You are on page 1of 14

ĐIỀU TRỊ ĐỘT QUỴ NÃO BẰNG YHCT

ThsBS.CK1 Trần Minh Quang


I.Mục Tiêu:
1. Hiểu được bệnh danh đột quỵ não theo YHCT
2. Kể được các nguyên nhân đột quỵ não theo YHCT
3. Kể được các thể bệnh đột quỵ não trong các giai đoạn cấp, giai đoạn hồi phục, giai
đoạn di chứng theo YHCT
4. Kể được các pháp trị, và tên bài thuốc theo các thể bệnh YHCT tương ứng
5. Kể được các huyệt thường dùng trong điều trị người bệnh đột quỵ não
II. Đại cương đột quỵ não the YHHĐ
1. Định nghĩa:
Đột quỵ (ĐQ) là bệnh lý xảy ra đột ngột với các triệu chứng khiếm khuyết thần
kinh, tiến triển nhanh trong vòng 24 giờ và không thoái lui [24]. Một cơn đột quỵ xảy
ra khi cung cấp máu cho một phần của bộ não bị gián đoạn hoặc suy giảm nghiêm
trọng, làm mất oxy và dinh dưỡng của mô não. Trong vòng vài phút, các tế bào não
bắt đầu chết. Đột quỵ là một bệnh lý cấp cứu cần điều trị ngay. Xử lý sớm kịp thời
có thể giảm thiểu tổn thương não và các biến chứng tiềm năng, cũng như hạn chế các
di chứng về sau. “Tai biến mạch máu não” và “Đột quỵ não” là 2 tên gọi tương đương
nhau.
2. Phân Loại:
Phân loại theo hội nghị quốc tế châu Âu (4/1984):
a. ĐQ nhồi máu (huyết khối, nghẽn mạch, thiếu máu não cục bộ): chiếm 75-80% số
bệnh nhân ĐQ não và gồm có:
 Huyết khối động mạch não.
 Tắc mạch não.
 Hội chứng lỗ khuyết.
b. ĐQ xuất huyết: chiếm 20-25% số bệnh nhân ĐQ não và gồm có:
 Xuất huyết não.

1
 Xuất huyết dưới nhện.
3.Chẩn đoán:
Triệu chứng cơ năng khởi phát
Theo tác giả Virginia J.Howard, Lesli A.MC Clure và cộng sự, nghiên cứu tỉ
lệ những người có triệu chứng như đột quỵ nhưng chưa được chẩn đoán đột quỵ hoặc
cơn thoáng thiếu máu não trong cộng đồng dân số với sự tham gia 18.642 người, kết
quả, 5.8% có đột ngột đau yếu 1.2 người, 8.5% đột ngột tê ½ người, 4.6 % đột ngột
nhìn mờ 1 hoặc 2 mắt, 2.7% đột ngột không hiểu lời nói, 3.8% đột ngột mất khả năng
diễn đạt, tổng tỉ lệ hiện mắc 1 hoặc nhiều triệu chứng trên chiếm 17.8%.
Người bệnh đột ngột có các dấu hiệu như sau:
 Khó khăn với đi bộ, có thể vấp ngã hoặc chóng mặt, mất cân bằng hoặc mất
phối hợp, cảm giác yếu tay chân, mức độ có thể từ nhẹ tới nặng.
 Khó khăn với việc nói và hiểu, có thể nói ngọng hoặc không thể tìm thấy những
từ giải thích những gì đang xảy ra (mất ngôn ngữ). Cố gắng lặp lại một câu đơn giản.
 Tê liệt một bên của cơ thể hoặc mặt. Có thể phát triển đột ngột tê, yếu hoặc liệt
ở một bên của cơ thể. Miệng có thể méo khi cố gắng mỉm cười, uống nước chảy bên
khoé miệng
 Vấn đề tầm nhìn một hoặc cả hai mắt: đột nhiên nhìn mờ hoặc đen, hoặc có
thể nhìn thấy đôi.
 Đau đầu bất ngờ nghiêm trọng, có thể kèm theo nôn mửa, chóng mặt hoặc bị
thay đổi ý thức, có thể cho thấy đang bị đột quỵ.
Triệu chứng thực thể
Khám tri giác và nhận thức của người bệnh
Khám cảm giác
Khám vận động
Khám sức cơ
Bảng Đánh giá sức cơ của bệnh nhân
Mức độ Sức cơ Mô tả

