You are on page 1of 17

MỞ ĐẦU

Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ thông tin và internet
đã đem lại những thay đổi sâu sắc trong xã hội và trong cuộc sống. Theo đó
thông tin thường được lưu trữ và truyền tải dưới dạng dữ liệu số như tệp văn
bản, hình ảnh, âm thanh, video,… Dưới sự trợ giúp của phần mềm người
dùng có thể dễ dàng tạo ra các bản sao chép có chất lượng tương tự dữ liệu
bản gốc. Mạng Internet toàn cầu đã biến thành một xã hội ảo nơi diễn ra quá
trình trao đổi thông tin trong mọi lĩnh vực. Trong môi trường mở như hiện
nay xuất hiện những vấn nạn sao chép, tái tạo phân phối trái phép, làm giả dữ
liệu số,… Vì vậy việc chống lại những vấn nạn trên đang là mối quan tâm lớn
của nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Việc thực thi quyền sở hữu dữ liệu là một yêu cầu quan trọng và đòi hỏi
các giải pháp đồng bộ, bao gồm các khía cạnh về kỹ thuật, tổ chức và luật
pháp,... Một trong những giải pháp được các nhà nghiên cứu trong và ngoài
nước quan tâm nhiều hiện nay đó là sử dụng kỹ thuật thủy vân để bảo vệ bản
quyền, xác thực thông tin.

Xuất phát từ thực tế trên, tác giả lựa chọn đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật
thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ ứng dụng bảo vệ bản quyền”, nhằm nghiên
cứu các kỹ thuật thủy vân đối với cơ sở dữ liệu quan hệ trong ứng dụng bảo
vệ bản quyền.

Mục tiêu của luận văn là nghiên cứu thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ đảm
bảo tính bản quyền. Do mỗi kiểu dữ liệu của cơ sở dữ liệu quan hệ có những
đặc điểm riêng nên đòi hỏi khi thủy vân các kỹ thuật thủy vân phải phù hợp
với những đặc điểm của dữ liệu được thủy vân. Vì vậy luận văn này tác giả
tập trung nghiên cứu sử dụng kỹ thuật thủy vân chèn ảnh nhị phân vào thuộc
tính dữ liệu kiểu văn bản có nhiều từ.
Phát triển các kết quả nghiên cứu về mặt lý thuyết, trên cơ sở cài đặt thử
nghiệm, đánh giá và đưa ra những phương pháp, kỹ thuật mới, cải tiến.

Đề tài có ý nghĩa lớn đối với ngành Công nghệ thông tin trong việc
chứng minh quyền sở hữu đối với cơ sở dữ liệu quan hệ sau khi đã được phân
phối hoặc chuyển giao, đặc biệt là trên môi trường mạng internet.

Bố cục của luận văn gồm: Phần mở đầu, các chương nội dung và tài liệu
tham khảo.

Chương 1: Nghiên cứu tổng quan về thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ

Chương 2: Lược đồ thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ trong ứng dụng bảo
vệ bản quyền

Chương 3: Phát triển lược đồ lược đồ thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ ứng
dụng bảo vệ bản quyền.
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ THỦY VÂN CƠ SỞ DỮ LIỆU QUAN HỆ

1.1. Giấu tin

1.1.1. Khái niệm giấu tin

Có nhiều phương pháp bảo vệ thông tin dữ liệu số trong đó giấu tin là
một trong những phương pháp được quan tâm nhiều hiện nay.

Giấu tin là kỹ thuật nhúng một lượng thông tin số vào trong một đối
tượng dữ liệu số khác. Một trong những yêu cầu cơ bản của giấu tin là đảm
bảo tính chất ẩn của thông tin được giấu, đồng thời không làm ảnh hưởng đến
chất lượng của dữ liệu gốc.

