You are on page 1of 13

PHẬT THÂN QUAN

GIỮA THƯỢNG TỌA BỘ VÀ ĐẠI CHÚNG BỘ

1. Dẫn Luận
Từ khi Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ, giáo nghĩa của đức Thế Tôn trở nên mới lạ, đi
ngược lại đức tin, quan niệm của hầu hết quần chúng nhưng chưa hề xảy ra cuộc bạo loạn
nào để chống lại điều ấy. Những tư tưởng hiện thời, theo thời gian giáo nghĩa ấy như kinh
cương vững chắc không dễ bị phá hủy, có tính thiết thực và giúp người vượt thoát khổ đau.
Điều ấy được minh chứng qua các thế hệ đệ tử nương theo, thực hành và chứng đạo. Sau
khi Phật nhập diệt, giáo lý Thế Tôn thuyết giảng hơn bốn mươi năm đã được truyền nối và
phổ biến rộng rãi, đồng thời còn thiết lập, triển khai nghĩa lý ấy phù hợp với sự thay đổi
của từng xã hội, thích nghi với từng nền văn hóa của các lãnh thổ mà Phật giáo đi qua. Do
đó trên nền tảng căn bản, giáo lý thời Phật được triển khai, mở rộng nên xuất hiện nhiều tư
tưởng, quan điểm khác nhau và hình thành nên các bộ phái Phật giáo. Một trong những luận
điểm nổi bật, được các bộ phái đem ra tranh luận, điều chỉnh và tổng hợp. Trong đó, vấn
đề Phật thân cũng được đặt lại. Thượng tọa cho rằng Đức Phật là con người bình thường,
từ địa vị con người thế gian để thành Phật, Đại chúng bộ đối trọng khi mô tả Đức Phật như
bậc xuất thế, siêu việt. Nên trong bài viết này, người viết dựa các nguồn tư liệu để làm sáng
tỏ vấn đề: “Phật thân quan giữa Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ”. Mục tiêu nghiên
cứu bài viết này, chủ yếu tìm hiểu quan điểm giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ về đức
Phật. Từ đó, mở ra cho chúng ta cái nhìn mới về nguyên nhân phân chia bộ phái Phật giáo
liên quan đến 5 việc của Đại Thiên cũng như tư tưởng đức Phật phủ nhận ngài là bậc nhất
thiết trí nhất thiết kiến. Nguồn tư liệu sử dụng chính trong bài viết này là kinh tạng Nikaya
và A hàm, “Dị Bộ Tông Luân luận”, và một số sách nghiên cứu khác. Phương pháp nghiên
cứu chính là sử dụng phương pháp sử học, triết học tiến hành phân tích, so sánh điểm dị
biệt của các tư liệu Phật giáo có liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Hy vọng với phương
pháp này sẽ tái hiện lại bối cảnh lịch sử, làm sáng tỏ một số vấn đề như trên.

1
2. Nguyên nhân phân chia Bộ phái Phật giáo
Thời kì Bộ phái Phật giáo bắt đầu khoảng 110 năm sau khi Thích Tôn nhập diệt1, tức
là sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai tại Vesali, chia Phật giáo thành hai bộ là Thượng tọa
bộ và Địa chúng bộ. Thượng tọa bộ có khuynh hướng bảo thủ và hệ phái Đại chúng bộ
mang khuynh hướng cấp tiến. Theo quan điểm của Phật giáo Nam truyền cho rằng, sự phân
hóa Phật giáo khởi phát từ những bất đồng trong giới luật, với mười việc được xem là phi
pháp mà Trưởng lão Da Xá đã cử tội chúng Tỳ kheo Bạt Kỳ (Thập sự Phi pháp). Theo quan
điểm của Phật giáo Bắc truyền thì giải thích rằng, lý do Phật giáo phân phái bởi những bất
đồng về tư tưởng, chủ yếu xoay quanh vấn đề hành trì lời Phật dạy, khởi sự là cuộc tranh
luận về năm việc của nhân vật Đại Thiên (Ngũ sự Đại Thiên).
Theo tác phẩm “Dị Bộ Tông Luân Luận” của Thế Hữu (Vasumitra) đề cập: “Được
nghe lại như thế này: Sau khi đức Phật nhập diệt hơn 100 năm, là thời gian cách Phật đã
xa, Phật pháp theo đó cũng dần dần bị mai mốt, như mặt trời lặn dần sau núi. Có vị vua
tên là Vô Ưu (A Dục) ở tại thành Cu Tô Ma, nước Ma Kiệt Đà đang thống trị cõi Thiệm Bộ
Châu, được che lộng trắng, thần dân xung quanh. Bấy giờ, Phật pháp bị đại chúng chia rẽ
lần đầu tiên. Lý do vì 4 chúng có ý kiến bất đồng cùng nhau tranh luận về 5 việc của Đại
Thiên”2.
Hay trong tác phẩm “Dị Tông Luận” do Trí Quang dịch có nội dung: “Bây giờ đại
Tăng của Phật giáo bắt đầu phân hóa. Sự thể là do 4 chúng bình nghị khác nhau về 5 việc
của Ngài Đại Thiên đưa ra mà chia thành 2 bộ, là Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ. Bốn
chúng là chúng Rồng Voi, chúng Biễn Dã, chúng Đa Văn, chúng Đại Đức”3.
Từ những dẫn chứng trên, ta thấy năm việc Đại Thiên đưa ra này đã xuất hiện trong
Tăng đoàn ngay sau khi Thế Tôn nhập diệt. Đại Thiên chỉ là giọt nước tràn ly, nhưng đa
phần các nguồn tài liệu thuộc Thượng Tọa Bộ: “Đại Tỳ Bà Sa Luận”, “Dị Bộ Tông Luân
Luận”, “Kathavathu” đều có quan điểm chống lại tư tưởng Đại Chúng bộ do Đại Thiên
đứng đầu, đa phần những tác phầm này điều phê phán nhân vật Đại Thiên. Thông qua bài
kệ: “Bị người khác dẫn dụ, lại còn có vô tri, tâm còn điều hoài nghi, nhờ người mới ngộ