2
Không 0 Liệt hoàn toàn
Không có cử động của chi hoặc khớp nhưng có biểu hiện
Rất yếu 1
co cơ qua quan sát hoặc cảm nhận
Có thể thực hiện được hết tầm vận động trên mặt phẳng
Yếu 2
ngang, không thắng được trọng lực
Cơ không thể vận động cản lại sức cản nhưng có thể thực
Trung bình 3
hiện hết tầm vận động, có thể kháng trọng lực
Tốt 4 Có thể thực hiện hết tầm vận động khi có kháng cản
Bình thường 5 Vận động bình thường
Sau đột quỵ là sự suy giảm chức năng vận động, thường là liệt nửa người kèm
theo các rối loạn khác như:
Liệt nửa người đơn thuần đồng đều hoặc không đồng đều
Liệt nửa người kèm thất ngôn vận động, nhận thức hoặc cả hai
Liệt nửa người kèm rối loạn cơ vòng
Liệt nửa người kèm rối loạn cảm giác
Liệt nửa người kèm liệt dây thần kinh sọ não
Liệt nửa người kèm thất điều vận động
Liệt nửa người kèm rối loạn tâm thần
Liệt nửa người kèm rối loạn giác quan
Trong giai đoạn đầu, liệt nửa người thường ở trạng thái liệt mềm, nghĩa là chi
liệt của bệnh nhân không ở trạng thái tăng trương lực cơ, và tăng phản xạ gân xương.
Sau một thời gian, nếu bệnh nhân không tự phục hồi, hoặc không điều trị sớm và liên
tục, tình trạng liệt mềm sẽ chuyển sang liệt cứng với những biểu hiện gồng cứng và
co rút các chi liệt, tăng phản xạ gân xương sẽ làm hạn chế rất nhiều sự vận động của
bệnh nhân.
4. Điều trị:
Mục tiêu điều trị
- Hồi sức cấp cứu ở giai đoạn cấp.

3
- Phục hồi chức năng sớm cho người bệnh, hạn chế tối đa di chứng về sau.
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: hút thuốc lá, ăn nhiều mỡ
động vật, ít vận động, bệnh lý kèm theo đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid
máu,...
- Phòng ngừa tái phát ĐQ
Phục hồi chức năng sau đột quỵ
Theo Y học hiện đại, bộ não ngay sau khi bị thiếu máu não hay xuất huyết sẽ
hình thành hai vùng: vùng nhân hoại tử và vùng tranh tối tranh sáng. Trên cơ sở đó,
YHHĐ cho rằng, giải quyết tốt tình trạng tưới máu tranh tối tranh sáng là có thể phục
hồi di chứng sau đột quỵ và bệnh nhân sống sót sau đột quỵ cấp có khả năng tự phục
hồi ở một mức độ nào đó. Sự phục hồi diễn ra với mức độ và thời gian rất khác nhau
trên mỗi bệnh nhân. Vấn đề đặt ra, liệu sẽ có bao nhiêu bệnh nhân đột quỵ được đưa
vào các trung tâm, đơn vị đột quỵ đúng tiêu chuẩn trong 6 giờ vàng để tái tưới máu
kịp thời? Như vậy, thực tế cho thấy đa số bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng
diễn tiến đã bệnh đã trễ hơn giờ vàng, khi đó tế bào vùng não tổn thương đã chết.
Trên lý thuyết những bệnh nhân đó, sẽ mang di chứng sau đột quỵ suốt đời. Tuy nhiên,
trên lâm sàng ghi nhận sau một thời gian điều trị tích cực bằng vật lý trị liệu, phục hồi
chức năng, một số bệnh nhân bắt đầu hồi phục vận động.
5. Phòng ngừa tái phát sau đột quỵ:
Phòng ngừa tái phát đột quỵ não
Việc phòng bệnh nên tập trung vào điều chỉnh các yếu tố nguy cơ. Chiến lược
điều trị phải kết hợp với các yếu tố văn hóa, xã hội có liên hệ đến việc chăm sóc sức
khỏe và thay đổi hành vi. Đặc biệt chú ý những trường hợp có nguy cơ tái phát cao
như: Rung nhĩ, hẹp nặng động mạch cảnh, trình độ học vấn thấp, tiền sử đột quỵ, cơn
thoáng thiếu máu não…
Kiểm soát tăng huyết áp: Có thể giúp ngăn ngừa thoáng thiếu máu não cục bộ
hoặc ĐQ tái phát. Huyết áp được duy trì <140/90 mmHg hoặc dưới 130/80 mmHg
nếu người bệnh có ĐTĐ týp 2 hay bệnh thận mạn. Có thể kết hợp nhiều nhóm thuốc
điều trị huyết áp. Hiện nay các khuyến cáo thuốc hạ áp theo mức độ ưu tiên thuốc lợi
4
tiểu, ức chế men chuyển (ACE); các chất ức chế thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn
kênh canxi và thuốc chẹn beta nếu có kèm bệnh lý mạch vành. Tập thể dục, quản lý
căng thẳng, duy trì cân nặng lý tưởng và hạn chế lượng muối và rượu và thức uống là
những cách để giữ cho huyết áp ổn định. Thêm kali nhiều hơn trong chế độ ăn uống
cũng có thể giúp đỡ ổn định huyết áp, đặc biệt ở những người bệnh có dùng thuốc lợi
tiểu.
Kiểm soát đái tháo đường: Có thể quản lý cùng với chế độ ăn uống, tập thể
dục, kiểm soát trọng lượng và kết hợp thuốc hạ đường huyết, duy trì mức HbA1c <
6.5%.
Ổn định Lipid máu: Hạ thấp lượng cholesterol và chất béo bão hòa trong chế
độ ăn. Ăn ít cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, có thể làm giảm các
mảng xơ vữa trong động mạch. Có thể kết hợp nhóm statin như simvastatin (Zocor)
hoặc atorvastatin (Lipitor), hoặc loại khác làm giảm cholesterol. Ăn chế độ ăn nhiều
trái cây và rau quả có thể giảm nguy cơ ĐQ.
Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ ĐQ cho người hút thuốc và cả
người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc.
Tập vật lý trị liệu: Luyện tập làm giảm nguy cơ tái phát bằng nhiều cách. Tập
thể dục có thể làm ổn định huyết áp, tăng mức lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) và cải
thiện sức khỏe tổng thể của các mạch máu và tim. Nó cũng giúp giảm cân, kiểm soát
bệnh đái tháo đường đường và giảm bớt căng thẳng
III.Theo Y học cổ truyền
1. Bệnh danh
YHCT không có danh từ “tai biến mạch máu não” hay “đột quỵ não”. Những
triệu chứng trong đột quỵ não thường gặp như đột ngột té ngã, hôn mê, liệt nửa người,
liệt mặt, có khi chỉ tê bì, hoa mắt chóng mặt, …được YHCT miêu tả trong chứng
Trúng phong.
Sách “Kim quỹ yếu lược” của Trương Trọng Cảnh đời Hán đã đề cập đến
chứng “Trúng phong” và mô tả các triệu chứng như sau: bán thân bất toại, mồm méo,
nói khó, nặng thì bất tỉnh nhân sự.

