You are on page 1of 22

Chúng ta đã tạo ra cái xã hội rừng rú này

Hỏi: Hôm trước tôi đang đọc sách của ông, U.G., và tôi phải thú nhận là tôi đi đến một cảm
giác là mọi luận điểm của ông cho đến cùng chẳng dẫn tới hy vọng, mà là sự không thể tránh
khỏi khổ đau và tuyệt vọng của con người. Tôi nói đúng không?

U.G.: Về căn bản, tôi không thấy có tương lai nào cho loài người. Không phải tôi là một kẻ chuyên
phán những điều tồi tệ sẽ xảy ra, mà đúng hơn là, bất cứ cái gì được sinh ra từ sự phân tách trong con
người đến cuối cùng sẽ phá huỷ hắn ta và đồng loại. Vì thế tôi không mơ mộng hay hy vọng vào một
thế giới an bình.

Hỏi: Có phải đó là bởi vì sự không thể tránh khỏi của bạo lực?

U.G.: Bởi vì sự không thể tránh khỏi của chiến tranh nằm ở bên trong anh. Những cuộc chiến quân
sự ở ngoài kia là sự mở rộng của cái đang diễn ra liên tục ở bên trong anh đó thôi. Tại sao lại có cuộc
chiến khởi lên ở trong anh? Bởi lẽ anh tìm kiếm hoà bình. Công cụ anh đang dùng trong sự cố gắng
an hoà với bản thân mình chính là chiến tranh.

Trong con người vốn đã sẵn có sự an bình rồi. Anh đâu cần phải tìm kiếm. Cơ thể sống này đang vận
hành theo một lối an hoà đến phi thường. Cuộc tìm kiếm chân lý, sự thật của con người cũng nảy nòi
từ cùng cuộc kiếm tìm hoà bình này. Đến cuối cùng anh ta chỉ đang làm náo động và xâm phạm sự an
bình vốn đã có ở đó trong cơ thể. Thế nên cái còn lại với chúng ta là cuộc chiến bên trong, và cuộc
chiến bên ngoài. Nó là sự mở rộng của cùng một thứ mà thôi.

Cuộc tìm kiếm hoà bình của chúng ta trong thế giới này, dựa trên những gì thuộc về chiến sự, sẽ chỉ
dẫn đến chiến tranh, tiến về kiếp đoạ đày của con người.

Hỏi: Có nhiều trường phái triết học, bao gồm chủ nghĩa Mác, nói rằng đấu tranh là chuyện
không thể tránh khỏi.

U.G.: Đúng, chúng là không thể tránh được. Những người Mác-xít và những người khác, thừa nhận
một luận đề, qua đấu tranh, sẽ trở thành phản đề, và cứ thế mãi. Đây là những sáng chế về mặt triết
học được nghĩ ra để mang lại cho cuộc sống một chút mạch lạc và đường hướng. Còn tôi, trái lại, giữ
quan điểm rằng sự sống có thể đã bắt đầu một cách tuỳ tiện, có thể nó đã thành hình một cách tình cờ.
Nỗ lực trao cho cuộc sống một đường hướng của con người chỉ có thể đối mặt với sự tuyệt vọng, bởi
sự sống không có một đường hướng nào cả.

Nhưng điều này không ám chỉ rằng các quả tên lửa đang trên đường bay đến, rằng ngày tàn đang chực
chờ. Bản năng sinh tồn của loài người là một thứ ăn sâu bám rễ. Điều tôi đang nói là tất thảy cũng lời
nói ngọt ngào về hoà bình, về từ bi và tình yêu chẳng chạm gì được tới con người cả. Nó là rác rưởi.

Cái giữ cho con người gắn kết với nhau là nỗi kinh hãi. Nỗi kinh hãi trước sự tuyệt chủng lẫn nhau đã
có một tác động mạnh mẽ và lâu đời đối với con người. Tất nhiên cái này cũng không có gì là đảm
bảo. Tôi không biết nữa.

Hỏi: Hiện giờ vấn đề này càng cấp bách hơn nhiều trước một thực tế là các công nghệ của
chúng ta đoan chắc cho sự tuyệt diệt của mọi dạng sống, không chỉ có con người mà thôi,
trong trường hợp chiến tranh nổ ra ở mức độ cao.
U.G.: Cái ngày con người cảm thấy sự tự ý thức này ở trong mình, là cái khiến anh ta cảm thấy siêu
đẳng so với mọi giống loài khác trên hành tinh, cũng chính là ngày anh ta bước đi trên con đường dẫn
tới sự tự huỷ hoàn toàn và toàn diện. Nếu riêng con người bị huỷ diệt, có lẽ chả có gì mất mát cả.
Thật không may là, những công cụ huỷ diệt mà anh ta có khả năng tích trữ được trong thời gian qua
ngày càng trở nên tệ hại hơn, ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Anh ta sẽ lôi mọi thứ theo khi anh ta
tan biến.
Hỏi: Từ đâu mà sự thôi thúc mang tính căn bản phải làm chủ bản thân và thế giới này nảy nòi
ra vậy?

U.G.: Khởi sự của nó bắt nguồn từ ý tưởng tôn giáo rằng con người nằm ở trung tâm của vũ trụ. Lấy
ví dụ, người Do Thái và Thiên Chúa giáo tin rằng vạn vật được tạo ra là vì lợi ích của con người. Đấy
là lý do tại sao con người không còn là một phần của tự nhiên nữa. Anh ta đã làm ô nhiễm, phá hoại
và tiêu diệt mọi thứ, tất cả là để đáp ứng cho ý muốn làm trung tâm vũ trụ của anh ta, trong mọi tạo
vật chỉ riêng có anh ta.

Hỏi: Nhưng con người phải thuộc về một nơi nào đó chứ, chắc chắn là thế, ngay cả nếu đó có
không phải là trung tâm của vũ trụ. Sự sa ngã đại diện cho sự khởi đầu, chứ không phải là
kết thúc của loài người.

U.G.: Giáo lý về sự Sa ngã xuất hiện rất tiện lợi cho người Thiên Chúa giáo, chỉ thế thôi; nó chẳng có
một chút ý nghĩa nào cả. Toàn bộ cái truyền thống tín ngưỡng Thiên Chúa giáo này lợi dụng ý tưởng
về Tội Tổ tông hết cỡ, kết quả là những cuộc tàn sát, máu chảy đầu rơi, và những thể loại bạo lực
không thể tin được tương tự như thế.

Hỏi: Trong khi đó, các trường phái triết học phương Đông nói về một “trung tâm tĩnh lặng”
có thể tìm thấy thông qua thiền định…

U.G.: Tôi đánh dấu hỏi ngay sự tồn tại, ngay chính cái ý tưởng về bản ngã, tâm trí, hay tinh thần. Nếu
anh chấp nhận khái niệm về bản ngã (và nó là một khái niệm), thì anh cứ thoải mái theo đuổi và đắc
sự tự tri. Nhưng chúng ta không bao giờ đặt dấu hỏi với ý tưởng về bản ngã, đúng không?

Hỏi: Cái bản ngã mà ông đang nói đến nó là cái gì?

U.G.: Anh là người quan tâm tới bản ngã, chứ không phải tôi. Dù nó có là cái gì thì nó vẫn là thứ
quan trọng nhất đối với con người chừng nào anh ta còn sống.

Hỏi: Tôi tồn tại, vì thế, tôi hiện hữu. Có phải thế không nhỉ? Descartes chăng?

U.G.: Anh chưa bao giờ nghi ngờ thứ căn bản được giả định ở đây. Đó là: Tôi nghĩ, vì thế tôi tồn tại.
Nếu anh không nghĩ gì, sẽ không bao giờ anh xét tới chuyện liệu anh đang sống hay đã chết. Do
chúng ta lúc nào cũng nghĩ, nghĩ, chính sự phát sinh của ý nghĩ tạo ra nỗi sợ hãi, và chính từ nỗi sợ
hãi mà mọi trải nghiệm trào ra. Cả thế giới “bên trong” lẫn thế giới “bên ngoài” đều xuất phát từ một
điểm của ý nghĩ. Mọi thứ anh kinh nghiệm đều sinh ra từ ý nghĩ. Thế nên, mọi thứ anh kinh nghiệm,
hoặc có thể kinh nghiệm được, đều là một ảo tưởng.

Sự tự hấp thụ trong ý nghĩ phát sinh ra sự lấy mình làm trung tâm ở trong con người; tất cả những gì
có ở đó chỉ có thế. Mọi mối quan hệ dựa trên đó không tránh khỏi sẽ tạo ra khổ đau cho con người.
Đấy là những mối quan hệ hư nguỵ. Chừng nào còn xét tới anh mà nói, không có thứ gì được gọi là
một mối quan hệ cả. Ấy thế nhưng xã hội lại đòi hỏi không chỉ những mối quan hệ, mà còn là những
mối quan hệ vĩnh cửu nữa.
Hỏi: Ông có xem mình là một người theo chủ nghĩa hiện sinh không?

U.G.: Không, đừng nghĩ là anh có thể gán một cái nhãn lên tôi. Những nhà hiện sinh nói về sự tuyệt
vọng và sự phi lý. Nhưng họ chưa bao giờ thực sự sáp lá cà được với nỗi tuyệt vọng hay sự phi lý.
Tuyệt vọng đối với họ chỉ là một khái niệm trừu tượng.

Hỏi: Thế còn cơn giận dữ thì sao? Cơn buồn mửa? Cơn buồn nôn? Cái mà Raskalnikov cảm
thấy đó là gì nếu không phải là nỗi tuyệt vọng?

U.G.: Đấy là những khái niệm trừu tượng mà dựa trên đó họ xây dựng nên một cấu trúc triết học đồ
sộ. Tất cả chỉ có thế. Cái mà tôi nhắc tới khi tôi nói về hoạt động lấy mình làm trung tâm là một cơ
chế tự trị, duy trì bản thân nó một cách tự động, hoàn toàn khác so với những gì mà bọn họ lý thuyết
hoá.

Hỏi: Ý ông là bản ngã sống sót thoát khỏi cái chết?

U.G.: Không. Không có nhắc gì tới một cái ngã ở đây cả, thế thì làm thế nào câu hỏi về sự bất tử, cái
thế giới bên kia, nảy nòi cho được?

Hỏi: Cái gì ở thế giới bên kia? Có một thế giới bên kia sao?

U.G.: Là cái chết đã tạo ra cái bất tử. Là cái đã biết tạo ra cái không biết. Là thời gian đã tạo ra cái
phi thời gian. Là ý nghĩ đã tạo ra cái không ý nghĩ.

Hỏi: Tại sao lại vậy?

U.G.: Bởi vì ý nghĩ, trong chính bản chất của nó, tồn tại rất ngắn ngủi. Mỗi lúc một ý nghĩ được sinh
ra, anh cũng được sinh ra. Nhưng anh thêm vào đó một đòi hỏi thường trực, đòi hỏi trải nghiệm cùng
những thứ như cũ hết lần này tới lần khác, vì vậy mang lại một sự liên tục giả tạo của ý nghĩ. Để trải
nghiệm bất cứ cái gì anh cũng đều cần tới tri thức. Tri thức là toàn bộ di sản các tư tưởng, cảm xúc
và kinh nghiệm của con người, được trao truyền từ đời này qua đời khác.

