You are on page 1of 9

DVB-S2 là thế hệ truyền dẫn thứ hai cho phát quảng bá vệ tinh.

Sự ra đời của DVB-S2 là một bước đột phá


về công nghệ so với thế hệ thứ nhất DVB-S bởi những cải tiến trong mã sửa sai mới (BCH & LPDC) và kết
hợp với các kiểu điều chế và mã hoá cấp cao. Ứng dụng công nghệ DVB-S2 sẽ làm tăng đáng kể hiệu suất sử
dụng băng thông trong truyền dẫn vệ tinh: từ 30% đến 131% so với DVB-S đồng thời giảm giá thành thuê
transponder vệ tinh.
Bài viết này giới thiệu về công nghệ DVB-S2, điểm khác biệt giữa hai hệ thống DVB-S2 và DVB-S, tại sao
nên sử dụng DVB-S2, mã sửa sai BCH & LDPC, điều chế và mã hoá cấp cao ( VCM & ACM) đồng thời
phân tích hiệu quả của công nghệ DVB-S2 so với công nghệ DVB-S hiện tại.

1. Giới thiệu.

Kỷ nguyên truyền dẫn thông tin bằng vệ tinh thực sự có hiệu quả vào những năm 80. Khi đó, truyền dẫn
qua vệ tinh đã tiết kiệm băng thông và giá thành khi sử dụng các kiểu điều chế QPSK và BPSK. Những năm
90, công nghệ phát quảng bá qua vệ tinh đã phát triển rộng rãi sau khi ETSI công bố chuẩn DVB-S đầu tiên,
kết hợp điều chế QPSK với mã sửa lỗi hướng truyền trong và ngoài (Viterbi và Reed-Solomon).
Cuộc cách mạng về mã sửa lỗi kết hợp với các cấu hình điều chế mới và một loạt các đặc tính mới là nền
tảng làm nên tiêu chuẩn DVB-S2. Đây là tiêu chuẩn mới nhất trong các tiêu chuẩn của ETSI về truyền dẫn
thông tin vệ tinh. Kiểu điều chế này cũng đã khép lại con đường tiệm cận giới hạn về mặt lý thuyết (giới hạn
shannon).
DVB-S2 với hiệu suất sử dụng băng thông tăng từ 30% đến 131% so với DVB-S đang được kỳ vọng sẽ
đem lại hiệu quả to lớn khi được ứng dụng, với khả năng truyền dẫn đồng thời nhiều dịch vụ có tốc độ lớn
như truyền hình có độ phân giải cao HDTV, Internet tốc độ cao, truyền số liệu và các ứng dụng chuyên
nghiệp… trên cùng một bộ phát đáp của vệ tinh mà hệ thống DVB-S trước đó khó có thể thực hiện được.

