, theo Small Business FAQ 12-2000 nước Mỹ có đến 99.7% tổng số hãng kinh
doanh có thuê nhân công là doanh nghiệp nhỏ, tạo ra được 75 % số việc làm mới và
chiếm 96% tổng số các nhà xuất khẩu hàng hóa. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là
nước có nền kinh tế khá tiêu biểu, theo điều tra của Tập đoàn tài chính công nghiệp Thái
Lan, năm 2002, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 95% số doanh nghiệp công
nghiệp, tuyển dụng từ 85%-90% lực lượng lao động, đóng góp trên 50% GDP, có vai trò
quan trọng trong việc tạo việc làm và xuất khẩu, phát triển kinh tế ở các vùng lạc hậu ở
Thái Lan, là một kết cấu hạ tầng quan trọng cho các công ty lớn xuyên quốc gia trong và
ngoài nước hoạt động tại Thái Lan.
Ngày nay, tầm quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được quốc tế thừa nhận, hoạt
động và sự phát triển của chúng đóng vai trò lớn trong sự phát triển nền kinh tế quốc gia:
• Tạo việc làm cho người lao động: trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, mức
độ sử dụng lao động của các doanh nghiệp nhỏ tăng gấp 4-10 lần, thu hút nhiều lao
động. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, một nước có số dân hơn 80 triệu,
nguồn lao động vẫn tăng liên tục và sức ép dân số tạo ra hiện tượng di cư vào đô thị gây
ra những khó khăn không nhỏ về xã hội, giải quyết việc làm là một nhu cầu bức bách.
• Đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập dân cư: ở hầu hết các
quốc gia các doanh nghiệp và nhỏ thường đóng góp khoảng 20 -50% thu nhập quốc dân.
Một khía cạnh khác là các doanh nghiệp này chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa,
hoạt động dựa trên nguồn lực, phát triển các công nghệ và kỹ năng trong nước, điều này
có ý nghĩa đòn bẩy giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu gánh nặng từ những
tiêu cực xã hội.
• Đảm bảo tính năng động cho nền kinh tế: với quy mô kinh doanh gọn nhẹ, vốn
nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều khả năng chuyển đổi mặt hàng nhanh phù hợp
với nhu cầu thị trường mà ít gây biến động lớn, ít chịu ảnh hưởng và có khả năng phục
hồi nhanh sau những cuộc khủng hoảng kinh tế trên góc độ kinh tế quốc gia. Số lượng
loại hình doanh nghiệp này gia tăng sẽ góp phần tạo điều kiện đổi mới công nghệ, thúc
đẩy phát triển ý tưởng và kỹ năng mới, thúc đẩy sự đầu tư giữa các nền kinh tế trong và
ngoài khu vực.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội sản xuất nhiều loại hàng hóa,
đa dạng phù hợp với quy mô và dung lượng thị trường phân tán, có khả năng giải quyết
công ăn việc làm tại chỗ, khai thác các nguồn nguyên liệu địa phương, đóng góp đáng kể
trong quá trình phân bổ thích hợp cho lực lượng lao động đặc biệt là lao động nông
nhàn, giảm bớt khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực, góp phần thúc đẩy việc
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra, sự phát
triển của loại hình doanh nghiệp còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyên môn
hóa và đa dạng hóa các ngành nghề, duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống
giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần xây dựng và rèn luyện một lực lượng
trẻ mới có năng lực và khả năng thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường.
3. MỘT SỐ CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VỪA
VÀ NHỎ HIỆN NAY
Cơ hội
Theo Phạm Thúy Hồng (2004), hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra cho các doanh nghiệp
vừa và nhỏ những cơ hội tốt cho việc phát triển kinh tế:
• Tiếp cận nhanh chóng công nghệ tiên tiến hiện đại
• Có cơ hội lớn hơn về thị trường để mở rộng sản xuất – kinh doanh, phát
triển kinh tế
• Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia và các
doanh nghiệp có thêm nhiều điều kiện để tiếp nhận nguồn vốn quốc tế với nhiều hình
thức đa dạng.
Tiếp cận nhanh chóng công nghệ tiên tiến hiện đại
Thông qua nhiều con đường như liên doanh, liên kết, thu hút vốn đầu tư nước ngoài,
chuyển giao công nghệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kế thừa, tận dụng và phát
huy những kỹ thuật công nghệ sẵn có từ những doanh nghiệp lớn, từ đó rút ngắn được
thời gian và chi phí cho các công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, tạo
