You are on page 1of 6

Nghĩ về trí tuệ của các nhà sáng lập Đông

Kinh Nghĩa Thục



Trong bài “Đôi dòng tưởng niệm nhà cách mạng Nguyễn Hữu Cầu ...”, học giả lão thành Vũ
Khiêu viết : « Năm nay (2007) trường Đông Kinh Nghĩa Thục tròn 100 tuổi. Đi sâu vào nội dung
cùng những tài liệu được lưu giữ và phổ biến cho đến ngày nay, tôi càng kính phục sự sáng suốt
của các cụ Đông Kinh Nghĩa Thục cách đây 100 năm. Các cụ nói với ông bà ta từ ngày ấy vẫn
như còn đang nói với chúng ta hôm nay. » [1]

Ý kiến trên đại diện cho quan điểm đánh giá khách quan phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục
(ĐKNT) của giới học giả nước ta. Tiếc rằng không phải ai cũng có nhận thức như vậy. Có thể
thấy điều đó qua việc lễ kỷ niệm 100 năm phong trào ĐKNT (1907-2007) lẽ ra phải được tổ
chức với quy mô cấp nhà nước nhưng lại chỉ làm ở cấp Hội Sử học và trường đại học mà thôi,
các đài báo lớn không nói gì về đề tài này; trong khi đó chính người Pháp lại tổ chức Hội thảo
khoa học quốc tế kỷ niệm 100 năm ĐKNT tại Aix-en-Provence vào tháng 5/2007 với sự tham
gia của nhiều học giả Pháp, Việt Nam và các nước khác. Năm nay lễ kỷ niệm 105 năm ĐKNT
cũng chỉ làm với quy mô nhỏ dưới hình thức Tọa đàm Đông Kinh Nghĩa Thục và Cải cách giáo
dục hiện nay, do Trung tâm Minh triết Việt tổ chức tại trụ sở Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội
hôm 20/9/2012. Các quan chức được mời đều vắng mặt. [2]

Phải chăng đây là hậu quả của tình trạng một số nhận định « quan phương » (hay chỉ là nhận
định của một số cá nhân có địa vị cao ?) thiên lệch về ĐKNT đã chi phối công luận một thời gian
quá dài ? Tình trạng này có lợi hay có hại cho các thế hệ hiện nay và mai sau khi họ học lịch sử
dân tộc ta ? Vấn đề này rất đáng bàn thảo.

Nhà văn Phạm Toàn nói: « Những người có gan thay đổi tư liệu lịch sử cũng có gan dạy dỗ thế
hệ tôi rằng đường lối của các chí sĩ ĐKNT là sai lầm, là cải lương, là thiếu tinh thần chiến đấu…
coi ĐKNT như một dấu hiệu của sai lầm lịch sử, là chủ trương phát triển chủ nghĩa tư bản ở
Việt Nam !… Người nói sai tha hồ nói. Cái lầm lẫn của thế hệ tôi là đã cả tin vào những lời dạy
dỗ đó trong một thời gian quá dài. » [3]

Sửa hoặc viết lại lịch sử, đánh giá lịch sử theo nhận thức chủ quan của người viết là một cách
làm khá phổ biến ở ta. Nhà đại cách mạng Phan Bội Châu nổi tiếng thế mà mãi gần đây mới
được tôn vinh xứng đáng. Quá trình đánh giá nhà đại cách mạng Phan Châu Trinh còn lận đận
hơn.

Gần đây nhiều học giả, đặc biệt các sử gia (như Chương Thâu, Đinh Xuân Lâm v.v…) đã cố
gắng phục hồi vị trí đích thực của phong trào ĐKNT.

Mọi người đều biết, để đánh giá đúng một sự kiện lịch sử, nhất thiết phải đặt nó vào bối cảnh
thực tế ở thời điểm xảy ra sự kiện đó. Thập niên đầu tiên thế kỷ XX, xã hội Việt Nam chỉ mới
bắt đầu hình thành tầng lớp vô sản và tư sản rất nhỏ bé, chủ nghĩa Mác chưa đến nước ta. Thời
ấy xây dựng nhà nước cộng hòa dân chủ tư sản kiểu Mỹ là xu hướng tiến bộ phổ biến nhất của xã
hội loài người. Các Mác từng nói «Ví dụ hoàn hảo nhất về nhà nước hiện đại là nước Mỹ. » [4].
Các nhà sáng lập ĐKNT chủ trương bỏ xã hội phong kiến, tiến lên xã hội dân chủ tư sản tức là
đã đi đúng trào lưu của lịch sử, sao có thể gọi là sai lầm được ? Chả lẽ lại đòi hỏi họ đưa ra chủ
trương làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ư ? Rõ ràng điều đó hoàn toàn không hợp với điều kiện
thực tế. Nên nhớ là 10 năm sau ngày thành lập trường ĐKNT, giai cấp vô sản Nga mới làm cuộc
Cách mạng Tháng Mười, từ đó thế giới mới biết tới chủ nghĩa xã hội. 