Giấu tin khác với mật mã ở chỗ trong khi kỹ thuật giấu tin mật là tìm
cách ẩn giấu thông điệp vào một phương tiện số như hình ảnh, audio, video
mà người ngoài cuộc khó có thể phát hiện được sự hiện hữu của thông điệp
trong phương tiện số đó mặc dù người ngoài cuộc có thể có nó trong tay. Còn
trong khoa học mật mã người ta tìm cách để biến đổi bản thông điệp có ý
nghĩa thành một dãy mã ngẫu nhiên để liên lạc với nhau trên mạng công cộng
mà người ngoài cuộc có thể có được sự hiện hữu của dãy mã ngẫu nhiên đó
nhưng khó có thể chuyển thành bản thông điệp ban đầu nếu không có “khóa”
để giải mã của thông điệp.
Hình 1.1: Quá trình giấu tin

Hình 1.2: Quá trình tách (lấy ra) thông tin đã giấu

1.1.2. Phân loại giấu tin

Do kỹ thuật giấu tin mới được hình thành trong thời gian gần đây nên
những nhu cầu liên quan đến vấn đề giấu tin vẫn chưa được giải quyết một
cách triệt để. Nhiều phương pháp mới theo nhiều khía cạnh khác nhau đã và
đang được tiến hành nghiên cứu, đề xuất.

Dựa trên việc thống kê sắp xếp các công trình đã công bố trên một số tạp
chí, cùng với thông tin về tên và tóm tắt nội dung của các công trình đã công
bố trên Internet, có thể chia lĩnh vực giấu tin ra làm hai hướng lớn, đó là giấu
tin bí mật (Steganography) và thủy vân (Watermark).
Giấu tin bí mật (Steganography) quan tâm tới ứng dụng che giấu các bản
tin đòi hỏi độ bí mật và dung lượng càng lớn càng tốt.

Thủy vân (Watermark) quan tâm đến ứng dụng giấu các mẩu tin ngắn
nhưng đòi hỏi độ bền vững lớn của thông tin cần giấu (trước các biến đổi
thông thường của dữ liệu).

Đối với từng hướng lớn của giấu tin là giấu tin mật và thủy vân, quá trình
phân loại theo các tiêu chí khác có thể tiếp tục được thực hiện như dựa theo
ảnh hưởng các tác động từ bên ngoài có thể chia thuỷ vân thành hai loại, một
loại bền vững với các tác động sao chép trái phép, loại thứ hai lại cần tính
chất hoàn toàn đối lập là dễ bị phá huỷ trước các tác động từ bên ngoài.

Hình 1.3: Tổng quan về giấu tin

1.1.3. Môi trường giấu tin

Giấu tin trong ảnh: Thông tin sẽ được giấu cùng với dữ liệu ảnh nhưng
chất lượng ảnh ít bị thay đổi hoặc thay đổi nhỏ và không thể nhận biết được
bằng thị giác của con người, nó chỉ có thể bị phát hiện bởi ứng dụng, công
nghệ của máy tính. Ngày nay ảnh số được sử dụng rộng rãi và phổ biến nên
giấu thông tin trong ảnh đã được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh
vực.
Giấu tin trong audio: Thông tin sẽ được giấu cùng với dữ liệu âm thanh.
Đối với giấu thông tin trong ảnh phụ thuộc vào hệ thống thị giác của con
người thì giấu thông tin trong audio lại phụ thuộc vào hệ thống thính giác của
con người. Vì vậy với môi trường giấu tin trong audio sẽ gặp một số khó khăn
như hệ thống thính giác của con người nghe được các tín hiệu ở các giải tần
rộng, công suất lớn nên khó khăn đối với các phương pháp giấu tin trong
audio, tiếp theo đó là kênh truyền tin cũng ảnh hưởng đến chất lượng thông
tin sau khi giấu.
Giấu tin trong video: Thông tin sẽ được giấu cùng với dữ liệu video.
Phương pháp giấu tin video được sử dụng phổ biến là phương pháp phân bố
đều, phương pháp này đươc đưa ra bởi tác giả Cox. Ý tưởng cơ bản của
phương pháp này là phân phối thông tin dàn trải theo tần số trong dữ liệu gốc.

