You are on page 1of 15

TRÔI CHẢY TRONG 3 THÁNG

VỚI BẤT KỲ NGÔN NGỮ NÀO


INTRODUCTION
Cách tuyệt vời để học bất cứ ngôn ngữ nào là “Hãy sống với nó”
Trong phần lớn các hệ thống giáo dục hiện nay, ngôn ngữ được dạy theo cùng một cách với các môn học khác. Giáo viên sẽ cung cấp kiến
thức hay thông tin và học sinh sẽ hiểu hay biết về kiến thức đó, tương tự như vậy giáo viên ngoại ngữ cũng cung cấp từ vựng và học viên
“biết” về ngôn ngữ đó. Hay giống như môn Toán, học sinh phải làm bài tập thật nhiều để nắm vững và ghi nhớ những quy tắc ngữ pháp.
Cách này có thể tạo nên những người xuất sắc trong việc đọc, viết hay làm bài tập trên giấy, giúp học viên vượt qua các kỳ thi cuối kỳ trong
trường, nhưng lại khó lòng có thể tạo nên những người thành thạo trong việc sử dụng ngoại ngữ đó trong cuộc sống thực sự. Đơn giản vì
khả năng ngôn ngữ của họ chỉ có thể được thể hiện trên giấy hay trên những màn hình máy tính, còn trong những tình huống giao tiếp
thực tế, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng những gì được học.

Ngôn ngữ là một phương tiện để giao tiếp, và tốt hơn hết nó nên được “sống” cùng chứ không phải để được dạy. Nếu bạn không thể giao
tiếp thì coi như bạn đã đánh mất mục đích chính của ngôn ngữ. Vì thế dù khả năng ngôn ngữ của bạn đang ở bất kỳ trình độ nào, hãy cứ
sử dụng chúng trong cuộc sống của bạn, đặc biệt là trong giao tiếp.

Động lực của bạn là gì?


Trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, nếu bạn xác định rõ cho mình ít nhất một lý do tại sao bạn phải làm công việc đó, thì chắc chắn
rằng bạn sẽ có động lực để thực hiện nó. Vậy lý do vì sao bạn phải học một môn ngoại ngữ nào đó là gì?

Vì sự nghiệp tương lai, làm việc ở một tập đoàn đa quốc gia, hưởng lương cao, hay để vượt qua các kỳ thi, đi du học hay chỉ để gây ấn
tượng với người khác,…Đó là những lý do thường được đưa ra.

Còn đối với những người thành thạo nhiều ngôn ngữ thì họ học vì một lý do khác, đó chính là đam mê. Họ muốn được giao tiếp với thế
giới, với bạn bè 5 châu, muốn khám phá các nền văn hoá và con người trên khắp hành tinh này. Động lực của họ lại nằm chính ở mục đích
của ngôn ngữ, đó là giao tiếp và kết nối. Chính vì vậy, họ học ngôn ngữ rất nhanh và hiệu quả, thậm chí với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau.

ĐAM MÊ
Hầu hết những người đã thành công với ngôn ngữ thứ 2 đều cho rằng việc tự học đóng vai trò vô cùng quan trọng tới kết quả của họ.
Nhưng để có thể miệt mài say sưa tự học mà không cần sự đốc thúc nhắc nhở của người khác thì quả là rất khó đối với nhiều người. Dù họ
biết họ cần phải làm gì nhưng họ lại không làm điều họ cần phải làm, vì họ còn thiếu một thứ, đó chính là niềm ĐAM MÊ. Đó mới chính là
động lực lớn nhất thúc đẩy chúng ta tiến lên. Họ học đơn giản chỉ vì họ thích vậy, họ không cần cố chăm chỉ chỉ vì họ tự khắc chăm chỉ, họ
học mà không phải bị quá căng thẳng vì việc học mang lại cho họ niềm vui.

Vì vậy hãy phát triển niềm đam mê của bạn với việc học ngoại ngữ, giao tiếp và kết nối với thế giới. Nếu bạn thấy mình vẫn chưa có cảm
hứng với việc đó, hãy thử xem những bộ phim, video về một đất nước nào đó, khám phá nghệ thuật, hội hoạ, ca nhạc hay lịch sử của họ,
đọc tạp chí, sách báo, hay dành thời gian với người bản xứ,…rồi bạn sẽ thấy bạn vô cùng tò mò và hứng thú muốn biết nhiều hơn về họ.

Nói cho cùng, để có thể thành thạo một ngoại ngữ nào đó, bạn cần biến ngôn ngữ đó trở thành một phần trong cuộc sống của bạn, và nếu
đó là đam mê của bạn thì con đường sẽ rộng mở hơn rất nhiều.

1
INTRODUCTION
Bạn có chấp nhận trả giá?
Để thành công, bạn phải chấp nhận trả giá, bạn phải chấp nhận hy sinh, nhưng cái giá nào bạn chấp nhận, bạn dám đi bao xa, bạn sẵn
sàng hy sinh đến mức nào? Điều đó mới quyết định thành công của bạn.

Bạn có dám làm tất cả để đạt được mục tiêu của mình (tất nhiên là trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức). Bạn sẽ dành bao nhiêu thời
gian để rèn luyện, bao công sức để học tập? Liệu bạn có sẵn sàng đối mặt với sự chỉ trích, chê bai, sự mất mặt, nhục nhã, thất bại thạm hại.
Nếu bạn có thể bỏ qua tất cả và hành động bất chấp nỗi sợ hãi, thì chắc chắn rằng bạn sẽ làm được.

Sự dễ dàng, dễ chịu không tạo nên những nhà vô địch, những con người vĩ đại được tôi luyện, mài dũa trong khó khăn, thử thách. Hãy sẵn
sàng đối mặt với bất cứ thử thách nào, bất cứ giới hạn nào với một tinh thần vững vàng, động lực và đam mê cháy bỏng, cùng một quyết
tâm mạnh mẽ phải làm đến cùng. Tất nhiên là con đường đến với thành công không trải đầy hoa hồng, nó đầy chông gai đang chờ bạn
phía trước, sẽ có những lúc thất vọng, mịt mờ và thậm chí vô vọng, nhưng hãy giữ vững niềm tin và bước tiếp, cuối cùng công sức của bạn
sẽ được đền đáp.

