You are on page 1of 8

TIÊU

CHUẨN CHẨN ĐOÁN MỘT SỐ RỐI LOẠN TÂM THẦN


THEO DSM 5
TÂM THẦN PHÂN LIỆT
A. Có triệu chứng tâm thần đặc trưng: Có hai (hay nhiều hơn) các nhóm triệu
chứng sau đây, mỗi nhóm triệu chứng tồn tại trong thời gian một tháng (hoặc ít
hơn nếu điều trị có hiệu quả). Trong đó có ít nhất 1 trong 3 triệu chứng đầu.
(1)Các hoang tưởng.
(2)Các ảo giác.
(3)Ngôn ngữ vô tổ chức.
(4)Hành vi căng trương lực
(5)Các triệu chứng âm tính: như cảm xúc thờ ơ, không phù hợp rõ rệt hoặc
mất ý chí.
B. Rối loạn năng lực nghề nghiệp, xã hội: trong phần lớn thời gian kể từ khi khởi
đầu rối loạn, một hoặc nhiều hơn một lĩnh vực hoạt động chính như làm việc,
quan hệ với người khác, sự chăm sóc bản thân đều giảm sút rõ rệt so với trước
khi bị bệnh (nếu rối loạn xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên thì người bệnh không
có khả năng đạt được mức độ phát triển xã hội thông thường)
C. Thời gian: các rối loạn được kéo dài liên tục ít nhất là 6 tháng. Thời gian 6
tháng này bao gồm: Một thời gian phát bệnh (kéo dài ít nhất 1 tháng hay ít hơn
nếu điều trị có hiệu quả) trong đó có những triệu chứng tâm thần đặc trưng cho
bệnh tâm thần phân liệt (tiêu chuẩn A). Có hay không có kèm theo các giai đoạn
tiền triệu hay di chứng. Các triệu chứng này có thể chỉ là triệu chứng âm tính
hoặc hai hay nhiều hơn các triệu chứng trong tiêu chuẩn A nhưng dưới dạng nhẹ
hơn (vd: niềm tin kỳ quặc, trải nghiệm tri giác bất thường)
D. Loại trừ các rối loạn phân liệt cảm xúc và rối loạn lưỡng cực có bệnh cảnh loạn
thần, hoặc là (1) không có cơn trầm cảm, hưng cảm nặng hoặc cơn hỗn hợp xảy
ra đồng thời với các triệu chứng loạn thần cấp, hoặc là (2) nếu các cơn rối loạn
cảm xúc xảy ra trong giai đoạn triệu chứng cấp tính thì thời gian toàn bộ của cơn
này phải ngắn hơn thời gian đoạn cấp và giai đoạn di chứng.
E. Loại trừ các bệnh nội khoa và các trạng thái nghiện chất: Các rối loạn này
không do hậu quả sinh lý trực tiếp của một chất (vd: một chất ma túy, một loại
thuốc) hoặc một bệnh cơ thể.
F. Quan hệ với một rối loạn phát triển lan tỏa: nếu tiền căn rối loạn tự kỷ hoặc
rối loạn trong giao tiếp thời trẻ, thì chẩn đoán tâm thần phân liệt chỉ được chẩn
đoán khi kèm hoang tưởng hoặc các ảo giác tồn tại ít nhất 1 tháng (hoặc ít hơn
nếu điều trị có hiệu quả).
RỐI LOẠN LOẠN THẦN NGẮN
A. Sự hiện diện một (hoặc nhiều hơn) các triệu chứng sau. Ít nhất một trong số
đó phải là (1), (2), hay (3):
(1) Các hoang tưởng.
(2) Các ảo giác.
(3) Ngôn ngữ vô tổ chức.
(4) Hành vi vô tổ chức rõ rệt hoặc hành vi căng trương lực.
Ghi chú: Không liệt kê triệu chứng nếu như đó là một đáp ứng được chấp
nhận về mặt văn hoá.
B. Thời gian của rối loạn phải kéo dài ít nhất là 1 ngày và phải ít hơn 1 tháng, và
cuối cùng trở về chức năng bình thường so với trước đó.