1
Thích Hạnh Bình và Phương Anh (dịch), Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên Thủy, NXB Hồng Đức, 2019,
tr. 495.
2
Thích Hạnh Bình, Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, NXB Phương Đông, 2014, tr. 96.
3
Trí Quang (dịch), Dị Tông Luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 61.
2
nhập, lại nhờ vào tiếng khổ, thánh đạo mới khởi lên, tất cả những điều trên là chân thật
Phật dạy”4. Đặc biệt, duy nhất trong Đại Tỳ Bà Sa ngoài việc nói Đại Thiên chủ xướng
năm việc trên, còn mô tả Đại Thiên là một con người có tánh tình cực kỳ xấu ác, có quan
hệ bất chính với mẹ, kẻ sát nhân giết cha, giết A-la-hán, là người đầu tiên tạo 3 trong 5 tội
ngũ nghịch trước khi xuất gia trở thành vị Tăng tài giỏi và nổi tiếng được vua mời vào cung
thuyết pháp. Điều này cho thấy có nhiều chi tiết khúc mắc, mâu thuẫn ngay trong câu
chuyện này, cần phải làm rõ. Theo Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, không xem đó như là
một văn bản đáng tin cậy ghi chép về Đại Thiên, chỉ có thể xem đó là quan điểm của Hữu
Bộ, phê bình Đại Thiên mà thôi5. Từ đó, người viết nhận thấy rằng, nhiều học giả Hữu Bộ
qua bộ luận này đã vu khống Đại Thiên để làm giảm uy tín, đồng thời ngăn chặn sự phát
triển. Không chỉ Đại Thiên khởi xướng và đặt lại quan điểm về quả vị A-la-hán mà chính
do tư tưởng của thời đại, của phần nhiều tăng sĩ có xu hướng đổi mới. Hơn nữa, trước nhu
cầu thay đổi của xã hội và nhu cầu tín ngưỡng, bắt buộc Phật giáo phải thay đổi cách thức
truyền bá, cũng như triển khai lời Phật dạy ở một hình thức mới chứ không giữ nguyên như
cách Thượng tọa bộ đã làm.
3. Đức Phật là con người bình thường hay xuất thế gian
Khởi đầu của thời kì Bộ phái, Phật giáo diễn ra nhiều cuộc tranh luận giữa Thượng
tọa bộ và Đại chúng bộ về nhiều vấn đề liên quan đến Phật và giáo lý của Ngài, trong đó
quan điểm về Phật thân được đề cập đầu tiên xem như là yếu tố tiên quyết để mỗi Bộ phái
cấu thành nên quan điểm, tư tưởng trong việc thiết lập đường hướng tu tập và hệ thống kinh
luận sau này. Luận về “Phật thân quan” một luận điểm được Thượng tọa bộ và Đại chúng
bộ đặt biệt quan tâm, đối trọng trong khi nhận định về đức Phật. Với chủ trương “Sự kiện
này không xảy ra, này các Tỳ kheo, không thể có được: Trong một thế giới, hai vị A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác, không trước không sau, xuất hiện một lần, sự kiện này không xảy ra”6.
Thượng tọa bộ chủ trương Đức Thích Ca Mâu Ni là duy nhất trong hiện thời của thế giới
này, không thể có hai người. Bên cạnh đó, họ chấp nhận có các vị Phật trong thời quá khứ
cũng như vị lai, các vị Phật khác nhau về thân thể, trú xứ, dòng họ và thời gian trụ thế chánh

