You are on page 1of 5

Vài nhận xét cá nhân về kết thúc của vở kịch Lôi Vũ – Tào Ngu.



Tào Ngu (1910 -1996) tên thật là Vạn Gia Bảo, tự là Tiểu Thạch, sinh ở
tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan liêu quân phiệt.
Ông được đào tạo theo Tây học nên sớm tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ.
Ông là nhà văn, nhà viết kịch Trung Quốc. Ông từng được xem là "Shakespeare
của Trung Hoa".
Ông bắt đầu sáng tác từ khi còn là sinh viên. Ông hoàn thành vở lịch Lôi
Vũ năm 23 tuổi và Nhật Xuất năm 25 tuổi. đó là hai tác phẩm đầu tay và nổi tiếng
nhất của ông. Trong đó, vở kịch được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam chính là
sáng tác đầu tay: Lôi Vũ.

Lôi Vũ lúc đầu bao gồm 6 màn, nhưng về sau tác giả bỏ đi phần Tự mạc và
phần Vĩ thanh (năm 1949) nên còn lại 4 phần và giữ nguyên đến bây giờ. Lôi Vũ
ra đời năm 1933, lấy bối cảnh lịch sử là những năm hai mươi đầu thế kỉ XX của
nước Trung Hoa nửa phong kiến nửa thuộc địa (theo tác giả, là những năm từ
cuộc vận động Ngũ Tứ (1919) đến phong trào Ngũ Tạp (1925)). Ở Trung Hoa lúc
này, phong trào công nhân theo khuynh hướng cách mạng vô sản ngày càng phát
triển mạnh với quy mô toàn quốc, nhưng giai cấp phong kiến quan liêu cũng
đang trên con đường tư sản hóa. Chúng không ngừng cấu kết với chính quyền
phản động, tay sai của bọn đế quốc đàn áp công nhân.
Tào Ngu đã thu gọn bối cảnh rộng lớn và nhiều biến động của thời đại và
phản ánh nó vào qua cuộc sống của một gia đình tư sản hóa. Hình ảnh thu nhỏ
của xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa ấy được dựng dậy đầy tội lỗi, xấu xa, tỏ
rõ một sự bùng nổ tất yếu và sự tiêu vong không thể tránh khỏi của nó.
Khi Lôi Vũ khép lại trên sân khấu hay trên những trang viết thì tác phẩm
lại gợi mở nên trong suy tư người đọc, người xem những băn khoăn cần phải
được suy xét. Nó có thể là một tình tiết nào đó trong vở kịch, hay cũng có thể là
một nhân vật nào đó… Nhưng có lẽ ấn tượng và day dứt mãi đối với người
thưởng kịch chính là cách kết thúc của vở kịch. Một sự đặc biệt bất ngờ mà tác
giả tạo nên cho những ai quan tâm đến “đứa con tinh thần đầu lòng” của mình.