Cuối thế kỷ XIX, cả châu Á chỉ mới có nước Nhật từ bỏ Khổng giáo, tiếp nhận văn minh phương
Tây. Đầu thế kỷ XX, Việt Nam với phong trào cách mạng ĐKNT là nước thứ hai đưa ra chủ
trương đi lên con đường khôn ngoan đó. Sự thật lịch sử này lẽ ra phải được đánh giá cao. Tiếc
thay ở ta vẫn có người trong khi hết lời ca ngợi công cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật lại chê bai
phong trào ĐKNT là « cải lương », « không triệt để » – đây thật là một sai lầm đáng trách, hòng
phủ định công lao to lớn và trí tuệ sáng suốt của chính cha ông mình, dân tộc mình. Cách mạng
là sự tiếp nối, kế thừa của nhiều thế hệ. Ông cha ta có giỏi thì con cháu mới giỏi và nhờ đó con
thuyền cách mạng Việt Nam mới được xuôi chèo mát mái như ngày nay ; có chút công trạng mà
phủ nhận chính cha ông mình thì thật là không hợp đạo nghĩa. Các thế hệ sau đây sẽ nghĩ gì về
thế hệ hiện nay ?

Trong điều kiện đầu thế kỷ XX mà chủ trương dùng khởi nghĩa vũ trang để đánh đuổi thực dân
Pháp thì cũng chắc chắn thất bại 100%, rốt cuộc chỉ làm thiệt hại cho dân tộc. Đường lối đúng
đắn duy nhất ngày ấy chỉ có thể là dốc sức tiến hành tuyên truyền giáo dục khai mở lòng yêu
nước cho quảng đại quần chúng, trên cơ sở dân chúng đã giác ngộ mà tổ chức họ đứng lên đánh
đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho tổ quốc và sau đó xây dựng nhà nước dân chủ tư sản, chế
độ chính trị được coi là tiên tiến nhất hồi đó. Các nhà sáng lập ĐKNT đã làm như vậy. «  Khai
dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh » là đường lối đúng đắn khi ấy.   

Sự đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp đối với phong trào ĐKNT tự nó đã bác bỏ quan điểm cho
rằng phong trào này có tính cải lương, không triệt để chống Pháp. Toàn quyền Đông Dương
Klobukowsky « khẳng định ĐKNT là cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ ». Rõ ràng, « cải lương » chưa
thể nào là « phiến loạn ». Tuy trường ĐKNT được chính quyền Pháp cho phép thành lập và chỉ
tồn tại có 9 tháng nhưng thực dân Pháp nhanh chóng nhận ra các hoạt động của nhà trường có
tính chất nổi loạn đe dọa lật đổ sự thống trị của chúng. Vì thế không chỉ cấm trường hoạt động
mà chúng còn cố tìm ra mọi cớ để kết án hầu như toàn bộ các yếu nhân ĐKNT với mức từ 5 năm
tù cho tới chung thân, tử hình, và còn đày tất cả ra Côn Đảo nhằm tách rời họ với nhân dân.
Trong thực tế, nhiều yếu nhân ĐKNT từng có liên hệ với các phong trào bạo động hồi đó.
Nguyễn Hữu Cầu đã mấy lần tìm cách tiếp súc với các nhà tổ chức vụ đầu độc Hà Thành, và trực
tiếp giúp một số thanh niên yêu nước sang Trung Quốc học làm cách mạng. Không may, một
thanh niên xuất dương khi bị bắt không chịu nổi đòn tra tấn đã khai ra cụ. Khi ra lệnh đóng cửa
ĐKNT, thực dân Pháp còn dọa sẽ bỏ tù bất cứ ai tàng trữ tài liệu của trường này. Vì thế chỉ sau
một đêm tất cả các tài liệu ĐKNT từng in ấn phân phát hàng chục nghìn bản trong cả nước đều
bị đốt sạch. Dễ hiểu là các tài liệu ấy có tác hại như thế nào cho thực dân Pháp nên chúng mới sợ
hãi như vậy.