2. Công nghệ DVB-S2.

Nhìn thoáng qua (Hình 1) thì tiêu chuẩn DVB-S2 (ETSI TR 102 376) có ít sự thay đổi đáng kể nào khi so
sánh với tiêu chuẩn DVB-S (EN-301210 và EN-300421): Mã sửa sai trong Viterbi và ngoài Reed-Solomon
được thay thế bằng mã sửa sai LDPC (Low-Density Parity Check) và BCH (Bose-Chaudhuri-Hocquenghem)
tương ứng.
Ngoài ra, điều chế phức tạp hơn và số lượng bit hữu ích / hertz tăng lên. Tiêu chuẩn mới cung cấp các kiểu
điều chế QPSK (2 bit/hz), 8PSK (3 bit/Hz), 16APSK (4 bit/Hz) và thậm chí là 32APSK (5 bit/Hz). So sánh
với kiểu điều chế QAM, các cấu hình điều chế APSK (Amplitude and Phase-Shift Keying ) cho phép việc bù
dễ dàng với bộ phát đáp-transponder phi tuyến.
Sự khác nhau chính và cũng là hiệu quả của DVB-S2 khi so sánh với DVB-S là khả năng kết hợp các dòng
dữ liệu vào một sóng mang, điều chế, mã hoá thay đổi và tương thích (VCM và ACM) và cấp bên trong
dòng dữ liệu không phải MPEG (non-MPEG2).
Sự kết hợp các dòng dữ liệu khác nhau sẽ làm tăng số lượng tín hiệu truyền tải trên một sóng mang. Trong
thực tế, điều này có thể xem như việc sử dụng bộ ghép kênh (MUX), nhưng lại không phải chịu những bất lợi
từ việc định lại tham chiếu thời gian chương trình PCR và sự thay đổi thông tin dịch vụ - thông tin đặc trưng
chương trình (SI-PSI).
Chức năng điều chế và mã hoá thay đổi -VCM (Variable Coding and Modulation) cho phép xác định một
cấu hình điều chế khác nhau và mức sửa lỗi cho mỗi dòng dữ liệu trên cùng một sóng mang.
Chức năng điều chế và mã hoá tương thích - ACM (Adaptive Coding and Modulation) cho phép thay đổi
động cấu hình điều chế và mức bảo vệ lỗi cho mỗi khung dữ liệu. Khi kết hợp các dòng dữ liệu với các đầu
cuối thu có cơ cấu hồi tiếp, tính năng ACM đặc biệt thích hợp cho việc tối ưu băng thông cho một mạng
tương tác: Các thông số truyền dẫn có thể được tối ưu cho mỗi bộ đầu cuối và các ảnh hưởng do thời tiết như
là fading do mưa có thể được bù dễ dàng và an toàn.
DVB-S2 được ví như là một bộ công cụ cho các dịch vụ tương tác: Điều chế và mã hoá cao cấp, truyền tải
bất kì dạng (format) dữ liệu nào. Mục tiêu của bộ công cụ DVB-S2 là một hệ thống đơn phục vụ cho các ứng
dụng khác nhau.

2.1. Điều chế và mã sửa sai cao cấp.

a. Điều chế: Có 4 kiểu điều chế QPSK, 8PSK, 16APSK và 32APSK (Hình 2). Tất cả đã được tối ưu để
hoạt động với các transponder phi tuyến. Bộ điều chế sử dụng bộ lọc băng gốc (B.B filter) và điều chế vuông
góc (Quadrature Modulation) tạo ra các dạng phổ tín hiệu và tín hiệu cao tần RF. Đây là bộ lọc dạng cosin
tăng có 3 dạng phổ ứng với 3 hệ số roll-off (α): 0,20; 0,25 và 0,35. Giảm hệ số α sẽ làm tăng độ suy giảm bên
ngoài kênh phi tuyến (do nhiễu ISI tăng lên), phổ tín hiệu ra sẽ “vuông” hơn.

b. Mã sửa sai cao cấp: DVB-S2 sử dụng phương pháp mã hoá khối BCH và LDPC.
- Kích thước khối mã hoá: 64800 bit (hoặc 16200).
- Tỷ lệ mã sửa sai: 1/4, 1/3, 2/5, 1/2, 3/5, 2/3, 3/4, 4/5, 5/6, 8/9, 9/10.

c. Quá trình tạo khung (Frame):


Truyền dẫn tín hiệu được tổ chức thành các khung nối tiếp nhau. Có thể hình dung các khung này như
những toa tầu chở hàng nối đuôi nhau, Trên mỗi khung (toa tầu) gồm phần mào đầu-Header (H), trong mỗi
Header chứa các bit đồng bộ và báo hiệu (điều chế, mã hoá...) và khối mã hoá mang thông tin (Code block).
Với ACM quá trình bảo vệ có thể thay đổi từng khung một (16APSK, 8PSK, QPSK2/3…) tuỳ theo điều kiện
truyền dẫn (trời nắng, có mây mù hay mưa…).