những bước nhảy lớn, đột phá trong phát triển kinh tế, nỗ lực theo kịp các nước công
nghiệp.
Có cơ hội lớn hơn về thị trường để mở rộng sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế
Trong bất cứ loại hình kinh doanh nào, yếu tố thị trường luôn là một yếu tố có được
nhiều sự quan tâm. Vai trò của thị trường đã được khẳng định rõ nét trong việc điều tiết
mọi đầu mối sản xuất, kích thích tăng cường sức mua, làm đa dạng thêm và tạo ra những
khác biệt trong nhu cầu. Toàn cầu hóa, mở rộng tự do thương mại có khả năng tạo ra
những cơ hội thị trường cho mọi loại hình doanh nghiệp, cả doanh nghiệp lớn và doanh
nghiệp vừa và nhỏ. Trên một thị trường mở, các doanh nghiệp lớn chắc chắn sẽ chiếm
giữ một mảng thị phần lớn, tuy nhiên bên cạnh đó luôn tồn tại cùng lúc những thị trường
của các nhóm khách hàng nhỏ, tạo ra những ngách thị trường được hình thành do sự
khác biệt về sức mua, thói quen, tập quán và văn hóa tiêu cùng với những yếu tố khác
gắn với đặc trưng nhu cầu của từng cá nhân khách hàng.
Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia và các doanh nghiệp có
thêm nhiều điều kiện để tiếp nhận nguồn vốn quốc tế với nhiều hình thức đa dạng.
Do mở rộng hoạt động thương mại quốc tế nhằm đáp ứng xu thế toàn cầu hóa, hàng rào
thuế quan ngày càng được nới lỏng và tháo gở sẽ có càng nhiều những chương trình dự
án đầu tư phát triển. Việc tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi chính thức, vay thương
mại, các nguốn viện trợ nước ngoài hoặc qua con đường hợp tác liên doanh liên kết, đầu
tư trực tiếp của nước ngoài, các chương trình dự án hỗ trợ phát triển là một con đường
lựa chọn thích hợp nhằm cải thiện nhu cầu bức bách về nguồn vốn tài chính hiện tại, đẩy
nhanh tốc độ phát triển kinh tế, tăng cường năng lực sản xuất hàng hóa cho các doanh
nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, đã có nhiều chương được tố chức nhằm hỗ trợ cho các
doanh nghiệp vừa và nhỏ ờ các nước đang phát triển như: Quỹ phát triển doanh nghiệp
vừa và nhỏ (SMEDF) do liên minh Châu Âu tài trợ với tổng số vốn khoảng 23,4 triệu
Euro, chương trình này chính thức hoạt động vào đầu năm 2004 và sẽ kéo dài trong
vòng 4 năm, Chương trình Phát triển Dự án Mekong (MPDF) quỹ đầu tư có tổng số vốn
là 18,5 triệu đô la Mỹ, nhằm đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, Lào
và Campuchia, đặc biệt là hỗ trợ phát triển cho các công ty tư nhân tại Việt Nam (nguồn:
www.mpdf.org) Và tiêu biểu hiện nay là Chương trình Hỗ trợ Khu vực Tư nhân Việt
Nam, hợp tác với Liên minh Châu Âu được thực hiện bởi Cục phát triển doanh nghiệp
nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tổng số vốn là 11,145 triệu Euro, bắt đầu
từ 01-03-2005 kết thúc vào 31-12-2008.
• Bên cạnh đó, việc mở rộng hoạt động trao đổi kinh tế quốc tế sẽ tạo điều
kiện cho việcnâng cao dân trí, mở rộng giao lưu giữa các dòng văn hóa của các dân tộc,
tiếp cận nền văn minh nhân loại, năng cao năng lực đổi mới và hiện đại hóa công tác
quản lý. Đồng thời xu thế cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên trí tuệ cũng là một cơ hội
lớn dành cho các nền kinh tế trẻ.
Thách Thức
• Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có quy mô nhỏ, tiềm lực về vật chất
còn nghèo nàn.
Vấn đề tiếp cận các nguồn vốn là vấn đề đầu tiên có ý nghĩa quyết định, tình trạng thiếu
vốn để sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một khó khăn không nhỏ, nhất là
các khoản vay trung hạn, dài hạn từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, đặc biệt
là nguồn vốn chủ sở hữu thấp (Nguyễn Hoàng Lan, 2004). Và theo kết quả điều tra toàn
bộ doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2002, cho thấy có khoảng 85 % tổng số
doanh nghiệp có số vốn dưới 10 tỷ đồng ( trong đó 78 % dưới 5 tỷ). Với năng lực tài
chính còn thấp và hạn chế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam khó có khả năng
đầu tư cho quy trình công nghệ hiện đại đề tạo ra các sản phẩm có chất lượng, cạnh
tranh với các sản phẩm ngoai ngoại có tiêu chuẩn quốc tế. Song song đó, với tiềm lực
vật chất còn nghèo nàn từ đó dẫn đến việc các doanh nghiệp có tâm lí “ăn xổi, ở thì”,
làm hạn chế phần nào tầm nhìn của họ trong việc đưa ra các chiến lược phục vụ cho sự
phát triển của chính bản thân doanh nghiệp.
