You are on page 1of 2

SỐNG ĐIỀU CON DẠY

Nhân dịp 20/11, nghĩ lan man về những người Thầy.

Chúng tôi lắng nghe Cha Quang Uy kể một câu chuyện về Bố Vũ Khởi Phụng.
Chuyện là một ngày nọ sau Thánh Lễ, có một anh giáo dân đến gặp Bố và thưa: “Thưa
Cha, Cha giảng về đức bác ái hay lắm. Bây giờ con cần ba trăm ngàn, Cha cho con được
không?”. Bố Phụng thì nghèo, nhưng trong túi Bố có ba trăm ngàn do ai mới cho để ngài
làm việc gì đó. Bố vui vẻ lấy số tiền trao cho anh giáo dân đang cần tiền ấy. Khoảng nửa
năm sau, có người mang đến cho Bố Phụng một phong bì, trong đó có số tiền ba trăm ngàn
và mấy dòng chữ thú thật là hôm ấy anh muốn thử Bố chứ cũng không cần tiền lắm. Anh
cám ơn Bố vì nhờ cử chỉ bác ái của Bố mà anh đã sáng ra và đã thay đổi cách sống.
Chuyện hay lắm, tôi rất cảm động, nhưng tôi hoàn toàn không ngạc nhiên vì tôi đã
biết rõ Bố Phụng từ những ngày còn sinh viên, có Bố là linh hướng và là người thầy dạy
cho chúng tôi không biết bao nhiêu điều quí giá. Mới đây, đọc lại bài giảng lễ của Đức
Tổng Giám Mục Hà nội: “Để sống đúng lương tâm công giáo, ta phải chối từ những mối
lợi bất chính. Để chu toàn luật Chúa, ta phải từ chối những hưởng thụ ngọt ngào. Để thực
hành luật yêu thương tha thứ, ta phải cắn răng chịu nhịn nhục.” Lời đơn sơ nhưng đã đánh
động thật mạnh mẽ, nhưng tôi cũng không ngạc nhiên, vì hình ảnh vị chủ chăn và là thầy
dạy muôn dân, đã là minh chứng hùng hồn cho lời rao giảng của ngài. Ngài đã chối từ
những mối lợi bất chính, chối từ sự êm ái trong chức vụ cao cả của ngài, chối từ sự yên ổn
trong những ngày Hà nội mưa bão. Và ngài đã cắn răng nhịn nhục khi chung quanh là
những vu cáo và đe doạ. Hai vị chủ chăn đã làm cho tôi ngước nhìn, và hiểu rằng Giáo Hội
Chúa vẫn sẽ mãi đứng vững như Lời Chúa hứa, vì môn đệ trung tín của Chúa vẫn còn hoạt
động mạnh mẽ. Các ngài đang sống lời các ngài dạy.
Tôi đi Lễ tối. Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam rực rỡ với đèn hoa và những lời ca
vang thánh thót. Nhưng thật tiếc, thật tiếc khi một cha phó của một xứ lớn ở quận Ba đến
dâng lễ, đã giảng rằng “ngày hôm nay Giáo Hội xem ra không còn bị bách hại nữa, nên
chúng ta tử đạo trong việc không ganh ghét, không tham nhũng”. Chúng tôi nhìn nhau
sững sờ. Có làm đến chức gì đâu mà tham nhũng! Vậy cả nhà thờ tử đạo hết rồi. Tối hôm
trước, chúng tôi ngồi bên máy tính, theo dõi diễn biến Thái Hà đến gần sáng. Sáng sớm,
một bác sĩ đàn anh gọi điện hỏi đã biết về Thái hà chưa, rồi hai anh em gần như nghẹn
ngào. Vậy mà cha giảng như thế đó. Sau lễ, tôi xin gặp cha một chút. Cha vừa rồ máy xe
vừa nghe. Tôi nói chưa hết câu, cha bảo: “Thế thì ông lên mà giảng”. Tôi lại sững sờ.
Thỉnh thoảng cũng có những thầy cả như thế.
Nhưng nỗi buồn ấy tan nhanh lắm, bởi vì tôi nghĩ chắc cha ít đọc, cũng không có
giờ nghe tin. Có lẽ vì vậy mà một số bạn bè tôi hễ nghe đến linh mục là nói nặng lời. Nói
