You are on page 1of 7

1. Tóm tắt bài viết.

Trong bài viết của mình, tác giả Hoàng Thị Kim Quế cho rằng mối quan hệ giữa
pháp luật và đạo đức trong hệ thống điều chỉnh xã hội là quản lý xã hội bằng
pháp luật kết hợp với đạo đức là một vấn đề mang tính nguyên tắc, như Đảng ta
đã khẳng định “Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục,
nâng cao đạo đức”.

Cụ thể, khi xem xét pháp luật và đạo đức với các hệ thống quy phạm điều chỉnh
xã hội như tập quán và phong tục, tác giả cho rằng để đánh giá tổng thể và có hệ
thống về pháp luật cần đặt pháp luật trong mối tương quan với các quy phạm xã
hội khác. Trong hệ thống các quy phạm điều chỉnh xã hội, pháp luật và đạo đức
giữ vị trí trung tâm, có vai trò quan trọng nhất. Do các yếu tố đạo đức được thể
thiện trong tất cả các quy phạm xã hội, ở đâu có con người thì ở đó có đạo đức
và quan hệ đạo đức. Xã hội càng phát triển, càng hiện đại, thì vai trò của những
yếu tố đạo đức càng được đề cao.

Pháp luật và đạo đức đều có chức năng chung là điều chỉnh hành vi của con
người và các mối quan hệ xã hội. Giữa pháp luật của Nhà nước ta và đạo dức
truyền thống dân tộc, xét về nguyên tắc, không có một sự đối lập nào, cả hai đều
hướng tới sự công bằng, vì con người, bảo vệ con người, vì sự thiết lập những
mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ hữu cư,
bổ sung, hỗ trợ cho nhau, tạo nên sự điều chỉnh mạnh mẽ nhất đối với hành vi
của con người. Tính thống nhất giữa pháp luật và đạo đức được thể hiện ở thái
độ, sự đánh giá, sự cảm nhận, cách xử lý đối với những hành vi của con người,
chẳng hạn hành vi “tự thú” là một tình tiết giảm nhẹ cà có thể được miễn trách
nhiệm hình sự. Tính thống nhất giữa pháp luật và đạo đức còn được thể hiện ở
mối tương quan giữa các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức, ở việc
sử dụng kết hợp các biện pháp pháp lý và các biện pháp tác động xã hội trong
đấu tranh phòng và chống các vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức.

1
Pháp luật và đạo đức cũng có những điểm khác biệt nhất đinh, chúng có tác
động, ảnh hưởng lẫn nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau nhưng cũng với tư cách là
những phương tiện điều chỉnh đặc thù, có ưu thế và sức mạnh riêng. Sự khác
biệt giữa pháp luật và đạo đức được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Tác giả
đề xuất ba điểm khác nhau cơ bản bên cạnh nguồn gốc hình thành:

Thứ nhất, có những lĩnh vực pháp luật điều chỉnh những đạo đức thì không và
ngược lại. Sự phản bội hay thất tín là những ví dụ về hành vi được điều chỉnh
bởi phạm trù đạo đức, trong khi pháp luật chỉ điều chỉnh những hành vi gian dối
nhất định có tính pháp lý như gây hậu quả nghiêm trọng trong việc lập chứng từ
sổ sách. Pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng, cơ bản, ít nhiều
mang ý nghĩa quốc gia. Đạo đức có thể điều chỉnh những quan hệ xã hội không
thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật.

Đạo đức một mặt điều chỉnh một phạm vi rộng lớn các quan hệ xã hội hơn là
pháp luật, mặt khác đạo đức không điều chỉnh hết các quan hệ xã hội mà chỉ
điều chính những quan hệ xã hội trực tiếp thể hiện tính chất hành vi của còn
người mà có thể đánh giá được từ khía cạnh đạo đức. Dù vậy, không một lĩnh
vực quan hệ xã hội nào, kể cả quân sự hay ngoại giao lại không có quan hệ đạo
đức. Xét đến phạm vi điều chỉnh của đạo đức, vừa phải làm rõ những lĩnh vực
quan hệ xã hội được điều chỉnh một cách thuần túy tương đối bằng đạo đức
cũng như làm rõ tính phổ quát của đạo đức.