Bước đầu tiên trong việc chinh phục bất kỳ ngôn ngữ nào: Hãy cam kết phải làm được dù bất cứ giá nào, không bao giờ bỏ cuộc cho đến
khi thành công.

2
CHAPTER

1 Những suy nghĩ cản trở việc học ngoại ngữ

Người ta luôn luôn có quá nhiều lý do để trì hoãn, chính vì thế họ chẳng bao giờ có thể bắt đầu. Thật ra tất cả mọi người bình thường đều có
thể học ngôn ngữ thứ hai, bất kể tuổi tác, môi trường sống, nghề nghiệp hay trình độ học vấn,…Vì vậy đừng trì hoãn sự thành công của bạn
nữa, hãy loại bỏ ngay những suy nghĩ luôn cản trở bạn:

1. Người lớn học ngoại ngữ gặp quá nhiều bất lợi: Thật ra dù ở độ tuổi nào thì học ngoại ngữ luôn luôn tồn tại những khó khăn nhất
định, và người lớn cũng có những lợi thế không nhỏ khi học ngoại ngữ.

2. “Tôi không có năng khiếu học ngôn ngữ, tôi không có tài năng, tôi rất kém cỏi”: “Bạn nghĩ bạn có thể hay không thể, bạn đều
đúng”

3. “Tôi không có đủ thời gian”: Vậy tức là bạn chưa có đủ đam mê, động lực và sự yêu thích cần thiết với ngôn ngữ mới, vậy có có đủ
thời gian cho người yêu của mình không?

4. “Các chương trình hay khoá học ngoại ngữ quá đắt tiền với tôi”: có những cách học hiệu quả hoàn toàn miễn phí hoặc với chi phí
thấp.

5. “Tôi sẽ đợi một khoá học hoàn hảo”: không có gì là hoàn hảo cả, bạn thậm chí còn không biết khoá học đó như thế nào, nếu tiếp tục
chờ đợi bạn sẽ mãi mãi không thể bắt đầu.

6. “Tôi cần phải học đủ trước khi tôi có thể bắt đầu trò chuyện với ai đó”: tại sao không bắt đầu trò chuyện ngay, đó là cách áp
dụng những gì bạn đã học.

7. “Tôi không thể tập trung”: chỉ làm một việc vào một thời điểm nhất định, bạn sẽ có được sự tập trung

8. “Một vài ngôn ngữ quá khó và tôi không thể”: nếu người khác có thể, bạn cũng có thể

9. “Việc hoàn toàn thành thạo ngoại ngữ là không thể”: bạn sẽ sớm từ bỏ mục tiêu mà bạn cho rằng là không thể.

10. “Học ngoại ngữ quá nhàm chán”: vậy thì việc học sẽ là cực hình với bạn, hãy tìm những cách thú vị để học ngoại ngữ, ví dụ như
xem phim, kết bạn trò chuyện, nghe nhạc…

11. “Người bản xứ sẽ không nói chuyện với tôi”: bạn sẽ không biết nếu bạn chưa thử, thật ra họ luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai
muốn học ngôn ngữ của họ.

12. “Tôi luôn mang giọng của tiếng mẹ đẻ và không thể phát âm ngoại ngữ chuẩn được”: điều đó không thành vấn đề nếu nó
không cản trở việc giao tiếp, thật ra bạn có thể rèn luyện để phát âm chuẩn hơn.

13. “Gia đình và bạn bè sẽ không ủng hộ tôi”: hãy cho họ lý do hợp lý để ủng hộ bạn, thật ra bạn phải là người làm chủ và quyết định
cuộc đời mình, đừng để bị người khác làm ảnh hưởng.

14. “Tôi không thể bắt kịp sự tiến bộ của người khác”: đó không phải là vấn đề, bạn không thể so sánh với người khác và họ cũng
không sánh được với bạn, quan trọng là bạn đã tiến bộ và tốt hơn mình của ngày hôm qua, hãy tập trung phá vỡ những kỷ lục của mình
mỗi ngày

3
CHAPTER

2 nhiệm vụ của bạn

Bây giờ, bạn đã nhận ra những quan niệm, suy nghĩ, niềm tin sai lầm của mình, hãy loại bỏ chúng ngay lập tức. Bước tiếp theo, hãy thiết lập
cho bản thân mục tiêu thật rõ ràng, càng chi tiết càng tốt, đặc biệt phải có thời hạn cụ thể.

Nếu là tôi, tôi khuyên bạn nên đặt mục tiêu “Giao tiếp trôi chảy lưu loát trong vòng 3 tháng”
- Đầu tiên bạn phải hiểu: “Trôi chảy lưu loát” có nghĩa là gì, như thế nào thì được gọi là “trôi chảy lưu loát”?
Nhiều người học ngoại ngữ cho rằng, điều đó có nghĩa là bạn phải có khả năng tham gia các cuộc tranh luận với chủ đề phức tạp, trừu
tượng hoặc mang tính triết lý, lý luận cao, hơn nữa bạn phải nói chuyện lưu loát tới mức không có vấp váp, sử dụng từ vựng phức khó và
khả năng diễn đạt ở trình độ cao. Nếu bạn chọn những tiêu chí rất cao này cho mục tiêu “Lưu loát” của bạn thì có lẽ bạn sẽ sớm thất vọng,
vì thậm chí bạn chưa chắc có thể đạt được những tiêu chuẩn này với tiếng mẹ đẻ của mình.
Vậy bạn nên định nghĩa “Lưu loát” như thế nào để phù hợp với mục tiêu của mình. Theo từ điển Oxford, “lưu loát” có nghĩa là có khả năng
trình bày, diễn đạt một cách dễ dàng, rành mạch và chính xác bằng ngôn ngữ thông qua nói hoặc viết. Đây mới là mục tiêu bạn nên nhắm
đến.

