You are on page 1of 14

Nguyễn Ánh có chạy ra Côn Đảo không?

Trần Thanh Ái
91A, Ngô Quyền, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
ĐT: 0903859395

Gần đây, có một số bài báo đăng trên một số diễn đàn học thuật trong nước đặt lại vấn đề
Nguyễn Ánh có chạy ra Côn Đảo vào năm 1783 hay không, và sau một số lập luận, họ kết luận
là “tháng 6 năm Quý Mão (1783) Nguyễn Ánh không chạy ra Côn Lôn có tên là Côn Đảo ngày
nay” (Nguyễn Đắc Xuân, 2009, tr. 118). Để tìm hiểu kỹ hơn về sự kiện lịch sử này, chúng tôi sẽ
điểm lại những lập luận của các nhà nghiên cứu phủ nhận sự việc Nguyễn Ánh ra Côn Đảo, đồng
thời sẽ cố gắng lần ra manh mối những tình tiết trong sự kiện này.
1. Những bài viết nêu nghi vấn về sự kiện Nguyễn Ánh chạy ra Côn Đảo
Có lẽ Đỗ Đình Nghiêm là một trong những tác giả người Việt đầu tiên không tin rằng năm 1783
Nguyễn Ánh đã chạy ra ẩn náo ở Côn Đảo. Ngày 18 tháng 1 năm 1924, ông có một bài diễn
thuyết dài ở Hội Trí Tri và sau đó tạp chí Nam Phong đăng lại toàn văn trong số 79, Janvier 1924
từ trang 13 đến trang 29 với tựa “Một đoạn lịch sử nước nhà. Đức Cao Hoàng và ông Giám mục
Bá Đa Lộc”. Để soạn bài diễn thuyết, ông có nói rõ là ông dựa vào “quyển Nam sử cận cổ thời
của quan tiến sĩ Maybon và mấy đoạn sách khác nữa”. Khi đề cập đến lần bôn ba ra Phú Quốc
năm 1783 của Nguyễn Ánh, ông viết:
“Ngài sai đưa gia quyến ra Phú Quốc rồi ngài đến sau. Nhưng chẳng may được vài tháng
quân Tây Sơn dò được; nhờ có một người cận thần tận tâm giúp đỡ, ngài mới thoát nạn.
Ngài trốn ra cù lao Kok-Rong. Nhưng đến tháng bảy Nguyễn Văn Huệ lại đen thuyền đến
vây cả cù lao ba vòng; may mắn có một cơn giông rất to nổi lên, sấm sét ầm ầm, trời tối
sập lại, song bể nổi lên, thuyền giặc vừa trôi vừa đắm rất nhiều, thuyền đức Cao hoàng
nhân thế mới ra khỏi vòng vây. Ngài lại chạy ra cù lao Kok-kút, đợi đến khi bể hơi yên
lại về Phú Quốc.” (Đỗ Đình Nghiêm, 1924, tr. 18).
Trong bài diễn thuyết, tác giả không hề nhắc đến những tài liệu chính thống do Quốc sử quán
triều Nguyễn biên soạn, như bộ Đại Nam thực lục, mà Maybon cũng đã tham khảo để viết tài
liệu nói trên, như thế vô hình trung cho rằng suy luận của “quan tiến sĩ” này là tuyệt đối đúng,
không còn gì phải bàn cãi nữa !
Gần 20 năm sau, người ta đọc thấy trên tạp chí Tri Tân (số 56 năm 1942) “Một bức thư Huế” do
Dương Kỵ viết để lưu ý tác giả Long Điền về các bài viết trước đó (đăng trên các số báo 50 và
51) liên quan đến những lần thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc của Nguyễn Ánh. Trong thư, ông
nhắc lại sự kiện ấy cùng với hoài nghi về tính chính xác của Quốc sử Quán triều Nguyễn.
“Nhưng chúng tôi thiết nghĩ Côn-lôn khi bấy giờ thuộc về hải phận của Tây Sơn, ở phía
Đông giốc Cà Mâu. Đảo Phú-quốc ở phía Tây giốc ấy, hai đảo cũng khá xa nhau. Bảo
rằng Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn, nhuệ khí đương mãnh liệt, thuyền bè nhiều và
khí cụ đủ, rượt đuổi thế mà ngài có thể chạy khỏi bị bắt từ Phú Quốc đến Côn-lôn, từ
Côn-lôn đến Cổ Cốt, rồi lại đến Phú Quốc thì e không được đúng” (Dương Kỵ 1942, tr.9)
Nghi vấn của Dương Kỵ dựa trên suy luận rằng trong điều kiện cực kỳ khó khăn, Nguyễn Ánh
không thể làm một lộ trình xa xôi Phú Quốc – Côn Lôn – Cổ Cốt – Phú Quốc. Như thể nhận thấy
suy luận như thế chưa đủ thuyết phục, ông củng cố phản biện của mình bằng cách dựa vào nhận
xét của Pelliot về lịch sử tên gọi K’ouen-louen mà người Việt thời ấy thường gọi là Côn Lôn:
“Huống nữa, các nhà viết sử ta hồi bấy giờ thường hay lạm dụng chữ Côn-lôn mà chỉ các
hòn đảo. Quan sát về việc này, ông Pelliot đã nói: „nhan nhản nhiều chỗ, người ta cứ để
Côn-lôn‟ (On a mis des K‟ouen-louen un peu partout (2). Nên vì thói quen, khi dịch hai
chữ Cao-man „Koh-rong‟, nhà làm sử ta không ngần ngại mà để Côn-lôn. […]…các nhà
làm sử ta nghe thổ dân bảo hòn đảo ấy tên là Koh-rong, liền do thói quen ấy viết thành
Côn-lôn (Kon-long: Kon long) vậy.” (Dương Kỵ, 1942, tr. 9)
Ít lâu sau đó, trong số 67 cũng của tạp chí Tri Tân, tác giả Long Điền đã hoan hỉ tiếp nhận sự góp
ý của Dương Kỵ, và nhanh nhảu công nhận sự đúng đắn của Maybon cũng như xem nguồn tài
liệu bằng chữ hán và chữ quốc âm là không đáng tin cậy:
“Từ xưa đến nay, trước tôi, có nhiều soạn giả viết sách hán và quốc âm đã nhận lầm chỗ
đó1 như: 1. Quốc triều chánh biên toát yếu, trang 12; 2 Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim
trang 94; 3 Việt Nam Tây thuộc sử, trang 47. Duy có ông Đỗ Đình Nghiêm có soạn một
bài diễn thuyết „Một đoạn lịch sử nước nhà – Đức Cao Hoàng và ông Giám mục Bá Đa
Lộc – diễn ở hội Trí Tri Hà Nội ngày 18 janvier 1924, may ông không lấy tài liệu ở các
sách chữ hán và chữ quốc âm, mà chắc ông lấy tài liệu ở Histoire moderne du Pays
d’Annam (1592-1820) của ông Charles B.- Maybon, nên ông không lầm.” (Long Điền
1942, tr. 14-15)
Long Điền không hề biết rằng khi trích dẫn Pelliot, Dương Kỵ không trích dẫn từ tài liệu gốc, mà
trích lại từ tài liệu của Maybon (ghi ở chú thích (2) bên dưới bức thư Huế) mà không hề kiểm tra
lại; việc “trích lại” này được phát hiện vì nó lặp lại sai sót của Maybon về thông tin tài liệu được
trích dẫn (năm xuất bản, trang). Nhưng nếu chỉ có sai sót liên quan đến các thông tin ấy thì cũng
không đáng để nói nhiều. Vấn đề là Maybon đã cắt xén đoạn trích để làm cho người đọc dễ dàng
chấp nhận giả thuyết của mình, và do đó, Dương Kỵ vô tình trở thành người truyền bá sự cắt xén
của Maybon! Chúng tôi sẽ nói rõ hơn về sai sót này trong phần sau của bài viết.
