You are on page 1of 2

Hoàng Sa Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam

Ngô Nhân Dụng

Ngày Thứ Bảy, mục này viết tựa đề “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.” Nhật báo Người Việt
đã nhận được nhiều thư độc giả đề nghị cộng đồng người Việt ở nước ngoài hãy tổ chức các cuộc
biểu tình ở nơi mình cư ngụ, khắp thế giới, phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng lúc đó, người Việt trong nước đã biểu tình rồi. Người Việt Nam ở đâu
cũng nghĩ như nhau.

“Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam.” Không ngờ, lời khẳng định đó cũng
được viết thành khẩu hiệu trong những cuộc biểu tình của một số sinh viên, thanh niên Việt Nam
trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội, và tòa tổng lãnh sự của họ ở Sài Gòn. Chắc họ không đọc báo
Người Việt. Chẳng qua là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở ngoài, đều mang chung một mối
lo, một tấm lòng ưu quốc.

Nhiều người thế nào cũng thắc mắc không tin. Khó tin trong một nước cộng sản độc tài lại có những
cuộc biểu tình mà không bị công an mật vụ đàn áp. Hãy coi lại những vụ dân oan khiếu kiện, hàng
trăm người, lần lượt năm này qua tháng khác, có cuộc biểu tình nào thoát khỏi cảnh bị công an
cộng sản dùng bạo lực chấm dứt đâu? Nhưng có những điều không thể tin và những điều đáng tin
xảy ra trong cùng một biến cố. Trong những cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn ngày Chủ Nhật qua,
điều không đáng tin là có những thanh niên, sinh viên tự động, tự phát tổ chức tập họp phản đối
một nước đàn anh mà chính quyền vẫn coi là thân thiết với họ “như môi với răng!” Ông Nguyễn Tấn
Dũng đã sang trình diện Bắc Kinh trước khi nhận chức thủ tướng. Các ông Nông Ðức Mạnh và
Nguyễn Minh Triết đều đi thăm Trung Quốc gần như hàng năm. Họ không dám để cho “con dân làm
loạn” phản đối thiên triều. Với guồng máy công an mật vụ đầy nanh vuốt và trải rộng khắp nơi, họ
có thể kiểm soát từng đám đông tụ họp 3 người trở lên. Không nhóm nào có khả năng ngồi bàn
nhau cách viết biểu ngữ, chứ đừng nói là kéo nhau đi biểu tình hàng trăm người chống một nước
“đồng chí cộng sản.”

Vậy thì tại sao lại xảy ra những cuộc biểu tình như vậy? Chỉ có thể giải thích là trong hàng ngũ lãnh
đạo đảng Cộng Sản có những người bật đèn xanh cho việc tổ chức biểu tình. Và những người này có
ảnh hưởng trên một số công an nên họ nhắm mắt làm ngơ cho các sinh viên truyền tai nhau, rủ rê
nhau đi biểu tình.

Tại sao những người đó muốn cho sinh viên tổ chức biểu tình, trái ngược với đường lối của đảng
Cộng Sản? Có thể họ thực lòng yêu nước. Họ cũng cảm thấy nhục nhã khi thấy Ðảng và nhà nước
của họ chỉ lên tiếng phản đối Trung Quốc lấy lệ. Nhưng cũng có thể động cơ thúc đẩy họ ủng hộ việc
tổ chức biểu tình chỉ vì xung đột cá nhân. Những người đã mất quyền muốn chống những người
đang nắm quyền, có thể tìm bất cứ lý do nào để chống. Trong các đảng cộng sản, các lãnh tụ thất
thế vẫn tìm cơ hội đá hậu những người đang nắm quyền. Phe này đánh phe kia, chính nhờ thế mà
có các vụ phanh phui tham nhũng. Khi vụ đánh cá bóng đá bằng công quỹ mất hàng triệu Mỹ kim bị
khui ra, đó là một đòn đánh vào cạnh sườn Nông Ðức Mạnh. Khi vụ tố cáo biển thủ đất đai ở Bình
Dương được các báo loan tải, đó là cú đá trả lễ vào phía sau của Nguyễn Minh Triết. Nhưng các lãnh
tụ cộng sản cũng thường dùng cả những chiêu bài đối ngoại để tấn công lẫn nhau. Sau khi lật đổ
được đối thủ rồi, đến lượt mình lên ngôi thì chính họ cũng dẹp bỏ các chiêu bài đó.

Hành động ngang ngược của Bắc Kinh đối với các đảo Hoàng Sa gần đây là một “thời cơ vàng” cho
những người trong đảng Cộng Sản Việt Nam muốn chống lại nhóm đang cầm quyền trong câu lạc bộ
Ba Ðình. Nếu họ vẫn còn ảnh hưởng trên một số cán bộ an ninh, việc tổ chức biểu tình không phải
là việc khó.

