You are on page 1of 4

Thứ Bảy 14/2/2004

Lâu nay chúng ta thường nghe nói: “Rất cần có những quyển tiểu thuyết sử thi lớn tương xứng với hai cuộc
kháng chiến vĩ đại của dân tộc”. Đương nhiên, ghi dấu sâu sắc thời đại của mình bao giờ cũng là một sứ
mệnh của văn học. Nhưng cũng có thể có nhiều cách quan niệm khác nhau về sứ mệnh ấy. “Ghi dấu” như
thế nào? Có phải nhất thiết tiểu thuyết bao giờ cũng là một tấm gương phản chiếu lịch sử? Liệu rằng chủ
nghĩa hiện thực có phải cách tốt nhất để phơi bày tâm thế của một xã hội, một thời đại nào đó?

Sau đây là lược ghi một số ý kiến của nhà phê bình Pháp nổi tiếng Guy Scarpetta về vấn đề này. Bài đăng
trên Le monde diplomatique (Thế giới ngoại giao), số tháng 3/2003.

Vượt thoát khỏi chủ nghĩa hiện thực


Guy Scarpetta
Tôi (G. Scarpetta) lưu ý: Không thể không ghi nhận hiện tượng khó chối cãi là, quả thật ở Pháp, không hề có
một cuốn tiểu thuyết nào lớn viết về chiến tranh Algérie, về sự kiện tháng Năm 1968 hay về khủng hoảng hiện
tại của một xã hội đang chương trình hoá các cuộc loại thải của nó (ở đây ta không kể đến các truyện dài đăng
nhiều kỳ trên các báo). Không có những tiểu thuyết lịch sử lớn, như ngày xưa.
Cũng có thể cho rằng kiểu “tiểu thuyết lịch sử” ấy (mà Lukacs, trong thời của ông, đã phân tích sự hình thành
và phát triển) là một thể loại đã lỗi thời. Trước hết, bởi vì những sự thật mà nó có thể cung cấp đã được các loại
diễn từ khác (phóng sự, báo chí) đảm nhiệm. Người ta không thấy tại sao lại phải đi tìm trong tiểu thuyết
những thông tin về lịch sử của thời chúng ta trong khi có thể tìm thấy chúng, chẳng hạn, bằng cách đọc báo...
Song nhất là vì điều này, ngày càng được khẳng định: chức năng cơ bản của tiểu thuyết hiện đại không phải là
“minh hoạ” bằng một câu chuyện một quan niệm về thế giới hay về lịch sử đã được xác lập; mà là làm phát lộ,
bằng những con đường đặc trưng của nó, “cái mà chỉ có tiểu thuyết mới nói được” (theo cách diễn đạt của
Herman Broch trong Cái chết của Virgile, về sau được Carlos Fuentes hay Milan Kundera nhắc lại và phát
triển thêm). Vấn đề là làm cho bật ra cái không được nói bởi chính sử, các vùng trải nghiệm của con người mà
các nhà sử học đã bỏ qua; là phá vỡ những điều đã được coi là niềm tin chắc đinh ninh, các tính chính thống,
các quan niệm về thế giới đã được thiết lập; là thám hiểm mặt lật ngược hay mặt trái của cái hình ảnh mà xã
hội chúng ta đã tự xây dựng về chính mình... Đó mới thật là chức năng riêng của tiểu thuyết, vì ngoài tiểu
thuyết ra không có bất cứ loại diễn từ nào khác còn có thể làm được.
Vượt thoát khỏi chủ nghĩa hiện thực
Trên phương hướng đó, không chắc gì con đường “hiện thực chủ nghĩa” (thừa kế chính từ tiểu thuyết lịch sử)
đã là thích đáng hơn cả. Một ví dụ: trong những năm 1930 và 1940, nhiều nhà văn đã có tham vọng khảo sát
cái trạng thái của xã hội (và của các hệ tưởng) đã đưa thế giới đến cuộc tàn sát thảm khốc 1914-1918. Một
người trong số họ, là Aragon, cắt đứt với các dao động siêu thực trong quá khứ của mình, đã lao vào công việc
ấy bằng cách tuân theo các quy ước “hiện thực chủ nghĩa” công khai ảnh hưởng từ Balzac và Zola. Nhưng đọc
các tiểu tiểu thuyết của ông (trong bộ Thế giới thực), ta chỉ có thể nhận ra điều này: chính vì các nguyên tắc và
quy ước ấy, mà Aragon chẳng hề khám phá ra thêm được chút gì ngoài cái xã hội mà Balzac và Zola đã mô tả
rồi. Ngược lại, những người đã có được những phát hiện thật sự về cái thế giới trước năm 1914 đó, về khoảng