Gần đây một số tác giả hâm nóng lại nghi vấn Nguyễn Ánh có ra Côn Đảo không. Nguyễn Đắc
Xuân cho rằng một số chi tiết trong Đại Nam thực lục là không hợp lý:
“Chu vi Côn Đảo (hòn đảo lớn) trên 30km. Tài liệu 1 [Đại Nam thực lục chính biên] viết,
quân của “Trương Văn Đa vây ba vòng” tức gần hơn 90km (gần bằng đoạn đường quốc
lộ Huế-Đà Nẵng). Muốn vây bắt Nguyễn Ánh ít nhất mỗi km có khoảng 10 thuyền chiến,
tức đội thủy quân của Trương Văn Đa đã đưa ra đảo Côn Lôn tháng 7-1783 có đến 900
thuyền (90km X 10 thuyền chiến). (Nguyễn Đắc Xuân, 2009, tr. 115)
Từ nghi vấn ấy, tác giả này suy luận rằng Nguyễn Ánh không lánh nạn ở Côn Đảo, mà ở một
hòn đảo nhỏ nào đó gần Phú Quốc hơn:
“Chuyện Nguyễn Ánh chạy đến lánh nạn ở đảo Côn Lôn là có thật, chuyện thủy quân
Tây Sơn do Trương Văn Đa chỉ huy bao vây “ba vòng” hòn đảo được Thực lục viết là
Côn Lôn có thực. Phải chăng hòn đảo được tài liệu 1 và 2 [Việt Nam sử lược của Trần
Trọng Kim] đề cập trên có tên là Côn Lôn hay Côn Nôn nhưng không phải là Côn Lôn
được gọi là Côn Đảo mà là một hòn đảo nhỏ hơn nhiều lần so với Côn Đảo ngày nay?”
(Nguyễn Đắc Xuân, 2009, tr. 115)

1
Có lẽ tác giả muốn nói về đảo Cổ Cốt, vì trong một đoạn văn trước đó tác giả có viết: “Đến mãi nay, được lời chỉ
giáo của ông Dương Kỵ, tôi mới rõ vị trí cù lao Cổ Cốt.”
Một tác giả khác là Nguyễn Thanh Lợi cũng dựa vào lập luận của Maybon như nhiều tác giả
khác để cho rằng Nguyễn Ánh chạy ra đảo Koh Rong để trú ẩn chớ không phải Côn Đảo. Thậm
chí, tác giả này còn đi xa hơn khi pha trộn những chi tiết thiếu chứng cứ trích từ quyển Nhà Tây
Sơn của Quách Tấn & Quách Giao, cùng với những cảm nhận chủ quan lẫn lộn trong những sự
kiện khách quan, một cách làm không được chấp nhận trong nghiên cứu khoa học:
“Theo thư của Bá Đa Lộc ngày 20/3/1785, Trương Văn Đa đánh Nguyễn Ánh ở đảo Cổ
Long (NTL nhấn mạnh) 5 ngày sau khi hai giáo sĩ Tây Ban Nha bị quân Tây Sơn bắt và
theo thư của cố đạo Việt Nam André Tôn thì hai giáo sĩ Tây Ban Nha bị bắt ngày
13/8/1783. Nên có thể Trương Văn Đa đánh đảo Cổ Long ngày 18/8/1783 (Thư André
Tôn viết ở Sa Đéc ngày 1/7/1784, trong Lettres édifiantes et curieuses, Paris, 1843, tome
VI, p.624).[23]” (Nguyễn Thanh Lợi, 2014)
Tác giả cho biết ở chú thích [23] là đoạn trích trên đây được lấy từ tài liệu “Quách Tấn, Quách
Giao, Nhà Tây Sơn, Sở Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình, 1988”, và tác giả “dẫn theo Nguyễn
Đắc Xuân, Bđd, tr.117.”
Thứ nhất, trong thư của Bá Đa Lộc ngày 20 tháng 3 năm 1785 không hề nhắc đến tên Trương
Văn Đa (vả lại liệu Bá Đa Lộc có thể biết tên vị chỉ huy này không?), cũng không hề đề cập đến
việc Trương Văn Đa đánh Nguyễn Ánh ở đâu cả, mà chỉ nói chung chung như thế này:
“Bốn hoặc năm ngày sau khi hai giáo sĩ Tây Ban Nha bị quân Tây Sơn bắt, nhà vua còn
phải chiến đấu với quân phiến loạn với cả lực lượng thủy quân còn sót lại, và ông đã thua
trận” (Nouvelles Lettres, 1821, tr. 426)
Vì thế, câu “có thể Trương Văn Đa đánh đảo Cổ Long ngày 18/8/1783” là cách viết nhập nhèm
khiến người đọc nghĩ rằng việc đánh đảo Cổ Long là một sự kiện đã được xác minh chứ không
phải là một suy luận. Thứ hai, quyển “Lettres édifiantes et curieuses, Paris, 1843, tome VI” chỉ
có 488 trang, do đó không thể có trang 624 như trích dẫn và do đó cũng không thể có thư của
André Tôn2. Thứ ba, trong bài viết của Nguyễn Đắc Xuân mà tác giả đã nêu cũng không đề cập
đến thư của hai nhà truyền giáo này.
Tóm lại, các tác giả trên đây nghi vấn là Côn Lôn được Quốc sử quán triêu Nguyễn ghi (hay Côn
Nôn trong một số tài liệu khác) không phải là Côn Đảo ngày nay. Nói các khác, họ cho rằng năm
1783 Nguyễn Ánh chạy ra một đảo nào đó chứ không phải Côn Đảo. Thế là họ nhanh chóng
đồng ý với giả thuyết của Maybon để quả quyết rằng Côn Lôn đó chính là đảo Koh Rong nằm
trong hải phận Campuchia ngày nay!
Thật ra, các tài liệu nói trên đều không có nêu ra nghi vấn nào mới mẻ, mà chỉ nhắc lại những gì
mà Ch. Maybon đã viết, đều dựa vào suy luận về khoảng đường di chuyển của Nguyễn Ánh, về
khả năng bao vây 3 vòng Côn Đảo, và về sự mơ hồ của tên gọi Côn Lôn trong các tài liệu viết
bằng chữ hán mà Ch. Maybon đã nêu ra. Tưởng cũng nên nói thêm là, ngay sau “Bức thư Huế”
của Dương Kỵ được công bố, thì Lê Thọ Xuân cũng viết bài “Chúa Nguyễn Ánh có chạy thấu
Côn Lôn không?” để tranh luận với Dương Kỵ, và được đăng trên tạp chí Tri Tân, số 61 (1942).
Thế nhưng sau đó Dương Kỵ không có phản hồi về bài viết này, còn Long Điền thì khi đọc được

2
Có lẽ tác giả nhầm với quyển Lettres édifiantes et curieuses, Paris, 1843, tome IV. Trong quyển này cũng có trích
đăng một đoạn thư của Bá Đa Lộc ngày 20 tháng 3 năm 1785 và bản dịch thư của André Tôn ngày 1 tháng 7 năm
1784. Bức thư của Bá Đa Lộc ngày 20 tháng 3 năm 1785 được trích đăng lần đầu năm 1787 trong quyển Nouvelles
des missions orientales reçues au séminaire des Missions étrangères à Paris (Première Partie) và được đăng đầy đủ
năm 1821 trong quyển Nouvelles Lettres édifiantes des missions de la Chine et des Indes orientales, (Tome sixième)
từ trang 415 đến 437.
ý kiến phản bác của Dương Kỵ, rồi vội vàng kết luận là Maybon nói đúng. Các nhà nghiên cứu
sau này cũng chỉ quan tâm đến những tác giả dựa vào Maybon để phản bác Quốc sử quán triều
Nguyễn. Vậy Ch. Maybon đã viết những gì mà nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam bị thuyết phục
đến thế?