- Hệ thống CEFRL (Common European Framework of Reference for Language)


Đây là một hệ thống đánh giá khả năng ngôn ngữ của bạn. Trong đó chia ra 3 cấp độ chính bao gồm:
A: Beginner (Sơ cấp)
B: Intermediate (Trung cấp)
C: Advanced (Cao cấp)
Để đánh giá cụ thể hơn, hệ thống này còn chia nhỏ các cấp độ hơn nữa, bao gồm A1,A2,B1,B2,C1,C2
Nếu bạn có thể hoàn thành cấp độ A, khả năng ngôn ngữ của bạn đủ dùng cho những nhu cầu cơ bản thiết yếu hàng ngày, còn nếu bạn
vượt qua cấp độ C thì bạn có thể làm bất cứ điều gì với ngôn ngữ đó, bao gồm cả việc sử dụng nó trong công việc như tiếng mẹ đẻ của
bạn. Còn mục tiêu của bạn là “Lưu loát” nằm ở cấp độ B2 trở lên. Từ cấp độ này, bạn có thể tương tác dễ dàng, tự nhiên với mọi người, sống
bằng ngôn ngữ đó, có thể thảo luận hầu hết các chủ đề, nhưng ở cấp độ này, đôi chút vấp váp hay phát âm chưa chuẩn vẫn được chấp
nhận, miễn là nó không cản trở quá trình giao tiếp của bạn.
Không có gì là hoàn hảo cả, vì thế đừng bao giờ cố bắt bản thân phải thật hoàn hảo, hãy nhận ra hạn chế của mình và từng bước cải thiện,
đừng chán nản vì điều đó. Bạn sẽ đến gần hơn với sự “hoàn hảo” nhưng dù bạn có học tập chăm chỉ đến cỡ nào thì cũng không bao giờ
có thể chạm đến mức “hoàn hảo”, bởi học tập không bao giờ có điểm cuối, bạn không bao giờ có thể nói việc học của bạn đã hoàn thành,
thậm chí với chính tiếng mẹ đẻ của bạn, vẫn còn nhiều điều phải học hỏi.

- Mất bao lâu để đạt đến ngưỡng “lưu loát”?


Nếu bạn thật sự nghiêm khắc với bản thân và nghiêm túc với việc đạt được mục tiêu đề ra, thì 3 tháng là đủ để bạn giao tiếp một cách
tương đối ở mức độ xã giao, tương đương với việc đạt đến trình độ A2 hoặc B1.
Bạn cần phải cam kết sẽ làm được trong thời gian 3 tháng này, một thời hạn ngắn sẽ buộc bạn phải nỗ lực nhiều hơn mức bình thường, và
khi bạn làm được điều đó thì không gì là không thể.

- Cấp độ thành công:


Thành công cũng chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Nhiều người mới chỉ đạt chút thành công nho nhỏ đã tự mãn và sao nhãng việc học
tập, vì thế họ không bao giờ đi đến cuối con đường đã chọn. Hãy cố gắng đạt đến thành công ở mức cao nhất bạn có thế. Đừng đặt mục
tiêu quá dễ hay 100% bạn sẽ đạt được, vì nó không tạo cảm hứng và động lực cho bạn. Hãy đặt một mục tiêu đủ lớn, đó là mục tiêu khiến
bạn cảm thấy đôi chút sợ hãi nhưng lại đầy hưng phấn khi nghĩ đến. Nó sẽ buộc bạn phải vượt ra khỏi những giới hạn của mình để chinh
phục những nấc thang cao hơn.

- Mini-missions (Nhiệm vụ nhỏ):


Đó là những ưu tiên của bạn vào một thời điểm nhất định nhằm giải quyết những vấn đề nhất định. Những Mini-mission này sẽ giúp bạn
giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể và khắc phục những điểm yếu của bạn hiệu quả.
Ví dụ: trong một khoảng thời gian, bạn chỉ tập trung khắc phục duy nhất khả năng phát âm còn đang yếu của mình.
Nó sẽ cho bạn cảm giác bạn đang ngày càng tiến bộ. Hãy liên tục thử thách bản thân, nâng dần độ khó để liên tục phá vỡ những giới hạn
của mình.
4
CHAPTER

2 nhiệm vụ của bạn

- Quá tải – Điểm bão hoà:


Thông thường, nếu bạn tập trung toàn bộ sức lực học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ thì chỉ sau một thời gian ngắn bạn sẽ cảm thấy
sự tiến bộ vô cùng ấn tượng. Nhưng với cường độ học tập cao như vậy thật sự bạn khó lòng có thể duy trì lâu nếu không có sự nghỉ ngơi
hợp lý. Bạn sẽ đạt đến điểm bão hoà – thời điểm bạn cảm thấy dù cố gắng học nhưng không thể hấp thu kiến thức hơn được nữa. Vì thế
hãy có kế hoạch học tập và nghỉ ngơi thật hiệu quả. Hãy coi sự nghỉ ngơi là phần thưởng cho bạn sau mỗi lần đạt được mục tiêu, điều đó
sẽ tiếp thêm năng lượng và động lực cho bạn để vươn tới những mục tiêu cao hơn.
Có thể cũng có những thời điểm bạn cảm thấy chán nản hay thất vọng, đó là chuyện bình thường, hãy coi việc học ngoại ngữ như một trò
chơi, bạn sẽ cảm thấy bớt áp lực hơn.

- Kế hoạch hành động:


“Kỷ luật là chọn lựa giữa những gì bạn muốn làm ngay bây giờ và những gì bạn muốn đạt được nhất”

Những ý tưởng tuyệt vời nhất sẽ chỉ là vô giá trị nếu chúng không được bắt tay hành động, vì thế bạn phải luôn luôn có kế hoạch hành
động và tập trung vào thực hiện nó.
• Hãy quyết định mục tiêu của bạn là gì, bạn hướng đến điều gì?
• Dành ra một khoảng thời gian mỗi ngày chỉ dành riêng cho mục tiêu đó, đặt một thời hạn cụ thể để hoàn thành và trong khoảng thời
gian đó phải dành sự ưu tiên cho mục tiêu.
• Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý
• Thông báo mục tiêu của bạn với thế giới: điều này sẽ buộc bạn phải hành động và quyết tâm làm đến cùng.