 
Khi xem xét phong trào ĐKNT, không ai không ngạc nhiên khi thấy cách đây hơn 100 năm,
trong hoàn cảnh đất nước còn cực kỳ ngu tối mà cha ông ta – các nhà sáng lập phong trào này –
đã nêu ra nhiều chủ trương thể hiện nhãn quan chính trị rất sáng suốt, hợp thời đại. Ở đây chỉ xin
bàn qua về một trong các nhãn quan đó : nhận thức đúng đắn về vai trò của quần chúng nhân
dân.

Đây là đặc điểm chủ yếu nhất làm cho phong trào ĐKNT khác với các phong trào yêu nước
đương thời. Lần đầu tiên trong lịch sử, quần chúng nhân dân được coi là lực lượng quan trọng
nhất quyết định sự nghiệp giải phóng tổ quốc ta chứ không phải là vua quan hoặc giới sĩ phu.
Các nhà sáng lập ĐKNT cho rằng chỉ khi nào nhân dân được tổ chức và đứng lên đấu tranh
chống xâm lược thì nước ta mới có thể thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Lịch sử cho thấy khi giặc Pháp xâm lược nước ta, vua quan nhà Nguyễn có chống lại nhưng do
lực lượng quá nhỏ yếu nên đã bị quân đội Pháp trang bị tiến tiến hơn hẳn đánh bại. Một số triều
thần tổ chức các đội vũ trang nhỏ rút vào rừng núi tiếp tục chiến đấu, làm nên phong trào Cần
Vương (Cần Vương : các bày tôi khởi nghĩa giúp vua). Do chưa nhận thức được sức mạnh to lớn
của nhân dân nên phong trào này chưa giành được sự ủng hộ và tham gia của dân, vì vậy các đội
du kích Cần Vương dần dần cạn lương thực, vũ khí và người, cuối cùng bị tiêu diệt hoặc tự giải
thể sau cái chết của lãnh tụ Phan Đình Phùng năm 1895. Cho tới cuối thập niên 30, các phong
trào chống Pháp đều chỉ tập họp lực lượng của hoàng tộc, giới quan lại, sĩ phu hoặc binh sĩ mà
chưa chú ý tới nhân dân, lại càng chưa ai nghĩ tới việc giác ngộ dân. Đó là do vai trò của dân bị
coi thường.

Trong « Hải ngoại Huyết thư » (1906), Phan Bội Châu vạch rõ: Nước ta mất bởi vì đâu ?/ Tôi
xin kể hết mấy điều tệ nhân/ Một là vua, sự dân chẳng biết/ Hai là quan chẳng thiết gì dân/ Ba là
dân chỉ biết dân/ Mặc quân với quốc, mặc thần với ai. « Việt Nam vong quốc nô phú » do
ĐKNT biên soạn viết: Than ôi! Kẻ làm mất nước Việt chính là người Việt… Ôi! Giả thử dân Việt
Nam tự yêu nước mình thì ta đủ sức phục thù …

Nghĩa là dân ta hồi ấy coi chống xâm lược là việc của vua quan – tầng lớp chiếm hữu và làm chủ
đất nước này, chứ không phải việc của dân – những người làm nô lệ cho vua quan, do đó nước ta
mất vào tay giặc Pháp. Nhưng vì sao dân ta lại không yêu nước ?

« Quốc dân Độc bản » (sách giáo khoa chính của ĐKNT) viết: Dân nước ta không có quyền
chính trị… Dân ta không biết nước là gì, nghe ai bàn việc nước thì bịt tai bỏ chạy. Than ôi, lo
không gì lo hơn mất nước… Nước ta chưa hề biết đoàn kết tất cả mọi người trong nước để giúp
nhau chống lại bọn lăng nhục ta… Nước làm sao có thể tự mạnh hay yếu được ! Nước mạnh hay
yếu là do dân. Chưa hề có dân yếu mà nước mạnh. Muốn nước được bình trị mà mong ở vua
hiền tướng giỏi thì không bằng mong ở dân mạnh. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành
mạnh và mạnh lâu dài.

Đây là quan điểm rất sáng suốt ngày ấy, khi các lãnh tụ Cần vương hoặc sĩ phu yêu nước đều
trông đợi triều đình đứng ra chống Pháp mà chưa ai hiểu rằng nhân dân mới là lực lượng lớn
mạnh nhất, chiến tranh nhân dân là phương thức đấu tranh chống xâm lược hiệu quả nhất (sau
này Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng thành công).
Các chí sĩ ĐKNT hiểu rằng dân ta chưa tha thiết cứu nước là do họ chưa được hưởng chút nào
quyền làm chủ đất nước và chưa được thức tỉnh để hiểu rằng mình phải làm chủ đất nước và do
đó có nghĩa vụ chống xâm lược.