1.2. Thủy vân

1.2.1. Lịch sử ra đời thủy vân

Khái niệm thủy vân đã ra đời từ lâu và được các công nhân nhà máy giấy
ở Italia sử dụng. Các tờ giấy được thủy vân sẽ mỏng hơn và có hoa văn trên
đó. Ý nghĩa của việc thủy vân này giúp các xưởng sản xuất giấy đánh dấu bản
quyền trên tờ giấy của họ làm ra. Thuật ngữ thủy vân bắt nguồn từ một loại
mực vô hình và chỉ hiện lên khi nhúng vào nước.

Thủy vân số được coi là ra đời từ năm 1954 với bằng sáng chế của Emile
Hembrooke. Tuy nhiên, nghiên cứu thủy vân vẫn chưa được đặt ra như một
lĩnh vực nghiên cứu độc lập cho tới những năm 1980 và khái niệm thủy vân
chỉ được hoàn thiện vào giữa những năm 90 của thế kỷ 20.
Agrawal và Kiernan (2002) đưa ra những đề xuất đầu tiên về kỹ thuật
thủy vân trên cơ sở dữ liệu quan hệ bởi nhu cầu cấp thiết của người chủ dữ
liệu muốn bảo vệ sản phẩm của mình trước những tấn công bên ngoài. Các
tác giả đã đề xuất một lược đồ thủy vân trong đó dữ liệu có thể chấp nhận
những thay đổi nhỏ mà không ảnh hưởng đến giá trị sử dụng của chúng.

Mục đích của thủy vân: Các lược đồ thủy vân khác nhau được thiết kế để
phục vụ cho các mục đích khác nhau, cụ thể là: bảo vệ bản quyền, đảm bảo sự
toàn vẹn hay phát hiện giả mạo, khoanh vùng, chứng minh quyền sở hữu,...
Đối với các lược đồ thủy vân dùng để bảo vệ bản quyền cho cơ sở dữ liệu
quan hệ là thủy vân bền vững.

1.2.2. Khái niệm thủy vân

Thủy vân là kỹ thuật nhúng thông tin vào dữ liệu (dữ liệu có thể là văn
bản, hình ảnh, audio, video hay cơ sở dữ liệu,...) trước khi phân phối dữ liệu
trên môi trường trao đổi thông tin nhằm xác định thông tin về chủ sở hữu
hoặc nhận biết sự tấn công trái phép từ bên ngoài đối với dữ liệu đã được thủy
vân. Thông tin giấu trong dữ liệu được gọi là thủy vân (watermark).

Hình 1.4: Các loại thủy vân

1.2.3. Thủy vân bền vững (robust watermark)


Thủy vân bền vững là kỹ thuật nhúng thủy vân vào dữ liệu sao cho khi
phân phối dữ liệu trong môi trường mở thủy vân này luôn tồn tại bền vững
với dữ liệu gốc và không dễ bị phá hủy trước những biến đổi, tấn công dữ
liệu. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong các ứng dụng bảo vệ bản
quyền, chứng minh quyền sở hữu. Trong những ứng dụng này, thủy vân đóng
vai trò là thông tin sở hữu của người chủ hợp pháp. Thủy vân được nhúng
trong sản phẩm như một hình thức dán tem bản quyền. Trong trường hợp này
thủy vân phải tồn tại bền vững với sản phẩm nhằm chống lại việc tẩy xóa, làm
giả hay biến đổi phá hủy thủy vân. Một yêu cầu đối với thủy vân bền vững là
nếu muốn loại bỏ thủy vân thì chỉ có một cách đó là phá hủy sản phẩm.

Trong thủy vân bền vững được chia làm hai loại là thủy vân ẩn và thủy
vân hiện.

Thủy vân ẩn: Là thủy vân mà mắt thường không thể nhìn thấy thủy vân,
chỉ chủ sở hữu sản phẩm mới có khả năng nhìn thấy được sau khi giải mã
khóa. Trong bảo vệ bản quyền, thủy vân ẩn mang tính bất ngờ hơn trong việc
phát hiện sản phẩm bị đánh cắp. Người chủ sở hữu sẽ chỉ ra bằng chứng là
thủy vân đã được nhúng trong sản phẩm.