5
CHAPTER

3 học từ vựng siêu tốc

- Tại sao cách học từ vựng được dạy trên trường lớp không mấy hiệu quả?
Ở trường, chúng ta phần lớn được dạy quá nhiều đến nỗi chúng ta không bao giờ thực sự học cách để học.
Ở xã hội cha ông chúng ta, họ có trí nhớ rất tốt, đơn giản vì họ không có sách vở để ghi chép, cũng không có ipads hay smartphones để ghi
chú, phần lớn họ lại không biết đọc chữ. Nhưng bù lại điều đó lại giúp họ rèn luyện khả năng ghi nhớ. Ngày nay, thậm chí chúng ta còn
không cần phải nhớ vì chỉ cần dùng “google” là có thể tra ngay ra được. Nhưng điều này không giúp cho não bộ phát triển hết tiềm năng
của nó, trí nhớ cũng giảm sút.
Ở trường, hầu hết ghi nhớ bằng cách lặp đi lặp lại. Ví dụ: để ghi nhớ từ “cat”, chúng ta nhẩm đi nhẩm lại “cat mèo cat mèo cat mèo…”.
Nhưng đáng buồn là chỉ sau vào ngày, thậm chí vài giờ là chúng ta đã có thể quên ngay. Cách này chỉ có thể giúp bạn nhận dạng từ vựng
khi đọc, khi bắt gặp từ ấy bạn vẫn có thể hiểu nghĩa, nhưng bạn lại khó có thể nói ra hay sử dụng từ đó khi giao tiếp. Nếu muốn có thể,
bạn nhất định phải “lặp đi lặp lại” rất nhiều lần, nhưng cách học này lại rất nhàm chán và vất vả.

- Học từ mới bằng cách “LIÊN KẾT”:


Phương pháp này đã được ông cha chúng ta sử dụng rất thường xuyên và đem lại hiệu quả cao, họ ghi nhớ bằng cách tạo ra các câu
chuyện, thơ ca, vè, ca giao,…. Vậy để ghi nhớ từ vựng, chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp này:
Hãy tưởng tượng ra hình ảnh mang ý nghĩa của từ vựng bạn cần nhớ bằng tất cả các giác quan: hình dạng, màu sắc, hương vị, mùi vị, cảm
giác,….Hãy tạo ra những hình ảnh lạ kỳ, khác thường, hài hước, mang ấn tượng đậm nét và nên gắn với những điều bạn yêu thích. Rồi
sau đó kết hợp lại thành một câu chuyện thú vị, nực cười, thậm chí lố bịch và phi lý.
Nhưng, đừng cố làm nó trở nên quá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Ban đầu, quá trình tưởng tượng của bạn sẽ hơi chậm một chút, câu
chuyện có thể hơi vô vị nhưng chỉ sau vài lần như thế bạn sẽ làm tốt hơn. Sau đó, bạn chỉ cần tưởng tượng lại câu chuyện bạn đã tạo
khoảng 3 đến 4 lần là bạn sẽ ghi nhớ toàn bộ.

- Học từ vựng bằng Flash-cards:


Đây là cách học từ vựng rất phổ biến và được tin dùng. Bạn có thể học mọi lúc mọi nơi ngay khi có thể, những từ khó nhớ bạn hãy sắp xếp
lên phía trên, những từ nào bạn đã nhớ, bạn hãy xếp xuống dưới. Ngoài ra bạn có thể sử dụng app trên Smartphone, ví dụ như: Anki.

6
CHAPTER

3 học từ vựng siêu tốc

- Sử dụng Âm nhạc để nhớ cụm từ hoặc câu dài:


Bạn có thể ghép câu bạn muốn ghi nhớ với giai điệu một bài hát bạn yêu thích, hát nó một vài lần bạn sẽ nhớ ngay lập tức.

- Học thuộc một vài câu cơ bản thường dùng:


Ví dụ, hãy chuẩn bị một đoạn giới thiệu bản thân bằng cách trả lời một số câu hỏi thông dụng như: who are you? What is your name?
what do you do? Why do you learn this language?... Hãy học thuộc chúng và sử dụng khi giao tiếp.
Người bạn nói chuyện cùng sẽ vô cùng ấn tượng vì phần mở đầu của bạn, và họ sẽ sử dụng nhiều từ ngữ khó hơn một chút với bạn, điều
này sẽ giúp bạn học được nhiều hơn.
Ngoài ra, hãy tìm một số mẫu câu cơ bản khác bạn nên học thuộc trước, ví dụ như: what does it mean? What is this? Sorry, thank you, how
are you, nice to meet you,…

- Học nhóm từ phổ biến toàn cầu:


Rất nhiều ngôn ngữ sử dụng những từ được mượn từ ngôn ngữ khác, hay có những từ cả thế giới đều biết, tuy nhiên tuỳ vào ngôn ngữ mà
cách đọc có đôi chút khác nhau, tuy nhiên bạn vẫn có thể dễ dàng hiểu được. Ví dụ như:
. Tên danh nhân: Obama, Ronaldo,…
. Thương hiệu nổi tiếng: Pepsi, Coca-Cola,…
. Món ăn: Sushi, Pasta, Pizza,…
. Công nghệ: Internet, email, robot,….
Học những từ vựng này sẽ giúp bạn cải thiện vốn từ rất nhanh vì chúng rất quen thuộc và dễ nhớ.

