You are on page 1of 4

TIN HỌC

VÀ VIỆC GIẢNG DẠY GIÁO LÝ


(Đã đăng trong bản tin Hiệp Thông của Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam)

Từ ngày được phát minh vào thập niên 1950 cho đến nay, máy tính đã phát triển với tốc
độ chóng mặt, không những về phần cứng, các thiết bị ngoại vi và các chương trình phần mềm
ứng dụng, mà còn phát triển không ngừng về phạm vi áp dụng thực tế. Có lẽ giáo dục ở Việt nam
là lãnh vực ứng dụng chậm nhất của công nghệ này. Ở các trường phổ thông và đại học tại Việt
nam trong những năm gần đây, việc đưa máy tính vào ứng dụng trong giảng dạy được cổ vũ và
khích lệ mạnh mẽ. Nhưng dường như đa số giảng viên chưa nhiệt tâm lắm với phương pháp
giảng dạy mới mẻ này vì nhiều lý do, hoặc nếu có giảng dạy thì cũng chỉ là dùng chương trình
Powerpoint trình chiếu dàn bài của bài giảng như một công cụ thay thế phấn trắng bảng đen, chứ
ít có giáo viên tận dụng mọi khía cạnh của tin học, trong đó phải kể đến việc thu thập thông tin và
sử dụng các phương tiện đa truyền thông (multimedia) để tối ưu hoá bài giảng của mình. Hơn
nữa, việc sử dụng máy tính trong giảng dạy đôi khi lại gây tác dụng ngược khi sinh viên quá
nhàm với cách trình bày bài giảng đơn điệu, hay nhận thấy bài giảng hài hước đến vô duyên, như
ở một đại học nọ, giảng viên chiếu nhầm phim sex khi giảng dạy một môn được coi là kinh điển
ở Việt nam. Vị giảng viên này lúng túng đến vài ba phút và loay hoay mãi mới tắt được cái laptop
cứng đầu! Trong bối cảnh ấy, việc giảng dạy giáo lý dường như còn để cho tin học đứng ngoài
cửa lớp, và giáo lý viên vẫn chưa nghĩ đến việc làm cho giáo lý hấp dẫn hơn xét về mặt sư phạm,
bằng việc tận dụng công cụ rất sáng tạo và đầy tiện ích cũng như phù hợp với đà phát triển
chung, là máy tính.

I. TẠI SAO SỬ DỤNG MÁY TÍNH TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ?

Có hai điều mà các nhà giáo dục phải thừa nhận. Thứ nhất là giới trẻ bây giờ rất thành
thạo trong việc sử dụng máy tính (ở đây chưa xét đến việc họ thành thạo mức nào và ở khía cạnh
nào). Thứ hai là việc tiếp cận thông tin của lớp trẻ ngày càng nhanh nhạy và đa dạng (chúng tôi
cũng chưa xét đến loại thông tin gì và lớp trẻ xử lý thông tin ấy ra sao).
Có thể có những vị linh mục hay các bậc phụ huynh lúng túng trong thao tác máy tính,
nhưng đa số lớp trẻ thì không thế. Họ sử dụng máy tính đơn giản như cha anh của họ dùng bút
mực và sách in ngày nào. Cài đặt chương trình, thậm chí bẻ khoá các chương trình tải xuống từ
Internet là điều mà các bạn trẻ thực hiện dễ dàng y như việc dán một nhãn vở! Hãy nhìn vào các
tiệm Internet, các bạn trẻ bước vào và tự tin ngồi trước máy, gõ tới gõ lui nhanh nhẹn, không
khác các chuyên gia bao nhiêu! Việc tiếp cận thông tin của người trẻ cũng nhanh không kém. Các
nguồn thông tin phong phú từ Internet đổ xuống tài khoản của họ hàng ngày, hàng giờ, từ các
nguồn tin đáng tin cậy cho đến đủ loại thông tin không ai kiểm chứng được. Bill Gates, khi nói
chuyện với giới trẻ Singapore, đã cho rằng “các bạn thuộc Generation I” nghĩa là thế hệ của
Internet, thế hệ của một thế giới phẳng, nơi mọi thông tin có thể tải xuống và hiển hiện trên màn
hình phẳng, thể hiện một thế giới thu nhỏ và rất gần nhau.
Một lớp trẻ gần gũi và thông thạo với máy tính đến như thế sẽ thấy không hấp dẫn khi
ngồi trong một lớp học “thầy đọc trò chép” kiểu học từ chương. Một lớp trẻ như thế, vốn đã mệt
mỏi với những lớp học căng thẳng kéo dài từ sáng đến tối mịt mọi ngày trong tuần, sẽ không
hứng thú gì khi đến với các lớp giáo lý ngày Chúa Nhật lại cũng phấn trắng bảng đen, anh chị
đọc các em chép, rồi lại dò bài thuộc lòng đến từng dấu chấm phẩy! Và một lớp trẻ như thế sẽ
mệt nhoài và thậm chí ngủ gật khi cứ phải nghe hoài và nghe mãi một người đứng nói suốt một
hai tiếng đồng hồ. Thành ra, việc đưa máy tính vào làm công cụ giảng dạy giáo lý chắc chắn là
một nhu cầu cần phải được đáp ứng càng nhanh càng tốt. Lời Chúa là chủ thể của giáo lý, và Lời
Chúa tự bản chất là sự sống (x.Ga.1,4). Lời Chúa là
“Lời thơ muôn thuở,
Là nguồn cảm hứng dồi dào
(…)
Lời sao huyền diệu làm sao,
Như sâu tim óc, như vào thịt xương”
(LM. Nguyễn Xuân Văn, Sứ Điệp Tình Thương).
Nhưng để Lời chân lý đến với con người, Thiên Chúa Quan Phòng qua dòng lịch sử đã dùng đến
những con người và những khí cụ tương thích với văn hoá, với nền văn minh và với tâm lý con
người qua từng thời đại cụ thể. Mà khí cụ của ngày hôm nay, trong nền văn hoá toàn cầu này và
trong tâm thức của người trẻ hôm nay là gì nếu không phải là máy tính?

