You are on page 1of 3

Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử hình thành và phát

triển để có được ngày hôm nay. Trong lịch sử vẻ vang và hào hùng của dân tộc, đã
có biết bao cuộc kháng chiến, cuộc khởi nghĩa chiến thắng huy hoàng và vang dội,
hay những dấu mốc lịch sử quan trọng, mang tính bước ngoặt cho sự tồn tại và
phát triển của đất nước. Để viết nên những trang sử chói lọi ấy, không thể thiếu tên
tuổi của các vị lãnh đạo anh minh, sáng suốt. Đọc “Chiếu dời đô” của Lí Công Uẩn
và “Hịch tướng sĩ” Trần Quốc Tuấn, ta lại càng thấy rõ hơn vai trò của họ đối với
vận mệnh đất nước.

Trong suốt bề dày lịch sử dân tộc, đất nước ta đã sản sinh ra biết bao người
lãnh đạo anh minh, sáng suốt. Họ không chỉ là những người đứng đầu một quốc
gia, chỉ huy một đơn vị quân sự, quân đội mà còn hội tụ được ba yếu tố quan trọng:
tầm, tài, tâm. “Tầm” là tầm nhìn. Một người lãnh đạo anh minh cần có một tầm
nhìn xa trông rộng, để nhận định đúng về tình hình đất nước từ đó đưa ra các cách
giải quyết phù hợp, quyết định đúng đắn. “Tài” là tài năng, là trí tuệ. Còn “tâm” là
lòng yêu nước, là sự quan tâm tới nhân dân, tới đất nước. Những người lãnh đạo
hội tụ được những yếu tố trên thì là những người lãnh đạo anh minh và sáng suốt.

Đọc “Chiếu dời đô” ta thấy được điều đó ở Lí Công Uẩn. Mở đầu bài chiếu,
Lí Công Uẩn đã đề cập tới việc các nhà Thương (5 lần dời đô), nhà Chu (3 lần dời
đô). Từ đó, ông khẳng định việc dời đô nhằm mục đích “mưu toan nghiệp lớn, tính
kế muôn đời cho con cháu”. Ông cũng khẳng định việc dời đô là theo “mệnh trời”,
hợp “ý dân”, cho nên “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Qua đó, bằng tầm
nhìn xuyên thấu lịch sử, Lí Công Uẩn đã chỉ ra cơ sở của việc dời đô, khẳng định
việc dời đô là rất bình thường, đã có người thực hiện và là việc nên làm. Sau đó, Lí
Công Uẩn đã phê phán hai nhà Đinh, Lê không dời đô, tức là không làm theo ý
trời, không noi theo các thế hệ trước. Từ đó, ông chỉ ra các kết quả không tốt khi
đất nước dưới thời Đinh, Lê. Đó là “triều đại không được lâu bền”, “số vận ngắn
ngủi”, “trăm họ phải hao tốn”, “muôn vật không được thích nghi”. Tất cả những
điều đó chính là cơ sở thực tiễn của việc dời đô, thể hiện lòng yêu nước và trí tuệ,
tầm nhìn của vị vua lỗi lạc. Qua đó, Lí Công Uẩn tỏ ra rất kiên quyết về việc dời
đô, “không thể không dời đổi”. Nhìn lại lịch sử, khi ấy Lí Công Uẩn mới lên ngôi
được một năm. Vì thế mà việc ông quyết định dời đô đã thể hiện được khát vọng
thống nhất đất nước, xây dựng một đất nước phồn thịnh về lâu dài. Lí Công Uẩn đã
mau chóng nhận ra rằng kinh đô Hoa Lư không còn phù hợp để phát triển đất nước
trong thời hòa bình. Bằng trí tuệ sắc bén và tầm nhìn chiến lược, ông đã nhìn ra
thành Đại La là nơi vô cùng thích hợp để phát triển đất nước, là nơi “thắng địa”.
Khác với vùng núi Hoa Lư, thành Đại La có vị trí ở trung tâm trời đất, với thế
“rồng cuộn hổ ngồi”, lại “đúng ngôi nam bắc đông tây”, “nhìn sông dựa núi”. Về
địa hình, Đại La là vùng đất rộng và bằng phẳng, “đất đai cao mà thoáng”. Vì thế
mà dân cư không phải chịu lụt lội, “muôn vật phong phú tốt tươi”. Đây quả là
“chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”. Bên cạnh những lí lẽ sắc bén thể
hiện cái “tầm” của vua Lí Công Uẩn, bài chiếu còn thêm sức thuyết phục bởi tình
cảm và lí lẽ rất hài hòa. Đặc biệt, với lời ban chiếu dưới dạng câu nghi vấn, Lí
Công Uẩn đã thể hiện tinh thần dân chủ, tư tưởng thân dân tiến bộ. Trải qua hàng
ngàn năm lịch sử, thành Đại La (sau được đổi tên thành Thăng Long) là kinh đô, là
nơi chứng kiến sự hưng thịnh của bao triều đại kế tiếp và ngày nay, Hà Nội (thành
Đại La khi xưa) chính là thủ đô, là bộ mặt của đất nước, là trung tâm văn hóa, kinh
tế, chính trị. Tất cả đều xuất phát từ tầm nhìn xa trông rộng của Lí Công Uẩn. Qua
đó, ta thấy rằng một người lãnh đạo anh minh và sáng suốt như Lí Công Uẩn có vai
trò vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất nước.