Vở kịch khép lại bằng những cái chết, bằng hình ảnh của những con người
gần như hóa điên hóa dại, bằng cơn giông tố xối xả ngoài trời. Giông tố của vở
kịch qua đi nhưng dư âm của nó vẫn đeo bám tâm tư của bao người nơi đời thực.
Cơn giông tố từ đời thực đi vào trong tác phẩm để rồi khi trở về nó mang sức ám
ảnh mạnh mẽ hơn đối với con người. Trong bài viết này, người viết xin bày tỏ
một vài cách hiểu của bản thân về ý nghĩa kết thúc cơn “Giông tố” của Tào Ngu.
Theo người viết bài thì cách kết thúc kịch như vậy là hợp lí. Trước hết,
đứng trên ý thức hệ tư tưởng phong kiến ta có thể nhìn nhận kết thúc kịch ở một
vài nét sau:
Ý thức hệ phong kiến là lấy tư tưởng Nho giáo làm căn bản. Nho giáo đòi
hỏi phải lấy Lễ làm trọng, lấy Chính danh làm kỉ cương phép tắc, lấy việc tu
dưỡng đạo đức làm điều răn trong mọi quan hệ ứng xử nên mọi thứ cần phải có
tôn ti trật tự, có hiếu đễ tiết nghĩa, đặc biệt người trong gia đình phải trên kính
dưới nhường. Vậy mà trong gia đình Chu Phác Viên không chỉ là sự mờ ám trong
mối quan hệ giữa người với người, thậm chí nó còn dẫn đến sự loạn luân (mẹ kế
với con chồng, anh trai với em gái) nên Nho giáo và xã hội phong kiến không thể
chấp nhận sự tồn tại đó. Buộc điều đó phải tự hủy diệt và dẫn tới kết thúc bi thảm
của các nhân vật.
Vẫn là Nho giáo, nhưng lần này ta xét nó trong quan hệ hôn nhân trong xã
hội phong kiến. Hôn nhân trong xã hội phong kiến nói chung và xã hội Trung
Hoa nói riêng thì đều nhất nhất phải theo lệ: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”,
không cho phép có sự tồn tại của tình yêu tự do, và đặc biệt không cho phép con
gái tự ý đi tìm tình yêu cho mình. Phồn Y đã tự dối chồng để đi tìm hạnh phúc
mới, Tứ Phượng cãi lời mẹ để đến với tình yêu, Chu Xung dù vẫn còn dè dặt
trong biểu hiện nhưng đã có ý đến với tình yêu mà không qua sự cho phép của
cha mẹ. Tất cả những cái như vậy đều vượt khỏi lễ giáo phong kiến truyền thống,
chống đối lại xã hội nên buộc xã hội phải trừng phạt nó.
Mặt khác, trong hôn nhân xưa, “môn đăng hộ đối” là điều khá quan trọng
quyết định đến việc dựng vợ gả chồng. Vậy mà Chu Bình, Chu Xung đã xem
thường danh thế của gia đình để đem lòng yêu một kẻ ở con nhà thường dân
nghèo, thậm chí, Chu Bình còn đem lòng tơ tưởng đến cả người phụ nữ đã có
chồng con; còn Tứ Phượng quên đi thân phận tôi tớ để yêu người thuộc tầng lớp
trên, thậm chí đã không hề nghĩ đến việc giữ gìn trinh tiết của mình trong tình
yêu. Thử hỏi như vậy thì làm sao lễ giáo phong kiến có thể tha thứ cho điều đó?
Dù là ở giai đoạn thoái trào nhưng giai cấp phong kiến vẫn còn thống trị,
chế độ gia trưởng vãn còn hà khắc trong đời sống gia đình. Lối sống tư sản hóa
thối nát cũng đẻ ra những “quái thai” của xã hội: tình của Chu Bình ít nhiều du
nhập thói quen tình ái đồi trụy, du đãng của phương Tây. Mối tình của y với Tứ
Phượng, Phồn Y là những mối tình lầm lỗi, đi ngược lại với đạo đức Nho gia nên
tất yếu sẽ phải chấm dứt trong khổ đau.

