You are on page 1of 14

Bệnh u lympho không Hodgkin và

những phương pháp điều trị


Tổng quan về điều trị
Trong điều trị ung thư, thông thường các bác sĩ có chuyên môn
khác nhau sẽ cùng nhau làm nên một bảng kế hoạch điều trị
tổng thể kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh
nhân. Đây được gọi là đội ngũ đa chuyên khoa. Một đội ngũ
chăm sóc ung thư còn bao gồm nhiều chuyên gia chăm sóc
sức khỏe trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như trợ lý
bác sĩ (ngành này không có tại Việt Nam), y tá, nhân viên xã
hội, dược sĩ, nhân viên tư vấn, chuyên viên dinh dưỡng và
những người khác.
Có 4 phương pháp điều trị chính cho NHL:
 Hóa trị
 Xạ trị
 Liệu pháp miễn dịch, chẳng hạn như kháng thể đơn dòng,
chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và tế bào CAR-T
 Liệu pháp nhắm trúng đích với các loại thuốc mới hơn nhằm
ngăn chặn một số chức năng nhất định của tế bào u lympho
Thông thường, bệnh nhân nhận được sự kết hợp giữa các
phương pháp điều trị này. Đôi lúc, bác sĩ và bệnh nhân có thể
cân nhắc việc phẫu thuật hay ghép tế bào gốc.
Mô tả của các phương án điều trị này được liệt kê dưới đây.
Việc lựa chọn và khuyến nghị điều trị phụ thuộc vào một số yếu
tố sau, bao gồm:
 Loại và giai đoạn NHL
 Khả năng có tác dụng phụ
 Sự ưa chuộng và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
Kế hoạch chăm sóc đó cũng có thể bao gồm điều trị các triệu
chứng và những tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ),
đây là phần quan trọng của việc chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Các bệnh nhân nên dành thời gian để tìm hiểu về tất cả các
phương án điều trị và hãy hỏi ngay nếu bạn có điều gì đó chưa
nắm rõ. Ngoài ra, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các
mục tiêu mỗi lần điều trị và bạn có thể mong đợi điều gì khi
được điều trị. Cũng nên tìm hiểu thêm về việc đưa ra các quyết
định điều trị.
Theo dõi và chờ đợi
Một số bệnh nhân u lympho tiến triển chậm có thể không cần
điều trị ngay lập tức nếu họ khỏe mạnh và bệnh không gây ra
bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề nào với các cơ quan trong cơ
thể. Điều này được gọi là tiếp cận chờ và theo dõi hay còn gọi
là theo dõi chủ động. Trong suốt quá trình này, các bác sĩ sẽ
theo dõi chặt chẽ một cách thường xuyên tình trạng bệnh nhân
qua việc kiểm tra sức khỏe, chụp CT hoặc làm các xét nghiệm
hình ảnh khác cũng như các xét nghiệm trong phòng thí
nghiệm. Sự điều trị chỉ được bắt đầu nếu bệnh nhân phát triển
các triệu chứng hoặc xét nghiệm cho thấy ung thư đang trở
nên tồi tệ hơn. Đối với một số bệnh nhân u lympho tiến triển
chậm, việc theo dõi và chờ đợi không ảnh hưởng đến cơ hội
sống còn, nhưng nên chăm sóc theo dõi thường xuyên và cẩn
thận.
Hóa trị
Hóa trị là việc sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư,
thường sẽ chấm dứt khả năng phát triển và phân chia tế bào
ung thư. Đây là phương pháp điều trị chính cho NHL. Hóa trị
được chỉ định bởi một bác sĩ nội khoa ung thư, là người
chuyên điều trị ung thư bằng thuốc, hoặc một bác sĩ huyết học,
là chuyên gia điều trị các rối loạn về máu. Bác sĩ nội khoa ung
thư hoặc bác sĩ huyết học thường là chuyên gia ung thư chính
cho những người mắc u lympho.
