You are on page 1of 3

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY CHÍNH THỨC RA MẮT PHẦN MỀM MyEqText 21/10/2008 - 21/10/2018

Đứa con tinh thần của tôi, sản phẩm của lòng đam mê với nghề dạy học.
Nhân dịp này tôi muốn chia sẻ với các bạn facebook về sự hình thành MyEqText hơn 10 năm về
trước.
Mãi đến năm 1995, tôi mới thực sự tiếp xúc với tin học. Học cái gì, làm việc gì tôi cũng luôn có định
hướng thực dụng cho công việc dạy học hàng ngày. Nếu bạn đã từng soạn bài trên giấy bạn sẽ
thấy sau đó muốn thay đổi cập nhật lại suy nghĩ của mình thật khó khăn. Một là bỏ hẳn đi viết lại, hai
là gạch xóa và điền chi chít bên lề hoặc bất cứ chỗ nào còn trống mà vẫn thấy không thỏa mãn
chưa nói đến chuyện trông nham nhở xấu bẩn. Ứng dụng tin học, tôi nhận thấy ngay việc soạn bài
bằng vi tính thật là tuyệt vời. Ta có thể thỏa mãn cập nhật từng giờ từng phút bài soạn của mình bao
nhiêu cũng được mà trang soạn vẫn đẹp tinh. Nhưng với những thầy cô giáo dạy Tóan Lý Hóa, một
cản trở cực lớn là đánh công thức. Muốn có một công thức phải vào một phần mềm khác ngoài
Word như Equation, Mathtype để hình thành công thức rồi paste vào Word. Công việc này giảm tốc
độ làm việc đi cực nhiều, chưa nói đến các công thức cứ đứng riêng rẽ nằm lệch dòng rất khó chịu.
Việc điều chỉnh kích thước và kiểu chữ cũng như màu sắc của công thức cho cùng với các chữ
xung quanh càng khó khăn hơn. Nhiều giáo viên đánh một đề kiểm
tra tóan mất cả buổi. Tôi nhớ hôm đến chơi nhà cô Hoan dạy môn Vật lý cô ấy bảo: Ôi! Mừng quá
có anh Thọ đây rồi, em đánh bài kiểm tra xong nhưng còn vài công thức đang phải chờ con nó về
để nhờ mới ổn.
Tôi đi khắp các hàng vi tính ở Hà Nội, mong tìm kiếm phần mềm đánh công thức hay hơn nhưng
đều thất vọng. Thích vi tính, tối nào tôi cũng cắp sách đi các lớp vi tính gần nhà để học. Thầy cô trẻ,
dạy không sư phạm lắm nhưng tôi vẫn thấy rất hay, tiếp thu và tự sắp xếp mở rộng những hiểu biết
có được. Tôi thích nhất là các vấn đề trong Word và Photoshop. Cứ thấy sung sướng và đắm đuối y
như thuở nhỏ tôi đọc “Thế giới các tinh thể” vậy. Anh Trần Xuân Nga dân tin học và là học sinh cũ
lớp chuyên tóan Lam Sơn đến thăm thầy. Thấy thầy say mê tin học, anh ở luôn cả ngày giảng giải
cho thầy thêm những điều hay trong Word. Sau hôm đó tôi hiểu Word rất phức tạp và có nhiều tiềm
năng sáng tạo, chứ không phải chỉ là việc đánh chữ. Tìm hiểu kỹ Word, nhất là các trường (Field) tôi
nhận ra cách hình thành phân số và căn thức. Vốn rất thích phương pháp hệ tiên đề, chỉ từ một số
tiên đề mà suy luận ra vô vàn các định lý và hình thành nên một môn khoa học, nên tôi có quyết tâm
hơn. Muốn có véc tơ, hệ, tuyển, định thức, tích phân... ta cần những yếu tố gì và xoay chuyển
chúng như thế nào để hình thành công thức? Khai thác triệt để những công cụ sẵn có trong Word,
dần tôi đã nhận ra con đường đi đến các công thức trong Word. Vui quá nhiều hôm không ngủ
được. Đó là những ngày tháng 6 năm 2004.