Thủy vân hiện: Là loại thủy vân được hiện ngay trên sản phẩm và người
dùng có thể nhìn thấy được giống như các biểu tượng logo trên các sản phẩm,
trên các kênh truyền hình mà ta thường thấy. Các thủy vân hiện trên sản phẩm
thường dưới dạng chìm, mờ hoặc trong suốt để không gây ảnh hưởng đến chất
lượng sản phẩm gốc. Đối với thủy vân hiện, thông tin bản quyền hiển thị ngay
trên sản phẩm.

1.2.4. Thủy vân dễ vỡ (fragile watermark)

Thủy vân dễ vỡ là kỹ thuật nhúng thủy vân sao cho khi phân phối sản
phẩm trong môi trường mở nếu có bất cứ sự biến đổi nào làm thay đổi sản
phẩm gốc thì thủy vân đã được giấu trong đó sẽ không còn nguyên vẹn như
trước khi giấu, tức là nó dễ bị biến đổi trước những tấn công dữ liệu. Kỹ
thuật này thường được dùng trong các ứng dụng xác thực thông tin, đảm bảo
sự toàn vẹn dữ liệu, chống xuyên tạc.

Ví dụ: Để bảo vệ chống xuyên tạc một bức ảnh hay một dữ liệu nào đó ta
nhúng một thủy vân vào trong bức ảnh hay dữ liệu đó rồi phân phối, quảng bá
trên môi trường mở. Khi cần kiểm tra lại ảnh, dữ liệu ta sử dụng hệ thống đọc
thủy vân. Nếu không đọc được thủy vân hoặc thủy vân bị sai lệch nhiều so
với thủy vân ban đầu đã được nhúng vào dữ liệu thì có nghĩa là dữ liệu đó đã
bị thay đổi.

1.3. Cơ bản về cơ sở dữ liệu quan hệ

1.3.1. Khái niệm cơ sở dữ liệu

Cơ sở dữ liệu là bộ sưu tập về các loại dữ liệu tác nghiệp bao gồm: chữ
viết, văn bản, đồ họa, hình ảnh,... được lưu trữ dưới dạng file dữ liệu trên
băng từ, đĩa từ,... Cấu trúc lưu trữ dữ liệu tuân theo các nguyên tắc dựa trên lý
thuyết toán học. Cơ sở dữ liệu là tài nguyên thông tin dùng chung cho nhiều
người, bất kỳ người dùng nào có quyền sử dụng, khai thác toàn bộ hay một
phần đều có thể sử dụng và khai thác nó nhằm thỏa mãn nhu cầu khai thác
thông tin

1.3.2. Mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ

Mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ được tiến sĩ E.F. Codd phát triển vào năm
1970. Loại cơ sở dữ liệu này đã loại bỏ được những vấn đề liên quan đến các
thiết kế cơ sở dữ liệu khác. Sử dụng mô hình này có thể giảm thiểu việc dư
thừa dữ liệu, tiết kiệm được không gian lưu trữ và có khả năng truy xuất dữ
liệu hiệu quả. Hiện nay cơ sở dữ liệu quan hệ đang được sử dụng phổ biến
cho các ứng dụng.

Mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ lưu trữ dữ liệu trên một hoặc nhiều bảng,
mỗi bảng gồm nhiều hàng (row), nhiều cột (column) và được gọi là một quan
hệ. Trong thực tế các hàng, các cột được gọi tên theo thuật ngữ là bản ghi
(record) và trường (field).

Hình 1.5: Biểu diễn quan hệ

- Thực thể: Là đối tượng có trong thế giới thực mà ta cần mô tả các đặc
trưng của nó.

Ví dụ: Thực thể NHANVIEN. Các đặc trưng của thực thể NHANVIEN
gồm: Mã nhân viên (1), Họ (Trần Văn), Tên (An) Ngày sinh (15/4/1971),...