kiểu vơ đũa cả nắm thì chỉ tỏ ra mình không hiểu biết và hằn học. Những chủ chăn, những
người thầy dạy muôn dân mà Giáo Hội thừa lệnh Chúa mời vào sứ vụ linh mục chắc chắn
còn nhiều vị tốt lành, nếu không thì Giáo Hội Chúa đã tan theo các cơn bách hại tàn độc
của quỉ dữ rồi. Nỗi buồn ấy còn tan nhanh khi một bạn giáo lý viên, còn là sinh viên, trẻ cả
tuổi đời lẫn tuổi giáo lý viên, gặp tôi nói lên thao thức của mình về việc học hỏi, rao giảng
và sống giáo lý. Bạn ấy bảo: “Em phải nhờ các anh chị một tay vì một mình em chẳng làm
được gì”. Tôi thầm nghĩ, sao một mình em được. Giêsu đang đứng bên em. Những vị chủ
chăn chân thật đang đứng bên em. Bạn ấy đang sống điều bạn ấy dạy.
Tự dưng muốn so sánh những điều ấy với các thầy giáo và những môn học ở
trường đại học của tôi. Có những người thầy đúng nghĩa, chỉ dạy cái đúng và cái hay.
Nhưng phải đau lòng mà thừa nhận rằng có những người thầy nói những điều họ không tin,
nói vì đồng tiền hoặc nói vì nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó. Trong bài viết “Giáo Hội cần được
mở trường học”, tôi có kể chuyện một vị tiến sĩ Sử học nọ than với tôi rằng ai cũng hỏi ông
nói dối suốt ngày chịu sao nổi. Ông trả lời nếu ông không nói dối sao ông có cơm ăn!
Ngày 20/11, những bó hoa, những gói quà xênh xang cùng phố phường. Có những
món quà nặng tình nặng nghĩa. Nhưng cũng có những món quà bị “buộc phải tặng”. Một
lần nọ cũng đã lâu, có lần tôi đang giảng bài trong lớp thì một anh chàng sinh viên lén chạy
ra ngoài. Tôi đi theo gọi cậu ta lại và hỏi sao em bỏ chạy. Vì cậu ta thân thiết với tôi nên
cậu ta nói thật: “Dạ vì các bạn chuẩn bị thu tiền mua quá cho các thầy cô, mà hôm qua đến
giờ em đã đóng mấy lần, em hết tiền rồi, chẳng còn đồng nào thầy ơi”. Tôi nghe mà lòng
thật đau buồn. Từ đó về sau cứ gần đến ngày nhà giáo, tôi hay nhắc các em rằng không nên
mua quà cho thầy cô, mà món quà đẹp nhất là học cho giỏi. Sau đó tôi có viết một bài báo,
trong đó có câu tôi thích nhất thì người ta cắt bỏ. Câu ấy tôi nhại lời một bài thơ phổ nhạc
“Những chiếc xe chở đầy quà cáp, thầy chở bữa cơm chiều của em đi đâu”. Câu này dĩ
nhiên là có thể làm những người nhận quà thật tâm, cảm thấy khó xử. Nhưng tôi tin là tất
cả những nhà giáo chân chính đều không muốn thấy học trò của mình phải gặp khó khăn
khi tặng quà thầy cô.
Ngày Nhà giáo, xin cho con được dâng lời ca ngợi Chúa Kytô, vị Thầy vĩ đại nhất
của mọi thời, Mẹ Lavang, Thầy dạy chúng con con đường theo Chúa Kytô, những vị ân sư
dẫn đường chúng con đến với ánh sáng của Lời Chúa, và tất cả những thầy cô đã dạy
chúng con nên người.
Và món quà của chúng con là lời cầu nguyện chân thành từ đáy lòng mình. Xin cho
mọi nhà giáo ở trần gian thực hiện được lời của vị chủ phong trong Thánh Lễ phong chức
linh mục: “Con hãy tin điều con đọc, hãy dạy điều con tin và hãy sống điều con dạy”.

Gioan Lê Quang Vinh

You might also like