You are on page 1of 10

Lược thuật Diễn đàn “Talk&Think - Chia sẻ và Suy

ngẫm” số 01 (21.04.2011)

Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm


Chủ đề: Âm nhạc: Cái riêng và cái chung

Diễn giả: Nhạc sĩ Quốc Trung

Nhận lời nói chuyện tại Diễn đàn Chia sẻ Tri thức Talk&Think, nhạc sĩ Quốc Trung cho
rằng mình không phải là Triết gia, Nhà phê bình Âm nhạc, người Quản lý…, cũng không
phải là người giỏi giao tiếp. Dù tham gia hoạt động trong ngành âm nhạc một thời gian dài
nhưng những gì ông đã đạt được đến ngày hôm nay chủ yếu vẫn do việc ông tự học, tự đào
tạo. Ông cho rằng muốn suy nghĩ đúng đắn thì trước hết phải thành thật và công bằng với
bản thân mình.

“Bố mẹ dặn tôi rằng nếu muốn làm nhạc hay thì phải nghiên cứu và bám vào nhạc dân gian Việt
Nam và người thầy đầu tiên nói với tôi rằng sáng tác thì không ai dạy được”. Đó là những bài
học đầu tiên đến với nhạc sĩ Quốc Trung - một người từ bé đã yêu thích âm nhạc, nhất là âm
nhạc nước ngoài.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi dấu ấn sáng tạo cá nhân
rất cao, đặc biệt trong một thế giới truyền thông như hiện nay. Tuy nhiên, sự sáng tạo cá nhân
này phải xuất phát từ bản thân người nghệ sĩ chứ không phải từ một sự định hướng từ bên ngoài.
Vì thế, áp đặt việc tác phẩm phải có tính “Việt Nam”, phải là “ngũ cung” hay “đậm đà bản sắc
dân tộc” chính là một sự định hướng không hợp lý, không thực tế. Nhạc sĩ Quốc Trung quan
niệm rằng: “Người nghệ sĩ Việt Nam nhất là người nghệ sĩ được thế giới công nhận, tức là có
đẳng cấp thế giới.” Để có được cái riêng, thì người nghệ sĩ lại phải trở lại với cội nguồn của con
người mình. Đây là trường hợp của Uyên Lê, của Ea Sola hay của Niels Lan Doky - nhạc sĩ Đan
Mạch tự nhận “mang dòng máu Việt”.

Trong phần lớn thời gian của chương trình, nhạc sĩ Quốc Trung nói về đời sống âm nhạc của
Việt Nam hiện nay. Theo nhạc sĩ, một đời sống âm nhạc hiện tại chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các
yếu tố giáo dục, văn hóa hay lịch sử… “Âm nhạc Việt Nam giờ đây như một đường thẳng mà
khi đã lệch từ đầu thì đi càng xa càng bị lệch xa hơn. Đã đến lúc cần phải sắp xếp lại một cách
bài bản, có quy trình. Và phải xác định rằng xã hội nào thì cũng phải xây dựng các tiêu chí từ
con người, yếu tố con người.”

Những nguyên nhân gây ra hiện trạng đó, theo nhạc sĩ Quốc Trung là:

a. Truyền thống áp đặt: lấy ví dụ về chuyện một người bố đánh đòn con xong, cấm con
không được khóc, nhạc sĩ cho rằng trong âm nhạc Việt Nam, đặc điểm nổi bật đầu tiên đó
là sự áp đặt. Sự áp đặt của người già đối với người trẻ; của người quản lý, lãnh đạo đối
với người sáng tác, nghệ sĩ; của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Nhạc sĩ Quốc Trung cho
rằng, nhiều nhạc sĩ thế hệ trước, họ luôn có ý thích các nhạc sĩ đi sau phải giống mình.
Thái độ này cũng có cả ở những người văn minh, cởi mở. Thậm chí cả ở những người
nghệ sĩ trẻ, chẳng hạn một nghệ sĩ nhạc Jazz thì luôn cho rằng những thể loại khác là rẻ
tiền.