5
Trúng phong được phân loại “trúng kinh lạc” và “trúng tạng phủ” cũng chủ
yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng nặng nhẹ.
Triệu chứng trúng phong kinh lạc thường là nhẹ: chân tay tê dại, mồm méo,
hoặc nói khó, bán thân bất toại nhưng không có hôn mê.
Triệu chứng trúng phong tạng phủ thì bệnh nặng mê man hoặc hôn mê bất tỉnh,
các triệu chứng lâm sàng nặng hơn.
2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Sách đời Đường (701-704) và đời Tống (973-1093) nhận thức về nguyên nhân
bệnh là do tích tuổi hư tổn. Y gia các thời đại sau bổ sung thêm nhiều luận thuyết về
nguyên nhân như Lưu Hà Gian cho là do “hỏa”, Lý Đông Viên cho là “lý hư”, Chu
Đan Khê cho là “đàm nhiệt”. Các học gia sau này như Trương Giới Tân (đời Minh),
Diệp Thiên Sỹ (đời Thanh) đều cho rằng là do “nội thương” “tích tổn” mà thành chứ
không phải do phong tà bên ngoài xâm nhập cơ thể. Về tạng phủ mắc bệnh, sách “Nội
kinh” nói: “Đại nộ tắc hình khí tuyệt mà huyết tràn lên trên”, và “huyết khí cùng
thượng nghịch”, phía trên là chỉ não là một trong những phủ kỳ hằng, là bể của tủy,
khí của não, là thông với thận. Ngoài mặt nhận thức bệnh biến là ở não, YHCT cũng
chỉ ra bệnh có liên quan đến nhiều tạng phủ khác như Can, Thận, Tâm, Tỳ, Vị.
Tóm lại theo YHCT, sự hình thành bệnh có liên quan đến các yếu tố bệnh
lý sau:
- Ngoại nhân: Chủ yếu phải hóa nhiệt và sinh phong. Linh khu nội kinh ghi
rằng: “hư tà xâm nhập vào nửa thân người, nếu vào sâu thì cư trú trong dinh vệ, dinh
vệ suy yếu thì chân khí tán, chỉ còn tà khí lưu lại; vì thế thành bệnh Thiên khô. Thiên
khô chính là bệnh bán thân bất toại”. Hoàng đế bội kinh tố vấn lại ghi: “Phong tà
trúng vào huyệt du của ngũ tạng lục phủ, phong trúng chỗ nào thì gây bệnh Thiên khô
chỗ đó”. Trương Trọng Cảnh cho rằng: “phàm là phong mà gây bệnh, sẽ khiến chi
người ta bệnh bán thân bất toại”. Như vậy, cả ba bộ sách trên đề ghi nhận bệnh bán
thân bất toại do phong gây ra.
- Can phong nội động: Lưu Hà Giang cho rằng bệnh bán thân bất toại do Hỏa
và phát biểu: “bệnh trúng phong không phải thực sự do Can phong nội động, mà cũng

