You are on page 1of 2

CHUYỆN DẠY CON LÀM VIỆC NHÀ- TỰ PHỤC VỤ VÀ THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG

Hiện nay bạn có đang dạy con làm việc nhà hay không? Mình thấy có rất nhiều bạn gặp khó
khăn, phải gửi con tới trại hè dạy kĩ năng sống để rèn con, vì con không thích làm việc nhà.
Bạn hãy nghĩ tới chính bạn ngày xưa, đã làm việc nhà phụ giúp bố mẹ như thế nào. Đó là thời
còn khó khăn, cha mẹ làm việc không ngưng nghỉ, thì việc con cái ở nhà phụ cha mẹ việc nhà là
chuyện tất nhiên. Có người thích làm, có người không, có người mải chơi bị ăn cây, thời ấy là
chuyện rất thường tình, không ai lên án là bạo hành trẻ, không ai chê trách là sao bắt con làm
nhiều thế, vì nhà nào mà chả giống nhà nào. Và các bạn đều công nhận rằng, nhờ những năm
tháng nghiêm khắc và vất vả đó, các bạn đã trở thành người như ngày nay, không sợ vất vả, lăn
lộn đâu cũng sống được, làm gì cũng làm được.
Ngày nay thì thế nào hả các bạn? Ngày nay thời thế thay đổi, công việc cũng thay đổi rất nhiều.
Những người con gái nhà nông dân, nhà thuyền chài năm xưa, nhờ có học hành mà đi làm nhà
nước, đi làm ở công ty, đi làm cho kinh doanh, ngân hàng, v,v, đâu còn mấy người làm vườn
làm ruộng như trước nữa. Việc nhà của các bạn bây giờ nói thật là nhàn tênh. Nhà nhỏ, các bạn
đi làm cả ngày, con bạn đi học ở trường cả ngày, tối về cùng lắm nấu bữa cơm gia đình, hay
dọn cái nhà cho gọn lại. Giặt giũ đã có máy giặt, chỉ phơi rồi cất đồ, lau nhà cũng có cây lau nhà,
còn nấu ăn? Nấu một lần ăn được mấy bữa cũng không sợ đồ ăn hư, vì đã có tủ lạnh. Điều kiện
sướng hơn trước rất nhiều và đơn giản hơn rất nhiều.
Vậy thì việc dạy con làm việc nhà thế nào? Theo mình, tâm thế dạy con làm việc nhà không còn
là để phụ cha mẹ nữa. Thời xưa cha mẹ vất vả nắng mưa, con cái thương cha mẹ nên ráng làm
phụ. Ngày nay, con cái không thấy sự vất vả của cha mẹ, chỉ thấy cha mẹ đi làm rồi về, sự vất
vả căng thẳng nằm trong đầu mỗi người, con cái khó thấy ở bề ngoài. Thêm nữa, việc nhà cũng
đơn giản hơn trước rất nhiều, cũng không đòi hỏi sự giúp đỡ của con, cha mẹ hoàn toàn có thể
làm được. Do đó, nhiều bậc cha mẹ thường hay than thở, thời này sướng quá nên con cái
không biết thương cha thương mẹ như thời xưa. Thời này con cái sướng quá nên không có tinh
thần vượt khó. Theo mình, thời nào cũng có đặc thù và yêu cầu riêng của nó, vì vậy dù ở thời
nào, con cái vẫn cần cha mẹ rèn cho những kĩ năng cơ bản.
Một số gia đình thấy con lười làm việc nhà, nên gửi con tới trại hè, để người ta dạy cho con biết
cách nấu cơm, biết cách gấp chăn mền. Kĩ năng sống cơ bản HÀNG NGÀY của con, mà cần có
người khác dạy cho con của mình, thì người cha người mẹ ấy dạy được con mình cái gì? Trẻ có
thể học được kĩ năng ở người khác, nhưng trẻ không bao giờ có thể duy trì kĩ năng đấy ở nhà,
khi cha mẹ vẫn sinh hoạt y như lối cũ, vẫn cư xử với con theo cách cũ. Điều đó giải thích vì sao
trại hè quân đội, trại hè kĩ năng, con về siêng được 3 bữa, tới bữa thứ 4 thì lười, rồi cha mẹ chê
mấy trại hè đó chẳng mang lại được cái gì.
Dạy con làm việc nhà hay không, theo mình không quan trọng. Quan trọng con bạn cần phải có
3 điều sau đây:
1. KHẢ NĂNG TỰ PHỤC VỤ VÀ TỰ LO CHO CHÍNH MÌNH. Các em phải học được và làm
được điều đó, biết cách tự sắp xếp cuộc sống và tự lo cho cho cái thân của các em, không thể
nào ỷ lại vào cha mẹ cho được. Các em có lười làm việc nhà, làm dở ẹc đi chăng nữa, đó là
chuyện của các em, cha mẹ không nên lo lắng, miễn sao các em biết sắp xếp công việc của
chính mình sau khi ra đời là được.
Mình quan sát nhiều em học rất giỏi, học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, khi đi lên đại học và ở
trọ, ở chung với bạn nhưng phòng trọ như một cái ổ chuột, bẩn thỉu và thiếu tôn trọng bạn. Lý do
vì sao? Cấp dưới, cha mẹ nói chỉ cần học là đủ, cha mẹ lo cho đủ thứ từ cái ăn, cái mặc, đến