Về hình thức và mức độ thể hiện, pháp luật có mức độ thể hiện cụ thể, chi tiết
hơn. Pháp luật dưới dạng các văn bản được thể hiện thành những quyền và
nghĩa vụ cùng với những biện pháp xử lý, hay chế tài, nhất định. Khi bàn về đạo
đức, người Việt Nam thường đề cập nhiều đến bổn phận hơn là quyền. Đạo đức
tồn tại ở dạng bất thành văn như ca dao, dưới dạng những quy phạm cụ thể cũng
như trừu tượng và nó điều chỉnh hành vi dựa trên cảm xúc, khác với pháp luật
điều chỉnh hành vi theo quy định của pháp luật và dựa vào các dấu hiệu pháp lý.

2
Cuối cùng, những nguyên tắc của đạo đức thể được hệ thống hóa song chỉ đến
mức dư luận xã hội.

Về phương pháp bảo đảm thực hiện, đạo đức và pháp luật đều dựa trên sức
mạnh cưỡng chế, nhưng khác nhau ở tính chất và biện pháp cưỡng chế. Đạo đức
cưỡng chế nhờ dư luận và lương tâm, còn pháp luật cưỡng chế nhờ sức mạnh
của Nhà nước. Người Việt vốn trọng danh dự, do đó dư luận là một sức mạnh
cộng đồng lợi hại khiến người ta phải tuân theo.

Theo tác giả, pháp luật và đạo đức có tác động biện chứng qua lại lẫn nhau.
Pháp luận luôn dựa trên một cơ sở đạo đức nhất định và là một trong những
hình thức ghi nhận và bảo vệ những nguyên tắc hay chuẩn mực đạo đức được xã
hội coi trọng và biến chúng thành thói quen. Việc ghi nhận này được thực hiện
trực tiếp hoặc gián tiếp tùy vào đặc điểm quan hệ xã hội. Việc các giao dịch dân
sự tái với pháp luật và đạo đức đều bị coi là vô hiệu cho thấy chính pháp luật là
yếu tố bảo đảm cho hành vi của con người phù hợp với đạo đức. Ngược lại, đạo
đức là phương tiện quan trọng bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật. Vai trò này của
đạo đức không chỉ được thể hiện trong những quan hệ xã hội không có pháp
luật điều chỉnh mà còn cả trong những quan hệ xã hội có pháp luật điều chỉnh.

Đề tổng kết lại, tác giả khẳng định lại rằng việc quản lí xã hội bằng pháp luật
kết hợp với đạo đức là một tất yếu khách quan trong việc xây dựng Nhà nước
pháp quyền ở nước ta.

(1190 từ)

2. So sánh quan điểm về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức của tác giả
Hoàng Thị Kim Quế và tác giả Nguyễn Văn Năm.
Nhìn chung, có thể thấy rằng hai tác giả có nhiều sự tương đồng trong việc xem
xét mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật. Sự khác nhau, nếu có, có thể thấy
hầu hết là sự bổ sung về mặt quan điểm giữa hai tác giả. Cụ thể:
2.1. Điểm giống nhau:
3
Cả hai tác giả đều cho rằng pháp luật và đạo đức giữ vị trí trung tâm, đều có vai
trò và chức năng quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của con người và các
mối quan hệ xã hội, cũng như bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển một cách
ổn định và có trật tự. Về mặt nguyên tắc, không có một sự đối lập nào giữa pháp
luật và đạo đức. Cả hai đều hướng tới sự công bằng, vì con người, bảo vệ con
người và định hướng phát triển những quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích lực
lượng cầm quyền cũng như của toàn xã hội.
Sự thống nhất giữa hai tác giả cũng thể hiện ở quan điểm cho rằng đạo đức có
phạm vi điều chỉnh rộng hơn pháp luật, nếu xem đạo đức là một yếu tố tinh thần
không tách rời bản thân hành vi con người, không thể thiếu được trong đời sống
của mỗi con người với xã hội. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh những quan hệ xã
hội bị chi phối bởi ý chí, lý trí của các chủ thể, hay các mối quan hệ có mức độ
quan trọng nhất định. Thế nhưng đạo đức, ngoài những yếu tố trên, còn có thể
điều chỉnh những mối quan hệ bị chi phối bởi tình cảm của các chủ thể.
Cuối cùng, trong cách tiếp cận vấn đề, hai tác giả đều cho thấy sự thống nhất, sự
khác biệt và sự tác động qua lại lẫn nhau giữa pháp luật và đạo đức. Giữa pháp
luật và đạo đức có sự giống nhau giữa phạm vi điều chỉnh, về hình thức, mức độ
thể hiện và biện pháp đảm bảo thực hiện.