6
không phải trúng phong do ngoại tà, mà do điều dưỡng và nghỉ ngơi không điều độ,
nội hỏa bốc lên, chân thủy khô kiệt, không chế được hỏa nên tâm thần hôn mê, bởi
thế đột quỵ ngã xuống”.
- Khí hư: Lý Đông Viên cho rằng Trúng phong vốn do khí hư lại cảm phong tà.
- Bất nội ngoại nhân: Thấp đàm nội trở. Do sinh hoạt bất thường, ăn uống vô
độ, ăn nhiều đồ béo ngọt, uống nhiều rượu, lao lực quá sức lâu ngày khiến Tỳ tổn
thương không vận hóa, tụ thấp sinh đờm, đờm uất hóa nhiệt. Can phong cùng đờm
quấy nhiễu bên trên gây che lấp thanh khiếu, xuyên vào kinh lạc khiến dương không
vận hành mà sinh bệnh. Chu Đan Khê cho rằng “thấp sinh đàm, đàm sinh nhiệt, nhiệt
sinh phong”.
Một trong các nguyên nhân gây nên chứng Trúng phong được các nhà nghiên
cứu YHCT hiện nay tán thành, đó là học thuyết của Vương Thanh Nhậm về sự mất
cân bằng của nguyên khí trong cơ thể và thiếu hụt nguyên khí trong các đường kinh
lạc. Trong tác phẩm Y lâm cải thác, ông nói: “bệnh bán thân bất toại không phải do
phong, hỏa, đàm, thấp gây ra. Bán thân bất toại nếu do phong, rồi phong lại trúng vào
người, thì tất từ bì phu mà vào kinh lạc, tức là từ biểu nhập lý. Nhưng khám hoàn toàn
không thấy bệnh nhân có các biểu chứng như phát sốt, sợ lạnh, đầu đau, nhức mình
mẩy. Nếu bệnh phong, hỏa, đờm, thấp gây ra thì không cần bàn phong do bên ngoài
lấn vào hay bên trong phát ra, tất sẽ vào kinh lạc. Trong kinh lạc tất phải có khí và
huyết. Một khi, khí và huyết bị phong, hỏa, thấp, đàm ngăn trở sẽ bị bế tắc không
thông, như thế dứt khoát phải có triệu chứng đau đớn, đó là tý chứng chứ không phải
bán thân bất toại, vì thường bệnh nhân bán thân bất toại không ai có triệu chứng đau
mình cả”. Và ông cho rằng “bệnh bán thân bất toại chính do nguyên khí hư tổn mà
phát ra”.
3. Chẩn đoán và điều trị YHCT
Biện chứng luận trị chủ yếu theo 3 giai đoạn lâm sàng:
Giai đoạn cấp tính:
Thường trong thời gian 1-2 tuần đầu của bệnh mà triệu chứng chủ yếu là hôn
mê. Thời gian hôn mê càng dài, càng sâu thì tiên lượng bệnh càng kém. Do thể chất