Cũng giống như tất cả chúng ta đều thở chung một bầu khí quyển, chúng ta chiếm dụng và sử dụng
các ý tưởng từ bầu tưởng-quyển xung quanh để vận hành được trong thế giới này. Tất cả chỉ có thế.
Sự khăng khăng của con người - rằng ý nghĩ bắt buộc phải là liên tục - phủ nhận bản chất của ý nghĩ,
bản chất ngắn ngủi của nó. Ý nghĩ đã tạo ra cho chính nó một vận mệnh tách biệt. Nó đã rất thành
công trong việc tạo ra cho chính nó một sự hiện hữu song song tách biệt. Bằng cách chấp nhận sự tồn
tại của cái không biết, Thế giới bên kia, cái bất tử, nó đã tạo ra cho riêng mình một cách để tiếp tục
tồn tại. Không có cái phi thời gian, chỉ có thời gian. Khi ý nghĩ tạo ra thời gian, một không gian cũng
được tạo ra ở đó; thế nên ý nghĩ cũng tạo ra cả không gian nữa. Ý nghĩ cũng tạo ra vật chất; không có
ý nghĩ, không có vật chất. Ý nghĩ là một hiện thân hay một sự biểu đạt của sự sống, và việc biến nó
thành một sự vật tách biệt, gán cho nó một đời sống riêng, rồi cho phép nó tạo ra một tương lai phục
vụ cho sự tiếp diễn không có gì ngăn cản của riêng nó, đó chính là bi kịch của con người.

Hỏi: Nhưng nếu ý nghĩ có thể tạo ra vật chất, làm sao ông có thể giải thích hiện tượng như
việc Sai Baba làm ra những chiếc đồng hồ đeo tay từ trong không khí?

U.G.: Điều đó đơn giản là không thể có được. Sai Baba làm một nhà ảo thuật. Ông ta từng làm ra
những chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ. Nhưng sau khi chính phủ Ấn Độ áp thuế nhập khẩu lên đồng hồ Thuỵ
Sĩ, chẳng bao lâu ông ta bắt đầu làm ra những chiếc đồng hồ của người Ấn chế tạo. Hôm trước tôi
xem một người đàn ông trên TV, anh ta có thể làm cả một chiếc máy bay phản lực biến mất ngay
trước mắt người xem! Sai Baba thì làm trò lôi ra một chiếc đồng hồ đeo tay. Ông ta trao nó cho một
môn đồ đáng kính, nhưng ông ta, Sai Baba, nhận được mọi tán dương và tán thưởng. Tất cả chuyện
đó trông thì có vẻ chân thật đấy, nhưng đó chỉ là một mánh lừa. Những chuyện như thế tôi đem ra
làm trò cười. Làm sao anh lại có thể cho đấy là chuyện nghiêm túc nhỉ?

Hỏi: Được thôi, thế thì ông xem cái gì là chuyện nghiêm túc? Sự sống? Cái chết? Sự sống
ngoài hành tinh?

U.G.: Tôi không nghĩ kiểu sự sống như thế này tồn tại ở bất cứ nơi đâu khác, trên bất cứ một hành
tinh nào khác. Không phải tôi đang nói là không thể có sự sống ở các thế giới khác; chỉ là nó không
giống sự tồn tại của chúng ta ở đây. Sự nghiền ngẫm của anh về các dạng sống khác và các thế giới
khác cũng chỉ là một mong ước được mở rộng vô hạn vào tương lai và tới những nơi xa tít mù tắp. Ý
nghĩ đang cố gắng mang lại cho bản thân nó sự liên tục, còn những suy luận về tương lai và các thế
giới chưa được khám phá ra là một cách tiện lợi để làm chuyện đó! Suy nghĩ của anh xác định những
cái mà anh có thể ý thức được; chấm hết.

Hỏi: Tất cả những điều này gần giống với những gì J. Krishnamurti vẫn đang nói. Ông ấy bảo
rằng tri thức được tích luỹ của con người sẽ trở thành truyền thống, giả định một sự liên tục
và chính đáng cho riêng nó. Ông không tin vào điều này à?

U.G.: Không. Tôi không thấy làm thế nào mà điều tôi đang nói lại gần giống với lối suy nghĩ của ông
ấy cho được. Ông ấy nói về “sự nhận biết thụ động”, các hành trình khám phá, những sự chuyển hoá
trong tâm lý, mở các trường học và thành lập các quỹ, các tổ chức. Những hoạt động này không giải
phóng anh mà chỉ duy trì sự hoạt động của ý nghĩ và truyền thống.

Hỏi: Có bất cứ tự do tư tưởng nào không? … hay bất cứ tự do nào dành cho con người
không?

U.G.: Không, đối với con người thì không có tự do hành động. Tôi đang không nói về thứ triết lý
buông xuôi mang tính quyết định luận, số mệnh nào đó đâu. Nhưng…

Hỏi: Không có lối thoát nào sao? Ngay cả bằng việc ngồi tập trung ý nghĩ vào rốn? Ngay cả
thiền định cũng không? Thậm chí cả việc khai mở kundalini nữa? Cả việc chế ngự ảo tưởng
cũng không luôn?

U.G.: Không có. Anh có thể thử đủ thứ, nhưng chẳng có tác dụng gì đâu. Anh sẽ chỉ thành công trong
việc tạo ra những xáo trộn bên trong cơ thể, làm náo động sự hài hoà vốn đã có ở đó. Bằng cách đem
lại những ảo giác kỳ lạ và những thay đổi về trao đổi chất phi tự nhiên anh chỉ làm hại cơ thể mà thôi.
Tất cả chỉ có thế. Anh chẳng có thể làm gì để đảo ngược điều này, để đổi hướng.

Hỏi: Ngay cả một sự đào thoát tận gốc, thậm chí chỉ tạm thời, khỏi truyền thống cũng không
có tác dụng sao? Nếu một người có thể tách hành động của mình ra khỏi ý nghĩ, thì người dó
có thể có khả năng hành động mà không mang cảm giác tội lỗi, và không thấy lo lắng về
những hậu quả của hành động của mình. Có lẽ khi đó hành động sẽ được tự do để thực hiện
những thứ mới mẻ, sáng tạo.

U.G.: Để làm gì cơ chứ? Để có khả năng khám phá ra những sức mạnh tiềm ẩn của kẻ đó sao? Không
thể phủ nhận thực tại do ý nghĩ tạo ra được; nó vẫn có ở đó.
Hỏi: Một số nhà bác học và các nhà tiên tri khăng khăng rằng có các trung tâm năng lượng vi
tế bên trong chúng ta, có thể được giải phóng ra bằng những thực hành tâm linh nhất định,
bao gồm việc tập trung tâm trí vào chính xác là không gì cả.

U.G.: Để tập trung hay trụ ý vào một thứ thì anh sẽ phải chặn bỏ những thứ khác. Bằng việc tập trung
vào cái mà anh gọi là “không gì cả” đó, anh sẽ phải thu mình lại và ngăn cách bản thân khỏi dòng
chảy tự nhiên của sự sống đang chảy qua anh và xung quanh anh. Anh đang là một phần của một từ
trường tổng quát và cái ngăn cách anh khỏi những thứ khác chính là ý nghĩ. Anh chỉ bận tâm tới hạnh
phúc của anh, bất hạnh của anh, cái bộ phim mà anh đang xem đó thôi.

Hỏi: Chẳng phải điều không thể tránh khỏi này dựa trên một thực tế là mỗi người chúng ta
đều sống bên trong một thế giới chủ quan, chẳng ai thấy được thế giới “khách quan” như nó
thực sự là hay sao? Khi mỗi người chúng ta nhìn vào, giả dụ, chiếc bàn kia, mỗi người chúng
ta thấy một cái gì đó khác. Với mọi sự vật khác cũng thế.

U.G.: Chiếc bàn không phải là một vật thể chút nào.

Chính cái thực tế anh nhận ra chiếc bàn là chiếc bàn mới là vấn đề. Không quan trọng, như các nhà
triết học có vẻ nghĩ là quan trọng, chuyện anh và tôi có hình ảnh khác nhau chút xíu về chiếc ghế và
vì thế diễn dịch nó một cách khác nhau. Và cũng chẳng quan trọng việc liệu cái ghế có ở đó hay
không khi tôi rời khỏi phòng. Các nhà triết học thì nói mãi, nghĩ mãi về chuyện này. Thật nực cười.
Anh nhìn và kinh nghiệm sự vật từ một quan điểm khác với những người khác, có thế thôi. Anh nghĩ
là anh đang có một kinh nghiệm chủ quan về một sự vật khách quan. Chẳng có gì ở đó cả, chỉ có
những dữ kiện tương đối, mang tính trải nghiệm của anh, “sự thật” của anh mà thôi. Không có cái gọi
là sự thật khách quan gì hết. Không có gì tồn tại “bên ngoài” hay độc lập với tâm trí của chúng ta cả.

Hỏi: Ngay cả một người đồng loại cũng thế sao? Sự tồn tại của anh ta có phụ thuộc chỉ vào các
hoạt động thần kinh của tôi không? Vợ ông hay người hàng xóm của ông cũng chỉ là một hiện
tượng nội thần kinh thôi sao?

U.G.: Do tôi giả định là “tôi” tồn tại, nên anh ta cũng tồn tại. Nhưng tôi thì nghi ngờ chuyện đó. Tôi
có bất cứ cách nào để kinh nghiệm thực tế của sự tồn tại của tôi không? Thực sự tôi chẳng có cách
nào để phát hiện ra liệu là tôi đang sống hay đã chết nữa.

Tôi có thể đi gặp bác sĩ, người sẽ khám tôi, lấy nhiệt độ, bắt mạch, đo huyết áp của tôi, rồi ông ta sẽ
bảo với tôi rằng mọi sự vẫn bình thường. Theo nghĩa này thì anh là một cơ thể sống, có sinh khí khi
tương phản với những sự vật vô tri vô giác ở quanh anh. Nhưng anh thực sự chẳng có cách nào để
kinh nghiệm cho chính mình và bởi chính mình cái thực tế rằng anh là một thực thể sống.

Hỏi: Tất nhiên là ta có thể chứ: ta có thể tự cắt mình, ta chảy máu và kinh nghiệm cảm giác
đau; nếu ta kết hôn ta sẽ chịu khổ sở [mọi người cười to]…

U.G.: Đúng, nhưng mà có hai thứ. Có một cơ thể đang cảm thấy đau và một tri thức đang bảo với anh
rằng, “Đây là máu”, “Đây là cơn đau”, “Đây là sự nguôi cơn đau”. Có cơn đau, nhưng không có ai ở
đó là người cảm thấy đau. Giờ thì không có ai đang nói cả.

Tôi đang không đưa ra một nhận xét mang tính huyền bí gì cả khi tôi nói ra những phát biểu như thế.
Nói là một chuyện mang tính cơ học, giống như một chiếc máy ghi âm vậy. Những câu hỏi của anh
lôi ra những câu trả lời nhất định một cách tự động. Cái gì đang có ở đó sẽ đi ra, chỉ thế thôi. Bởi lẽ
anh đặt câu hỏi nên các câu trả lời đã sẵn có ở đó rồi.

Hỏi: Thế còn về tình yêu, những cảm xúc sâu sắc lâu dài và những phản ứng thẳm sâu trước
vẻ đẹp của tự nhiên thì sao?

U.G.: Ha! Toàn những thứ lãng mạn thường thấy. Hoàn toàn thi vị! Không phải là tôi có hiềm khích
gì với chủ nghĩa lãng mạn hay thi ca. Không hề. Chỉ là nó chẳng có ý nghĩa gì sất. Anh thực sự chẳng
có cách nào nhìn ngắm hoàng hôn bởi vì anh không tách biệt ra khỏi buổi hoàng hôn, chứ nói gì tới
chuyện viết thi ca về nó. Cái trải nghiệm mà anh có, cái trải nghiệm phi thường anh có khi nhìn ngắm
một buổi hoàng hôn như thế, anh muốn chia sẻ nó. Sử dụng thi ca, nhạc, hoạ như một phương tiện,
anh cố gắng chia sẻ trải nghiệm đó của mình với một người khác. Tất cả chỉ có thế mà thôi. Buổi
hoàng hôn thực sự thì nằm ngoài cấu trúc kinh nghiệm của anh để có thể nắm bắt. Người quan sát
chính là cái được quan sát. Anh chẳng thể tách mình ra khỏi cái anh nhìn thấy.