Hóa trị liệu toàn thân được đưa vào máu để tiếp cận các tế bào
ung thư trên khắp cơ thể. Các cách điều trị hóa chất thông
thường bao gồm đặt một đường truyền tĩnh mạch (IV) bằng
cách sử dụng kim hoặc dùng đường uống, một viên thuốc hoặc
viên dạng nang chứa hóa chất được đưa vào cơ thể bằng
đường miệng .
Một chế độ hóa trị liệu hay thời gian biểu thường bao gồm một
số lượng cụ thể chu kỳ` được đưa ra trong một khoảng thời
gian nhất định. Bệnh nhân có thể nhận được 1 loại thuốc một
lần hoặc phối hợp các loại thuốc khác nhau cùng một lúc. Phác
đồ hóa trị được sử dụng phụ thuộc vào giai đoạn và loại NHL.
Các kết hợp hóa trị liệu phổ biến nhất cho việc điều trị ban đầu
của NHL tiến triển nhanh được gọi là CHOP và chứa 4 loại
thuốc:
 Cyclophosphamide (Cytoxan, Neosar, ở Việt Nam là
Endoxan)
 Doxorubicin (Adriamycin)
 Prednisone (nhiều tên thương hiệu)
 Vincristine (Oncovin, Vincasar, ở Việt Nam hiện có
Vincrans)
Đối với những bệnh nhân bị u lympho tế bào dòng B, việc thêm
kháng thể đơn dòng rituximab vào CHOP sẽ hoạt động tốt hơn
CHOP đơn độc (xem “Liệu pháp nhắm trúng đích” bên dưới).
Có những cách kết hợp phổ biến khác của phác đồ hóa trị, bao
gồm:
 BR (bendamustine và rituximab)
 Các kết hợp dựa trên Fludarabine (Fludara, Oforta)
 R-CVP (cyclophosphamide, prednisone, rituximab và
vincristine)
Các tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào từng loại thuốc
và liều sử dụng. Có thể bao gồm mệt mỏi, thiếu máu tạm thời,
nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn và nôn, rụng tóc, chán ăn, phát
ban và tiêu chảy. Những tác dụng phụ này có thể được kiểm
soát trong quá trình điều trị và thường biến mất sau khi kết thúc
điều trị .
Hóa trị cũng có thể gây ra tác dụng phụ lâu dài, còn gọi là tác
dụng muộn. Những bệnh nhân u lympho có thể lo lắng về việc
liệu cách điều trị của họ có ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục
và khả năng sinh sản của họ hay không và ảnh hưởng như thế
nào. Hãy trò chuyện cùng với các thành viên của nhóm chăm
sóc sức khỏe về các chủ đề này trước khi bắt đầu điều trị. Tìm
hiểu thêm về tác dụng điều trị muộn. (Ở Việt Nam, nên tư vấn
ở bác sĩ điều trị của chính bạn thật kỹ về các tác dụng không
mong muốn này và kế hoạch để quản lý chúng thật tốt)
Tìm hiểu thêm về các điều cơ bản của hóa trị và chuẩn bị điều
trị. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư luôn liên
tục được đánh giá. Vậy trò chuyện với bác sĩ của bạn là cách
tốt nhất để tìm hiểu về các loại thuốc được kê cho bạn, mục
đích của chúng và tác dụng phụ tiềm tàng hoặc tương tác với
các thuốc khác. Tìm hiểu thêm về đơn thuốc của bạn bằng
cách sử dụng cơ sở dữ liệu thuốc có thể tìm kiếm.
Xạ trị
Xạ trị là việc sử dụng các tia X năng lượng lớn, electron hoặc
proton để tiêu diệt các tế bào ung thư. Một bác sĩ chuyên về xạ
trị để điều trị ung thư được gọi là bác sĩ chuyên khoa ung thư
về xạ trị. Xạ trị cho NHL thường là xạ trị chùm tia ngoài, tức là
bức xạ được đưa ra từ một máy bên ngoài cơ thể.
Phác đồ xạ trị, hay lịch trình, thường bao gồm một số lượng
điều trị cụ thể được đưa ra trong một khoảng thời gian nhất
định.