• Trình độ công nghệ còn lạc hậu, sức cạnh tranh còn thấp, năng lực cạnh tranh
không đồng đều giữa các doanh nghiệp.
Việt Nam là một đất nước đi lên từ một nền kinh tế yếu kém, một nền công nghiệp còn
non trẻ. So với các quốc gia khác trong khu vực, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam
hiện đang phải đối mặt với tình trạng máy móc thiết bị cũ và lạc hậu. Theo Phùng Xuân
Nhạ (2006), sự lạc hậu trong ngành điện tử là khoảng 15-20 năm, 20 năm đối với ngành
cơ khí, 70 % công nghệ ngành dệt may đã sử dụng được 20 năm. Tỷ lệ đổi mới trang
thiết bị trung bình hàng năm của Việt Nam chỉ ở mức 5-7 % so với 20 % của thế giới.
Công nghệ lạc hậu làm tăng chi phí tiêu hao 1,5 lần so với định mức tiêu chuẩn của thế
giới. Kết quả là năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao,chi phí đầu vào
cao, giá thành khó cạnh tranh. Hơn nữa, nguồn nhân lực vẫn còn khá non trẻ trong lĩnh
vực kinh doanh, tiềm lực mỏng, theo kết quả điều tra mẫu của Phạm Thúy Hồng (2004),
chỉ có 30% chủ doanh nghiệp xuất thân từ công nhân viên chức thuộc khu vực kinh tế
nhà nước, bên cạnh đó trong tổng số các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có 1% có
trình độ sau đại học, 3% có trình độ đại học. Với thực trạng nguồn nhân lực như thế sẽ
gây nhiều khó khăn trong quá trình chuyển giao và tiếp nhận quy trình kỹ thuật đồng bộ
hiện đại.
• Điều kiện hạ tầng cho cơ sở cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn
nhiều bất cập, chi phí đầu vào cho sản xuất lớn.
Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp phải
sử dụng trên 40% nguyên liệu nhập khẩu, thậm chí có một số ngành tỷ lệ này là 70-80%,
điều đó làm cho nguồn cung ứng bị phụ thuộc, chi phí đầu vào cho sản xuất lớn, ảnh
hưởng đến sự gia tăng giá trị trong xuất khẩu. Ngoài ra, các chi phí trung gian khác như
giá cước vận chuyển, chi phí điện nước cao, giá xăng dầu tăng...cũng làm tăng đáng kể
chi phí của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ kéo theo hiệu quả kinh doanh
không cao. Năm 2004, lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp vừa và nhỏ là 240 triệu
đồng (khoảng 16.000 USD), thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận bình quân/ doanh
nghiệp của cả nước (khoảng 1,14 tỷ đồng).Các tiêu chí về tỷ suất lợi nhuận/ vốn và lợi
nhuận/ doanh thu cũng thấp, ở mức 3 tỷ đồng và 2,57 tỷ đồng so với các mức bình quân
chung các doanh nghiệp cả nước là 4,85 tỷ đồng và 5,99 tỷ đồng (Vneconomy, 2006).
Cũng do nguồn năng lực tài chính còn yếu nên để thực hiện việc giao dịch trực tiếp với
các đối tác nước ngoài còn nhiều khó khăn và hạn chế, đặc biệt là điều kiện hạ tầng
không đủ khả năng cho các doanh nghiệp dự trữ các nguyên liệu, nên thường phải thu
mua từ các cơ sở đại lí, làm tăng chi phí sản xuất.
• Nguy cơ trong cạnh tranh tìm kiếm các cơ hội, hợp đồng hợp tác
Theo Phạm Tất Thắng (2004): "Hệ thống kênh phân phối của các doanh nghiệp Việt
Nam vào thị trường thế giới bị phụ thuộc vào hệ thống kênh phân phối của nước ngoài,
làm cho phương thức xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm sang các khu vực thị trường quan
trọng còn đơn giản và yếu kém, sản phẩm xuất khẩu chưa có vị trí ổn định và phát triển
được trên thị trường thế giới".
Thực chất, toàn cầu hóa được khởi phát từ các quốc gia phát triển có trình độ phát triển
sức sản xuất cao, vì thế mà dựa vào thế mạnh đó họ có khả năng điều chỉnh và dẫn dắt
xu thế toàn cầu theo hướng có lợi hơn cho chính bản thân quốc gia của họ. Bằng con
đường hoạt động kinh tế và thương mại các nước giàu có thể áp đặt những chuẩn mực
của họ lên toàn thế giới và các nước nghèo sẽ dễ dàng bị làn sóng đó lôi cuốn và rơi vào
thế bị động.
4. PHƯƠNG HƯỚNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP VỪA
VÀ NHỎ TRONG TƯƠNG LAI
Nguồn nhân lực
Con người luôn là chủ thể của mọi hoạt động, bằng khả năng và trí tuệ của chính mình
con người có thể giải quyết nhiều vấn đề, mọi sự phát triển luôn dựa trên tiền đề của tri
thức và khả năng sáng tạo của con người. Vì thế, giải quyết vấn đề nhân lực luôn là vấn
đề mang tính cấp thiết, đặc biệt là trong cơ chế nền kinh tế thị trường năng động hiện
nay.
Trong giải pháp cơ bản đối với vấn đề nhân sự cần phải có cái nhìn toàn diện và lâu dài