C. Rối loạn thì không được giải thích tốt hơn bởi rối loạn trầm cảm chủ yếu hoặc
rối loạn lưỡng cực có yếu tố loạn thần hoặc các rối loạn loạn thần khác như tâm
thần phân liệt hoặc thể căng trương lực và không phải gây ra do tác động sinh lý
của một chất (VD: chất gây nghiện, thuốc) hoặc một bệnh lý y khoa khác.
RỐI LOẠN DẠNG PHÂN LIỆT
A. Hai (hay nhiều hơn) các triệu chứng sau, mỗi triệu chứng hiện diện trong
phần lớn thời gian trong 1 tháng (hoặc ít hơn nếu điều trị hiệu quả). Ít nhất một
trong số đó phải là (1), (2) hoặc (3):
(1) Các hoang tưởng.
(2) Các ảo giác.
(3) Ngôn ngữ vô tổ chức (VD: nói lạc đề, tư duy không liên quan)
(4) Hành vi vô tổ chức rõ rệt hoặc hành vi căng trương lực.
(5) Các triệu chứng âm tính (VD: ít biểu lộ cảm xúc, thu rút…)
B. Một giai đoạn của rối loạn kéo dài ít nhất 1 tháng và ít hơn 6 tháng. Khi chẩn
đoán được thành lập mà không chờ đợi sự phục hồi, đó được xem là chẩn đoán
“tạm thời”.
C. Rối loạn phân liệt cảm xúc và rối loạn trầm cảm hoặc hưng cảm có yếu tố
loạn thần đã được loại trừ bởi (1) Không có giai đoạn trầm cảm chủ yếu hoặc
giai đoạn hưng cảm diễn ra đồng thời với giai đoạn hoạt động, hoặc (2) nếu giai
đoạn khí sắc diễn ra đồng thời với giai đoạn hoạt động, chúng chỉ hiện diện trong
một khoảng ngắn so với tổng thời gian của giai đoạn hoạt động và giai đoạn di
chứng của bệnh.
D. Rối loạn không phải do tác động sinh lý của một chất (chất gây nghiện, thuốc)
hoặc một bệnh lý y khoa khác.
RỐI LOẠN CẢM XÚC PHÂN LIỆT
A. Một giai đoạn bệnh lý dai dẳng mà trong đó có một giai đoạn khí sắc rõ rệt
(giai đoạn trầm cảm chủ yếu hoặc giai đoạn hưng cảm) diễn ra đồng thời với các
tiêu chuẩn A của tâm thần phân liệt.
Ghi chú: Giai đoạn trầm cảm chủ yếu phải bao gồm tiêu chuẩn A1: khí sắc
trầm cảm.
B. Các hoang tưởng và ảo giác phải kéo dài 2 tuần hoặc hơn khi các giai đoạn
khí sắc (trầm cảm hoặc hưng cảm) vắng mặt trong suốt thời gian bệnh.
C. Các triệu chứng đáp ứng tiêu chuẩn cho một giai đoạn khí sắc rõ rệt hiện diện
phần lớn thời gian trong giai đoạn hoạt động hay di chứng của bệnh.
D. Rối loạn không phải gây ra do tác động sinh lý của một chất (chất gây nghiện,
thuốc) hay một bệnh lý y khoa khác.
RỐI LOẠN HOANG TƯỞNG
A. Sự hiện diện một (hoặc nhiều hơn) hoang tưởng trong khoảng thời gian 1
tháng hoặc dài hơn.
B. Không thoả tiêu chuẩn A trong tâm thần phân liệt.
Ghi chú: các ảo giác, nếu có, thì không nổi bật và liên quan đến chủ đề
hoang tưởng.
C. Ngoài các tác động của hoang tưởng và hậu quả của nó, các chức năng không
bị rối loạn rõ rệt và các hành vi không kì quái, kì dị rõ rệt.
D. Nếu các giai đoạn hưng cảm, trầm cảm chủ yếu xảy ra, thời gian của chúng
phải ngắn hơn so với thời gian của giai đoạn hoang tưởng.