Về mặt ý thức hệ có thể nhìn nhận như vậy. Còn về bình diện xã hội thì ta
nên hiểu kết thúc kịch như thế nào cho hợp lí? Dưới đây người viết xin tiếp tục
trình bày quan điểm của mình.
Về mặt xã hội, có thể nói kết thúc kịch đã góp phần phơi bày hiện thực xã
hội Trung Hoa một cách sâu sắc. Có thể hình dung “thời đại Lôi Vũ” qua câu nói
sau đây của Cù Thu Bạch: “nàng công chúa phong kiến Trung Hoa tuổi già bị
chiến thần phương Tây cưỡng dâm mà đẻ ra những quái thai”. Ảnh hưởng của
chế độ chính trị phong kiến thực dân cùng với sự du nhập của lối văn hóa phương
Tây đã tạo nên cái nhí nhố, lai căng của Trung Hoa “thời đại Lôi Vũ”.
Chu Bình: sa đọa hết sức, đồi bại hết sức, mất hết nhân cách, nhân tính mà
“sống cũng đã là một cái lầm to rồi” nên cuối cùng cũng phải tự hủy diệt chính
mình.
Bình đại diện cho một lớp thanh niên quý tộc thời đó, sẵn sàng vượt qua
ngưỡng cửa giai cấp để sống “phá giới” trong đam mê, dục vọng nhưng lại lo
lắng, sợ sệt trước trách nhiệm, ngụy biện trước tội lỗi. Và tất nhiên, không sớm
thì muộn cách đó cũng chỉ là cách tự hủy diệt chính mình
Dưới góc độ xã hội học, ta thừa hiểu rằng, kết quả của hiện tượng loạn
luân đó là sự “lại giống”, là những cơ thể yếu ớt ngày một mất dần sinh lực. Mọi
sự loạn luân trong xã hội cần phải kết thúc để có thể có một xã hội ổn định, phát
triển. Những điều không thuộc về tự nhiên, không chính đáng sẽ đưa con người
lấn sâu vào vũng lầy tội lỗi, đánh mất đi cái bản ngã tiên thiên của mình. Một xã
hội toàn những con người như vậy thì vấn đề diệt vong chỉ là vấn đề sớm hay
muộn. Muốn xã hội phát triển phải có những con người không chỉ khỏe mạnh về
thân thể và còn đòi hỏi lành lặn về tâm hồn. Chính vì vậy mà Chu Bình, Chu
Xung, Tứ Phượng nếu để tiếp tục sống, tiếp tục gắn kết giao hòa thì sẽ tạo nên
những “quái thai” những quái thai thật sự giống như cái thai mà Phượng mang
trong mình. Buộc vậy họ phải chết để chấm dứt điều không hay và không ai
muốn xảy ra đó.
Mặt khác, trước cái chết của Xung, Phượng, hay sự hóa điên của Phồn Y
đã cho thấy sự phản ứng gay gắt của người Trung Hoa trên hành trình giải thoát
cá nhân, hành trình kiếm tìm cái tôi tự do những năm hai mươi đầu thế kỉ XX. Dù
còn gian truân và nhọc nhằn như vậy, nó đã phản ánh được tinh thần chung của
văn học thời Ngũ Tứ - tinh thần đề cao tự do cá nhân lên trên hết thảy mọi quyền
lợi khác: “mạng sống có thể hi sinh, còn ý chí tự do không thể hi sinh. Không
được tự do, thà tôi chết”. Cái chết và bệnh điên dại chính là một phản ứng dữ dội
nhất nhưng cũng thảm khốc nhất của con người Trung Hoa trước sự kìm kẹp hà
khắc của lễ giáo phong kiến. Dưới sự cai trị của chế độ phong kiến, đời sống cá
nhân bị coi rẻ, gạt bỏ. Vận mệnh con người là mong manh, luôn bị vùi dập, đọa
đày. Mọi nhu cầu đòi hỏi riêng tư đều không được chấp thuận và thể hiện.
Nhìn lại kết thúc của vở kịch: Phác Viên tỉnh táo, Thị Bình và Phồn Y hóa
điên dại, Bình, Xung, Phượng trong cõi vĩnh hằng gặp nhau. Nếu đặt kết thúc đó
trong tương quan với chính những hành động của cá nhân vật, thoạt đầu tưởng
như vô lí và trái ngược: kẻ là cội nguồn của mọi khổ đau lại vô can về tội lỗi, lại
đứng ngoài sự trừng phạt còn những kẻ hứng chịu lại phải chấp nhận lấy sự ra đi.