Cái khoảnh khắc anh tách mình ra khỏi buổi hoàng hôn, nhà thơ trong anh bước ra. Từ sự tách rời đó
mà các nhà thơ và các hoạ sĩ cố gắng biểu đạt bản thân, để chia sẻ các trải nghiệm của mình với
những người khác. Tất cả những cái đó là văn hoá. Văn hoá tạo sinh ra những đáp ứng của chính nó.
Không có gì hơn.

Hỏi: Cái gì xảy ra với một người thổ dân, không bị nền văn minh động tới, không tiếp xúc gì
với văn hoá rối rắm, như ông và tôi hiểu về văn hoá, khi anh ta đáp ứng trước một buổi hoàng
hôn đẹp đẽ. Ông giải thích ra làm sao?

U.G.: Anh thấy đấy, tất cả phụ thuộc vào chuyện chúng ta có ý gì khi nói đến văn hoá. Cái bộ phận
của văn hoá mà hứa hẹn với anh hoà bình, sướng vui, thiên đường, giải thoát (moksha) và sự vô ngã là
vấn đề. Việc phân tách phần còn lại của văn hoá – cách anh giải trí cho bản thân, cách anh ăn, thói
quen làm việc, và ngôn ngữ anh sử dụng – khỏi cái phản thực tại được tạo ra bởi văn hoá là một sai
lầm. Những người được gọi là hoang dã này cũng đang vận hành y hệt theo cái cách mà chúng ta đang
vận hành ngày nay. Về căn bản thì không có một sự khác biệt nào. Trong cả hai nền văn hoá nguyên
thuỷ và hiện đại đều không có hoà bình.

Hỏi: Vậy nên thông điệp của ông là con người không thể an hoà với bản thân anh ta. Có phải
đấy là điều ông muốn nói?

U.G.: Không phải. Con người vốn đã an hoà với bản thân rồi. Cái ý tưởng rằng có hoà bình ở một nơi
nào đó khác, vào lúc nào đó trong tương lai, là cái đang gây ra vấn đề. Tất thảy các kinh nghiệm tâm
linh như từ bi, hỷ lạc và tình yêu này là một phần của sự thèm khát đối với một sự an bình không hề
tồn tại, là cái có tính phá hoại đối với sự bình an tự nhiên vốn đã có ở đó rồi trong cơ thể.

Hỏi: Không hoà bình. Không tôn giáo. Không từ bi. Không hy vọng. Vậy với U.G. thì chúng ta
còn lại gì?

U.G.: Chẳng gì hết. Tôi đặt dấu hỏi với toàn bộ cái kinh nghiệm tâm linh này. Đấy là thứ tôi đang cố
xé nát nó ra.

Hỏi: Thế còn những nghi thức đẹp đẽ, cổ xưa và trau chuốt đã làm nên phần lớn các trải
nghiệm tôn giáo của chúng ta thì sao? Chúng có bất kỳ ý nghĩa hay sự thích đáng nào đối với
cuộc sống của chúng ta không?
U.G.: Con người vẫn luôn muốn mua vui cho chính mình bằng thứ này hay thứ kia. Các nghi thức đã
đem lại cho anh ta sự mua vui cần thiết trong suốt những năm qua, và giờ chúng được thay thế bằng
phim ảnh, truyền hình, các rạp xiếc, những buổi nói chuyện của J. Krishnamurti và đủ thứ khác. Có
nhiều thứ lắm, anh thấy đấy. Mỗi người đều đang cố bán cho được nhãn hiệu thuốc lá riêng của mình,
món hàng hoá nhất định của riêng mình. Chúng ta muốn có chúng. Có một thị trường cho các món
hàng hoá tâm linh này. Đấy là lý do có người đang bán chúng. Không ai có thể bán được cho tôi
những thứ kiểu đó bởi lẽ tôi không quan tâm. Những thứ khác thì có thể.

Hỏi: Vâng, nhưng ông quan tâm tới cái gì? Điều gì khiến ông muốn tiếp tục sống vậy?

U.G.: Bất kể cái gì có ở đó. Bất kể cái gì đang diễn ra tại thời điểm này là tất cả những gì có ở đó đối
với tôi.

Hỏi: Thôi đi mà. Ông thuộc dạng người ở-đây-và-bây-giờ có đúng không?

U.G.: Không. Giải thích theo kiểu đấy là rất lệch lạc. Tôi không biết phải làm sao để giải thích được
điều đó.

Nghe này, tôi hay đọc những cuốn sách khoa học viễn tưởng. Tại sao? Là vì ở đó có hành động. Tôi
không bận tâm tới kết cục sách một chút nào, chỉ để ý tới hành động đang tiếp diễn. Cũng giống như
một buổi múa thoát y vậy. Sự cởi bỏ y phục làm tôi thấy thú vị, chứ không phải kết cục của nó. Ai
thèm bận tâm tới những kết cục cơ chứ? Tương tự vậy, mọi ngày hôm qua của anh, mọi tri thức của
anh và ngay chính cái cảm nhận về bản thân của anh đều là những thứ chết cứng thuộc về quá khứ.
Những ký ức này mang một nội dung về mặt tình cảm rất lớn lao đối với anh, nhưng không phải với
tôi. Tôi chỉ quan tâm tới cái đang thực sự diễn ra ngay lúc này, không phải vào ngày mai hay ngày
hôm qua.

Hỏi: Không có những ký ức chất chứa đầy tình cảm của ngày hôm qua và lời hứa hẹn của
ngày mai, sẽ chẳng còn mấy chỗ cho hy vọng, đúng không?

U.G.: Đối với tôi thì cũng chẳng có hiện tại, chứ nói gì tới tương lai. Những gì có ở đó chỉ là quá
khứ, không gì khác. Thế nên cái cụm từ "ở-đây-và-bây-giờ" của anh chả có ý nghĩa gì đối với tôi. Tại
thời khắc này chỉ có quá khứ đang vận hành.
Tôi không biết liệu mình có làm bản thân được hiểu rõ hay không nữa. Nếu tôi nhận ra anh và chúng
ta tiếp tục một cuộc trò chuyện, thì đó cũng chỉ là quá khứ đang vận hành. Tôi đang nhìn vào các sự
vật. Nếu tôi nhận ra và gọi tên được những sự vật ấy, quá khứ đang vận hành. Nó đang phóng chiếu
những cái mà nó biết. Tương lai, mặc dù là bất định, cũng vẫn là một sự tiếp diễn có chỉnh sửa của
quá khứ. Vậy thì cái "bây giờ" mà anh đang nói tới là về cái gì vậy? Không có thứ gì gọi là khoảnh
khắc này cả. Khoảnh khắc này không phải là một sự vật có thể bị tóm bắt, được kinh nghiệm hay gán
cho một sự diễn tả nào. Vào lúc anh bắt giữ lấy cái mà anh nghĩ là "khoảnh khắc này", anh đã biến nó
thành một phần của quá khứ rồi.
Tất cả những điều này ngầm chỉ rằng chúng ta không bao giờ có thể chạm tới cùng một chỗ vào cùng
một thời gian và nơi chốn. Nó giống như hai cái máy ghi âm trong một căn phòng chơi những cuộn
băng cũ kỹ cho nhau thu. Anh chẳng có cách nào để truyền thông bất cứ điều gì với bất cứ ai. Không
hề có sự truyền đạt nào cả. Và khi điều này được hiểu một cách rất rõ ràng, cũng không cần tới việc
truyền đạt truyền thông gì nữa.
Hỏi: Điều đó có nghĩa là nỗ lực của con người trong việc dự đoán hay dành chỗ trước cho
tương lai bị thải bỏ ngay từ đầu, không phải thế sao? Tất thảy cái nhiệm vụ truyền đạt thông
tin, chia sẻ tri thức và tương tác qua lại này hoàn toàn là chuyện xàm xí?

U.G.: Phải, nó đúng là như thế. Vì lý do này con người bị khước từ bất cứ tự do thực sự nào trong
hành động. Anh có thể thích một thể loại nhạc hay thực phẩm này so với thể loại nhạc hay thực phẩm
khác, nhưng điều đó chỉ phản ánh nền tảng văn hoá của chính anh mà thôi.

Hỏi: Nếu điều ông đang nói là đúng, không ai có bất cứ tự do trong hành động nào, bởi mọi
thứ một người làm đều có một nguyên nhân, và mọi nguyên nhân đều có một nguyên nhân
cuối cùng.

U.G.: Aha! Tại sao anh cứ giả định rằng mọi thứ phải có một khởi đầu, một nguyên nhân tối thượng?
Nhân-và-quả có thể chỉ là một thứ bất chợt, ngẫu nhiên. Các sự kiện có thể chỉ đơn giản xuất hiện,
xảy ra. Toàn bộ quá trình tiến hoá có thể cũng chỉ là một chuyện nào đó ngẫu nhiên xảy ra, một sự
kiện không có nguyên nhân. Tại sao anh có phải khăng khăng rằng mọi thứ buộc phải có một đấng
sáng tạo, rằng toàn bộ mọi sự phải nảy nòi từ một nguyên nhân tối thượng nào đó?

Hỏi: Bằng chứng khoa học mới nhất gợi ý rằng tất cả bất đầu bằng một Vụ nổ lớn. Ngay cả
các khối thuốc nổ cũng còn có các điểm nổ. Mọi thứ không có chuyện chỉ tự dưng nổ cái
“bang” một cái…

U.G.: Đấy là giả định của anh. Cũng có thể không có cái thứ gì gọi là Vụ nổ lớn cả. Họ sử dụng thuật
ngữ đó để tương phản với khái niệm về sáng tạo trong trạng thái dừng. Vậy là có hai thuyết đang cố
thiết lập bản thân mình với tư cách là chân lý. Mỗi thuyết cạnh tranh với nhau, cố gắng thể hiện mình
là thuyết đúng đắn hơn trong hai thuyết.

Hỏi: Nhưng hẳn nhiên đấy là cách những ý tưởng mới được sinh ra và kiểm định trong phạm
vi một cộng đồng dựa trên lý trí. Tìm kiếm sự thật và tri thức, đấy là một chuyện lành mạnh
chứ không phải là chuyện bệnh hoạn. Tự bản thân nó là điều tốt.

U.G.: Tôi đang không chống lại phương pháp khoa học về bản chất của nó. Cái mà tôi đang chỉ ra là
một thực tế rằng không có cái gọi là sự kiếm tìm tri thức “thuần khiết”, hay tri thức chỉ vì chính nó.
Nó không trong sáng đến như thế. Tri thức được tìm kiếm, bằng phương pháp khoa học hay là
không, là bởi vì nó mang lại quyền lực. Tình yêu là một phát minh tại chỗ, được dùng để thay thế cho
quyền lực. Do anh đã từng thất bại trong mọi cách khác, qua mọi kênh dẫn khác, để đạt tới cái trạng
thái hiện hữu có quyền năng toàn phần đó, nên anh sáng chế ra cái mà anh gọi là tình yêu.

Hỏi: Vậy tình yêu chỉ là tên gọi khác cho trò chơi quyền lực sao? Đấy có phải là điều mà ông
muốn chúng tôi tin?

U.G.: Chính xác.

Hỏi: Thế còn về thể loại tình yêu mà Mẹ Teresa thực hành thì sao? Thế còn lòng từ bi thì sao?