dọn nhà, dọn phòng, khi ra đời không có nổi kĩ năng cơ bản nhất là tự phục vụ cho chính mình.
Lớn hơn nữa, lập gia đình thì cha mẹ phải sang dọn nhà cho, vì hai vợ chồng ở quá bẩn. Theo
mình, bà mẹ này sai quá, chiều con quá, cả đời đi làm osin cho con. Lớn rồi mà lười, thì tốt nhất
là phải lo kiếm tiền, thật nhiều tiền, đủ tiền để chi trả dịch vụ dọn nhà, chuyện đó là bình thường,
mình có tiền thì mình xài cho phù hợp với nhu cầu.
Đối với các em ở trong nhà, cha mẹ yêu cầu làm mà lười và không muốn làm, tỏ thái độ này nọ,
theo mình do cha mẹ không nghiêm. Bạn cần phải cho con bạn biết, ai là chủ trong nhà, bố mẹ
hay con? Còn sống với bố mẹ thì phải tuân theo quy định trong nhà đề ra. Mai mốt con lớn, đi ra
ở 1 mình, nhà có như ổ chuột thì đó là nhà của con, bố mẹ không quan tâm. Còn bây giờ, con ở
với bố mẹ là phải tuân theo quy luật sinh hoạt của gia đình. Bạn nên làm rõ cái quy luật sinh hoạt
ấy với con, thảo luận và yêu cầu con tuân theo, và có thưởng phạt rõ ràng. Tôn trọng con là nói
cho con, thảo luận cùng con luật lệ trong nhà, để cùng thực hiện, chứ không phải tôn trọng con
là con muốn làm gì cũng được. Đó là dễ dãi và nuông chiều, không phải tôn trọng.
2. THÁI ĐỘ YÊU LAO ĐỘNG VÀ TRÂN TRỌNG CÔNG SỨC CỦA NGƯỜI KHÁC
Nếu con có được thái độ này, cha mẹ không cần phải lo lắng nhiều. Bởi vì con sẽ chăm học, sẽ
có ý chí vươn lên, không ngại khó khăn vất vả, và ra đời sẽ làm việc tốt. Ngược lại, cha mẹ phục
vụ cho con, tạo điều kiện cho con học hành, nhưng con có thái độ đòi hỏi, không được như ý thì
tỏ thái độ này nọ, chính là con đường ngắn nhất tạo ra một đứa con ích kỉ, chỉ biết đòi hỏi.
Tuỳ mỗi hoàn cảnh, các bạn tạo điều kiện cho con lao động, từ làm việc nhà phụ cha mẹ, hay
nói chuyện tâm tình để con chăm chỉ, cái đó tuỳ bạn.
Ở nước ngoài, mình không muốn khen nhưng thực sự đa số họ lịch sự và trân trọng công việc
của người khác, từ người bồi bàn, đến người bán hàng. Theo quan sát của mình, một phần đến
từ chính hành động của cha mẹ họ, ai làm gì họ cũng lịch sự cám ơn, một phần khác đến từ
chính trải nghiệm của họ. Kể cả con nhà giàu, thời sinh viên cũng đi làm thêm ở siêu thị, đứng
bán bánh mì, đi làm ở quán cà phê, v.v. có sự trải nghiệm sẽ có sự trân trọng. Bên Việt Nam
mình thấy tuổi đại học cũng có nhiều bạn đi làm thêm, nhưng không nhiều. Như cá nhân mình,
đi làm thêm ở thời sinh viên cũng chỉ làm gia sư, nên cũng chưa hiểu được và chưa thực sự trân
trọng các ngành nghề khác, tới khi qua đây, có trải nghiệm nhiều nghề, nhiều vị trí mới có được
cái nhìn đầy đủ của một xã hội nhiều vị trí và nhiều tầng lớp.
Mình khuyên các bạn muốn là gương cho con của mình, nên có thái độ lịch sự và cám ơn bất kì
khi nào bạn sử dụng loại dịch vụ gì. Bạn sẽ thấy con bạn học được từ hành động và thái độ của
bạn.
3. HIỂU ĐƯỢC SỰ VẤT VẢ CỦA CHA MẸ VÀ THƯƠNG CHA MẸ
Bạn đi làm, có bao nhiêu tiền đầu tư cho con ăn học và hưởng thụ, vậy con bạn có biết đến sự
vất vả lao động của bạn hay không, hay chỉ biết vòi vĩnh? Làm sao để con biết được sự vất vả
lao động của bạn? Làm sao để con suy nghĩ cho cha mẹ, hơn là suy nghĩ tới bản thân mình?
Cái đó tuỳ thuộc vào lời nói, lối sống và hành động của chính bạn. Ngày xưa, cha mẹ bạn yêu
cầu bạn cùng làm vườn, làm rẫy, bạn thấy đúng là vất vả thật, nhưng ngày nay bạn đâu có thể
cho con đi làm như vậy được nữa, vậy thì bạn phải tuỳ hoàn cảnh của bạn để dạy cho con.
Đó là 3 điều cốt lõi và cơ bản nhất bạn cần xây dựng và rèn cho con, cho dù thông qua việc gì đi
chăng nữa. Con bạn có bận học hành, không phụ bạn làm việc nhà, nhưng có đủ 3 yếu tố cốt lõi
trên, là quá tốt, bạn không cần phải bận tâm con bạn có làm được việc nhà hay không. Bởi vì,
làm việc nhà chỉ là 1 trong những phương tiện mà thôi, quan trọng là thái độ và kĩ năng cha mẹ
cần rèn cho con, rèn thế nào, rèn ra sao nhưng phải rèn cho bằng được.

You might also like