Trong thời bình, nước ta còn cần một người lãnh đạo anh minh, sáng suốt
đến vậy thì trong thời chiến, khi mà “vận nước lâm nguy” thì ta mới thấy vai trò
của một người lãnh đạo anh minh, sáng suốt đối với vận mệnh đất nước to lớn đến
nhường nào. Trải qua bề dày lịch sử của dân tộc với bao chiến thắng vẻ vang và
chói lọi, đã có biết bao vị tướng, người chỉ huy ghi danh sử sách, tiêu biểu trong số
đó là Trần Quốc Tuấn. Bên cạnh tài chỉ huy quân sự xuất sắc, ông còn là người có
tài văn chương với áng thiên cổ hùng văn “Hịch tướng sĩ”. Bài hịch được sáng tác
vào trước cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ hai, có tác dụng to
lớn trong việc khích lệ lòng yêu nước và ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm
lược của các tướng sĩ đồng thời đánh tan thứ giặc “nội xâm” bên trong họ. Mở đầu
bài hịch, Trần Quốc Tuấn đã nêu gương các trung thần nghĩa sĩ trong sử sách nhằm
khích lệ lòng trung quân ái quốc, lòng ân nghĩa thủy chung và ý chí lập công danh,
xả thân vì nước của tướng sĩ. Những lời lẽ đanh thép mà chan chứa tình cảm,
những lí lẽ sắc bén mà đi vào lòng người đã chỉ ra cho tướng sĩ thấy tội ác của bọn
sứ giặc. Chúng đến nước ta với thân phận “sứ giả” mà dám gây ra bao tội ác: đi lại
nghênh ngang, sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ, đòi ngọc lụa vàng bạc, vơ vét của
kho. Tác giả đã tỏ ra vô cùng căm phẫn và khinh bỉ khi sử dụng một loạt hình ảnh
ẩn dụ: “lưỡi cú diều”, “thân dê chó”. Từ đó, Trần Quốc Tuấn khích lệ lòng căm thù
giặc và nỗi nhục của kẻ mất nước, lòng tự trọng và danh dự của mỗi người trước
vận mệnh quốc gia. Bên cạnh đó, để tăng thêm sự động viên, khích lệ, Trần Quốc
Tuấn đã trực tiếp bày tỏ khúc gan ruột của mình. Ông đã thể hiện sự đau xót, căm
tức đến nỗi “thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối”, “ruột đau như cắt, nước mắt
đầm đìa”, “căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Ông còn bày
tỏ lòng yêu nước sâu sắc, sự sẵn sàng hi sinh vì đất nước: “dẫu cho trăm thân này
phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Trước tình
cảnh “vận nước lâm nguy”, Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra mối ân tình giữa ông và
tướng sĩ trên hai phương diện: giữa chủ và tướng sĩ và giữa những người đồng
cảnh ngộ. Qua đó ông khẳng định tình cảm gắn bó sắt son của một người chủ
tướng đối với các tì tướng, để khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi
người đối với chủ, với đất nước. Không chỉ thế, ông còn nghiêm khắc phê phán
những biểu hiện sai trái trong hàng ngũ tướng sĩ. Đó là lối sống hưởng thụ, an
nhàn, là sự lơ là, bàng quan trước vận nước và từ đó, Trần Quốc Tuán đã chỉ ra hệ
quả nghiêm trọng, khủng khiếp đối với không chỉ ông và các tướng sĩ mà còn đối
với gia đình, tổ tiên, con cháu về sau và đặc biệt là với nhân dân, đất nước. Từ đó,
ông đã chỉ ra việc đúng, nên làm: cảnh giác, tránh sự lơ là; huấn luyện quân sĩ tập
dượt cung tên, tập luyện võ nghệ. Rồi lật lại vấn đề, Trần Quốc Tuấn đã vẽ nên
viễn cảnh tương lai tươi đẹp nếu quân ta dành chiến thắng, để thêm phần khích lệ ý
chí lập công danh, xả thân vì nước của tướng sĩ. Cuối cùng, ông đã kêu gọi binh sĩ
học theo binh thư, đồng thời thể hiện thái độ dứt khoát đối với những kẻ bàng quan
trước thời cuộc. Qủa thật, “Hịch tướng sĩ”, một áng thiên cổ hùng văn với lập luận
chặt chẽ, lí lẽ sắc bén cùng lời văn thống thiết đã có tác dụng động viên vô cùng to
lớn đối với các tướng sĩ, đánh tan thứ giặc “nội xâm” trong hàng ngũ tướng sĩ. Có
lẽ nhờ vậy mà quân ta đã thắng lợi vẻ vang trong lần kháng chiến thứ hai chống
quân Mông – Nguyên - chiến thắng mang đậm dấu ấn của vị tướng tài, Trần Quốc
Tuấn.

Qua đó, ta có thể thấy rằng dù trong thời chiến hay thời bình, một người lãnh
đạo anh minh, sáng suốt luôn đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới vận
mệnh của đất nước. Nhờ có công lao to lớn của họ, chúng ta mới có được ngày
hôm nay. Vì thế, thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh chúng em, phải luôn biết ơn những
người lãnh đạo ấy, và cần phấn đấu học tập để mai này góp phần xây dựng đất
nước, tiếp nối truyền thống ông cha.

You might also like