U.G.: Tất cả những cái đó đều sinh ra từ tâm thức chia rẽ trong con người. Đến cuối cùng thì họ cũng
đi đến chỗ thủ tiêu chính cái nguyên do mà họ đang bỏ công sức tính mạng ra vì nó. Những người
xung quanh Mẹ Teresa đang làm tiền dựa trên danh tiếng của bà. Giờ tất cả những gì họ quan tâm
đến là tiền, anh biết đấy, để tiếp nối công việc của bà. Tại sao tất cả những việc thế này cứ phải được
thể chế hoá thành tổ chức? Anh thấy một ai đó đang đau đớn, đang đói. Anh đáp ứng với người đó.
Tất cả chỉ có thế. Vậy thì, tại sao cứ phải lập thành tổ chức? Anh huỷ hoại cái cảm xúc đó, cái đáp
ứng tức thời đó, cái không chỉ là một ý nghĩ hay một tình cảm nhỏ nhặt, khi anh cố thể chế hoá lòng
tốt và sự cảm thông. Sự đáp ứng tức thời trước tình huống đó mới là cái đáng giá.

Hỏi: Sự lập thành tổ chức là một nỗ lực đem một tình huống xảy ra một-lần và đáp ứng xảy
ra một-lần đó biến chúng trở thành một đáp ứng liên tục, có thể đoán định được. Một hành
động đơn lẻ của một người tốt bụng hay làm phúc trở thành một cách nhìn nhận và cách làm
mọi chuyện nói chung. Việc yêu thương hàng xóm của mình trở thành một thực tế khi ai ai
cũng đang làm thế như là chuyện hiển nhiên, chứ không phải là kết quả của những hành động
từ bi riêng lẻ.

U.G.: Tôi không thấy đó là từ bi gì cả. Đấy là chuyện duy nhất anh có thể làm trong một tình huống
đã cho, và đến đấy là kết thúc. Bọn động vật giúp đỡ nhau ở một mức độ đáng ngạc nhiên. Con người
cũng giúp đỡ nhau một cách tự nhiên. Khi việc thể chế hoá thành tổ chức làm cùi nhụt sự nhạy cảm
tự nhiên đó, tôi nói đó không phải là tình thương. Mọi sự kiện trong đời tôi đều độc lập với mọi sự
kiện khác. Chẳng có gì ở đó nối chúng lại hay tổ chức chúng hết.

Hỏi: Đấy có phải là lý do tại sao ông thẳng thừng từ chối cho phép các quan điểm của ông
đem ra lan truyền?

U.G.: Trước hết mà nói, tôi không hề có quan điểm nào cả. Anh thấy đấy, người ta muốn tôi lên
truyền hình ở nước Mỹ. Họ có một chương trình truyền hình gọi là “Quan điểm” (Point of View). Tôi
đã bảo với họ là “Tôi không có quan điểm.” Tôi không có thông điệp đặc biệt nào dành cho nhân loại
cả, cũng không có bất cứ sự sốt sắng truyền đạo nào ở trong tôi cả.

Tôi không phải là vị cứu tinh của nhân loại, hay bất kỳ thể loại nào tương tự như thế. Người ta đến
đây. Tại sao họ đến thì không phải điều bận tâm của tôi. Họ đến từ ý nguyện và ước muốn tự do của
họ, vì họ đã nghe về tôi, hoặc đơn giản là vì hiếu kỳ. Không thành vấn đề. Một người có thể đến đây
từ bất kể lý do nào. Anh ta thấy tôi có gì đó khác lạ, một con chim hiếm, và không thể hiểu được hay
nhét vừa tôi vào bất kỳ một cái khung nào mà anh ta biết. Anh ta kể cho bạn mình, và chẳng mấy
chốc họ đến cửa nhà tôi. Tôi chẳng thể bảo họ biến đi cho rảnh.

Tôi mời họ vào, biết rất rõ là tôi chẳng có thể làm gì cho họ cả. Tôi có thể làm gì cho ông/bà nào?
“Vào đi, ngồi xuống, tự kiếm chỗ thoải mái mà ngồi” là tất cả những gì tôi có thể nói. Một số người
ghi âm lại các cuộc trò chuyện của chúng ta. Đấy là mối bận tâm của họ, không phải của tôi. Trước
tiên, đấy là tài sản của họ, không phải của tôi.

Tôi không thích thú gì đặt ra những câu hỏi mà anh thấy quan tâm đến. Tôi không có những câu hỏi
thuộc bất cứ thể loại nào, ngoại trừ những câu hỏi cần thiết cho sự vận hành bên trong một xã hội có
tổ chức. Còn không, tôi không bao giờ hỏi bất cứ câu hỏi nào.

Hỏi: Ông có nghĩ xã hội này thực sự có tổ chức?

U.G.: Cái chúng ta đã tạo ra đây là một khu rừng rậm. Anh không thể sống sót trong thế giới này.
Ngay cả khi anh cố hái trái cây từ một cái cây đi nữa, cái cây đó lại thuộc về một ai đó hoặc thuộc về
xã hội. Thế nên anh buộc phải trở thành một phần của xã hội. Đấy là lý do tại sao tôi luôn nói rằng thế
giới chẳng nợ nần gì tôi cả. Nếu tôi muốn tận hưởng những lợi ích của xã hội có tổ chức, tôi buộc
phải đóng góp gì vào đó. Xã hội nào đã tạo ra tất cả chúng ta. Xã hội luôn luôn quan tâm tới tình trạng
hiện tại (status quo), trong việc duy trì sự liên tục của chính nó.
Hỏi: Xã hội nào tạo ra tôi. Một hành động sắc dục đơn lẻ đã tạo ra tôi đấy chứ.

U.G.: Điều đó là đúng. Nhưng sắc dục được sinh ra từ ý nghĩ của cái cá nhân là một phần của xã hội
đó. Thông tin di truyền thực tế, chắc là có trong mỗi tế bào của cơ thể, cũng được truyền lại, và tiếp
tục cái căn bản cho ý thức tồn tại. Cái mà xã hội quan tâm đến là tất cả chúng ta phải đóng góp vào sự
liên tục của xã hội, rằng tất cả chúng ta phải duy trì trạng thái hiện tại. Tất nhiên xã hội sẽ cho phép
một chút xíu chỉnh sửa, nhưng không nhiều hơn.

Vậy thì, một người như tôi thì đóng góp được gì cho xã hội? Không gì cả. Thế nên làm sao tôi có thể
mong chờ bất kỳ điều gì từ xã hội đây? Xã hội không nợ nần gì tôi dù chỉ một tí ti. Trái lại, những gì
tôi đang nói đây là một mối đe doạ đối với xã hội như cái cách nó hiện thời được tổ chức. Cái cách
mà tôi suy nghĩ, vận hành và hoạt động là mối đe doạ đối với xã hội hiện tại. Nếu tôi trở thành một
mối đe doạ, xã hội này sẽ tiêu trừ tôi. Tôi không bận tâm việc trở thành một kẻ tử đạo hay gì cả.
Chuyện đó không hề làm tôi quan tâm. Nên nếu bọn họ bảo, “Đừng nói”, thì tốt thôi, tôi không việc
gì phải nói.

Hỏi: Thế nghĩa là ông không có niềm tin vào con người, như J. Krishnamurti đặt niềm tin vào
con người, sao?

U.G.: Không, không. Không một chút nào, không một chút nào.

Nếu họ mong chờ tôi làm một kẻ tử đạo để hồi sinh niềm tin của họ vào chính mình, thì họ sẽ thất
vọng thảm hại. Đấy là vấn đề của họ, không phải của tôi. Nếu họ thấy tôi là một mối hoạ cho xã hội,
họ có thể làm gì? Họ có thể tra tấn tôi, như người ta vẫn làm ở các nước cộng sản. Thì đã sao nào?
Khi đó thì tôi vẫn tiếp tục lên tiếng chống lại nhà nước chăng? Tôi thực tình không biết mình sẽ làm
gì. Tôi không để mình buông thả trong những tình huống giả định.

Hỏi: Ông có bất kỳ quan điểm chính trị nào không? Ông có quan điểm chính trị nào về xã hội
này, ở đây không? Ông có tin vào một dạng chính phủ đặc biệt nào không, và chọn đứng về
một bên trong các chủ đề chính trị?

U.G.: Tôi có quan điểm về mọi thứ khốn kiếp một, từ bệnh tật cho tới cái thần thánh, bởi vì tôi đã có
được tất cả những tri thức này qua học tập, đi lại, qua trải nghiệm và những thứ đại loại như thế.
Nhưng quan điểm của tôi thì không quan trọng hơn của người giúp việc lau dọn và nấu nướng ở đằng
kia. TẠI SAO phải trao cho những ý kiến, quan điểm của tôi bất kỳ tầm quan trọng nào cơ chứ?

Anh có thể nói rằng tôi là một người đọc rộng hiểu nhiều, và rằng, như là kết quả của việc đọc sách,
việc đi lại nhiều nơi, các cuộc trò chuyện của tôi với các trí thức, các khoa học gia và triết gia, tôi có
quyền thể hiện quan điểm của mình về mọi thứ. Nhưng chẳng có gì tôi nói hay tin tưởng lại quan
trọng cả. Anh hiểu điều đó chứ? Tất cả những gì tôi đang cố chỉ ra là mọi kiến thức mà anh lấy làm
rất tự hào đem khoe khoang chẳng đáng một đồng xu kẽm.

Hỏi: Tại sao tri thức vẫn có tầm quan trọng đến như thế với chúng ta?

U.G.: Bởi vì nó cho anh quyền lực. Như tôi nói ngay từ lúc đầu, tri thức là sức mạnh. Tôi biết, anh
không biết. Tôi có trải nghiệm tâm linh còn anh thì không có. Thế nên toàn là chuyện chiếm lợi thế so
với người khác, chuyện khoe mẽ.

Hỏi: Quá khứ của ông với Thông thiên Hội có đóng góp theo bất cứ cách nào vào toàn bộ sự
hiểu biết của ông về cuộc sống không? Ông biết đấy, tất cả những chuyện liên quan tới tinh tú
này nọ, những quỷ thuật của Blavatsky, thói kê gian của Leadbeater, những trò lố lăng của
rạp xiếc Thông thiên học…

U.G.: Bất kể điều gì đã xảy ra với tôi xảy ra không phải nhờ vào, mà là bất chấp chuyện đó. Và đó là
một phép lạ. Tôi thực sự không biết. Tôi không phải là một người khiêm tốn hay gì gì đó. Ngoái nhìn
lại về biến cố ấy, tôi thực sự không có cách nào để nói cho anh biết tất cả chuyện đó là thế nào. Tất cả
những gì tôi biết là tôi tự do khỏi quá khứ của tôi, và xin tạ ơn trời về điều đó.

Hỏi: Nói cho chúng tôi nghe, ông nghĩ sao về ‘vị hiền triết người bước đi một mình’, J.
Krishnamurti, người mà ông đã ‘văng ra’ khỏi.

U.G.: Tôi nghĩ ông ấy là một trò lừa đảo vĩ đại. Đấy là cái khiến tôi chống lại J. Krishnamurti. Ông ấy
chưa bao giờ nói thật hết mọi việc. Nếu anh hỏi ông ấy tại sao lại không [nói thật hết], luận điểm của
ông ấy đưa ra sẽ là bất kỳ lời nào ông ấy nói ra sẽ trở thành một thẩm quyền để ủng hộ hoặc chống
đối lại ông ấy. Nhưng đấy là vị thế chính trị mà ông ấy đã chọn lấy. Trong thục tế, ông ấy vốn đã trở
thành một nhân vật có thẩm quyền với hàng trăm hàng ngàn người rồi chứ đâu.

Hỏi: Và đó là cái mà ông không muốn mình trở thành...”

U.G.: Không, tôi không muốn thành ra như thế. Không bao giờ. Đối với tôi, toàn bộ chuyện đó thật
bốc mùi.