chân không (hay sự rối loạn) các giá trị đã là cái vùng đất mùn trên đó cuộc thảm sát sắp diễn ra, đã chỉ có thể
đạt được điều đó khi họ dám quay lưng lại với các quy ước hiện thực chủ nghĩa, và sáng tạo ra những hình thức
tiểu thuyết cơ bản mới: Herman Broch trong Những kẻ mộng du, và Robert Musil trong Người không có phẩm
hạnh.
Nghịch lý đó dường như còn kéo dài rất lâu. Rõ ràng là cuộc đảo lộn xã hội và đạo lý to lớn do chính cuộc
chiến tranh 14-18 gây ra đã được ghi nhận, ngay từ khi nó vừa xuất hiện, và được ghi nhận một cách hết sức
minh mẫn, bởi một nhà tiểu thuyết, Marcel Proust, mà nghệ thuật đã vượt thoát khá xa ra ngoài khuôn khổ của
chủ nghĩa hiện thực, trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Đi tìm thời gian đã mất của ông. Và chính một nhà tiểu
thuyết thuộc số những người cách tân mạnh mẽ nhất, Franz Kafka, là người đã tiên nghiệm, đến tận trong
những khía cạnh sâu kín nhất của nó, cái thế giới toàn trị đang manh nha. Còn “cái phần bị dồn nén” của lịch
sử chính thống (và đầy tính xây dựng) của Hoa Kỳ thì lại được khai phá bởi một nhà cách tân hình thức vĩ đại
là William Faulkner, hơn bất cứ một hậu duệ nào khác của tiểu thuyết lịch sử.
Gần chúng ta hơn, vẫn lại thấy hiện tượng đó: ai là người đã làm phát lộ cho chúng ta diện mạo kín nhẹm của
nước Áo, “cái tội ác tập thể” ấy, như cách nói của Freud, mà đất nước này vẫn cố che giấu bằng lãng quên?
Không phải một nhà hiện thực chủ nghĩa, mà là một nhà tiền phong chủ nghĩa nổi tiếng, Thomas Bernard.
Cũng vậy, ai là người soi sáng cho chúng ta cái phần tội ác dấu nhẹm của lịch sử Nhật Bản? Không phải là một
nhà hiện thực chủ nghĩa, mà là Kenzaburo Oe, một nhà thám hiểm tinh tế các vùng nhập nhằng của sự tự
huyễn, đặc biệt trong tiểu thuyết Trò chơi thế kỷ của ông.
Những cuốn tiểu thuyết nào nói với chúng ta nhiều nhất về những tàn phá diễn ra ở châu Âu sau vụ sụp đổ bức
tường Berlin, hay về toàn bộ hậu cảnh của cuộc chiến tranh Bosnia? Không phải những tác phẩm của các nhà
hiện thực chủ nghĩa, mà là những hư cấu được dồn nén, phức tạp, “chìm sâu đến tận đáy” của một hậu duệ của
Jorge Luis Borges, là Juan Goytisolo (trong Cuộc đời dài lâu của Marx và Bao vây).
Ai là người đã đem đến cho ta cái nhìn xuyên thấu sâu xa nhất vào xã hội Mỹ la-tinh? Không phải các nhà hiện thực chủ
nghĩa, mà là những người đã đẩy nghệ thuật tiểu thuyết của họ đến một kích cỡ ngụ ngôn (Gabriel Garcia Marquez), hay
vào một dàn đa âm và đa thời gian rối mù (Carlos Fuentes), như trong các tác phẩm Vùng trong sáng nhất, Cái chết
của Artemio Cruz, Christophe và quả trứng của ông, Biên giới bằng kính v.v... Cũng như vậy, ai là người đã
khai triển một sức tưởng tượng đặc trưng cho những người lưu vong, trong một tình thế hậu thuộc địa nhào
trộn cùng lúc các nền văn hoá? Không phải một nhà hiện thực chủ nghĩa, mà là một nhà tiểu thuyết gần như
theo kiểu Joyce, là Salman Rushdie, với Các vần thơ quỷ sứ, Hơi thở cuối cùng của Maure và tập truyện ngắn
tuyệt vời Đông-Tây.
Ai là người đã chỉ cho chúng ta thấy rằng một số yếu tố của thế giới cộng sản (cái kitsch chính thống, ảo tưởng
trữ tình được nuôi dưỡng, thói sùng bái trẻ con, lối theo dõi và xâm phạm đời tư trở thành phổ biến) cũng diễn
ra hằng ngày trong chính thế giới phương Tây - nơi nền chuyên chế của sự phơi lộ đã thay thế chuyên chế của
ý thức hệ? Đấy chính là Milan Kundera, người coi tiểu thuyết vốn có một sứ mệnh khác hẳn với việc cung cấp