trong việc sử dụng và nuôi dưỡng đội ngũ lao động và cán bộ trẻ, từ công tác tuyển dụng
đến phân công công việc gắn với quyền hạn và trách nhiệm.
Ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI trong kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực vào
ngày 1 tháng 7 năm 2006, là luật quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền
tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (Cơ sở dữ liệu Luật Việt Nam, 2005). Đây là một
bước phát triển, khẳng định xu thế hội nhập quốc tế và cũng là tiền đề bảo hộ và thúc
đẩy, khuyến khích khả năng sáng tạo của con người trong mọi hoạt động, từ đó đóng
góp không nhỏ trong sự phát triển của nền kinh tế dựa trên tri thức trẻ.
Khả năng cạnh tranh kinh doanh
Thực chất, những yếu điểm và những vấn đề mà doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải
trong thời kì hội nhập là không nhỏ, nhưng hầu hết những khó khăn này đều tập trung
quy về một vấn đề đó là tác động đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
• Ứng dụng Công nghệ thông tin
Những khó khăn gặp phải từ việc thiếu nguồn vốn về tài chính và vốn nhân lực đã tạo ra
nhiều ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghê thông tin trong hoạt động thương mại
của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Các Doanh nghiệp vừa và
nhỏ Hà Nội (2007), trong 132.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, chỉ có hơn
5.000 doanh nghiệp sử dụng Internet, nghĩa là có tới gần 90% doanh nghiệp chưa ứng
dụng thương mại điện tử. Và theo Quỹ Phát triển Chương trình Mêkông 2002, đối với
100 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chỉ có 48% doanh nghiệp sử dụng Internet chỉ
để gửi và nhận email, khoảng 33% doanh nghiệp có kết nối Internet nhưng không dùng
để hỗ trợ kinh doanh.
Ngày nay, trên thế giới, công nghệ thông tin là một trong những công cụ quan trọng
trong sản xuất và phát triển kinh doanh, ngoài ra công nghệ thông tin còn là một vũ khí
tạo nên sức hút của hàng hóa, giảm chi phí quảng bá, marketting sản phẩm, tạo nên ưu
thế vượt trội trong việc quan hệ với các đối tác khách hàng. Việc hạn chế trong việc ứng
dụng khoa học công nghệ thông tin, sẽ làm hạn chế tầm nhìn, khả năng và chiến lược
cạnh tranh của các doanh nghiệp. Vì vậy, các giải pháp về việc mở rộng việc ứng dụng
khoa học công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải được quan tâm
hơn trong thời gian tới.
• Thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bên cạnh đó, thương hiệu vẫn đang là chỗ khiếm khuyết của đại đa số các doanh nghiệp.
Theo Vũ Chí Lộc (2004), với mọi doanh nghiệp, thương hiệu có giá trị cực kỳ to lớn, là
tài sản vô hình, làm tăng lợi nhuận của hàng hoá, giúp cho doanh nghiệp duy trì lượng
khách hàng truyền thống, đồng thời thu hút thêm các khách hàng mới, giảm các khoản
chi phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động maketing, thương hiệu mang lại
lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp; ở các nước phát triển, thương hiệu được định giá
rất cao: nhãn hiệu Cocacola được định giá gần 70 tỷ USD; nhãn hiệu Microsoft là hơn
64 tỷ USD; IBM là 51,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, đề tạo nên một thương hiệu không phải là một việc dễ thực hiện, vì thế cần
phải có sự đồng nhầt trong mọi chu trình, công tác và các khâu quản lí, hoạt động sản
xuất. Điều này, cần phải có thêm sự hỗ trợ về mặt chính sách của nhà nước.
• Chiến lược cạnh tranh
Trong thời kì của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một điều tất yếu, khó tránh khỏi.
Chiến lược cạnh tranh giúp các chủ doanh nghiệp hoạch định kế hoạch phát triển sản
xuất và mở rộng thị trường, chống lại các đối thủ cạnh tranh. Việc tạo ra những chiến
lược cạnh tranh cần phải có một tầm nhìn lớn, điều này đòi hỏi sự tổng hòa của các
nguồn vốn về tài chính, nhân lực. Tuy nhiên, thị trường luôn có sự biến động nên sự
uyển chuyển trong các chiến lược dài hạn, trung hạn là hết sức cần thiết.
DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ Ở NÔNG THÔN
Cho đến nay, Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp với khoảng
70% lực lượng lao động tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có
khoảng 75% tổng dân số đang sống ở các vùng nông thôn (VHLSS, 2002), vì vậy các
hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn vẫn tiếp tục đóng vai trò quan
trọng trong việc tạo thu nhập và giảm nghèo trong những năm sắp tới. Các doanh nghiệp
vừa và nhỏ đã góp phần tạo nên sự chuyển biến về chất của nền nông nghiệp nông thôn
tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học và
công nghệ vào nông nghiệp đưa nền nông nghiệp tiến gần đến cách tiếp cận phát triển
nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Theo Lê Thanh Bình (2006), tại Việt Nam, có khoảng hơn 1.000 làng nghề truyền thống,
sử dụng thường xuyên hơn 10 triệu lao động, tạo ra giá trị xuất khẩu chừng hơn 3 tỷ
USD. Các làng nghề như làng gốm Bát Tràng, làng mộc Đồng Kỵ, làng rèn Vân Chàng,
lò rèn Phú Tân, làng cơ khí Xuân Tiến...đã tạo được nhiều tên tuổi, góp phần đưa nông
thôn Việt Nam đi lên. Có thể nói, các làng nghề là các doanh nghiệp ở nông thôn, góp
phần giải quyết phần nào lực lượng lao động ngày càng tăng trong khi đất nông nghiệp
đang giảm dần do quá trình đô thị hóa.
Hiện nay, bên cạnh những nhược điểm chung mắc phải của những doanh nghiệp vừa và
nhỏ, trong thời kì hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn còn đang đối mặt
với một thách thức lớn đó là: nhu cầu thị trường của các lương thực nông nghiệp truyền
thống tăng chậm, ngược lại các nhu cầu về các sản phẩm lương thực có giá trị cao và các
hàng hóa phi lương thực khác tăng nhanh, cụ thể là theo Ngân hàng Thế giới (2005),
trong vòng 10 năm qua, tổng giá trị của các tiểu ngành nông nghiệp và lâm nghiệp giảm
nhẹ tương ứng từ 82,2% xuống 78,3% và từ 6,6% xuống còn 3,9%, trong khi đó tỷ lệ
này của tiểu ngành nuôi trồng thủy hải sản tăng lên đáng kể từ 10,9% đến 17,8%.
Vì thế mà phương hướng và chiến lược hiện nay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở
nông thôn là phải gắn liền với định hướng: Đẩy mạnh đa dang hóa nông nghiệp, nông
thôn, nhằm tận dụng triệt để các cơ hội thị trường, giảm thiểu các rủi ro và duy trì sự bền
vững cho nền nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, nhà nước cần phải có những chính
sách phù hợp và cụ thể với điều kiện và sự phát triển cho từng vùng kinh tế.
Nghị quyết Trung ương 5 đã khẳng định quan điểm: “ Coi Công Nghiệp Hóa, Hiện Đại
Hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Công Nghiệp
Hóa, Hiện Đại Hóa đất nước. Phát triển công nghiệp dịch vụ phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ
đắc lực và phục vụ có hiệu quả cho Công Nghiệp Hóa, Hiện Đại Hóa nông nghiệp, nông
thôn” (Đảng CSVN, 2002).
5. KẾT LUẬN
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, cơ chế thị trường năng động, loại hình doanh nghiệp
vừa và nhỏ ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong nền kinh tế quốc
gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đối với một nền kinh tế
dựa trên tri thức trẻ như hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn có những cơ hội,
thuận lợi nhất định, ngược lại với sự chuyển biến đa dạng của thị trường thì những khó
khăn và thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt là luôn biến đổi.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là một loại hình kinh doanh kinh tế có khả năng phát triển
nhanh và mạnh nếu như nó được tồn tại trong một môi trường thuận lợi. Để loại hình
doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho nền kinh tế, chính bản
thân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải tự mình khắc phục những yếu điểm nội
tại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Song song đó, cần phải khẳng định thêm vai trò
của quản lí nhà nước như những chính sách hỗ trợ, đầu tư, chính sách tín dụng, thị
trường giá cả, chính sách môi trường phát triển hạ tầng cơ sở…Có sự thống nhất, liên
kết chặt chẽ và hợp lí giữa doanh nghiệp và nhà nước thì chắc chắn nền kinh tế Việt
Nam tạo nên một bước nhảy lớn, rút ngắn khoảng cách bắt kịp thời đại.
6. TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Nông Nghiệp & PTNT. 31/12/2007. Báo cáo Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành
năm 2007, chương trình công tác năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn [trực tuyến]. Đọc từ:
http://omard.mard.gov.vn/omardLive/digitalAssets/4615_BC_CD_DH_2007.pdf
(Đọc ngày 20/02/2008)