Hỏi: Có phải rằng ông từ chối sử dụng quyền năng của mình vào lúc này khi ông đã có nó, hay
là ông gạt đi cái ý tưởng, chính ngay cái nguyên lý của quyền lực trên những người khác…?

U.G.: Đấy là sự thấu hiểu; là cái tri thức đã nảy lên trong tôi. Tôi không thể truyền đạt nó, chứ nói gì
tới chuyện đề xuất nó cho những người khác.

Hỏi: Một cách tự nhiên thôi. Nhưng nếu một người muốn vận hành ở bên ngoài toàn bộ cái
trường thối nát của những trò chơi quyền lực này, chẳng phải người đó phải thực sự khiêm
nhường…?

U.G.: Không. Khiêm tốn là một nghệ thuật mà một người thực hành rèn luyện mà thôi. Chẳng có cái
gì gọi là sự khiêm tốn cả. Chừng nào anh còn biết, thì không có sự khiêm tốn nào ở đó cả. Cái đã biết
và sự khiêm tốn không thể cùng tồn tại.

Nói thế này không phải là tôi đang cho anh một định nghĩa mới về sự khiêm tốn. Tôi tin rằng không
có cái gì gọi là khiêm tốn sất cả. Tôi chỉ không có xung đột gì với xã hội thôi. Nghĩa là, việc tạo ra cái
đối lập với sự tàn bạo diễn ra trong thế giới – là sự khiêm nhường – không xảy đến đối với tôi. Xã hội
không thể là cái gì khác đi so với cái nó đang là. Thế là, do không có một yêu cầu phải thay đổi nào ở
trong tôi, nên cũng không có đòi hỏi phải thay đổi xã hội nào tương ứng với nó cả. Tôi không phải là
một nhà cải cách. Tôi cũng không phải là nhà cách mạng. Trong thực tế, chẳng có cái gì gọi là cách
mạng hết. Tất cả những thứ đó là khái niệm lừa đảo. Đấy là một món hàng khác được đem bán trên
thị trường, để gạt những người dễ gạt.

Hỏi: Nói cách khác, không có sự khác biệt nào giữa thế giới của Gandhi và thế giới của Hồ
Chí Minh, hay giữa những giá trị mà Đấng Ki-tô truyền giảng với những giá trị mà vì chugns
Lê-nin chiến đấu?

U.G.: Đúng vậy. Chẳng có sự khác biệt nào.


Hỏi: Nói tôi nghe xem. J. Krishnamurti đã bảo với tôi trong một cuộc trò chuyện rằng toàn bộ
thế giới quan của ông ấy còn sống sót là bởi vì ông ấy nhìn cuộc sống từ một điểm nhìn phi
dính chấp. Ông ấy không phải là người đầu tiên nói thế. Nhiều con người vĩ đại trong tôn giáo
và nghệ thuật đã cùng nói một điều như vậy. Ông có đồng ý là ông ấy là người nhìn thấy rõ
nhất, là người nổi bật nhất?

U.G.: Là Krishnamurti nói thế, hay là các tín đồ của ông ấy nói thế?

Hỏi: Ông ấy khẳng định là mình không có tín đồ.

U.G.: Trước hết, tôi không có một thế giới quan, một cấu trúc của ý nghĩ nào có thể giúp được anh
cả.

Hỏi: Nhưng có lẽ ông đã tạo dựng được một cấu trúc của ý nghĩ giúp được cho chính ông chứ.

U.G.: Chỉ có gì giúp tôi hết. Sự chắc chắn mà tôi có này là một thứ chẳng thể chuyển phát tới bất cứ
ai khác. Ấy thế nhưng, sự chắc chắn này chả có một chút giá trị nào.

Hỏi: Ông đã đến được với sự chắc chắn này bằng cách nào?

U.G.: Tôi đã vấp phải nó. Anh thấy đấy, tôi lớn lên ở Madras, trong cùng một kiểu môi trường đã tạo
ra J. Krishnamurti. Quanh tôi toàn là những người có tín ngưỡng, đủ các thể loại người kỳ lạ. Tôi đã
sớm nhận ra rằng tất cả bọn họ đều giả tạo, cuộc sống và những điều rao giảng của họ cách xa nhau
hàng cây số. Nên nó [môi trường ấy] chả có chút giá trị nào, đối với tôi mà nói. Tôi biết tất tần tật về
những đấng cứu thế, các vị thánh và các vị hiền nhân này. Tất cả bọn họ lừa chính bản thân và gạt
mọi người khác. Nhưng anh có thể chắc một điều là tôi sẽ không bị gạt bởi bất kỳ ai. Tôi đứng ở vị
trí để nói rằng TẤT CẢ bọn họ đều sai.

Sự “biến đổi”, nếu đấy là từ anh muốn dùng, mà đã xảy ra với tôi ấy, là một sự kiện thuần về sinh lý,
mà không có chút ẩn ý mang tính huyền bí hay tâm linh gì cả. Bất kỳ ai gán một định kiến tôn giáo
vào bất kể diễn biến thể chất nào như thế này đang đùa cợt bản thân và đùa cợt toàn thể nhân loại.
Càng thông minh và thủ đoạn thì anh sẽ càng thành công trong việc thuyết phục người. Thế là, anh
thu được năng lượng từ người ta, rồi phóng chiếu nó lên những người khác. Anh có được cái quyền
năng khủng khiếp từ những tín đồ của mình, rồi phóng chiếu nó trở lại lên họ. Nghĩa là năng lượng ấy
cho anh cái ảo tưởng rằng nó đang tác động tới mọi người xung quanh anh. Rồi sau đó anh bước ra
với một tuyên bố nực cười nào đó, rằng sự kiện này có ảnh hưởng tới toàn bộ tâm thức loài người.
Thực ra, nó không có chút nội hàm thuộc về tâm lý hay xã hội gì sất.

Không phải tôi là kẻ chống đối xã hội gì cả. Như tôi đã nói, tôi không có gì xung đột với xã hội hết.
Tôi sẽ không phá hoại toàn bộ đền đài hay nhà thờ gì cả, hay đốt bất cứ một cuốn sách nào. Không có
những chuyện như thế. Con người không thể là cái gì khác đi so với cái anh ta đang là. Dù anh có
đang là gì đi nữa, anh ta sẽ tạo ra một xã hội phản ánh con người anh ta.

Hỏi: Vâng, nhưng làm thế nào ông lại va phải cái minh triết này vậy?

U.G.: Aha! Đấy là câu hỏi!

Hỏi: Rõ ràng là ông đã không có được nó bằng cách ngồi dưới một tán cây trong ánh trăng…
U.G.: Không, chả có gì để đắc…

Hỏi: Tôi nhắc tới không phải là thành tựu lãng mạn nào đó, mà là sự chắc chắn mà ông sở
hữu. Ông có một sự xác quyết, thế thôi. Tôi cảm thấy rằng tôi và những người khác không có
nó. Mà tôi cũng chẳng biết làm thế nào để có được nó.

U.G.: Anh phải tìm ra câu hỏi căn bản của anh là gì. Câu hỏi căn bản của tôi lúc ấy là: “Có cái gì
đằng sau những thứ trừu tượng mà những bậc thánh nhân đang ném vào tôi không? Thực sự có cái gì
như là giác ngộ hoặc nhận ra bản thân không?” Tôi nào đâu muốn câu hỏi ấy. Tôi chỉ đơn giản là có
nó. Nên tự nhiên thôi tôi phải thử nghiệm. Tôi đã thử rất nhiều thứ, cái này, cái kia, rồi đến cái nọ
trong một thời gian. Rồi một ngày anh phát hiện ra rằng chẳng có gì để tìm ra cả! Anh gạt bỏ chúng
một cách triệt để và toàn bộ. Sự gạt bỏ này không hề là động thái của ý nghĩ, không phải là một sự
chối bỏ bề ngoài. Việc thực hiện nó không phải là để đạt hay đắc được một cái gì cả.

Hỏi: … kiểu như cái nhu cầu đạt được cái gì đó mang tính tâm linh…?

U.G.: Chẳng có gì để đạt được cả. Không có gì để tìm kiếm hay tìm ra hết. Sự thấu hiểu rằng chẳng
có gì để hiểu là tất cả những gì có ở đó. Ngay cả câu đó cũng chỉ là một phát biểu mang tính suy luận.
Nói cách khác, là chẳng có gì để hiểu sất.

Hỏi: Cái thực tế rằng không có gì để hiểu cả là một sự xác quyết đối với ông, chứ không phải
đối với tôi.

U.G.: Trước tiên, anh thấy đấy, anh không có cơn đói, cơn khát để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nên anh chẳng có thể làm gì được về chuyện đó hết. Bất cứ cái gì anh làm thì cũng duy trì điều đó,
không cho cơn đói của anh lại gần. Điều mà có vẻ đã xảy ra với tôi thì không phải là cơn đói của tôi
đã được thoả mãn, dù là với những mẩu bánh mì vụn hay với nguyên ổ bánh mì, mà là cơn đói không
tìm ra được đáp án thoả mãn và nó cháy rụi. Tất cả những thứ giải khát này đã không giúp nguôi cơn
khát của tôi. Nhưng trong trường hợp của tôi, bằng một cách nào đó, cơn khát đã tự đốt nó cháy rụi.
Tôi là một trường hợp lụi-tắt – không phải theo cái nghĩa là các người dùng cho thuật ngữ đó. Nó là
một kiểu bị rụi tắt hoàn toàn khác.

Giờ thì cái còn ở đó là một cái gì đó đang sống. Không hề có nhu cầu truyền thông. Ở mức độ đấy thì
không có sự truyền thông nào là khả dĩ. Cái đòi hỏi phải biết, nhu cầu có sự chắc chắn, không hề có ở
đó.

Hỏi: Tôi không hiểu …

U.G.: Cũng giống như cái cây ngoài kia. Anh muốn làm gì với những cái cây? Chúng thậm chí còn
không tự ý thức rằng chúng có ích cho các dạng sống khác, mang lại bóng mát… Giống như cái cây,
tôi không bao giờ ý thức rằng tôi có thể phụng sự cho bất kỳ ai.

Hỏi: Ông không có bất kỳ tình cảm đơn giản đáng trân trọng nào như thiện ý dành cho người
khác, tình yêu, hay thậm chí thèm khát nhục dục? Ông chưa từng bao giờ thấy một người phụ
nữ xinh đẹp và muốn làm tình với cô ta sao?

U.G.: Chuyển động của ham muốn là quá nhanh đến mức nó không chỉ dừng lại ở đó. Có một cái gì
đó – tôi sẽ không nói nó thú vị hơn hay hấp dẫn hơn – nhưng nó làm thay đổi chuyển động đó và đòi
hỏi ở anh toàn bộ sự chú ý. Mọi thứ xảy ra tại thời điểm đó đòi hỏi ở anh sự chú ý hoàn toàn và toàn
diện. Trong trạng thái đó, không còn có hai thứ - người có lòng yêu và kẻ được yêu, kẻ theo đuổi và
người được theo đuổi – nữa. Cái mà anh gọi là “một người phụ nữ xinh đẹp” – chỉ là một ý tưởng –
nhường chỗ cho một cái gì đó khác. Và sẽ đến một lúc anh không thể yêu cô ta theo cách cũ được
nữa.

Hỏi: Ý của ông là khi ông trông thấy một phụ nữ xinh đẹp ông hoàn toàn để hết tâm trí vào
mà không bị dính líu vào?

U.G.: Cái ý nghĩ rằng cô ta là một người phụ nữ xinh đẹp không có ở đấy. Và rồi anh sẽ thấy một
người phụ nữ xinh đẹp có thể trao cho anh cái gì. “Tôi có thể có được gì từ người phụ nữ này?” câu
hỏi này không có ở đó. Mọi thứ đều liên tục dịch chuyển. Không hề có nội hàm tôn giáo nào trong
chuyện này.