Khó khăn đặt ra là soạn phần mềm này bằng gì đây? Tôi có biết về Pascal và chút ít về C++ nhưng
không ý nghĩa gì ở đây. Chỉ có Visual Basic mới hợp lý thôi. Tôi vừa học Visual Basic vừa soạn
phần mềm. Khi hiểu biết càng cao càng thấy phải chỉnh sửa lại phần đã soạn nên nhiều lệnh ăn
chéo nhau hơi lộn xộn. Một năm sau, khi đã hiểu khá kỹ về Visual Basic, tôi vứt hết tất cả và quy
hoạch lại từ đầu. Vừa đi dạy vừa soạn phần mềm nên cũng lâu lâu mới hòan thành được. Học sinh
thì làm bài còn thầy lúc nào cũng đang nghĩ về những dãy lệnh hình thành công thức. Không thấy
mệt mà chỉ thấy vui. Một công thức trông rất đơn giản nhưng nếu trải cấu trúc ra thấy nhiều dòng
các ký tự tưởng như linh tinh, còn các lệnh và các modul nối tiếp nhau tham gia hình thành nó thì rất
nhiều. Tôi đặt tên cho phần mềm là MyEqTeach vì nghĩ viết cho mình và các thầy cô giáo. Nhưng
khi cho dùng thử trên mạng, không chỉ giáo viên mà nhiều người làm bưu điện, xây dựng và các
sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước phản hồi họ rất thích thú, nên tôi đặt tên lại là MyEqText. Có
được cách đánh công thức ngay trong Word và mọi định dạng cùng các dòng chữ trong Word, tôi
sung sướng lắm, áp dụng ngay vào công việc giảng dạy hàng ngày thấy vô cùng thoải mái. Khi
nhận thấy điều gì cần thay đổi tôi có thể cập nhật ngay bài soạn khi đang trên lớp vì đánh công thức
rất nhanh như ta viết các chữ khác vậy. Công cụ này còn rất hiệu quả khi tôi soạn PowerPoint cho
những bài giảng của mình trên VTV2. Tôi hình thành 3 cách đánh công thức để tùy trình độ mà sử
dụng. Tôi dùng Photoshop say sưa vẽ hàng trăm biểu tượng bé xíu trên Menu cho phần mềm trực
quan hơn. Việc dùng phím tắt là hiệu quả nhất nhưng cũng không thể tùy tiện. Phải tìm hiểu Word
đã mặc định dùng những phím tắt nào để tránh ra hoặc dùng chận lên những phím tắt không quan
trọng của Word. Năm 2007 tôi gửi dự thi “Nhân Tài Đất Việt”. Giải thưởng Nhân Tài Đất Việt làm tôi
bận rộn hơn với những lần gặp gỡ các nhà báo tin học, các đài truyền hình, Microsoft Việt Nam và
một số trường học muốn tìm hiểu.
Không dừng lại ở đó, một vấn đề đặt ra trong soạn bài là: Mỗi khi muốn có một bài tập hợp lý cho
phần luyện tập nào đó, thầy cô giáo phải nháp giải thử và dùng máy tính cầm tay xem kết quả có
hợp lý không rồi cuối cùng mới đánh vào trong bài soạn. Tôi nhận thấy ở nhiều loại tóan có một
cách để thầy cô giáo thấy ngay được kết quả tính tóan khi đang soạn thảo và còn có thể làm nó tự
viết lên kết quả trong bài soạn của mình. Đó là phần tính tóan mà tôi đặt tên là: “HIỆN KẾT QUẢ
TÍNH TÓAN NGAY TRONG SOẠN THẢO”. Khi soạn phần này tôi mới thấy hết được sự phức tạp
như thế nào trong những phần mềm giúp con người tính tóan.
Tôi phải xây dựng 4 nhóm modul:
Nhóm I. NHÓM HỖ TRỢ CON TRỎ. Nhóm này gồm những Modul hỗ trợ con trỏ nhận biết bên trái
của mình là yếu tố gì: Số, Chữ hay Phân số, Căn thức, Mũ , Loga, Phương trình, Hệ phương trình,
Định thức...vv để khi người dùng ra lệnh tính tóan (Bấm Alt+=) con trỏ sẽ lập tức thông báo ngay về
trung tâm một cách cụ thể chi tiết về yếu tố đó. Trung tâm ra lệnh cho nhóm II kiểm tra dữ liệu
Nhóm II. KIỂM TRA VÀ THÔNG BÁO. Nhóm này có nhiệm vụ kiểm tra chi tiết từng dữ liệu người
dùng viết ra có hợp lý không. Nếu không hợp lý chỗ nào thì hiện bảng thông báo cho người dùng
biết để chỉnh sửa. Ví dụ “Bạn viết số dấu mở ngoặc nhiều hơn số dấu đóng ngoặc”, “Bạn viết có 1
thành phần không phải là số”... và STOP chương trình. Còn khi suôn sẻ thì chuyển dữ liệu đã kiểm
tra cho nhóm III thực hiện sự tính toán.