- Trong hầu hết các ngôn ngữ đều có hai dạng là thể lịch sự và thể thông thường, để đơn giản hơn cho người mới bắt đầu, bạn nên chỉ tập
trung vào thể lịch sự trước.
7
CHAPTER

4 môi trường học ngoại ngữ

Nhiều người cho rằng phải đến đất nước nói ngôn ngữ bạn muốn học mới tốt, nhưng cách này tuy tốt nhưng lại rất tốn kém.
Thật ra, nếu bạn có thể tạo môi trường học ngoại ngữ ngay tại đất nước bạn sinh sống thì bạn vẫn có thể đạt kết quả cao không
kém gì việc bạn ra nước ngoài học, thậm chí với một mức chi phí vô cùng ít ỏi.

- Thực tế là dù học ở đâu thì cũng có những lợi thế và bất lợi riêng, kể cả việc học ở nước ngoài. Nhiều người dù sống ở nước
ngoài nhiều năm nhưng vẫn không nói được ngoại ngữ thành thạo, đó là vì sự lười biếng và những cám dỗ của cái mà người ta gọi là “vỏ
bọc người ngoại quốc”. Họ dù ra nước ngoài nhưng vẫn sống cùng những người cùng nước, vẫn nói tiếng mẹ đẻ hàng ngày hàng giờ. Thậm
chí họ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn so với khi ở trong nước, ví dụ như: họ phải làm quen, thích nghi với cuộc sống mới, với những con
người xa lạ, họ phải dành thời gian kết bạn, vượt qua rào cản văn hoá, nhiều lúc là sự cô đơn, nhớ nhà,…Những điều này dễ gây ra rất
nhiều cản trở với việc học ngôn ngữ. Trong khi đó, ở nước mình, bạn không có quá nhiều thứ để lo lắng như thế.

- Vậy khi nào bạn nên ra nước ngoài học ngôn ngữ?
Bạn chỉ có thể có những trải nghiệm tuyệt vời khi ra nước ngoài nếu bạn có thể giao tiếp tốt bằng
ngôn ngữ của người bản xứ, nếu không bạn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế hãy trang bị cho
bản thân khả năng giao tiếp cơ bản trước khi ra nước ngoài, cách này sẽ giúp bạn học nhanh hơn,
hoà nhập nhanh hơn khi ra đi.

- Vậy làm thế nào tạo ra môi trường học ngoại ngữ ngay tại đất nước của bạn?

Đầu tiên, hãy tìm ngay một người bản xứ có thể giúp bạn học ngôn ngữ của họ. Thường thì người
nước ngoài khi sang nước bạn rất cởi mở và muốn kết bạn, bạn cũng có thể giúp họ học tiếng mẹ đẻ
của mình. Bạn có thể tìm trên một số trang web cho người nước ngoài, ví dụ như: Couchsurfing.org,
Internations.org, meetup.com,…Ngoài ra bạn có thể trực tiếp tìm kiếm tại nơi bạn đang sống.

- Hãy cố gắng làm mọi thứ bằng ngoại ngữ bạn muốn học. Ví dụ như cập nhật tin tức, học tập, nghiên cứu, tra cứu thông tin, viết
ghi chú, kế hoạch, xem phim,…

- Học với những người học khác: đôi khi không nhất thiết bạn cứ phải lúc nào cũng học với người bản xứ mới tốt, học với những người
học khác cũng có những lợi thế riêng. Bạn có thể cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, dễ dàng giao tiếp hơn nếu là người cùng nước
bạn, đặc biệt bạn và họ có chung mục đích học tập.

- Các phương tiện thông tin đại chúng: sử dụng những phương tiện này cũng là một cách để bao bọc quanh bạn ngôn ngữ mà bạn
muốn học. Ví dụ: radio, Tivi,…

- Các chương trình trao đổi ngôn ngữ online: đó là những nơi bạn có thể tìm cho mình những chiến hữu cùng chung ý chí để giúp đỡ
nhau trong việc học ngôn ngữ.
Ví dụ: Italki.com
Ngoài ra bạn có thể tham gia các lớp học online.

8
CHAPTER

5 Nói ngay điều gì đó ngay ngày đầu tiên

Luyện nói ngày ngày là cách tuyệt vời để nhanh chóng giúp bạn tiến gần đến mục tiêu giao tiếp trôi chảy, vậy tại sao không bắt
đầu ngay từ ngay đầu tiên? Hãy hành động ngay đi và đừng cho mình bất kỳ lý do nào để chần chừ. Dù bạn chỉ biết có vài chữ
thì vẫn cứ nói vài chữ, điều đó tốt hơn là không nói gì cả.

- Làm thế nào để nói trong khi bạn chưa có đủ vốn từ vựng?
Tất nhiên, bạn phải học trước một chút và hãy luyện nói ngay khi có thể, bạn phải sử dụng tất cả những gì bạn có ngay lập tức, dù bạn mới
chỉ học trong vài giờ cũng được.
Ngoài ra hãy sử dụng cả ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, điệu bộ để thể hiện điều bạn muốn nói và khi giao tiếp hãy dựa vào ngữ cảnh để đoán
nghĩa.
Hãy mạnh dạn nói và đừng sự mắc lỗi vì điều đó tốt cho bạn, hãy học từ những lỗi sai đó và tự sửa mình tốt hơn.

- Giờ học đầu tiên:


• Hãy lên kế hoạch cho buổi gặp gỡ nói chuyện đầu tiên, hẹn với người bạn đồng hành của mình và bây giờ, bạn đã có một thời hạn
cho việc học tập, hãy học nhiều nhất có thể trong thời gian từ lúc này cho đến buổi gặp mặt.
• Bạn phải cố gắng hết sức có thể để chuẩn bị cho buổi gặp đó:
Hãy học ngay những mẫu câu thông dụng hay dùng, ví dụ như:
Hello, Goodbye
How are you?
What is your name?
Nice to meet you
I don’t understand
Can you understand me?
Could you repeat that please? Or Again, please
Could you speak slower please?
What does it mean?
Yes, No
Thank you