1. Lớp học sinh động


Trong môn phương pháp giảng dạy tại các trường sư phạm, giáo cụ trực quan hay học cụ
(visual aids) được coi là yếu tố không thể thiếu. Lý do thật đơn giản: lớp học sẽ sinh động hơn và
học sinh “cảm” được bài học hơn. Giáo cụ truyền thống là bảng đen phấn trắng, hình ảnh, bản đồ,
biểu đồ và các sinh vật. Trong việc giảng dạy giáo lý, từ trước đến nay nhiều giáo xứ có chuẩn bị
các giáo cụ như trong lớp học ở các trường bên ngoài, nhưng ở nhiều giáo xứ thì vẫn chỉ là phấn
trắng bảng đen, có nơi thiếu cả phấn. Những người có trách nhiệm không thể cho rằng cứ rao
giảng Lời Chúa đúng và đủ thì không cần đến trợ cụ nào khác, bởi lẽ Thiên Chúa nhập thể là để
con người nhận ra Ngài “hic et nunc”, ở đây và trong hoàn cảnh này với mọi phương tiện và cách
thức phù hợp với thời đại. Hãy tưởng tượng một bài giáo lý với máy chiếu, dàn bài trình bày rõ
ràng, có minh hoạ bằng hình ảnh, đoạn phim và nhạc, lại có cả hình ảnh của các em học viên trên
màn ảnh! Chẳng hạn khi giảng bài “Chúa Thánh Thần”, giáo lý viên có thể cho các em thấy hoạt
động của Chúa Thánh Thần trong việc hoàn thiện thế giới bằng những hình ảnh đẹp, đầy tình
thương và trách nhiệm của con người thời đại. Giáo lý viên có thể chiếu cả những đoạn phim
quay các em học viên đang làm việc tốt ở đâu đó. Hẳn là lớp học sẽ sinh động, vui tươi biết bao
nhiêu. Lúc đó, chắc chắn lớp giáo lý, xét về mặt con người và xã hội, cũng giúp lôi kéo các em
ra khỏi phòng game và các trang web không phù hợp!

