You are on page 1of 2

Ung thư da do chữa bệnh sai cách

Cập nhật 8:33, (GMT+7) 10/1/2006.

Uống đông dược chữa suyễn thấy dễ chịu, ăn ngon... không ngờ
hàng chục năm sau bị ung thư da vì thuốc có chứa thạch tín. Có
người dùng tia cực tím chữa bệnh da nhưng dùng không đúng cách
lâu ngày cũng bị ung thư da.

BS Hoàng Văn Minh - bộ môn Da liễu - Trường đại học Y dược TP BS Hoàng Văn Minh
Hồ Chí Minh - cho biết:

- Qua các trường hợp nhập viện, chúng ta thấy có hai yếu tố tạo điều kiện cho sự khởi phát ung thư da
thường gặp nhất là tia tử ngoại và thạch tín (arsenic). Suyễn là một bệnh mãn tính khó trị, thường bệnh
nhân uống thuốc tây thấy không giảm nên chuyển sang thuốc bắc.

Trong thuốc bắc có thạch tín ngoài tác dụng trị suyễn còn kích thích ăn ngon, do đó khi người bệnh dùng
thuốc này thấy dễ chịu và ăn uống được nên dùng trong thời gian dài mà hậu quả là 5-20 năm sau mới có
triệu chứng của da do ngộ độc thạch tín mãn tính.

Thạch tín là chất rất độc, nếu sử dụng liều cao có thể gây chết người, nhưng liều thấp - xưa kia có dùng
điều trị một số bệnh ngoài da - từ những năm 1970 đã bị cấm sử dụng. Nhưng thuốc đông y dùng chữa
suyễn có chứa thạch tín lại bán trôi nổi trên thị trường... rất nguy hiểm.

Triệu chứng ngoài da của ngộ độc thạch tín mãn tính là: rối loạn sắc tố da - da có chỗ trắng, chỗ đen tạo
thành hình ảnh giống như hạt mưa rơi. Lòng bàn tay, bàn chân dày sừng, một số trường hợp chỗ dày sừng
bị loét tạo thành ung thư. Nhưng không phải ai uống thạch tín cũng bị ung thư.

Trong nông nghiệp, hiện nay thạch tín vẫn còn được sử dụng trong thuốc trừ sâu, đã có một số trường hợp
bệnh nhân phong sử dụng thuốc trừ sâu bị ung thư da. Có thể do tiếp xúc qua tay, hít phải.

Vai trò sinh ung thư của tia cực tím từ ánh sáng mặt trời đã được nói đến rất nhiều... Với tia cực tím nhân
tạo (chiếu tia cực tím), ung thư da xuất hiện từ từ sau nhiều lần chiếu . Khi sử dụng, ít nhất phải biết tia cực
tím loại nào (ultra A, B), phải biết liều sinh học (chiếu lên da đỏ vừa - nổi hồng, không được vượt mức).

Ngoài liều sinh học còn kỹ thuật chiếu: phải chiếu đúng vị trí, khoảng cách, bảo vệ mắt và bảo vệ phần da
không được chiếu. Khi sử dụng phải đeo kính râm; đã có trường hợp bị đục thủy tinh thể do không có kính
bảo vệ mắt.

Vì vậy không nên tự mua về sử dụng. Nếu cần điều trị với tia cực tím phải do nhân viên y tế thực hiện.
Trong lúc đang điều trị với tia cực tím cũng không nên uống các thuốc “bắt nắng” (nhạy cảm ánh sáng) làm
tăng sự hấp thu tia tử ngoại, gây ra những phản ứng độc tế bào do ánh sáng.

* Ung thư da có điều trị được không?

- Ung thư da thường gặp được chia làm hai loại: u sắc tố và không phải u sắc tố. Trong ung thư không phải
u sắc tố có hai loại thường gặp nhất là ung thư tế bào đáy -chỉ xâm lấn phá hủy tại chỗ và hiếm cho di căn,
và ung thư tế bào gai - ngoài xâm lấn phá hủy tại chỗ còn cho di căn xa.
Ung thư da điều trị được nếu phát hiện sớm. Nhưng đối với các trường hợp ung thư da do di căn từ một
bệnh ung thư khác thì không điều trị được.

* Nếu được cảnh báo có thể tránh bệnh?

- Riêng ngộ độc thạch tín mãn tính có thể phòng ngừa hoàn toàn bằng cách tuyệt đối không sử dụng các
loại thuốc có chứa thạch tín, qua việc kiểm soát chặt chẽ các phòng khám đông y và kết hợp giáo dục sức
khỏe cho bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân đã sẵn có bệnh da, đặc biệt là bệnh da nhạy cảm ánh sáng cần được thầy thuốc tư vấn
hướng dẫn thật kỹ cách phòng tránh nắng để phòng ngừa ung thư da trên bệnh da có sẵn.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Bà M., 63 tuổi, phải nhập viện vì loét da ở mặt trong cổ tay từ bốn năm qua điều trị không khỏi. Cách đây
khoảng mười năm có uống thuốc bắc để điều trị suyễn trong suốt một tháng rưỡi.
Cho làm xét nghiệm tìm thạch tín trong tóc: 0,05 ppm, trong nước tiểu: 4 ppm. Kết quả sinh thiết là ung thư tế
bào đáy, phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tổn thương, lấy một mảnh da ở mặt trước trên cánh tay trái ghép vào...

Ông Ng.V. X., 31 tuổi, nhập viện vì đỏ da toàn thân do vẩy nến. Bệnh nhân bị khô da bẩm sinh và vẩy nến
toàn thân từ năm 1985, đã điều trị thuốc nhưng không đáp ứng và được chiếu tia cực tím nhiều lần.

Đến năm 1998 xuất hiện một nốt màu đen trên nền da vẩy nến gây ngứa và đau nhức. Khi vào viện khám thấy
những u sùi màu đen, bóp thấy đau. Kết quả sinh thiết u sùi là ung thư tế bào gai độ 1...

You might also like