2. Charles Maybon đã đặt lại vấn đề như thế nào?
Maybon không phải là học giả phương Tây đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về lịch sử
Việt Nam: trước ông đã có rất nhiều người, có cả giáo sư đại học tìm hiểu về Việt Nam nói riêng
và Đông dương nói chung. Nhưng Maybon là người phương Tây đầu tiên đặt lại vấn đề Nguyễn
Ánh đã ra Côn Đảo hay ra đảo nào khác để tránh sự truy kích của quân Tây Sơn năm 1783. Ông
cũng là người đầu tiên làm luận án tiến sĩ về lịch sử Việt Nam. Năm 1909, ông cùng với Russier
biên soạn tài liệu Notions d’histoire d’Annam nhằm cung cấp cho độc giả kiến thức sơ lược về
lịch sử Việt Nam. Năm 1910 ông biên soạn tài liệu Lectures sur l’Histoire Moderne et
Contemporaine de Pays D’Annam de 1428 à 1926 trong đó ông trình bày lịch sử Việt Nam dưới
dạng các bài đọc tham khảo. Đến năm 1919 ông phát triển những ý tưởng đã viết trước đó thành
luận án tiến sĩ, và được Plon (Paris) xuất bản thành sách với tựa đề Histoire moderne du pays
d’Annam (1592-1820) kèm theo tiểu tựa Etude sur les premiers rapports des européens et des
annamites et sur l'établissement de la dynastie annamite des Nguyễn3. Vì tài liệu thứ ba là kết
quả của nhiều năm nghiên cứu công phu có hệ thống và phương pháp, nên rất nhiều nhà nghiên
cứu sau này thường hay tham khảo và trích dẫn khi nói về lịch sử Việt Nam hơn là hai tài liệu đã
viết trước đó chỉ mang tính chất thường thức mà thôi.
Liên quan đến sự kiện năm 1783, Maybon đã không ngần ngại viết là Nguyễn Ánh chạy qua đảo
Koh Rong, rồi từ điều xác định võ đoán đó mà tác giả vạch ra lộ trình chạy trốn hợp lý của
Nguyễn Ánh là Phú Quốc – Koh Rong – Koh Kut:
“Nguyễn Ánh cũng không thoát khỏi vòng nguy hiểm; từ Phú Quốc, có vẻ như [TTA
nhấn mạnh] ông đã đến đảo Koh Rong (3), nằm ở cửa ngõ vào vịnh Kompong-som; nhưng
trong tháng 7 âm lịch (từ 29/7 đến 27/8), khi đã khám phá ra chổ ẩn náo của Nguyễn
Ánh, Nguyễn Huệ cho thuyền bao vây ba vòng. May thay, một cơn bão dữ dội ập tới;
biển động dữ dội, sóng dâng cao và trời đất tối xầm; nhiều thuyền bị đánh chìm, nhiều
chiếc khác bị dòng nước cuốn trôi và thuyền của Nguyễn Ánh thoát khỏi vòng vây một
cách may mắn, nó cập bến đảo Cô-côt (Koh Kut). Ít lâu sau đó, biển có vẻ yên, nhà vua
cho thuyền chạy về Phú Quốc; binh lính vì thiếu lương thực nên đã chịu nhiều khổ sở
cùng cực, họ phải ăn rễ cây để sống cầm cự, cho đến một ngày nhờ sự rộng lượng của
một phụ nữ buôn bán mà một chiếc thuyền chở đầy gạo cập bến.” (Maybon 1919, tr.201-
202)
Thực ra đó chỉ là một giả thuyết mà Maybon đã dựng lên dựa trên sự suy luận lôgich mà thôi, và
ông cũng không đưa ra được dữ liệu nào chứng minh là giả thuyết ấy đã được kiểm chứng. Chú
thích (3) dưới cuối trang 201 liên quan đến địa danh Koh Rong chẳng những không chứng minh
Nguyễn Ánh chạy qua đảo Koh Rong để phản bác các tài liệu của triều đình nhà Nguyễn, mà
Maybon lại còn trách các nhà viết sử Pháp chấp nhận không chút do dự chuyện Nguyễn Ánh

3
Các tài liệu này có nghĩa là: Một số khái niệm về lịch sử An Nam (1909); Bài đọc lịch sử hiện đại và đương đại
nước An Nam từ 1428 đến 1926 (1910); Lịch sử hiện đại nước An Nam. Nghiên cứu về những mối quan hệ đầu tiên
giữa người châu Âu và người An Nam, và về việc xây dựng triều đại nhà Nguyễn (1919).
chạy ra Côn Đảo4. Thậm chí ông còn phê bình Aubaret khi ông này dịch bộ Gia Định thành
thông chí của Trịnh Hoài Đức sang tiếng Pháp đã mù quáng chấp nhận sự kiện Nguyễn Ánh
chạy ra Côn Đảo mà không hề có ý kiến:
“Aubaret dịch một cách mù quáng tài liệu [Gia Định thành thông chí], và cho rằng cuộc
chạy trốn đi và về giữa tháng 6 và 7 âm lịch là xác đáng, không kể các đường vòng, hay
những lúc dừng chân bất đắc dĩ.” (Maybon 1919, tr. 201)
Và thế là Maybon tiếp tục phát triển suy luận của minh: “Có vẻ gần với sự thật hơn nếu dịch
Côn-lôn bằng Koh Rong hơn là giả định nhà vua đào tẩu đang bị kẻ thù ra sức truy đuổi, lại có
thể chạy từng ấy đoạn đường.” (Maybon 1919, tr. 201)
Từ suy luận dựa trên chiều dài của lộ trình, vị trí của các đảo cũng như tình thế nguy cấp của
người thua trận, Maybon tiếp tục suy luận bằng cách xoáy vào sự mơ hồ đã có từ nhiều thiên
niên kỷ trước của tên gọi Côn-Lôn bằng chữ hán:
“Nếu Nguyễn Ánh chạy ra được đảo Koh Kut như sách sử Việt viết, thì lộ trình từ Koh
Rong đến Koh Kut vô cùng gần với sự thật hơn là lộ trình từ Côn Đảo đến Koh Kut. Địa
danh Côn-lôn [trong sách Việt] cũng có thể chỉ đảo Rong Sam lem [tức Koh Rong
Sanloem] nằm phía Nam của Koh Rong, nơi có nhiều chổ trú ẩn tùy theo mùa gió; vịnh
Saracen rộng lớn trên bờ biển phía Đông là nơi neo đậu tàu thuyền tuyệt vời để tránh gió
mùa Tây Nam, và ở đó có hai nguồn nước ngọt.
Về việc dùng hai chữ hán có nghĩa là Poulo Condore và nhiều địa danh khác để chỉ Koh
Rong (hoặc Koh Rong Sam lem) (như M. Pelliot đã viết „on a mis des K'ouen-louen un
peu partout‟, [Dương Kỵ dịch là „nhan nhản nhiều chỗ, người ta cứ để Côn-lôn‟ tức là
dùng chữ Côn-lôn để chỉ nhiều chỗ] trong Bull. Ec. fr. E.-O., 1894, p. 218), ta có thể nghĩ
rằng chính vì việc sử dụng tràn lan các chữ này mà người viết cảm thấy hai chữ Côn-lôn
rất tự nhiên dưới nét cọ của mình khi phiên chuyển địa danh tiếng khmer.” (Maybon Ch.
1919, tr.201-202)
Ngoài ra, người đọc còn bắt gặp trong chú thích này lập luận “không thể bao vây ba vòng ở Côn
Đảo” vì chu vi đảo lớn, phải cần một lực lượng rất đông mới làm được. Đó là tất cả suy luận đã
khiến Maybon không ngần ngại viết “ông đã đến đảo Koh Rong”, sau khi thêm mấy chữ “có vẻ
như” (nguyên văn là il paraît) để thể hiện sự chừng mực, nhằm phủ nhận những ghi chép trong
bộ chính sử Đại Nam thực lục!