- Thuộc tính: Là tên các cột của quan hệ, các dữ liệu thể hiện các đặc
trưng của thực thể, mỗi thuộc tính có một kiểu dữ liệu tương ứng.
Hình 1.6: Biểu diễn thuộc tính

- Miền thuộc tính: Tập các giá trị có thể có của thuộc tính gọi là miền giá
trị của thuộc tính đó gồm có tên, kiểu dữ liệu, khuôn dạng,...

Ví dụ: Ten: kiểu dữ liệu và Text, Ngaysinh, kiểu dữ liệu: date/time, khuôn
dạng: dd/mm/yyyy

- Bộ dữ liệu: Là các dòng (bản ghi) của quan hệ không kể dòng tên của
các thuộc tính, mỗi bộ chứa giá trị cụ thể của các thuộc tính.

Hình 1.7: Biểu diễn bộ dữ liệu

- Quan hệ: Cho R={A1,A2,...,An}(trong đó R là tên quan hệ, A1,A2,...,An


là các thuộc tính) là một tập hữu hạn các thuộc tính khác rỗng. Mỗi thuộc tính
Ai  R; i=1÷n có một miền giá trị xác định.

Mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ thường biểu diễn một quan hệ trên tập các
thuộc tính bằng bảng 2 chiều. Các thuộc tính của quan hệ là các cột
A1,A2,...,An, các hàng của quan hệ được gọi là các bộ (bản ghi), ký hiệu r và
giá trị của mỗi bộ gồm m thành phần. Quan hệ r được biểu diễn bởi bảng sau:
A1 A2 ... An
r1 r1. A1 r1. A2 ... r1. An
r2 R2. A1 R2. A2 ... R2. An
... ... ... ... ...
rm rm. A1 rm. A2 ... rm. An

Ví dụ:

SINHVIEN(MaSV Ten Ngaysinh Điachi)


HCN01 Hải 12/10/1987 Hà Nội
HCN02 Bình 06/08/1989 Hải Phòng
HCN03 Minh 28/10/1990 Nghệ An
HCN04 Hoa 17/09/1991 Quảng Ninh

Trong đó các thuộc tính là MaSV: Mã sinh viên; Ten: tên; Ngaysinh:
Ngày sinh; Diachi: Địa chỉ. Bộ giá trị là (HCN01, Hải, 12/10/1987, Hà Nội).

- Lược đồ quan hệ: Tập tất cả các thuộc tính trong một quan hệ cùng với
mối liên hệ giữa chúng được gọi là lược đồ quan hệ.

- Khóa của quan hệ: Trong một lược đồ quan hệ luôn tồn tại một thuộc
tính hay một tập các thuộc tính có khả năng biểu diễn duy nhất các thuộc tính
còn lại. Nói cách khác giá trị của một hay nhiều thuộc tính có thể xác định
duy nhất giá trị các thuộc tính khác. Ví dụ Số chứng minh thư sẽ xác định
được tất cả thông tin về người mang chứng minh thư đó. Tập thuộc tính có
tính chất như trên được gọi là khoá của lược đồ quan hệ. Thông thường trong
một lược đồ quan hệ có thể tồn tại nhiều khoá. Trong số đó sẽ chọn một khoá
làm khoá chính sao cho đơn giản và không nhập nhằng thông tin. Giá trị các
thành phần của khoá không thể nhận giá trị null hay các giá trị không xác
định.
Khóa của quan hệ R xác định trên tập thuộc tính R={A1, A2,...A} là tập
con K  R sao cho bất kỳ hai bộ khác nhau t1, t2  r luôn thỏa t1.K ≠ t2.K.

Khóa là khái niệm quan trọng trong thiết kế cơ sở dữ liệu quan hệ. Khóa
thường được áp dụng trong việc tìm kiếm và cập nhật dữ liệu trong các quan
hệ cơ sở dữ liệu.