4
Nguyên Tuấn (dịch), Dị Bộ Tông Luân Luận, tr. 2.
5
Thích Hạnh Bình, Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, NXB Phương Đông, 2014, tr. 42.
6
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ tập 1, Phẩm Không Thể Có Được, NXB Tôn Giáo, tr. 64.
3
pháp, còn giống nhau: “Các vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bằng ta về phương diện giác
ngộ”7. Ngược lại, Đại chúng bộ quan niệm đức Phật với lòng từ bi vô lượng, thương chúng
sinh như con đỏ thì hiện đời không thể có một vị Phật duy nhất, mà phải xuất hiện nhiều vị
Phật cũng như Bồ Tát cùng thời mới có thể cứu độ hết thảy chúng sinh. Trong khi đức Phật
từng nói “Như lai nói sao làm vậy, làm sao nói vậy”8 thế thì sau khi Ngài nhập diệt, chúng
sinh vẫn còn trầm luân đau khổ ắt sẽ trái với ý nguyện độ sanh của Ngài.
Xoay quanh luận điểm: Thế Tôn là con người bình thường hay siêu xuất thế gian?
Khẳng định lập trường, Thượng tọa bộ trước sau vẫn giữ nguyên quan điểm đức Phật là
con người lịch sử nên thân thể Ngài là nhục thân, có cha mẹ sinh ra, lớn lên trưởng thành,
trải qua giai đoạn học hành, lập gia đình, sanh con, vân du học đạo, thực tập đời sống tu
khổ hành, hành thiền, chứng đạo và thuyết pháp: “Này Hiền giả, Thế Tôn thuộc chủng tánh
Sát đế lỵ…phụ vương của Thế Tôn tên là Suddhodana, Mẫu hậu là Maya, kinh đô là
Kapilavatthu. Này Hiền giả, Thế Tôn xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh
tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này”9.
Hơn thế nữa, trong kinh tạng Nikaya cũng còn đề cập nhiều vấn đề như đức Phật cũng
bị đau lưng10, bị bịnh phong khí11 như những con người bình thường trên thế gian này, từ
đó cho thấy thân thể đức Phật vẫn chịu tác động của quy luật tự nhiên, chính Ngài đã vượt
lên những cảm thọ khổ đau của thể xác, nhói đau, nhức nhối của thân ngũ uẩn, vô thường
này bằng tất cả ý chí, nỗ lực tu tập, chánh định hướng tâm đến giải thoát giác ngộ.
Tuy vậy, Thượng tọa bộ lại cho rằng thân thể của đức Phật vượt trội hơn tất cả những
người bình thường: “Ngài đầy đủ với tướng này, nếu sống tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân
thánh vương…Làm vua được những gì? Ít bệnh, ít não, tiêu hóa tốt đẹp, nhiệt độ thăng
bằng, không lạnh quá, không nóng quá. Làm vua được lời như vậy…Làm Phật được những
gì? Ít bịnh, ít não, tiêu hóa tốt đẹp, nhiệt độ thăng bằng, không lạnh quá, không nóng quá,
trung bình, có thể kham nhẫn, siêng năng. Làm Phật được như vậy”12.

7
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Kinh Tự Hoan Hỷ, NXB Tôn Giáo, tr. 569.
8
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ tập 1, Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Viện NCPHVN ấn hành, 1999, tr. 323.
9
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Bổn, NXB Tôn Giáo, tr. 261.
10
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Kinh Phúng Tụng, NXB Tôn Giáo, tr. 646.
11
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ tập 1, Kinh Devahita, NXB Tôn Giáo, tr. 270.
12
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Kinh Tướng, NXB Tôn Giáo, tr. 609.
4
Với con người bình thường này, trong thời gian tu tập nơi rừng già, đức Phật đã trải
qua khó khăn chẳng ai bằng: “Này Sāriputta, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: về
khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất;
về độc cư, Ta độc cư đệ nhất”13, các luận sư Thượng tọa bộ đã khắc họa hình ảnh đức Phật
là bậc đầu đà đệ nhất, với một tinh thần dõng mãnh của con người bình thường, tuy tâm
Phật giải thoát hoàn toàn nhưng thân thể của Ngài cũng còn bị chi phối bởi các pháp hữu
lậu. Trong Đại Tỳ Bà Sa luận có đề cập thân thể Phật tạo ra từ kết quả của vô minh khát ái.
Chính thân thể ấy từng làm phát khởi dục vọng trong tâm người nữ, lòng giận dữ của Chỉ
Man, kẻ kiêu ngạo sinh khinh mạn14.
Đặc biệt, Thượng tọa bộ cũng không mấy chú ý đến thân của đức Phật, bởi ngay lúc
đức Phật còn tại thế, chính đức Phật cũng đã từng dạy tôn giả Vakkali: “Có gì đáng thấy
đối với cái thân hôi hám này, Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta; ai thấy Ta;
người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp, là thấy Ta; đang thấy Ta, là thấy
Pháp”15. Cho nên, cần phải tôn kính pháp, lấy lời Phật dạy làm nơi nương tựa, chứ thân
Như Lai dù có đẹp đẽ cách mấy, một mai nào đó cũng có ngày hoại diệt.
Đến khi về già, Đức Phật cũng chịu sự lão hóa của định luật tự nhiên:“Bạch Thế Tôn,
màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân
còm về phía trước và các căn đang bị đổi khác”16. Quả thật, Thượng tọa bộ không gán ép
vào Phật thân một năng lực siêu nhiên hay cố thần thánh hóa Đức Phật. Điều này chúng ta
lại nhận thấy qua sự kiện Ngài dùng đĩa nấm độc của Cunda (Thuần Đà), tuy bị kiết lỵ nặng
nhưng Ngài vẫn giữ tinh thần bình thản và quyết định lên đường đến Kusinara: “Sau khi
dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như
đến chết và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh”17. Kế tiếp, đức
Phật tuyên bố, không ai ở cõi trời, cõi người ăn món độc nhĩ mà tiêu hóa được, trừ Như
Lai. Rõ ràng, đức Phật không muốn cho bất kì ai thọ dụng món nấm độc này, Ngài biết
trước nếu thọ dụng sẽ chịu những cơn đau khốc liệt mà không một ai có thể chịu đựng như