Một nhân vật ĐKNT nhận xét: Nước Nam ta bây giờ dốt tệ lắm… Bao nhiêu khổ sở nhục nhằn ở
nước Nam ta cũng vì cái dốt mà ra cả. « Bài hát nói về sự ăn uống » có câu : Ngu sao ngu thế là
ngu/ Ngán sao ngán vậy, ngán cho dân mình/ Xin ai cũng quyết tình bỏ dứt/ Gươm văn minh
chém đứt cho xong. « Quốc dân Độc bản » viết: Dân nước văn minh xem việc nước như việc
nhà. Nước mạnh thì dân mừng, yếu thì dân lo… Hãy làm cho nước ta ngày càng văn minh, kế ấy
là của nước, cũng là của bản thân ta…

Các chí sĩ ĐKNT cho rằng muốn người dân biết coi việc nước như việc nhà, trong đó có việc bảo
vệ tổ quốc, trước hết phải để họ được hưởng quyền làm chủ đất nước – hiểu được chân lý này là
một tiến bộ vô cùng đáng khâm phục thời ấy. Dân phải trở thành công dân, tức người dân gắn
liền với xã hội, với tổ quốc, làm chủ đất nước, như ở các nước văn minh. Khi toàn dân đều đồng
lòng chống ngoại xâm thì nước ta chưa chắc mất nước hoặc mất rồi nhưng vẫn có thể cứu được.

Đúng vậy, dưới chế độ phong kiến, người dân không có mảy may quyền lợi nào, vua quan tự cho
mình là chủ đất nước, dân là kẻ nô lệ bị bóc lột tận xương tủy, quyền sống cơ bản nhất còn bị
tước đoạt, nói gì tới quyền làm chủ đất nước; vì thế người ta nghĩ đất nước đã không phải của
mình, có bị giặc ngoại xâm chiếm thì mình vẫn bị áp bức bóc lột như cũ thôi.

Với nhận thức đó các sĩ phu ĐKNT thấy việc cần làm trước nhất là thức tỉnh dân ta, nâng cao
dân trí, dân chủ hóa nền chính trị, tức làm cho nước ta văn minh tiến bộ. « Văn minh tân học
sách » (sách có tính chất cương lĩnh của ĐKNT) viết: Muốn nước mình văn minh và giàu mạnh
thì ta phải nhờ có một chủ nghĩa lớn … là chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân (tức Khai dân trí)
Nghĩa là phải làm cho dân cả nước đều được học, học yêu nước, học kiến thức cần nhất để làm
một công dân – tức người dân biết mình có nghĩa vụ và quyền lợi gì đối với tổ quốc.

Sử gia Đinh Xuân Lâm nhận xét : cùng bắt nguồn từ tư tưởng duy tân nhưng ĐKNT ở ngoài Bắc
nặng về mặt tư tưởng, lý luận còn phong trào Duy Tân ở miền Trung thì nặng về thực tiễn, đi
ngay vào việc chuẩn bị bạo động. Tuy thế phong trào ĐKNT không phải là hoàn toàn không có
xu hướng bạo động [5].

Có thể thấy phong trào ĐKNT là sự chuẩn bị về tư tưởng, chính trị cho cuộc đấu tranh tự giải
phóng dân tộc ta, với lực lượng chính của cuộc đấu tranh là toàn thể nhân dân đã được giác ngộ
chứ không phải là vua quan hoặc tầng lớp sĩ phu, hoặc « ngoại viện ». Rõ ràng trong tình hình
thời ấy, đấu tranh vũ trang chắc chắn sẽ thất bại, đường lối duy nhất đúng chỉ có thể là chuẩn bị
lực lượng, cụ thể là tuyên truyền giáo dục giác ngộ nhân dân để họ tự đứng lên chống xâm lược.
Quá trình này lâu dài nhưng nhất định thắng lợi, vì nhân dân có sức mạnh vô địch.