1.4. Thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ

Thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ là kỹ thuật cho phép người chủ dữ liệu có
thể nhúng thủy vân vào cơ sở dữ liệu quan hệ của mình để đánh dấu quyền sở
hữu dữ liệu. Thủy vân thường mô tả những thông tin có thể chứng minh
quyền sở hữu dữ liệu như tên chủ sở hữu, nguồn gốc dữ liệu,... Việc nhúng
thông tin đòi hỏi thủy vân được nhúng trong dữ liệu không thể bị giả mạo
hoặc tẩy xóa nhằm bảo vệ bản quyền hoặc đảm bảo sự toàn vẹn dữ liệu.

* Khóa thủy vân:


Khóa thủy vân là một lượng dữ liệu bí mật chỉ có chủ sở hữu cơ sở dữ
liệu biết và lựa chọn nhằm mục đích xác định thủy vân trong lược đồ thủy
vân. Khóa thủy vân thường được ký hiệu là K và khóa K này sẽ được kết hợp
với thủy vân để nhúng vào cơ sở dữ liệu cũng như để phát hiện thủy vân.

1.5. Một số yêu cầu đối với thủy vân

Tùy thuộc vào mục đích và ứng dụng mà các yêu cầu của hệ thống thủy
vân được đặt ra, tuy nhiên trên thực tế thủy vân đòi hỏi một số yêu cầu sau:

- Tính bền vững (Robustness): Tính bền vững là yêu cầu quan trọng của
thủy vân, tùy vào từng loại ứng dụng mà yêu cầu này được đặt ra cao hay
thấp. Nếu ứng dụng vào bảo vệ quyền sở hữu thì thủy vân cần phải bền vững
cao, còn với ứng dụng chống xuyên tạc thì yêu cầu tính bền vững thấp (thủy
vân dễ vỡ).
- Tính dễ vỡ (fragile): Ngược lại với thủy vân bền vững, thủy vân dễ vỡ
khi có bất kỳ tấn công nào lên dữ liệu thì thủy vân không còn nguyên vẹn.

- Tính không nhận thấy được (imperseptibility): Tính không nhận thấy
được nghĩa là các thay đổi do thủy vân gây ra không lớn và thấp hơn mức
cảm thụ của con người.

- Tính bảo mật (security): Sau khi đã nhúng thủy vân vào dữ liệu chỉ
người có quyền mới được phép chỉnh sửa và phát hiện được thủy vân, điều
này được thực hiện nhờ vào khóa. Khóa được dùng để nhúng và phát hiện
thủy vân trong dữ liệu.

- Tính tìm lại thủy vân: Có thể cần hoặc không cần đến dữ liệu gốc vẫn có
thể tìm lại được thủy vân đã nhúng.

- Khả năng kiểm chứng: Nghĩa là sau khi thủy vân đã nhúng vào dữ liệu,
có khả năng cho phép kiểm tra sự tồn tại của thủy vân trong dữ liệu.
1.6. Ứng dụng của thủy vân

1.6.1. Bảo vệ quyền tác giả (copyright protection)

Bảo vệ quyền tác giả là ứng dụng cơ bản nhất của kỹ thuật thủy vân. Một
số thông tin nào đó mang ý nghĩa quyền sở hữu tác giả sẽ được nhúng vào sản
phẩm, thủy vân đó chỉ một mình chủ sở hữu hợp pháp sản phẩm đó có và
được dùng để chứng minh cho quyền sở hữu sản phẩm. Giả sử có một sản
phẩm dữ liệu dạng đa phương tiện như ảnh, âm thanh, video cần được lưu
thông trên mạng. Để bảo vệ sản phẩm chống lại hành vi lấy cắp, làm nhái, thì
cần phải có một kỹ thuật để đánh dấu bản quyền vào sản phẩm. Việc đánh dấu
này không làm ảnh hưởng lớn đến sản phẩm và khó có thể hủy bỏ được thủy
vân vì nếu muốn hủy bỏ thủy vân thì gần như phải phá hủy luôn sản phẩm.