Những mẫu câu này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong lần gặp đầu tiên.
• Trong buổi gặp, bạn nên mang theo từ điển, tốt nhất là kim từ điển hoặc từ điển trong điện thoại, mang theo cả ghi chú bạn đã chuẩn bị.
Chúng sẽ giúp bạn rất nhiều khi bạn không biết phải nói như thế nào.
• Giữ cuộc trò chuyện đơn giản và thú vị: đừng quá áp lực với nó mà hãy thật thoải mái, điều đó tốt cho cả hai trong lần đầu gặp gỡ. Sử
dụng ngôn ngữ cơ thể thường xuyên sẽ giúp bạn diễn đạt hài hước và dễ hiểu hơn, đồng thời làm bầu không khí luôn vui vẻ.
• Sử dụng thường xuyên các Động từ như: “can, need, should, may, must, have to, like, want,…” vì chúng dễ sử dụng và có thể diễn đạt dễ
hiểu hơn.
Ví dụ that vì nói “I will go to America tomorrow” bạn có thể nói “I have to go to America tomorrow” nếu bạn còn chưa biết chia động từ
hoặc lúng túng trong việc đó.
Hãy sử dụng những cách diễn đạt khác nhau, từ đồng nghĩa để giúp bạn trình bày ý kiến dễ hiểu hơn, đơn giản hơn. Ví dụ nếu bạn không
biết từ “trường học” là gì trong Tiếng Anh thì bạn có thể miêu tả nó là “a place where students study”.
• Bạn nên chuẩn bị trước một vài nội dung bạn sẽ nói chuyện cùng họ:
Một vài gợi ý cho bạn như: giới thiệu, đất nước, công việc, những gì họ làm trong ngày hôm đó,…
• Xin họ nhận xét và ý kiến góp ý, nhờ họ sửa lỗi sai khi bạn mắc phải, và hãy nhớ ghi chú lại.
• Bạn phải làm gì nếu không hiểu câu trả lời của họ?
Không sao cả, hãy cố gắng lắng nghe từ khoá và đoán nghĩa theo ngữ cảnh.
• Nếu bạn không thể gặp trực tiếp vì khoảng cách địa lý, Skype là một giải pháp vô cùng hiệu quả.

9
CHAPTER

5 Nói ngay điều gì đó ngay ngày đầu tiên

- Hãy tập trung vào 1 và chỉ 1 ngôn ngữ trong một khoảng thời gian, hạn chế tối đa việc sử dụng ngôn ngữ khác, ngay cả tiếng mẹ đẻ.
Bạn cần quen với việc suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới mà không cần dịch, hãy quyết định để thay đổi thói quen và cả cuộc đời bạn.

- Phương pháp của Jack Sparrow:


Với những người mới bắt đầu thì vấn đề trong những lần gặp đầu tiên là họ phí quá nhiều thời gian cho việc “ầm ừ”. Bạn có thể sẽ cảm
thấy thật sự là ngốc ngếch, bối rối và không thoải mái trong những lần như thế. Nếu có thể bạn nên hạn chế những vấp váp như vậy,
nhưng nói dễ hơn làm. Những lần bạn không nghĩ ra phải nói như thế nào như vậy còn khiến đối phương phải chờ đợi và không thoải
mái. Nhưng bằng một cách khác bạn có thể loại bớt căng thẳng và sự vụng về đó và làm đối phương thoải mái hơn. Ví dụ như, hãy thử
“đóng kịch câm” xem, sử dụng ngôn ngữ cơ thể để diễn tả cho họ hiểu mà không cần phải nói lời nào hết, thậm chí bạn sẽ trở nên vô cùng
hài hước, vui tính trong mắt họ.
Ngoài ra trong hầu hết các ngôn ngữ đều có những cách để lấp đầy những khoảng trống khi trò chuyện. Hãy học những cách như vậy để
giúp cuộc trò chuyện dài hơn, liên tục hơn, suôn sẻ hơn mà không bị ngắt quãng bởi những khoảng im lặng ngượng ngùng.
Ví dụ: để trả lời cho câu hỏi “How is your food?’’, thay vì chỉ trả lời “Good” rồi chẳng biết nói gì hơn, hãy sử dụng cách trên xem sao. “Thanks
for asking. To tell you the truth, I must say that the food is good. Let me ask you the same question: what do you think of your food?”. Đó là
một ví dụ, ngoài ra còn rất nhiều cách khác như: “well, you know, so,…”

- Cách vượt qua những ngượng ngùng ban đầu: Đơn giản chỉ cần dừng những suy nghĩ hướng về sự ngượng ngùng, e thẹ và chuyển
sự tập trung sang những điều tích cực. “Người lạ chỉ là những người bạn nhưng bạn vẫn chưa quen mà thôi”. Hãy hành động bất chấp nỗi
sợ hãi, nỗi sợ sẽ biến mất, đặt mình vào thế không còn đường thoái lui.

- Cuối cùng, hãy liên tục tăng dần độ khó để thử thách bản thân vươn lên, ví dụ tăng thời gian nói chuyện lên, thay vì nói chuyện trực tiếp
hãy thử skype rồi cuối cùng là gọi điện thoại,…

10
CHAPTER

6 Từ “Lưu loát” đến “Thành thạo”

Thật ra sẽ là tương đối khó khăn để đạt đến mức giao tiếp rất “trôi chảy lưu loát” và còn hơn thế nữa nếu bạn chỉ được đơn
thuần tiếp xúc và sử dụng ngôn ngữ ấy, điều đó có thể nếu bạn hoàn toàn “sống” bằng ngôn ngữ đó nhưng sẽ mất rất nhiều
thời gian. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tăng tốc vượt trội bằng cách quay về với cách học truyền thống ở một thời điểm nào đó.

