You are on page 1of 4

Phát triển án lệ để chống oan sai, chạy án

Một trong các hoạt động đáng chú ý của TAND Tối cao năm qua là
nghiên cứu phát triển và vận dụng án lệ vào hoạt động xét xử tại Việt
Nam.
Về chuyện này, Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Minh,
Viện trưởng Viện Khoa học xét xử - TAND Tối cao.

“Công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết
quả và hiểu rằng có chạy án cũng vô ích hoặc nếu thấy oan, sai thì dùng
quyền kháng cáo để bảo vệ mình. Về phía tòa, tham khảo án lệ, phân tích
thiếu sót trong xét xử những vụ án trước đó cũng sẽ giúp thẩm phán rút kinh
nghiệm, hạn chế kết án oan, sai” - Viện trưởng Viện Khoa học xét xử -
TAND Tối cao Nguyễn Văn Minh cho biết.
Phải tham khảo viện dẫn án lệ
Phóng viên: Án lệ ở Việt Nam sẽ có gì khác so với các nước, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Văn Minh: Khái niệm và thực tiễn sử dụng án lệ tại mỗi
nước rất khác nhau, tùy vào từng hệ thống pháp luật. Nhìn chung, án lệ là
những bản án, quyết định đặc biệt của tòa chứa đựng sự giải thích, quan
điểm áp dụng pháp luật được rút ra làm nguyên tắc chung để vận dụng giải
quyết các vụ án có nội dung gần tương tự. Tại các nước theo hệ thống pháp
luật dân sự (Civil law) thì án lệ chỉ mang tính tham khảo. Còn tại các nước
theo hệ thống thông luật (Common law) thì án lệ có hiệu lực pháp lý bắt
buộc. Tức là tòa cấp dưới xét xử vụ việc sau bắt buộc phải áp dụng giải pháp
xét xử vụ việc tương tự của các tòa cấp trên trước đó. Tính tương tự ở đây
được hiểu là tương tự nhau về tình tiết, sự kiện cơ bản và tương tự về vấn đề
pháp lý.

Theo dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, án lệ là các quyết định giám đốc
thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có nội dung, lập luận để giải
thích về các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra các nguyên tắc hoặc quy phạm
pháp luật cần áp dụng trong vụ việc đó. Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao
sẽ lựa chọn những quyết định giám đốc thẩm chuẩn mực nhất ban hành làm
án lệ để tòa các cấp tham khảo, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong
xét xử. TAND Tối cao có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi,
phát triển của xã hội và pháp luật.
. Thưa ông, vì sao án lệ tại Việt Nam sẽ chỉ có giá trị tham khảo mà không
có giá trị bắt buộc tuân thủ? Việc viện dẫn án lệ sẽ thực hiện như thế nào?
+ Việt Nam theo hệ thống luật thành văn, trong khi án lệ chưa phải là văn
bản quy phạm pháp luật nên không có giá trị hiệu lực bắt buộc thi hành. Việc
sử dụng án lệ chỉ coi là thứ yếu sau khi đã áp dụng những văn bản quy phạm
pháp luật hiện hành. Án lệ được ban hành khi chưa có nghị quyết của Hội
đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn giải quyết về vấn đề đó. Thông
qua xét xử vụ án cụ thể, trong quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm
phán TAND Tối cao sẽ có những lập luận và cách giải quyết nên án lệ đó
cũng được xem là nguồn cung cấp để pháp điển hóa thành văn bản hướng
dẫn sau này hoặc có thể là nguồn để đề nghị sửa đổi về một quy phạm pháp
luật cụ thể có liên quan.

Án lệ có giá trị tham khảo rất quan trọng đối với thẩm phán khi giải quyết
các vụ việc cụ thể. Khi xét xử, các tòa được khuyến khích viện dẫn án lệ
nhưng không có nghĩa quyết định của hội đồng xét xử căn cứ trên cơ sở
pháp lý là án lệ. Thẩm phán được tự quyết định lựa chọn có theo đường lối
xét xử đã có trong án lệ hay không. Khi xét xử các vụ việc từng có án lệ
liên quan, thẩm phán phải có trách nhiệm viện dẫn, áp dụng án lệ. Nếu
không viện dẫn, áp dụng án lệ thì phải chỉ rõ lý do và phải chịu trách
nhiệm về chuyện đó.
Án lệ có thể thay đổi nếu thấy cần thiết. Bãi bỏ án lệ chính là thay đổi đường
lối xét xử của án lệ cũ trên cơ sở tòa thiết lập một án lệ mới. Án lệ cũng bị
bãi bỏ khi có văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành làm thay đổi
quy định về vấn đề pháp lý trong án lệ cũ.

“Chạy án làm gì, vô ích!”