2.2. DVB-S2 truyền tải bất cứ định dạng dữ liệu nào.

- DVB-S2 có thể tiếp nhận dòng truyền tải đơn chương trình hoặc đa chương trình, dạng MPEG-TS hay dạng
generic (ví dụ như IP...).
- DVB-S2 tương thích tốt với các loại mã hoá MPEG-2, HDTV cũng như các hệ thống mã hoá mới (như
H.264AVC, VC1…).
- Mỗi dòng tín hiệu đầu vào có thể được bảo vệ bằng các cách khác nhau. Khi qua hệ thống truyền dẫn
DVB-S2, tín hiệu sau giải mã đúng như ban đầu.

3. Tại sao nên sử dụng DVB-S2?

Sử dụng tiêu chuẩn DVB-S2 hiện là hướng đi hoàn thiện trong thực tế. Hoàn thiện ở đây muốn nói đến sự
tiết kiệm đáng kể về dải thông, tăng hiệu quả công suất của quá trình truyền dẫn, được thiết kế với các tính
năng tối ưu và yêu cầu tỷ số C/N thấp khi thu.

3.1. Tăng dung lượng truyền dẫn trên cùng một băng thông.
So sánh với tiêu chuẩn DVB-S trước đây với cùng điều kiện truyền dẫn: DVB-S2 có khả năng truyền dữ
liệu lớn hơn tới 30% so với DVB-S trong cùng điều kiện băng thông [1]. Hay nói cách khác một tín hiệu
truyền dẫn theo tiêu chuẩn DVB-S2 yêu cầu băng thông ít hơn 30% so với khi sử dụng tiêu chuẩn DVB-S.
Đặc biệt khi ứng dụng điều chế, mã hoá VCM và ACM hiệu suất sử dụng băng thông tăng tương ứng 66% và
131% [4]. Điều này có nghĩa là giá thành thuê transponder sẽ thấp hơn.

3.2. Tăng hiệu quả công suất của quá trình truyền dẫn.

Sử dụng DVB-S2 còn làm tăng hiệu quả công suất của quá trình truyền dẫn. Trong vùng phủ sóng, một tín
hiệu DVB-S2 yêu cầu thu được ở mức thấp hơn khoảng 2.5 dB so với một tín hiệu DVB-S trong cùng điều
kiện bảo vệ lỗi. Ngoài ra, DVB-S2 còn có thể tương thích được bất kì đặc tính transponder vệ tinh với sự
khác nhau lớn của các tần số phổ (từ 0.5 đến 4.5 bit/s trên một đơn vị băng thông) và yêu cầu về tỷ số C/N
kết hợp (từ -2dB đến +16dB).
Khi DVB-S2 được ứng dụng với các ứng dụng điểm-điểm như IP unicasting, gain của tín hiệu DVB-S2
còn lớn hơn DVB-S. Chức năng điều chế và mã hoá thay đổi (VCM) cho phép thực hiện điều chế và mức
bảo vệ lỗi khác nhau để sử dụng hoặc thay đổi trên cơ sở từng frame một. Chức năng này còn có thể kết hợp
với việc sử dụng kênh đường về (return channel) để đạt được điều chế mã hoá tương thích khoá vòng
(closed-loop).
Vì vậy các thông số truyền dẫn được tối ưu cho mỗi thuê bao riêng biệt phụ thuộc vào điều kiện đường
truyền.
ACM cho phép sử dụng lại từ 4 đến 8 dB phần công suất thường dùng để dự phòng cho suy hao do mưa
(clear sky margins) trong các truyền dẫn thông tin vệ tinh thông thường DVB-S. Do đó vùng phủ sóng vệ
tinh tăng gấp 2 hoặc 3 lần dẫn tới giá thành dịch vụ giảm đột ngột.