b. Không có truyền thống âm nhạc chuyên nghiệp: Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng nền âm
nhạc Việt Nam không được biểu diễn, không được lưu trữ, không có sự đào tạo âm nhạc
một các chuyên nghiệp. Hình thức đào tạo chủ yếu là truyền khẩu. Không như ở phương
Tây người ta có các trường nhạc, từ xưa đã ghi chép nốt nhạc và nó phát triển rất là lành
mạnh. Còn ở Việt Nam thì ngày người ta thậm chí không coi trọng nghệ sĩ, ngày xưa con
đào con hát là bị coi thường.

c. Quan niệm coi âm nhạc là phải có lời: Truyền thống thơ ca phát triển và coi âm nhạc là
phải có lời khiến cho khí nhạc của Việt nam không phát triển, và điều này ảnh hưởng rất
nhiều đến sự phát triển của âm nhạc. Khẳng định rằng: “Một nền âm nhạc muốn phát
triển thì trước tiên phải là nhạc không lời chứ không phải là ca khúc”, nhạc sĩ Quốc
Trung cho rằng ở Việt Nam, người ta quan niệm nhạc sĩ là người viết ra bài hát, trong khi
đó ở phương Tây, nhạc sĩ chính là người viết nhạc không lời, hòa âm, phối khí, viết nhạc
phim (composer), còn người viết bài hát được gọi là songwriter. Viết bài hát thì không
cần quá nhiều đến kỹ năng âm nhạc, mà cái cần thiết nhất là năng khiếu và cảm xúc. Do
đó, có rất nhiều ca sĩ nước ngoài tự sáng tác bài hát cho mình, mặc dù họ không được đào
tạo chính quy. “Ngày xưa, tôi còn không được người ta gọi là nhạc sĩ, vì tôi không viết
lời bài hát”.

d. Không có sự giao thoa với bên ngoài: Nhạc sĩ nói: “Trước khi người Pháp vào, nền âm
nhạc của Việt Nam không có sự giao thoa với âm nhạc cổ điển phương Tây. Suốt một
thời gian dài, nền âm nhạc bị ảnh hưởng bởi nền âm nhạc của Trung Hoa. Sau khi thống
nhất đất nước, chúng ta ở trong một thời kỳ đóng cửa với âm nhạc bên ngoài rất là lâu.
Và nó cũng hạn chế sự giao thoa với âm nhạc bên ngoài. Cho đến giờ, sự giao thoa đó
vẫn chưa có. Cũng giống như đội bóng được kỳ vọng nhất, thì người ta lại rất là run.
Chiến tranh giành được độc lập rồi, vấn đề tiếp sau đó là “giữ”. Sau khi giành độc lập
người ta rơi vào tâm lý lo sợ, cái đó nó tạo ra sự khép kín, không có giao tiếp với bên
ngoài trong khoảng 20 năm. Và đến bây giờ cũng có giao tiếp với bên ngoài đâu. Chúng
ta nghe nhạc qua internet, MTV nhưng gọi là được cọ xát, được giao tiếp với bên ngoài
thì thực sự là không có. Chúng ta thực sự là một ốc đảo. Không có mấy đoàn nghệ thuật
nước ngoài đến Việt Nam. Thử nhìn sang các nước bên cạnh như Thái Lan chẳng hạn, có
rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng châu Âu đến biểu diễn, riêng ở Việt Nam thì không có. Bây
giờ người ta nói là hội nhập nhưng mà đâu có biết ở bên ngoài người ta có cái gì, và ca sĩ
Việt Nam thiếu nhất là kỹ năng để hòa nhập được vào với đời sống âm nhạc quốc tế.”

Đánh giá về đời sống âm nhạc của Việt Nam, nhất là thị trường âm nhạc hiện nay, nhạc sĩ Quốc
Trung cho rằng có hai đặc điểm nổi bật, đó là thị trường âm nhạc “duy lý trí” và “bong bóng”.

Duy lý trí chính là ở chỗ: Nhìn chung, người Việt Nam không coi âm nhạc là một thị trường,
không coi làm nhạc, viết nhạc, biểu diễn thực sự là một nghề. “Các nghệ sĩ thì luôn luôn nói là
chúng ta phải cống hiến cho nghệ thuật, mà không „sòng phẳng‟ với nó, không coi nó là một nền
công nghiệp.”