2. Học viên dễ nhớ


Hãy nói với tôi, tôi sẽ nhớ vài ngày. Hãy cho tôi chép, tôi sẽ nhớ vài tuần. Hãy cho tôi
xem, tôi sẽ nhớ mãi. Người ta thường nói đại ý như thế để chứng minh tầm quan trọng của hình
ảnh và các dụng cụ trực quan trong việc giảng dạy. Theo I.Markey, “Các nghiên cứu cho thấy
chúng ta tốn quá nhiều thời gian để lắng nghe, nhưng không nhất thiết nhớ hết mọi điều người ta
nói. Sau một thời gian ngắn, những bài giảng 10 phút còn đọng lại được một nửa. Sau 48 giờ,
người ta chỉ còn nhớ 10 phần trăm”. Và ông nói thêm: “Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng người
ta chấp nhận những thông điệp truyền tải không bằng lới nói dễ dàng hơn là các thông điệp được
nói ra: bằng lới 10%, âm giọng 35% và các thái độ 55%”. Ở đây chúng ta chưa xét đến đời sống
gương mẫu của giáo lý viên mà chỉ muốn chứng minh rằng nếu chỉ giảng bằng lời nói thôi thì sợ
rằng tác dụng sẽ không phải là tối đa. Tuổi giáo lý của các em là lứa tuổi phải nhớ bao nhiêu loại
thông tin, từ bài vở trường lớp cho đến thông tin từ báo chương tạp chí, truyền hình và cả trên
đường phố mỗi ngày. Dĩ nhiên Lời Chúa sẽ đi vào lòng các em và đi vào cuộc sống các em nhờ
ân sủng, nhưng sự cộng tác của giáo lý viên cùng những nỗ lực của giáo lý viên là cần thiết trong
chương trình của Thiên Chúa.

3. Đào sâu kiến thức


Khi soạn bài, giáo lý viên cần tham khảo tài liệu để đào sâu bài giảng của mình, dĩ nhiên
không phải để trình bày bài giáo lý một cách sâu sắc và đầy đủ vượt quá tầm hiểu biết của các em
học viên, nhưng việc đào sâu nhằm củng cố kiến thức giáo lý viên, làm cho họ tự tin và trình bày
Lời Chúa chính xác và hữu hiệu hơn. Khi sử dụng máy tính trong việc soạn bài, giáo lý viên có
thể tham khảo việc chú giải Lời Chúa từ nhiều nguồn phong phú, trong đó có những trang web
rất thiết thực và gần gũi với đời sống dân Chúa.

4. Hỗ trợ hoạt động trong lớp học


Nếu được khai thác hợp lý, việc sử dụng máy tính trong giảng dạy giáo lý ngoài những
tiện ích đã đề cập, còn giúp giáo lý viên tổ chức các hoạt động trong lớp thiết thực và giúp các em
ghi nhớ bài học nhanh chóng. Các hoạt động với sự trợ giúp của máy tính còn giúp phát triển trí
sáng tạo của các em ở tuổi vị thành niên. Các chương trình đố vui, các trò chơi giáo lý và việc
chú giải hình ảnh sinh động vừa giúp các em tập trung chú ý vừa giúp các em suy nghĩ độc lập.
Đó là chưa kể đến việc kết hợp âm thanh, hình ảnh và chữ viết, làm cho các hoạt động lớp học
trực tiếp tác động đến trí tưởng tượng của các em, để các em dễ hình dung ra những chân lý trừu
tượng đối với lứa tuổi vốn nhanh nhạy với những gì mang tính trực quan và cụ thể.

II. ĐỄ DỰ ÁN THÀNH HIỆN THỰC


Hiển nhiên những điều trình bày trên đây vẫn chưa thích hợp với nhiều giáo xứ, nhất là ở
những giáo phận còn khó khăn về mọi mặt. Nhưng việc trang bị đầy đủ cho hoạt động giáo lý
hữu hiệu trong thời đại này phải là điều ưu tiên hàng đầu. Người trẻ trong giáo xứ có thể thiếu
thốn nhiều thứ, nhưng việc rao giảng Tin Mừng nhất thiết phải được các đấng bậc dồn hết tâm lực
để phát triển ngày một hơn. Muốn thực hiện chương trình tin học hoá việc giảng dạy giáo lý, ít
nhất chúng ta phải quan tâm đến những điều căn bản nhất.

1. Giáo xứ cần trang bị hệ thống máy tính thích hợp


Dạy giáo lý bằng máy tính mà không có máy tính là điều viễn vông! Để trang bị cho một
phòng học giáo lý với máy tính,thì ít nhất phải có một máy tính, một projector (máy chiếu), một
màn chiếu và bộ loa. Đầu tư cho một phòng học như vậy đòi hỏi số tiền không nhỏ. Nhưng thiết
nghĩ, có lẽ việc đầu tư một lần cho công trình rao giảng quả không phải là điều phung phí. Việc
huy động các nguồn lực cần được thực hiện dần dần. Và nếu dân Chúa sẵn sàng đóng góp cho
việc xây dựng đền thờ, thì họ cũng sẽ quảng đại để góp phần xây dựng các đền thờ thiêng liêng là
chính con em của họ. Các giáo lý viên là những người đã sẵn sàng góp chút công sức và thì giờ
của mình, thì chắc việc tìm cách hỗ trợ cũng không phải là điều hoàn toàn không thể. Tuy nhiên,
chắc chắn chúng ta không thể đòi hỏi tất cả các phòng học đều được trang bị ngay tức khắc và
hoàn hảo.Việc thiết lập vài phòng học tiêu biểu (tạm gọi là phòng lab giáo lý), để giới thiệu tính
năng vượt trội của công nghệ trong công việc rao truyền lời của Đấng là nguồn mạch mọi kiến
thức, là cha đẻ của mọi công nghệ là điều chúng ta nên nghĩ đến.