3. Maybon đã khiến nhiều người đọc Việt Nam bị hố như thế nào?
Trong đoạn suy luận trên đây, Maybon đã trích không đầy đủ câu của Pelliot (“như M. Pelliot đã
viết „on a mis des K‟ouen-louen un peu partout‟.”), và ghi xuất xứ không đúng (“trong Bull. Ec.
fr. E.-O., 1894, p. 218”), khiến nhiều nhà nghiên cứu dựa vào đó mà cho rằng Quốc sử quán triều
Nguyễn có thể đã gọi nhầm một hòn đảo nào đó là Côn-lôn, chứ không phải là Poulo Condore,
tức Côn Đảo ngày nay.
Đi tìm tạp chí Bull. Ec. fr. E.-O. (là cách viết tắt quen thuộc của tạp chí Bulletin de l’Ecole
Française d’Extrême-Orient) thì chúng tôi mới biết được là mãi đến năm 1901 số đầu tiên của
tạp chí này mới được phát hành (nên không thể có bài viết năm 1894). Còn bài nghiên cứu của
Pelliot có liên quan đến Côn Đảo được đăng trong số 4 năm 1904 của tạp chí này, có tựa là

4
A. Faure trong quyển Les Français en Cochinchine au XVIIIe siècle. Monseigneur Pigneau de Béhaine (xuất bản
năm 1891), A. Schreiner trong quyển Abrégé de l’histoire d’Annam (1906) và P. Cultru trong quyển Histoire de la
Cochinchine française : des origines à 1883 (1910) cũng ghi là Nguyễn Ánh chạy ra Côn Đảo ẩn náo.
“Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle” (từ trang 131 đến 413). Và câu được
trích bên trên nằm ở trang 219-220, chớ không phải trang 218). Sai sót này chỉ gây một chút khó
khăn cho những ai muốn tìm hiểu ngọn nguồn của vấn đề, và không nguy hiểm như là việc
Maybon đã bỏ đi đoạn đứng trước câu trích. Việc “cắt ngang” này khiến người đọc có thể hiểu
rằng đến tận thế kỷ XIX (lúc soạn Đại Nam thực lục) địa danh này cũng vẫn còn mơ hồ. Đoạn
văn ấy như sau:
“K'ouen-louen [Côn-lôn] là tên nổi tiếng trong địa lý Trung Hoa: đó là tên của những
ngọn núi ở Trung Á, theo truyền thuyết đó là nơi mà hoàng tử Mou của nước Tần có lẽ đã
đến viếng thăm „hoàng thái hậu Tây phương‟ vào thế kỷ X trước công nguyên. Từ đó
người ta thường dùng chữ K’ouen-louen để chỉ nhiều nơi.” (Pelliot P., 1904, tr. 219-220)
Thật vậy, nếu chỉ trích dẫn một câu duy nhất “người ta thường dùng chữ K‟ouen-louen để chỉ
nhiều nơi” thì người đọc sẽ nghĩ là ngay khi tác giả viết thì sự nhầm lẫn vẫn còn. Đúng là từ quá
khứ xa xưa, K‟ouen-louen đã từng được dùng để chỉ một vùng đất rất xa xôi phía Tây Trung
Hoa, và từ đó cách dùng địa danh này đã được mở rộng ra để chỉ những nơi xa xôi, khó xác định.
Thậm chí trong nhiều văn bản cổ bằng chữ hán, nó còn được dùng để chỉ dân tộc của một vương
quốc mù mờ nào đó ở phương Nam. Nhưng cách dùng mơ hồ ấy chỉ tồn tại trong những thời kỳ
đầu của nền văn minh chữ viết mà thôi, và đến một lúc nào đó mọi việc sẽ rõ ràng hơn chứ
không phải là mãi mãi: cũng chính trong tài liệu trên, Pelliot có nói thêm:
“Tôi đã gặp nhiều văn bản thời nhà Minh [thế kỷ XIV-XVII] và nhà Thanh [thế kỷ XVII-
đầu XX] trong đó đảo Poulo Condore được gọi là „đảo‟ K‟ouen-louen [Côn-lôn] hoặc núi
K‟ouen-louen, chứ không còn gọi là vương quốc K‟ouen-louen” (Pelliot P. 1904, tr. 299)
Điều đó chứng tỏ là Maybon chưa hề đọc kỹ càng bài viết của Pelliot!
4. Địa danh “Côn Lôn” được dùng để chỉ “Côn Đảo” từ khi nào?
Để xem xét sự xác đáng của các lập luận làm nên giả thuyết của Maybon, trong phần này, chúng
tôi sẽ cố gằng làm sáng tỏ mấy vấn đề sau đây:
- Trong nguồn tư liệu của Trung Hoa, địa danh “Côn Lôn” được dùng để chỉ “Côn Đảo” từ khi
nào?
- Quốc sử quán triều Nguyễn có lẫn lộn tên gọi của các đảo phía Nam như Maybon nghi ngờ
không?
- Bằng chứng phương Tây góp phần xác định Côn-lôn trong sách của Quốc sử quán triều
Nguyễn chính là Côn Đảo như thế nào?
4.1. Văn bản Trung Hoa dùng chữ Côn Lôn để chỉ Côn Đảo từ khi nào?
Chân Lạp phong thổ ký là một ghi chép về hành trình đi đến nước Chân Lạp (Campuchia ngày
nay) mà Chu Đạt Quan đã làm trong hai năm 1296-1297. Trong bản dịch của quyển sách này ra
tiếng Pháp, Pelliot chú thích về địa danh biển Côn lôn mà Chu Đạt Quan đã nhắc đến khi chuẩn
bị vào cửa sông Cửu Long:
“Hai chữ K‟ouen-louen được dùng để chỉ xứ Mã Lai theo nghĩa rộng, và quần đảo Poulo
Condore theo nghĩa hẹp. Chúng ta thấy rằng theo sách này thì biển Côn Đảo trải dài lên
phía Bắc nhiều hơn so với vị trí của quần đảo này.” (Pelliot P. 1902, tr.138)
G. Ferrand nói cụ thể hơn khi cho biết là nghĩa hẹp của địa danh này càng ngày càng phổ biến
trong các văn bản bằng chữ Hán:
“Từ cuối thế kỷ XIII, trong một số văn bản 崑崙5 K’ouen-louen [Côn Lôn] chỉ được dùng
để chỉ riêng Poulo Condore [Côn Đảo] mà thôi. Poulo Condore là cách ghi âm bình dân
từ chữ Mã Lai Pulaw Kundur có nghĩa là „đảo bí đỏ‟, mà người Khmer dịch ra là Koh
Tralách, cũng có nghĩa như vậy. Người An Nam thì ngược lại, họ xuất phát từ chữ hán
K’ouen-louen rồi biến nó thành 崑 𡽫 Côn-nôn. Kundur biến thành Condur trong sách
của Marco Polo.” (Ferrand G. 1919, tr. 327)
Ở một chỗ khác trong cùng tài liệu, Ferrand dẫn chứng những tác giả đã dùng chữ K’ouen-louen
tức Côn Lôn để chỉ Côn Đảo ngày nay:
“Từ thế kỷ XIII và nhất là thế kỷ XIV nhiều bằng chứng mà các nhà du hành Trung Hoa
cung cấp cho chúng ta như Tcheou Ta-Kouan [Chu Đạt Quan], Wang Ta-yuan [Wang
Dayuan, Uông Đại Uyên], Ma Houan [Mã Hoan], Fei sin [Fei Xin, Phi Tín] đã đi lại