3.3. DVB-S2 được thiết kế với các tính năng tối ưu.

DVB-S2 đã được tối ưu cho các ứng dụng vệ tinh băng rộng như:

- Các dịch vụ quảng bá: Truyền dẫn các chương trình SDTV hoặc HDTV.
- Các dịch vụ tương tác bao gồm cả truy nhập internet.
- Các ứng dụng chuyên nghiệp: phân phối tín hiệu truyền hình số tới các trạm phát hình số mặt đất, truyền số
liệu và các ứng dụng chuyên nghiệp khác (DSNG, Internet Truncking, Cable Feeds…).

DVB-S2 không bị hạn chế với kiểu mã hoá video và audio MPEG-2 mà có thể tương thích với các kiểu mã
hoá MPEG-2, MPEG-4 và HDTV. Tiêu chuẩn này cũng mềm dẻo hơn khi chấp nhận bất kì dạng đầu vào,
bao gồm dòng bit liên tục, dòng truyền tải MPEG đơn hoặc đa chương trình, IP hay ATM. Đặc tính này cho
phép các dòng dữ liệu khác và các cấu hình dữ liệu trong tương lai có thể sử dụng được với DVB-S2 mà
không cần tới một tiêu chuẩn mới.

3.4. Yêu cầu về tỷ số C/N thấp.

Các mode truyền dẫn của DVB-S2 đòi hỏi tỷ số C/N khi thu thấp. Kết quả đạt được bởi mô phỏng máy
tính trên kênh nhiễu trắng (Hình 4).
Mối liên hệ giữa dung lượng kênh và băng thông của các kênh nhiễu trắng được xác định bởi công thức
nổi tiếng do Shannon tìm ra, đó là:
C = W log2(1 + P/N)
Se = C/W
Trong đó:
Se : Hiệu quả phổ (bit/s/Hz).
C : là dung lượng kênh (bit/giây).
W: là băng thông của kênh (Hz).
P : là công suất máy phát (w).
N: là công suất nhiễu (w).
So sánh DVB-S2 với DVB-S chúng ta có thể thấy độ lợi (gain) dung lượng tốc độ bit của tín hiệu DVB-S2
đạt tới 25-35 % so với DVB-S (cùng tỷ số C/N và tốc độ symbol) tuỳ thuộc vào mode truyền dẫn và ứng
dụng. DVB-S2 có tính linh hoạt rất lớn, nó có thể tương thích với bất kì đặc tính của transponder nào: Hiệu
suất phổ có thể đạt từ 0.5 đến 4.5 bit/s/Hz, C/N trong khoảng từ -2 đến +16 dB trong môi trường có nhiễu
trắng.
Nhìn trên hình 4, chúng ta thấy DVB-S2 chỉ còn cách đường giới hạn Shannon từ 0.7 đên 1 dB, điều này
có nghĩa rằng với DVB-S2“Từ nay về sau, chúng ta sẽ không bao giờ phải thiết kế một hệ thống khác cho
phát quảng bá vệ tinh” [2].

4. Mã sửa sai BCH & LDPC.

Mã sửa sai kiểm tra độ ưu tiên cường độ thấp LDPC (low-density parity check code) là một lớp các mã
khối tuyến tính tương ứng là một ma trận kiểm tra độ ưu tiên H. Ma trận H chỉ gồm các số 0 và 1 nằm rải rác.
Điều đó có nghĩa rằng cường độ của các số 1 trong ma trận này rất thấp. Việc mã hoá được thực hiện bằng
các phương trình biến đổi từ ma trận H để tạo ra các bit kiểm tra độ ưu tiên. Việc giải mã được thiết lập bằng
cách sử dụng “các đầu vào mềm” (soft-inputs) kết hợp với các phương trình này để tạo ra các ước lượng mới
cho các giá trị thông tin đã được gửi. Mã LDPC có thể loại trừ được các tầng lỗi. Để xác định được tầng lỗi,
một mã phía ngoài (mã ngoại) được thêm vào trong công nghệ LDPC, đó là mã BCH. Mã ngoại BCH có hiệu
quả với tầng lỗi thấp. Vì vậy, tổ chức DVB đã chọn phương pháp mã ngoại BCH và mã nội LDPC là mã sửa
sai của tiêu chuẩn DVB-S2.
5. Điều chế và mã hoá thay đổi VCM.