2. Giáo lý viên cần thành thạo một số chương trình máy tính
Có những phòng giáo lý lý tưởng với công nghệ hiện đại sẽ là hoang phí nếu giáo lý viên
không biết tận dụng công nghệ, không biết sử dụng máy tính trong giảng dạy. Lúc ấy có lẽ phòng
lab giáo lý chỉ dùng để nghe nhạc hoặc chiếu phim! Nếu giáo lý viên được định nghĩa là người
trợ giúp các vị mục tử trong chương trinh rao giảng Lời Chúa, thì họ cũng phải là những người
biết tìm cách hoàn thiện kiến thức của mình về các khoa học thánh, đồng thời cũng phải biết tự
tìm tòi để khám phá và ứng dụng khoa học tự nhiên vào trong việc truyền giảng khoa học thánh.
Các lớp đào tạo giáo lý viên cũng nên có chương trình đào tạo cách sử dụng máy tính trong giảng
dạy. Việc đào tạo này không chỉ giúp các bạn dùng được chương trình máy tính, mà quan trọng
hơn, giúp các bạn biết soạn bài giảng phù hợp, biết cách tìm và đưa vào giảng dạy những hình
ảnh và tài liệu tương thích. Nếu các giáo xứ, và cả giáo phận, có một ban chuyên về việc giúp đào
tạo “giáo lý viên thời thế giới phẳng”, thì dự án này sẽ phát triển nhanh chóng. Thực tế đang có
những giáo lý viên thành thạo các chương trình ứng dụng tin học. Họ sẽ là những người giúp đỡ,
hướng dẫn, soạn tài liệu, tìm nguồn hình ảnh đồ hoạ và giúp giải quyết các vấn đề khác trong việc
giảng dạy.
III. LỜI KẾT
Các ngôn sứ thời Cựu Ước rao giảng trong nền văn minh nhân loại thời sơ khai với những
công cụ rao giảng của thời đại mình. Các Tông đồ thời Chúa Giêsu và sau ngày Chúa Lên Trời đi
rao giảng một cách dĩ nhiên khác hoàn toàn với thời Cựu Ước. Nếu các ngôn sứ, các Tông đồ đi
rao giảng trong thời đại hôm nay, hẳn các ngài cũng sẽ sử dụng xe cộ, điện thoại và máy móc.
Máy tính hoàn toàn không phải là xa xỉ hay hoang phí, bởi lẽ mọi ngành nghề và mọi lãnh vực
trong đời sống con người đã và đang ứng dụng nó. Là giáo lý viên, chúng ta không có quyền để
cho các em nhìn lớp giáo lý như một nơi trình bày Lời Chúa một cách khô cứng và xa rời đời
sống thường nhật của các em. Việc tận dụng khí cụ của thời đại phải được coi là đòi hỏi của Tin
Mừng, và đồng thời nó còn chứng tỏ việc Giáo Hội quan tâm đến công cuộc giáo dục thánh một
cách năng động và tích cực. Người viết bài này có chút kinh nghiệm áp dụng máy tính trong việc
giảng dạy tại trường đại học, xin mạo muội viết lên vài ý nghĩ chân thành của mình như một nỗ
lực góp phần vào việc canh tân đường hướng huấn giáo. (Các Cha xứ cần chúng con giúp đỡ về
vấn đề này có thể liên lạc trực tiếp qua email johnpvinh@yahoo.com. Chúng con có một nhóm
anh em có thể giúp các anh chị giáo lý viên các xứ). Nguyện xin Chúa Thánh Linh là nguồn mạch
mọi phát minh và canh tân, chúc phúc cho ước nguyện canh tân cách giảng dạy giáo lý của chúng
con bằng những phát minh do chính Người hướng dẫn.

Gioan Lê Quang Vinh (Giáo lý viên)

You might also like