Bong bóng: Đời sống âm nhạc của Việt Nam không rõ ràng giữa thị trường và không thị trường,
giữa các đơn vị nghệ thuật của nhà nước và tư nhân. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, ở Việt Nam, nhà
nước đầu tư vào âm nhạc quá dàn trải. Theo kinh nghiệm của Mỹ, Đức hay Anh, nhà nước đầu
tư và bao cấp các bộ môn nghệ thuật một cách tập trung và đối với những đối tượng cần thiết:
chẳng hạn họ đầu tư vào các dàn nhạc giao hưởng. Ở Việt Nam còn thiếu hụt cả sự đào tạo âm
nhạc. Chính vì thế âm nhạc Việt Nam rất thiếu các bộ môn mới. Nhạc sĩ nói: “Không ai dám đầu
tư cho con cái vài chục, thậm chí là một trăm ngàn đô mỗi năm chỉ để đến khi tốt nghiệp về chơi
đàn ở khách sạn với giá từ 5 đến 10 đô một giờ. Ngược lại, trong khi đó, nhà nước đầu tư cho các
đoàn nghệ thuật thì rất nhiều, những đoàn nghệ thuật mà nhạc sĩ đánh giá là “năng lực của họ
khá hạn chế”, “đi sau” và “phụ thuộc vào sáng tạo bên ngoài”.

Phần giao lưu giữa Nhạc sĩ Quốc Trung và khán giả:

1. Có phải vì bị áp đặt, mà người trẻ Việt Nam có xu hướng muốn tìm tới nhạc quốc tế, và
chính vì không có đủ hiểu biết để chọn lọc, nên đời sống âm nhạc Việt Nam đi xuống hay
không?

- Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng nguyên nhân của sự đi xuống không phải ở lớp trẻ. Vấn đề là
“chúng ta chưa chuẩn bị đón nhận „cơn bão thông tin‟ cũng như là sự du nhập rất nhanh và nhiều
của bên ngoài”. Đối với cá nhân nhạc sĩ, sự đi xuống này thuộc trách nhiệm của: nghệ sĩ, nhà
quản lý, nhà kinh doanh âm nhạc. Và cụ thể ở các điểm sau:

a. Không có sự bảo vệ bản quyền. Một nền âm nhạc “không tôn trọng những sáng tạo nghệ
thuật”, “không được xây dựng trên một cơ sở pháp lý chính đáng”. Nhạc sĩ cho rằng cơ
quan vi phạm bản quyền nhiều nhất chính là các đài truyền hình và các đài phát thanh của
cả nước, từ trung ương tới địa phương. “Ngay luật bảo vệ bản quyền của Việt Nam lại đi
bảo vệ những người đi vi phạm bản quyền nhiều hơn.” Nhạc sĩ kể lại việc bạn bè và
chính bản thân nhạc sĩ phát hiện các đài truyền hình, truyền thanh vi phạm bản quyền các
tác phẩm âm nhạc của mình, song khi phát hiện ra thì đã “quá thời hạn” theo quy định
của Luật để có thể kiện.

b. Văn hóa ti vi phát triển quá mạnh. Theo nhạc sĩ, không có một đất nước nào có nhiều
chương trình truyền hình trực tiếp như ở Việt Nam, mà thực chất đây chỉ là các chương
trình bán tài trợ, không có sự đầu tư về nghệ thuật. Chính vì để đảm bảo chất lượng lên
sóng nên các nghệ sĩ chỉ lipsing (hát nhép), thậm chí “có những ca sĩ, trong suốt 15-17
bài của một liveshow, không hát bất cứ một nốt nhạc nào”. Văn hóa tivi đã khiến giới trẻ
mất thói quen đến nhà hát. Ngay cả những người nghệ sĩ cũng cho rằng “lên ti vi là nổi
tiếng” Trong khi đó, tivi là một kênh nằm ngoài showbiz ở nước ngoài vì không đủ chất
lượng về âm thanh và hình ảnh.

2. So sánh giữa vai trò của đào tạo và tự đào tạo đối với người nghệ sĩ và liên hệ trường
hợp “hiện tượng” Uyên Linh?

- Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, theo kinh nghiệm của anh, đối với nghệ sĩ, tự đào tạo là rất quan
trọng, vì “âm nhạc nó xuất phát từ cái tai trước cái cổ họng. Nhiều ca sĩ có giọng tốt nhưng khi
hát lên thì phản cảm. Cũng như người đầu bếp, cũng từng ấy nguyên liệu, cũng là miếng thịt, là
chừng đó gia vị nhưng nhờ khẩu vị mà tạo ra món ăn ngon.” Theo nhạc sĩ, đây là một điều quan
trọng mà trong đào tạo chúng ta thường hay bỏ qua. Hơn nữa, ở Việt Nam, sự học mang tính
hình thức. Nghệ sĩ thì cố gắng phấn đấu để trở thành nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, chứ không
học những điều mình cần. Khác với các nghệ sĩ ở nước ngoài, họ học đến năm thứ 2, thứ 3 là có
thể hợp thành nhóm đi biểu diễn rồi, và cứ để “nợ” như vậy không học tiếp.