Một đặc tính nổi bật của công nghệ DVB-S2 là các dịch vụ khác nhau có thể phát trên cùng một sóng
mang. Mỗi dịch vụ vẫn giữ cấu hình điều chế và tỷ lệ mã sửa sai riêng. Đây là một kiểu ghép kênh trên lớp
vật lý được gọi là điều chế và mã hoá thay đổi – VCM (Variable Coding and Modulation). VCM thực sự phát
huy hiệu quả khi các dịch vụ khác nhau không cần tỷ lệ mã sửa sai giống nhau (chẳng hạn có thể chấp nhận
mất một kênh thứ hai trong trường hợp fading do mưa) hoặc các dịch vụ khác nhau được chỉ định cho các
trạm khác nhau trong những điều kiện thu thông thường khác nhau.

6. Điều chế và mã hoá tương thích ACM.

Hiện nay các dịch vụ DVB IP/Unicast cung cấp bởi vệ tinh sử dụng tiêu chuẩn DVB-S cho đường truyền
dẫn. DVB-S được phát triển cho các ứng dụng quảng bá ở đó quá trình bảo vệ tín hiệu khi xuyên qua các lớp
vật lý của bầu khí quyển đối với tất cả các dịch vụ là hằng số và nó không đổi suốt thời gian truyền dẫn (quá
trình tối ưu đường truyền dẫn chỉ thực hiện cho trường hợp xấu nhất: dịch vụ tồi nhất, phút tồi nhất và vị trí
tồi nhất).
DVB-S2 sử dụng công nghệ ACM (Adaptive Coding and Modulation) cho phép điều chế và mã hoá sửa
lỗi thích nghi tuỳ thuộc vào các điều kiện truyền dẫn: bầu trời trong xanh hay mưa, chảo thu nằm ở trung tâm
hay ở mép của búp sóng (beam) phát từ vệ tinh...

Mỗi đầu cuối DVB-S2 có thể hoạt động với một ngưỡng (margin) C/N rất thấp vì vậy làm tăng số lượng
chương trình trên cùng một băng thông của vệ tinh.
Hệ số khuếch đại (gain) của các bộ phát đáp trên vệ tinh ứng dụng ACM sẽ tăng lên khi tần số tăng (băng
C, Ku và Ka). Do đó băng tần Ku và Ka thích hợp hơn cả với ACM. Băng Ka ít chật trội hơn vì thế nên sử
dụng ACM.
DVB-S2 thực hiện quá trình truyền dẫn thích nghi này với từng người sử dụng độc lập và chỉ với các dịch
vụ điểm-điểm (hình 8). Tín hiệu được đưa vào điều chế ACM ở phía phát, truyền dẫn qua vệ tinh bằng DVB-
S2.

Tại phía thu, sau giải điều chế có máy đo tỷ số C/N+I và truyền tín hiệu đo này về trung tâm điều khiển
tốc độ bit để chuyển đổi kiểu truyền dẫn đường xuống với mức bảo vệ thấp (8PSK, FEC 5/6) khi trời nắng
không có mây hoặc mức bảo vệ cao (QPSK, FEC 1/2) khi trời nhiều mây có mưa.