Ðó là những điểm hồ nghi về hiện tượng các cuộc biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội trong ngày hôm
qua. Các cuộc biểu tình đó diễn ra sau khi tờ báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn được lệnh phải chấm dứt các
bài có ý kiến phản đối chính phủ Trung Quốc về vụ Hoàng Sa. Khi tờ báo Tuổi Trẻ bị bịt miệng,
những người đứng đàng sau tờ báo này bèn bày ra đòn mới, là tổ chức biểu tình chống Cộng Sản
Trung Quốc! Chúng ta sẽ chờ xem ông Nguyễn Tấn Dũng có nhắc lại chủ trương siết chặt báo chí,
không cho đăng tin tức các cuộc biểu tình này hay không.
Sau khi nghĩ tới những điều hồ nghi trên, chúng ta vẫn biết có một điều chắc chắn, có thể tin được.
Là lòng người Việt Nam ở trong nước đang sôi cơn giận dữ vì cảnh mất Hoàng Sa, một mảnh đất của
cha ông để lại. Ðồng bào ta đang sôi sục một mối căm hờn, nhớ lại hàng ngàn năm lịch sử dân ta
từng bị dân phương Bắc chiếm đóng, bóc lột. Và cả nước đang phẫn uất vì thái độ hèn nhát của
đảng Cộng Sản Việt Nam, khi họ chỉ đánh trống lảng, không dám phản đối Cộng Sản Trung Quốc
một cách mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể tin những tâm trạng đó có thật. Trong đám các bạn sinh
viên đại học ở Sài Gòn và Hà Nội đi biểu tình, chúng ta biết trái tim và nhịp thở của họ cũng giống
chúng ta. Họ hô các khẩu hiệu khẳng định “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước Việt
Nam” với tất cả tấm lòng yêu nước. Họ cất tiếng hô lên bằng dòng máu và nước mắt của họ, của tất
cả những người Việt ở khắp thế giới. Chúng ta cũng rạo rực trong lòng khi nghe họ cất tiếng hát:
“Dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi!” Chúng ta ca ngợi những con người can đảm đó. Họ sẽ không xấu hổ
khi nghĩ tới các chiến sĩ anh hùng đã xả thân bảo vệ Hoàng Sa, trước đây 33 năm, trong trận hải
chiến sau cùng giữa người Việt và người Trung Quốc, năm 1974. Trong bài trước, chúng tôi đã giới
thiệu các tác giả đã viết bài kể lại cuộc hải chiến oai hùng này, oai hùng, mặc dù quân ta đem sức
“châu chấu đá voi,” “trứng chọi với đá”, phải chấp nhận cảnh chiến bại.

Trong cuốn hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại”, Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã dành 31 trang kể lại
thời gian ông phải quyết định ra lệnh hải quân Việt Nam chống lại cuộc xâm lăng của Trung Quốc
lên quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó, ông làm tư lệnh hải quân Vùng I Duyên Hải. Ngày 15 Tháng Giêng
năm 1974, chiến hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 của ta đưa các địa phương quân thuộc Quảng Nam ra
thay thế các quân nhân đã hết nhiệm kỳ trấn đóng. Ngày 16, quân ta đụng quân Trung Quốc trên
một hòn đảo. Ngày hôm sau, có 2 tàu chiến Trung Quốc xuất hiện, trong lúc quân ta đi nhổ hết các
lá cờ Trung Quốc trên đảo, thay thế bằng cờ Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó ông Nguyễn Văn Thiệu,
tổng thống Việt Nam, viết chỉ thị cho hải quân Việt Nam, và nói thêm: “Chúng ta không để mất một
tấc đất nào cả.” Hải quân Việt Nam sau đó đã đưa thêm các chiến hạm HQ 4 (Trần Khánh Dư), HQ 5
(Trần Bình Trọng), HQ 10 (Nhật Tảo) tiếp ứng. Ðại Tá Hà Văn Ngạc đã tình nguyện ra chiến trường.
Lúc đó đã có 4 chiến hạm Trung Quốc vào vùng này và bắt đầu khiêu khích. Tin tình báo Mỹ cho biết
có 17 chiến hạm của Trung Quốc đang ở phía Bắc Hoàng Sa, và phi cơ chiến đấu của họ sắp cất
cánh từ đảo Hải Nam để tấn công tàu thủy Việt Nam. Trong lúc đó, phi cơ F- 5 của ta nếu bay từ Ðà
Nẵng đi sẽ phải trở về sau 15 phút vì sẽ hết xăng. Các chiến hạm Ðệ Thất Hạm Ðội Mỹ được lệnh
tránh xa vùng hải chiến này.

Cuộc chiến “châu chấu đá xe” trong ngày 19 chỉ diễn ra trong vòng nửa giờ, vì quân ta yếu thế. Hải
quân Mỹ đã từ chối không tới cứu các thủy thủ Việt Nam nổi trôi trên mặt biển, nhưng có 23 thủy
thủ đã được một tàu của hãng Shell, Hà Lan cứu giúp.

Kết quả cuộc hải chiến là Thiếu Tá Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà cùng hơn 30 chiến sĩ Việt Nam đã tử
thương hoặc mất tích, 28 người bị bắt về đất địch.

Sáng ngày 19 Tháng Giêng năm 1974, 15 chiến sĩ Việt Nam trên chiến hạm Lý Thường Kiệt khi thấy
chiến hạm Trung Quốc trúng đạn, họ đã cùng hát lên bài “Việt Nam! Việt Nam!”

Như Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại kết luận, “Ai là người Việt Nam đều có quyền hãnh diện là trận hải
chiến Hoàng Sa là trận hải chiến duy nhất... chống ngoại xâm” của nước ta trong thế kỷ trước.

Các bạn thanh niên, sinh viên đi biểu tình trong ngày hôm qua và trong các tuần tới hãy chia sẻ
niềm hãnh diện đó. Hãy hát lên bài “Việt Nam! Việt Nam” để tỏ niềm hãnh diện chung của một dân
tộc bất khuất. Chúng ta khẳng định một lần nữa: “Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam.”

You might also like