Xạ trị thường được đưa ra sau hoặc bổ sung cho hóa trị, tùy
thuộc vào loại NHL. Nó thường được chỉ định cho những bệnh
nhân u lympho giai đoạn còn khu trú, nghĩa là nó chỉ liên quan
đến 1 hoặc 2 khu vực lân cận, hoặc những người có hạch bạch
huyết đặc biệt lớn, thường đường kính khối hạch lớn hơn 7 -
10 cm. Nó cũng có thể được chỉ định điều trị đau hoặc ở liều
rất thấp (chỉ cần 2 phân liều điều trị) cho những bệnh nhân giai
đoạn bệnh tiến triển (gia đoạn muộn), những người mà triệu
chứng tại chỗ có thể thuyên giảm bằng cách sử dụng xạ trị.
Tác dụng phụ chung từ xạ trị có thể gồm mệt mỏi và buồn nôn.
Hầu hết các tác dụng phụ liên quan đến vùng của cơ thể tiếp
nhận bức xạ. Những tác dụng phụ này có thể bao gồm phản
ứng da nhẹ, khô miệng, rụng tóc tạm thời hoặc mất nhu động
ruột. Những người có xạ trị hướng vào ngực có thể bị viêm
phổi. Những người có xạ trị hướng vào xương có thể bị thiếu
máu. Hãy trao đổi bác sĩ của bạn về những gì bạn có thể trông
đợi liên quan đến tác dụng phụ và làm thế nào để kiểm soát
chúng.
Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất ngay sau khi kết thúc
điều trị, nhưng liệu pháp xạ trị cũng có thể gây ra các tác dụng
muộn, chẳng hạn như ung thư thứ phát hoặc tổn thương tim và
mạch máu nếu các cơ quan này ở trong khu vực bức xạ. Các
vấn đề tình dục và vô sinh có thể xảy ra sau khi xạ trị vào
khung chậu. Trước khi bắt đầu điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ
của bạn về các tác dụng phụ liên quan đến tình dục và khả
năng sinh sản trong việc điều trị của bạn và các sự lựa chọn
hiện có để duy trì khả năng sinh sản cho cả nam và nữ.
Tìm hiểu thêm về các khái niệm cơ bản về xạ trị.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp điều trị nhắm vào
các gen, protein hoặc môi trường mô cụ thể của khối u góp
phần vào sự phát triển và sinh tồn của ung thư. Đây là loại điều
trị ngăn chặn sự tăng trưởng và lây lan của các tế bào ung thư
và cả hạn chế tổn hại cho các tế bào khỏe mạnh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy không phải tất cả các khối u
đều có cùng mục tiêu. Để tìm phương pháp điều trị hiệu quả
nhất, bác sĩ có thể làm các xét nghiệm để xác định các gen,
protein và các yếu tố khác trong khối u của bạn. Điều này giúp
các bác sĩ có cách điều trị hiệu quả nhất phù hợp hơn với từng
bệnh nhân bất cứ khi nào có thể. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu
đang được thực hiện để tìm hiểu thêm về các mục tiêu phân tử
cụ thể và các phương pháp điều trị mới hướng vào chúng. Tìm
hiểu thêm về các khái niệm cơ bản về các liệu pháp nhắm
trúng đích.
Kháng thể đơn dòng
Đối với NHL, kháng thể đơn dòng là hình thức chính của liệu
pháp nhắm trúng đích được sử dụng trong kế hoạch điều trị.
Một kháng thể đơn dòng nhận diện và gắn vào một protein đặc
hiệu và không ảnh hưởng đến các tế bào không có protein đó.
Kháng thể đơn dòng gọi là rituximab được sử dụng để điều trị
nhiều loại NHL tế bào B khác nhau. Rituximab hoạt động bằng
cách nhắm vào một phân tử gọi là CD20 nằm trên bề mặt của
tất cả các tế bào B và NHL tế bào B. Khi kháng thể gắn vào
phân tử này, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân được kích
hoạt để tiêu diệt một số tế bào lympho ung thư hoặc làm cho
các tế bào này dễ bị phá hủy bởi hóa trị liệu hơn.