- Luôn luôn tìm cách để tiến bộ hơn:


Chúng ta đã biết về thời điểm bão hoà khi bạn không thể tiếp thu thêm được nữa. Và đó là lúc những Mini-Missions (Nhiệm vụ nhỏ) phát
huy tác dụng và giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Sau một quá trình học tập và rèn luyện với cường độ và kỷ luật cao, bạn sẽ đạt được những thành công nhất định, điều đó dễ dẫn tới việc
bạn trở nên lười biếng và quyết định rằng những gì bạn có hiện nay là đủ tốt rồi. Bạn sẽ không muốn có gắng hơn nữa. Đó là lý do vì sao
nhiều người đạt đến một trình độ nhất định và mãi mãi dậm chân tại chỗ. Họ nghĩ đã đến lúc để hưởng thụ thành quả của bao công sức
trước đó và bắt đầu bỏ bê học tập dần dần. Nhưng trình độ đó mới chỉ dừng lại ở mức giao tiếp thông thường cơ bản và thiết yếu, còn việc
thảo luận sâu hơn thì họ không thể làm được. Họ vẫn chưa đạt đến trình độ có thể làm bất cứ điều gì với ngôn ngữ đó. Để tiến đến những
tầm cao mới, bạn phải loại bỏ sự bão hoà và bước tiếp. Hãy đặt mục tiêu cao hơn và thúc đẩy bản thân nhiều hơn nữa.

- Cách học truyền thống sẽ giúp bạn lúc này:


Lúc này bạn nên quay về với cách học truyền thống, để hiểu sâu hơn về cách mà ngôn ngữ đó hoạt động, cách các câu từ được hình
thành,…Chính lúc này việc học ngữ pháp mới phát huy tác dụng, bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi học ngữ pháp và nó giúp bạn nâng cao
trình độ. Bạn sẽ diễn đạt tốt hơn và chính xác hơn rất nhiều.

- Thử sức với những cuộc thảo luận phức tạp hơn:
Ví dụ như, những cuộc thảo luận với những chủ đề khó như chính trị, kinh tế, triết lý và bạn phải đưa ra luận điểm để bảo vệ ý kiến của
mình. Đây là lúc bạn nên vượt lên tầm của những câu chuyện xã giao hời hợt với chủ đề chung chung để hướng nó đến những chủ đề sâu
sắc và đòi hỏi kiến thức nhiều hơn. Bạn sẽ có cơ hội học được cách tranh luận, trình bày ý kiến và bảo vệ nó, sử dụng nhiều từ vựng và mẫu
câu khó hơn…

- Tiến đến sự “thành thạo” nhờ Phim và Sách:


Đây là cách học tập trung vào việc nạp một lượng lớn thông tin “đầu vào” trước khi có thể sử dụng ngôn ngữ, cách này sẽ tiếp thu ngôn
ngữ theo cách ít tương tác hơn, ví dụ thông qua đọc sách, tiểu thuyết, xem tivi, phim ảnh, nghe radio, nghe nhạc,…Nó vô cùng vất vả và
có thể khiến nhiều người bỏ cuộc. Nhưng lúc này sử dụng cách này sẽ vô cùng hiệu quả để đẩy bạn lên một nấc thang mới, với mục tiêu có
thể thưởng thức phim ảnh hay các chương trình truyền hình một cách dễ dàng hay cập nhật tin tức qua báo chí bằng ngoại ngữ bạn mới
học được, bạn sẽ sớm đạt đến trình độ sử dụng ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ của mình.
Đầu tiên bạn có thể chọn những chủ đề bạn yêu thích hay đã quen thuộc, nó sẽ giúp bạn thích nghi dần với phương pháp mới và có sự
khởi đầu tốt hơn, tạo động lực để tiếp tục tiến lên, ví dụ: hãy xem bộ phim bạn yêu thích nhưng với phiên bản ngôn ngữ bạn đang học.
Phương pháp này đòi hỏi bạn sự tập trung, chú tâm ở mức cao độ, bạn không được làm việc gì khác trong khi đang học. Ví dụ, khi bạn
luyện nghe cần chú ý nghe kỹ càng và ghi chú lại, cố gắng bắt chước theo và đảm bảo rằng bạn có thể hiểu rõ từng câu từng chữ.

11
CHAPTER

6 Từ “Lưu loát” đến “Thành thạo”

- Tham gia một kỳ thi để thúc đẩy bản thân buộc phải cố gắng ở mức cao nhất:
Để vươn lên đến trình độ “thành thạo, nhuần nhuyễn” thì bạn nên đăng ký một kỳ thi nào đấy, nó sẽ giúp bạn nâng cao khả năng sử dụng
ngôn ngữ trên phạm vi rộng hơn với chủ đề và tình huống đa dạng. Còn nếu không thi thì hầu hết mọi người chỉ tập trung phát triển ngôn
ngữ đó giới hạn trong chủ đề, lĩnh vực mà họ cảm thấy yêu thích hoặc có liên quan đến họ.

- Writing, Reading and Listening?


Bạn nên giảm sự tập trung vào luyện kỹ năng viết, đọc và thậm chí cả nghe những audio được thu âm trước ở giai đoạn đầu của việc học
tập. Nếu bạn có tổng cộng 100% sức lực, thay vì chia đều 25% cho mỗi kỹ năng thì sẽ tốt hơn nếu bạn dành toàn bộ cho một kỹ năng nhất
định, và tốt nhất là kỹ năng nói vì đó là mục đích chính của ngôn ngữ và nó sẽ giúp bạn nâng cao cả kỹ năng nghe một cách đồng thời.
Bạn sẽ nhanh chóng đạt đến một trình độ nhất định trong một thời gian ngắn. Sau đó, kỹ năng nói sẽ giúp bạn học cách kỹ năng khác
nhanh hơn rất nhiều.
Khi bạn đã ở trình độ B2 và đã sẵn sàng để tiến đến C1 hay C2, bạn nên giảm thời gian cho những cuộc trò chuyện, chỉ giữ ở mức 10 -20%
để dồn hết tâm sức cho việc rèn luyện các kỹ năng còn lại. Hãy bắt đầu luyện đọc những văn bản dài, luyện viết luận và luyện nghe audio
hay các video, tốt hơn hết, bạn nên đăng ký một khoá học ở trình độ học thuật.

- Khoá học nào bạn nên đầu tư?