một bức tranh “hiện thực” về xã hội, và phải “phát minh ra các hình thức”...
Cũng không nên nghĩ rằng trong lĩnh vực này một ý thức tiến bộ, sáng suốt, sẽ là bảo đảm cho hiệu lực của tiểu
thuyết. Như trường hợp nghịch lý: chính một nhà tiểu thuyết Pérou thuộc phái hữu (hay ít ra cũng là theo chủ
nghĩa tự do kinh tế triệt để nhất (Mario Vargas Llosa) đã đem đến cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết chân thực
và sâu sắc hơn cả về sự tan rã của một nền độc tài ở châu Mỹ la-tinh (nền độc tài của Trujillo ở Saint-
Dominique). Cũng nên nhớ rằng những trang sáng rõ nhất về những ngày cách mạng 1848 ở Paris là ở trong
cuốn tiểu thuyết Giáo dục tình cảm của Gustave Flaubert, một tác giả vốn không hề là một “nhà dân chủ”...
Nói chung, chức năng nhận thức của tiểu thuyết và quan điểm của người chiến sĩ đấu tranh không nhất thiết
bao giờ cũng trùng hợp với nhau. Về mặt này, không gì tiêu biểu hơn là trường hợp của Ernest Hemingway.
Khi dấn thân (về mặt thể chất và quân sự) vào cuộc nội chiến Tây Ban Nha, ông đã chọn chỗ đứng mà không
hề quan tâm đến tâm trạng của mình, chấp nhận kỷ luật (và cả cái đạo lý thiện-ác) được biện minh bằng hiệu
quả của cuộc chiến. Nhưng ít lâu sau đó, muốn rút ra một cuốn tiểu thuyết từ trải nghiệm ấy - cuốn Chuông
nguyện hồn ai - thì ông lại chỉ có thể viết nó khi từ bỏ tất cả cái đạo lý thiện-ác đó, hết sức tránh lối “truyện kể
luận đề”, khai thác các vùng bấp bênh, nhập nhằng, không từ cả cái phe trước đó mình đã dấn thân vào (những
trang kinh khủng về các vụ vòi tiền và các việc làm tàn bạo của những người vô chính phủ, hay chứng cuồng
loạn chết người của những người lãnh đạo theo phái Stalin). Bởi vì, một lần nữa ta thấy, mục đích của ông
không phải là viết một cuốn truyện ngợi ca về cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, mà là làm cho chúng ta hiểu, từ
bên trong, cuộc chiến tranh ấy đã được những con người ở đấy thực sự sống như thế nào, cả tâm hồn lẫn thể
xác - điều mà không một biên niên sử hay một diễn từ chiến đấu nào có thể đạt nổi.
Không nên quên rằng tiểu thuyết, theo nghĩa hiện đại, được sinh ra chính bằng một cuộc đoạn tuyệt dứt khoát
với sử thi: ở Rabelais, là người đã đùa nhại và biếm họa thể anh hùng ca, cười nhạo mà phá huỷ nó từ bên
trong, cũng như ở Cervantes, người đã đem đối lập một cách mỉa mai thể loại văn học hiệp sĩ với cái thông tục
của cuộc sống thực tại...
Bức tranh sáng rõ về “Đế chế của cái Thiện”
Một trường hợp đáng chú ý: cuốn sách của Oliver Rolin (cuốn Hổ giấy) viết về cuộc phiêu lưu Mao - ít từng
diễn ra ở Pháp hồi đầu những năm 1970, một hiện tượng xã hội kỳ lạ, trộn lẫn tính lý tưởng, sự phẫn nộ, chứng
cuồng loạn, sự mù quáng, ước vọng thanh khiết, sự lố bịch, trí thông minh lẫn thói ngu ngốc... Nhưng đọc cuốn
sách này, dần dần ta có cảm giác Rolin đã không đi xa được bao nhiêu trong ý định của mình; lẽ ra, để xử lý
một hiện tượng đầy mâu thuẫn và cực đoan như vậy, vừa cần phải có nhiều chất Dostoievski hơn (trong việc
thám sát cái nền tảng chủ quan, phi lý, của một hiện tượng cuồng tín chính trị đến mức đó), đồng thời lại cũng
cần có nhiều tính chất Rabelais hơn (khi nói đến thời khắc cái anh hùng trượt dài trở thành trò hề) - tóm lại cần
phải tiểu thuyết hơn. Và ta hiểu ra điều gì đã cản trở Rolin, không cho phép ông đạt được tầm cỡ ấy: đấy chính