E. Rối loạn không phải do tác động sinh lý của một chất hay do một bệnh lý y
khoa khác gây nên, cũng không được giải thích tốt hơn bởi một rối loạn tâm thần
khác, chẳng hạn như rối loạn biến dạng cơ thể hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
RỐI LOẠN TRẦM CẢM CHỦ YẾU
A. Năm (hoặc hơn) các triệu chứng dưới đây, hiện diện trong suốt một khoảng
thời gian 2 tuần và gây nên sự thay đổi so với chức năng trước đây. Ít nhất 1
trong số các triệu chứng phải bao gồm: (1) khí sắc trầm cảm và (2) mất quan tâm
hoặc hứng thú.
Ghi chú: Không liệt kê các triệu chứng mà đã rõ ràng quy cho một bệnh lý
y khoa khác.
(1) Khí sắc trầm cảm hầu như cả ngày và gần như mỗi ngày, do chính bệnh
nhân kể lại (VD: cảm thấy buồn, trống rỗng, vô vọng…) hoặc được quan sát bởi
người khác (VD: dễ khóc) (Lưu ý: ở trẻ em và trẻ vị thành niên, có thể là khí sắc
dễ bực tức).
(2) Giảm quan tâm hứng thú rõ rệt ở tất cả, hoặc hầu như tất cả, các hoạt
động hầu như cả ngày và gần như mỗi ngày (được BN kể lại hoặc được quan sát
thấy bởi người khác).
(3) Sụt cân rõ rệt khi không ăn kiêng hoặc tăng cân (Vd: thay đổi 5% cân nặng
hoặc hơn trong 1 tháng) hoặc giảm hoặc tăng ngon miệng gần như mỗi ngày.
(Lưu ý: ở trẻ em, có thể không tăng cân ở mức bình thường)
(4) Mất ngủ hoặc ngủ nhiều, xảy ra hầu như hàng ngày.
(5) Kích động hoặc chậm chạp tâm thần – vận động hầu như hàng ngày (có
thể quan sát thấy được bởi những người xung quanh, không phải hạn chế ở
những cảm giác chủ quan thấy bồn chồn hoặc buồn bã trong lòng).
(6) Mệt mỏi hoặc mất sinh lực hầu như hàng ngày.
(7) Cảm giác thấy mình vô dụng, không có giá trị hoặc tự thấy tội lỗi quá đáng,
hoặc quá mức một cách không phù hợp (có thể là hoang tưởng) hầu như hàng
ngày (không phải chỉ đơn thuần là ân hận, tự trách mình hoặc tự cảm thấy bản
thân có lỗi khi mắc bệnh).
(8) Do dự, giảm năng lực tập trung và suy nghĩ, hầu như hàng ngày (có thể do
chính bệnh nhân kể lại hoặc do người chung quanh thấy được).
(9) Ý nghĩ về cái chết tái diễn nhiều lần (nhưng không chỉ đơn thuần là bệnh
nhân sợ chết), ý tưởng tự tử tái diễn nhiều lần nhưng không có kế hoạch cụ thể
nào, hoặc có toan tính tự tử, hoặc có kế hoạch cụ thể để thực hiện việc tự tử.
B. Các triệu chứng gây nên sự đau khổ rõ rệt về mặt lâm sàng hoặc làm suy giảm
các chức năng về mặt xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
C. Giai đoạn này không gây ra bởi tác động sinh lý của một chất hoặc của một
bệnh lý y khoa khác.
Ghi chú: Các tiêu chuẩn A - C đại diện cho 1 giai đoạn trầm cảm chủ yếu.
Ghi chú: Các đáp ứng đối với một mất mát to lớn (mất người thân, phá
sản, tổn thất do thiên tai, bệnh nặng hoặc tàn tật) có thể bao gồm cảm giác buồn
rầu, sự nghiền ngẫm về mất mát, mất ngủ, ăn kém ngon và sụt cân như trong
tiêu chuẩn A, có thể giống với một giai đoạn trầm cảm. Mặc dù những triệu
chứng này có thể hiểu được hoặc được coi là phù hợp với sự mất mát, nhưng
sự hiện diện của một giai đoạn trầm cảm chủ yếu bên cạnh những đáp ứng bình
thường với mất mát nên được xem xét cẩn trọng. Quyết định này bắt buộc đòi
hỏi thực hiện việc đánh giá về mặt lâm sàng dựa trên tiền sử cá nhân cũng như
các chuẩn mực văn hoá về sự biểu hiện đau khổ trong bối cảnh mất mát.