Tin vui cho bạn là bạn thậm chí có thể bắt đầu học ngay hôm nay hoàn toàn miễn phí hoặc với chi phí rất nhỏ để học ngoại ngữ mới. Ví dụ
hãy sử dụng ngôn ngữ đó thường xuyên với mọi người, sử dụng trang web học online, tải tài liệu miễn phí, đó là cách học không phải trả
tiền. Còn nếu bạn muốn tham gia các khoá học, hãy chọn những khoá học vừa với khả năng chi trả của bạn và cung cấp những tài liệu học
tập chất lượng. Nhưng đăng ký vào những khoá học “đắt giá” cũng có nhiều ưu điểm, đặc biệt bạn sẽ có tâm lý phải học cho tử tế, nghiêm
túc vì bạn không muốn mất tiền vô ích.

- Suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới:


Đây là việc mà bạn nên làm ngay từ đầu, hãy dừng ngay việc suy nghĩ bằng cách dịch từ tiếng mẹ đẻ sang ngôn ngữ mới hay ngược lại.
Hãy luyện nói với chính mình nhiều hơn, tập làm chủ các cuộc đối thoại nội tâm bằng ngôn ngữ mới. Với cách này bạn có thể học mọi lúc
mọi nơi. Phương pháp này giúp bạn tăng tốc suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới, tăng phản xạ và có thể nói nhanh hơn như người bản xứ.

12
CHAPTER

7 như người bản xứ

Bây giờ là lúc bạn vượt lên trên hơn nữa bằng cách hoà nhập vào cuộc sống của ngoài bản xứ, thích nghi với văn hoá của họ.
Sau khi dùng cách học truyền thống để đạt đến trình độ C2, lúc này bạn đã có thể làm mọi thứ với ngôn ngữ mới của mình,
nhưng bạn có thể vẫn mang giọng địa phương hay của tiếng mẹ đẻ của mình, vì thế người bản xứ vẫn có thể nhận ra bạn là
người nước ngoài.

- Thật ra giọng của tiếng mẹ đẻ chỉ là một phần nhỏ mà cách bạn cư xử, hành động như người bản xứ mới có thể làm họ nghĩ bạn là
người cùng nước với mình. Để làm được như vậy, bạn cần sự đi sâu vào tìm hiểu phong tục, văn hoá của họ, quan sát và bắt chước theo
những gì họ làm, tìm ra sự khác nhau giữa bạn và họ, họ ăn mặc ra sao, sử dụng ngôn ngữ cơ thể như nào, khoảng cách khi giao tiếp bao
nhiêu, những chủ đề họ hay bàn luận, nói chung là tất cả những gì họ làm.

- Nhưng thậm chí đến mức bạn có thể nói trôi chảy, đúng ngữ pháp với phát âm rất chuẩn, diện mạo và cư xử như một người bản xứ,
họ vẫn có thể nhận ra bạn đến từ nước ngoài dựa vào những gì bạn nói. Ví dụ: trong Tiếng Anh, “go to bed” là cụm từ có vẻ sai ngữ pháp
nhưng đó là cách nói thông thường phổ biến của người bản xứ. Chỉ bằng cách tiếp xúc nhiều và bắt chước bạn mới có thể học được những
ngôn ngữ thông dụng này.

Ngoài ra, bạn phải chú ý có thể cách phát âm một từ khi đứng độc lập và khi đặt trong câu có thể khác nhau, khi nói nhanh có thể khác khi
nói chậm rãi từ tốn, vì thế nên học cả câu khi học từ vựng hay luyện nói. Bạn có thể tự thu âm để nhận ra những lỗi sai mà bản thân mắc
phải và tự điều chỉnh. Có thể phát âm của bạn rất tốt, nhưng giọng điệu của bạn lại không giống với người bản xứ. Người bản xứ thường
nói với một nhịp điệu đặc trưng, cách lên giọng, xuống giọng, ngắt nghỉ, nhấn nhá,…với những nét riêng, hãy chú ý điều đó và bắt chước
theo họ.

13
CHAPTER

8 KHI Một ngoại ngữ là chưa đủ

Làm sao để có thể nói nhiều ngôn ngữ mà không bị lẫn lộn, nhầm lẫn giữa chúng, làm sao để không bị quên mất những ngôn
ngữ bạn đã thành thạo khi học ngoại ngữ mới?

- Bạn chỉ có thể trở thành một người nói đa ngôn ngữ nếu bạn thật sự có niềm đam mê lớn với ngôn ngữ, thích thú với việc sống bằng
ngôn ngữ đó, khám phá văn hoá và con người đất nước đó.

- Nhưng học nhiều ngoại ngữ cùng một lúc lại không phải là một ý kiến hay, hãy tập trung vào một và chỉ một ngôn ngữ trong cùng một
thời điểm nhất định. Chỉ chuyển sang học ngoại ngữ mới khi bạn đã tự tin với ngôn ngữ cũ, hay đạt đến mức “lưu loát”,“thành thạo” ngôn
ngữ đó.

- Bao nhiêu ngoại ngữ bạn có thể học tất cả? Điều này phụ thuộc vào niềm đam mê của bạn và thời gian bạn có thể bỏ ra cho việc học
ngôn ngữ, nó cũng phụ thuộc vào việc bạn có định sống với ngôn ngữ đó không trong suốt phần đời còn lại, ngôn ngữ đó có ảnh hưởng
lớn với bạn, có quan trọng với bạn không.

- Hãy cố gắng suy nghĩ như một người bản xứ, học văn hoá, cách nói chuyện của họ, nhập vai vào một người bản xứ thực thụ, bạn sẽ
không bị nhầm lẫn hay lẫn lộn khi sử dụng các ngoại ngữ.

- Cách học cho mọi ngoại ngữ đều tương đối giống nhau, dù là ngoại ngữ thứ n hay ngoại ngữ đầu tiên, đặc biệt bạn có thể học một ngôn
ngữ khác thông qua những ngôn ngữ khác bạn đã biết. Ví dụ, bạn có thể học Tiếng Nhật dễ dàng hơn nếu bạn đã biết Tiếng Trung, vì hai
loại ngôn ngữ này có nhiều điểm chung, đặc biệt là bộ chữ Hán vô cùng khó học với nhiều người.

14

You might also like