trong vùng này và đã lấy được nhiều thông tin tại chỗ. Những địa danh huyền thoại hoặc
mơ hồ không còn xuất hiện trong các ghi chép của họ nữa. Từ đó K‟ouen-louen sẽ được
dùng để chỉ một cụm đảo nhỏ nằm ở biển Đông, đảo Pulaw Kundur.” (Ferrand G. tr. 328-
329)
Điều này cũng đã được Phạm Hoàng Quân cho biết khi khảo sát bộ Nguyên sử (chép việc nhà
Nguyên giai đoạn 1279- 1368):
“Tên biển lớn Hỗn Độn 混沌, là một cách phiên âm từ tên Condore [Pulo Condore/
Kundor], tên gọi này hồi thời Đường được Giả Trầm ký âm là Quân Đột Lộng Sơn 軍突
弄山(69), trong Đảo Di chí lược viết theo cách phiên khác là Quân Đồn 軍屯 hoặc Côn
Lôn 崑崙.” (Phạm Hoàng Quân, 2011, tr. 38)
Kèm theo đoạn trên là chú thích (69) ở cuối bài viết có nội dung như sau:
“Đảo Di chí lược mục Côn Lôn viết là Côn Lôn Dương 崑崙洋, lời hiệu khám và chú
của Tô Kế Khoảnh : “Côn Lôn Dương, Nguyên Sử - Sử Bật truyện còn viết là Hỗn Độn
Đại Dương, là vùng biển quanh đảo Côn Lôn.” (Phạm Hoàng Quân, 2011, tr. 50)
Trog một nghiên cứu về các chuyến hải hành về phương Tây của người Trung Hoa trong lịch sử,
Pelliot cũng có ghi lại lộ trình 7 chuyến đi của đô đốc Trịnh Hòa, trong đó có các chi tiết liên
quan đến lượt về chuyến thám hiểm cuối cùng của ông ta diễn ra vào năm 1433 như sau:
“Trong bộ sách Các chuyến du hành trên biển Tây 下西洋 [Hạ Tây dương], người ta có
ghi lại hành trình lượt về của chuyến thám hiểm cuối cùng của Trịnh Hòa (1433): “Ngày
20 (tức 9 tháng 5 năm 1433), đến Man-la-kia (tức Malacca). Ngày 10 tháng 5 âm lịch
(tức 27 tháng 5 năm 1433), băng qua 崑崙洋 biển Côn Lôn theo hướng ngược lại [so với
lượt đi]. Ngày 23 (tức 9 tháng 6 năm 1433), đến 赤坎 Tch‟e-k‟an [Xích Khảm?] (3). Ngày
26 (tức 13 tháng 6 năm 1433) đến Tchan-tch‟eng (Champa, Chiêm Thành). Ngày 1 tháng
6 âm lịch (tức 17 tháng 6 năm 1433), đoàn thuyền nhổ neo. Ngày 3 (tức 19 tháng 6 năm
1433), đoàn thuyền đến 外羅山 Wai-lo-chan [Ngoại La Sơn] (4). Ngày 9 (tức 25 tháng 6
năm 1433), về đến 南澳山 (Nan-ngao-chan) [Nan‟ao shan, Nam Áo] (5).” (Pelliot 1933,
tr. 310)

5
Chữ hán trong nguyên văn. Khi dịch ra tiếng Việt, chúng tôi cố gắng ghi lại những chữ hán được dùng trong
nguyên văn.
Chú thích (3) đưa người đọc đến một bài viết vào năm 1886 của Phillips, trong đó ông cho biết 赤
坎 (mà ông phiên âm là “Chih k‟an”) chính là Cape St. James, là cách gọi của người Anh để chỉ
Vũng Tàu (Phillips, 1886, tr.40).
Chú thích (4) ghi là theo Pelliot 1904 (tr. 208) có thể đó là Cù lao Ré, còn gọi là Poulo Canton.
Phạm Hoàng Quân cũng xác nhận rằng Ngoại La chính là đảo Lý Sơn (tức Cù lao Ré) của Việt
Nam. “Phía trái [hướng tây] Vạn Lý Thạch Đường là hòn đảo ghi địa danh Ngoại La [tức đảo Lý
Sơn]” (Phạm Hoàng Quân 2012, tr.107)
Chú thích (5) ghi là “hòn đảo Namoa, phía Đông Swatow” (tức Shantou, Sán Đầu).
Sau khi tham khảo những ghi chép chi tiết về các chuyến hải hành do người Trung Hoa biên
soạn trong quyển Zhenghe’s Voyages to South Seas của Yang Ju xuất bản năm 2006, Danny
Wongtze-Ken cho biết thêm:
“Vào thời nhà Minh, khi hạm đội Trung Hoa dưới quyền chỉ huy của Zhenghe [Trịnh
Hòa] và các tướng dưới quyền đi về các nước Đông Nam Á, thì Condore Island [Côn
Đảo] là một trong số những nơi dừng chân chính trước khi đoàn thuyền tiếp tục đi đến
nơi khác ở Đông Nam Á. Hạm đội của Trịnh Hòa đã dừng chân ở Condore vào các năm
1405, 1407, 1411, 1417 and 1424.” (Danny Wongtze-Ken. 2012, tr. 1101)
Trong Hải quốc văn kiến lục ra đời năm 1730, Trần Luân Quýnh đã dành hẳn chương 7 để mô tả
Côn Lôn tương ứng với vị trí Côn Đảo của Việt Nam, chứ không còn mù mờ như nhiều thế kỷ
trước: “Côn Lôn 崑崙, ghi chép về đảo Côn Lôn trong biển Nam Dương [nay gọi Côn Đảo, Việt
Nam]” (Phạm Hoàng Quân, 2009, tr. 106)
Tóm lại, ngay từ thế kỷ XIII chữ Côn Lôn đã được sử dụng trong nhiều tài liệu chữ hán để chỉ
Côn Đảo ngày nay của Việt Nam, và có thể khẳng định rằng trong các thế kỷ sau đó người Trung
Hoa không còn sử dụng chữ Côn Lôn để chỉ mọi nơi chốn như thời xa xưa. Dựa trên mối quan
hệ văn hóa và giáo dục khá mật thiết giữa Việt Nam và Trung Hoa thời ấy, chúng ta có thể tin
rằng đến thế kỷ XIX là thời gian biên soạn Đại Nam thực lục có lẽ không có sử quan Việt nào lạc
hậu đến độ mơ hồ về địa danh Côn Lôn như Maybon đã khiến nhiều người lầm tưởng. Thật vậy,
chẳng hạn như trong Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Nguyễn Thông cũng đã có trích
dẫn Hải quốc văn kiến (1730): của Trần Luân Quýnh, một tác giả thời nhà Thanh
“Đảo Côn Lôn (lại gọi là Côn Đồn). Sách Hải Quốc văn kiến chép: Phía nam biển 7 bãi
(thất châu) núi lớn núi nhỏ 2 núi đứng sừng sững to lớn, gọi là Đại Côn Lôn, Tiểu Côn
Lôn. Có sự rất lạ là trên núi có quả ngon mà không có bước chân người nào đến nơi, chỉ
để cho thần long (thuồng luồng) chiếm cứ. Trước đây lúc người Hà Lan mất Đài Loan
[1662], giới cấm ven biển chưa lập lại được. […] Hà Lan đến ăn cướp chùa Phổ đà, phá
tượng đồng, chuông đồng. […] Chúng đến đảo Côn Lôn, ý muốn ở đấy, bọn thuồng
luồng quấy rối, sau nhờ có súng đánh nhau với thuồng luông, cầm cự được nhiều ngày.”
(Nguyễn Thông 2009, tr.152-153)
Nhưng để có thể xác định chắc chắn là Côn Lôn trong các tài liệu của Quốc sử quán triều
Nguyễn chính là Côn Đảo ngày nay, chúng ta hãy cùng làm thêm các kiểm chứng khác.