7
người bệnh, tình hình bệnh lý khác nhau mà biểu hiện lâm sàng khác nhau, có thể
chia làm 2 thể bệnh: Chứng bế và chứng thoát.
- Chứng bế:[6]
+ Dương bế: hôn mê, liệt nửa người, méo mồm, mắt trợn ngược, mặt đỏ, người
nóng sốt, hàm răng nghiến chặt, đờm nước rãi nhiều, họng khò khè, thở thô, mũi ngáy,
tay chân co cứng, tiêu tiểu không thông, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền hoạt sác.
+ Âm bế: bất tỉnh nhân sự yên tĩnh, thở khò khè, mạch trầm hoãn, rêu lưỡi
trắng nhờn.
Phép chữa: khai bế tỉnh não, hoạt huyết chỉ huyết.
Châm cứu: chích huyết các huyệt: Trung xung, Bách hội, Tứ thần thông (hoặc
dùng 12 huyệt tĩnh) kết hợp chích Nhân trung, Thừa tương, Phong trì, Phong phủ,
Hợp cốc, Lao cung, Thái xung, Dũng tuyền. Hoặc dùng Nội quan, Nhân trung, Tam
âm giao, Hợp cốc, Ủy trung. Chủ yếu dùng phép tả, ngày 1 đến 2 lần, không lưu kim
cho đến khi tỉnh và tùy tình hình bệnh thay đổi chọn huyệt.
Đối với chứng dương bế (nhiệt bế) có thể dùng bài thuốc sau có tác dụng thanh
nhiệt giải độc, bình can tức phong, an thần hoạt huyết: Sinh địa 10-15g, Chi tử 10g,
Hoàng cầm 10g, Toàn qua lâu 15-20g, Mang tiêu 10g, Bột sừng trâu 15-25g, Thạch quyết
minh 15g, Câu đằng 15g, Xích thược 15g, Đơn sâm 15g, Tam thất bột 6g, Chích thảo 3g,
Trúc lịch (nước) 30ml. Ngày sắc uống thang, tùy chứng gia giảm.
Đối với chứng âm bế (thường gặp ở bệnh nhân vốn dương hư đàm thịnh hàn đàm
làm bế tắc thanh khiếu) dùng phép chữa: Ôn thông khai khiếu. Bài thuốc: “Tô hợp hương
hoàn” mỗi lần uống 2-4 g, 1-2 lần uống với nước Tế tân 3g, Gừng tươi 3-5 lát.
Trường hợp triệu chứng dương hư nặng (sắc mặt tái nhợt, tự ra mồ hôi, chân tay
lạnh, mạch vị hoặc phù tế mà huyền) gia Phụ tử, Hoàng kỳ, gia thêm Xuyên khung,
Tô mộc, Đương quy, Bạch cương tàm, Ngưu tất, Tế tân để hoạt huyết thông lạc.
Trường hợp hôn mê cấm khẩu, đờm thịnh, chính khí dục thoát cần dùng bài “Tam
sinh ẩm” (Sinh nam tinh, Sinh bán hạ, Sinh phụ tử mỗi thứ 10g) gia Nhân âm 15-30g,
sắc uống cấp, chống hư thoát. Lúc này châm thêm Nhân trung, Hợp cốc, Túc tam lý,
Dũng tuyền để hồi dương cứu nghịch.

8
- Chứng thoát:
Triệu chứng chủ yếu: Đột nhiên ngã quỵ hoặc do chứng bế chuyển thành, có
triệu chứng hôn mê bất tỉnh, sắc mặt tái nhợt, mắt nhắm, mồm há, hơi thở ngắn gấp
hoặc có lúc ngưng thở, tay buông thõng, tứ chi lạnh, toàn thân ướt lạnh, tiêu tiểu
không tự chủ, chân tay liệt mềm, lưỡi rút ngắn, mạch vi dục tuyệt hoặc hư đại vô căn,
huyết áp hạ. Thường chứng thoát là âm dương, khí huyết đều hư hoặc do bệnh nhân
nguyên khí vốn rất hư ĐQ là xuất hiện chứng thoát, hoặc là diễn tiến xấu đi của chứng
bế, cho nên trong quá trình cấp cứu chứng bế nếu phát hiện 1, 2 triệu chứng của chứng
thoát, cần chuyển hướng chữa cấp cứu kịp thời mới hy vọng cứu sống bệnh nhân.
Phép chữa chủ yếu: Hồi dương cứu thoát.
Bài thuốc cơ bản: “Sâm phụ thang” (Nhân sâm, Phụ tử mỗi thứ 15-30 g).
Trường hợp ra mồ hôi không dứt gia Long cốt, Mẫu lệ mỗi thứ 30-60 g.
Âm dương đều thoát, dùng “Sinh mạch âm hợp sâm phụ thang” gia Sơn thù,
Bạch thược, Long cốt, Mẫu lệ. Đây là trường hợp cấp cứu trụy tim mạch, không thể
dùng thuốc uống được mà phải tiêm truyền bằng đường tĩnh mạch. Ở Trung quốc
dùng thuốc chích Sâm mạch (Nhân sâm, Mạch môn) mỗi lần 4-10 ml gia vào dung
dịch Glucose 5% 20 ml chích tĩnh mạch 2-3 lần, sau đó tiếp tục dùng dịch Sâm mạch
10-20 ml cho vào dung dịch Glucose 10% 250-500 ml nhỏ giọt tĩnh mạch cho đến
khi trạng thái choáng được cải thiện, huyết áp ổn định. Và sau đó tiếp tục dung dịch
Sâm phụ mỗi lần 40-100 ml gia vào 10% Glucose 250-500 ml nhỏ giọt tĩnh mạch
ngày 2 lần tùy tình hình bệnh mà duy trì dùng trong 7-10 ngày.
Châm cứu: Chủ yếu cứu các huyệt Khí hải, Quan nguyên, Thần khuyết, Dũng
tuyền.
Giai đoạn hồi phục:
Sau thời gian cấp tính khoảng 1-2 tuần và kinh qua điều trị tích cực chứng bế
hoặc chứng thoát, bệnh nhân qua cơn nguy kịch chuyển sang giai đoạn hồi phục. Bệnh
lý chủ yếu ở giai đoạn này là chứng hư kiêm huyết ứ đàm trệ ở kinh lạc mà phần lớn là
thể khí trệ huyết ứ. Theo ghi nhận y văn, ở giai đoạn này có thể gặp 4 thể bệnh sau đây:
Khí hư huyết ứ, đàm thấp, can thận âm hư, thận âm dương lưỡng hư.