Hỏi: Quên chuyện tôn giáo đi. Chúng ta đang nói về những người phụ nữ xinh đẹp. Bọn họ
tác động tới ông theo một cách khác biệt, như ông nói. Ông không thể hiện ra sự ám ảnh tình
dục như nhiều người trong chúng ta thể hiện ra khi ở bên cạnh những phụ nữ xinh đẹp. Ấy
thế nhưng ông vẫn bị tác động. Tôi bị ám ảnh với những người phụ nữ đẹp và chuyện tình
dục, và muốn giảm tác động của những cái đó lên tôi. Làm sao tôi có thể có được một chút
khách quan về vấn đề này, như ông có vẻ đang có?

U.G.: Bận tâm về chuyện đó thì quá là phiền nhiễu. Xin hãy nhớ điều đó …

Hỏi: Ông không nghĩ là một cá nhân, người đã thấy được ánh sáng, thì nên thắp sáng con
đường cho những người khác sao? Ông không cảm thấy có một chút cảm thức về trách nhiệm
đối với những đồng loại của mình à? Chẳng phải chức phận được giáng cho ông là chia sẻ với
thế gian sự thật mà ông đã “vấp phải” này?

U.G.: Không. Tôi không có cách nào để truyền phát nó và các người chẳng có cách nào để biết được
nó.

Hỏi: Vâng, nhưng ông không muốn khích lệ thế gian quanh ông sao?

U.G.: Truyền cảm hứng là một chuyện vô nghĩa. Có quá nhiều thứ và có quá nhiều người gây cảm
hứng cho chúng ta, nhưng những hành động sinh ra từ sự truyền cảm hứng là vô nghĩa. Những người
lạc lối, tuyệt vọng tạo ra một thị trường cho việc truyền cảm hứng. Thế nên, tôi không quan tâm tới
chuyện truyền cảm hứng cho bất kỳ ai. Mọi hành động được truyền cảm hứng sau cùng sẽ tiêu diệt
các người và đồng loại của các người. Đấy là một thực tế!

Hỏi: Có cách nào tránh được điều đó không? Chẳng phải sự sống là thứ duy nhất cứu rỗi
được tất cả?

U.G.: Anh muốn tránh cái gì nào? Yêu và ghét được sinh ra trong anh. Tôi không thích nói theo kiểu
đó cho lắm, bởi yêu và ghét không phải là hai cực đối nghịch của cùng một dải phổ; chúng là một, là
cùng một thứ. Chúng còn gần nhau hơn những người anh em họ hàng thân thiết.

Nếu anh không có được cái anh kỳ vọng từ cái được gọi là yêu ấy, cái có ở đó sẽ là ghét. Có thể anh
sẽ không thích tôi dùng từ “ghét”, nhưng nó chính là sự thờ ơ và vô cảm đối với người khác. Tôi tin
yêu và ghét là cùng một thứ. Đi đến đâu tôi cũng nói thế với người ta cả, trên khắp thế giới.
Hỏi: Mỗi năm ông dành bốn tháng sống ở Mỹ, bốn tháng ở Ấn Độ, và bốn tháng ở Thuỵ Sỹ.
Thế là quá sát với kế hoạch đi lại thông thường của J. Krishnamurti rồi còn gì, phải thế
không? Ông ấy đi theo một lộ trình hầu như là không đổi hết năm này qua năm khác.

U.G.: Tôi không biết tại sao ông ấy làm thế. Còn với sự dịch chuyển của tôi thì nguyên do là ở thời
tiết. Khi trời ở Ấn Độ nóng thì tôi tới Thuỵ Sỹ. Khi ở Thuỵ Sỹ quá lạnh thì tôi chuyển tới California,
rồi lại quay trở về Ấn. Toàn bộ những thứ liên quan tới J. Krishnamurti này không còn làm tôi bận
tâm nữa.

Hỏi: Có lẽ là vậy. Nhưng ông hẳn phải quan sát thấy toàn bộ chuyện này rất kỹ càng bởi ông
đã là một phần của nó trong một thời gian dài. Ai ai cũng biết về sự quan tâm trong quá khứ
của ông đối với J. Krishnamurti cả, và cả sự kiện là đến cuối cùng ông đã chia tay với ông ấy.

U.G.: Vào những ngày đầu ông ấy đã không có một tổ chức khổng lồ như ngày nay. Nó đã chỉ là một
tổ chức đơn giản và nhỏ làm việc xuất bản một vài cuốn sách, và chỉ có thế. Ông ấy có đi đây đi đó và
nói trước công chúng một chút, do một vài người bạn tổ chức một cách thân mật. Lúc đấy có thế thôi.
Nhưng giờ thì nó là một ngành nghề phát triển, có mối quan tâm hạn hẹp như bất kỳ ngành kinh
doanh nào khác. Thể loại tổ chức mà giờ ông ấy có trong tay, với những bất động sản trên toàn thế
giới, những hội đồng quản trị, những hầm chứa các cuộn băng ghi âm, hàng triệu đô la, tất cả đều đi
ngược với giáo lý cơ bản của ông ấy, rằng ta không thể thành lập tổ chức cho sự thật. Ông ấy không
nên xây dựng một đế chế như thế nhân danh tâm linh.

Hỏi: Ông có bao giờ gặp bất kỳ “thánh nhân” nào ở Ấn Độ chưa? Ông biết đấy, những người
nổi tiếng nhanh chóng giàu sự trong ngành buôn thần bán thánh ấy.

U.G.: Không, tôi chưa bao giờ có hiếu kỳ. Tôi có chạm trán một vài người bọn họ trong một vài phút
trên đường đi của mình, và chỉ có thế.

Cái mà tôi là bây giờ được sinh ra từ sự vật lộn của riêng tôi. Tôi học mọi thứ về bản thân mình một
mình. Các trường phái tư tưởng cả thế tục lẫn tâm linh làm tôi phát bực. Những đạo sư và các thánh
nhân vì thế chả làm tôi bận tâm. Chúng ta đã xuất khẩu bọn họ sang Hoa Kỳ và châu Âu. Ở những
nơi đó họ cũng có những đạo sư và thánh nhân của riêng mình…

Hỏi: Vâng. Đức cha Moon đáng kính, rồi Jim Jones, rất dồi dào những kẻ vô lại…

U.G.: Và giờ còn có một Jones khác: Da Jones, “người đem cho” ở trong tiếng Sanskrit. Bất kể trò lừa
đảo thần thánh nào cũng được hoan nghênh ở những nơi đó, dù là đến từ Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ
hay từ Nepal. Nếu bọn họ đủ nổi tiếng ở phương Tây, chỉ trong nháy mắt kiếm được đủ giàu có, thì
chúng ta sẽ đưa họ trở về Ấn Độ. Cũng tương tự với chuyện phụ nữ Ấn mang trang phục sari từ
phương Tây về để mặc ở đây. Ở những nơi đó họ trả giá gấp ba lần so với ở đây.

Hỏi: Ông có từng gặp Maharshi Yogi ở Thuỵ Sỹ chưa?

U.G.: Không, chưa bao giờ. Tôi không đi ra khỏi phòng, nên tôi không phát biểu gì được. Tôi không
giữ liên lạc với những gì đang diễn ra ở đây, ở Ấn Độ này. Tôi không để ý tới báo chí ở đây, nên tôi
không đọc chúng. Các sự kiện gần đây ở Ấn Độ không làm tôi quan tâm, anh thấy đấy, bởi vì bất kể
những gì xảy ra ở đây chả có tác dụng nào thực sự đối với thế giới cả. Ấn Độ không ở trong vị thế có
thể tác động lên thế giới. Mặc dù không cách chắc chắn nào để phân chia các quan điểm thành tâm
linh, chính trị, hay gì gì khác. Thì anh có thể gọi đây là một quan điểm chính trị cũng được.
Làm sao Ấn Độ có thể vạch đường hay tạo ảnh hưởng lên thế giới đây? Ấn Độ không có sức mạnh
cũng như danh tiếng về mặt đạo đức. Cái tâm linh mà các người tuyên bố không thực sự có tác dụng
trong đời sống của đất nước. Các người phải cho thế giới thấy cái nhất nguyên của sự sống mà các
người đã rao giảng hàng thế kỷ qua đang vận hành trong đời sống thường nhật của đất nước này, cũng
như trong đời sống của mỗi cá nhân. Điều đó thật khó.

Không ai để tâm gì tới những gì Ấn Độ nói hay làm. Nó không có tầm vóc cần thiết để tác động lên
các sự kiện của thế giới. Thứ duy nhất về Ấn Độ làm cho phần còn lại của thế giới quan tâm là câu
hỏi, “Chuyện gì sẽ xảy ra với hàng triệu hàng triệu người dân của nó? Nó sẽ đi theo hướng nào, tiến
đến nơi nào?” Không gì khác.

Hỏi: Một tôn giáo giống như chủ nghĩa Mác có giúp được gì không? Nó có một nội hàm tâm
linh, theo lối riêng của nó. Có vẻ như nó nhìn vào một khung tham chiếu rộng hơn, ít cổ xưa
hơn.
U.G.: Chủ nghĩa Mác với tư cách một tôn giáo đã thất bại. Thậm chí chủ nghĩa Mao cũng chết ngắc.
Ngay cả những nước theo chủ nghĩa Mác giờ cũng đang tìm kiếm một vị Chúa mới. Bọn họ đã mất
lòng tin vào con người và một lần nữa lại đang tìm kiếm một vị Chúa mới, một Nhà thờ mới, một
Kinh thánh mới, và một đội ngũ giáo sĩ mới. Cuộc tìm kiếm tiếp tục cho một kiểu tự do khác.

Hỏi: Nhưng đạo Hindu cho phép một sự tự do khá lớn đấy chứ. Nó đã chưa bao giờ là một tôn
giáo bảo thủ, như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, hay chủ nghĩa Mác cả.

U.G.: Sự khác biệt duy nhất giữa Đông và Tây là sự khác biệt trong tôn giáo của chúng ta. Thiên
Chúa giáo chưa từng sản sinh ra những nhân vật kỳ quặc như thế, như chúng ta có ở đất nước này. Ở
đây tín ngưỡng là chuyện cá nhân. Mỗi người mở một cửa hàng riêng của mình và bán những món đồ
riêng có của mình. Đấy là lý do tại sao ở đây chúng ta có sự đa dạng, cái thiếu vắng ở phương Tây. Sự
phong phú này là phần hấp dẫn nhất của cái được gọi là di sản của chúng ta.

Hindu giáo không phải là một tôn giáo. Nó là một sự tổng hợp và trộn lẫn của nhiều thứ. Thực tế cái
từ “Hindu” đến từ một ngôn ngữ phi Sanskrit đã mất đi không còn được dùng đến nữa. Ta sẽ không
biết được gì về nó cả. Những người Aryan xâm lược, những kẻ đã thiết lập nên cấu trúc xã hội Bà la
môn thấy những người Ấn Độ bản xứ có nước da sẫm màu và gọi tín ngưỡng của họ là tín ngưỡng
của những người da đen – người “Hindu”. Các chuyên gia và học giả Ấn Độ có thể sẽ không thích
cách diễn giải của tôi, nhưng nó là chính xác và mang tính lịch sử.

Một lần nữa, tôi xin nhắc lại, Hindu giáo không phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường; nó
giống như một con phố với hàng trăm gian hàng vậy.