Mặc dù kháng thể có thể tự hoạt động tốt nhưng đã có nghiên
cứu cho thấy rằng nó hoạt động tốt hơn khi thêm vào hóa trị
cho bệnh nhân với hầu hết các loại NHL dòng tế bào B.
Rituximab cũng được chỉ định sau khi có sự thuyên giảm u
lympho diễn tiến chậm để tăng thời gian ổn định bệnh. Có 2
kháng thể đơn dòng khác chống lại CD20 được chấp thuận sử
dụng trong u lympho: obinutuzumab (Gazyva) và ofatumumab
(Arzerra).
Brentuximab vedotin là một loại kháng thể đơn dòng khác,
được gọi là phức hợp kháng thể-thuốc. Các phức hợp kháng
thể-thuốc gắn với các mục tiêu trên các tế bào ung thư và sau
đó giải phóng một lượng nhỏ hóa trị hoặc các chất độc khác
trực tiếp vào khối u. Vedotin Brentuximab đã được phê duyệt
vào năm 2011 để điều trị u lympho không Hodgkin tế bào lớn
bất thục sản cho những bệnh nhân không có lợi từ ít nhất 1 loại
hóa trị. Thuốc cũng được chấp thuận cho những người U
Lympho Hodgkin (Bệnh Hodgkin) mà không thu được hiệu quả
hoặc không thể áp dụng phương pháp điều trị ghép tế bào gốc.
Các nghiên cứu về lợi ích của các kháng thể đơn dòng mới
hơn đối với U Lympho ác tính vẫn đang được tiến hành.
Kháng thể Radilabeled là các kháng thể đơn dòng với các hạt
phóng xạ được gắn vào. Các hạt được thiết kế sao cho tập
trung bức xạ trực tiếp vào các tế bào u Lympho ác tính. Nói
chung, các kháng thể phóng xạ được cho là mạnh hơn các
kháng thể đơn dòng thường lệ nhưng gây hại nhiều hơn cho
tủy xương. Loại liệu pháp này còn được gọi là liệu pháp miễn
dịch phóng xạ (RIT).
Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về các tác dụng phụ có thể xảy
ra đối với một loại thuốc cụ thể và cách kiểm soát chúng.
Chất ức chế kinase (cập nhật tháng 10-2018)
Chất ức chế Kinase là loại liệu pháp nhắm trúng đích khác
được sử dụng để điều trị NHL. Có 2 phương pháp điều trị
được FDA chấp thuận nhắm vào con đường phosphoinositide
3-kinase (PI3K).
Copanlisib (Aliquopa) được sử dụng để điều trị u lympho dạng
nang ở người trưởng thành sau khi đã điều trị ít nhất 2 liệu
pháp trước đó. Các tác dụng phụ thường gặp của copanlisib là
tăng đường huyết, tiêu chảy, mệt mỏi, huyết áp cao, số lượng
bạch cầu thấp, buồn nôn, nhiễm trùng phổi và số lượng tiểu
cầu trong máu thấp.
Duvelisib (Copiktra) được sử dụng để điều trị u lympho tế bào
nhỏ ở người trưởng thành mà chưa được điều trị ổn định bởi ít
nhất 2 liệu pháp trước đó. Liệu pháp nhắm trúng đích này cũng
được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng Lympho.
Các tác dụng phụ thường gặp của duvelisib là tiêu chảy, các
vấn đề về ruột, số lượng bạch cầu, phát ban, mệt mỏi, đau, ho,
buồn nôn, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, đau và thiếu
máu.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch, hay còn gọi là liệu pháp sinh học, được
thiết kế nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng vệ tự
nhiên của cơ thể để chống lại căn bệnh ung thư. Phương pháp
bao gồm các kháng thể đơn dòng được nêu ở trên và sử dụng
các tế bào hiệu ứng và các phân tử do cơ thể hoặc trong
phòng thí nghiệm tạo ra để cải thiện, nhắm trúng đích hoặc
khôi phục chức năng hệ thống miễn dịch.