4.2. Văn bản nước ta dùng chữ Côn Lôn để chỉ Côn Đảo từ khi nào?
Để biết Quốc sử quán triều Nguyễn có lẫn lộn về tên của các đảo phía Nam như Maybon nghi
ngờ hay không, trước hết ta hãy cùng khảo sát những đoạn có nói về Côn Lôn và các đảo Cổ
Long, Cổ Cốt được nhắc tới trong Đại Nam thực lục.
Lần đầu tiên Đại Nam thực lục nói về Côn Lôn liên quan đến sự kiện người Anh xây dựng cơ sở
trên đảo này vào năm 1702:
“Giặc biển là người Man An Liệt [tức người Anh] có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn
Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ
ban, ngũ ban (mấy ban cũng như mấy bực, nguyên người Tây phương dùng những tên ấy
để gọi bọn đầu mục của họ) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa
đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan (con
Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên. Chúa
sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, tr.115)
Lần thứ hai là nói về việc tổ chức đánh đuổi người Anh ra khỏi Côn Lôn năm 1705:
“Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An Liệt. Trước là Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc
Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết.
Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy
làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban, nhị ban, bắt
được ngũ ban trói lại, còn tam ban, tứ ban thì theo đường biên trốn đi. Phúc Phan nghe tin
báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng
thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở
dọc đường. (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002, tr. 117)
Hai sự kiện này đều được ghi chép khá chi tiết trong hồ sơ của Công ty Đông Ấn Anh và của
nhiều nhà hàng hải như Lockyer, Hamilton…6, và được ghi là đã xảy ra ở Pulo Condore, tức là
Côn Đảo! Điều đó chứng minh hùng hồn rằng các quan triều Nguyễn chẳng những không gọi tên
sai, mà còn hơn thế nữa, là họ đã kiểm soát khá tốt tình hình của hòn đảo này ngay từ đầu thế kỷ
XVIII.
Hơn nữa, trong Đại Nam thực lục phần chính biên đệ nhất kỷ quyển 2 khi nói về các sự kiện năm
1783, các đảo Cổ Long, Côn Lôn và Cổ Cốt đều được nhắc tới vì chúng đều gắn liền với những
sự việc khác nhau. Đặc biệt là trong giai đoạn này, đảo Cổ Long thuộc quyền kiểm soát của
vương quốc Xiêm (Phạm Hoàng Quân, 2013, tr. 60), còn Côn Lôn thuộc quyền kiểm soát của xứ
Đàng Trong. Điều đó cho thấy là khả năng nhận diện nhầm đảo Cổ Long thành đảo Côn Lôn
không thể xảy ra:
“Tướng Xiêm là Vinh Li Ma đến xin theo. Vinh Li Ma lánh loạn Oan Sản ra ở đảo Cổ
Long, nghe tin vua đến Hà Tiên, đem hơn 200 quân của mình, hơn chục chiến thuyền,
tình nguyện theo về. Vua nhận. Tháng 6, vua đóng ở hòn Điệp Thạch [hòn Đá Chồng]
thuộc Phú Quốc. Thống suất giặc là Phan Tiến Thận thình lình đem quân đến. Cai cơ Lê
Phước Điển xin mặc áo ngự mà đứng ở đầu thuyền. Giặc tranh nhau đến bắt. Vua bèn đi
thuyền khác ra đảo Côn Lôn. Tôn Thất Điển (con thứ sáu Hưng Tổ), cùng Chưởng Thủy
dinh Tôn Thất Cốc, Chưởng cơ Hoảng và Vinh Li Ma đều bị Tây Sơn bắt.” (Quốc sử
quán triều Nguyễn 2002, tr. 217)
Hoặc trong một đoạn khác:
“Mùa thu, tháng 7, Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn, sai người đảng là phò
mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp. Bỗng mưa
gió nổi lớn, bốn bề mây mù kín mít, người và thuyền cách nhau gang tấc cũng không thấy
nhau. Sóng biển nổi lên dữ dội. Thuyền giặc tan vỡ chìm đắm không xiết kể. Thuyền vua
6
Xem các bài viết về Côn Đảo của chúng tôi trên tạp chí Xưa & Nay các số tháng 7, 9 và 10 năm 2019.
bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc.” (Quốc sử
quán triều Nguyễn 2002, tr. 217-218)
Tác phẩm Gia Định thành thông chí được Trịnh Hoài Đức (1765-1825) biên soạn khoảng năm
1820; ông là một nguyên lão của nhà Nguyễn, sinh ra và lớn lên ở Gia Định, do đó những ghi
chép của ông sát với thực tế hơn một số sử gia cùng thời nhưng sống ở các vùng miền khác:
“Đảo Côn Lôn: Ở giữa biển đông, từ cửa cảng Cần Giờ chạy ghe hướng về phía mặt trời
mọc đi xuống phía đông 2 ngày đêm mới đến. Đảo lớn 100 dặm có ruộng núi trồng lúa
bắp khoai đậu nhưng cũng không nhiều, thường phải mua gạo ở Gia Định để bổ túc. Thổ
sản là ngựa và trâu, không có hùm beo. Dân ở đảo đoàn kết làm binh sĩ gọi là Tiệp nhất
đội, Tiệp nhị đội, Tiệp tam đội, thuộc đạo Cần Giờ, đều có đủ khí giới để phòng bị quân
cướp ở xứ Đồ Bà vì không thể kêu gọi đến chỗ khác được, quân lính ở đấy thường lấy
yến sào, đồi mồi, b aba, quế mắm ốc tai tượng, theo thời tiết dâng nộp; còn sinh kế thì
nhờ có hải vật:cá, tôm quả cau to lớn vỏ hông, khí vị ngọt thơm, thường đến đầu mùa
xuân, nhân cau ở Gia Định chưa kết quả, mà cau ở đảo đã dùng được, chở vào đổi bán,
được giá rất cao.” (Tập thượng, tr.49)
Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi tương tự như Đại Nam thực
lục:
“Năm Nhâm Ngọ Hiển Tông thứ 11 (1702), giặc biển An Liệt đi thuyền đến đậu ở đảo
Côn Lôn, người tù trưởng là bọn Tô Lạt Gia Thi 5 người, chia làm 5 ban, cùng đồ đảng
hơn 200 người, kết dựng trại sách, của cải rất nhiều, bốn mặt đều đặt sung, ở hơn một
năm. Trấn thủ Trấn Biên là Trương Phúc Phan chiêu mộ 15 người Chà Và, bí mật sai bọn
trá hàng, rồi nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban nhị ban, bắt được ngx ban,
còn tam ban, tứ ban thì theo đường biển trốn thoát. Nhận được tin báo thì Trương Phúc
Phan sai binh đi thuyền ra đảo thu hết của cải dâng nộp.” (Quốc sử quán triều Nguyễn,
2006, tr. 153-154)
Trên đây là vài ghi chép rất rõ ràng, rành mạch mà các sử quan triều Nguyễn còn để lại, và thậm
chí còn được kiểm chứng qua những ghi chép của phương Tây về sự kiện 1702-1705 mà hai phía
đều quan tâm.