13
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ tập 1, Đại Kinh Sư Tử Hống, NXB Tôn Giáo, tr. 110.
14
Huyền Trang, Nguyên Huệ (dịch), Luận Đại Tỳ Bà Sa, 8 tập, q.76, NXB. Hồng Đức, tr. 89.
15
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng bộ, Tương Ưng Uẩn, NXB Tôn Giáo, tr. 744.
16
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng bộ,Tương Ưng Căn, NXB Tôn Giáo, tr. 625.
17
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ tập 1. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Viện NCPHVN ấn hành, tr. 624.
5
Ngài. Có thể đây là một luận cứ để Đại chúng bộ qua đó nhận định thân Như Lai hoàn toàn
siêu xuất chăng? Chính đây là điểm tương đồng giữa quan điểm Thượng tọa bộ và Đại
chúng bộ, khi thân Như Lai có điều kỳ diệu hơn thế nhân.
Đối lập với con người nhân gian của Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ có khuynh hướng:
“Chư Phật, Thế Tôn đều là bậc xuất thế”18, thần thánh hóa đức Phật cho thân thể của chư
Phật là siêu xuất thế gian, tối thắng hơn bất kỳ chúng sanh nào, hơn cả chư Hiền Thánh.
Trong kinh điển Đại Thừa còn đề cập đức Phật là một bậc siêu nhiên có tướng lưỡi rộng
dài che trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, thân Phật có hòa quang sáng chói, tướng bạch
hào giữa chặng chân mày phóng ra luồng hào quang…Không những thế Đại chúng bộ xem:
“Tất cả Như Lai không còn có pháp hữu lậu”19, theo đó một bậc siêu nhiên như thế sẽ không
còn các pháp hữu lậu, trong sạch không một chút tỳ vết nào, không chỉ thanh tịnh ở lĩnh
vực tinh thần, mà ngay cả về phương diện nhục thể cũng hoàn toàn vô lậu, cho nên nói sự
hiện diện của đức Phật ở thế gian chỉ là sự “thị hiện”. Đại chúng bộ còn quan niệm: “Sắc
thân Như Lai không có giới hạn, uy lực của Như Lai không có giới hạn, thọ lượng của Như
Lai cũng không có giới hạn”20, từ đó người viết nhận định rằng, Đại chúng bộ có quan niệm
thần thánh hóa đức Phật, siêu việt không gian và thời gian, biến sắc thân Như Lai bao trùm
cả tam thiên đại thiên thế giới, với uy lực vô biên cứu độ hết thảy chúng sanh. Điều này cho
thấy Đại chúng bộ đã giảm nhẹ tầm quan trọng của đức Phật dưới gốc độ một con người có
thật của Thượng tọa bộ mà thay vào đó một đức Phật siêu nhiên.
Đại chúng bộ cho rằng: “Lời nói của Như Lai đều mang nghĩa chuyển pháp luân”21.
Bởi Như Lai chính là bậc xuất thế nên tất cả lời nói của Như Lai chí hướng chỉ bày chúng
sinh chứng đạo, mang ý nghĩa giáo hóa, đây không phải lời nói bình thường như con người,
tức lời nói đùa. Nhưng Thượng tọa bộ lại không đồng tình với quan điểm trên mà cho rằng
Như Lai nói con đường Thánh tám ngành mới chính là chuyển pháp luân chứ không phải
lời nói nào của Như Lai cũng đều là chuyển pháp luân. Vì chúng ta có thể tái hiện lại bối
cảnh lịch sử thời Phật tại thế, trong đời sống hằng ngày, Ngài đối thoại với tứ chúng đệ tử
và hàng ngoại đạo, không phải Thế Tôn lúc nào cũng nói về Bát chánh đạo mà chỉ là những