Trong liệu pháp thụ thể kháng nguyên (CAR) T-cell, một số tế
bào T được lấy ra khỏi máu người bệnh. Sau đó, các tế bào
này được biến đổi trong phòng thí nghiệm để chúng có các
protein đặc biệt được gọi là thụ thể. Các thụ thể cho phép các
tế bào T nhận ra các tế bào ung thư. Các tế bào T được biến
đổi sẽ được nuôi cấy với số lượng lớn trong phòng thí nghiệm
và đưa trở lại vào cơ thể người bệnh. Khi đó, chúng sẽ tìm
kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Axicabtagene ciloleucel (Yescarta) là một liệu pháp CAR T-cell
được chấp thuận để điều trị bệnh nhân DLBCL (U Lympho ác
tính không Hodgkin tế bào B lớn lan tỏa) và đã nhận ít nhất 2
loại điều trị trước đó. Tisagenlecleucel (Kymriah) là một liệu
pháp CAR T-cell khác được chấp thuận để điều trị u lympho B
kháng thuốc, bao gồm DLBCL, sau khi hoàn tất 2 lần điều trị
toàn thân trước đó hoặc hơn. Các phương pháp điều trị tế bào
T khác vẫn đang được phát triển và nghiên cứu trong các thử
nghiệm lâm sàng.
Các loại liệu pháp miễn dịch khác nhau có thể gây ra các phản
ứng phụ khác nhau. Hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng
phụ có thể có của liệu pháp miễn dịch được đề nghị áp dụng
cho bạn. Tìm hiểu thêm về các điều cơ bản của liệu pháp miễn
dịch.
Ghép tế bào gốc/Ghép tủy
Cấy ghép tế bào gốc là một phương pháp y khoa trong đó tủy
xương hoặc tế bào máu ngoại biên gồm những tế bào chuyên
biệt cao gọi là tế bào gốc tạo máu được dùng như một phần
của kế hoạch điều trị. Các tế bào gốc khỏe mạnh là những tế
bào tạo máu mới, được tìm thấy trong cả tủy xương và máu.
Ngày nay, phương pháp này thường được gọi là ghép tế bào
gốc hơn là cấy tủy. Đó là vì tế bào cấy ghép thường được lấy
từ máu chứ không phải từ mô tủy xương.
Cấy ghép tế bào gốc được coi là một phương pháp điều trị tấn
công. Phương pháp này thường chỉ được dùng cho những
người u lympho không Hodgkin (NHL) đang tiến triển hoặc tái
phát. Đối với một vài nhóm NHL như ung thư lympho tế bào vỏ
và 1 vài loại U lympho T, bác sĩ có thể sẽ đề nghị cấy tế bào
gốc như là điều trị bước 1 để ngăn chặn sự tái phát. Trước khi
đề nghị cấy ghép, bác sĩ sẽ nói với người bệnh về những nguy
cơ của phương pháp điều trị này. Bác sĩ cũng sẽ nói về những
yếu tố có ảnh hưởng khác như: loại U lympho ác tính không
Hodgkin, kết quả của những phương pháp điều trị trước, tuổi
tác và sức khỏe tổng quát của họ. Việc bàn luận với bác sĩ về
một trung tâm cấy ghép có kinh nghiệm và những nguy cơ
cũng như lợi ích của phương pháp này là một vấn đề quan
trọng.
Có 2 loại cấy ghép phụ thuộc vào nguồn thay thế tế bào máu
gốc: Dị ghép (ALLO) và Tự ghép (AUTO)
 ALLO: phương pháp cấy ghép này sử dụng từ tế bào gốc
của một người khỏe mạnh hiến tặng, lý tưởng nhất là từ
anh chị em hoặc từ người tương thích không có quan hệ
huyết thống cung cấp. Các điều trị bao gồm miễn dịch trị
liệu, phóng xạ trị liệu hoặc hóa trị liệu miễn dịch cộng với
hoạt động của “mảnh ghép chống ung thư” (graft versus
lymphoma) nơi các tế bào cho sẽ nhận ra và tiêu diệt
những tế bào ung thư của bệnh nhân. Tuy nhiên dị ghép lại
mang đến nhiều nguy cơ hơn đồng ghép như hiện tượng
thải loại khi tế bào cho làm tổn thương mô hoặc cơ quan
của người bệnh.