- Còn về trường hợp Uyên Linh: “Uyên Linh là một trường hợp ngẫu nhiên hội tụ tất cả những gì chuyên
nghiệp nhất mà trước đây chưa từng có ở Việt Nam: bản thân cô là một ca sĩ có năng khiếu, lại được hỗ
trợ bởi một êkíp chuyên nghiệp, và phản ứng tích cực của truyền thông... May mắn là cô đã hội tụ được
tất cả những điều đó, bên cạnh tố chất của mình. Chúng ta nói „hiện tượng‟ với hàm ý chỉ là một ánh chớp
vút qua và để có được những thành công thì cần phải phấn đấu và có một kế hoạch dài hơi”.

3. Vì sao Việt Nam chúng ta chưa có nhiều nhạc sĩ tầm cỡ thế giới?

- Nhạc sĩ Quốc Trung nói “Tôi không dám mơ ước mình là nhạc sĩ tầm cỡ thế giới, tôi chỉ mong
mình trở thành một nhạc sĩ quốc tế, tức là được đi ra ngoài biểu diễn, giao lưu với các nhạc sĩ
quốc tế.” Trên thực tế, ở nước ngoài, nghệ sĩ lao động một cách “cật lực”, vì thế họ mới có chỗ
đứng trong âm nhạc. Còn ở Việt Nam, “với một sự lao động âm nhạc hời hợt, không có lý do gì
để chúng ta có tài năng”. Nhạc sĩ kể lại một câu chuyện đáng nhớ. Năm 2006, nhạc sĩ tham dự
Festival âm nhạc tại Đan Mạch, trong khi trò chuyện với các nhạc sĩ quốc tế, được hỏi: “Sau đợt
biểu diễn này, cậu sẽ tiếp tục diễn ở đâu nữa?” Nhạc sĩ nói rằng mình sẽ về nhà. Câu trả lời khiến
cho những người nghệ sĩ quốc tế hết sức ngạc nhiên bởi “không ai thực hiện một tour diễn mấy
ngàn cây số, đến diễn một buổi rồi lại về, rất là lãng phí”. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, nếu thời anh
còn là sinh viên, một chương trình có khi biểu diễn lên đến 20-30 buổi thì giờ đây cùng lắm là 2-
3. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đạt được đến tầm cỡ đó chính là do
“anh không sống ở Việt Nam”. Chính nhạc sĩ cho rằng mình đã “ngây thơ nghĩ rằng làm nhạc
cho Thanh Lam và có thể sẽ lên MTV”. Các nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines họ đều
có kênh MTV riêng, Việt Nam thì không, vì đơn giản là Việt Nam không có thị trường. Nếu có
thị trường, MTV có thể hỗ trợ cho các nghệ sĩ Việt Nam.

4. Nếu xem âm nhạc là cái riêng và đất nước là cái chung thì âm nhạc nước ta tác động như
thế nào đến lối sống của người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Âm nhạc đã mang lại khát vọng cho
tuổi trẻ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước như thế nào?