18
Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, NXB Phương Đông, tr. 51.
19
Sđd, tr.51.
20
Trí Quang (dịch), Dị Tông Luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 72.
21
Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, NXB Phương Đông, tr. 52.
6
lời dạy, lời nói giao tiếp thông thường. Bản thân Đại chúng bộ đã nhân cách hóa đức Phật
lên tột bậc và có như thế mới ứng hợp với một bậc xuất thế như chủ trương ban đầu. Còn
Thượng tọa bộ vẫn giữ nguyên quan điểm đức Phật lịch sử nên ngoài lời thuyết pháp cho
chúng đệ tử, đức Phật vẫn sử dụng ngôn ngữ một cách thông thường trong việc đối thoại
giao tiếp hằng ngày.
Đại chúng bộ tuyên bố: “Phật sử dụng một âm thanh để nói tất cả pháp”22 nhưng
Thượng tọa bộ lại cho rằng: “Không phải một âm thanh của Phật nói được tất cả pháp”23,
vì trong kinh Vô Tránh Phân Biệt thuộc Kinh Trung Bộ có mô tả người dân Ấn Độ nói
nhiều tiếng khác nhau như tiếng Pati, Patta, Vittha, Sarava, Dharopa, Pona, Pisila, do đó
đức Phật khuyên các Tỷ-kheo không nên cố chấp lấy một loại ngôn ngữ nào làm tiêu chuẩn,
nên sử dụng một loại ngôn ngữ nào mà người dân thường sử dụng, không nhất thiết phải
sử dụng tiếng quốc ngữ (Phạn)24 như Đại Tỳ-bà-sa đã đề cập25. Nhưng căn cứ “Dị Bộ Tông
Luân Luận” thì Thế Hữu thì cho rằng Phật sử dụng “nhất âm” không mang ý nghĩa ngôn
ngữ mà mang ý nghĩa chỉ cho tư tưởng, vì nó là từ mô tả sự tương phản từ ‘ngũ âm’26 của
phái đối lập (Thượng tọa bộ). Như vậy, nếu khái niệm 5 âm của phái Thượng tọa bộ chỉ
cho tư tưởng thì khái niệm ‘một âm’ của Đại chúng bộ cũng chỉ cho tư tưởng Nhất thừa
hay Phật thừa, không phải chỉ cho ngôn ngữ27. Từ những quan điểm trên, chúng ta thấy
rằng, đức Phật với trí tuệ siêu phàm, Ngài thông suốt mọi ngôn ngữ trên thế gian, đi đến
đâu Ngài dùng địa phương ngữ để nhiếp độ tứ chúng, thuyết pháp độ sanh: “Với tín đồ ở
Vương-xá, Ngài nói tiếng nước Ma-kiệt-đà. Với tín đồ ở Xá-vệ, Ngài nói tiếng nước Kiều-
tát-la. Với tín đồ ở Tỳ-xá-ly, Ngài nói tiếng Bạt-kỳ. Với tín đồ ở Kiều-thưởng-di, Ngài nói
tiếng nước Bạt-sa”28. Cho nên Phật không thể sử dụng một tiếng nói để đi khắp nơi truyền
đạo được, Ngài phải dùng địa phương ngữ để truyền đạo, từ đó khẳng định rằng đức Phật
là nhà ngôn ngữ kiệt xuất.

22
Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, NXB Phương Đông, tr. 52.
23
Trí Quang (dịch), Dị Tông Luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 99.
24
Phái Hữu Bộ trong A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa Luận giải thích: “Nhất âm là tiếng Phạn”.
25
Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, NXB Phương Đông, tr. 52.
26
Dị Bộ Tông Luân Luận ghi: Phật sử dụng 5 âm để mô tả cho giáo lý xuất thế, đó là 1. Vô thường; 2. Khổ; 3.
Không; 4. Vô ngã; 5. Niết bàn tịch tịnh. (Theo CBETA, T49, no. 2031, p. 16, a12-14).
27
Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, NXB Phương Đông, tr. 53.
28
Cao Hữu Đính, Văn học sử Phật giáo, NXB Minh Đức, tr. 36.
7
Đại chúng bộ nhận định vì Phật là bậc Chánh đẳng giác, Ngài chứng được tâm giải
thoát và tuệ giải thoát, Như Lai luôn an trú trong thiền định, do vậy chư trưởng lão xem
trọng nhân gian nên tuyên bố: “Trong khi ngủ Phật không có mộng mị”29, đương nhiên Thế
Tôn thường xuyên ở trong thiền định, chánh niệm tỉnh giác và tâm an tịnh nên chắc chắn
không có nằm mộng. Mặc khác, trong bản Dị Tông Luận của ngài Trí Quang đề cập: “Chư
Như Lai không ngủ và không mộng mị”30, qua nội dung của hai bản dịch trên, chúng ta có
thể thấy sự sai khác, chư Như Lai không ngủ là một điều vô lý, bởi vì đức Phật vốn là con
người, sinh ra là con người, được nuôi dưỡng và trưởng thành bằng chất liệu của con người
cũng từ vị trí con người tu dưỡng mà thành Phật, không phải là thần tiên, không phải là một
vị trời thần từ một cõi khác đến đây31, đúng như trong kinh Tăng Nhất A Hàm ghi lại: “Thân
ta được sinh ra từ nhân gian, trưởng thành từ nhân gian, cũng từ nhân gian mà thành
Phật”. Đại chúng bộ có quan điểm đức Phật là một bậc xuất thế, Như Lai không bao giờ
xuất ra khỏi định, tâm an tịnh miên viễn nên các trưởng lão nhà Đại chúng bộ quan niệm
Như Lai không cần ngủ để tôn vinh Ngài.
Mặc khác, trong Trung bộ kinh có đề cập vấn đề đức Phật phủ nhận khi ngủ ý thức
vẫn tri kiến: “Này Vaccha, những ai nói như sau: “Sa-môn Gotama là bậc Nhứt Thiết Trí,
là bậc Nhứt Thiết Kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn: ‘Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi
Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại, liên tục’. Họ nói về Ta không đúng với
điều đã được nói, họ đã vu khống Ta với điều không thực, hư ngụy32. Tức là một ngày một
đêm, ý thức của đức Phật hoạt động liên tục, ngay cả trong giấc ngủ, nhưng đức Phật phủ
nhận điều này chính lời đồn đó không đúng sự thật, không phải ca ngợi mà vu khống hủy
báng Thế Tôn. Bởi vì đức Phật vốn là con người bình thường, trong khi ngủ năm giác quan
là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tạm thời ngưng hoạt động để cho ý thức nghỉ ngơi, tức rơi vào
trạng thái vô ký, không thể hiểu biết, cho nên trong kinh đức Phật phủ nhận trong khi ngủ
vẫn hiểu, vẫn biết. Từ quan điểm này Thượng tọa Thích Hạnh Bình nhận định: “Có khá
nhiều kinh đức Phật xác nhận Ngài vốn là một con người như bao con người khác, do vậy
khi ngủ cũng giống như mọi người, nếu có khác đi chăng nữa Ngài ngủ ít và không mê như