 AUTO: Ghép tế bào gốc tự thân là sử dụng chính tế bào
gốc của bệnh nhân sau hóa trị liều cao. Trong phương
pháp này, mục đích chính là tiêu diệt hết tất cả các tế bào
ung thư trong tủy xương, máu hoặc những phần khác của
cơ thể bằng cách sử dụng hóa trị liều cao, miễn dịch trị liệu
và/hoặc phóng xạ trị liệu. Những tế bào gốc tự thân này sẽ
trở lại cơ thể người bệnh khi quá trình kết thúc. Sau đó
chúng sẽ làm việc để tạo ra tủy xương khỏe mạnh.
Các tác dụng phụ phụ thuộc vào loại cấy ghép, sức khỏe của
người bệnh và những yếu tố khác. Đọc thêm cơ bản về cấy
ghép tế bào gốc và tủy xương.
Chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng và tác dụng phụ
U Lympho và phương pháp chữa trị của nó thường gây ra tác
dụng phụ. Ngoài các phương pháp có xu hướng là chậm,
ngừng hoặc loại bỏ hoàn toàn bệnh, một phần quan trọng của
việc chăm sóc là làm giảm các triệu chứng đau của bệnh nhân
và ảnh hưởng của tác dụng phụ. Cách tiếp cận này được gọi là
chăm sóc giảm nhẹ hoặc hỗ trợ, việc này bao gồm hỗ trợ bệnh
nhân về những hoạt động vật lý, cảm xúc và nhu cầu xã hội.
Chăm sóc giảm nhẹ là tất cả những phương pháp tập trung
vào việc giảm đi triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và
hỗ trợ bệnh nhân cũng như gia đình họ. Mọi người, bất kể tuổi
tác hay loại ung thư và giai đoạn ung thư đều có thể được
chăm sóc giảm nhẹ. Phương pháp này hiệu quả nhất khi được
áp dụng càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị ung thư. Mọi
người thường nhận được điều trị ung thư và việc chăm sóc
giảm nhẹ tác dụng phụ cùng một lúc. Trong thực tế, bệnh nhân
nhận cả hai cùng một lúc thường có ít triệu chứng nghiêm
trọng, chất lượng cuộc sống tốt hơn, và hài lòng với kết quả
điều trị hơn.
Phương pháp điều trị giảm nhẹ có nhiều liệu pháp khác nhau
và thường bao gồm thuốc, thay đổi dinh dưỡng, kỹ thuật thư
giãn, hỗ trợ cảm xúc và những liệu pháp khác. Bạn cũng có thể
nhận được phương pháp điều trị giảm nhẹ tương tự như
những phương pháp khác để loại bỏ ung thư, chẳng hạn như
hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn
về các mục tiêu của từng phương pháp trong kế hoạch điều trị
của bạn.
Trước khi bắt đầu điều trị, hãy trao đổi với nhóm chăm sóc sức
khỏe của bạn về các tác dụng phụ có thể có của kế hoạch điều
trị cụ thể và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ của bạn. Trong
và sau khi điều trị, hãy chắc chắn thông báo cho bác sĩ hoặc
một thành viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe về những vấn
đề bạn đang gặp phải để có thể giải quyết nó nhanh nhất có
thể. Tìm hiểu thêm về chăm sóc giảm nhẹ.
Sự thuyên giảm và khả năng tái phát
Thuyên giảm hoàn toàn là khi u lympho không còn được phát
hiện trong cơ thể và không còn triệu chứng. Điều này cũng có
thể được gọi là “không có bằng chứng về bệnh tật” (non
evidence of disease) hoặc NED. Thuyên giảm một phần là khi
U Lympho đã thoái hóa hơn 50% sau quá trình điều trị trước đó
nhưng vẫn có thể được phát hiện.
Thuyên giảm có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sự không chắc
chắn này khiến nhiều người lo lắng rằng ung thư sẽ trở lại.