4.3. Bằng chứng phương Tây góp phần xác định Côn Lôn trong sách của Quốc sử quán triều
Nguyễn chính là Côn Đảo
Để tiếp tục kiểm chứng xem độ tin cậy của những kiến thức về địa lý của các quan chép sử triều
Nguyễn, chúng tôi tìm hiểu những ghi chép độc lập của các nhà truyền giáo và các nhà du hành
phương Tây. Kết quả tìm kiếm cho thấy rằng ngay từ cuối thế kỷ XVII, người dân xứ Đàng
Trong đã ra Côn Đảo sinh sống. Như ghi chép của W. Dampier, tháng 3 năm 1687 ông đã đặt
chân lên đảo và ở lại đó hơn 1 tháng để tu bổ thuyền, và qua tiếp xúc với dân cư đảo, ông cho
biết:
“Dân cư trên đảo này là người Đàng Trong, như họ đã nói với chúng tôi, dù một người
trong số họ nói giỏi tiếng Mã Lai, là ngôn ngữ mà chúng tôi đã biết nói lõm bõm, và một
số người trong thuyền của chúng tôi đã học nói khá tốt, khi chúng tôi neo đậu tại
Mindanao; và đó là ngôn ngữ chung trong giao dịch và buôn bán ở đa số các quần đảo
Đông Ấn (mặc dù nó không phải là tiếng mẹ đẻ của nhiều người trong bọn họ), nghĩa là
một Lingua Franca7 của các vùng này, có thể cho là như vậy” (Dampier 1699, tr. 394)
Một nhà du hành khác còn nói rõ hơn, là năm 1695 Côn Đảo đã thuộc quyền kiểm soát vua xứ
Đàng Trong: trong quyển Giro Del Mondo xuất bản lần đầu năm 1699 bằng tiếng Ý, và bản dịch
sang tiếng Anh xuất bản năm 1704 trong bộ A Collection of Voyages and Travels (quyển 4),
Gemelli Careri cho biết:
“Ngày thứ sáu 22 [tháng 7 năm 1695], chúng tôi trông thấy Côn Đảo, một hòn đảo thuộc
quyền cai trị của vua xứ Đàng Trong, nhưng không có người ở, một số dân Đàng Trong
thường tới lui đảo vào một khoảng thời gian nào đó trong năm để đốn gỗ và thu hoạch
sản phẩm của đảo, như bắp, chuối và cam8. Đảo dài 8 dặm và bề ngang cũng chừng ấy.
Những cơn mưa bão ập xuống mỗi ngày như chúng tôi đã trải nghiệm, là nguyên nhân
khiến người ta không định cư ở đó. Tất cả tàu thuyền đi Manila thường đánh dấu đảo này
để nhận biết hải trình.” (Careri, 1704, tr.283)
Trong thư gửi linh mục E. Souciet, viết từ Côn Đảo ngày 23 tháng 2 năm 1722, nhà truyền giáo
Gaubil đã ghi chép cẩn thận những quan sát về địa lý, khí tượng, tài nguyên thiên nhiên, dân cư,
và sinh hoạt của họ, trên đảo:
“Dân cư của đảo này là thần dân của vua xứ Đàng Trong. Chỗ ở của họ trên đảo không
cố định. Đó là những ngư dân nghèo khổ. Họ chế biến dầu từ mỡ của con vích, làm ván
ốp tàu, bó đuốc, ủ nước mắm để nộp cho các quan lại trong đất liền. Họ bị đối xử khắc
nghiệt. Họ thường xuyên đi đi về về đất liền: có những ngày có đến 200 – 300 người trên
đảo, thậm chí đến 400, nhưng cũng có những ngày trên đảo vắng hoe.” (Souciet E. 1729,
tr.121)
Những ghi chép của kỹ sư hoàng gia Pháp Deidier được cử tới Côn Đảo năm 1721 bổ sung cho
quan sát của Gaubil:
“Dân cư trên đảo khoảng 200 người, kể cả phụ nữ và trẻ con. Đó là những người trốn
chạy khỏi Campuchia và xứ Đàng Trong, mà tình yêu tự do và độc lập đã vẫy gọi họ đến
vùng đất này. Đến nay họ vẫn tận hưởng tình yêu ấy một cách hòa bình, lòng ghen tuông
đố kỵ vẫn chưa gieo rắc nơi lân bang của họ cũng như nơi người châu Âu ý định quấy rối
họ trong việc chiếm hữu đất này.” (D‟Après de Mannevillette 1745, tr. 167)
Những ghi chép trên đây được thực hiện bởi nhiều người thuộc các quốc tịch Ý, Anh, Pháp, làm
nhiều nghề khác nhau như nhà du hành, sứ giả, nhà truyền giáo, kỹ sư; họ chỉ dựa trên quan sát
thực địa chứ không hề bị chi phối bởi tài liệu của nhà Nguyễn. Những ghi chép này cho chúng ta
thấy là các sử quan triều Nguyễn không hề mơ hồ về hòn đảo mang tên Côn Lôn như Maybon đã
nghi vấn.
4.4. Về tên gọi Côn Nôn
Trong thư đề ngày 23 tháng 2 năm 1722, Gaubil có ghi:
“Poulo-Condor là đảo lớn nhất, và là đảo duy nhất có người ở. […] Dân cư ở đây gọi đảo
này là Conon [người Pháp đọc cách ghi âm này là Cô-nôn, từ cách phát âm Côn Nôn của

7
Lingua Franca là thuật ngữ ngôn ngữ học xã hội, dùng để chỉ một loại ngôn ngữ pha tạp hình thành trong quá trình
giao tiếp giữa các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau.
8
Nguyên văn tiếng Ý là grano d'India, fichi, melaranci, bản tiếng Anh là Indian wheat, figs, oranges; bản tiếng
Pháp là bled d’Inde, bananes, oranges.
dân trên đảo], một số người Pháp gọi là đảo Orléans. Poulo-Condor có nghĩa là đảo
Condor.” (Souciet E. 1729, tr. 111)
Trong hồ sơ do Renault biên soạn năm 1723 tên là Mémoire sur l’isle de Poulo Condor,
surnommée Isle d’Orléans, en Chine9 để trình cho lãnh đạo Công ty Đông Ấn Pháp về tình hình
Côn Đảo cũng có ghi tên gọi Côn Đảo là Côn Nôn:
“Poulo Condor, hoặc Isle de Condor, mà người dân ở đây gọi là Conon [Côn-nôn], là
đảo quan trọng nhất và là nơi duy nhất [trong quần đảo này] có người ở.” (Cordier 1883,
tr. 306)
Khi dịch Gia Định thành thông chí, Aubaret cũng dịch Pulo-Condor là Côn Nôn: “Thế là Hoàng
đế chạy về đảo Con-non (2); nhưng cuộc rút chạy của ngài nhanh chóng bị quân nổi loạn phát
hiện” (Aubaret 1863, tr.52) kèm theo chú thích dưới chân về chữ Con-non là Pulo-Condor !
Ngoài ra, nhiều từ điển Việt - Pháp được biên soạn trong thế kỷ XIX cũng dùng Côn Nôn:
- Từ điển Dictionarium anamitico-latinum của Taberd (1838), ở mục từ “崑 : côn; 𡽫崑𡉕 nghĩa
là “hòn Côn Nôn” (tr. 86)
- Từ điển Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích: “崑 Côn : tên
núi. Côn nôn: tên cù lao ở ngay cửa Vĩnh Thanh. Côn lôn: như trên” (tr. 187)
- Từ điển Dictionnaire annamite – français của Génibrel (1898) ghi: “崑 côn: núi Côn: rặng núi
cao ở Tây Tạng. Hòn Côn nôn: đảo Poulo Condor.” (tr. 81)
- Từ điển Dictionnaire annamite – français của Bonet J. (1899, ghi: “Hòn côn non 𡉕崑𡽫, các
đảo núi non Poulo-Condore.” (tr.111)
Pelliot cũng ghi nhận sự hiện diện của cách gọi đảo Poulo Condore là Côn Nôn và giải thích như
sau:
“Cách gọi Côn-nôn không phải có nguồn gốc Mã Lai, và cũng không có diện mạo của từ
ngữ Mã Lai. Nó cũng không thể là từ tiếng khmer, và vì thế ta thấy rằng cách gọi đảo
bằng „từ bản xứ‟ Côn-nôn này không gì khác hơn là cách gọi hiện tại 崑𡽫 của người An
Nam.” (Pelliot 1904, tr. 219)
Nhận xét của Pelliot hoàn toàn có cơ sở: chẳng phải dân cư một số vùng ở nước ta vẫn có thói
quen phát âm những từ bắt đầu bằng phụ âm l thành n đó sao? Vì thế Côn Lôn được phát âm
thành Côn Nôn cũng là điều tự nhiên. Tưởng cũng nên nhắc lại chính sách cấm đạo của chúa
Trịnh lẫn chúa Nguyễn đã khiến nhiều giáo dân theo đạo Thiên Chúa đã phải rời bỏ quê hương,
mà chúng ta có thể đọc được trong ghi nhận của Pierre Poivre về việc di dân của người Việt vào
giữa thế kỷ XVIII để trốn tránh sự hà khắc của vua quan nhà Nguyễn:
“Nhiều người dân xứ Đàng Trong rời bỏ quê hương và đến định cư ở các hòn đảo lân
cận; nhiều người khác vượt núi sang tận Campuchia, thậm chí đến cả Xiêm. Người ta còn
nói với tôi là có nhiều người đi đến tận Côn Đảo.” (Poivre 1887, tr. 93)
5. Kết luận
Qua các phân tích trên đây, chúng tôi muốn chứng minh rằng các nhà viết sử nước ta vào thế kỷ
XIX không hề nhầm lẫn Côn Lôn với đảo nào khác: đó chính là Côn Đảo ngày nay, mà thế giới
từ lâu quen gọi là Poulo Condor hoặc Pulo Condor. Vì thế, những nghi vấn của Maybon và một

9
Có nghĩa là Hồ sơ về đảo Poulo Condor, còn được gọi là đảo Orléans, ở Trung Hoa.