9
* Khí hư huyết ứ: Là thể bệnh thường hay gặp. Triệu chứng chủ yếu là thể chất
khí hư, sắc mặt tái nhợt, hơi ngắn, dễ mệt, ra nhiều mồ hôi, tiêu phân lỏng, chất lưỡi
nhợt, rìa lưỡi có dấu răng, trên mặt hoặc dưới lưỡi có điểm hoặc nốt ứ huyết, một bộ
phận chân tay tê dại, liệt nửa người hoàn toàn hoặc yếu, mồm méo, nói khó hoặc
không nói được, mạch vi tế hoặc hư đại, tinh thần tỉnh táo.
Phép chữa: Bổ khí, hóa ứ, thông lạc.
Bài thuốc: “Bổ dương hoàn ngũ thang”.
* Đờm thấp: Người béo, thừa cân. Lưỡi dày, to. Bệnh nhân thường ít than
phiền về triệu chứng đau đầu (nếu có, thường là cảm giác nặng đầu) nhưng dễ than
phiền về tê nặng các chi. Thường hay kèm tăng Cholesterol máu. Mạch hoạt.
Phép chữa: Hóa đờm, thông lạc.
Bài thuốc: Nhị trần thang gia giảm (xuất xứ Thiên gia diệu phương) gồm Bạch
truật 40g, Cam thảo 4g, Phục linh 12g, Bán hạ 12g, Nhân sâm 4g, Trần bì 4g.
* Can thận âm hư: Triệu chứng chủ yếu là da khô nóng, thường hay hoa mắt
váng đầu, tim hồi hộp, mất ngủ, bứt rứt, lưng đau gối mỏi, tiêu bón, bàn chân tay tê
dại, thân lưỡi thon, rìa lưỡi đỏ, rêu dày nhớt, liệt nửa người, mồm méo, tiếng nói
không rõ, mạch huyền tế sác hoặc huyền hoạt. Huyết áp cao hoặc bình thường.
Phép trị: Tư âm tức phong, hóa đờm tán ứ, thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc: Bài thuốc Lục vị địa hoàng hoàn gia Quy thược gồm Thục địa 32g,
Hoài sơn 16g, Sơn thù 8g, Đơn bì 12g, Phục linh 12g, Trạch tả 6g, Đương quy 12g,
Bạch thược 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
* Thận âm dương lưỡng hư: Sắc mặt tái xanh hoặc xạm đen. Răng khô, móng
khô, gân gồng cứng co rút lại. Đau nơi eo lưng. Tiểu đêm. Ngủ kém. Không khát, ít
uống nước, sợ lạnh. Lưỡi nhợt, bệu. Mạch trầm nhược.
Phép trị: Ôn bổ thận dương
Bài thuốc: Thận khí hoàn gồm Bạch phục linh 120g, Thục địa 320g, Sơn thù
160g, Đơn bì 120g, Quế chi 40g, Trạch tả 120g, Phụ tử 40g, Sơn dược 160g. Tán bột,
ngày uống 8 - 12g.
Giai đoạn di chứng:

10
Thường sau 6 tháng, sự hồi phục chức năng cơ thể người bệnh tuy vẫn tiếp tục
nhưng chậm lại và thường để lại ít nhiều di chứng, có di chứng khó hồi phục trở lại
bình thường. Da nơi liệt sau 6 tháng vẫn lạnh, cơ teo nhão, cân cốt khô, khó vận động
là đã hình thành di chứng có thể vĩnh viễn.
Bệnh lý ở giai đoạn này cơ bản là giống giai đoạn hồi phục chủ yếu là hư chứng
(tùy từng bệnh nhân mà biểu hiện thiên về khí hư, huyết hư, âm hư hoặc dương hư)
kiêm khí huyết ứ trệ hoặc đàm thấp trở lại, tạng phủ tổn thương chủ yếu là can thận
nên phép chữa vẫn cần chú ý bổ ích khí huyết, tư âm tiềm dương, hành khí hóa ứ, sơ
thông kinh lạc, bổ can thận.
Đối với giai đoạn này cũng như giai đoạn hồi phục, ngoài việc dùng thuốc ra,
kết hợp các phương pháp luyện tập dưỡng sinh, xoa bóp, châm cứu là quan trọng có
vai trò trong sự hồi phục các chức năng vận động, lao động trí óc và chân tay. Đồng
thời, người bệnh trong giai đoạn hồi phục và di chứng cũng cần tự tạo cho mình một
một chế độ sinh hoạt hợp lý, giữ tinh thần thoải mái không giận dữ, kích động hay
cáu gắt, ăn uống điều độ, không ham dục vọng kết hợp với sự luyện tập nhẹ nhàng
thường xuyên nhằm bảo vệ sức khỏe, và chống tái phát đối với bệnh nhân

4 Điện châm trong điều trị đột quỹ não sau giai đoạn bán cấp
4.1 Một vài nghiên cứu đáng lưu ý gần đây về điện châm điều trị đột quỵ
Johansson K, Lindgren I (Thụy Điển) nghiên cứu kích thích cảm giác bằng
châm cứu 2 lần/tuần trong 10 tuần với 38 bệnh nhân bị đột quỵ so sánh với 40 bệnh
nhân đột quỵ điều trị bằng VLTL và nghề nghiệp trị liệu. Kết quả cho thấy nhóm trị
liệu bằng châm cứu phục hồi nhanh hơn và nhiều hơn so với nhóm chứng.
Dương Nhật Hòa nghiên cứu lấy các du huyệt ở lưng làm chủ. Neesy liệt chi
trên lấy du huyệt từ C5 đến C7, liệt chi dưới lấy du huyệt từ L2 đến L5 làm chủ. Tiến
hành điều trị cho 80 bệnh nhân trúng phong. Kết quả khỏi 57 ca, tỉ lệ 71, 25%; chuyển
biến rõ 18 ca, tỉ lệ 22,5 %; có chuyển biến 5 ca, tỉ lệ 6,25%. Tỉ lệ khỏi chung là 93,
81% so với nhóm chứng không dùng du huyệt thấy hiệu quả cao hơn, thời gian điều
trị ngắn hơn.

11
Vương Hồng Chí cho rằng trúng phong ở giai đoạn cuối là hàn trệ kinh mạch,
khí huyết bất thông, trị liệu nên dùng phương pháp xuyên huyệt bên bệnh làm chủ,
phối hợp cứu để ôn thông kinh mạch, điều hòa khí huyết để đạt tới tổn kì hữu dư, ích
kì bất túc. Tác giả dùng phương pháp này điều trị 972 ca di chứng trúng phong, kết
quả thu được hiệu quả cao hơn rõ rệt so với nhóm đối chứng chỉ châm bên bệnh.
Đề tài “Khảo sát những yếu tố có thể ảnh hưởng trên hiệu quả phục hồi chức
năng vận động bằng phương pháp châm cứu cải tiến kết hợp vật lý trị liệu tại
TPHCM”, tác giả Phan Quan Chí Hiếu, Hoàng Thanh Hiền. Thiết kế nghiên
cứu: Bệnh chứng trong nghiên cứu đoàn hệ, thực hiện tại 3 BV. YHCT cấp thành phố,
2 khoa YHCT của BV quận, huyện của Tp. HCM. từ 8/2009 - 6/2010. Đối tượng tham
gia nghiên cứu: 344 bệnh nhân (142 nữ và 202 nam), với độ tuổi trung bình 59,4 ±
11,7 được theo dõi trong 3 liệu trình (10 ngày/1 liệu trình). Kết quả: Phương pháp
châm cứu cải tiến phối hợp tập vật lý trị liệu trong lâm sàng thường ngày tại 5 cơ sở
điều trị của Tp. Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt sau điều trị chiếm tỷ lệ 67,2 %. Những
yếu tố có ảnh hưởng đối với kết quả điều trị cụ thể như sau: Thời gian từ khi đột quỵ
đến lúc điều trị (tốt gấp 3,1 lần), số lần đột quỵ (tốt gấp 5,7 lần), nguyên nhân đột quỵ
(tốt gấp 3 lần), hôn mê lúc đột quỵ (tốt gấp 2,7 lần), kỹ thuật châm cứu cải tiến (tốt
gấp 7,5 lần), (0,0001< p <0,05). Kết luận: Châm cứu cải tiến có thể phổ biến rộng rãi
tại các cơ sở điều trị YHCT, góp phần nâng cao hiệu quả phục hồi vận động cho
những bệnh nhân bị đột quỵ.
Nhóm tác giả Trần Văn Thanh, Nguyễn Minh Hiện, Nguyễn Văn Hồng thực
hiện đề tài “Nghiên cứu hiệu quả điều trị phục hồi sức cơ chi bằng điện mãng châm
ở bệnh nhân thiếu máu não cục bộ sau giai đoạn cấp trên lâm sàng, điện não, điện cơ”
tại bệnh viện châm cứu trung ương từ năm 2007 đến 2010. Kết quả cho thấy, phương
pháp điện mãng châm cho kết quả tốt và khá 83,34%, điểm Orgogozo tăng 224,65%,
Barthel tăng 210,76%. Ngoài ra, phương pháp nà còn cải thiện chỉ số alpha 54,45%
làm giảm sóng chậm theta và delta, phục hồi điện não đồ từ mức độ nặng về mức độ
nhẹ 72,2%, làm tăng tần số điện thế biên độ vận động gấp 2 lần trên điện cơ đồ
* Phương huyệt trong điện châm xuyên huyệt điều trị đột quỵ:

12
- Liệt chi trên:
Kiên ngung xuyên Tý nhu: Tác động nhóm cơ nhị đầu, tam đầu
Khúc trì xuyên Thủ tam lý: Tác động nhóm cơ cẳng tay
Kiên trinh xuyên Cực tuyền: tác động nhóm cơ đai vai
Hợp cốc xuyên Lao cung: Cơ gấp chung các ngón tay, cơ dạng khép các ngón
- Liệt chi dưới:
Trật biên xuyên Hoàn khiêu: Tác động cơ mông, cơ đai chậu, khớp háng.
Dương lăng tuyền xuyên Phong long: Tác động cơ chày trước bàn chân
Giải khê xuyên Khâu khư: Tác động cơ chày trước bàn chân
Âm lăng tuyền hướng Tam âm giao: Tác động cơ khép đùi
Giáp tích L2 – S1: Tác động cột sống thắt lưng
- Liệt mặt trung ương: Nghinh hương xuyên Giáp xa, Nhân trung, Thừa tương,
Địa thương
- Thất ngôn: Liêm tuyền, Ngoại Kim tân ngọc dịch xuyên nội Kim tân ngọc dịch
+ Cường độ kích thích: từ 0-50 MicroAmpe (tới ngưỡng bệnh nhân
chịu được)
+ Tần số kích thích: Tả 6-20 Hz, Bổ 3-6 Hz
+ Thời gian kích thích 25-30 phút/1 lần điện châm

* Tổng quan các huyệt vị hường dùng trong điều trị đột quỵ não

STT Tên huyệt vị Chỉ định Tư thế châm

01 Âm lăng Tuyền Liệt chi dưới, đau khớp gối Nằm ngửa

02 Tam âm giao Tư âm Nằm ngửa

03 Dương lăng tuyền Di chứng liệt nửa người Nằm ngửa

04 Phong Long Liệt chi dưới Nằm nghiêng

05 Hoàn khiêu Liệt chi dưới, đau thắt lưng hông Nằm nghiêng

06 Trật biên Liệt chi dưới Nằm nghiêng

07 Thừa phù Liệt chi dưới Nằm nghiêng

13
08 Giải khê Liệt chi dưới Nằm ngửa

09 Khâu khư Liệt chi dưới Nằm ngửa

10 Giáp tích L2 -S1 Cột sống cổ Nằm nghiêng

11 Kiên ngung Liệt chi trên, đau khớp vai cánh tay Nằm ngửa

12 Khúc trì Liệt chi trên, đau khớp khuỷu tay Nằm ngửa

13 Tý nhu Liệt chi trên Nằm ngửa

14 Thủ tam lý Liệt chi trên Nằm ngửa

15 Kiên trinh Liệt chi trên, đau khớp vai cánh tay Nằm nghiêng

16 Cực tuyền Liệt chi trên, đau khớp vai cánh tay Nằm ngửa

17 Hợp cốc Liệt mặt, đau đầu Nằm ngửa

18 Lao cung Liệt vận động bàn tay Nằm ngửa

19 Liêm tuyền Thất ngôn Nằm ngửa

20 Kim tân ngọc dịch Thất ngôn Nằm ngửa

14

You might also like