2.2. Điểm khác nhau


Khi đề cập đến sự thống nhất giữa pháp luật và đạo đức, tác giả Hoàng Thị Kim
Quế cho rằng, giữa pháp luật và đạo đức có mối quan hệ hữu cơ, hỗ trợ cho
nhau, còn tác giả Nguyễn Văn Năm lại cho rằng, giữa pháp luật và đạo đức luôn
có sự phù hợp ở những mức độ khác nhau, với pháp luật được coi là những
chuẩn mực đạo đức cần có. Tác giả Nguyễn Văn Năm còn bổ sung rằng pháp
luật và đạo đức đều chịu sự chi phối bởi và đều có sự tác động trở lại đời sống
xã hội. Về điểm này, tác giả Hoàng Thị Kim Quế không đề cập.
Khi đề cập đến phạm vi điều chỉnh, tác giả Hoàng Thị Kim Quế cho rằng pháp
luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng. Đạo đức có phạm vi điều

4
chỉnh rộng hơn pháp luật nếu đứng trên phương diện xem đạo đức là một yếu tố
tinh thần không tách rời bản thân hành vi con người. Đồng tình với quan điểm
này, nhưng tác giả Nguyễn Văn Năm làm rõ thêm rằng pháp luật chỉ có thể điều
chỉnh những quan hệ xã hội bị chi phối bởi ý chí của các chủ thể, tức chủ thể
phải có độ tuổi nhất định và có khả năng nhận thức, còn đạo đức còn có thể điều
chỉnh những mối quan hệ bị chi phối bởi tình cảm của các chủ thể, không kể
tuổi tác, địa vị, xã hội.
Về hình thức và mức độ thể hiện, tác giả Nguyễn Văn Năm cho rằng tính xác
định về hình thức là ưu thế vượt trội của pháp luật so với đạo đức bởi hình thức
của đạo đức được thể hiện khái quát dưới dạng phi văn bản còn pháp luật được
thể hiện dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật. Tác giả Hoàng Thị Kim
Quế cũng nhấn mạnh ưu thế này nhưng xem xét dựa trên yếu tố đề cao bổn
phận hơn là quyền trong đạo đức. Từ đó, khi nói đến phương pháp đảm bảo
thực hiện, tác giả Hoàng Thị Kim Quế cho rằng đạo đức được đảm bảo thực
hiện nhờ vào dư luận và lương tâm, còn đối với pháp luật được khuyến khích và
bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước và sự tự giác trên cơ sở nhận thức pháp luật.
Còn theo như quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Năm, pháp luật được bảo đảm
bằng các biện pháp Nhà nước trong đó cưỡng chế là biện pháp quan trọng nhất.
Người vi phạm pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về vật chất, tinh
thần, tự do thậm chí là cả tính mạng, còn người vi phạm đạo đức phải gánh chịu
những hậu quả bất lợi về tinh thần bởi sự xấu hổ và lòng tự trọng không thể bỏ
qua dư luận.
Tác giả Nguyễn Văn Năm còn cho rằng giữa pháp luật và đạo đức có sự khác
nhau khi pháp luật chỉ có thể được hình thành thông qua hoạt động xây dựng
pháp luật của Nhà nước, đạo đức có thể hình thành một cách tự phát trong đời
sống chung của cộng đồng hoặc có thể do những cá nhân tiêu biểu trong xã hội.
Ngoài ra, pháp luật và đạo đức có sự khác nhau về cơ chế điều chỉnh.
Cuối cùng, khi nhắc đến sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức, tác giả
Nguyễn Văn Năm cho rằng đạo đức có sự tác động đến việc hình thành các quy