Nhóm III. TÍNH TÓAN. Nhóm này gồm các modul thực hiện tính tóan cho từng loại công thức hoặc
tổ hợp của chúng và chuyển kết quả sang nhóm IV viết kết qủa
Nhóm IV. VIẾT KẾT QUẢ. Nếu kết quả là các số nguyên thì hiện luôn kết quả. Nếu kết quả là căn
thức hay phân số nó thông báo hỏi người dùng: “ Có kết quả Vô tỷ, phân số. Bạn chọn OK để viết
kết quả dưới dạng phấn số căn thức hoặc chọn Cancel để viết dưới dạng gần đúng thập phân”. Nếu
chọn Cancel thì xong ngay còn nếu chọn OK thì nhóm IV ngay lập tức viết kết quả dưới dạng căn
thức phân số, tuy việc này rất công phu. Ở đây không phải mặc định ẩn là x,y,z, bạn có thể viết tùy ý
theo ẩn nào cũng được m,n,p,q gì đó. MyEqText sẽ hiện kết quả theo ẩn bạn định. Tôi nghĩ đôi khi
bạn muốn viết tùy tiện để kiểm tra học sinh nên ở đây tôi cũng cố gắng để không cần phải viết theo
một thứ tự quy định nào hết. MyEqText sẽ tự hiểu đâu là hệ số của bậc 2 đâu là hệ số của bậc nhất,
đâu là hệ số tự do, đâu là hệ số của x, đâu là hệ số của y... để thực hiện chính xác. Đi qua 4 nhóm
modul, xem thì có vẻ
dài dòng thế nhưng cả 4 bước chỉ thực hiện trong nháy mắt. Phần Tính tóan này soạn công phu,
tinh xảo hơn phần hình thành công thức đi dự thi rất nhiều.
Một số thầy cô giáo ở Bến Tre, Bắc Giang muốn tôi viết thêm cho hệ bậc nhất 4 ẩn để tiện viết
phương trình mặt cầu, tôi đã viết thêm hệ 4 ẩn này và viết luôn các vấn đề tính tóan trong Hình Giải
Tích không gian trong đó có viết phương trình mặt cầu qua 4 điểm. Sau này, khi MyEqText đã chính
thức ra mắt, nhiều cuộc điện thoại của thầy cô giáo cấp 1 làm tôi thấy còn nợ các thầy cô phần viết
và tính tóan theo cột dọc của cấp dưới. Có lần đến một trường tôi gặp một cô giáo đang soạn để in
mấy bài tóan loại này. Tôi ngó xem bài sọan thì cô ấy kêu lên: Ôi thầy ơi, đừng động vào mấy bài ấy
nó mà dịch dòng lệch hàng đi thì em gay. Tôi biết thiếu sót của mình. Đáng ra tôi phải hình thành
một ma trận nhóm từng phép tóan dọc này trong ma trận đó thì người ta không bao giờ lo sợ điều
xê dịch này.
Mỗi khi vào Google đánh tìm My Duy Tho hay MyEqText tôi thấy nhiều chục ngàn chia sẻ về phần
mềm MyEqText. Tôi hiểu đứa con tinh thần của mình đang sống ở khắp nơi và cảm thấy vui vui ở
tuổi xế chiều, mình cũng có ghóp được một phần rất nhỏ bé cho đời.

HƯ TRẢ LỜI BẠN ĐỌC YÊU MYEQTEXT


Sau khi đăng bài Kỷ niệm 10 năm về MyEqText, có nhiều bạn trẻ gửi mail, Messenger, tin nhắn để hỏi sâu về
MyEqText, về kinh nghiệm viết phần mềm, về kinh nghiệm tự học, về các fonts của Word. Tôi xin lỗi là
không trả lời từng bạn được mà xin tâm sự cùng các bạn trẻ ở đây.