Mặc dù đa số sự thuyên giảm là vĩnh viễn, nhưng việc trao đổi
với bác sĩ về khả năng bệnh trở lại vẫn rất quan trọng. Hiểu rõ
về những nguy cơ tái phát của bệnh và các lựa chọn điều trị sẽ
giúp bạn cảm thấy sẵn sàng hơn nếu ung thư hạch trở lại. Tìm
hiểu thêm về đối phó với nỗi sợ tái phát.
Như được giải thích trong phần giai đoạn, nếu ung thư trở lại
sau khi điều trị ban đầu, nó được gọi là ung thư tái phát. Nó có
thể trở lại trong cùng một vị trí (được gọi là tái phát tại chổ),
gần đó (tái phát tại vùng), hoặc ở một nơi khác (tái phát xa).
Khi điều này xảy ra, một chu trình kiểm tra mới sẽ bắt đầu lại
để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về sự tái phát. Trong hầu hết
các trường hợp, sinh thiết mô tái phát là cần thiết để chứng
minh rằng u lympho không thay đổi hoặc chuyển thành một
dạng khác ác tính hơn. Sau khi thử nghiệm này được thực
hiện, bạn và bác sĩ sẽ trao đổi về những phương pháp điều trị.
Điều trị NHL tái phát phụ thuộc vào 3 yếu tố:
 Ung thư xuất hiện lại ở đâu và liệu nó có chuyển thành một
loại ác tính hơn hay không
 Phương pháp điều trị được đưa ra trước đây
 Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Thường thì kế hoạch điều trị sẽ gồm các phương pháp được
mô tả ở trên, chẳng hạn như hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm
trúng đích, liệu pháp miễn dịch hoặc ghép tế bào gốc. Tuy
nhiên, những phương pháp này có thể được kết hợp hoặc đưa
ra ở một mức độ khác nhau. Bác sĩ có thể đề nghị các thử
nghiệm lâm sàng mới đang nghiên cứu để điều trị loại ung thư
tái phát này. Cho dù bạn chọn chương trình điều trị nào, chăm
sóc giảm nhẹ vẫn rất quan trọng để giảm các triệu chứng và
tác dụng phụ.
Những người mắc bệnh ung thư tái phát thường trải qua
những cảm xúc như hoài nghi hoặc sợ hãi. Bệnh nhân được
khuyến khích nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe về
những cảm xúc này và hỏi về các dịch vụ hỗ trợ để giúp họ đối
phó. Tìm hiểu thêm về đối phó với tái phát ung thư.
NHL tiến triển
Một số bệnh nhân bị NHL có thể không thuyên giảm hoàn toàn
và sẽ có một lượng tổn thương bệnh còn tồn dư và ổn định.
Tuy nhiên phần tồn dư đó có thể phát triển bất chấp sự điều trị.
Nếu có một sự tồn dư ổn định, một số bệnh nhân NHL dạng
tiến triển chậm có thể được theo dõi cẩn thận trong một thời
gian hoặc được điều trị duy trì bằng kháng thể đơn dòng hoặc
các loại thuốc khác. Liệu pháp điều trị cục bộ cũng là một
phương pháp có thể được lựa chọn. Những bệnh nhân này có
thể có khoảng nghỉ trong điều trị, đôi khi kéo dài nhiều năm.
Nếu u lympho bắt đầu phát triển hoặc lan rộng, điều này được
gọi là tiến triển của bệnh, thì việc điều trị tích cực sẽ bắt đầu
lại.
Điều quan trọng phải hiểu rằng một số u lympho tiến triển chậm
không phải lúc nào cũng có thể lui bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên,
một số bệnh nhân có thể được theo dõi một cách an toàn nếu
như còn tổn thương tồn dư. Điều này có thể duy trì miễn là
bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng và U Lympho không
ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu hoặc các cơ quan khác.
NHL kháng thuốc
Nếu phương pháp điều trị tiêu chuẩn không hiệu quả cho NHL
hoặc U lympho trở lại trong vòng 6 tháng sau khi điều trị tiêu
chuẩn, điều này được gọi là NHL kháng thuốc. Bệnh nhân lúc
này nên nói chuyện với các bác sĩ chuyên gia U lympho để
thảo luận về các lựa chọn cho kế hoạch điều trị tốt nhất. Bên
cạnh đó việc tham khảo những ý kiến khác trước khi bắt đầu
điều trị sẽ làm cho bệnh nhân thoải mái hơn. Cuộc thảo luận
này có thể bao gồm các thử nghiệm lâm sàng.