Cơ sở dữ liệu Luật Việt Nam. 29/11/2005. Luật Sở hữu trí tuệ của Quốc hội nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam [trực tuyến]. Đọc từ:
vietlaw.gov.vn/LAWNET/downloaddoc?id=18980&type=doc (Đọc ngày
21/02/2008).

Đảng CSVN. 2002. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa 4.
NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội. tr. 94.

Hà Vy. 09/12/2005. Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn mơ hồ với hội nhập [trực tuyến]. Tin
nhanh Việt Nam. Đọc từ: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-
doanh/Duong-vao-WTO/2005/12/3B9E4DFB/ (Đọc ngày 23/02/2008).

Hồng Phúc.11/12/2003. Ngân hàng - doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa gặp được nhau
[trực tuyến].Báo điện tử Vietnamnet. Đọc từ:
http://vietnamnet.vn/kinhte/taichinhnganhang/2003/12/39942/ (Đọc ngày
21/02/2008).

Lê Thanh Bình.12/07/2006. Phát triển, đang dạng hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông
thôn Việt Nam [trực tuyến]. Tạp chí Công nghiệp Việt Nam. Đọc từ:
http://irv.moi.gov.vn/sodauthang/nghiencuutraodoi/2006/7/15946.ttvn (Đọc ngày
20/02/2008)