29
Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, NXB Phương Đông, tr. 54.
30
Trí Quang (dịch), Dị Tông Luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 73.
31
Thích Hạnh Bình, Đức Phật và những vấn đề thời đại, NXB Phương Đông, tr. 49.
32
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ tập 1, Kinh Ba Minh Vacchagotta, NXB Tôn Giáo, tr. 587-589.
8
con người; ngủ ít không mê không đồng nghĩa là khi Ngài ngủ mọi việc xảy ra điều biết và
điều thấy”33. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, Phật và chúng sinh chỉ khác nhau về mặt
nhận thức, nhưng về mặt thân thể thì Ngài và chúng sinh là giống nhau, vì đức Phật có ngủ
mới phù hợp với thân thể chúng sanh vật lý, đồng nghĩa bác bỏ quan điểm Thế Tôn không
ngủ. Ngài là một con người, xét về cơ chế sinh học, nếu Ngài không ngủ tức cơ thể vật lý
Ngài làm việc liên tục khoảng 45 năm (từ sau khi Phật thành đạo), vậy có hợp lý chăng?
Cho nên khẳng định rằng, đức Phật có ngủ, Ngài ngủ rất ít trong chánh niệm tỉnh giác,
không mộng mị là điều tất yếu.
4. Tinh thần lực của Đức Phật
Về phương diện tâm thức, cả hai bộ phái đều chấp nhận sự siêu phàm của đức Phật,
nhưng khi trình bày, diễn giải lại xuất hiện nhiều điểm khác biệt. Đại chúng bộ quan niệm:
“Trong cùng một sát na Như Lai liễu tri tất cả pháp”34. Nói cách khác, trong một sát na
tâm biết hết ngoại cảnh, kể cả tác dụng của tâm và tự thể của tâm cũng có thể biết. Chính
vì liễu tri nên: “Như Lai vấn đáp không cần tư duy”35. Đại chúng bộ cho rằng đức Phật là
bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến, do vậy nếu có ai hỏi bất cứ vấn đề gì thì Ngài lập tức trả
lời không cần trải qua giai đoạn suy nghĩ: “Phật trong một sát na tâm có thể phát khởi một
lời, trong một sát na ngữ có thể nói một chữ”36.
Trái lại, Thượng tọa bộ thì chủ trương tinh thần lực tuy có vô biên nhưng trong một
sát na không thể nào biết hết thảy pháp, muốn biết rõ hết thảy pháp vẫn cần phải có sự chú
ý (tác ý) đặc biệt. Liên quan đến vấn đề này trong kinh Nhất Thiết Trí có đề cập câu chuyện
giữa vua Ba Tư Nặc và Thế Tôn như sau: “Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng: “Bạch
Cù-đàm, con nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai
không có, và hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí,
nhất thiết kiến’. Bạch Cù-đàm, Ngài đã nhớ là đã nói như vậy chăng?. Thế Tôn đáp rằng:
“Này Đại vương, Ta không nhớ là đã nói như vậy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương
lai không có, và hiện tại không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí,