Hỏi: Ý của ông là gian hàng tình dục của Rejneesh (Osho) ngay cạnh gian hàng sự nhận biết
của J. Krishnamurti, tới lượt nó ở ngay cạnh gian hàng thiền định của Maharshi, cạnh bên
gian hàng ảo thuật của Sai Baba, cạnh bên với…

U.G.: Về căn bản thì tất cả bọn họ đều như nhau, y xì nhau. Mỗi người khẳng định rằng món hàng
của ông ta là thứ tốt nhất có thể tìm thấy trong chợ. Một số sản phẩm, như Xà phòng Pears, đã có mặt
trên thị trường quá lâu đến mức mọi người đều biết, lệ thuộc vào chúng, và coi chúng ưu việt hơn các
sản phẩm khác. Anh thấy đấy, chúng ta là những kẻ khờ khạo hết chỗ nói. Toàn bộ mọi sự chỉ có thế.

Hỏi: Với một quan điểm về nhân loại như thế, hẳn ông chẳng có một chút hy vọng tươi sáng
nào cho tương lai của giống loài…
U.G.: Tôi không nghĩ là có bất cứ thứ gì tốt đẹp hơn sẽ xảy ra với con người, hay cho con người.

Hỏi: Nhưng hiển nhiên là những tiến bộ đáng kinh ngạc của công nghệ, đặc biệt là ở phương
Tây, trong một trăm năm vừa qua, báo trước điều tốt đẹp dành cho con người.

U.G.: Đúng thế. Nhưng đấy là bởi vì cuộc cách mạng công nghiệp. Các quốc gia như Nga, Mỹ, và
những quốc gia phương Tây khác đã tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp để đẩy công
nghệ tiến lên.

Hỏi: Con người dường như có sự tiến bộ trong một trăm năm qua nhiều hơn so với bốn tủ
năm trước đó.

U.G.: Đấy chính xác là cái tôi đang nói. Chính là bởi vì cuộc cách mạng công nghiệp mà những đổi
thay sâu rộng đang càn quét toàn thế giới. Những đổi thay này có hiệu quả ra sao thì không biết thế
nào. Hệ thống cai trị của khoa học và công nghệ hiện đang trượt ngã rồi…

Hỏi: Ông nghĩ là tất cả chuyện này sẽ dẫn chúng ta đến đâu?

U.G.: Tại sao nó phải dẫn chúng ta tới bất cứ đâu cơ chứ? Tại sao? Để làm gì? “Tiến bộ” có nghĩa là
“tiến vào lãnh địa của kẻ thù”. Anh đang hy vọng rằng sự tiến bộ không ngừng sẽ mang lại giải pháp
cho các vấn đề của chúng ta. Nếu mà đơn giản như thế, chúng ta có thể lập trình trên máy tính và để
xem chúng có gì để nói về tương lai và vận mệnh của chúng ta rồi.

Hỏi: Nhưng nếu chúng ta chả là gì khác ngoài tổng cộng của quá khứ chúng ta, sự dự đoán sẽ
trở nên dễ dàng và chính xác…

U.G.: Điều này sẽ chẳng cho chúng ta sự đảm bảo nào về chuyện tương lai sẽ dẫn đến đâu.

Hỏi: Không, chúng ta có sự kiểm soát đối với tương lai của chúng ta chứ.

U.G.: Một cái gì đó không ngờ tới và không dự đoán trước được xảy ra, và thế là toàn bộ đường đi bị
thay đổi đột ngột. Chúng ta xem chuyện chúng ta có thể định hướng cuộc sống theo hướng chúng ta
muốn là chuyện đương nhiên, nhưng chẳng có gì đảm bảo là chúng ta sẽ thành công cả. Các sự kiện
trong thực tế là độc lập với nhau. Chúng ta tạo chúng ra và kết nối chúng lại với nhau. Chúng ta đã
tạo ra cấu trúc triết học của tư tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là có một hình mẫu hay mục
đích cho mọi thứ. Cũng không có nghĩa là mọi thứ đã được quyết định từ trước.

Hỏi: Thế còn về hy vọng thì sao? Rõ ràng là con người sống bằng hy vọng.

U.G.: Con người vẫn luôn luôn sống trong hy vọng và chắc là sẽ chết trong hy vọng. Với sức mạnh
huỷ diệt mà giờ anh ta có trong tay, theo mệnh lệnh của anh ta, anh ta chắc sẽ mang theo mọi dạng
sống khác theo cùng khi phải ra đi. Đây chẳng phải là tôi đang ca bài ca ngày tận thế, nhưng khi anh
nhìn một cách thực tế vào trạng huống của chúng ta thì điều này có vẻ như là số mệnh cho tất thảy
chúng ta rồi, dù có thích hay không. Anh sai lầm nếu anh nghĩ hay hy vọng rằng chúng ta có thể đem
toàn bộ cái xung lượng của lịch sử loài người này đặt sang một lối đi khác. Chúng ta cần phải được
cứu khỏi cái đám người cứu thế hứa hẹn một thời đại hoàng kim sắp sửa tới.

Hỏi: Làm sao tránh được đây?

U.G.: Cái “làm sao” đó sẽ tạo ra một đấng cứu thế khác.
Hỏi: Vâng, nhưng có bất kỳ một cách nào khác để thay đổi chiều hướng ngoài con đường tâm
linh không?

U.G.: Trước hết, anh thấy đấy, việc phân chia sự sống ra thành vật chất và tâm linh hoàn toàn không
có ý nghĩa gì đối với tôi hết. Toàn bộ cái chuyện tào lao về đời sống tâm linh này được sinh ra từ giả
định rằng có một cái tinh thần có sự hiện hữu độc lập của riêng nó. Giả định này chả có nghĩa lý gì.

Hỏi: Thế còn cái ý tưởng rằng cơ thể bị huỷ hoại, nhưng tinh thần thì còn sống mãi…?

U.G.: Đấy chỉ là một tín điều. Nó chẳng có bất kỳ ý nghĩa nào cả. Tôi chẳng có cách nào truyền điều
xác quyết này của tôi cho anh. Sẽ không có gì thăng lên hay đầu thai chính nó sau khi tôi chết. Việc
anh suy luận về kiếp sau chẳng có ý nghĩa gì hết.

Hỏi: Nghĩa là sau khi ông chết, ông kết thúc…?

U.G.: Nếu, khi cơ thể này được đem chôn, những ký ức của mọi người về tôi cũng được chôn cùng
với nó, thì đấy sẽ là sự kết thúc của tôi.

Hỏi: Một số môn đồ của ông muốn rải tro của ông…

U.G.: Để làm gì? Rất thường khi người ta hỏi tôi, “Ông sẽ không để lại bất cứ chỉ dẫn nào về việc
chúng tôi phải giải quyết ra sao với cái xác chết của ông à?” Cái quái gì chứ! Ai mà lại muốn để lại
bất kỳ chỉ dẫn nào chứ? Nó sẽ bắt đầu bốc mùi và trở thành một thứ phiền phức cho xã hội… Đấy
không phải là vấn đề của tôi, mà là của xã hội. Tôi đã ở trong địa ngục rồi. Cần gì tôi phải chết để
xuống được đó nữa.

Hỏi: Ông có gia đình ở đâu đó, đúng không?

U.G.: Các con gái của tôi, hai đứa, đang sống ở Hyderabad. Một trong những đứa con trai của tôi,
Vasant, mới chết gần đây vì ung thư. Đứa con trai khác, Kumar, nhỏ tuổi hơn và được sinh ra ở Mỹ.
Giờ nó là kỹ sư điện tử. Thi thoảng tôi có gặp nó khi tôi tới Mỹ. Tôi không giữ liên lạc nhiều lắm với
gia đình tôi. Thỉnh thoảng chúng có đến thăm tôi. Chỉ có thế. Tôi không có mối liên kết tình cảm với
chúng, hay với bất cứ ai xét về mặt đó. Ngay cả với Valentine, bà già người Thuỵ Sỹ mà tôi sống cùng
trong hai mươi năm qua, cũng không. Tôi không nghĩ mình có bất kỳ mối liên kết tình cảm với bất cứ
ai.

Hỏi: Ông có từng bao giờ có bất cứ mối liên kết tình cảm với bất kỳ ai chưa?

U.G.: Tôi không biết nữa. Chắc là không, ngay cả với người vợ mà tôi đã sống cùng trong hai mươi
năm. Tôi thực sự không biết một người nên có liên kết kiểu gì nữa.

Hỏi: Ông chưa bao giờ có những cảm xúc không thể kiểm soát đối với một người khác, dù là
đàn ông hoặc đàn bà?

U.G.: Cái làm tôi ám ảnh nhiều nhất là phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của tôi. Nó là một thứ quan
trọng nhất đối với tôi. Cái gì đứng đằng sau những thứ trừu tượng mà những người này, bao gồm cả
J. Krishnamurti, đang ném vào tôi? Nếu không có cái gì ở đó, làm sao họ có thể tạo ra tất cả những
trò quỷ quái này trên thế gian? Tôi hiểu rằng anh có thể cợt đùa bản thân và những người khác; nhưng
tôi thì muốn một câu trả lời. Tôi chưa bao giờ có được câu trả lời. Câu hỏi chỉ tự nó cháy rụi.
Điều đó không có nghĩa là tôi đã giác ngộ, hay là tôi biết Chân lý. Những ai tuyên bố những điều như
thế đã lừa phỉnh bản thân họ và những người khác. Tất cả bọn họ đều sai. Không phải là tôi ưu việt
hơn họ hay những thứ tương tự như thế; chỉ là họ đang đưa ra những tuyên bố không hề có một chút
cơ sở nào. Đó đã và đang là sự xác quyết của tôi. Không có sức mạnh nào trên thế giới có thể khiến
tôi chấp nhận bất cứ cái gì. Thế nên tôi không có xung đột gì với cấu trúc quyền lực cả. Tôi không
quan tâm tới chuyện lấy đi bất cứ cái gì khỏi bất kỳ ai.

Hỏi: Chúng tôi cảm nhận thấy một dạng xa cách hay hờ hững ở ông. Ông chưa từng bao giờ
bị bất kỳ cái gì, chẳng hạn, một người phụ nữ đẹp, một buổi hoàng hôn đẹp, hay một đoạn
nhạc đẹp, cuốn đi hay sao? Không từng có gì hoàn toàn nhấn chìm ông, khiến ông muốn đi
thật xa, tôi không biết là tới đâu, trốn khỏi tất cả mọi thứ à…?

U.G.: Cho dù tôi có thể, hoặc không, từng như thế nào, thì tôi chưa bao giờ là một người lãng mạn
theo cái nghĩa đó. Tất cả những thứ trên đối với tôi là chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn không
phải là thực tại của tôi. Không có cái gì từng, hoặc sẽ, làm tôi xúc động. Không phải là tôi thuộc dạng
đối nghịch của kiểu người đó, một người của lý trí. Là cái yếu tố của lý trí ở trong tôi phản kháng lại
chính nó. Tôi không phải là kẻ chống đối lý trí hoặc không có lý trí, chỉ là phi lý trí. Các người có thể
gán một ý nghĩa hợp lý vào những gì tôi nói hoặc làm, nhưng đó là việc của các người, không phải
của tôi. Tôi không bận tâm tới việc tìm kiếm hạnh phúc, sự lãng mạn hay chạy trốn… của bất kỳ ai.

Hỏi: Nó có thể nhiều hơn việc chỉ là chủ nghĩa lãng mạn đơn thuần. Nó có thể là một trải
nghiệm tình dục hoặc tâm linh buông thả, điên rồ, cuồng loạn hoặc tuyệt vời.