Ngân hàng Thế giới. 2005. Đa dạng hóa nông nghiệp nông thôn. Dự thảo Báo cáo Việt
Nam - Thúc đẩy công cuộc Phát triển Nông thôn – từ Viễn cảnh đến Hành động.
Nhóm Hỗ trợ Quốc tế.

NHĐ. 20/11/2007. Vì sao DN vừa và nhỏ chưa ứng dụng CNTT? [trực tuyến].
Tamnhin.net. Đọc từ: http://www.tamnhin.net/modules.php?
name=News&op=viewst&sid=990 (Đọc ngày 23/02/2008).

Phạm Thúy Hồng. 2004. Chiến lược cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt
Nam hiện nay. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

TBTC. 18/11/2004. Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Sáu bước vượt “rào cản” [trực tuyến]. Bộ
Tài chính Việt Nam. Đọc từ: http://www.mof.gov.vn/Default.aspx?
tabid=612&ItemID=17573 (Đọc ngày 20/02/2008)
TBTC. 05/11/2004. Doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập: Bốn điểm yếu phải khắc
phục nhanh [trực tuyến]. Bộ Tài chính Việt Nam. Đọc từ:
http://www.mof.gov.vn/Default.aspx?tabid=612&ItemID=17193 (Đọc ngày
20/02/2008)

TBTC. 29/10/2004. Doanh nghiệp trong xu thế toàn cầu hoá: Chưa coi thương hiệu là
giá trị lớn [trực tuyến]. Bộ Tài chính Việt Nam. Đọc từ:
http://www.mof.gov.vn/Default.aspx?tabid=612&ItemID=16925 (Đọc ngày
20/02/2008)

Vneconomy.13/12/2006. Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hội nhập [trực tuyến]. Hiệp
hội Da – Giầy Việt Nam. Đọc từ: . http://www.lefaso.org.vn/default.aspx?
portalid=1&tabid=315&itemid=74 (Đọc ngày 22/12/2008)

Vietnamnet. 2006.Doanh nghiệp vừa và nhỏ loay hoay với nghiệp vụ xuất khẩu. Bộ Kế
hoạch và Đầu tư. Đọc từ: http://www.mpi.gov.vn/showtinvan.aspx?
lang=4&ma_tinvan=5186 (Đọc ngày 20/02/2008)

Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương. 2005. Báo cáo kết quả khảo sát đổi mới
công nghệ tại các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam [trực tuyến]. Đọc từ:
http://www.vnep.org.vn/Modules/CMS/Upload/2/BCKS%20doi%20moi%20CN
%20DN-Co%20Hong.pdf (Đọc ngày 21/02/2008)

You might also like