D. Giai đoạn trầm cảm chủ yếu này không được giải thích tốt hơn bởi rối loạn
cảm xúc phân liệt, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang
tưởng hoặc phổ tâm thần phân liệt chuyên biệt hoặc không chuyên biệt, và các
rối loạn tâm thần khác.
E. Chưa từng có giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ.
Ghi chú: Sự loại trừ này không được áp dụng nếu giai đoạn hưng cảm hoặc
hung cảm nhẹ gây ra do tác dụng của một chất hoặc do tác động sinh lý của một
bệnh lý y khoa khác.
GIAI ĐOẠN HƯNG CẢM
A. Một giai đoạn riêng biệt với khí sắc gia tăng, dễ chan hoà hoặc dễ cáu gắt một
cách liên tục và bất thường, và gia tăng năng lượng hoặc các hoạt động có mục
đích một cách liên tục và bất thường, kéo dài ít nhất 1 tuần và hiện diện hầu như
mỗi ngày và gần như cả ngày (hoặc bất kì khoảng thời gian nào nếu như sự nhập
viện là cần thiết).
B. Trong suốt giai đoạn rối loạn khí sắc và gia tăng năng lượng hoặc hoạt động,
ba (hoặc nhiều hơn) các triệu chứng sau (bốn nếu như khí sắc là dễ cáu gắt) hiện
diện ở mức độ đáng kể và gây thay đổi rõ rệt so với hành vi trước đó:
(1) Tự đánh giá cao bản thân hoặc hoang tưởng tự cao.
(2) Giảm nhu cầu ngủ (VD: cảm thấy khoẻ chỉ sau 3 giờ ngủ).
(3) Nói nhiều hơn thường ngày hoặc bị thôi thúc nói liên tục.
(4) Tư duy phi tán hoặc cảm thấy các ý nghĩ xuất hiện dồn dập.
(5) Đãng trí (VD: sự chú ý dễ dàng bị lôi cuốn bởi các kích thích bên ngoài
không quan trọng hoặc không liên quan), được kể lại hoặc được quan sát thấy.
(6) Gia tăng các hoạt động có mục đích (hoạt động xã hội, tại nơi làm việc
hoặc trường học, hoặc hoạt động tình dục) hoặc kích động tâm thần vận động
(VD: các hoạt động không mục đích…)
(7) Tham dự quá mức vào những hoạt động có tiềm năng mang lại hậu quả
tai hại (VD: tiêu tiền không suy nghĩ, quan hệ tình dục bừa bãi, đầu tư thương
mại không hợp lý).
C. Rối loạn khí sắc đủ nặng để gây rối loạn rõ rệt về mặt chức năng xã hội, nghề
nghiệp hoặc phải nhập viện nhằm tránh gây hại cho bản thân người bệnh và
những người xung quanh hoặc có biểu hiện loạn thần.
D. Giai đoạn này không do tác động sinh lý của một chất (thuốc, chất gây nghiện)
hoặc do một bệnh lý y khoa khác.
Ghi chú: Một giai đoạn hưng cảm đầy đủ mà xuất hiện ngay trong quá
trình điều trị chống trầm cảm (bằng thuốc, choáng điện) nhưng kéo dài ở mức
độ đầy đủ triệu chứng mà không phải do tác động sinh lý của quá trình điều trị
gây ra là bằng chứng rõ rệt của một giai đoạn hưng cảm, cũng như, của rối loạn
lưỡng cực I.
RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC I
A. Phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của một giai đoạn hưng cảm.
B. Sự xuất hiện của giai đoạn hưng cảm và trầm cảm không được giải thích tốt
hơn bởi rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt,
rối loạn hoang tưởng, phổ tâm thần phân liệt chuyên biệt hoặc không chuyên
biệt khác hoặc các rối loạn tâm thần khác.
GIAI ĐOẠN HƯNG CẢM NHẸ
A. Một giai đoạn riêng biệt với khí sắc gia tăng, dễ chan hoà hoặc dễ cáu gắt một
cách liên tục và bất thường, và gia tăng năng lượng hoặc hoạt động một cách
liên tục và bất thường, kéo dài ít nhất 4 ngày liên tục và hiện diện hầu như mỗi
ngày và gần như cả ngày.
B. Trong suốt giai đoạn rối loạn khí sắc và gia tăng năng lượng hoặc hoạt động,
ba (hoặc nhiều hơn) các triệu chứng sau (bốn nếu như khí sắc là dễ cáu gắt) hiện
diện ở mức độ đáng kể và gây thay đổi rõ rệt so với hành vi trước đó:
(1) Tự đánh giá cao bản thân hoặc hoang tưởng tự cao.
(2) Giảm nhu cầu ngủ (VD: cảm thấy khoẻ chỉ sau 3 giờ ngủ).
(3) Nói nhiều hơn thường ngày hoặc bị thôi thúc nói liên tục.
(4) Tư duy phi tán hoặc cảm thấy các ý nghĩ xuất hiện dồn dập.
(5) Đãng trí (VD: sự chú ý dễ dàng bị lôi cuốn bởi các kích thích bên ngoài
không quan trọng hoặc không liên quan), được kể lại hoặc được quan sát thấy.
(6) Gia tăng các hoạt động có mục đích (hoạt động xã hội, tại nơi làm việc
hoặc trường học, hoặc hoạt động tình dục) hoặc kích động tâm thần vận động
(VD: các hoạt động không mục đích…)
(7) Tham dự quá mức vào những hoạt động có tiềm năng mang lại hậu quả
tai hại (VD: tiêu tiền không suy nghĩ, quan hệ tình dục bừa bãi, đầu tư thương
mại không hợp lý).
C. Giai đoạn liên quan với một sự thay đổi rõ rệt về mặt chức năng, làm cho
người bệnh khác hẳn so với khi không có triệu chứng.
D. Rối loạn khí sắc và sự thay đổi về mặt chức năng được quan sát thấy bởi
người khác.
E. Rối loạn khí sắc không đủ nặng để gây rối loạn rõ rệt về mặt chức năng xã
hội, nghề nghiệp hoặc phải nhập viện. Nếu có yếu tố loạn thần, theo định nghĩa,
đây là một giai đoạn hưng cảm.
F. Giai đoạn này không do tác động sinh lý của một chất (thuốc, chất gây nghiện,
điều trị khác…)
Ghi chú: Một giai đoạn hưng cảm nhẹ đầy đủ mà xuất hiện ngay trong quá
trình điều trị chống trầm cảm (bằng thuốc, choáng điện) nhưng kéo dài ở mức
độ đầy đủ triệu chứng mà không phải do tác động sinh lý của quá trình điều trị
gây ra là bằng chứng rõ rệt cho chẩn đoán giai đoạn hưng cảm nhẹ. Tuy nhiên,
thận trọng khi sự biểu thị một hoặc hai triệu chứng (đặc biệt là gia tăng tình
trạng dễ cáu gắt, bực dọc, kích động sau điều trị chống trầm cảm) thì không được
tính là một bằng chứng rõ ràng cho chẩn đoán giai đoạn hưng cảm nhẹ, cũng
như không phải là biểu lộ nhất thiết của rối loạn lưỡng cực.
RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC II
A. Các tiêu chuẩn phải đáp ứng được ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ và ít
nhất một giai đoạn trầm cảm chủ yếu.
B. Chưa từng có giai đoạn hưng cảm.
C. Sự hiện diện của giai đoạn hưng cảm nhẹ hoặc giai đoạn trầm cảm chủ yếu
không được giải thích tốt hơn bởi rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt,
rối loạn dạng phân liệt, phổ tâm thần phân liệt chuyên biệt hoặc không chuyên
biệt khác hoặc các rối loạn tâm thần khác.