5
định trong hệ thống pháp luật, là tiền đề tư tưởng chỉ đạo và là môi trường cho
sự phát sinh, tồn tại và phát triển của pháp luật. Mặt khác, pháp luật cũng có sự
tác động đến đạo đức khi ghi nhận những quan niệm, tư tưởng, chuẩn mực đạo
đức. Pháp luật góp phần củng cố, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức xã hội,
đồng thời loại trừ những quan niệm, tư tưởng đạo đức lạc hậu, trái với lợi ích
giai cấp thống trị, lợi ích chung của cộng. Trong khi đó, tác giả Hoàng Thị Kim
Quế lại cho rằng, pháp luật xưa nay vừa khẳng định, vừa bảo vệ và phát huy
những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức truyền thống, vừa hạn chế để đi đến loại
bỏ những quan điểm, chuẩn mực đạo đức tiêu cực. Quy phạm đạo đức đóng vai
trò định hướng trong việc tội phạm hóa hay phi tội phạm hóa các hành vi.

3. Quan điểm cá nhân về mối quan hệ giữa đạo .


Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật càng trở nên gắn bó mật thiết, hỗ trợ, bổ
sung cho nhau trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân của nước ta. Hệ thống pháp luật Việt Nam được xây
dựng trên nên tảng đạo đức xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân,
bảo đảm, bảo về quyền con người, quyền công dân. Điều này được ghi rõ tại
điều 2, Hiến pháp năm 2013: “ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân
dân ”.
Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành phản ánh khá rõ nét tư tưởng nhân đạo,
tư tưởng đạo đức. Đạo đức trong hệ thống pháp luật Việt Nam được thể hiện rất
rõ trong các quy định về các chính sách xã hội của nhà nước, chẳng hạn trong
việc xử lí người có hành vi vi phạm pháp luật có các quy định nhằm giáo dục,
cải tạo, răn đe, phòng ngừa và khoan hồng. Nhà nước cũng đưa ra những chính
sách xã hội ưu đãi, quan tâm đặc biệt đến người có hoàn cảnh khó khăn và
người có công. Pháp luật cũng đã thể chế hóa các quan niệm, quan điểm đạo
đức truyền thống tốt đẹp của như đại đoàn kết dân tộc hay các quan điểm đạo
đức về quan hệ cha mẹ và con cái. Ngược lại, đạo đức trong xã hội đã thực sự

6
hỗ trợ, bổ sung cho pháp luật, tạo điều kiện để pháp luật thực hiện nghiêm chỉnh
trong đời sống.
Tuy nhiên, vẫn còn có các quy định của pháp luật chưa phù hợp, nhiều hành vi
phi nhân tính xuất hiện, sự thoái hóa xuống cấp của đạo đức chưa được ngăn
chặn, hiện tượng vô cảm xuất hiện ngày càng nhiều.. Nhiều quan niệm, tư
tưởng, quy tắc đạo đức lạc hậu chưa bị hoặc chưa thể xóa bỏ triệt để bằng pháp
luật, như quan niệm “trọng nam khinh nữ” hay tục tảo hôn. Cùng với đó là hiện
tượng suy thoái về đạo đức, khi một số người có tiền hoặc quyền có những hành
vi như lãng phí của cải hoặc dùng lợi thế của mình để chèn ép những người yếu
thế hơn mà pháp luật không thể điều chỉnh, hay một bộ phận không nhỏ đề cao
chủ nghĩa cá nhân một cách tiêu cực hay coi thường những giá trị văn hóa dân
tộc đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Sự xuống cấp này là
nguyên nhân chính làm gia tăng các vi phạm pháp luật cả về số lượng và mức
độ nghiêm trọng. Khi ý thức đạo đức cá nhân bị suy giảm, lòng tự trọng không
còn, sự xấu hổ biến mất, lương tâm còn người không còn là vị thần khuyến
thiện, trừ ác, lúc đó tất yếu con người sẽ bị thôi thúc làm những điều xấu xa, dẫn
đến hiện tượng vi phạm pháp luật.

Danh mục lài liệu tham khảo


1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2013.
2. Hoàng Thị Kim Quế, “Một số suy nghĩ về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo
đức trong hệ thống điều chỉnh xã hội”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số
7/1999.
3. Nguyễn Văn Năm, “Nhận thức về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức”,
Tạp chí Luật học, số 4/2006.

You might also like