- Nhạc sĩ lấy lại câu chuyện về Festival âm nhạc ở Đan Mạch năm 2006. Một Festival kéo dài 4
ngày, biểu diễn liên tục từ 1 giờ trưa đến 1 giờ sáng, với 170 ban nhạc. Từ một đồng cỏ mênh
mông không có một sợi dây điện, người ta dựng nên một sân khấu rộng để chào đón 100 ngàn
khán giả. Điều đặc biệt là tất cả những người trong Ban Tổ chức đều là tình nguyện viên. Các
tình nguyện viên này làm việc hết mình với một mục đích là “để nghệ sĩ cảm thấy như ở nhà” và
“khi nghệ sĩ vui, thì họ mới làm khán giả ở dưới happy được.” Festival năm đó, mưa rất lớn,
song buổi biểu diễn không dừng lại, thậm chí còn hăng say hơn. Người ta huy động toàn bộ lính
cứu hỏa của thị trấn và cả vùng gần Copenhagen đến để bơm nước ra ngoài vì sân khấu nằm ở
dưới chân đồi. Người trong ban tổ chức nói: “Tôi muốn cho 100 ngàn thanh niên ấy điên cuồng
với âm nhạc, chứ không nếu họ điên cuồng với những cái khác thì thật là nguy hiểm.” Từ đó,
nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng thế hệ trẻ có quá ít thứ để giải phóng năng lượng và hoài bão. Vì
thế thanh niên thường tìm đến vũ trường. Lẽ ra phải đến các show biểu diễn chứ nếu chỉ đến vũ
trường thì sẽ trở thành tệ nạn, đương nhiên không thể nói vũ trường hoàn toàn chỉ có tệ nạn, vì
điều đó còn tùy thuộc bản lĩnh từng người. Những người định hướng công tác thanh niên, có làm
nhiều phong trào này kia, song họ không hiểu rằng thanh niên cần có một đời sống văn hóa,
nhiều hoạt động… mà âm nhạc là một trong những điều đó.

Trong Festival đó, có 35 ngàn người là tình nguyện viên. Thay vì bỏ ra 140 EUR để mua vé thì
giờ đây các bạn trẻ tham gia lao động ở Festival và được miễn phí. Điều đặc biệt là từ ông Tổng
Giám đốc, ông Giám đốc nghệ thuật, tất cả những người quan trọng tổ chức rồi kỹ thuật… đều là
tình nguyện viên. Sau khi Festival kết thúc, Ban Tổ chức chuyển toàn bộ số tiền thu được vào
các Dự án làm việc thiện nguyện, chẳng hạn như Dự án tháo gỡ bom mìn ở châu Phi. Khi bắt đầu
Dự án mới, họ lại đi vay Ngân hàng và làm lại từ đầu. 35 ngàn tình nguyện viên, từ vị Giám đốc
đến cô dọn rác, đều không lấy một đồng. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, những người làm công tác
thanh niên nên tham gia các hoạt động này để hiểu thanh niên cần gì.

Còn khi nói tới khát vọng của thế hệ trẻ về việc xây dựng đất nước thì nhạc sĩ cho rằng trong mỗi
chúng ta đều có niềm tự hào dân tộc. Song, niềm tự hào đó cần phải có cơ sở, năng lực. Nếu
không có khả năng, không có tiềm lực, không có tài năng mà chỉ có niềm tự hào không thôi thì
sẽ trở thành quá khích, hay là biến tướng thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Muốn kiêu hãnh với
thế giới nhưng không phấn đấu, đòi hỏi sự tôn trọng của thế giới mà lại không có khả năng. Giá
trị và chỗ đứng của người Việt phải thể hiện ở hành động cụ thể. Cần phải tự tin nhưng cũng phải
nhận thức được khả năng của mình trong công việc mình làm ở mức độ nào.

5. Tác phẩm “Đường xa vạn dặm” của anh, tôi thấy nó xóa mờ những ranh giới: ca từ, âm
nhạc. Tính lai ghép đó có phải là cái duy nhất mà chúng ta có thể có để tạo ra cái riêng. Và
cái sự lai ghép đó nhận được phản ứng như thế nào từ các nghệ sĩ. Có ai gọi anh là lai căng
không?