33
Thích Hạnh Bình, Đức Phật và những vấn đề thời đại, NXB Phương Đông, tr. 49.
34
Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, NXB Phương Đông, tr. 55.
35
Sđd, tr. 54-55.
36
Thích Quảng Độ (dịch), Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, NXB Tôn Giáo, tr. 127.
9
nhất thiết kiến’”37. Sau khi Thế Tôn phủ nhận Ngài là nhất thiết trí, nhất thiết kiến, vua Ba-
tư-nặc lại hỏi tiếp và Thế Tôn trả lời về vấn đề này như sau: “Này Đại vương, Ta nhớ đã
từng nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, trong hiện tại cũng
không có, không có Sa-môn Phạm chí nào trong một thời biết tất cả, trong một thời thấy
tất cả’. Này Đại vương, Ta nhớ đã nói như vậy”38. Như vậy, Phật phủ nhận trong một thời
gian, một lúc thấy biết hết thảy tất cả mọi việc trong thế gian, Ngài xác nhận trong quá khứ,
hiện tại, ngay cả vị lai không ai có khả năng đó và ngay cả chính Ngài. Theo Thượng Tọa
Thích Hạnh Bình nhận định: “Khả năng suy tư và hiểu biết của con người ngay cả người
được gọi là giác ngộ cũng chỉ có thể nhận biết một đối tượng. Nếu có sự khác nhau giữa
bậc giác ngộ và chúng sanh chỉ là sự khác biệt, bậc giác ngộ nhận thức đối tượng bằng
như lý tác ý hay chánh kiến còn chúng sanh thì nhận thức đối tượng bằng phi như lý tác ý
hay tà kiến không đồng nghĩa trong một lúc Ngài biết tất cả”39. Như vậy muốn thấy, muốn
biết tất cả các pháp cần phải tác ý, nếu không có sự chú ý đặc biệt như vậy thì chỉ giới hạn
trong ba nghìn thế giới thôi: “Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo: Này Phạm thiên, như mặt trời tự
tại, soi sáng khắp nơi, bao trùm cả một ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, Ta được tự
tại và cũng biết này hay nơi kia, không có ngày đêm”40.
Đức Phật là người giác ngộ, có trí tuệ vậy thì phạm vi có trí tuệ này như thế nào?
Trong Tăng Chi Bộ kinh có đề cập tường tận giải thích vấn đề này: “Như vậy, này các Tỷ-
kheo, Như Lai là vị đã thấy những cái gì cần thấy, nhưng không có tưởng tượng điều đã
được thấy, không có tưởng tượng những cái gì không được thấy, không có tưởng tượng
những gì cần phải thấy, không có tưởng tượng đối với người thấy. Đã nghe những cái gì
cần nghe, nhưng không có tưởng tượng điều đã được nghe, không có tưởng tượng những
cái gì không được nghe, không có tưởng tượng những gì cần phải nghe, không có tưởng
tượng đối với người nghe. Đã cảm giác những cái gì cần cảm giác, nhưng không có tưởng
tượng điều đã được cảm giác, không có tưởng tượng những cái gì không được cảm giác,
không có tưởng tượng những gì cần phải cảm giác, không có tưởng tượng đối với người

37
Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 4 - Bộ A-Hàm IV - Kinh Trung A-Hàm Số 2, Phẩm Thứ 18: Phẩm Lệ- 212. Kinh
Nhất Thiết Trí, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 882.
38
Sđd, tr. 883.
39
Thích Hạnh Bình, Đức Phật và những vấn đề thời đại, NXB Phương Đông, tr. 54.
40
Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 3 - Bộ A-Hàm III - Kinh Trung A-Hàm Số 1, 78. Kinh Phạm Thiên Thỉnh Phật,
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, tr. 621.
10
cảm giác. Đã thức tri những cái gì cần thức tri, nhưng không có tưởng tượng điều đã được
thức tri, không có tưởng tượng những cái gì không được thức tri, không có tưởng tượng
những gì cần phải thức tri, không có tưởng tượng đối với người thức tri”41. Từ đoạn kinh
trích dẫn trên chúng ta có thể nhận thấy rằng, đức Phật xác nhận trí tuệ của Ngài là thấy
những gì cần thấy, nghe những gì cần nghe, cảm giác những gì cần cảm giác và nhận thức
những gì cần nhận thức. Tức là Ngài thấy, nghe, cảm giác, nhận thức một cách rõ ràng,
không mù mờ về đối tượng, không thấy, không nghe, không cảm giác, không nhận thức
những gì không cần thấy, nghe, cảm giác và nhận thức “điều đó không đồng nghĩa, đức
Phật là vị có khả năng cái gì cũng biết”42. Bên cạnh đó, Ngài còn khuyên chư đệ tử không
nên tìm hiểu những vấn đề không liên quan đến phạm vi giác ngộ giải thoát: “Các ông chớ
bàn luận những đề tài như vầy: Bàn luận những việc vua, việc giặc cướp, việc đấu tranh,
việc tiền bạc, việc y phục, việc ăn uống, việc nam nữ, việc ngôn nhữ thế gian, việc suwh
nghiệp, việc trong biển cả”43. Những gì không thuộc phạm vi suy tư của các Tỳ kheo hay
đức Phật, lẽ tất nhiên Ngài không biết và không biết những việc vô ích này. Ngài khuyên:
“Nếu có bàn luận nên nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ
diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp,
lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết Bàn”44.
Tuy hai bộ phái cùng thừa nhận rằng tinh thần lực của Phật là vô hạn, ở phương diện
giác ngộ và giải thoát tâm, cả hai bộ phái điều đồng tình với tính chất siêu phàm, siêu nhiên,
trí tuệ vô lậu của Phật, nhưng ở mỗi bộ phái đều có cách giải thích khác nhau dẫn đến có
nhiều điểm dị biệt sau này như vậy. Đại chúng bộ cố gắng thần thánh hóa đời sống của bậc
Đạo sư, thì các nhà Thượng tọa bộ lại chứng minh cho sự hiện hữu Ngài bằng con người
thật, bằng năng lực tu tập của chính bản thân để giác ngộ chân lý. Nhưng dù Đại chúng bộ
có siêu nhiên hóa ví trị con người trong quan niệm đức Phật của Thượng tọa bộ đi chăng
nữa thì bất cứ lúc nào, giai đoạn nào tín đồ Phật tử vẫn luôn hướng về Ngài theo cả hai
phương diện đó. Thời kì bộ phái Phật giáo có lí giải sáng tỏ về Phật thân đến đâu chăng