Dĩ nhiên, việc tuyên truyền giáo dục đông đảo quần chúng chỉ có thể có hiệu quả khi được tiến
hành theo cách công khai hợp pháp. Các sĩ phu Bắc Hà đã khôn ngoan tranh thủ lợi dụng chủ
trương khai hóa thuộc địa của thực dân Pháp – cụ thể là Nghị định Cải cách giáo dục ở Bắc Kỳ
ra ngày 16/1/1906 quyết định mở nhiều trường dạy chữ cho người Việt – để xin mở trường
ĐKNT. Tin rằng thực dân Pháp không thể từ chối yêu cầu này, tháng 3/1907, tức 5 tháng trước
ngày Thống sứ Bắc kỳ duyệt Điều lệ của trường ĐKNT, trường này đã khai giảng.

Đây là một kiểu trường học chưa từng có trong lịch sử nước ta – trường học của toàn dân, không
phân biệt già trẻ gái trai ! Học viên chủ yếu học tinh thần yêu nước, chữ quốc ngữ, học các kiến
thức mới về luân lý đạo đức, lịch sử, địa lý nước nhà, học lối sống mới hợp vệ sinh, học khoa
học, công nghệ, kinh tế, chính trị, quyền công dân v.v…Tóm lại là trường đào tạo công dân cho
một nước Việt Nam mới hướng tới độc lập, dân chủ tự do, thoát ra khỏi tình trạng nô lệ lạc hậu.
Tuy mô phỏng trường Khánh Ứng Nghĩa thục của nhà khai sáng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi,
nhưng vì hoàn cảnh khác nhau (Nhật Bản là nước độc lập, Việt Nam là nước nô lệ), nên ĐKNT
có nhiều điểm khác, như không thu học phí, tiếp nhận bất cứ ai muốn học, v.v…và trên hết
ĐKNT còn là một tổ chức cách mạng giải phóng dân tộc.

Không chỉ dạy học mà ĐKNT còn biên soạn nhiều tài liệu trên danh nghĩa là tài liệu giảng dạy
để bịt mắt thực dân Pháp, nhưng thực chất là các tài liệu tuyên truyền yêu nước cứu nước. Chẳng
hạn Hải ngoại Huyết thư của Phan Bội Châu được Lê Đại (Ban Tu thư ĐKNT) dịch ra tiếng Việt
dưới hình thức thơ lục bát là áng văn thơ tuyên truyền kích động tinh thần chống Pháp xâm lược
có ảnh hưởng cực lớn trong cả nước. Các tài liệu đó được in ra với số lượng vượt xa nhu cầu của
học viên và phát hành khắp Bắc Trung Nam, qua đó cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào ta.
Nhà trường còn tổ chức nhiều buổi bình văn thơ, diễn thuyết tại địa điểm công cộng bất cứ ai
cũng có thể tham dự và còn ra một tờ báo riêng của mình – tờ Đăng Cổ Tùng báo phát hành công
khai trên toàn quốc.

Một số chí sĩ ĐKNT còn lập các thương hội, công ty, đồn điền để kinh doanh kiếm kinh phí duy
trì hoạt động của nhà trường và thử nghiệm sự nghiệp xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tạo dựng
cơ sở cho một nước Việt Nam độc lập về kinh tế. Kết hợp làm cách mạng với làm kinh tế là một
chủ trương hết sức độc đáo và sáng suốt nữa của ĐKNT, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt
Nam, chứng tỏ các nhà sáng lập ĐKNT có đầu óc duy vật chứ không duy tâm chút nào.

Các hoạt động kể trên cho thấy ĐKNT là cả một phong trào chính trị rộng lớn khởi đầu bằng
việc tiến hành cuộc cách mạng văn hóa-tư tưởng toàn diện, sâu sắc trong cả nước, nhằm mục
đích giác ngộ nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp. Từ chỗ nhận thức được sức mạnh vĩ đại
của nhân dân tiến tới thành lập một tổ chức cách mạng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh dùng sức
mạnh đó để đánh đổ chế độ thực dân-phong kiến, các nhà sáng lập ĐKNT đã tìm ra được con
đường giải phóng dân tộc duy nhất đúng hồi ấy và đã viết nên một trang lịch sử ngời sáng mãi
mãi của nước ta !

Ghi chú  :

[1] và [3] Nguyễn Hữu Cầu, chí sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục. Nxb Lý luận chính trị, Hà
Nội, 2007

[2] Xem : http://htx.dongtak.net/spip.php?article5105

http://www.webtretho.com/forum/f26/...
http://www.petrotimes.vn/news/vn/xa...

[4] Tuyển tập Mác-Ăng-ghen, tập I, tr. 364

[5] 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục và công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008

http://www.vanhoanghean.com.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/5367-nghi-ve-tri-tue-
cua-cac-nha-sang-lap-dong-kinh-nghia-thuc.html

You might also like