- Nhạc sĩ Quốc Trung nói: Thật ra trong album “Đường xa vạn dặm”, giọng hát cũng được coi
như một nhạc cụ thôi, và tôi luôn luôn nói: âm nhạc ấy, tính nhạc mới là quan trọng. Khi có tính
nhạc, người ta không cần phải nghe lời hát, không cần hiểu lời hát. Người ta chỉ cần cảm nhận
cái âm nhạc ở trong đấy thôi. Cho nên khi tôi biểu diễn ở nước ngoài, thì họ rất là thích, mặc dù
không hiểu lời hát nghĩa là gì. Chỉ có một kỉ niệm không vui duy nhất của tôi là khi tôi đi biểu
diễn cho đoàn của chính phủ, đi các nước Bắc Âu biểu diễn, thì trong khi người nước ngoài
người ta khen và rất là thích thì duy nhất chỉ có anh trưởng đoàn bên Bộ Ngoại giao bảo bỏ bài
hát ấy đi vì tại sao thời nay Việt Nam đã như thế rồi mà lại còn hát bài hát như thế thì làm xấu cả
hình ảnh Việt Nam đi. Đối với nước ngoài thì anh phải giao tiếp bằng “ngôn ngữ âm nhạc”, anh
phải nói được ngôn ngữ của người ta thì người ta mới hiểu, chứ nếu chúng ta chỉ mang những bài
hát của chúng ta theo cái cách của chúng ta thì nếu họ không hiểu được lời thì họ sẽ không cảm
thấy cái hay giống như chúng ta đang cảm nhận. Âm nhạc thì không nên so sánh, ít nhất là tôi tự
tin và tôi làm tốt nhất trong khả năng của tôi. Trong nền công nghiệp âm nhạc của các nước đang
phát triển, trình độ thưởng thức âm nhạc của người dân rất là cao. Phong cách và âm nhạc mới là
những điều quan trọng. Ở Việt Nam thì không có quan trọng lời hát… chính vì thế đó là một cái
rào cản lớn nhất mà âm nhạc của chúng ta chưa hòa nhập được với thế giới.

6. Khi nào chúng ta sẽ lại có một Trịnh Công Sơn hay một Ngô Thụy Miên thứ hai?

- Trở thành Trịnh Công Sơn hay Ngô Thụy Miên thứ hai, hay thứ 3, đứng về phương diện người
làm nghệ thuật thì đấy không phải là điều tôi mong muốn, về mặt thưởng thức nghệ thuật thì
chúng ta phải luôn luôn mới. Vấn đề của chúng ta là chúng ta hay quy về một chuẩn. Nghệ thuật
rất là phong phú. Đã 30 năm nay rồi, nếu nói đến âm nhạc mà chỉ có anh Trịnh Công Sơn thôi thì
có nghĩa là âm nhạc của chúng ta không hề phát triển. Nếu nói đến âm nhạc cao cấp lại cứ phải
lấy âm nhạc tiền chiến cách đây sáu bảy mươi năm ra thì chứng tỏ âm nhạc của chúng ta đang
lạc hậu từng đấy năm và âm nhạc của chúng ta không phát triển. Lỗi ở đây không phải là lỗi ở
các bạn. Lỗi là ở người làm âm nhạc không đưa ra những cái mới, hoặc những cái mới không đủ
hấp dẫn, để các bạn thấy là cái mới hay hơn, hay là chỉ có duy nhất anh Trịnh Công Sơn. Tôi
không nói là anh Trịnh Công Sơn không hay. Tôi chỉ nói là cần phải có rất nhiều cái khác nữa
mà ở đây nó nằm ở chỗ là sự dũng cảm của những người làm nghệ thuật hoặc là tầm nhìn của
nhà tổ chức./.
Thông tin về Diễn đàn Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm

Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm là một diễn đàn chia sẻ tri thức phi lợi nhuận do Tổ chức Giáo dục
PACE, Dự án Sách Hay, Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPL và Cổng Tri thức DoanhTri.vn đồng phối
hợp tổ chức.

Diễn giả của Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm là những người có dấu ấn trong chuyên ngành, lĩnh vực của
mình, có uy tín đối với xã hội để cùng chung tay lan tỏa những tri thức đẹp, quý, hữu ích đến với đông đảo
công chúng.

Đây là một diễn đàn mở và hoàn toàn miễn phí với sự tham dự của đông đảo trí thức, giới doanh nhân, các
văn nghệ sĩ và các bạn trẻ, những người quan tâm tới việc học hỏi và lan tỏa tri thức.

Ngoài việc “mở” về đối tượng tham dự, tính chất mở của các chủ đề được chọn chia sẻ và thuyết trình cộng
với những trải nghiệm thực tế của các diễn giả sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự đa dạng, phong phú và là
đặc thù riêng của các chương trình Talk&Think.

Diễn đàn được tổ chức định kỳ 2 lần/tháng và không thu phí vào cửa. Cụ thể:

- Thời gian: 09h30, Thứ 5 (tuần thứ 1 và thứ 3 của tháng)

- Địa điểm: Tòa nhà PACE, 341 Nguyễn Trãi, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

You might also like