41
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ tập 1, Chương IV Bốn Pháp III. Phẩm Uruvelà, Viện NCPHVN ấn
hành, tr. 595-596.
42
Thích Hạnh Bình, Đức Phật và những vấn đề thời đại, NXB Phương Đông, tr. 59.
43
Thích Đức Thắng (dịch), Kinh Tạp A Hàm, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh tập 6, Hội Văn hóa Linh Sơn Giáo
dục Đài Bắc xuất bản, 2000, tr. 7.
44
Sđd, tr. 7.
11
nữa thì Ngài vẫn luôn ở vị trí tối thượng, trọn vẹn, tuyệt vời nhất mà bất cứ ai cũng muốn
quay về nương tựa dưới chân Ngài.
5. Kết luận

Thời kì Phật giáo Bộ phái có những bước tiến vượt bậc về mặt triển khai nội dung, tư
tưởng của giáo lý thời kì Phật giáo Nguyên Thủy. Đại chúng bộ đại diện khuynh hướng tư
tưởng Đại thừa có những đường lối, quan niệm cách tân mạnh mẽ để giáo lý phù hợp hơn
với đời sống nhân sinh và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, Thượng tọa bộ vẫn trung thành
với tính truyền thống, cố gắng giữ lại nét xưa thời Phật trong từng quan niệm cũng như tư
tưởng lẫn cung cách sinh hoạt. Vấn đề Phật thân quan đã biểu hiện tính chất đặt trưng trong
sự tranh luận giữa từng bộ phái. Theo đó, Thượng tọa bộ vẫn luôn giữ lập trường đức Phật
lịch sử, dù rằng họ chấp nhận tính chất siêu nhiên trong con người đức Phật về nhiều phương
diện. Ngược lại, Đại chúng bộ thần thánh hóa đức Phật đến mức hoàn hảo tuyệt đối về tất
cả phương diện. Tuy rằng, giữa hai bộ phái có sự dị biệt về mặt này hoặc mặt khác nhưng
cả hai đều tôn sùng nếp sống phạm hạnh, tuệ giác siêu phàm, hạnh nguyện độ sanh và lòng
từ bi vô lượng của Phật. Cũng chính sự dị đồng về Phật thân quan này đã tạo tiền đề cho sự
phát triển tư tưởng giáo lý Tam thân trong Phật giáo Đại thừa sau này.

12
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Hạnh Bình và Phương Anh (dịch), Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên
Thủy, NXB Hồng Đức, 2019.
2. Thích Hạnh Bình, Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, NXB Phương Đông, 2014.
3. Trí Quang (dịch), Dị Tông Luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994.
4. Nguyên Tuấn (dịch), Dị Bộ Tông Luân Luận, Tài liệu PDF của TT.TS Thích Chơn
Minh.
5. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ tập 1, NXB Tôn Giáo, 2016.
6. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, NXB Tôn Giáo, 2017.
7. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ tập , Viện NCPHVN ấn hành, 1999.
8. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ tập 1, NXB Tôn Giáo, 2016.
9. Huyền Trang, Nguyên Huệ (dịch), Luận Đại Tỳ Bà Sa, NXB. Hồng Đức, 2014.
10. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ tập 1, NXB Tôn Giáo, 2016.
11. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, 1991.
12. Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận,
NXB Phương Đông, 2016.
13. Cao Hữu Đính, Văn học sử Phật giáo, NXB Minh Đức, 1970.
14. Thích Hạnh Bình, Đức Phật và những vấn đề thời đại, NXB Phương Đông, 2014.
15. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch), Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, NXB Tôn
Giáo, 2012.
16. Thích Tịnh Hạnh (dịch), Kinh Trung A-Hàm số 1 & 2, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh
Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000.
17. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, 1996.
18. Thích Đức Thắng (dịch), Kinh Tạp A Hàm, Hội Văn hóa Linh Sơn Giáo dục Đài Bắc
xuất bản, 2000.

13

You might also like