số nhà nghiên cứu khác không hề có cơ sở, và cũng chưa thể phủ định được những gì đã ghi chép
trong Đại Nam thực lục.
Tưởng cũng nên nói qua về cách viết “đem hết thủy binh đến vây ba vòng”: chắc chắn rằng
không ai hiểu câu nói đó theo kiểu chân phương (cho thuyền xếp thành hàng dài vây quanh đảo
tạo thành vòng tròn khép kín), bởi vì thật là ngốc nghếch nếu viên tướng chỉ huy cho quân án
ngữ cả những nơi có vách núi hiểm trở. Vì phần lớn chu vi Côn Đảo có hàng rào thiên nhiên như
vậy, và chỉ có hai lối vào bến đỗ thuyền để lên đảo, nên Trương Văn Đa chỉ cần canh phòng hai
lối tàu thuyền đảo là đủ!

Tài liệu tham khảo


Aubaret G. 1863. Histoire et Description de la Basse-Cochinchine. Paris: Imprimerie Impériale.
Bonet J. 1899. Dictionnaire annamite – français. Paris: Imprimerie Nationale.
Careri Gemelli G.F. 1704. A Voyage round the World, trong A Collection of Voyages and
Travels, Vol. IV, London: Awnsham & J. Churchill.
Cordier H. 1883. Mémoires divers sur la Cochinchine. Revue de l’Extrême-Orient, no 2. Paris:
Ernest Leroux.
D‟Après de Mannevillette 1745. Routier des côtes des Indes Orientales et de la Chine. Paris: Ch.
J. B. Delespine.
Dampier W. 1699. A New Voyage round the World. Vol. I. London: James Knapton.
Danny Wongtze-Ken. 2012. The Destruction of the English East India Company Factory on
Condore Island, 1702–1705. Trong tạp chí Modern Asia Studies 46, 5 (2012) pp. 1097–1115.
Dương Kỵ 1942. Một bức thư Huế. Trong tạp chí Tri Tân, số 56, từ ngày 23-28 tháng 7 năm
1942.
Đỗ Đình Nghiêm 1924. Một đoạn lịch sử nước nhà. Đức Cao Hoàng và ông Giám mục Bá Đa
Lộc. Trong tạp chí Nam Phong, số 79 tháng 1 năm 1924, Tr. 13-29.
Ferrand G. 1919. Le K'ouen-louen et les anciennes navigations interocéaniques clans les Mers du
Sud. Trong Journal Asiatique, số 13 năm 1919.
Génibrel J.F.M. 1898. Dictionnaire annamite – français. Saigon: Imprimerie de la Mission à Tân
Định.
Huình Tịnh Paulus Của 1895. Đại Nam Quấc âm tự vị. Saigon: Imprimerie Rey, Curiol & Cie.
Lê Thọ Xuân 1942. Chúa Nguyễn Ánh có chạy thấu Côn Lôn không? Trong tạp chí Tri Tân, số
61, từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 năm 1942.
Long Điền 1942. Một nghi điểm về lịch sử đã được biện minh. Trong tạp chí Tri Tân, số 67, từ
ngày 7 đến ngày 13 tháng 10 năm 1942.
Maybon Ch., 1919. Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820). Paris: Plon.
Nguyễn Đắc Xuân 2009: Năm 1783 Nguyễn Ánh có chạy ra Côn Đảo hay không? Trong tạp chí
Nghiên cứu và Phát triển số 3 (74) tr.113-119.
Nguyễn Thanh Lợi 2014. Về sự kiện Nguyễn Ánh đến Côn Đảo năm 1783. Trang mạng Nghiên
cứu lịch sử, tại địa chỉ: https://nghiencuulichsu.com/2014/05/23/ve-su-kien-nguyen-anh-den-con-
dao-nam-1783/ (truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2019).
Nguyễn Thông, 2009. Việt sử thông giám cương mục khảo lược. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa
Thông tin.
Nouvelles Lettres édifiantes des missions de la Chine et des Indes orientales, Tome 6. 1821
Paris: Ad Le Clere.
Pelliot P. 1902. Mémoire sur les coutumes du Cambodge. Trong tạp chí Bulletin de l'Ecole
française d'Extrême-Orient. Tome 2 (1902) tr. 123-177;
Pelliot P. 1904. Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle. Trong tạp chí Bulletin
de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Tome 4 (1904) pp. 131-413.
Pelliot P. 1933. Les grands voyages maritimes chinois au début du XVe siècle. Trong tạp chí
T’oung Pao, số 30 (năm 1933).
Phạm Hoàng Quân, 2009. Hải quốc văn kiến lục: Khảo sát và trích dịch. Trong tạp chí Nghiên
cứu và Phát triển, số 6 (77).
Phạm Hoàng Quân, 2011. Những ghi chép liên quan đến Biển Đông Việt Nam trong chính sử
Trung Quốc. Trong tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 6 (118), tr. 22-54.
Phạm Hoàng Quân, 2012. Về địa danh và vị trí Vạn lý Trường sa - Vạn lý Thạch đường trên địa
đồ hàng hải thời Minh ở Thư viện Đại học Oxford. Trong tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 8-
9 (97-98).
Phạm Hoàng Quân, 2013. Xiêm La quốc lộ trình tập lục. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 8
(106).
Phillips G., 1886. The Seaports of India and Ceylon, described by Chinese Voyagers of the
Fifteenth Century, together with an Account of Chinese Navigation from Sumatra to China.
Trong tạp chí Journal of the China Branch of the Royal Asiatic Society, vol. XXI. Shanghai.
Poivre P. 1887. Description de la Cochinchine 1749-1750. Trong tạp chí Revue de l’Extrême-
Orient, số 3.
Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002. Đại Nam thực lục, tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch sang tiếng
Việt). Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.
Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006. Đại Nam nhất thống chí, tập 5 (Phạm Trọng Điềm dịch sang
tiếng Việt). Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa.
Souciet E. 1729. Observations mathématiques, astronomiques, géographiques, chronologiques,
et physiques. Paris: Rollin Libraire.
Taberd J.L. 1838. Dictionarium anamitico-latinum. Serampore: Marshman.
Trịnh Hoài Đức 1972. Gia Định thành thông chí, tập thượng (do Tu Trai Nguyên Tạo dịch). Sài
Gòn: Nha Văn hóa xuất bản.

You might also like