Trước hết xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn bè Facebook đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp đến tôi nhân
dịp kỷ niệm này. Chúc các bạn sức khỏe và thành đạt.
Một số bạn hỏi về ý nghĩa cái tên MyEqText? Có bạn bảo My là họ Mỵ của tôi, không phải thế đâu! My trong
tiếng Anh là của tôi, Eq là viết tắt của Equation nghĩa là phương trình. MyEqText cũng liên hệ mật thiết với
Equation của Word. Nếu bạn bấm đúp vào một công thức của MyEqText thì nó chuyển sang dạng công thức
của Equation. Còn Text nghĩa là công thức viết bằng Text thôi.
Một số bạn hỏi thầy có cộng tác với ai khi viết MyEqText không? Tôi viết một mình tuy nhiên cũng có giao
lưu trao đổi với những người thân hiểu biết tin học. Đó là anh Trần Xuân Nga, học sinh cũ của tôi đã cho tôi
nhiều hiểu biết về Word, như đã nói trong bài viết. Đó là thầy Lê Quang Phan, thầy giáo dạy tóan tôi ba năm
cấp 3 và lúc đó thầy đang là giáo viên tin học trường Amsterdam Hà Nội. Mỗi khi tôi gửi cho thầy một phần
sáng tạo của mình thì thầy xem và động viên: “OK, chuyên nghiệp lắm” làm tôi thấy tự tin hơn. Đó là con trai
tôi, anh Mỵ Duy Long khi đó đang học ở INSA Lyon bên Pháp. Vài tuần nghỉ hè về thăm bố mẹ, cũng xem
công việc của bố và có nhiều ghóp ý rất xác đáng.
Một số bạn trẻ hỏi về kinh nghiệm soạn phần mềm. Kinh nghiệm của tôi có lẻ chỉ cần cho các bạn trẻ. Đó là:
Soạn phần mềm như xây một cái nhà. Quy hoạch thiết kế khởi đầu là cực kỳ quan trọng. Nếu thiết kế quy
hoạch kém thì làm một thời gian là muốn đập phá hết. Còn trong mỗi lệnh soạn, không phải lúc nào cũng suôn
sẻ đâu. Có những lệnh rất dài soạn xong không chạy thì bứt rứt cả ngày. Trải lệnh ra kiểm tra hàng trang tiếng
Anh, chỉ sai một từ khóa, một dấu phẩy hay tính logic kém từ những chữ And, Or , End là không chạy. Lúc
này phải cho chạy từng khúc để tìm chỗ sai, nhiều khi phải rà soát bố cục chung mới tìm ra lỗi của mình. Lệnh
chạy rồi cảm như trút được một gánh nặng vậy.
Một số bạn hỏi về kinh nghiệm tự học. Muốn tự học phải có lòng đam mê và có động cơ để quyết tâm. Có
triệu triệu kiến thức của loài người, cần cái gì thực dụng nhất thì học sâu sắc cái đó không lan man. Nhiều bạn
đặt vấn đề học nhưng lúc nào có thầy dạy thì học, không ai dạy thì thôi là không ăn thua đâu. Thầy là người
mở cánh cửa và chỉ cho ta những con đường lớn, còn ngóc ngách, xóm ngõ, mương rạch mình phải tự trà trộn
trong đó thì kiến thức mới thành máu thịt của mình được, mới sáng tạo được.
Một số bạn hỏi về các fonts trong MyEqText dùng. Khi bạn cài đặt phần mềm thì MyEqText đã cài đặt luôn
những fonts cần thiết mà phần mềm sử dụng, bạn không lo thiếu. Đặc biệt khi soạn tôi phải làm một font riêng.
Có hàng mấy trăm các loại fonts trong Word. Khi soạn phần mềm tôi lục tung các fonts tìm kiếm các ký tự cần
thiết cho phần mềm nhưng không đủ phục vụ. Tôi đã phải vào thật sâu xem font là cái gì nó được tạo ra như
thế nào và khi hiểu tôi đã tự tạo vẽ ra một font riêng cho MyEqText và đặt tên cho nó là MySB ( Symbol của
tôi, Symbol của ông Mỵ). Các bạn lục sẽ thấy nhưng chớ xóa nó đi nếu đang dùng MyEqText.
Chúc các bạn thành công trong học tập và sự nghiệp.
Mỵ Duy Thọ
19 bình luận

You might also like