là vì ông vẫn nuôi một nỗi nhớ tiếc chất anh hùng ca, được bộc lộ khá lộ liễu (không phải ngẫu nhiên mà “nhân
vật chính diện” duy nhất được nhắc tới là André Malraux), chính nó ngăn ông không viết được một cuốn tiểu
thuyết đúng như một đề tài như vậy có thể gợi nên.
Và sau cùng, đây là một ví dụ càng rõ ràng hơn: có lẽ không có cuốn tiểu thuyết nào có thể giúp ta nắm rõ
được khuôn mặt bóng tối của nước Mỹ hơn là cuốn tiểu thuyết mới đây của Philip Roth, cuốn Vết nhơ. Ở đây,
một lần nữa, cũng không phải ngẫu nhiên khi Roth không phải là một nhà văn “hiện thực chủ nghĩa”, mà là
một người có biệt tài trong việc lắp ghép những câu chuyện trái ngược nhau, những giọng kể đa âm và xung
khắc với nhau, liên tục làm rối mù ranh giới giữa hư cấu và thực tại, rất giỏi về một lối kể chuyện trong đó “sự
thật” cứ không ngừng biến mất.
Đề tài cuốn Vết nhơ: một vị giáo sư đại học, do một sự hiểu lầm vô nghĩa, bị kết tội đã có những lời nói phân
biệt chủng tộc, bị đẩy đến chỗ phải từ chức, và dường như cứ ngày càng cố tình lún sâu hơn vào con đường
thất sủng đã bị áp đặt của mình; một cuộc điều tra, do người kể chuyện tiến hành, dần dần làm lộ ra một quá
khứ lạ lùng (không thể không nghĩ đến Faulkner), một bí mật nặng nề được cẩn thận dấu kín (việc chối bỏ
nguồn gốc da đen của ông giáo sư); việc phục dựng, nhất là độc thoại nội tâm của các nhân vật gắn với tấn bi
kịch này: Faunia, người tình của vị giáo sư bị mất chức, một người nội trợ mù chữ, vừa chán chường vừa tràn
trề sinh lực bất kham; Delphine, nữ giáo sư đại học gốc Pháp, một kẻ xoi mói đáng sợ, thành viên của tổ chức
cải tạo chính trị, trong động cơ vùi dập đồng nghiệp của mình xuống tận bùn đen có chen lẫn những bí mật
riêng tư thảm hại; một cựu chiến binh trở về từ chiến tranh Việt Nam, mang nặng chấn thương vĩnh viễn của
chiến tranh, hung bạo, phân biệt chủng tộc, luôn nuôi ám ảnh trả thù và giết người (hiếm khi văn học đưa được
chúng ta vào sâu đến vậy tận trong tâm trí một tên phát-xít).
Điều kỳ lạ và tuyệt diệu đạt được ở đây là việc nhân bội lên các giọng nói, các bằng chứng, không những
không hề làm cho tình thế trở nên sáng rõ hơn, mà trái lại chỉ càng khiến nó trở nên tối tăm, phức tạp. Tuy
nhiên, quan trọng hơn cả là ở chỗ tác giả đã từng bước vén mở cho ta thấy điều hết sức thiết yếu này: cái ám
ảnh muốn mọi sự phải tuyệt đối thanh khiết (chủng tộc “thanh khiết”, tư tưởng “thanh khiết”...) và muốn thanh
lọc tất cả (bằng mọi giá) vốn chính là mảnh đất chung của những kẻ phân biệt chủng tộc lẫn một số người
chống phân biệt chủng tộc, thuộc phe cực hữu cũng như phe “cực tả chính thống” - một thứ gì đó như là cái
nền tảng hành xác của lối tự coi mình (và duy nhất chỉ có mình) là và được quyền là Đế chế của cái Thiện, mà
không hề thấy trong đó cái phần đáng nguyền rủa đang gặm nát nó ...
Nếu đến một ngày nào đó có những nhà lịch sử muốn nghiên cứu về trạng thái tinh thần và tư tưởng của Hoa
Kỳ trước khi bước vào cuộc hiến tranh Iraq với những những hậu quả khôn lường của nó, ta có thể đoán chắc
rằng chính trong cuốn tiểu thuyết này, hơn bất cứ một diễn từ có tham vọng khách quan nào khác, họ sẽ tìm
thấy được những chất liệu phong phú nhất để mà nghiền ngẫm, cũng đúng hệt như ta đã tìm thấy trong các tác
phẩm của Musil hình ảnh sáng rõ nhất của đế chế Áo -Hung trước cuộc chiến tranh 1914 -1918 ...
Ng. lược dịch

Bài đăng trên báo Tia Sáng, số 2, tháng 2/2004 với tựa đề "Sử thi hay tiểu thuyết?", eVăn đổi lại tựa đề.

You might also like