. Thưa ông, mục tiêu phát triển án lệ trong chiến lược cải cách tư pháp ra
sao?
+ Việc phát triển án lệ của TAND Tối cao nhằm nâng cao chất lượng các bản
án, quyết định của ngành tòa án, đảm bảo áp dụng đúng pháp luật, thống
nhất, ngăn ngừa sự duy ý chí của thẩm phán khi áp dụng pháp luật, nâng cao
kỹ năng và chất lượng xét xử. Qua tham khảo, viện dẫn án lệ đã có, thẩm
phán có thể đưa ra phán quyết một cách chính xác hơn, giảm số án bị hủy,
sửa. Quyết định giám đốc thẩm trở thành án lệ sẽ là khuôn mẫu cụ thể, rõ
ràng để dễ nhận biết vấn đề pháp lý được đặt ra trong vụ án.
Án lệ sẽ bổ trợ cho sự thiếu hụt các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp
luật, định hướng cho tòa các cấp viện dẫn để giải quyết vụ việc. Còn sau
khi đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề
đó thì không được áp dụng án lệ nữa mà phải giải quyết theo quy định
mới. Viện dẫn án lệ nhằm làm tăng tính thuyết phục và rõ ràng trong các
quyết định của tòa.
. Vì sao án lệ còn được cho là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn “chạy án”,
thưa ông?
+ “Chạy án” thường nhắm vào những khoảng hở, thiếu quy định pháp luật
điều chỉnh, thẩm phán dễ né được lỗi trách nhiệm. Chưa kể nhiều trường
hợp lợi dụng đương sự tù mù, thiếu hiểu biết, một số kẻ “đón gió” đường lối
xét xử vụ án rồi đi lừa tiền chứ không cần chạy án thì kết quả vẫn thế. Có án
lệ rõ rồi nếu xử khác thì phải nêu rõ lý do vì sao không vận dụng án lệ
và có quan điểm mới, nếu phán quyết sai thì lỗi chủ quan quá rõ, không
né trách nhiệm được, có thể dẫn đến không được tái bổ nhiệm nhiệm kỳ
sau nên sẽ không ai mạo hiểm. Đừng nghĩ tòa “xử sao cũng được”.
Công bố án lệ thì đương sự trong vụ việc có thể tìm hiểu, nắm được đường
lối xét xử, dự báo trước kết quả. Họ cũng hiểu rằng án lệ rõ thế, nếu chạy án
rất dễ bị tòa cấp trên phát hiện ra, hủy án, mất tiền vô ích. Thậm chí, nếu
thấy phán quyết của hội đồng xét xử khác với án lệ mà gây thiệt thòi thì họ
có thể dùng quyền kháng cáo yêu cầu phúc thẩm, viện dẫn án lệ đối chứng…
Thẩm phán xét xử cũng khó mà “nghiêng ngả” cán cân công lý được.
. Vậy án lệ giúp khắc phục tình trạng oan, sai như thế nào, thưa ông?
+ Công bố án lệ cũng thúc đẩy kiểm sát viên, luật sư tăng cường tranh tụng
tại phiên tòa, tăng cường viện dẫn án lệ đã có. Trong một số án lệ cũng có
phân tích những thiếu sót trong xét xử để thẩm phán rút kinh nghiệm, đặc
biệt là án lệ liên quan đến những vụ án oan, sai là bài học đắt giá cho ngành
tòa án, các cơ quan tố tụng. Trước những án lệ đó, người dân bị oan, sai có
thể đối chiếu, viện dẫn để thực hiện các quyền tố tụng, khôi phục quyền lợi
hợp pháp của mình.

. Xin cảm ơn ông, xin chúc ông một năm mới tràn ngập niềm vui và hạnh
phúc.

Không “lấn sân” Ban Thường vụ QH


Theo ông Nguyễn Văn Minh, việc phát triển án lệ và thẩm quyền ban hành
án lệ của TAND Tối cao không xâm phạm đến thẩm quyền giải thích pháp
luật của Ủy ban Thường vụ QH. Bởi lẽ những quyết định của tòa trái với
giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ QH là sai thì không thể trở thành
án lệ, không được áp dụng với tư cách là án lệ được.
Sau khi Luật Tổ chức TAND sửa đổi (dự kiến trình QH thông qua năm 2014,
sẽ có hiệu lực vào năm 2015) quy định về án lệ, đồng thời các bộ luật, luật
về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính có sự bổ sung, TAND Tối cao sẽ ban
hành các “tuyển tập án lệ”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung pháp lệnh thẩm phán
và hội thẩm TAND quy định thêm là thẩm phán có trách nhiệm áp dụng án
lệ khi xét xử vụ việc trong trường hợp pháp luật quy định không rõ ràng về
vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ việc đó.
Hiện nay, TAND Tối cao vẫn đang cập nhật các quyết định giám đốc thẩm
của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lên website để toàn ngành tham
khảo, rút kinh nghiệm về đường lối xét xử. Tuy chưa chính thức thực hiện
việc viện dẫn án lệ nhưng đó cũng được xem là bước đệm để áp dụng thống
nhất pháp luật, tiến tới viện dẫn án lệ sau này. Cạnh đó, hằng năm ngành tòa
án đều tổng kết rút kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn nghiệp vụ cho các tòa
cấp dưới qua phân tích một số vụ án điển hình. Đó cũng là một bước trong
tiến trình phát triển án lệ.

http://plo.vn/tap-chi-phap-luat/phat-trien-an-le-de-chong-oan-sai-chay-an-339373.html

You might also like