D. Các triệu chứng của trầm cảm hoặc sự không thể báo trước việc chuyển đổi
luân phiên giữa giai đoạn trầm cảm và giai đoạn hưng cảm nhẹ gây đau khổ rõ
rệt về mặt lâm sàng hoặc rối loạn chức năng về mặt xã hội, nghề nghiệp hoặc
các lĩnh vực quan trọng khác.
RỐI LOẠN TRIỆU CHỨNG CƠ THỂ
A. Một hay nhiều triệu chứng cơ thể gây đau khổ hoặc ảnh hưởng rõ rệt đến
cuộc sống hàng ngày.
B. Những ý nghĩ, cảm giác hoặc hành vi quá đáng liên quan đến các triệu chứng
cơ thể hoặc liên quan đến những mối quan tâm về sức khoẻ được biểu hiện bởi
ít nhất một trong các triệu chứng sau:
(1) Những ý nghĩ liên tục và không phù hợp về mức độ trầm trọng của các
triệu chứng.
(2) Lo âu quá mức liên tục về sức khoẻ hoặc các triệu chứng.
(3) Tốn kém quá nhiều về thời gian và năng lượng dành cho các mối quan tâm
về sức khoẻ hoặc các triệu chứng.
C. Mặc dù bất kì một triệu chứng cơ thể có thể không biểu hiện liên tục, tình
trạng xuất hiện của các triệu chứng này là liên tục (điển hình trên 6 tháng).
RỐI LOẠN LO ÂU TOÀN THỂ
A. Lo âu hoặc lo lắng quá mức, diễn ra trong nhiều ngày kéo dài không ít hơn 6
tháng, về một số sự kiện hoặc hoạt động (chẳng hạn như kết quả làm việc hoặc
học tập).
B. Bệnh nhân cảm thấy khó khăn để kiểm soát lo âu.
C. Lo âu hoặc lo lắng liên quan với ba (hoặc hơn) trong số sáu triệu chứng dưới
đây (với ít nhất một vài triệu chứng phải hiện diện phần lớn thời gian trong 6
tháng vừa qua):
(1) Bứt rứt hoặc cảm thấy căng thẳng, bất an.
(2) Dễ mệt mỏi.
(3) Khó tập trung hoặc đầu óc trống rỗng.
(4) Dễ cáu gắt.
(5) Căng thẳng cơ.
(6) Rối loạn giấc ngủ (khó vào giấc hoặc duy trì giấc ngủ, hoặc không ngủ
được, ngủ không thoả mãn).
D. Lo âu, lo lắng hoặc các triệu chứng cơ thể gây đau khổ rõ rệt về mặt lâm sàng
hoặc rối loạn chức năng về mặt xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng
khác.
E. Rối loạn không phải do tác động sinh lý của một chất (VD: thuốc, chất gây
nghiện) hoặc do một bệnh lý y khoa khác (VD: cường giáp).
F. Rối loạn không được giải thích tốt hơn bởi một rối loạn tâm thần khác (VD:
lo âu hoặc lo lắng về việc xuất hiện những cơn hoảng loạn trong rối loạn hoảng
loạn, đánh giá tiêu cực trong rối loạn lo âu xã hội, bị nhiễm bệnh hoặc các ám
ảnh khác trong rối loạn ám ảnh cưỡng chế, sự chia cắt khỏi mối quan hệ gắn bó
trong rối loạn lo âu chia ly, sự tái hiện lại các sự kiện sang chấn trong rối loạn
stress sau sang chấn, tăng cân trong chán ăn tâm thần, than phiền về mặt cơ thể
trong rối loạn triệu chứng cơ thể, bị khiếm khuyết về ngoại hình trong rối loạn
sợ biến dạng cơ thể, mắc một bệnh nghiêm trọng trong rối loạn lo âu bệnh tật,
hoặc là một thành phần của hoang tưởng trong tâm thần phân liệt hoặc rối loạn
hoang tưởng).

You might also like