Nhưng nét sâu sắc trong ngòi bút của Tào Ngu là ở đó. Những kết thúc khác nhau
trong cuộc đời mỗi nhân vật chính là bậc thang trừng phạt để khẳng định lại mức
độ tội lỗi của họ mà thôi.
Phác Viên được sống nhưng sống để tự hành hạ mình, dày vò tâm can
mình. Cuộc sống rồi đây với hắn chỉ còn là những cơn giận dữ, căm phẫn chính
mình mà không thể tìm ra lối thoát nữa. Nếu để cho Phác Viên có thể chết ngay
lúc đó khác chi tạo một lối thoát cho hắn. Tác giả muốn để cho nhân vật phải tự
suy xét lại việc làm, hành động tội lỗi của mình.
Bình dẫu mang tội lỗi nhưng cũng được tha thứ phần nào bởi mức độ vô
tình của mình nên Bình không được ra đi ngẫu nhiên như Xung và Phượng. Bình
đau đớn hơn – phải nếm trải nỗi đau của kẻ tự kết thúc cuộc đời.
Sự ra đi không rõ ràng của Lỗ Đại Hải vì không thể tiếp tục đấu tranh với
chính người sinh ra mình (giai cấp vô sản vẫn đang tìm con đường đi cho mình
sao cho có cách kết thúc tốt đẹp và có giải pháp thích hợp nhất đối với tư sản mại
bản)
Xung chết khi đời vừa bắt đầu: mười bảy tuổi mà Xung không hiểu xã hội
là gì, cũng chưa hiểu hết những người Xung yêu là như thế nào. Đến khi nhận ra
chân tướng sự việc: mẹ không giống như người Xung vẫn tưởng tượng, Phượng
không phải là người con gái cùng Xung đi đến “những cõi lí tưởng không bờ
bến”, gia đình không còn là nơi bấu víu của Xung, mọi thứ tốt đẹp đều không
như Xng nghĩ thì Xung buộc phải chấp nhận ra đi với cái lí tưởng non yếu mà cả
đời Xung đã dệt ngàn mộng tưởng nay hóa tan tành. Cái chết của Xung chính là
cái chết của lớp người sống không còn lí tưởng, cái chết của lí trí, tâm hồn nhiều
hơn là cái chết về thể xác.
Lôi Vũ là sự phát hiện ra nỗi đắng cay và những thảm kịch của hiện thực
cuộc sống và con người, là cuộc khám phá về con người không chỉ ở phương
diện bề ngoài mà còn ở đời sống tâm cảm bên trong. Chính từ quan niệm này,
Lôi Vũ trở thành một sáng tác tiêu biểu cho nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.
Thời đại mà Tào Ngu sống là thời đại có nhiều biến động. Một mặt ông
chứng kiến được sự thối nát và đi đến suy vong của chế độ phong kiến, một mặt
ông vẫn thấy được sự cấu kết tàn ác và bất lương của chúng với tư sản mại bản để
ức hiếp cuộc sống của người dân Trung Hoa. Sự xuất hiện của giai cấp tư sản vừa
nhen nhóm thì cũng liên tiếp chịu sự đàn áp của bọn thống trị phong kiến và tư
sản.
Vở kịch khép lại trong những cơn “giông tố” chằng chịt: cơn giông tố
ngoài trời (Chu Phác Viên cũng từng đuổi Thị Bình ra khỏi nhà vào đêm mưa
gió), giông tố trong gia đình, rồi mạnh mẽ và dữ dội nhất là cơn giông tố trong
tâm hồn người. Đó là sự dự cảm về một thế giới đổ vỡ, một hiện thực tang
thương, một kết cục đầy bi kịch của thời đại: trong cơn giông tố thì không một ai
từ ông chủ phong kiến đến người dân nghèo lại có thể tìm được hạnh phúc và sự
bình yên.
Lôi Vũ tuy là tác phẩm dầu tay của kịch Tào Ngu nhưng nó đã gây những
chấn động lớn không chỉ trên bình diện văn hóa nghệ thuật mà cả trên mặt trận tư
tưởng xã hội. Nó vừa có giá trị tố cáo hiện thực lại vừa mang những quan điểm
nhân sinh tiến bộ. Và góp phần làm nên thành công ấy, chính là tác giả đã tạo
được một kết thúc kịch đầy ám ảnh đối với người thưởng kịch.

Nguyễn Đức An

You might also like