Các lựa chọn điều trị cho NHL kháng thuốc phụ thuộc vào 4
yếu tố:
 Vị trí của khối u
 Loại u lympho
 Các phương pháp điều trị được đưa ra trước đó
 Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
Bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp như hóa trị, miễn
dịch, cấy ghép tế bào gốc hoặc thử nghiệm lâm sàng. Chăm
sóc giảm nhẹ cũng sẽ rất quan trọng để giúp giảm các triệu
chứng và tác dụng phụ.
Đối với hầu hết bệnh nhân, việc được chẩn đoán NHL kháng
thuốc có thể sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy căng thẳng và rất
khó để đối mặt. Người bệnh và gia đình được khuyến khích kể
với các bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội, hoặc các thành viên khác
của nhóm chăm sóc sức khỏe về những cảm nhận của họ. Nó
cũng có thể hữu ích để nói chuyện với các bệnh nhân khác,
thông qua một nhóm hỗ trợ.
Nếu việc điều trị không hiệu quả
Việc phục hồi sau ung thư không phải lúc nào cũng có thể. Nếu
ung thư không thể chữa khỏi hoặc không kiểm soát được,
bệnh có thể được gọi là giai đoạn cuối.
Vì chẩn đoán này rất khó đối mặt nên một số người gần như
không thể thảo luận về ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên,
những người NHL giai đoạn cuối, đặc biệt là những người bị u
lympho không ổn định, có thể tiếp tục sống trong một thời gian
dài sau khi chẩn đoán. Điều quan trọng là phải có các cuộc trao
đổi cởi mở và trung thực với bác sĩ và nhóm chăm sóc sức
khỏe của bạn để nói lên cảm xúc, sở thích và những mối quan
tâm khác. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe luôn sẵn sàng trợ giúp
bạn. Nhiều thành viên trong nhóm có kỹ năng, kinh nghiệm và
kiến thức đặc biệt để hỗ trợ bệnh nhân và gia đình họ. Việc
đảm bảo cho người bệnh thoải mái và không còn cảm thấy đau
đớn là một việc quan trọng.
Những bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối hay khả năng
sống còn dưới 6 tháng có thể sẽ muốn xem xét về một loại
chăm sóc giảm nhẹ gọi là trạm chăm sóc đặc biệt (Hospice).
Trạm chăm sóc đặc biệt được thiết kế để cung cấp chất lượng
cuộc sống tốt nhất có thể cho những người gần cuối đời. Bệnh
nhân và gia đình được khuyến khích trao đổi với đội ngũ chăm
sóc sức khỏe về các lựa chọn, bao gồm chăm sóc tại nhà, một
trung tâm chăm sóc sức khỏe đặc biệt hoặc các địa điểm chăm
sóc sức khỏe khác. Dịch vụ chăm sóc điều dưỡng và thiết bị
đặc biệt có thể làm cho việc ở nhà trở thành một lựa chọn khả
thi đối với nhiều gia đình. Tìm hiểu thêm về kế hoạch chăm sóc
ung thư giai đoạn cuối.
Sau cái chết của một người thân yêu, nhiều người cần sự hỗ
trợ để giúp họ đối phó với sự mất mát. Tìm hiểu thêm về đau
buồn và mất mát.
Phần tiếp theo trong hướng dẫn này là “Thử nghiệm lâm sàng”.
Nó cung cấp thêm thông tin về các nghiên cứu được tập trung
vào việc tìm kiếm những cách tốt hơn để chăm sóc cho những
bệnh nhân ung thư. Bạn có thể sử dụng menu để chọn một
phần khác để đọc trong hướng dẫn này.
Tài liệu tham khảo
https://www.cancer.net/cancer-types/lymphoma-non-
hodgkin/treatment-options
Người dịch: Đặng Thị Thanh Hải, Đặng Thị Cát Vy, Nguyễn Thị
Ngọc Thư

You might also like