You are on page 1of 3

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI


---------**----------

Chủ biên: Ths.Trần Minh Nguyệt

Giáo trình

KINH TẾ LAO ĐỘNG

Hà Nội 12/2011
LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn giáo trình “Kinh tế lao động” được biên soạn nhằm mục đích cung cấp cho người
đọc những kiến thức căn bản về các qui luật đời sống kinh tế xã hội trong lĩnh vực quan hệ lao
động. Đối tượng nghiên cứu của giáo trình “Kinh tế lao động” là các quan hệ kinh tế xã hội xuất
hiện trong quá trình lao động dưới ảnh hưởng của những yếu tố khác mang tính kỹ thuật, tổ
chức, cán bộ… Những khía cạnh chính được đề cập đến trong cuốn giáo trình bao gồm các phạm
trù: lao động, nguồn lao động, sức lao động, thị trường lao động, việc làm, thất nghiệp, tiền
lương và di chuyển lao động.
Giáo trình “Kinh tế lao động” là tài liệu học tập môn học “Kinh tế lao động” cho sinh viên
các chuyên ngành thuộc khối ngành kinh tế trình độ cao đẳng. Bên cạnh đó, cuốn giáo trình còn là
tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy môn “Kinh tế lao động” cũng như là tài liệu
nghiên cứu, tham khảo cho những người quan tâm đến lĩnh vực kinh tế lao động.
Kinh tế lao động nghiên cứu các hiện tượng kinh tế - xã hội trong thị trường lao động. Do
vậy, để sử dụng cuốn giáo trình một cách có hiệu quả, người đọc cần có những kiến thức cơ bản
về Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô.
Giáo trình Kinh tế lao động được cấu trúc thành 6 chương với những nội dung cơ bản
như sau:
- Chương 1, tổng quan về kinh tế lao động sẽ giới thiệu những nội dung cơ bản bao
gồm: tư duy về kinh tế học lao động, một số khái niệm chung về lao động, các vấn đề về nguồn
nhân lực và quản lý nhà nước về lao động. Qua đó, người đọc có được cái nhìn tổng quát về kinh
tế lao động.
- Chương 2, cung, cầu và giá cả thị trường lao động sẽ giới thiệu những thành phần
chính tạo nên các mối quan hệ trong thị trường lao động như cầu, cung sức lao động, giá cả sức
lao động và yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi của các thành phần này.
- Chương 3, thị trường lao động sẽ giới thiệu những khái niệm cơ bản của thị trường
lao động, những yếu tố cấu trúc thị trường lao động, các vấn đề về cân bằng thị trường lao động
và thực trạng thị trường lao động Việt Nam.
- Chương 4, tiền lương sẽ giới thiệu khái niệm về tiền lương, tiền lương tối thiểu,
các khoản trợ cấp và phụ cấp lương, tiền thưởng, các hình thức trả lương, chi phí cho tiền
lương.
- Chương 5, việc làm - thất nghiệp sẽ giới thiệu các khái niệm về việc làm, thất
nghiệp, các hình thức việc làm và thất nghiệp, nguyên nhân của thất nghiệp, các vấn đề về
chuyển đổi việc làm và thực trạng chuyển đổi việc làm cũng như thực trạng thất nghiệp ở Việt
Nam và hậu quả của thất nghiệp.
- Chương 6, di chuyển lao động sẽ giới thiệu khái niệm và các vấn đề liên quan đến di
chuyển lao động; đưa ra thực trạng di chuyển lao động ở Việt Nam theo vùng lãnh thổ, từ nông
thôn ra thành thị, giữa các doanh nghiệp và vấn đề chảy máu chất xám.
Cuốn giáo trình được biên soạn dựa trên cơ sở kế thừa những kiến thức cơ bản về kinh tế
lao động trong những tài liệu đã có. Mặt khác, trong tất cả các chương của cuốn giáo trình,
chúng tôi sẽ cập nhật những thông tin mới nhất, phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của xã
hội. Như vậy, điểm mới trong cuốn giáo trình là xen kẽ với việc hệ thống hóa kiến thức của kinh
tế học lao động, cuốn giáo trình sẽ được bổ sung những vấn đề thực tiễn nhằm mô tả thực trạng
thị trường lao động, giúp cho người đọc có định hướng tổng quan và so sánh về qui luật của thị
trường lao động trong lý thuyết và thực tế. Từ đó, người đọc có thể tự xây dựng cho mình
phương pháp cụ thể sử dụng có ý thức các qui luật kinh tế trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả, tổ
chức và điều kiện lao động, những khuyến khích tinh thần và vật chất cho lao động nhằm hiệu
quả hóa việc tái sản xuất sức lao động.
Đây là tài liệu được biên soạn lần đầu và hạn chế về thời gian nên khó tránh khỏi những
thiếu sót. Mặt khác, kinh tế lao động là lĩnh vực có những biến đổi nhanh chóng nên cuốn giáo
trình không thể đề cập hết mọi vấn đề liên quan đến kinh tế lao động. Ban biên soạn giáo trình
rất mong nhận được những đóng góp của học viên và bạn đọc.
Nhóm tác giả biên soạn:
1. Th.S Trần Minh Nguyệt: chủ biên, biên soạn chương 1, 3.
2. Th.S Phạm Thị Thúy Vân: biên soạn chương 2, 4.
3. Th.S Đỗ Thị Dinh: biên soạn chương 5, 6.

You might also like