7. Hiệu quả của công nghệ DVB-S2 so với DVB-S.

Để thấy được hiệu quả của công nghệ DVB-S2 so với DVB-S, ta xét ví dụ so sánh về số lượng các chương
trình SDTV và HDTV được truyền dẫn bằng 2 công nghệ DVB-S và DVB-S2 trong cùng điều kiện công suất
và băng thông vệ tinh (transponder 36 MHz): Chảo thu 60 cm; trường hợp thứ nhất sử dụng nén MPEG-2,
tốc độ nén video là 4.4 Mbit/s với chương trình SDTV và 18 Mbit/s với chương trình HDTV; trường hợp thứ
hai sử dụng nén video cao cấp Advanced Video Coding (AVC), tốc độ nén với chương trình SDTV là 2.2
Mbit/s và 9 Mbit/s với chương trình HDTV.
Yêu cầu về tỷ số C/N của hai hệ thống DVB-S và DVB-S2 là bằng nhau trong việc khai thác các mode
truyền dẫn khác nhau và trong quá trình vi chỉnh hệ số roll-off, tốc độ symbol của hệ thống DVB-S2. Kết quả
kiểm chứng cho thấy độ lợi về dung lượng của hệ thống DVB-S2 so với DVB-S là khoảng 30 %. Hơn nữa
bằng việc kết hợp hệ thống DVB-S2 với mã hoá AVC (H.264/AVC hoặc VC1…), mỗi transponder 36Mhz
của vệ tinh có thể truyền dẫn 21-26 kênh SDTV, hoặc 5-6 chương trình HDTV trên một Transponder. điều
này sẽ làm giảm giá thành thuê trên một kênh của vệ tinh.
8. Kết luận.

DVB-S2 là tiêu chuẩn mới nhất trong hệ thống tiêu chuẩn DVB cho các ứng dụng vệ tinh băng rộng, với
hiệu suất sử dụng băng thông tăng từ 30% đến 131% so với công nghệ DVB-S hiện nay. Công nghệ này thực
sự là bộ công cụ hữu hiệu cho các dịch vụ tương tác qua vệ tinh.
Tổ chức DVB không cho rằng DVB-S2 sẽ thay thế DVB-S trong một thời gian ngắn trong lĩnh vực quảng
bá truyền hình thông thường. Hàng triệu bộ giải mã DVB-S đang hoạt động tin cậy và đóng góp vào những
thành công của thương mại vệ tinh số trên toàn cầu. Các ứng dụng mới đã được dự tính phát qua vệ tinh như
truyền dẫn HDTV và phân phối các dịch vụ dựa trên nền IP sẽ thực hiện hiệu quả dựa trên hệ thống DVB-S2.
Việc kết hợp DVB-S2 và cấu hình mã hoá video và audio mới (ví dụ như H.264/AVC/VC-9) có thể phát
21-26 chương trình SDTV hoặc 5-6 chương trình HDTV trên một transponder 36Mhz. Trong các ứng dụng
truyền dẫn chuyên nghiệp, DVB-S2 có khả năng cung cấp điều chế và mã hoá tương thích (ACM), tính năng
này có hiệu quả lớn với các dịch vụ điểm-điểm như là các trạm DSNG nhỏ. Trong các ứng dụng mới này, hệ
thống DVB-S2 sẽ làm được những điều mà hệ thống DVB-S không thể làm được. Hiện nay, DVB-S2 đang
được ứng dụng phát thử nghiệm truyền hình có độ phân giải cao HDTV tại Châu Âu trên 2 vệ tinh ASTRA
và EUTELSAT. Theo kế hoạch trong World Cup 2006 diễn ra tại Đức và Thế vận hội OLYMPIC 2008 diễn
ra tại Trung Quốc các chương trình thi đấu tại các đại hội này sẽ được truyền dẫn bằng HDTV tại Châu Âu sử
dụng công nghệ DVB-S2.

Tài liệu tham khảo.

[1]. ETSI TR 102 376 V1.1.1 (2005-02)Digital Video Broadcasting (DVB), User guidelines for the second
generation system for Broadcasting, Interactive Services, News Gathering and otherbroadband satellite
applications (DVB-S2).
[2]. Cutting down space segment costs for interactive services- Alberto Morello, Chairman DVB-S2.
[3]. DVB-S2 ready for lift off - Alberto Morello and Vittoria Mignone.
[4]. Analysis of the bandwidth eifficiency of DVB-S2 in a typical data distribution network, Dirk Breynaert,
Maximilien d’Oreye de Lantremange, Newtec CCBN2005, Beijing, March 21-23 2005.

You might also like