U.G.: Không có trải nghiệm nào ở đây. Thế nên làm sao có thể có những trải nghiệm kịch tính, điên
rồ cho được? Tôi chẳng có cách nào tách bản thân tôi ra khỏi các sự kiện; sự kiện và tôi là một và là
cùng một thứ. Tôi chắc là anh không muốn tôi nói bất kỳ cái gì thô thiển liên quan tới chuyện tình
dục cả nhỉ. Nó chỉ là một sự giải phóng sự căng thẳng. Tôi không lãng mạn hoá những chuyện kiểu
thế này chút nào. Như tôi từng có lần bảo với vợ tôi, “Đừng có nói tình yêu với sự gần gũi thân mật gì
với anh; cái giữ chúng ta lại với nhau là tình dục. Vấn đề là vì một lý do nào đó anh không thể quan
hệ với một người phụ nữ khác. Đấy là vấn đề của anh. Anh không có cách nào để giải thoát bản thân
mình khỏi vấn đề này.” Tôi không biết liệu tất cả những chuyện này nghe có hợp lý với các người
không. Tất cả chuyện nói về tình yêu này nọ chưa bao giờ có chút ý nghĩa gì với tôi cả. Đấy là sự kết
liễu của sự ám ảnh với tình dục này.

Hỏi: Nhưng có một giai đoạn ông đã làm tình với một người phụ nữ khác còn gì…

U.G.: Phải, nhưng đó là một tình huống không phải do tôi tự gây ra. Tôi sẽ không nói là tôi bị quyến
rũ. Không thành vấn đề liệu một người quyến rũ người kia hay bản thân anh ta bị quyến rũ. Thực tế
xảy ra là anh đã làm điều đó. Không phải là cái người kia là người chịu trách nhiệm. Bản thân tôi là
người chịu trách nhiệm. Đó là một dạng đặc biệt của tự khiêu dâm có liên quan trong trường hợp này.

Hỏi: Làm sao ông có thể nói như thế được?

U.G.: Tôi đã sử dụng người đó. Thật là tồi tệ khi sử dụng ai đó để có được khoái cảm. Cho dù là anh
sử dụng một ý tưởng, một khái niệm, một loại ma tuý hay một con người, hay bất cứ cái gì khác, thì
anh cũng không thể có được khoái cảm mà không sử dụng một cái gì đó. Chuyện này đã làm tôi ghê
tởm. Các người cười cái gì cơ chứ? Đây là cuộc đời của tôi, chấp nhận hay không là tuỳ.
Tôi không quan tâm tới việc sử dụng, tác động hay thay đổi bất kỳ ai. Đây là một tuyên bố về cái mà
tôi là, tôi đã sống như thế nào, không gì hơn. Nó sẽ không có một giá trị to lớn nào cho nhân loại và
không việc gì phải lưu lại cho hậu thế. Tôi không tin vào hậu thế. Tôi không có giáo lý nào. Chẳng có
gì để lưu giữ bảo tồn cả. Giáo lý ám chỉ một cái gì đó có thể dùng được để mang tới sự thay đổi. Xin
lỗi chứ… Không có giáo lý nào ở đây cả, chỉ là những câu rời rạc, gián đoạn. Những gì có ở đó chỉ là
sự diễn dịch của các người với lời nói ra hay từ viết xuống, không gì khác. Những câu trả lời các
người có được là của các người. Chúng là tài sản của các người, không phải của tôi. Vì lý do này, bây
giờ cũng như sẽ không bao giờ có bất cứ một bản quyền nào đối với những gì tôi đang nói. Tôi không
nhận.

Hỏi: Nói tôi nghe xem, U.G, thời thơ ấu của ông thế nào?

U.G.: Mẹ tôi chết khi tôi mới bảy ngày tuổi. Ông bà ngoại nuôi nấng tôi. Ông ngoại tôi là một người
trong Thông thiên hội. Ông ấy là một người giàu có và thiết lập một bầu không khí tôn giáo ở xung
quanh ngôi nhà. Vì thế, theo nghĩa đó, J. Krishnamurti cũng đã là một phần trong gia cảnh của tôi.
Người ta treo ảnh của ông ấy lên mọi bức tường; tôi chẳng thể tránh được. Tôi đã không đến chỗ ông
ấy để tìm kiếm một cái gì cả. Ông ấy chỉ là một phần hoàn cảnh lớn lên của tôi thôi. Sẽ thật khác
thường nếu tôi chưa từng đến gặp ông ấy. Vấn đề của tôi là phải giải phóng bản thân mình khỏi toàn
bộ hoàn cảnh lớn lên đã đang bóp nghẹt tôi. Tất cả chỉ có thế.

Hỏi: Ông đã lớn lên ở đâu?

U.G.: Hầu hết là ở Madras, ở trong Thông thiên hội. Tôi đã học ở Đại học Madras. Tôi đã sống hầu
hết những năm hình thành nhân cách của mình với, và trong đám, những người trong Thông thiên
hội.

Hỏi: Bọn họ đã khước từ ông ngay từ lúc đầu?

U.G.: Ngay từ lúc đầu, theo một nghĩa nào đó. Những tôi vẫn tiếp tục chống đỡ được. Tôi đã rất
muốn giải phóng bản thân khỏi quá khứ. Tôi đã cố gắng quá. Sau khi J. Krishnamurti rời bỏ toàn bộ
tổ chức đó, cuối cùng thì tôi cũng chia tay với bọn họ [những người trong Thông thiên hội] luôn.

Hỏi: Ông có ký ức gì về Annie Besant không?

U.G.: Ồ, có chứ! Bà ấy là một người phụ nữ phi thường. Tôi đã gặp bà ấy khi tôi mười bốn tuổi. Tôi
nhớ tài diễn thuyết của bà ấy. Ông ngoại tôi đã rất thân với Annie Besant. Bà ấy là một người nổi
danh. Tôi nghĩ Ấn Độ có mọi lý do để cảm ơn bà ấy, trong nhiều hơn một khía cạnh. Nhưng thế hệ
hiện đại không biết chút gì về bà ấy cả. Mà họ cũng chẳng biết gì mấy về Gandhi. Thật khó nói là
người bây giờ nhớ được bao nhiêu về ông ấy. Bộ phim mới ra về Gandhi có lẽ sẽ tạo ra một chút
quan tâm tới cuộc đời ông ấy.

Hỏi: Ông nghĩ sao về những niềm tin của Gandhi?

U.G.: Anh muốn biết quan điểm của tôi chứ gì. Tôi sẽ thoải mái cho anh biết. Vì một lý do nào đấy
tôi chưa bao giờ thích ông ta. Có lẽ là do nền tảng Thông thiên hội của tôi. Trên tất thảy, ông ta là
một sự pha trộn của một vị thánh và một chính trị gia. Tôi nghĩ ông ta là người duy nhất trong toàn bộ
những người kiểu thế thực sự cố gắng định hình cuộc sống của mình tuân theo những gì ông ta thú
nhận là mình tin vào. Ông ta có thể đã thất bại – ông ta đã thất bại theo quan điểm của tôi – nhưng có
một thực tế là ông đã cố gắng sống theo mô hình mà ông ta đã đặt ra cho mình, việc này khiến cho
ông ta trở thành một gã thú vị. Rất nhiều người khác bên cạnh ông ta đã là công cụ để đạt được tự do
cho Ấn Độ. Cái mà ông ta để lại cho đất nước này chả có gì cả. Việc đưa ra các bài giảng ra rả mỗi
năm về ông ta vào ngày sinh nhật của ông ta chỉ là chuyện uỷ mị. Ông ta và những tín đồ của mình
nói liên miên không nghỉ, nhưng, như bộ phim mới ra cho thấy, ông ta đã sử dụng bạo lực từ đầu đến
cuối.

Hỏi: Nhưng ông cũng có thể nói như thế về Đấng Ki-tô, Đức Phật, và Mohammed. Là những
người đi sau một vị thầy vĩ đại đã áp dụng sai những lời dạy của ông ấy…

U.G.: Anh không thể miễn trừ trách nhiệm cho các nhà sáng lập và các lãnh đạo tôn giáo được. Các
giáo lý của tất cả những vị thầy và những đấng cứu thế của nhân loại này chỉ đem lại có mỗi bạo lực.
Ai ai cũng nói về hoà bình và tình yêu, trong khi các tín đồ của họ toàn thực hành bạo lực.

Có một cái gì đó buồn cười về toàn bộ chuyện này. Là khoảng cách giữa lời nói và việc làm này ngay
từ rất sớm đã báo hiệu cho tôi rằng có một cái gì đó rất sai trái. Tôi cảm thấy rằng các giáo lý này là
sai, nhưng tôi đã thiếu sự chắc chắn. Tôi đã không có cách nào để gạt chúng sang một bên, đặt chúng
hoàn toàn ra ngoài tâm thức của mình. Tôi đã không can tâm chấp nhận bất kỳ giáo lý nào trong số
chúng trên khía cạnh tình cảm. Thậm chí khi những nỗ lực gạt bỏ chúng của tôi có kết quả là những
lần đạt tới tâm thức Ki-tô hay trạng thái Phật, ấy thế nhưng tôi vẫn thấy không thoả mãn. Tôi đã biết
rằng hẳn phải có một cái gì đó sai trái ở đâu đó. Đấy đã thực sự là vấn đề của tôi, anh biết đấy.

Hỏi: Ông gạt bỏ mọi thứ trên cả khía cạnh tình cảm lẫn lý trí. Thế thì còn lại cái gì?

U.G.: Cũng giống như một người đang cưỡi hổ và bị ném xuống. Con hổ, vẫn duy trì động lượng của
riêng nó, tiếp tục chạy – nó đi mất. Tất cả những gì còn đó chỉ là thế. Anh chẳng thể làm gì với con
hổ nữa. Nên anh chẳng bao giờ còn sợ việc gặp phải hổ hay việc cưỡi hổ nữa. Nó đã kết thúc. Nó đã
đi mất.

Nên tôi nghĩ chẳng có mấy ý nghĩa trong việc tôi làm gì ở trong xã hội nữa – nó có xung lượng của
riêng nó. Bất kỳ cái gì anh cố gắng làm sẽ nuốt chửng anh và bổ sung vào cái xung lượng đó mà thôi.
Ai là người trao sứ mệnh cho tất cả những loại người như thế phải cứu lấy nhân loại? Lòng từ bi và
tình yêu là hai trong số những mánh khoé của bọn họ.

Hỏi: Ông đã từng bao giờ gặp một ông già kỳ lạ người Thông thiên hội tên là Leadbeater
trong những ngày ông còn ở trong Thông thiên hội chưa?

U.G.: Có, tôi có gặp ông ta. Ông ta cũng là một phần nền tảng xuất thân của tôi. Ông ta không bao
giờ tạo ấn tượng được với tôi nhiều lắm. Tôi nhận biết là có những lời đồn đại về việc ông ta là người
đồng tính. Chuyện đó chẳng thành vấn đề với tôi. Dục tính là một phần của cuộc sống. Đồng tính,
đồng tính nữ, dị tính, tất cả đều như nhau. Tôi không có bất cứ quan điểm đạo đức nào. Xã hội, cái đã
tạo ra toàn bộ những thứ rối loạn nhân cách chống đối xã hội này (sociopath), đã chế ra đạo đức để
bảo vệ bản thân nó khỏi bọn họ. Đừng có tính gộp tôi vào xã hội. Xã hội đã tạo ra những “thánh
nhân” và những “tội đồ”. Tôi không thừa nhận bọn họ là như thế.

Có thể có lỗi lầm, sai lầm, yếu đuối, nhưng đối với tôi thì không có tội lỗi. Cá nhân tôi thì chẳng thấy
có lý do nào để chúng ta phải bận tâm tới Kinh Thánh, kinh Koran, kinh Gita hay kinh Pháp Cú làm
gì. Chúng ta đã có một thực thể chính trị với những bộ luật dân sự và hình sự của nó rồi. Thế đáng ra
là đã đủ để xử lý vấn đề.

You might also like