1.6.2. Phát hiện xuyên tạc thông tin

Thông tin được giấu trong cơ sở dữ liệu quan hệ, sau đó các thông tin này
sẽ được sử dụng để nhận biết xem dữ liệu gốc có bị thay đổi hay không. Thủy
vân thường được nhúng dạng ẩn để tránh sự chú ý của bên ngoài. Trong các
ứng dụng người ta luôn muốn tìm được vị trí bị xuyên tác cũng như xác định
được những thay đổi của dữ liệu. Yêu cầu đối với ứng dụng này là khả năng
giấu thông tin cao và là thủy vân dễ vỡ.

Bằng kỹ thuật phát hiện thủy vân ta có thể lấy thông tin đã giấu vào trong
dữ liệu đó ra. Nếu thông tin lấy ra trùng với thông tin ban đầu đem giấu thì
chứng tỏ dữ liệu gốc không bị thay đổi. Ngược lại, thông tin lấy ra và thông
tin ban đầu có sự khác biệt thì chứng tỏ dữ liệu đã bị thay đổi, xuyên tạc.

1.6.3. Lấy dấu vân tay, dán nhãn

Trong ứng dụng lấy dấu vân tay hay dán nhãn thủy vân được sử dụng để
nhận diện người gửi hay người nhận một dữ liệu nào đó. Trong các ứng dụng,
dữ liệu thủy vân là dữ liệu được công bố công khai, chủ sở hữu dữ liệu muốn
ngăn cản sao chép và phân phối trái phép bằng cách nhúng một thủy vân riêng
(hoặc dấu vân tay) trong mỗi bản sao của dữ liệu. Nếu tại một thời điểm nào
đó sau này, các bản sao trái phép của các cơ sở dữ liệu được tìm thấy, thì
nguồn gốc của bản sao chép có thể được xác định bằng lấy dấu vân tay. Với
những ứng dụng này yêu cầu đảm bảo độ an toàn cao cho các thủy vân, tránh
khả năng xóa dấu vết trong khi phân phối.

1.6.4. Điều khiển thiết bị

Các thiết bị phát hiện thủy vân (sử dụng phương pháp phát hiện thủy vân
đã giấu mà không cần thông tin gốc) được gắn sẵn trong các thiết bị ghi đọc
và tùy thuộc vào việc có thủy vân hay không để điều khiển (cho phép hoặc
không cho phép) truy cập.

1.7. Các dạng tấn công thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ

Cập nhật thông thường: Cập nhật thông thường là dạng tấn công cập nhật
dữ liệu như: thêm, sửa, xóa, thay đổi vị trí các bộ dữ liệu (các bản ghi), thông
thường đối với dạng tấn công này kẻ tấn công thường không nhận biết được
cơ sở dữ liệu đã được thủy vân, các kỹ thuật thuỷ vân phải đảm bảo thủy vân
đã nhúng trong cơ sở dữ liệu không bị mất khi bị kẻ lấy trộm thêm, sửa, xóa,
thay đổi vị trí thứ tự cơ sở dữ liệu.

Tấn công có chủ đích (tấn công độc hại): Tấn công có chủ đích là dạng
tấn công mà kẻ lấy trộm cơ sở dữ liệu có thể biết cơ sở dữ liệu họ ăn trộm có
chứa thủy vân, nhưng vẫn cố gắng để xóa thủy vân này hoặc dùng các phương
pháp, phương tiện khác để đòi quyền sở hữu trái phép. Để bảo vệ quyền sở
hữu cơ sở dữ liệu trước dạng tấn công này thủy vân phải đảm bảo tính bí mật
và bền vững cao để kẻ tấn công khó phát hiện quy luật hay thuật toán thủy
vân của cơ sở dữ liệu.
1.8. Tóm tắt chương

Chương này đã trình bày các khái niệm cơ bản về giấu tin, thủy vân, cơ sở
dữ liệu quan hệ và mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ. Cụ thể trình bày các khái
niệm về giấu tin, phân loại giấu tin, thủy vân, phân loại thủy vân, cơ sở dữ
liệu quan hệ, thủy vân cơ sở dữ liệu, khóa thủy vân, ứng dụng của thủy vân,
một số dạng tấn công thủy vân cơ sở dữ liệu quan hệ thường gặp,…

You might also like